Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

152. Kinh Anh vũ [1]

10/05/201312:28(Xem: 17364)
152. Kinh Anh vũ [1]

Kinh Trung A Hàm

152. Kinh Anh vũ [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy.

Một thời Phật du hóa thành Vương xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa[2].

Bấy giờ, Ma-nạp Anh Vũ, con trai ông Đô-đề[3], có một ít việc phải làm nên đến trọ tại nhà một người cư sĩ trong thành Vương xá. Tại đây, Ma-nạp Anh Vũ con trai ông Đô-đề nói với người cư sĩ mà mình ngủ trọ:

“Có Sa-môn, Phạm chí nào, bậc Tông chủ, bậc Thầy của mọi người, thống lãnh một số đông đồ chúng, rất được mọi người tôn kính, để tôi tùy thời đến thăm viếng, kính phụng, hoặc có thể do khi kính phụng đó mà được hoan hỷ chăng?”

Cư sĩ đáp:

“Có. Này Thiên ái[4], có Sa-môn Cù-đàm, con dòng họ Thích, lìa bỏ Thích tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, chứng quả Vô thượng Chánh giác[5]. Này Thiên ái, ông có thể tùy thời đến thăm viếng, kính phụng, hoặc có thể do khi kính phụng đó mà được hoan hỷ.”

Ma-nạp Anh Vũ lại hỏi:

“Sa-môn Cù-đàm hiện nay ở chỗ nào? Tôi muốn đến gặp.”

Cư sĩ đáp:

“Sa-môn Cù-đàm hiện ở tại rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, trong thành Vương xá. Ông có thể đến đó để gặp.”

Khi ấy, Ma-nạp Anh Vũ liền rời khỏi chỗ trọ, nhà cư sĩ, thẳng đến rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Ma-nạp Anh Vũ từ xa trông thấy Đức Thế Tôn ở giữa rừng cây, tướng mạo đoan chánh, đẹp đẽ khác thường, như ánh trăng giữa rừng sao sáng chói, lóng lánh như khối núi vàng, đầy đủ tướng tốt, vòi vọi oai nghi, các căn vắng lặng, an định, không một mảy may ngăn ngại, hoàn toàn tự chế ngự, lắng tâm tĩnh mặc.

Sau khi thấy như thế, Ma-nạp liền đến trước Phật và bạch:

“Bạch Cù-đàm, con có đều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con mới dám trình bày.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, muốn hỏi, cứ tùy ý.”

Ma-nạp Anh Vũ hỏi:

“Bạch Cù-đàm, như con được nghe[6], ‘Nếu sống tại gia thì được hiểu biết tốt, biết đúng như pháp[7]. Người xuất gia học đạo thì không như vậy.’ Con xin hỏi Cù-đàm, việc đó như thế nào?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Này Ma-nạp, sự kiện đó không nhất định[8].”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài phân biệt sự kiện này cho con được rõ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, hãy lắng nghe khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi rõ.”

Ma-nạp Anh Vũ vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này Ma-nạp, nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo nào làm điều tà hạnh, thì Ta không khen ngợi người đó. Vì sao vậy? Nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo làm điều tà hạnh, thì kẻ ấy không được hiểu biết tốt, không biết đúng như pháp. Do đó, này Ma-nạp, nếu những kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo làm điều tà hạnh, thì Ta không khen ngợi kẻ ấy.

“Này Ma-nạp, nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo nào thực hành chánh hạnh, thì Ta khen ngợi người đó. Vì sao vậy? Nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, thì kẻ ấy chắc chắn được hiểu biết tốt, biết đúng như pháp. Do đó, này Ma-nạp, nếu kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, thì Ta khen ngợi kẻ ấy.

“Này Ma-nạp, Ta nói như vậy, nói về hai pháp ấy, phân biệt như vậy, hiển thị như vậy. Nhưng nếu có Sa-môn, Phạm Chí nào có năng lực, thâm nhập kiên cố, chấp chặt theo một chiều, vị ấy sẽ nói rằng, ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng’.”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, như con được nghe, ‘Nếu ai sống tại gia thì có lợi ích lớn, có công đức lớn; người xuất gia học đạo thì không như vậy[9].’ Con xin hỏi Cù-đàm, sự kiện ấy như thế nào?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, sự kiện ấy không nhất định[10].”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài phân biệt sự kiện đó cho con được rõ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, hãy lắng nghe khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi rõ.”

Ma-nạp Anh Vũ vâng lời lắng nghe.

Đức Phật nói:

“Này Ma-nạp, nếu sống tại gia có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng lại làm điều tà hạnh, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn[11]. Ví như người làm ruộng, có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, lại làm điều tà hạnh, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người sống tại gia cũng lại như thế.

“Này Ma-nạp, người xuất gia học đạo ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại làm điều tà hạnh, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Ví như người buôn bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại làm điều tà hạnh, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo cũng lại như thế.

“Này Ma-nạp, người sống tại gia có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng lại thực hành chánh hạnh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví như người làm ruộng có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng lại thực hành chánh hạnh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người sống tại gia cũng lại như thế.

“Này Ma-nạp, người xuất gia học đạo ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại thực hành chánh hạnh, thì được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví như người buôn bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại thực hành chánh hạnh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo lại cũng như thế.

“Này Ma-nạp, Ta nói như vậy, nói về hai pháp ấy, phân biệt như vậy, hiển thị như vậy. Nhưng nếu có Sa-môn, Phạm chí nào có năng lực, thâm nhập kiên cố, chấp chặt theo một chiều, vị ấy sẽ nói rằng, ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng.’”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, các Phạm chí kia chủ trương có năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nếu các Phạm chí chủ trương có năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước được thiện; vậy nay ngưới có thể ở giữa đại chúng mà trình bày lại chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, đối với con không có sự kiện không thể. Vì sao vậy? Vì Cù-đàm hiện đang ngồi ở giữa đại chúng này.”

Đức Thế Tôn nói:

“Vậy ngươi hãy trình bày.”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài khéo nghe cho. Bạch Cù-đàm, Phạm chí chủ trương thứ nhất là pháp Chân đế, có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước được thiện; pháp thứ hai là Tụng tập; pháp thứ ba là Nhiệt hành; pháp thứ tư là Khổ hạnh. Bạch Cù-đàm, Phạm chí chủ trương pháp thứ năm là Phạm hạnh[12] có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện.”

Đức Thế Tôn nói:

“Nếu các Phạm chí chủ trương năm pháp này có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; vậy trong số những Phạm chí ấy, có Phạm chí nào nói như thế này: ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, không có.”

Thế Tôn nói:

“Có vị Tôn sư hay Tổ sư nào, cho đến bảy đời cha mẹ nói như thế này, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, không có.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, xưa kia có những Phạm chí tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập kinh điển: một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa[13]. Nay các Phạm chí đối với các kinh điển ấy tụng tập, thọ trì, học hỏi. Nhưng họ có nói như thế này: ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Không có. Nhưng các Phạm chí ấy do tin mà thọ trì.”

Đức Thế Tôn nói:

“Trong các Phạm chí, không có một Phạm chí nào nói như vầy, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.” Và cũng không có vị Tôn sư hay Tổ sư nào, cho đến bảy đời cha mẹ nói như thế này, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’

“Xưa kia có những Phạm chí tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh: một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa. Nay các Phạm chí đối với các kinh điển ấy, tụng tập, thọ trì, học hỏi, nhưng họ không nói như vầy, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’ Thế thì này Ma-nạp, các Phạm chí ấy há không vì sự kiện này mà trong sự tin tưởng có thiếu căn bản chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch:

“Bạch Cù-đàm, thật sự không căn bản. Nhưng các Phạm chí nghe rồi thọ trì.”

Đức Thế Tôn nói:

“Ví như một đám người mù dắt nhau, người trước không thấy người ở sau, cũng không thấy người ở giữa; người giữa không thấy người ở trước, cũng không thấy người ở sau; người ở sau không thấy người ở giữa, cũng không thấy người ở trước. Này Ma-nạp, Ta nói các Phạm chí cũng như vậy. Này Ma-nạp, trước ngươi nói là do tin, sau đó ngươi nói là do nghe.”

Ma-nạp Anh Vũ liền tức giận Đức Thế Tôn, hằn học, không vui, phỉ báng Thế Tôn, chỉ trích Thế Tôn, mạ lỵ Thế Tôn, và nghĩ rằng, ‘Cần phải phỉ báng Cù-đàm, cần phải chỉ trích Cù-đàm, cần phải hạ nhục Cù-đàm.’ Liền nói với Đức Thế Tôn:

“Này Cù-đàm, có một Phạm chí tên là Phất-ca-sa-sa-la[14], thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn[15], nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân[16]; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lý.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nghĩ như thế này: “Ma-nạp Anh Vũ, con ông Đô-đề phẫn nộ đối với Ta, hằn học, không vui, phỉ báng Ta, chỉ trích Ta, mạ lỵ Ta, nghĩ rằng: ‘Cần phải phỉ báng Cù-đàm, cần phải chỉ trích Cù-đàm, cần phải hạ nhục Cù-đàm.’ Liền nói với Đức Thế Tôn: ‘Này Cù-đàm, có một Phạm chí tên là Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lý’.”

Đức Thế Tôn biết thế nên nói:

“Này Ma-nạp, có phải Phạm chí tên là Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, ông ấy biết điều mong nghĩ trong tâm của hết thảy Sa-môn, Phạm chí rồi mới nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn, Phạm chí nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lýchăng?’”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm, Phạm chí Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, có một nữ tỳ tên là Bất-ni nhưng đối với tâm niệm của nữ tỳ tên là Bất-ni[17]. Nhưng đối với tâm niệm của nữ tỳ này, ông còn không thể biết, huống nữa là biết tâm tư của tất cả Sa-môn, Phạm chí! Nếu cho rằng ông ấy biết, thì sự kiện này không thể có.”

Thế Tôn nói:

“Cũng như người sanh ra đã mù; người ấy nói như thế này, ‘Không có màu đen, màu trắng, cũng không thấy màu đen, màu trắng; không có sắc tốt, sắc xấu, cũng không thấy sắc tốt, sắc xấu; không có sắc ngắn, sắc dài, cũng không thấy sắc ngắn, sắc dài; không có sắc gần, sắc xa, cũng không thấy sắc gần, sắc xa; không có sắc thô, sắc tế, cũng không thấy sắc thô, sắc tế; vì ta không bao giờ thấy, không bao giờ biết, cho nên nói không có màu sắc.’ Người mù bẩm sinh kia nói như vậy là đúng sự thật chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, không phải vậy. Vì sao? Vì có màu đen, màu trắng, cũng có người thấy màu đen, màu trắng; có sắc tốt, sắc xấu, cũng có người thấy sắc tốt, sắc xấu; có sắc ngắn, sắc dài, cũng có người thấy sắc ngắn, sắc dài; có sắc gần, sắc xa, cũng có người thấy sắc gần, sắc xa; có sắc thô, sắc tế, cũng có người thấy sắc thô, sắc tế. Nếu nói, ‘Tôi không hề thấy, không hề biết, cho nên nói không có màu sắc,’ thì người mù bẩm sinh nói như vậy là không đúng sự thật.”

“Này Ma-nạp, Phạm chí Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn; lời nói của ông ấy có khác gì hạng người mù bẩm sinh, không có mắt kia chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Bạch Cù-đàm, như mù vậy.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu xưa kia có những Phạm chí, tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh[18]; đó là các Phạm chí Thương-già, Phạm chí Sanh Văn, Phạm chí Phất-ca-sa-sa-la và Đô-đề, thân phụ ngươi[19]; những điều mà họ nói, được chấp nhận hay không được chấp nhận? Chân thật hay không chân thật? Có cao, có thấp chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:

“Nếu xưa kia có những Phạm chí, tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh, đó là các Phạm chí Thương gia, Phạm chí Sanh Văn, Phạm chí Phất-ca-sa-sa-la và Đô-đề, thân phụ con; những điều được nói ấy; thì theo ý con, họ mong được chấp nhận, không mong không được chấp nhận; mong là chân thật, không mong không phải là chân thật; mong là sự cao thượng, không mong là sự thấp hèn.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, Phạm chí Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn; điều mà ông ấy nói, há không phải là không được chấp nhận, không có sự được chấp nhận? Là không chân thật, không có sự chân thật? Há không phải là rất thấp hèn, không có cái gì cao?”

Ma-nạp Anh Vũ thưa Đức Thế Tôn:

“Thật vậy, bạch Cù-đàm.”

“Lại nữa, này Ma-nạp, có năm pháp gây chướng ngại, gây che lấp, làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn. Những gì là năm? Này Ma-nạp, pháp thứ nhất là dục, gây chướng ngại, gây che lấp, làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn. Này Ma-nạp, sân nhuế, thân kiến, giới thủ và thứ năm là nghi, gây chướng ngại, gây che lấp làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn[20].

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ai bị năm pháp này làm chướng ngại, che lấp, quấn chặt, người ấy nếu muốn quan sát ý nghĩa lợi ích của mình, ý nghĩa lợi ích của người khác, ý nghĩa lợi ích của cả hai, và biết tất cả Sa-môn, Phạm chí nghĩ gì trong tâm; sự kiện ấy không thể có.

“Này Ma-nạp, Phạm chí Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, bị nhiễm bởi dục, bị ô uế bởi dục, nhiễm dục, xúc dục, say đắm nơi dục, vào trong dục mà không thấy tai hoạn, không biết sự xuất yếu và sống theo dục; vị ấy bị năm pháp này chướng ngại, che lấp, quấn chặt; vị ấy nếu muốn quán sát ý nghĩa lợi ích của mình, ý nghĩa lợi ích của người khác, ý nghĩa lợi ích của cả hai, và biết tất cả Sa-môn, Phạm chí nghĩ gì trong tâm; sự kiện ấy không thể có.

“Lại nữa, này Ma-nạp, có năm công đức của dục, khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, có khát ái liên hệ sắc dục, rất đáng ham muốn. Những gì là năm? Là sắc được thấy bởi mắt, tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chúng sanh do năm công đức của dục này cho nên phát sanh lạc, phát sanh hỷ, chẳng còn có điều gì ở ngoài đây chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Thế Tôn:

“Quả như vậy, bạch Cù-đàm.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Lửa do cỏ, cây được đốt cháy, và lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; thứ lửa nào có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng?”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; sự kiện này không thể có. Chỉ có thể có do sức mạnh của Như ý túc. Bạch Cù-đàm, lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; lửa ấy có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng.”

Thế Tôn nói:

“Quả như vậy, quả như vậy! Nếu lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy sự kiện này không thể có. Chỉ có do sức mạnh của như ý túc, lửa không do cỏ cây mà được đốt cháy; thứ lửa ấy có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng.

“Này Ma-nạp, ở đây Ta giả thiết rằng, cũng như thứ lửa do cỏ cây mà được đốt cháy, sự phát sanh hỷ lạc của chúng sanh cũng vậy, là do dục, do pháp ác, bất thiện, không đạt được lạc do xả và tịch tĩnh. Này Ma-nạp, cũng như thứ lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; sự phát sanh xả lạc của chúng sanh cũng vậy, là do ly dục, từ các pháp thiện, không đạt được lạc do xả và tịch tĩnh.”

Thế Tôn lại nói:

“Này Ma-nạp, ở đây, một Phạm chí lễ trai tự, hành bố thí, nhưng có một đồng tử Sát-lợi từ phương Đông đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được chỗ ngồi bậc nhất, nước rửa bậc nhất, ăn uống bậc nhất.’ Nhưng vì ở đó không được chỗ ngồi bậc nhất, nước rửa bậc nhất, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Nam có đồng tử Phạm chí đến, nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được thức ăn tịnh diệu.’ Nhưng ở đó không được thức ăn tịnh diệu, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Tây có đồng tử Cư sĩ đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được thức ăn dồi dào.’ Nhưng ở đó không được thức ăn dồi dào, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Bắc có đồng tử Công sư đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây ăn no đủ.’ Nhưng ở đó không được ăn no đủ, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Này Ma-nạp, các vị Phạm chí ấy thực hành sự bố thí như vậy, sẽ giả thiết những báo ứng nào?”

Ma-nạp Anh Vũ thưa:

“Bạch Cù-đàm, Phạm chí không thực hành bố thí với tâm như vậy, khiến người khác oán hận, ôm lòng ganh ghét. Cù-đàm nên biết, Phạm chí hành sự bố thí vì do tâm thương xót; do tâm thương xót mà hành sự bố thí thì được đại phước.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, các Phạm chí há không phải chủ trương pháp thứ sáu có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Quả như vậy, bạch Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, nếu có Phạm chí chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; thì ngươi thấy pháp ấy phần nhiều ở tại đâu? Tại gia chăng? Xuất gia học đạo chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu có Phạm chí chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; thì con thấy pháp ấy phần nhiều ở sự xuất gia học đạo, chứ không phải ở tại gia. Vì sao? Vì tại gia có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm, có nhiều kết hận, có nhiều ganh ghét đấu tranh, không có thể thành tựu sự thủ hộ, sự thành thật. Bạch Cù-đàm, người xuất gia học đạo ít công việc, ít bổn phận phải làm, ít có kết hận, ít có ganh ghét, nên có thể thành tựu sự thủ hộ, sự thành thật.

“Bạch Cù-đàm, sự thành thật ấy con thấy phần nhiều ở xuất gia học đạo, chứ không phải ở tại gia. Vì sao? Vì tại gia có nhiều công việc, nhiều bổn phận phải làm, có nhiều kết hận, có nhiều ganh ghét, đấu tranh, không được hành sự bố thí, không được tụng tập, không được hành khổ hạnh, không được sống Phạm hạnh. Bạch Cù-đàm, người xuất gia học đạo ít có công việc, ít có bổn phận phải làm, ít có kết hận, ít có ganh ghét, vị ấy có thể hành sự bố thí, có thể tụng tập, có thể hành khổ hạnh, có thể sống Phạm hạnh.

“Bạch Cù-đàm, Người sống Phạm hạnh, con thấy pháp phần nhiều ở xuất gia học đạo chứ không phải ở tại gia.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, nếu có Phạm chí chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện, Ta nói sự kiện ấy từ tâm mà khởi. Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán không sân nhuế, không tranh chấp là do tu tập những pháp ấy.

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có Tỳ-kheo thủ hộ thành thật, thì vị ấy do thủ hộ thành thật cho nên được hỷ, được duyệt. Này Ma-nạp, nếu có hỷ và duyệt tương ưng với thiện, Ta nói sự kiện đó từ tâm mà khởi. Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, là do tu tập những pháp ấy. Như vậy, vị ấy, được hành sự bố thí, được sự tụng tập, được sự hành khổ hạnh, được sống Phạm hạnh. Vị ấy do sống Phạm hạnh cho nên được hỷ, được duyệt.

“Này Ma-nạp, nếu có hỷ và duyệt tương ưng với thiện, Ta nói sự kiện ấy từ tâm mà khởi. Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, tâm ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ; cũng vậy, với bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.

“Này Ma-nạp, cũng như có người khéo thổi tù và. Nếu có phương nào chưa nghe được, người ấy vào lúc nửa đêm, leo lên núi cao, đem hết sức thổi tù và, phát ra âm thanh vi diệu, biến mãn cả bốn phương; cũng vậy, Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cả thế gian, thành tựu an trụ; cũng vậy với bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ở đây, có người cầu làm Trời. Vì để sanh lên trời, nên người ấy thực hành tâm tương ưng với tham lam, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Trời này, hay vị Trời khác.’ Lại có người cầu làm Trời; vì để sanh lên trời, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến mãn, thành tựu an trụ, và nghĩ rằng. ‘Mong ta làm vị Trời này, hay vị Trời khác.’ Ngươi xem các người đó, ai được làm vị Trời này hay vị Trời khác?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu có người cầu làm Trời; vì để sanh lên trời, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến thành tựu an trụ, con xem người ấy chắc chắn được làm vị Trời này hay vị Trời khác.”

Thế Tôn hỏi:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người cầu Phạm thiên. Vì để sanh lên Phạm thiên, nên thực hành tâm tương ưng với tham lam, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Phạm thiên này, hay vị Phạm thiên khác.’ Ở đây, lại có người cầu Phạm thiên. Vì để sanh lên Phạm thiên, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến mãn, thành tựu an trụ, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Phạm thiên này hay vị Phạm thiên khác.’ Ngươi xem các người đó, ai được làm Phạm thiên này, hay Phạm thiên khác?”

Ma-nạp Anh Vũ đáp:

“Bạch Cù-đàm, nếu người này cầu Phạm thiên, vì để sanh lên Phạm thiên, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, con thấy rằng, người này chắc chắn được làm vị Phạm thiên này, hay vị Phạm thiên khác.”

Ma-nạp Anh Vũ lại hỏi:

“Cù-đàm biết con đường dẫn đến Phạm thiên[21] chăng?”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, nay Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Thôn Na-la-ca-la[22] cách chúng hội này không xa chăng?”

Ma-nạp AnhVõ đáp:

“Không xa.”

Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ngươi nói với một người trong chúng hội này rằng: ‘Ông hãy đến thôn Na-la-ca-la kia. Đến đó rồi quaỷ về.’ Người ấy vâng lời ngươi, nhanh chóng đi đến thôn Na-la-ca-la; đến đó rồi trở về. Sau khi người ấy đi và về rồi, ngươi hỏi đường đi, hỏi sự việc đi và về, ra và vào nơi thôn Na-la-ca-la, người ấy há lại đứng im, không thể trả lời chăng?”

Ma-nạp Anh Vũ trả lời Đức Thế Tôn:

“Không vậy, bạch Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Ma-nạp, người ấy đi và về nơi thôn Na-la-ca-la, khi được hỏi về đường đi, có thể đứng im, không biết trả lời. Nhưng nếu hỏi Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác về con đường dẫn đến Phạm thiên thì hoàn toàn không có sự kiện giây lát im lặng, không biết trả lời.”

Ma-nạp Anh Vũ bạch Thế Tôn:

“Sa-môn Cù-đàm không chấp trước nơi sự tế tự chư Thiên; sự kiện ấy đã trọn đủ. Bởi vì khi được hỏi về con đường dẫn đến Phạm thiên thì Ngài có thể trả lời nhanh chóng.

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm Ư-bà-tắc, kể từ hôm nay quy y cho đến lúc mạng chung.”

Đức Phật thuyết như vậy, Ma-nạp Anh Vũ sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Bản Hán, quyển 11. Pāli, M. 99 Subhasuttaṃ.

[2]. Bản Pāli, Phật tại Xá-vệ: Sāvatthiyaṃ viharati.

[3]. Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử 鸚 鸇 摩 納 都 題 子. Pāli: Subho māṇavo todeyyaputto, thanh niên Shubha, con trai của Todeyya.

[4]. Thiên ái 天 愛. Pāli: Devānampiya, người được Trời thương; thường dùng để xưng hô với người ngu khờ. Bản Pāli: bhante: này ông bạn.

[5]. Trong bản Hán: Vô thượng Chánh tận giác 無 上 正 盡 覺.

[6]. Bản Pāli: Brāhmaīa bho Gotama evam āhaṃsu, “Các người Bà-la-môn nói như vầy...”

[7]. Hán: tiện đắc thiện giải, tắc tri như pháp 便 得 善 解 則 知 如 法. Pāli: ārādhako hoti ñāyaṃ dhammaṃ kusalaṃ, là người nhiệt tình với pháp thiện đúng chánh lý.

[8]. Bản Pāli: vibhajjavādo kho aham ettha māṇava nāham ekaṃsavādo, Ta thuyết có phân tích. Ta không thuyết pháp theo một chiều.

[9]. Pāli: mahaṭṭham idaṃ mahākiccaṃ mahādhikaraṇam mahāsamārambhaṃ gharācāsakammaṭṭhānaṃ mahapphalaṃ hoti, sự nghiệp của người tại gia cần nhiều kinh doanh, nhiều việc phải làm, nhiều tác vụ, nhiều nỗ lực, do đó, có kết quả to lớn.

[10]. Xem cht.5 ở trên.

[11]. Pāli: atthi māṇana kammaṭṭhānaṃ mahaṭṭhaṃ mahākiccaṃ mahādhikaraṇam mahāsamārambhaṃ vipajjamānaṃ appaphalaṃ hoti, có sự nghiệp cần nhiều kinh doanh nhiều việc phải làm, nhiều tác vụ, nhiều nỗ lực, nhưng không làm tốt, cho nên, kết quả nhỏ. Có lẽ, trong bản Pāli: mahākicca (nhiều nghĩa vụ), trong bản Hán đọc là mahācicha (nhiều khó nhọc, đại tai hoạn). Pāli: mahādhikaraṇa, có nghĩa: sự vụ hay tác vụ, cũng có nghĩa tranh chấp; bản Hán hiểu theo nghĩa thứ ha (đại đấu tránh). Pāli: samārambha, có hai nghĩa: nỗ lực (do gốc động từ rabh); hoặc gây tổn hại (do gốc động từ radh); bản Hán hiểu theo nghĩa sau (đại tắng oán).

[12]. Năm pháp theo Pāli: saccam (sự thật), tapam (khổ hành), brahmacariyam (tiết dục hay phạm hạnh), ajjhenam (tụng đọc), cāga (thí xả). Bản Hán thay cāga (thí xả) bằng nhiệt hành.

[13]. Danh sách mười đạo sĩ thời thượng cổ: Dạ-tra 夜 吒, Bà-ma 婆 摩, Bà-ma-đề-bà 婆 摩 提 婆, Tỳ-xa-mật-đa-la 毗 奢 蜜 哆 羅, Dạ-bà-đà-kiền-ni 夜 婆 陀 犍 尼, Ứng-nghi-la-bà 應 疑 羅 婆, Bà-tư-tra 婆 私 吒, Ca-diếp 迦 葉, Bà-la-bà 婆 羅 婆, Bà-hòa 婆 惒. Danh sách Pāli: Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Aṅgīrasa, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhāradvājā.

[14]. Phất-ca-sa-sa-la 弗 架 娑 娑 羅; Pāli: Pokkarasāti Opamañño Subhagavaniko, (người Bà-la-môn tên là) Pokkharasāti Opamañño, sống trong rừng Subha.

[15]. Hán: tánh trực thanh tịnh hóa 姓 直 清 淨 化; chỉ thuộc một dòng họ Bà-la-môn thuần chủng, không lai tạp trong nhiều đời liên tục.

[16]. Nhân thượng pháp 人 上 法. Pāli: uttarimanussadhamma, pháp của con người siêu việt.

[17]. Bất-ni 不 尼. Pāli: ?

[18]. Pāli: Kosalakā brahmaṇa-mahāsārā, các Bà-la-môn phú hào ở Kosala.

[19]. Các Bà-la-môn Thương-già 商 伽, Sanh Văn 生 聞, Phất-ca-sa-sa-la 弗 袈 娑 娑 羅 và Đô-đề 都 提; Pāli: Caṅki, Jānussoṇi, Pokkharasāti, Todeyya.

[20]. Năm pháp chướng ngại, bản Hán: dục, nhuế, thân kiến, giới thủ kiến và nghi. Trong bản Pāli, pañca nīvaraṇā (năm triền cái): kāmacchanda (dục vọng), vyāpāda (sân hận), thīnamiddha (hôn trầm), uddhaccakukkucca (trạo cử), vicikicchā (nghi).

[21]. Hán: Phạm đạo tích 梵 道 跡. Pāli: brahmānaṃ sahavyatāya maggaṃ, con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên.

[22]. Na-la-ca-la thôn 那 羅 迦 邏 村. Pāli: Naḷakāra, thôn phụ cận Xá-vệ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]