Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Kinh Trí [1]

09/05/201317:23(Xem: 20226)
23. Kinh Trí [1]

Kinh Trung A Hàm

23. Kinh Trí [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu[2] xả giới, bỏ đạo. Tỳ-kheo Hắc Xỉ[3] nghe Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo, liền đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xong, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, ngài nên biết Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu, xả giới, bỏ đạo”.

Tôn giả Xá-lê Tử nói rằng:

“Tỳ-kheo Mâu-lợi-phá-quần-nậu ở trong giáo pháp này mà có sự ái lạc chăng?”

Tôn giả Hắc Xỉ hỏi lại rằng:

“Tôn giả Xá-lê Tử ở trong giáo pháp này có sự ái lạc chăng?”

Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:

“Này Hắc Xỉ, ta không hề có sự nghi hoặc đối với giáo pháp này”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ lại hỏi rằng:

“Tôn giả Xá-lê Tử đối với những việc trong tương lai thì như thế nào?”

Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:

“Ta đối với những việc trong tương lai thì cũng không có gì do dự”.

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lê Tử vừa rồi tự tuyên bố là chứng đắc trí[4], biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa’.”

Đức Thế Tôn nghe xong bảo một vị Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đến chỗ Xá-lê Tử nói rằng ‘Đức Thế Tôn muốn gọi ngài.’”

Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lạy Phật rồi đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:

“Đức Thế Tôn gọi Tôn giả Xá-lê Tử”.

Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi liền đi đến trước Phật, cúi đầu lễ rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lợi-phất, có thật vừa rồi thầy tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’ chăng?”

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, không phải với lời văn ấy, không phải đi với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Xá-lê Tử, một thiện nam tử tùy phương tiện[5] mà tuyên thuyết, hễ có chứng đắc trí, thì tuyên bố chứng đắc trí”.

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con vừa nói không phải với lời ấy, không phải với câu ấy mà con nói về nghĩa ấy”.

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Xá-lê Tử nếu có vị phạm hạnh nào đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Này Xá-lê Tử nghe như vậy thầy sẽ trả lời sao?”

Tôn giả Xá-lê Tử trả lời rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu có vị phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào, để có thể tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn, nếu có người phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Chư Hiền, sanh có nhân. Nhân của sự sanh ấy diệt tận, thì biết nhân của sự sanh diệt tận; tôi tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Bạch Thế Tôn nếu có người phạm hạnh đến hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như thế”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Nếu các vị phạm hạnh đến hỏi như thế, thầy nên trả lời như vậy. Vì sao thế? Vì nói như thế nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lê Tử, nếu có vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, sự sanh do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc[6]?” Thầy nghe những câu hỏi đó, trả lời như thế nào?”

Tôn giả Xá-lê Tử thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, sự sanh do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?” Con nghe như vậy sẽ trả lời rằng: ‘Này chư Hiền, sự sanh lấy hữu làm nhân, lấy hữu làm duyên, từ hữu mà sanh, lấy hữu làm gốc’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, hữu do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, hữu do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?’ Bạch Thế Tôn con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, hữu lấy thủ[7] làm nhân, lấy thủ làm duyên, từ thủ mà sanh, lấy thủ làm gốc.’ Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.”

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thủ do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thủ do nhân gì, do duyên gì, từ đâu mà sanh, lấy gì làm gốc?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, thủ lấy ái làm nhân, lấy ái làm duyên, từ ái mà sanh, lấy ái làm gốc’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thế nào là ái?’ Thầy nghe những lời ấy sẽ trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con rằng ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, thế nào là ái?” Bạch Thế Tôn, con nghe như vậy, con sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, có ba cảm thọ[8]; cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không lạc không khổ. Ở trong đó mà ham muốn, đắm trước, đó gọi là ái’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?” Thầy nghe vậy rồi trả lời thế nào?”

Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi rằng: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, biết thế nào, thấy thế nào để đối với ba thọ không ham muốn, đắm trước?’ Nghe vậy rồi, con sẽ trả lời rằng: ‘Này chư Hiền, ba thọ này là pháp vô thường pháp khổ, pháp diệt. Pháp vô thường tức là khổ; thấy khổ rồi liền không còn ham muốn, đắm trước đối với ba thọ’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi như thế, con sẽ trả lời như vậy”.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Xá-lê Tử, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. Này Xá-lê Tử, những gì được cảm thọ, những gì được tạo tác, thảy đều là khổ[9]. Này Xá-lê Tử, đó gọi là còn một ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể được trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, bội xả[10] thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’”

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, nếu có vị phạm hạnh đến hỏi con thế này: ‘Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, bội xả thế nào để tự tuyên bố là chứng đắc trí, biết như thật, rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa?’ Con nghe như vậy sẽ trả lời thế này: ‘Này chư Hiền, tôi do bội xả bên trong[11] mà diệt tận các ái[12], không kinh hãi, không sợ sệt, không nghi, không hoặc, thực hành sự thủ hộ như vậy. Thủ hộ như thế rồi không sanh ra lậu bất thiện[13]’. Bạch Thế Tôn, nếu các vị phạm hạnh hỏi con như thế, con sẽ trả lời như vậy.

Đức Thế Tôn khen rằng:

“Hay thay! Hay thay! Xá-lê Tử, nếu các vị phạm hạnh đến hỏi thầy như thế, thầy nên trả lời như thế. Vì sao thế? Vì nói như vậy nên biết đó là nghĩa”.

Đức Phật bảo rằng:

“Này Xá-lê Tử, lời nói này còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt. ‘Đối với những kết sử mà Sa-môn nói đến[14], những kiết sử ấy không tồn tại nơi ta, thực hành sự thủ hộ như vậy; thủ hộ như thế rồi không còn sanh ra lậu bất thiện nữa’. Này Xá-lê Tử, đó gọi là còn có ý nghĩa nữa để lời nói ấy có thể trả lời vắn tắt”.

Đức Thế Tôn nói như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh thất tĩnh tọa. Sau khi Đức Thế Tôn đi vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lê Tử bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Này chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: ‘Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy’.”

Tỳ-kheo Hắc Xỉ nghe Tôn giả Xá-lê Tử nói những lời ấy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vội đến chỗ Phật bạch rằng:

“Sau khi Thế Tôn vào tịnh thất chẳng bao lâu, Tôn giả Xá-lê Tử nói rất to chẳng thua gì tiếng rống của sư tử, rằng: ‘Này chư Hiền, thoạt tiên tôi chưa kịp gợi ý mà Đức Thế Tôn lại hỏi ý nghĩa đó, tôi đã nghĩ rằng sợ không trả lời được. Này chư Hiền, khi tôi nói ra ý nghĩa thứ nhất liền được Đức Thế Tôn tán thán, tôi lại nghĩ thế này: Nếu Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy. Nếu Đức Thế Tôn trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi tôi về nghĩa này, thì tôi vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Đức Thế Tôn về nghĩa ấy’.”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Hắc Xỉ, thật như vậy! Thật như vậy! Nếu Ta trong một ngày một đêm, với những lời khác với những câu khác, mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lê Tử về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lê Tử vẫn có thể trong một ngày một đêm, với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Này Hắc Xỉ, nếu Ta trong hai, ba, bốn ngày cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác câu khác mà hỏi Tỳ-kheo Xá-lê Tử về nghĩa này, thì Tỳ-kheo Xá-lê Tử vẫn có thể trong hai, ba, bốn cho đến bảy ngày bảy đêm với những lời khác, câu khác mà trả lời Ta về nghĩa ấy. Vì sao thế? Này Hắc Xỉ, Tỳ-kheo Xá-lê Tử đã thấu đạt sâu xa về pháp giới[15] vậy”.

Phật thuyết như vậy, Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli: S, XII.32, Kalāra-suttam.

[2]. Mâu-lợi-phá-quần-nậu 牟 利 破 群 [劣-力+兔]. Pāli: Moliyaphagguna.

[3]. Hắc Xỉ 黑 齒. Pāli: Kalārakhattiya.

[4]. Pāli: aññā vyākatā, tuyên bố về cứu cánh trí.

[5]. Hán: tùy kỳ phương tiện 隨 其 方 便. Pāli: yena kenaci pariyāyena, bằng pháp môn (phương pháp) nào.

[6]. Pāli: kiṃ-nidānā kiṃ-samudayā kiṃ-jātikā kiṃ-bhavā, nguyên nhân gì, tập khởi gì, chủng loại gì, tự thể gì?

[7]. Hán: thọ 受, dịch ngữ thông dụng là thủ. Pāli: upādāna.

[8]. Hán: giác 覺, từ ngữ thông dụng là thọ. Pāli: vedāna.

[9]. Pāli: yaṃ kiñci vedayitaṃ taṃ dukkhasmiṃ ti, cái gì được cảm thọ, cái ấy ở trong khổ.

[10]. Hán: bối nhi bất hướng 背 而 不 向, cũng nói là bối xả. Thông thường nói là giải thoát; có tâm môn, mà diệt thọ tưởng định là cao nhất. Pāli: vimokkha.

[11]. Hán: nội bối nhi bất hướng 內 背 而 不 向. Pāli: ajjhattaṃ vimokkhā, sự giải thoát bên trong (hay nội tâm).

[12]. Pāli: sabbupādānakkhayā, tất cả chấp thủ diệt tận.

[13]. Pāli: yathā sataṃ viharantaṃ āsavā ānussavanti, do sống chánh niệm như thế các lậu không còn rỉ chảy.

[14]. Pāli: ye āsavā samanena vuttā, những lậu hoặc mà Sa-môn nói đến.

[15]. Hán: thâm đạt pháp giới 深 達 法 界. Pāli: Dhammadhātu-suppaṭividha, lý giải sâu sắc về Pháp giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]