Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

151. Kinh Phạm Chí A-nhiếp-hòa[1]

10/05/201312:26(Xem: 20911)
151. Kinh Phạm Chí A-nhiếp-hòa[1]

Kinh Trung A Hàm

151. Kinh Phạm Chí A-nhiếp-hòa[1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ có một số đông Phạm chí ở Câu-tát-la nhóm họp tại học đường, cùng nhau bàn luận như thế này:

“Dòng Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên. Nhưng Sa-môn Cù-đàm nói, bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải, hiển thị.”

Những vị ấy nghĩ như thế này:

“Này chư Hiền, ai là người có khả năng đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn?”

Họ lại nghĩ như thế này:

“A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp[2] được cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn kinh điển[3], thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện thứ năm, cú thuyết[4]. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn. Này chư Hiền, hãy đến A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp để nói sự kiện này. Tùy theo những gì A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói, chúng ta sẽ ghi nhận.”

Rồi số đông các Phạm chí ở Câu-tát-la đi đến chỗ A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cùng chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói rằng:

“Này Ma-nạp, chúng tôi một số đông các Phạm chí ở Câu-tát-la nhóm họp tại học đường, cùng nhau bàn luận như thế này, ‘Dòng Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên. Nhưng Sa-môn Cù-đàm nói: bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải, hiển thị’. Những vị ấy nghĩ như thế này, ‘Này chư Hiền, ai là người có khả năng đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn?’ Họ lại nghĩ như thế này, ‘A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp được cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không có tiếng xấu, nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn kinh điển, thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện ngũ, cú thuyết. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn’.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói với các Phạm chí rằng:

“Này chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm đúng như pháp mà thuyết pháp. Nếu đúng như pháp mà thuyết pháp thì không thể cật vấn.”

Số đông Phạm chí ở Câu-tát-la nói rằng:

“Này Ma-nạp, ngươi chưa bị khuất phục thì chưa thể tự mình chịu khuất phục trước. Vì sao? Vì A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp do cha mẹ sinh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không dứt tuyệt dòng họ, đời đời không làm các việc ác, nghe nhiều hiểu rộng, đọc thuộc bốn bộ kinh điển, thấu suốt nhân duyên, chánh văn, hí truyện ngũ, cú thuyết. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp có khả năng để có thể đến Sa-môn Cù-đàm, đem sự kiện này đúng như pháp mà cật vấn.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bèn im lặng nhận lời số đông Phạm chí ở Câu-tát-la.

Rồi A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cùng với số đông Phạm chí ở Câu-tát-la đến chỗ Phật, cùng chào hỏi, rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho chăng?”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Ma-nạp, hãy tùy ý mà hỏi.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp hỏi rằng:

“Thưa Cù-đàm, các Phạm chí nói như thế này, ‘Dòng tộc Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’. Nhưng chưa biết Sa-môn Cù-đàm sẽ nói như thế nào?”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Nay Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Này Ma-nạp, ngươi có nghe nói ở nước Dư-ni[5] và Kiếm-phù[6] chỉ có hai chủng tánh là chủ nhân và đầy tớ; sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ lại trở thành chủ nhân chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con nghe tại hai nước Dư-ni và Kiếm-phù có hai chủng tánh, chủ nhân và đầy tớ; chủ nhân làm đầy tớ, đầy tớ làm chủ nhân.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Phạm chí có thú hướng chân chánh thì Phạm chí ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Phạm chí vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ độc nhất có Phạm chí đối với hư không này mà không bị dính, không bị trói, không bị xúc chạm, không bị ngăn ngại; còn Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư thì không như vậy sao?[7]”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, Phạm chí đối với hư không này không bị dính, không bị trói, không bị xúc chạm, không bị ngăn ngại; Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư cũng vậy.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Phạm chí có thú hướng chân chánh thì Phạm chí ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Phạm chí vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Phải chăng chỉ có Phạm chí mới có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tránh? Còn Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư thì không như vậy?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, Phạm chí có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tránh. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư cũng như vậy.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Phạm chí có thú hướng chân chánh thì Phạm chí ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Phạm chí vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có những người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đến, và có người nói với họ rằng, ‘Các ngươi hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lợi hay chủng tộc Phạm chí thì những người ấy mới có thể mang bột tắm đến nước mà tắm, tắm rửa thật sạch cấu bẩn’. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chỉ những người trong chủng tộc Sát-lợi hay chủng tộc Phạm chí thì những người ấy mới có thể mang bột tắm đến nước tắm rửa cho thật sạch các cấu bẩn chăng? Hay những người trong chủng tộc Cư sĩ, chúng tộc Công sư, những người này không thể mang bột tắm đến nước mà tắm rửa cho thật sạch các cấu bẩn? Hay tất cả mọi người trong một trăm chủng tộc khác nhau vẫn có thể mang đậu tắm đến nước mà tắm rửa thật sạch các cấu bẩn?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, tất cả mọi người trong trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang đậu tắm đến nước mà tắm rửa thật sạch các cấu bẩn.

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Phạm chí có thú hướng chân chánh thì Phạm chí ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Phạm chí vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đến, và có người nói với họ rằng, ‘Các người hãy đến đây. Nếu ai sanh trong chủng tộc Sát-lợi hay chủng tộc Phạm chí, chỉ những người ấy mới có thể dùng nhánh sa-la rất khô hay gỗ chiên-đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho lửa phát ra và cháy lớn lên’. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chỉ những người trong chủng tộc Sát-lợi và chủng tộc Phạm chí, những người này mới có thể dùng nhánh sa-la rất khô hay gỗ chiên-đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên chăng? Hay những người trong chủng tộc Cư sĩ, chủng tộc Công sư, những người này cũng sẽ dùng nhánh sa-la rất khô, hay gỗ chiên đàn làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên? Hay những người thuộc một trăm chủng tộc khác nhau đều có thể dùng bất cứ loại gì mà làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, tất cả những người trong một trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa, rồ lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Phạm chí có thú hướng chân chánh thì Phạm chí ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Phạm chí vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ông nghĩ sao? Nếu những người trong một trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên, phải chăng tất cả lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay chỉ độc nhất thứ lửa này mới có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay độc nhất thứ lửa kia không có ngọn, không màu sắc, không sức nóng, không ánh sáng, không thể dùng vào các công việc do lửa đem lại? Hay tất cả thứ lửa kia đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu những người trong một trăm chủng tộc khác nhau ấy đều dùng bất cứ loại cây nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho lửa phát ra và cháy lớn lên. Tất cả những thứ lửa ấy đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại. Nếu độc nhất chỉ thứ lửa kia có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, có thể dùng vào công việc của lửa, trường hợp này không thể có. Nếu độc nhất chỉ có thứ lửa kia không có ngọn, không màu sắc, không sức nóng, không ánh sáng và không thể dùng vào các công việc của lửa, cũng không có trường hợp đó. Bạch Cù-đàm, nhưng tất cả những thứ lửa kia đều có ngọn, có màu sắc, có sức nóng, có ánh sáng, đều có thể dùng vào các công việc do lửa đem lại.”

“Như vậy, này Ma-nạp, nếu Phạm chí có thú hướng chân chánh thì Phạm chí ấy được hiểu biết rõ và tự tri đúng như pháp. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chân chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo và tự tri đúng như pháp.”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, thật là thích thú với ví dụ này. Nhưng các Phạm chí vẫn nói như thế này, ‘Dòng tộc Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, nếu thân này được thọ sanh vào đâu, thì nó được kể thuộc loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Phạm chí, nó được kể là chủng tộc Phạm chí. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư, nó được kể là chủng tộc Công sư.

“Này Ma-nạp, cũng như tùy theo lửa được phát sanh như thế nào thì được kể thuộc loại đó, tức đó là số của lửa. Nếu nhân nơi cây mà phát sanh thì nó được kể là loại lửa cây. Nếu nhân nơi cỏ rác hay củi mà phát sanh thì nó được kể là loại lửa cỏ, lửa rác, lửa củi.

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể thuộc loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Phạm chí, nó được gọi là chủng tộc Phạm chí. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư thì nó được gọi là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu con gái của Sát-lợi cùng con trai của Phạm chí hiệp hội với nhau, họ do sự hiệp hội ấy mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Ý ngươi nghĩ sao? Đứa trẻ kia là Sát-lợi chăng? Là Phạm chí chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con gái của Sát-lợi cùng con trai của Phạm chí hiệp hội với nhau, do sự hiệp ấy mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Con không nói là Sát-lợi, cũng không nói là Phạm chí. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói là thân khác”.

“Này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Phạm chí thì nó được kể là chủng tộc Phạm chí. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, nếu con gái của Phạm chí cùng con trai của Sát-lợi hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Ý ngươi nghĩ sao? Đứa trẻ kia là Phạm chí chăng? Là Sát-lợi chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, con gái của Phạm chí cùng con trai của Sát-lợi hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh con, hoặc giống cha nó, hoặc giống mẹ nó, hoặc không giống cả hai. Con không nói nó là Phạm chí, cũng không nói nó là Sát-lợi. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói nó là thân khác.”

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Phạm chí thì nó được kể là chủng tộc Phạm chí. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu một người có nhiều ngựa cái, người ấy thả một con lừa đực vào trong đám ngựa cái ấy, chúng cùng con lừa đực hiệp hội, do sự hiệp hội ấy mà sau đó sanh con ngựa câu. Ý ngươi nghĩ sao? Nó là con lừa chăng? Là con ngựa chăng?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, nếu ngựa và lừa hiệp hội với nhau, do sự hiệp hội này mà sau đó sanh ngựa câu. Con không nói nó là lừa, cũng không nói nó là ngựa. Bạch Cù-đàm, con chỉ nói nó là con la.”

“Như vậy, này Ma-nạp, thân này được thọ sanh vào đâu thì nó được kể vào loại đó. Nếu sanh trong chủng tộc Phạm chí thì nó được kể là chủng tộc Phạm chí. Nếu sanh trong chủng tộc Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư thì nó được kể là chủng tộc Công sư.”

Đức Thế Tôn lại nói rằng:

“Này Ma-nạp, thuở xưa có nhiều vị tiên nhân sống trên một chỗ cao của rừng vắng. Họ sinh ra ác kiến như thế này, ‘Dòng Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không có ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’. Khi ấy, A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la[8] nghe có nhiều tiên nhân sống trên một chỗ cao của rừng vắng đã sinh ra ác kiến như thế này rồi, ông khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy, cầm lọng, mang guốc vải trắng[9], không theo cửa vào, đến trụ xứ của tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất.

“Rồi trên chỗ cao của khu rừng vắng, nói có nhiều tiên nhân sống chung này, có một tiên nhân thấy A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy, cầm lọng, mang guốc vải trắng, không theo cửa vào, đến trụ xứ của tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất, thấy rồi, bèn đến chỗ những tiên nhân sống chung trên chỗ cao của khu rừng này và nói như thế này, ‘Này chư Hiền, nay có một người khoác áo ca-sa, quấn khăn lên đầu, chống gậy cầm lọng, mang guốc vải trắng, không theo cửa vào, đến trụ xứ của tiên nhân, đi kinh hành nơi tịnh thất chúng ta nên đến mà chú thuật nó rằng, ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’

“Rồi số đông các tiên nhân sống chung trên chỗ cao của khu rừng vắng bèn đến chỗ A-tư-la tiên nhân Đề-bệ-la. Đến rồi, dùng thần chú: ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, như vậy, như vậy... rồi, nhưng vị ấy sắc mặt càng thêm rạng rỡ, thân thể càng xinh tươi.

“Chúng tiên nhân kia liền nghĩ như thế này, ‘Trước kia dùng thần chú ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, mà hễ chú đến người nào thì người ấy trở thành tro. Nay chúng ta chú người này ‘Ngươi hãy thành tro! Ngươi hãy thành tro!’, chúng ta dùng đúng theo thần chú ấy để chú người này mà sao sắc mặt càng thêm rạng rỡ, thân thể càng xinh tươi? Ta nên hỏi xem’.

“Họ bèn hỏi:

“–Ông là ai?

“A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la đáp rằng:

“–Này chư Hiền, các ngươi có nghe đến A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la chăng?

Đáp rằng:

“–Chúng tôi có nghe đến A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la.

“Lại nói rằng:

“–Chính là ta đó.

“Các vị tiên nhân kia liền cùng nhau xin lỗi A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la rằng:

“–Mong tha thứ cho. Vì chúng tôi không biết Tôn giả là A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la.

“Khi ấy, A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la nói với các vị tiên nhân kia:

“–Ta đã tha thứ rồi. Có thật các người sinh ác kiến này, ‘Dòng Phạm chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen. Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh bởi Phạm thiên’ không?

“Các tiên nhân kia đáp rằng:

“–Quả như vậy.

“A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la lại hỏi các tiên nhân rằng:

“–Các người có biết rõ cha mình chăng?

“Các tiên nhân đáp rằng:

“–Biết rõ. Vị Phạm chí ấy lấy vợ là người Phạm chí, chứ không lấy người không Phạm chí. Cha của cha ấy, cho đến bảy đời đều lấy vợ là người Phạm chí, không lấy người không phải Phạm chí.

“A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la lại hỏi các tiên nhân kia rằng:

“–Các ông có biết rõ mẹ mình chăng?

“Các tiên nhân kia đáp rằng:

“–Biết rõ. Vị Phạm chí ấy lấy chồng là người Phạm chí, không lấy người không phải Phạm chí. Mẹ của mẹ ấy, cho đến bảy đời mẹ, những vị Phạm chí ấy đều lấy chồng người Phạm chí, không lấy người không phải Phạm chí.

“A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la lại hỏi các tiên nhân rằng:

“–Các người có biết rõ sự thọ thai chăng?

“Các tiên nhân kia đáp rằng:

“–Biết rõ. Do ba sự hiệp hội mà thọ thai, là sự hiệp hội của cha mẹ, thời gian người mẹ có thể thọ thai[10] và hương ấm đã đến[11]. Này A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la, phải hội đủ ba sự này mà có sự nhập thai mẹ.

“A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la lại hỏi các tiên nhân:

“–Nhưng có thể biết sự thọ sanh này là trai hay gái? Biết nó từ đâu đến? Từ chủng tộc Sát-lợi, từ Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư đến chăng? Từ phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc mà đến chăng?

“Các tiên nhân kia đáp rằng:

“–Không biết.

“A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la lại nói với các tiên nhân kia rằng:

“–Này chư Hiền, các người không thấy nó, không biết nó. Các người không biết thọ thai ai, nó từ đâu đến, nó là trai hay gái; nó từ Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư; nó từ phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, nhưng các người lại nói như thế này, ‘Dòng Phạm chí chí là hơn hết, ngoài ra không ai bằng. Dòng Phạm chí da trắng, ngoài ra đều là da đen, Phạm chí được thanh tịnh, không phải Phạm chí thì không được thanh tịnh. Phạm chí con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên’.

“Này Ma-nạp, các tiên nhân cùng sống chung với nhau trên chỗ cao của rừng vắng kia bị A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la khéo dạy, khéo quở trách nên không thể chủ trương Phạm chí là thanh tịnh, huống nữa là các thầy trò ngươi, những người luống mặc áo da, áo cỏ.”

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp bị Thế Tôn chỉ trích ngay mặt, trong lòng sầu não, cúi đầu im lặng, không biện bạch được một lời.

Đức Thế Tôn sau khi chỉ trích A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, Ngài lại muốn khuyên cho Ma-nạp được vui vẻ, bèn hỏi:

“Này Ma-nạp, có Phạm chí trai tự, bố thí; người này có bốn người con, hai đứa ham học hỏi, hai đứa không học hỏi. Ý Ma-nạp nghĩ sao? Người Phạm chí này sẽ dành cho ai trước tiên chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn bậc nhất?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, người Phạm chí ấy tất dành cho hai người con ham học hỏi của mình trước tiên về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn cũng bậc nhất.”

Đức Thế Tôn lại hỏi rằng:

“Này Ma-nạp, lại có một Phạm chí trai tự, bố thí; Phạm chí này có bốn người con; hai đứa ham học hỏi nhưng không tinh tấn, thích làm việc ác; còn hai đứa kia tuy không học hỏi, nhưng rất tinh tấn, thích làm việc thiện. Ý Ma-nạp nghĩ sao? Phạm chí này trước tiên dành cho ai về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn bậc nhất?”

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, Phạm chí ấy tất dành cho hai người con tuy không học vấn nhưng rất tinh tấn, thích làm việc thiện trước tiên về chỗ ngồi bậc nhất, nước tắm bậc nhất và thức ăn cũng bậc nhất.”

Đức Thế Tôn nói rằng:

“Này Ma-nạp, trước kia ngươi khen ngợi sự học hỏi, sau đó ngươi khen ngợi sự trì giới. Này Ma-nạp, như vậy Ta nói bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải hiển thị, ngươi cũng nói bốn chủng tánh này đều thanh tịnh với sự giảng giải hiển thị.”

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật.

Bấy giờ đại chúng càng cao giọng mà nói rằng:

“Sa-môn Cù-đàm thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Bởi vì Sa-môn Cù-đàm nói ‘Bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải hiển thị” khiến cho A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cũng nói theo rằng ‘Bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải hiển thị’.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn biết tâm niệm đại chúng ấy[12], liền bảo:

“Như vậy đủ rồi, này A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, chỉ cần trong lòng thấy thỏa mãn là được. Hãy trở về ngồi lại chỗ cũ.

A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn bèn thuyết pháp cho nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hơn hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, Ngài ngồi im lặng.

Khi ấy, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp sau khi được Đức Phật thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ số đông các Phạm chí ở Câu-tát-la trở về chưa bao xa, dùng đủ thứ ngôn ngữ khiển trách A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp:

“Ngươi muốn làm gì? Muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm, ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. Cũng như một người đi vào rừng để tìm con mắt, nhưng ngươi lại bị mất con mắt mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi cũng vậy, muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm, nhưng ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. Cũng như một người vì muốn uống nước nên xuống ao, nhưng ngược lại bị khát nước mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi cũng như vậy, muốn khuất phục Sa-môn Cù-đàm nhưng ngược lại bị Sa-môn Cù-đàm hàng phục mà trở về. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp, ngươi muốn làm gì?”

Bấy giờ, A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nói với số đông Phạm chí ở Câu-tát-la rằng:

“Này chư Hiền, tôi đã nói trước rồi, Sa-môn Cù-đàm đúng như pháp mà thuyết pháp. Ai thuyết pháp đúng như pháp, người ấy không thể cật vấn.”

Phật thuyết như vậy. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp nghe Phâït thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli M.93 Assalāyana-sutta. Hán, biệt dịch No.71 Phạm Chí An-ba-la-diên Vấn Chủng Tôn Kinh, Đông Tấn, Trúc Đàm-vô-lan dịch.

[2]. A-nhiếp-hòa-la-diên-da-na Ma-nạp 阿 攝 惒 邏 延 那 摩 納. Pāli: Āssalāyana- mānava. Bản Pāli xác định: mới 16 tuổi thôi. No.71: khoảng 15 hay 16 tuổi.

[3]. Tứ điển kinh, chỉ bốn bộ Vệ-đà.

[4]. Nhân duyên, chánh văn, hí ngũ, cú thuyết. Theo Pāli: nighandu (từ vựng), keṭubha (lễ nghi), ākkharappabheda (ngữ nguyên), itihāsa (hí truyện), padakoveyyakarana (cú thuyết, văn phạm).

[5]. Dư-ni 餘 尼; Pāli: Yoni, tên một nước ở Tây bắc Ấn-độ.

[6]. Kiếm-phù 劍 浮; Pāli: Kamboja, tên nước, thuộc địa phương A-phú-hãn ngày nay.

[7]. Xem kinh số 150 trên.

[8]. A-tư-la tiên nhân Đề-phệ-la 阿 私 羅 仙 人 提 鞞 邏. Pāli: Asita-Devala-Isi.

[9]. Bạch y tiệp 白 衣 屧. Ở trên, nói: “mặc áo ca-sa” nên đây không thể là “áo trắng”. Tiệp, bản Cao-li chép là biến 變. Trong bản Pāli: upāhanā ārohitvā, mang dép cỏ.

[10]. Dịch thoát ý; nguyên Hán: vô mãn kham nại 無 滿 堪 奈. Pāli: mātā ca tunī hoti, người mẹ trong thời có kinh.

[11]. Pāli: gandhabbo ca paccupaṭṭhito, hương ấm hiện diện.

[12]. Ngài biết họ cố ý cản trở thanh niên này theo Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]