Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời giới thiệu

10/05/201320:13(Xem: 12099)
Lời giới thiệu

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Lời giới thiệu

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

Chúng sanh có bệnh nên tôi bệnh.


Câu nói rất nổi tiếng của cư sĩ Duy-ma-cật, biểu thị sự tương quan mật thiết giữa mình và người. Giáo lý đạo Phật đặt nền tảng trên con người, lấy hạnh phúc con người làm trung tâm điểm để phát huy lý tưởng Bồ-tát đạo. Kinh “Những điều được nói từ Duy Ma Cật” (Duy Ma Cật Sở Thuyết) thật ra là một buổi hội thảo thú vị, trong đó các vị Bồ-tát, Thanh văn đã nêu lên ý kiến của mình về sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng cõi nước. Lời kinh nghiêm túc, đôi lúc được phá nét bằng những thần thông hý lộng. Giữa đôi hàng chữ, chúng ta vẫn đọc ra được sự tha thiết cứu độ của các bậc giải thoát, đã vươn đến cái tột cùng nhưng không quên chúng sanh.
Khung cảnh pháp hội mở ra tại kinh thành Tỳ-da-ly (Vesali), một tiểu quốc Ấn Độ nổi tiếng có nền cai trị dân chủ sớm nhất thời ấy. Các vương tử thành Vesali, trang phục hào hoa và sáng rỡ như thiên thần, cũng từng là những đề tài nói chuyện của đức Phật. Nhưng ở đây chọn Vesali, một thành phố trẻ để mở hội, vì ý kinh nhắm đến những người trẻ tương lai, luôn luôn sẵn lòng, làm những mũi nhọn tiền phong để kiến tạo thế giới.
Chúng ta thấy sự có mặt của trưởng giả tử Bảo Tích và năm trăm bè bạn. Với các vị thanh niên giàu có thông minh hiểu sâu Phật pháp này, là mảnh đất tốt để gieo mầm Bồ-tát. Tuổi thanh niên mong làm một cái gì đó lợi ích cho đời, nên Bảo Tích đã hỏi đức Phật một câu quan trọng, đó cũng là câu khơi mào cho cả các phần kinh sau.
- Bạch Thế Tôn! Năm trăm trưởng giả tử này đều đã phát tâm giác ngộ lớn, mong được nghe Phật dạy về các điều kiện của một thế giới trong sáng an lạc.
Phải chăng trong tận cùng tâm tưởng mỗi người, ai cũng nghĩ đến làm cách nào cho cuộc đời này phát triển tốt đẹp hơn, sung sướng tiện nghi hơn? Danh từ kinh gọi là: Tịnh Phật quốc độ.
Hiện tại chung quanh chúng ta vẫn có các vị Bồ-tát, tùy theo năng lực của mình mà giúp ích đời. Những lớp học tình thương, bếp ăn từ thiện, chương trình y tế về nông thôn... Mọi người đồng hành trên mọi nẻo nhân gian, không nói ai là Bồ-tát, nhưng lý tưởng này đã được đặt ra từ thuở xưa. Chính đức Phật đã xác nhận “Tất cả chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát”. Thiết lập sự tương quan mật thiết giữa chúng sanh (người được cứu độ) và Bồ-tát (người cứu độ) như một thực tế không thể chia cách. Làm an vui mọi người là sự nghiệp của mình, ở đây làm sao nói đạo Phật là tiêu cực, làm ngơ với cuộc đời?
Điều đáng chú ý, Phật không nói về thành phố, quốc gia xây dựng theo công nghiệp hiện đại, với những mô hình bề thế quy mô. Phật chỉ dạy xây dựng một cõi tâm, tùy theo tâm thế nào mà quốc gia hiện bóng dáng thế ấy. Giáo dục tâm linh với những đức tính hiền thiện, chất trực, siêng năng… là điều kiện hàng đầu để xây dựng thế giới bên ngoài. Chúng ta thấy qua bài học lịch sử, những triều đại khởi đầu khi tâm người lãnh đạo còn tinh khôi mạnh mẽ sáng trưng, và triều đại dần đi vào diệt vong khi tâm của một triều đình lúc ấy đã biến chất. Chính tâm là nguyên nhân chủ yếu để xây dựng hay phá hủy. Tâm đưa con người đến đất nước bình an, nói theo kinh điển là: Trực tâm là tịnh độ, chúng sanh nào tâm ngay thẳng sẽ được ở cõi nước ấy. Đức Phật đã dạy một số tâm cần thiết để tạo nên cuộc sống và cảnh giới đẹp, trang nghiêm tương ứng, rất khoa học, dù cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng không chứa một chút nào huyền hoặc, xa rời cuộc sống hiện tại. Một câu cũng rất nổi tiếng của đoạn này là lời kết của Phật: “Bảo Tích này, Bồ-tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho tâm thanh tịnh; tùy chỗ tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh”.
Những điều đức Phật dạy cho thanh niên con nhà giàu Bảo Tích được xem như tiền đề khai mạc đại hội. Tinh thần chủ đạo của phẩm mở đầu này rất quan trọng, chỉ vì tầm vóc của Duy-ma-cật quá lớn nên đôi lúc chúng ta không lưu tâm. Xưa nay, trong kinh văn Đại thừa, phẩm mở đầu là phẩm nói lên toát yếu của toàn bộ kinh.
Duy-ma-cật chưa xuất hiện, nhưng ông được giới thiệu như một nhân vật cực kỳ ưu việt. Kinh dành riêng một phẩm để nói về những đức tính, công hạnh, cuộc đời của ông, với danh xưng ca ngợi không thua một vị Bồ-tát nào. Như các đại Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền, Quan Âm được xưng tụng, ở đây một cư sĩ tại gia thế tục sống hòa mình trong cộng đồng, có gia quyến của cải thế lực kinh người, khi làm kinh tế hay khi giải trí vui chơi, đều có khả năng thu hút và giáo hóa. Ông sử dụng ảnh hưởng rộng lớn của mình như một phương tiện đi vào đời, gần gũi mọi tầng lớp từ đạo sĩ du tăng đến ca lâu kỹ viện, sống chung mà không nhiễm, tìm cách giáo hóa đưa về đường lành.
Một nhân vật như thế hẳn được nhiều người ái mộ. Để tạo cơ hội gặp gỡ hơn nữa, ông giả vờ bệnh, nhân đó mọi người lại đến thăm. Giữa tầng lớp quyền quý, trí thức, vô số người trong xã hội ấy, ông trình bày một cách quán sát thân thể, nhìn ngắm thân thể như một đối tượng nghiên cứu để thấy rõ thực chất. Còn chúng ta, ít khi có dịp thấy mình, hoặc có thấy cũng dưới lớp áo trang điểm che mất sự thật. Phá được cái vỏ chấp thân, tâm ta dễ hòa đồng với muôn người và phát triển nhiều đức tính tốt làm lợi ích rộng lớn. Con đường Bồ-tát bắt đầu từ chỗ phá ngã. Đó cũng là lý do Duy-ma-cật đưa vấn đề này ra mổ xẻ đầu tiên.
Mười vị đệ tử lớn nhất trong hàng Thanh văn và bốn vị trong hàng Bồ-tát lần lượt trình bày những lần gặp gỡ với Duy-ma-cật và bị ông “sửa lưng”. Thật ra đó là 14 đề tài nhỏ mà kinh muốn gởi đến chúng ta, qua hình thức trình bày như một kịch bản, có người tung hứng, các nhân vật có người được người thua. Người thắng luôn luôn là Duy-ma-cật, người thua là các đệ tử Phật. Có điều, người thua cuộc kể lại chuyện mình thuần túy chỉ là kể lại, không phàn nàn mà còn thán phục khen ngợi. Trong phần Bồ-tát Trì Thế, có sự góp mặt của chúa Ma và 12.000 thiên nữ. Ma là tượng trưng cho thế lực hắc ám, âm mưu bất chính. Bồ-tát vô tình chẳng biết trò dối gạt, ma định đưa hết 12.000 thiên nữ cho Bồ-tát làm người sai bảo. Duy-ma-cật xuất hiện phá vỡ ý đồ của ma, và vô hiệu hóa mọi thế lực tăm tối. Giáo hóa 12.000 cô tiên thành người tuyên truyền cho Phật pháp, gọi là pháp môn “Vô tận đăng”. Dầu ở cung ma mà thắp sáng đèn giác ngộ, Duy-ma-cật đã đẩy ngược thế chủ động, ma bỗng thành người hiền.
Chỉ nghe kể lại mà Duy-ma-cật đã có biện tài và uy lực như thế, huống chi gặp gỡ. Bồ-tát Văn-thù là người hướng dẫn phái đoàn đến nhà Duy-ma-cật. Cuộc gặp gỡ giữa hai cao thủ đã làm bùng vỡ nền triết lý thượng thừa, ngay từ đầu Duy-ma-cật đã chào Bồ-tát:
- Quý hóa thay, ngài Văn-thù-sư-lợi mới đến! Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy!
Câu nói báo hiệu một chân trời khác lạ sẽ mở ra, những suy nghĩ thường tình, con mắt quen thấy những hình ảnh hạn hẹp theo tầm hiểu biết nông cạn cũ kỹ sẽ bị một phen bối rối, không thể hiểu. Bởi vì kinh này còn có tên là “Bất khả tư nghì giải thoát” (Tạm dịch: Sự rộng mở không thể suy nghĩ bàn luận). Chúng ta được đưa vào phương trời xa lạ, bát ngát mà chỉ có các bậc thượng nhân mới hiểu thấu. Có lẽ cũng nên một lần tham dự vào hội nghị này, để những thành kiến về ta người, nam nữ, không gian thời gian… không còn bó chặt tâm thức. Cũng như người quen sống trong căn phòng nhỏ, ngọn đèn vàng vọt, một hôm bỗng bước chân ra sân, một trời đầy ánh trăng ngập tràn, chung quanh là không gian rộng mở, lòng thấy nhẹ nhõm, vui sướng. Cởi mở rỗng rang, thành tựu được vô số đức tính tốt đẹp, làm một con người cao lớn tột cùng (bậc đại Bồ-tát) với tâm tư hạnh nguyện bao trùm muôn loài. Đó là những vấn đề trao đổi, bàn bạc, thực hiện của các đại sĩ, kể từ khi đến thăm Duy-ma-cật.
Tham dự thảo luận nhiều nhất là ở phần “Vào pháp môn không hai”. Duy-ma-cật đưa ra chủ đề: Thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai? Có 32 vị Bồ-tát đưa ra ý kiến chung quanh các vấn đề tội phước, sanh diệt, tốt xấu, chánh tà… để đến kết luận không thể phân chia tách rời. Sóng triều khi đầy khi vơi, không thể chọn một bỏ một. Thái độ chọn lựa, chia hai thường gây đau khổ, người mang tình thương vào đời phải có thái độ trung dung không phê phán, thiên lệch. Qua các cách trình bày chúng ta cũng thấy được chủ đích của kinh nhắm đến, và tự nhìn lại mình, vì còn bận bịu vướng mắc so đo, nên không thể nào vượt thoát tự tại. Có lẽ để hình tượng hóa vấn đề “pháp môn không hai” trước đó trong phẩm Bất Tư Nghì, Duy-ma-cật đã bưng 32.000 tòa ngồi của một thế giới xa xôi, về để trong phòng thất của mình. Nhà ông trùm chứa 32.000 chỗ ngồi vẫn không thấy hẹp, không ngăn ngại, cả khung thành Tỳ-da-ly không bị lấn đất, và thiên hạ chung quanh không thấy có gì thay đổi.
Đã làm được việc đem cái lớn bỏ vào cái nhỏ, không ngăn ngại giữa vật chất này và vật chất khác, nên khi bị hỏi về “pháp môn không hai”, Duy-ma-cật làm thinh. Ngài Văn-thù đã ngợi khen.
- Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là vào pháp môn không hai.
Một nhà du hành vũ trụ trở về trái đất, khi được hỏi cảnh giới ở tầng chân không ngoài quỹ đạo, sẽ không biết trả lời sao cho được. Ở một nơi không có trọng lực, mọi ý niệm về nặng nhẹ, dài ngắn, vuông tròn đều mất hết. Ở đó cũng chẳng có ngày đêm sáng tối, vì không phải là mặt đất để chịu sự chi phối của vòng quay quanh mặt trời. Thế là thời gian cũng chẳng biết nói sao. Hai ý niệm ràng buộc chúng ta nhiều như thời gian, không gian, kéo theo là kỷ niệm, mơ ước, ưu tư… đều mất điểm tựa. Mọi thứ diễn biến theo điều kiện khác, không có dòng sông trôi, ngày nay ngày mai, thi sĩ làm sao nói:
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng Thương về con nước ngại ngùng xuôi
....
Với một người bình thường, cứ nghĩ đến việc leo lên máy bay rời mặt đất là đã thấy sợ, làm sao nói chuyện bước ra ngoài vũ trụ. Khoảng cách quá xa nên đối với vấn đề này chỉ im lặng.
Bản kinh Duy Ma Cật nằm trong chương trình giảng dạy cho trường Phật Học Cơ Bản Đồng Nai. Nhân khi soạn giáo án cho các ni sinh, tôi đã làm được một việc có lợi ích. Về sau bổ túc và viết thêm lời giới thiệu, chọn tập tranh của Hiểu Vân Sơn – Đài Loan làm phụ bản, cũng rất hứng thú. Tôi nghĩ mình ngôn từ hạn hẹp không thể diễn tả được hết ý thâm sâu của kinh, chỉ mong làm một món quà tặng các ni sinh của trường.

Viên Chiếu, cuối năm 2003
Thích nữ Như Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com