Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tâm Xuân Vũ Trụ Xuân

13/05/201312:52(Xem: 10224)
Tâm Xuân Vũ Trụ Xuân
Cho Trọn Mùa Xuân


Tâm Xuân Vũ Trụ Xuân

HT. Thích Đức Niệm
Nguồn: www.quangduc.com


mai-7Thời gian lặng lẽ trôi qua theo đà nhịp tim bóp thắt. Thấm thoát 12 tháng trôi nhanh, 365 ngày thoạt đủ, chúng ta lại đón mừng xuân mới, với hy vọng năm mới sáng sủa hơn. Nhưng hy vọng chỉ là hy vọng! Mà thực tế thì mỗi lần đón mừng xuân là một lần ta chất chồng thêm tuổi đời, mặc nhiên ta lặng lẽ xa dần cái sinh lực tráng kiện trẻ trung, đồng thời rút ngắn đi mạng sống luân chuyển theo vòng sanh trụ hoại diệt. Nếu không có thiện duyên với Phật pháp, không khôn ngoan lấy Phật pháp để nuôi dưỡng trí huệ soi sáng cho đời mình, không chọn định hướng cho lẽ sống thánh thiện trần thế, thì càng đón mừng nhiều mùa xuân trần thế, lại càng bê tha trong rượu thịt tiệc tùng, say mê trong sòng bài canh bạc, ta lại càng gây tạo sâu dày lầm lỗi. Như thế thì tinh thần lẫn vật chất, đạo đức lẫn trí thức, sẽ từ từ cằn cỗi chất chồng thêm lầm lỗi với mỗi lần xuân đến xuân đi.

Là đệ tử Phật, chúng ta không phải đón xuân bằng tâm trạng vui buồn, hy vọng hay thất vọng. Là đệ tử Phật, chúng ta không phải chỉ để lòng mừng xuân thời gian, rộn ràng theo xuân trần cảnh hạn cuộc giả tạm có đến có đi. Là đệ tử chân chánh của Phật, không thể tự mãn với những lời chúc tụng khen thưởng giả tạo như người trần thế: phước như đông hải, thọ tợ nam sơn v.v… Đã tự nhận là đệ tử Phật, chúng ta phải đích thực tạo cho chính chúng ta một đời sống giống như đức Phật, hay như hàng đệ tử chứng thánh của Ngài. Nghĩa là, chúng ta luôn luôn nghĩ đến đức hạnh sâu dầy, trí huệ ngời sáng như ánh trăng rằm Trung-Thu của đức Phật để noi theo. Chúng ta phải luôn luôn lấy Phật làm gương soi sáng cho chúng ta. Chúng ta lấy tâm Phật làm tâm mình; lấy hạnh Phật làm hạnh mình; lấy nguyện Phật làm nguyện mình. Phải học nói những gì đức Phật đã nói. Phải làm những gì đức Phật đã làm. Phải nghĩ những gì đức Phật đã nghĩ. Và phải tập sống như đức Phật để từ đó có được mùa xuân đạo hạnh thường tại.

Trên đường đi đến mục đích của đạo quả, ta phải đi từ thấp lên cao, từ gần đến xa, từ dễ đến khó, từ nhà thế gian đến nhà xuất thế gian. Trên đường chân lý giác ngộ giải thoát, ta phải phát nguyện một lòng quyết tâm đi đến đích, tất nhiên không tránh khỏi nhiều nguy khó. Nhưng điều thiết yếu và cũng là điều tối quan trọng là, ta phải kiên tâm quyết chí với lý tưởng mình đã tôn thờ. Đức Phật nói: “Trên đường hành đạo để kiến tạo giác ngộ giải thoát, dù có gặp phải chướng ngại ngã quỵ hiểm nguy đến lần thứ một trăm, các con phải kiên tâm trì chí tinh tấn dõng mãnh đứng dậy tiếp tục tiến bước như lần đầu, rồi chậm mau gì các con cũng đạt đến đích của bến bờ giác ngộ giải thoát.” Nhân cách của Phật hùng vĩ nguy nga tráng lệ. Tâm lượng của Phật rộng lớn thênh thang như trời biển. Ánh đạo vàng của Phật ngàn đời ngời sáng khắp trần gian soi đường thẳng tiến cho mọi loài chúng sanh. Trí huệ của Phật là ngọn hải đăng vĩ đại cho những con thuyền văn minh khoa học nhân loại đang tìm định hướng trong đêm dài phát minh. Con đường đức Phật là con đường giải thoát cho chúng sanh đang nổi trôi trong tam giới luân hồi. Ta đã tự nhận là đệ tử Phật, hãy nên tự trầm tư quán sát nhân cách của ta, tâm lượng của ta, tri kiến của ta, đã trải qua bao mùa xuân sống trong cửa Phật rồi, có chút nào tiến bộ không. Ta đã bắt được nhịp cầu cảm thông giữa Phật và ta chưa? Giờ đây chắp tay đối diện trước Phật đài trong ngày đầu năm mới để dâng trọn lòng thành tâm khấn nguyện “Phật từ gia hộ.” Lúc thành tâm khấn nguyện đó, ta có thật lòng mạnh dạn phát lời thề nguyện sống trọn vẹn với bản nguyện sơ tâm tin Phật không? Ta có thành tâm khẩn thiết nguyện dốc lòng tu trọn Tứ-hoằng-thệ-nguyện không? Chư Phật Bồ-Tát đã triệt để tu hành Tứ-hoằng-thệ-nguyện nầy mà các Ngài thành đạo cứu đời. Ta nay quỳ trước Phật đài trong ngày đầu năm cũng nên thành tâm khẩn thiết phát nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Trước Phật đài, trong ngày đầu năm, giữa làn khói trầm hương quyện tỏa, trong bầu không khí linh thiêng, với những đóa hoa tươi muôn màu sắc, ta nên hết lòng chí thành chí kính, tự tâm can sâu kín phát những lời khẩn thiết, nguyện tu tập thật sự chứ không phải tu lý thuyết, nguyện ngày một tinh tấn tu tập theo Tứ-hoằng-thệ-nguyện, để tiến lên sống trong tâm lượng Phật, hoàn thành nhân cách Phật.


1. NHÂN CÁCH ĐỨC PHẬT

Đức Phật vốn là một Thái-tử như bao nhiêu Thái-tử, là một con người như bao nhiêu con người. Ngài là con người bằng da bằng thịt, có cha mẹ, có gia thất, có quốc thành, quyến thuộc, không phải thần linh huyền tưởng. Ngài được đời tôn kính ngưỡng mộ, không phải vì giòng tộc vua chúa,giàu sang, mà vì Ngài có đầy đủ tất cả đức tánh siêu phàm thoát tục của một thánh nhân, bậc Đạo-Sư xuất thế. Trí huệ Ngài chẳng những đầy đủ mà còn siêu việt tất cả khả năng trí huệ của các nhà bác học, khoa học, tâm lý học, tinh thần học, nhân chủng học, vật lý học, đạo đức học và cả các bậc hiền triết v.v… Đạo hạnh Ngài bao trùm và siêu việt đạo hạnh các thánh nhân kim cổ. Tất cả thế học và xuất thế học, Ngài đều thông suốt và siêu xuất. Điểm đặc biệt nơi nhân cách của đức Phật là thấu rõ cả căn tánh của học trò và tâm tánh chúng sanh. Ngài đã đem chính bản thân thể nghiệm chứng đắc để khai mở đường sáng an lành, hướng dẫn mọi sanh linh trên quang lộ đó, hầu cho mọi loài có ngày mai sáng sủa an lạc như Ngài. Tâm nguyện đó đã thể hiện qua lời nói của Ngài “Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành. Mọi người đều sẽ thành Phật.


2. ĐỨC PHẬT THẤU HIỂU CHÚNG SANH

Mỗi cá nhân đều hy vọng người khác hiểu biết mình. Nhất là những người sống cô độc, bất hạnh, bất mãn với hiện thực cuộc đời, thiếu thốn tình người ấm cúng, không được người khác nghĩ nhớ đến. Nhưng làm thế nào để thật sự hiểu biết người khác? Đức Phật bằng vào quan sát kinh nghiệm, bằng vào định tâm trí huệ chứng đắc mà quán chiếu suốt thấu tất cả nguồn sâu thẳm tâm lý suốt từ vô lượng kiếp quá khứ và tương lai của chúng sanh.

Thường thì người ta bằng vào cảm quan của mình qua sự tiếp xúc để hiểu người khác. Như giáo sư Gilbert Highet nói trong quyển sách The Art Of Teaching của ông: “Muốn hiểu biết học sinh là phải nói chuyện với họ, phải cùng hòa vui chơi, chịu lắng nghe chúng trò chuyện. Hồi tưởng lại giai đoạn thời đại đã qua của mình ở vào lứa tuổi của chúng. Càng chơn tâm nhiệt tình quan sát như vậy, càng hiểu học trò nhiều hơn.” Ông còn thêm: “Phải biết sự nỗ lực gian khổ của chúng, mục đích không ngoài mong người khác biết sự trưởng thành và thành công của mình. Nhất là nhớ tên, mô phỏng theo tư thái của chúng.”

Nhưng đức Phật hiểu biết người không phải Ngài dùng cảm quan qua chuyện trò hoặc bằng sự chung đụng lân la để từ đó rút ra kinh nghiệm. Bởi vì cảm quan, chuyện trò, kinh nghiệm chỉ là bề ngoài có tánh cách phiến diện cục bộ. Ngài bằng vào sức định tâm trí huệ quán chiếu, nên hiểu biết bằng thấu triệt tha nhân một cách trọn vẹn. Kinh Phật-Địa nói: “đức Phật có đầy đủ diệu-quang-sát-trí” thấu suốt chân tướng công năng, tính chất của người và sự vật. Đức Phật có năng lực đặc thù của ký ức và thấu suốt trạng thái tâm linh chính mình và tất cả chúng sanh. Đối với môn đồ, Ngài không những nhớ rõ từng tên một của đồ chúng, mà Ngài còn nhớ kỹ tuổi tác, quê quán, tướng mạo, tình trạng sức khỏe, khả năng, trí huệ phát triển, hoàn cảnh tâm lý, tình hình xã giao, trình độ kiến thức, khả năng ký ức, năng lực phán đoán, tinh thần hiệu năng học tập, cá tánh, bẩm tánh, thiên phú, tánh ưa thích, nguồn gốc gia tộc, hoàn cảnh gia đình, tình trạng cha mẹ v.v… Theo đó từng căn tánh trình độ, Ngài chọn giáo khoa đề tài để giảng dạy truyền trao. Trong kinh Phật, chúng ta thường thấy đức Phật đúng thời hợp lý, thích ứng căn cơ, Ngài kêu tên đệ tử và khen ngợi những ưu điểm và đặc tánh tốt của họ. Ngài luôn luôn quan sát tánh hướng ngôn hạnh của đệ tử và đồng thời khéo biết lợi dụng cơ hội thuận tiện để dẫn giải sửa sai họ. Chính Ngài biết đúng thời, đúng chỗ, đúng trình độ, đúng cá tánh, nên lời dạy của Ngài bất cứ ai cũng tiếp nhận một cách thoải mái và thấm sâu vào tâm thức. Lời dạy của đức Phật đối với chúng sanh như trận mưa thấm vào lòng đất, làm tươi nhuận muôn vật cỏ cây hoa lá.

Kinh Đại-Thừa Lý-Thú-Lục Ba-La-Mật quyển tám ghi rằng: Bất luận đi đứng, ngồi nằm, động tĩnh, nói năng hay lặng thinh, nhứt cử nhứt động, đức Phật đều thể hiện tinh thần chuyên tâm nhất trí, thanh tịnh an nhiên. Ngài lúc nào cũng sống trong trạng thái thiền định và từ trí huệ của thiền định, Ngài phát ra những lời giải đáp cho đệ tử, tùy theo căn tánh, Ngài dẫn giải đạo lý để cho khế hợp thâm nhập tận sâu vào tâm thức của mỗi hạng người. Vì vậy, kinh Vô-Lượng-Nghĩa và kinh Pháp-Hoa phẩm Một, đều ghi rõ năng lực đức Phật thấu suốt tâm tánh của từng người, suốt rõ dòng tư tưởng của họ từ quá khứ đến hiện tại. Điều nầy rõ ràng như kinh Ma-Ha Bát-Nhã quyển hai, đức Phật nói, không luận tâm đệ tử của Phật có hay không có tạp niệm, động lực mãnh liệt học tập, cảm thọ đặc thù, có hay không có điều oán hận nhàm phiền, nghi hoặc, yêu đương, trách nhiệm gánh vác, giải thoát hay không giải thoát, chuyên tâm hay tán tâm, định tâm hay loạn tâm, có hay không có hoài bão đảm trách việc lớn nhỏ, đức Phật đều thấu biết.

Đức Phật không những hiểu rõ trạng huống tâm tưởng của đệ tử, mà Ngài còn thấu suốt tâm lý của mỗi loài động vật trong vũ trụ. Luận Đại-Trí-Độ quyển thứ hai mươi ba, mô tả trí năng thông đạt của đức Phật bằng danh từ “Tha-tâm-trí,” còn kinh Bát-Nhã gọi là “Tha-tâm-thông.”

Liên quan với việc đức Phật thấu hiểu đồ đệ của Ngài, rõ biết căn cơ chúng sanh, chúng ta có thể nêu một vài sự kiện để rõ thêm vấn đề: Đức Phật từng lấy bốn loại ngựa tốt để thí dụ cho đệ tử mình. Thứ nhứt, hạng đệ tử có căn trí thiên tư tốt nhất là dụ cho giống ngựa tốt nhất, hạng này chỉ cần dùng ám hiệu một chút là hiểu rõ được đạo lý. Thứ hai, hạng đệ tử căn trí thiên tư kém một chút thì cần sự chỉ dạy một chút mới thấu rõ đạo lý. Hạng ba, những đệ tử căn trí kém thua hơn thì cần giáo đạo và thuyết minh nhiều hơn mới ngộ đạo. Hạng tư, những đệ tử trình độ tâm thức yếu kém phải cần nhiều lần cặn kẽ tha thiết giảng giải chỉ bày mới có thể hiểu lời giáo huấn.

Đức Phật không những rõ biết được căn tánh của mọi loại chúng sanh, pháp môn nào thích hợp thôi đâu, mà Ngài còn biết vận dụng phương tiện, dùng hết khả năng, bằng phương thức uyển chuyển để chúng sanh hoan hỷ phấn khởi tiếp thọ, hành trì, được giải thoát mọi thứ phiền não khổ lụy. Ngài còn định hướng được thời gian chúng sanh đó khai mở tâm trí. Chẳng hạn, đức Phật biết những chúng sanh nào chỉ cần lời nói ôn hòa hóa độ; những đệ tử nào cần những lời thống thiết giáo huấn; những môn đồ nào chỉ cần nêu ra vài điều giáo pháp có thể thấm nhuần hiệu quả, Ngài tùy theo đó mà ứng cơ nêu ra vài điều giới pháp. Nghĩa là, Ngài dùng đủ cách thức phương tiện, giáo nghĩa, giới pháp tùy căn tánh thời cơ mà giảng giải hóa độ để cho khắp đủ tầng lớp chúng sanh giác ngộ. Đó là dung nghi trí huệ siêu việt của bậc Đạo-Sư Thích-Ca không thể nghĩ lường được.


3. TRI THỨC TINH THÔNG LÝ TÁNH

Đức Phật chẳng những là một nhà giáo thấu suốt căn tánh tâm niệm của học trò, rõ thấu điều nghi, hiếu kỳ sở thích của mọi cõi lòng trắc ẩn sâu kính của chúng sanh, mà Ngài còn tinh thông học liệu, khéo chọn giáo khoa để giải đáp thỏa mãn những nghi ngờ, phân tích minh triết những vấn đề, tương quan sanh tồn giữa người và người, người và vạn vật, vũ trụ và nhân sinh. Ngài đã minh chứng dẫn giải cặn kẽ căn nguyên của sự thăng trầm cuộc sống, phân tích cội nguồn tâm linh sống động, từ thời quá khứ đến thời hiện tại và suốt cả thời vị lai. Những lời dẫn giải phân tích của Ngài hợp căn tánh, thích thời cơ, có giá trị chân lý muôn đời, thấm mát lòng người và có năng lực tỉnh thức tâm linh chúng sanh muôn đời.

Đức Phật đích thực hiểu biết tất cả chân lý, nên Ngài được tôn xưng là Chánh-biến-tri. Ngài thấu triệt tất cả sự tình của động vật và phi động vật; giải thoát tất cả khốn cảnh của thần tiên và phàm phu, nên luận Đại-Trí-Độ và Du-Kỳ-Kinh-Sớ tôn xưng Ngài là bậc Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Thiên-nhân-sư. Kinh Hoa-Nghiêm xưng tán trí tuệ Phật: “Thiên thượng thiên hạ vô như Phật, thập phương thế giới diệc vô tỷ, thế gian sở hữu ngã tận kiến, nhứt thiết vô hữu như Phật giả.” Nghĩa là: Trên Trời dưới Trời chẳng ai bằng Phật. Mười phương các cõi chẳng ai sánh bằng. Tất cả thế gian, Ngài suốt thấy. Tất cả chẳng ai bằng như Phật. Trí huệ của Phật ngời sáng tuyệt vời. Thần lực tự tại của Phật được nói trong kinh Pháp-Hoa phẩm Dược-Vương: “Đức Phật thấu suốt tất cả chân lý. Tùy ý hiểu rõ cội nguồn của mọi hiện tượng sự vật, tự tại không trở ngại. Đức Phật đã quét sạch tất cả chướng ngại của tâm trí. Nên suy tư của Ngài là chân lý. Lời nói của Ngài là chân lý. Hành động của Ngài là chân lý. Năng lực tâm linh và hành nghi thân thể của Ngài là thể hiện trọn vẹn chân lý. Tất cả mọi động tĩnh của đức Phật đều thể hiện từ bi lợi tha. (He who has insight into the Dhamma sees the Buddha.)


4. ĐỨC PHẬT LÀ BẬC CHÍ CÔNG VÔ TƯ TỰ THỂ DÂN CHỦ

Điều tối kỵ của bậc Đạo-Sư là có cái tâm thiên vị. Giáo chủ mà có tâm thiên vị, thiếu đức tánh chí công vô tư thì mang đến cho nhân loại bất an và sẽ tạo ra vô vàn sự bất mãn. Đức Phật tuyệt đối bình đẳng đối với mọi loài. Kinh Hoa-Nghiêm ghi rằng: “Đức Phật chí công vô tư như ánh sáng mặt trời chiếu lên vạn vật.” Kinh Pháp-Hoa thì nói rằng: “Đức Phật vì lợi ích chúng sanh mà xuất hiện ở đời. Ngài như nước mưa, muôn loài cỏ cây đều được nhuần thấm.” Tâm từ bi của Phật không được phân biệt đẳng cấp, chủng loại. Ngài giải tỏa mọi thắc mắc uẩn khúc trong cõi lòng sâu kín của chúng sanh. Nếu chẳng may chúng sanh nào, đồ đệ nào vì vô minh mà ngoan cố xúc phạm đến Ngài, thì Ngài vẫn lân mẫn thân thiện tận tụy an ủi giảng giải, không một chút trách móc dỗi hờn. Kinh Bồ-Tát-Giới nói: “Nếu có một đệ tử nào không tin, phản đối lời dạy, đức Phật không những không buồn giận, không phiền trách, mà Ngài còn đối với chúng sanh ấy ưu ái quan hoài, ân cần cặn kẽ nhiều lần chỉ bày giảng dạy như bao lần trước đó, như bao nhiêu người khác.” Vì vậy, trong những lúc vấn đáp giữa Ngài và đệ tử, ta thấy lúc nào cũng biểu lộ thái độ bình dị, thân thiết cởi mở, bình đẳng giữa tình thầy trò, như tình huynh đệ. Ngài không muốn đồ đệ phải tuyệt đối tin Ngài, phụng tùng Ngài bằng uy quyền bắt buộc, bằng tình cảm, bằng thuyết phục, bằng áp lực, Ngài mong mọi người như thật với lòng mình bằng trí huệ nhận định để tin lý đạo như thật của Ngài. Vì vậy kinh luận thường xưng tán đức Phật có lời nói như thật, hành động như thật, tâm niệm như thật. Do vậy, người hiểu biết, hàng học thức trong đời đều nói đạo Phật là đạo như thật.

Đức Phật dùng tâm từ bi để giáo hóa chúng sanh, dùng tâm hỷ xả để lân mẫn chúng sanh. Ngài dùng tâm hùng lực để khích lệ tinh thần chúng sanh, dùng đại trí tuệ để soi sáng tâm thức chúng sanh. Ngài dùng đại thần lực làm cho chúng sanh thấy rõ các cõi thế giới chánh báo y báo hiển hiện để cho chúng sanh tự soi sáng căn tánh của mình có đầy đủ khả năng thành Phật. Ngài dùng đại hào quang để cho chúng sanh thật tế nhận chân phước huệ trang nghiêm của người hành đạo như thật sẽ được phước đức trí huệ thành Phật.

Suốt trọn đời đức Phật cho sự nghiệp trí huệ đạo đức, cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, cho sự an lành thăng hoa kiếp sống nhân sinh. Bằng cung cách ân cần lân mẫn, bằng dung nghi bình dị từ hòa Ngài khiêm tốt thiết tha, mang tâm nguyện từ bi hỷ xả trang trải cho đời. Nhưng Ngài tuyệt nhiên không bao giờ tự tôn xưng mình, hay muốn người khác tôn xưng mình. Lúc nào cũng trong thái độ tịch tịnh khiêm tốn nói với môn đệ: “Ta chỉ là vị đạo sư. Ta chỉ như vị lương y. Nghe lời ta hay không, chịu uống thuốc giáo pháp hay không là tùy quyền các người. Mọi người đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Giới luật là thầy của các người. Giới luật còn thì đạo pháp còn. Con đường giải thoát rộng mở. Tuệ giác ngời sáng nơi lòng người, khi con người còn biết sống với giới luật, với trí huệ, với lòng từ bi hỷ xả.”

Suốt đời đức Phật chỉ để lại bấy nhiêu lời. Nhưng chính Ngài lại nói ta không nói lời nào trong suốt 49 năm hoằng pháp giáo hóa. Chính cái đặc tính bình dị hỷ xả trầm tĩnh cởi mở đó nó thể hiện suốt cả đời Ngài. Nên đời đức Phật thật ngời sáng, thật lộng lẫy, thật nguy nga, thật trang nghiêm thanh thoát, đến nỗi bất cứ ai mỗi khi thành tâm tưởng nhớ đến Ngài, niệm danh hiệu Ngài cũng đều cảm thấy cõi lòng mình mát dịu, thanh tịnh an lành. Ta có thể nói đời Ngài là bài kinh vô tự, là đóa hoa sen, là ánh trăng rằmg, là không khí an lành thanh tịnh, là nguồn suối mát, không còn lời nào để diễn đạt hết cái cao quý thanh tịnh mát lành của đời đức Phật. Bất cứ ai cũng đến được với Ngài, mà tuyệt đối không phân giai cấp, không phân quý tiện, không phân trí ngu sang hèn. Đức Phật không bao giờ muốn chúng sanh tin tưởng Ngài là thần linh thượng đế, cũng không muốn ai tôn thờ Ngài bằng niềm tin si cuồng mà không hiểu Ngài. Ngài muốn người tin Ngài bằng cách thanh tịnh thân tâm đem lợi lạc cho đời, chứ không muốn vì tin Ngài mà gây đau khổ cho người khác. Tin Ngài mà gây đau buồn cho người khác là hủy báng phản bội Ngài. Thế nên, đạo Phật không tạo thế lục, không dựa thế lực và dĩ nhiên không có thế lực.

Cuộc đời của đức Đạo-Sư Thích-Ca Mâu-Ni cao thượng như thế. Bậc giáo chủ mà mình nguyện tôn thờ và tu học theo, đích thực sáng ngời thanh thoát muôn đời như thế đó, còn nhân cách tâm tánh của ta đã tiến bộ đến đâu rồi? Mỗi lần xuân tết đến, ta cảm thấy xác thể ta lớn thêm, tuổi đời ta chồng chất nhiều hơn. Ta cảm thấy lòng ta sống dậy niềm hy vọng vô biên. Ta mong được nhiều may mắn hơn. Nhưng nếu chỉ có ước mong suông như thế, thì ta cũng chỉ đón mừng xuân phàm tình hình thức, xuân hy vọng phàm phu thường tình chứ chưa phải chân chánh là xuân đạo hạnh, là xuân của người đệ tử Phật, là mùa xuân trong cửa Phật.

Người đệ tử Phật đón xuân không phải hạn cuộc xuân thời gian năm tháng, xuân cỏ cây hoa lá xanh tươi trong ba tháng, xuân hoàn cảnh tưng bừng với pháo nổ bánh chưng bánh tét, xuân cõi lòng vui nhộn với chè chén tiệc tùng, áo mới trang sức trong ba ngày tết. Mà đặc thù hơn, ý nghĩa hơn, người con Phật đón mừng xuân là xuân lòng, xuân tâm thức phản tỉnh, xuân tuệ giác bừng khai, xuân từ bi hỷ xả trải rộng, xuân thanh tịnh lợi tha, xuân lòng an lạc thanh bình miên viễn thường tại. Nghĩa là ta tự quán sát bản thân, ta tự sống lại với chính lòng để tìm lại nguồn sống của xuân tâm thanh tịnh thênh thang.

Xuân đến ta tự hỏi lòng rằng, một năm qua ta có thực sự tiến bộ chút nào sống theo giáo hạnh của Phật đà chưa? Ta có cảm thấy tâm ta sáng tỏ, lòng ta thanh sạch nhẹ nhàng trong biển giáo pháp thanh lương của đức Phật chưa? Nhìn thời gian trôi qua, thấy hoa lá đầu xuân tươi nở, ta có cảm thấy bỡ ngỡ thẹn thùng khi mọi người chúc mình năm mới tiến bộ, rồi tự xét lòng có thật tiến bộ không? Tiến bộ về phương diện nào? Tiền bạc danh lợi tham vọng hay lành thiện, phước đức, đạo hạnh? Ta có biết thành tâm tự thẹn, khi nhìn tượng Phật uy nghiêm, để xét lại nhân cách của mình tự nhận là đệ tử Phật, mà thật sự đã đánh mất lòng tin thuần khiết của những ngày đầu mình phát tâm tin Phật từ lúc nào rồi!

Mừng tân xuân kiết khánh ngày đầu năm mới, đứng trước tượng Phật trang nghiêm, hay nghiêng mình kính cẩn nghinh đón giao thừa hân hoan trong giờ phút thiêng liêng đất trời âm dương giao cảm, địa cầu rung chuyển tống cựu nghinh tân mang lại nguồn sống mới, ta có nhớ để tự xét xem lòng ta có đổi mới tiến bộ thêm phần nào trong niềm tin đức Phật không, hay lại cứ để đời ta trôi xuôi theo dòng thời gian năm tháng, chất chồng thêm tham lam, sân hận, si mê, tự ái, ngã mạn sống theo danh lợi tham vọng dục tình ích kỷ núp mình trong chiếc áo tín ngưỡng, trong hình dáng đức Phật, chỉ còn biết trang bị hình thức đạo đức bên ngoài, mà trong lòng đầy nhiễm ô tam độc đục khoét mục nát hết rồi. Mừng xuân trong tâm trạng tỉnh thức hỷ xả, đón xuân với lòng thanh tịnh buông thả mới đích thực là tận hưởng mùa xuân Di-Lặc, xuân đạo hạnh, xuân người Phật tử.

Ngược lại, mừng xuân chỉ để chất chồng thêm tuổi, vui thú trong lời chúc tụng xã giao, tạo thêm cái vỏ hình thức bên ngoài cho bóng đẹp, tự mãn với chút lợi danh tâng bốc không thật, tâm hồn không thêm chút thanh sạch hỷ xả nào hết, thì nhất định sẽ không có dịp hưởng được mùa xuân đạo hạnh. Nếu đón xuân theo ngoại cảnh mà quên đón xuân lòng thì cho dù ngàn triệu lần vỗ ngực xưng tên là đệ tử Phật, thật khó có mùa xuân chân thật. Xuân chân thật thường tại chỉ có với những ai biết cầu tiến trên đường thánh thiện hóa đời sống của mình. Đời sống không thanh tịnh hóa thì thật khó có mùa xuân đạo hạnh, mùa xuân với cõi lòng thanh tịnh an lạc. Bởi vui xuân ngoại cảnh mà quên nguồn xuân chơn thường bất tận nơi lòng, thì nhất định không thể nào trọn hưởng mùa xuân đạo hạnh, mùa xuân Di-Lặc. Không hiểu ý nghĩa thưởng thức xuân Di-Lặc như thế, có nghĩa là người đang hưởng mùa xuân vô thường mộng huyễn vong thân, mặc nhiên đang phá sản mùa xuân đạo hạnh, và đó cũng thật là điều bất hạnh lớn lao cho người trần thế cũng như hàng đệ tử của đấng giác ngộ Thích-Ca.

Đã nhận mình là đệ tử Phật Thích Ca, thì phải biết hy sinh tự ngã để sống đời vị tha, phải luôn luôn tỉnh thức tự quán chiếu hành vi tâm niệm của mình để hoa xuân đạo pháp rộn nở. Phải lấy tâm hạnh của Phật để nuôi dưỡng tâm hạnh mình. Như thế mới đích thật đầy đủ nhân cách xứng đáng là đệ tử Phật, mới thật sự trọn hưởng mùa xuân đạo hạnh chơn thường bất tận miên trường.

Xây dựng hạnh phúc bằng tiền bạc danh vọng ái tình, thì chỉ chuốc lấy bực mình khổ tâm. Biết người biết ta sống đời hỷ xả là hạnh phúc, là trời xuân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]