Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Khổ đau

13/05/201311:54(Xem: 9512)
Chương 7: Khổ đau
Câu Chuyện Của Dòng Sông


Chương 7: Khổ Đau

Phùng Khánh & Phùng Thăng
Nguồn: Nguyên tác: Hermann Hesse Việt dịch: Phùng Khánh & Phùng Thăng


Trong một thời gian khá lâu, Tất Đạt sống nếp sống của thế tục mà không dự phần vào thế tục. Những giác quan mà chàng đã kềm chế suốt những năm dài say mê sống đời khổ hạnh, bây giờ lại được vùng dậy. Chàng đã nếm mùi của cải, đammê và thế lực, nhưng chàng vẫn còn là Sa Môn một thời gian rất lâu trong tâm khảm. Nàng Kiều Lan khôn khéo đã nhận thấy điều này. Đời chàng luôn luôn được hướng dẫn bởi nghệ thuật suy tư, đợi chờ và nhịn đói. Những con người xa lạ của thế tục, những thường nhân, vẫn còn xa lạ đối với chàng cũng như chàng cách xa họ.

Năm tháng trôi qua. Tất Đạt không buồn để ý đến thời gian, vì được vây quay bởi những hoàn cảnh thuận tiện dễ dãi, chàng đã trở nên giàu có. Từ lâu chàng đã làm chủ biệt thự có tôi tớ, có một khu vườn ở ngoại ô cạnh dòng sông. Mọi người đều yêu thích chàng khi cần tiền bạc hay lời chỉ bảo. Tuy thế, trừ Kiều Lan ra, chàng không có bạn thân.

Sự thức tỉnh huy hoàng mà chàng đã hơn một lần chứng nghiệm lúc thiếu thời, vào những ngày sau khi nghe đức Cồ Đàm thuyết pháp, sau khi từ giã Thiện Hữu, sự thức tỉnh bén nhạy kia, lòng kiêu hãnh được đứng độc lập không cần thầy hay thuyết lý, lòng hăm hở nghe tiếng diệu âm nội tại … tất cả đã dần trôi qua và trở thành ký ức.

Dòng suối linh thiêng đã một lần gần gũi chàng và hát ca trong lòng chàng, bây giờ thì thầm rất nhẹ xa xa. Tuy nhiên, nhiều điều chàng học ở các vị Sa Môn, ở đức Phật, ở cha chàng, ở các vị Bà La Môn, chàng vẫn còn nhớ rất lâu: một cuộc sống điều độ, lạc thú của tư duy, những giờ thiền định, tri thức huyền nhiệm về Tự ngã, về cái Ta vĩnh cữu không phải thân thể cũng không phải ý thức. Nhiều điều chàng còn giữ lại, nhiều điều đã chìm xuống dưới làn bụi bao phủ. Như một cái bánh xe đã tắt máy còn quay một lúc lâu, quay rất chậm rồi ngừng, bánh xe khổ hạnh cũng vậy, bánh xe tư duy, bánh xe phân biệt còn quay rất lâu trong tâm hồn Tất Đạt, nó còn chuyển động nhưng chậm chạp, và ngập ngừng, sắp đứng lại. Chầm chậm, như chất mục nát len dần vào thân cây đang chết, len dần và làm cho thối rữa dần, thế tục với sự trơ lì vô cảm giác cũng len lỏi dần vào tâm hồn Tất Đạt, dần dần lấp đầy tâm hồn chàng, làm cho nó trầm trệ, mệt mỏi, ru ngủ nó. Nhưng mặt khác, những giác quan chàng lại được tỉnh thức hơn, chúng học được rất nhiều, kinh nghiệm rất nhiều.

Tất Đạt học được cách điều hành những việc kinh doanh, thi hành quyền lực của mình đối với người, chơi với đàn bà, chàng đã mặc đồ sang trọng, sai bảo tôi tớ, tắm mình trong nước thơm. Chàng đã biết ăn những thức ăn thịnh soạn, cá thịt, bồ câu hầm và những thứ gia vị tinh xảo, những của ngon vật lạ. Chàng đã biết uống rượu, làm cho chàng lười biếng và chóng quên. Chàng đã biết chơi tài xỉu, đánh cờ, ngắm vũ nữ, ngồi kiệu, ngủ trên chiếc giường êm dịu. Nhưng chàng luôn luôn cảm thấy mình khác và cao hơn mọi người; chàng luôn luôn nhìn họ với một cái nhìn khinh khỉnh, chế giễu ngạo nghễ, sự ngạo nghễ của một Sa Môn đối với người thế tục. Khi Vạn Mỹ nổi cuồng lên, khi ông ta tự thấy mình đã bị lăng nhục hoặc khi ông bị rối rắm vì việc kinh doanh, Tất Đạt luôn luôn nhìn ông ta đầy chế giễu. Nhưng dần dà, và một cách thầm lặng, sự chế giễu và mặc cảm hơn người của chàng vơi đi cùng thời gian. Dần dà, cùng với những của cải tăng thêm, Tất Đạt cũng thu thập thêm ít đặc tính của những con người thường tình, thêm một ít lo âu của họ, một ít tính trẻ con của họ. Tuy nhiên chàng vẫn thèm thuồng số phận họ, càng giống họ bao nhiêu chàng càng ganh tị họ bấy nhiêu. Chàng ganh họ ở một điều độc nhất mà chàng thiếu, ấy là tầm quan trọng họ sống cuộc đời họ, bề sâu của khoái lạc cũng như đau khổ của họ, hạnh phúc xao xuyến nhưng êm đềm, ở mãnh lực liên tục của họ trong tình yêu. Những con người ấy luôn luôn mê say chính họ, con cái họ, danh vọng, tiền tài, kế hoạch và niềm hy vọng. Nhưng những điều này chàng không học được của họ, những khoái lạc trẻ con và những sự điên rồ; chàng chỉ học được ở họ những điều khó chịu, những điều mà chàng khinh bỉ. Sau một buổi chiều miệt mài trong cuộc truy hoan, thường thường là sáng hôm sau chàng cảm thấy vô cùng chán chường mệt mỏi. Chàng trở nên bực bội nóng nảy khi Vạn Mỹ quấy rầy chàng với những lo âu của ông ta. Chàng thường cười quá lớn khi thua bạc. Nét mặt chàng vẫn còn thông minh trí thức hơn những kẻ khác, nhưng chàng ít khi cười, và dần dần nét mặt chàng nhiễm lấy những vẻ thường thấy nơi những người giàu - vẻ bất bình, mệt mỏi, chán nản, nhàn hạ và vắng bóng yêu thương. Dần dần căn bệnh nội tâm của những người trưởng giả nhiễm vào trong chàng.

Như một tấm màn, một dải mù sương mong manh, sự mệt mỏi chán chường trùm lên Tất Đạt mỗi ngày một dày nặng, mỗi tháng một đậm màu, mỗi năm một trầm trọng. Như một chiếc áo dần cũ theo thời gian, mất dần vẻ chói sáng, bạc màu và nhăn nheo, viền áo nứt rạn, đường chỉ bị sờn, đời sống mới mà Tất Đạt bắt đầu sau khi từ giã Thiện Hữu cũng trở nên cũ dần. Nó cũng mất dần sắc màu theo năm tháng: lằn xếp và vết bẩn dồn dập thêm, ảo tưởng cùng sự ngấy chán buồn nôn đã chực sẵn, nấp kín hoặc ló dạng ở vài nơi. Tất Đạt không chú ý đến. Chàng chỉ để ý rằng tiếng nội tâm trong sáng đã từng thức tỉnh chàng và luôn luôn dìu dắt chàng trong những giờ phút tốt đẹp nhất, bây giờ tiếng ấy bỗng im bặt.

Nếp sống thế tục đã tóm lấy chàng; lạc thú, tham lam, lười biếng và cuối cùng cả đến tính dồn của, thói tục mà chàng vẫn xem thường, khinh bỉ vì nó điên rồ nhất. Tài sản, vật sở hữu và của cải, cuối cùng đã bẫy chàng. Chúng không còn là một trò chơi, một cuộc đen đỏ; chúng đã trở thành một dây xích, một gánh nặng. Qua ván đỏ đen, Tất Đạt đã đi hoang theo con đường quái gở cong quẹo, xuống cái dốc cuối cùng thấp nhất. Từ lúc chàng thôi còn là một Sa Môn trong tâm hồn, chàng bắt đầu chơi bạc vì tiền và vàng, càng ngày càng hăng hái, một cuộc đỏ đen mà như mọi người thường khác: đầu tiên chàng cũng ngồi vào một cách tươi cười và dễ dãi. Chàng là một tay cờ cừ khôi, ít ai dám chơi với chàng vì chàng đặt tiền quá cao và liều lĩnh. Chàng cảm thấy một say mê, một khoái cảm trong sự phung phí tiền vào cờ bạc, một thứ tiền khốn nạn. Chàng không thể bằng cách nào khác, bày tỏ một cách rõ rệt và ngạo nghễ hơn lòng khinh bỉ của chàng đối với của cải, thần tượng sai lạc của những thương gia. Bởi thế chàng đặt tiền rất cao, không dè sẻn, tự ghét mình, tự chế nhạo mình. Chàng được hàng nghìn và ném ra hàng nghìn, thua tiền, thua đồ nữ trang, thua một ngôi nhà ở thôn quê, lại được, rồi thua lại. Chàng say mê nỗi phập phồng ấy, nỗi phập phồng ghê gớm nặng nề mà chàng trải qua trong những ván bài, những sự hồi hộp nín thở, với những món tiền cọc rất cao. Chàng yêu thích cảm giác này và liên tục tìm kiếm nó lại, tăng nó thêm lên, kích thích nó, vì chỉ trong cảm giác này chàng mới thấy được một thứ hạnh phúc, một thứ phấn khởi, một đà sống nồng nàn hơn trong cuộc đời tẻ nhạt, vô vị, chán chường của chàng. Và sau mỗi trận thua bạc lớn, chàng lại tận tuỵ kiếm thêm của, hăm hở theo đuổi việc kinh doanh và hối thúc con nợ, vì chàng cần chơi lại, cần phung phí lại, cần phơi bày nỗi khinh miệt của chàng đối với tiền trở lại. Tất Đạt trở nên nóng nảy khi thua bạc, chàng mất bình tĩnh trước những con nợ dây dưa, chàng không còn tử tế với những kẻ ăn xin nữa, chàng không còn muốn cho người nghèo mượn tiền hoặc bố thí nữa. Chàng, người đặt cọc hàng mười nghìn vào ván bài rồi cười lớn, bây giờ trở nên khắt khe và bủn xỉn hơn trong việc kinh doanh, và đôi khi về đêm chàng lại nằm mộng thấy tiền. Và mỗi khi tỉnh dậy từ cái bùa chú khả ố này, khi chàng nhìn thấy bóng mình trong gương treo ở tường phòng ngủ, nét mặt già hơn và xấu hơn, mỗi khi hổ thẹn và sự buồn nôn xâm chiếm chàng, chàng lại chạy trốn, trốn vào trong ván đen đỏ khác, bối rối trốn vào dục lạc, vào men rượu và từ đó, trở lại với lòng hăm hở dồn chứa thêm tài sản. Chàng để mình hao mòn trong vòng luân chuyển vô tri ấy, và già đi, rồi bệnh hoạn.

Rồi bỗng một hôm, một giấc mơ làm chàng nhớ lại. Chàng ở lại với Kiều Lan trong buổi chiều, trong khu vườn chơi xinh đẹp của nàng. Họ ngồi nói chuyện dưới một gốc cây. Kiều Lan đang nói cách nghiêm trọng, sự buồn rầu và mệt mỏi sau lời nói của nàng. Nàng bảo chàng nói cho nghe về đức Phật, và nghe bao nhiêu cũng không đủ đối với nàng, nào là mắt Ngài sáng trong làm sao, nào là chiếc miệng xinh đẹp và bình an, nụ cười huyền bí, tư thái Ngài đầy vẻ thanh tịnh làm sao. Rất lâu chàng phải thuật cho nàng nghe về đấng Giác Ngộ, và Kiều Lan đã thở dài và bảo:

- Một ngày kia, có lẽ không lâu, em cũng sẽ đi theo đức Phật ấy. Em sẽ dâng Ngài khu vườn chơi của em và qui y theo giáo lý của Ngài.

Nhưng đoạn nàng quyến rũ chàng, và hết sức nồng say, nàng vồ lấy chàng trong một cuộc ân ái vừa cuồng nhiệt vừa đầy nước mắt, tuồng như nàng muốn ép lấy giọt ngọt ngào cuối cùng của thứ khoái lạc phù du kia. Chưa bao giờ Tất Đạt thấy rõ một cách lạ lùng rằng dục lạc đắm say gần giống cảnh chết chóc như thế. Chàng nằm bên cạnh nàng, mặt nàng kề sát mặt chàng, và chàng đọc thấy trong đôi mắt nàng, ở khoé miệng nàng lần đầu tiên những dấu hiệu nhắc nhở mùa thu của cuộc đời, những đường nhăn của tuổi tác. Chính chàng, chỉ đang độ tứ tuần, cũng đã thấy xuất hiện những sợi hoa râm trong mớ tóc đen của mình. Sự mỏi mệt đã in dấu trên gương mặt xinh đẹp của Kiều Lan, do bởi tiếp tục một con đường dài không mục đích tươi vui. Sự mệt mỏi và tuổi già đang lộ liễu, cùng với một nỗi sợ hãi đang tiềm ẩn chưa được nói ra, có lẽ chưa được ý thức, nỗi lo sợ mùa thu của cuộc đời: sợ hãi, già, chết. Thở dài, chàng từ giã nàng, lòng nặng khổ đau và nỗi lo sợ âm thầm.

Tất Đạt đã ở lại nhà nàng đêm đó với men rượu và vũ nữ, tự cho mình cao hơn đồng bọn, mặc dù kỳ thực chàng không còn gì hơn họ. Chàng uống nhiều rượu và rất khuya mới vào giường, mệt mỏi nhưng trằn trọc, gần muốn khóc và tuyệt vọng. Chàng cố ngủ nhưng vô hiệu. Tim chàng quá đau khổ, tưởng chừng không thể nào chịu đựng được nữa. Chàng cảm thấy một cơn buồn nôn xâm chiếm lấy chàng như một thứ rượu vô vị, một thứ nhạc quá ẻo lả và vô duyên, nụ cười quá nhạt nhẽo của những vũ nữ hay mùi hương quá nồng của mái tóc họ, của ngực họ. Nhưng trên tất cả, chàng buồn nôn vì chính chàng. Như một người đã ăn uống quá nhiều và nôn ra một cách khó nhọc nhưng rồi cảm thấy dễ chịu, con người bứt rứt của chàng muốn một cách quyết liệt, vứt bỏ hết những lạc thú, những thói quen, vứt bỏ cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa này.

Chỉ khi trời sáng và khi mọi hoạt động ngoài thành phố bắt đầu, chàng mới sực thiếp đi, hơi khuây khoả, và ngủ yên trong chốc lát. Chính trong lúc ấy chàng đã mơ một giấc chiêm bao.

Kiều Lan nuôi một con chim lạ nhỏ trong chiếc lồng con bằng vàng. Chàng nằm mơ về con chim ấy. Con chim, thường hót về ban sáng, bỗng nhiên câm hẳn; và chàng ngạc nhiên đi đến chiếc lồng con nhìn vào. Nó đã chết và nằm cong queo trên sàn. Chàng đem nó ra, cầm trên tay một lúc rồi ném ra đường. Chính lúc ấy chàng bỗng sợ hãi và đau đớn như chàng đã vứt đi cùng với con chim ấy tất cả những gì tốt đẹp và giá trị trong đời chàng.

Khi tỉnh dậy, chàng cảm thấy lòng tràn ngập một nỗi buồn sầu ghê gớm. Chàng mường tượng mình đã hoang phí một cách vô vị vô nghĩa; chàng đã không giữ lại được một điều gì của sự sống, một điều gì quí báu và xứng đáng. Chàng đứng cô độc như một kẻ đắm tàu đứng trên bờ.

Buồn bã, Tất Đạt đi vào khu vườn chơi của chàng, chàng đóng cổng, ngồi dưới một cây xoài, và cảm thấy đầy chết chóc rùng rợn trong tâm khảm. Chàng ngồi và cảm thấy mình đang chết dần, đang héo mòn, đang chấm dứt. Dần dần, chàng tập trung lại tư tưởng và ôn lại cả cuộc đời, từ những ngày trẻ thơ nhất mà chàng còn nhớ. Khi nào thì chàng đã thực sự hạnh phúc? Khi nào chàng đã thực nếm trải niềm vui? Ừ, chàng đã trải qua điều này nhiều lần. Chàng đã vui trong những ngày niên thiếu, khi chàng được những người Bà La Môn khen ngợi, khi chàng vượt xa những người đồng thời, khi chàng đọc những thánh thư, trong những cuộc tranh biện với những bậc trí thức, khi dự những cuộc tế thần. Lúc đó chàng đã nghĩ: “Một con đường đang trải trước mắt. Những vị thần linh đang đợi ngươi”. Và khi còn là một thiếu niên, khi lý tưởng mãi bay lượn thúc giục chàng đi theo rồi từ giã những người cùng đi tìm kiếm như chàng, khi chàng cố hết sức để mình hiểu những lời dạy của người Bà La Môn, khi mỗi kiến thức mới thu được chỉ lôi kéo theo một niềm khao khát mới, và trong niềm khát khao của chàng, trong những cố gắng của chàng, chàng đã tự nhủ: “Tiến lên đi, tiến lên! Đây là con đường của ngươi”. Chàng đã nghe theo tiếng nói ấy khi chàng rời nhà và chọn đời sống Sa Môn, và khi chàng rời những vị Sa Môn để đến đức Phật, và khi chàng rời đức Phật để tiếp tục con đường vô định. Đã bao lâu rồi từ khi chàng nghe tiếng ấy, từ khi chàng bay bổng trên bất cứ chiều cao nào? Thật vô vị và buồn thảm làm sao, con đường chàng đã đi qua! Qua bao nhiêu năm dài rồi, chàng không có một mục đích nào cả, không một niềm hân hoan khát khao, không một thú nhỏ hẹp, là vẫn không thực thoả mãn! Không biết rõ điều đó, chàng đã cố gắng và khao khát mấy năm rồi, để được giống như mọi người khác, như những con người trẻ thơ kia, mà đời chàng vẫn khốn đốn và nghèo nàn hơn họ, bởi mục đích của họ không phải là mục đích của chàng, nỗi sầu muộn của họ cũng không phải là nỗi sầu muộn của chàng. Cả thế giới những người như Vạn Mỹ này chỉ là một ván bài trước mặt chàng, một cuộc khiêu vũ, một hài kịch để nhìn ngắm. Chỉ có Kiều Lan là yêu quí đối với chàng, là có giá trị đối với chàng. Nhưng nàng có còn yêu quí, giá trị hay không? Chàng có thực cần thiết đến nàng chăng? Họ lại không đang chơi một ván bài không dứt đó sao? Có cần thiết sống vì ván bài ấy hay không? Không. Ván bài này gọi là Sanh Tử, một trò chơi trẻ con, một trò chơi mà có lẽ chơi một, hai, mười lần cũng thú vị đấy, nhưng có đáng để chơi liên tục mãi mãi không?

Tất Đạt biết ngay là trò chơi đã chấm dứt, rằng chàng không thể chơi thêm được nữa. Một cơn rùng mình thoáng qua thân thể chàng, cảm thấy một cái gì đó đã chết.

Chàng ngồi suốt ngày hôm đó dưới gốc cây xoài, nghĩ đến cha chàng, đến Thiện Hữu, đến đức Phật. Có phải chàng đã từ bỏ tất cả những người này để trở nên một Vạn Mỹ không? Chàng ngồi đấy cho đến khi đêm xuống. Khi chàng ngẩng lên thì thấy những vì sao, chàng nghĩ: ta vẫn còn ngồi đây dưới gốc xoài trong vườn chơi của ta. Chàng hơi mỉm cười. Có cần thiết không, có đúng không, có phải điên rồ không, nếu chàng lại làm chủ một cây xoài và một khu vườn?

Chàng đã quá chán ngán với những điều ấy. Chúng cũng đã chết ở trong lòng chàng. Chàng đứng dậy, chào từ biệt cây xoài và khu vườn chơi. Chàng chưa ăn gì cả ngày hôm đó, và chàng thấy đói cồn cào, nghĩ đến ngôi biệt thự của chàng, chiếc bàn đầy thức ăn. Chàng mệt mỏi mỉm cười, lắc đầu và chào giã biệt tất cả những thứ ấy.

Cũng đêm đó, Tất Đạt rời thành phố và không bao giờ trở lại. Vạn Mỹ cố đi tìm chàng một thời gian khá lâu, tin rằng chàng đã rơi vào tay bọn cướp. Kiều Lan thì không cố tìm chàng. Nàng không ngạc nhiên khi nghe tin Tất Đạt đã biến mất. Nàng đã vẫn chờ đợi điều đó lâu nay. Chàng không phải là một Sa Môn không nhà, một người lữ hành đó sao? Nàng cảm thấy điều đó rõ rệt hơn bao giờ hết trong buổi gặp gỡ cuối cùng với chàng, và trong sự buồn khổ vì mất mát, nàng vui sướng vì đã được ôm xiết chàng trong dịp cuối cùng ấy, và đã cảm thấy hoàn toàn được chàng chinh phục.

Khi nàng nghe những tin đầu tiên về việc Tất Đạt biến mất, nàng đi đến cửa sổ ở đấy nàng nuôi con chim hiếm trong chiếc lồng vàng. Nàng mở cửa lồng, lấy chim ra và thả cho nó bay đi. Nàng đứng nhìn theo chim khuất dạng một lúc lâu. Từ hôm đó, nàng không tiếp khách nữa và đóng kín cửa nhà. Sau một thời gian, nàng nhận ra mình đã có thai sau lần gặp gỡ cuối cùng với Tất Đạt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]