- Lời nói đầu
- Nghi thức tụng niệm
- Quyển thứ nhứt
- Phần chú giải quyển thứ nhất
- Quyển thứ hai
- Phần chú giải quyển thứ hai
- Quyển thứ ba
- Phần chú giải quyển thứ ba
- Quyển thứ tư
- Phần chú giải quyển thứ tư
- Quyển thứ năm
- Phần chú giải quyển thứ năm
- Quyển thứ sáu
- Phần chú giải quyển thứ sáu
- Quyển thứ bảy
- Phần chú giải quyển thứ bảy
- Quyển thứ tám
- Phần chú giải quyển thứ tám
- Quyển thứ chín
- Phần chú giải quyển thứ chín
- Quyển thứ mười
- Phần chú giải quyển thứ mười
- Phần phụ lục
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Đức Phật nói Kinh Hồng Danh Lễ Sám
Lời nói đầu
Nguồn: Việt dịch từ Dịch từ Tục Tạng Kinh (Ấn Độ soạn thuật)
Chúng sinh sanh trưởng trong đời mạt phát hầu hết nghiệp nặng phước nhẹ, chướng sâu huệ cạn, trọn cuộc đời gặp nhiều khổ đau, thân tâm loạn động, ngay cả hàng xuất gia cũng lại như vậy. Thế nên trên đường đời, đường đạo đều gặp rắc rối giống nhau, thân tâm khổ lụy. Trong Kinh Địa Tạng có câu “Mạt thế chúng sinh nghiệp lực thậm đại, năng địch Tu Di, năng thâm cự hải, năng chướng thánh đạo…” nghĩa là chúng sanh ở đời rốt sau của giáo pháp, sức nghiệp vĩ đại, so sánh có thể cao như núi Tu Di, sâu rộng như biển cả, nó thường hay ngăn chận con đường lên quả Thánh…
Đời hiện tại thường xuyên bị sự khó khăn, tai nạn, bịnh hoạn trầm trọng, như thế là do đâu? Chính do mỗi người tạo nhiều nhơn ác trong đời quá khứ, hoặc nhiều kiếp về trước đã gieo nhơn đen tối, nặng nề khổ đau, nên đời hiện tại mang thân mạng nầy mới chịu nhiều tai biến, nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc. Trong Kinh Nhơn Quả, đức Phật đã dạy: “Muốn biết nhơn đời trước của mình ra sao thì cứ nhìn thẳng những việc mình đang lãnh thọ trong đời này; muốn rõ quả báo kiếp sau của mỗi người thế nào, thì cứ xem các nhơn mỗi người tạo tác trong đời nầy.” Nguyên văn: “Dục tri tiền thế nhơn, kim sanh thọ giả thị; yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.”
Cảm thông sự đau khổ, tật bịnh, phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng của chúng sinh trong đời mạt vận, chúng tôi mới nhín thì giờ dịch thuật toàn bộ Hồng Danh Lễ Sám nầy, mục đích là để cho Phật tử tại gia, xuất gia nói riêng và tất cả các tầng lớp người nói chung, đọc học, thọ trì, lễ bái, cho nghiệp chướng tội lỗi ngày càng thuyên chuyển, nếu ai nhất tâm hành trì, chắc chắn chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển sanh tử thành niết bàn, khi đó căn bản phiền não, tùy thuộc phiền não dứt sạch.
Bộ Hồng Danh Lễ Sám nầy được dịch từ bản chữ Hán trong Tục Tạng Kinh – Tập I, Ấn Độ soạn thuật. Bản chính mang danh tựa là “Phật Thuyết Phật Danh Kinh,” gồm 30 quyển. Trong đó, từng đoạn từng đoạn, Phật thuyết nhơn quả báo ứng, nghiệp lực, tội khổ của chúng sanh đã tạo, đương tạo… rồi nói đến Hồng Danh các đức Phật, Bồ Tát, La Hớn, Tổ Sư v.v… Về các bài kinh văn trường hàng, chư Tổ về sau có thêm vào văn sám nguyện, trong Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, trong Lương Hoàng Sám, trong Dược Sư Sám… Chúng tôi nhận xét nếu đề “Phật Thuyết Phật Danh Kinh” thì phải thuần là danh hiệu Phật, nhưng trong ấy lại có nhiều danh hiệu Bồ Tát, La Hớn, Tổ Sư… do đó, nên chúng tôi xin đổi lại là “Đức Phật Nói Kinh Hồng Danh Lễ Sám quyển thứ nhất, quyển thứ hai v.v… ”
Trọn bộ chúng tôi chia thành ba tập: Tập I, Tập II và Tập III.
Mỗi tập có năm ngàn Hồng Danh (5,000). Ba tập là mười lăm ngàn Hồng Danh (15,000). Một đoạn văn để đọc, tụng cho hiểu nghĩa nhơn quả tội phước, một đoạn Hồng Danh lễ lạy sám hối phát nguyện tu trì, công đức hồi thí… Bộ Hồng Danh Lễ Sám nầy chuyên chú về phần hành trì nhiều hơn, do đó chúng tôi cho in chữ lớn để dễ bề đọc tụng, lễ bái.
Ba tập nầy được hoàn thành, về tịnh tài để ấn hành nhờ có sự thành tâm pháp thí của chư Phật tử bốn phương. Phần đánh máy có công đức của quý Tỳ kheo ni Thích Nữ Trí Hòa, Thích Nữ Trí Minh, Thích Nữ Trí Lực, và Phật tử Tịnh Hảo, Minh Tánh.
Trình bày và kỹ thuật máy là phần công đức của Phật tử Phúc Tâm, Minh Tánh.
Riêng về phần soạn dịch, vì thời gian không liên tục, vì Phật sự quá đa đoan, vì Kinh sách tham khảo còn thiếu thốn, nên e không hoàn bị cho lắm, nếu có chỗ nào sơ thất, mong quý vị cao minh cho biết, để lần sau tái bản được muôn phần hoàn hảo hơn.
Chúng tôi cầu nguyện hồi hướng cho tất cả mọi người, mọi thí chủ, hoặc thiện chí, hoặc công đức, hoặc tịnh tài, đều tròn đầy phước lạc, tùy tâm mãn nguyện.