Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

131. Kinh Hàng ma [1]

10/05/201311:49(Xem: 18819)
131. Kinh Hàng ma [1]

Kinh Trung A Hàm

131. Kinh Hàng ma [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Bạt-kì-sấu, trong núi Ngạc, rừng Bố, vườn Lộc dã[2].

Lúc bấy giờ Đại Mục-kiền-liên đang coi việc dựng thiền thất cho Phật[3]. Trong lúc Tôn giả đang kinh hành trên khoảng đất trống, bấy giờ Ma vương hóa hình nhỏ xíu, chui vào trong bụng của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghĩ như vầy, “Bụng ta cảm thấy nặng, giống như đang ăn phải hạt đậu. Ta hãy nhập Như kỳ tượng định, bằng Như kỳ tượng định ta nhìn vào bụng xem.”

Rồi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đi đến cuối đường kinh hành, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, nhập như kỳ tượng định, bằng như kỳ tượng định mà nhìn vào bụng mình, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thấy Ma vương đang ở trong đó. Tôn giả bèn ra khỏi định, nói với Ma vương:

“Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ.”

Khi ấy, Ma vương liền nghĩ: “Sa-môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: ‘Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ’. Tôn sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao!”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên lại nói với Ma vương rằng:

“Ta lại biết trong ý của ngươi, ngươi nghĩ như vầy, ‘Sa-môn này không thấy, không biết, thế mà lại nói: ‘Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Này Ba-tuần, ngươi hãy đi ra! Chớ có xúc nhiễu Như Lai, cũng chớ xúc nhiễu đệ tử của Như Lai. Đừng sống mãi trong sự vô nghĩa, vô ích mà phải tái sanh ác xứ, thọ vô lượng khổ’. Tôn sư của ông ta có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, cũng không thể thấy mau lẹ, biết mau lẹ như vậy, huống nữa là đệ tử mà thấy biết được sao!’”

Ma Ba-tuần kia nghĩ rằng: “Sa-môn này đã thấy và biết ta nên mới nói như vậy.” Rồi ma Ba-tuần hóa hình nhỏ xíu, từ trong miệng vọt ra, đứng ngay trước mặt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo rằng:

“Này ma Ba-tuần, thuở xưa, có Như Lai tên là Giác-lịch-câu-tuân-đại[4], Đấng Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Lúc đó ta làm ma có tên là Ác[5]. Ta có người em gái[6] tên là Hắc[7]. Ngươi chính là con trai của nó. Này ma Ba-tuần, vì lẽ đó cho nên ngươi là cháu gọi ta bằng cậu.

“Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác có hai đệ tử, một tên là Âm[8], hai tên là Tưởng[9]. Này Ba-tuần, do ý nghĩa nào được gọi là Âm? Ba-tuần, Tôn giả đó lúc sống trên cõi trời Phạm thiên, tiếng nói bình thường của ngài vang cả ngàn thế giới, lại không có một đệ tử nào có âm thanh ngang bằng, hoặc tương tợ, hoặc trội hơn được. Này Ba-tuần, vì lẽ ấy cho nên Tôn giả đó được gọi là Âm vậy. Ba-tuần, lại do ý nghĩa nào mà Tôn giả Tưởng có tên là Tưởng? Này Ba-tuần, Tôn giả Tưởng nương nơi thôn ấp mà du hành. Khi đêm đã qua, lúc trời hừng sáng, Tôn giả ấy đắp y, mang bình bát, đi vào thôn ấp khất thực, cẩn thận thủ hộ thân, thu nhiếp các căn, giữ vững chánh niệm. Ngài sau khi khất thực xong và sau khi ăn vào lúc giữa trưa, thâu vén y bát, rửa tay chân, vắt Ni-sư-đàn trên vai, đi vào rừng vắng vẻ, hoặc đến dưới gốc cây trong rừng sâu, hoặc đến chỗ không tĩnh, trải ni-sư-đàn ngồi kết già, liền nhập Tưởng tri diệt định một cách mau chóng. Lúc ấy có những người đang lùa trâu, dê, người đi mót cỏ, hoặc người đi đường, họ vào trong núi, thấy ngài nhập Tưởng tri diệt định, bèn nghĩ rằng: ‘Nay Sa-môn này ngồi mà chết trong khu rừng vắng này. Chúng ta hãy nhặt cỏ khô chất đống phủ lên trên, ràng rịt cẩn thận, lượm củi chất chồng lên trên thân để hỏa thiêu’. Họ bèn nhặt cỏ chất đống phủ lên thân ngài, nổi lửa đốt rồi bỏ mà đi. Tôn giả kia, sau khi đêm đã qua, trời vừa hừng sáng, ra khỏi định, đập phủi y phục, du hành trở về thôn ấp, đắp y, mang bình bát vào thôn ấp khất thực như thường lệ, khéo giữ gìn thân căn, giữ vững chánh niệm. Những người lùa trâu, dê, những người mót cỏ khô, hoặc người đi đường vào trong núi đã gặp Tôn giả trước kia, họ bèn nghĩ: ‘Đây là Sa-môn ngồi mà chết trong khu rừng vắng vẻ này. Chúng ta đã nhặt cỏ khô chất đống phủ trên thân, nổi lửa đốt rồi bỏ đó mà đi. Song Hiền giả này vẫn còn biết tưởng[10].’ Này Ba-tuần, vì lẽ đó cho nên Tôn giả Tưởng được gọi là Tưởng vậy.

“Này Ba-tuần, lúc ấy ác ma nghĩ rằng: ‘Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt[11], bị tuyệt chủng, không con cái, học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét[12]. Giống như con lừa trọn ngày mang nặng, bị cột lại trong tàu, không được ăn lúa mạch, nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng, không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“‘Giống như con mèo ngồi rình bên hang chuột, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“ ‘Cũng giống như con cú mèo[13] ở giữa đống củi khô, vì muốn bắt chuột nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“ ‘Giống như con chim hạc[14] ở bên bờ nước, vì muốn bắt cá nên nó dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét; cũng vậy, Sa-môn trọc đầu này bị da đen trói chặt, bị tuyệt chủng không con cái, chúng nó học thiền, dò xét, ngong ngóng dò xét, luôn luôn ngong ngóng dò xét.

“‘Chúng dò xét cái gì? Dò xét với mục đích gì? Dò xét để mong cái gì? Chúng nó loạn trí, phát cuồng, bại hoại. Ta chẳng biết chúng nó ở đâu đến, cũng chẳng biết chúng nó đi về đâu, chẳng biết chúng nó sống ở đâu, chẳng biết chúng nó chết như thế nào, sanh như thế nào? Ta hãy dạy bảo các Phạm chí, Cư sĩ rằng: ‘Ngươi hãy đi đến mà chửi, mà đập, mà phá, mà rủa xả Sa-môn tinh tấn kia’. Vì sao vậy? Khi bị chửi, bị đập, bị phá, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ lợi dụng’.

“Bấy giờ ác ma bèn xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí. Các Cư sĩ, Phạm chí ấy chửi, đập phá, rủa xả Sa-môn tinh tấn. Các Cư sĩ, Phạm chí ấy hoặc dùng cây đánh, hoặc lấy đá ném, hoặc vác gậy đập, có khi gây thương tích Sa-môn tinh tấn, có khi làm rách toạc áo, có khi làm bể bình bát. Bấy giờ trong số Cư sĩ Phạm chí ấy do nhân duyên này thân hoại mạng chung phải đến ác xứ, sanh trong địa ngục. Chúng sanh vào đó rồi, suy nghĩ như vầy, ‘Ta phải thọ khổ này, lại phải thọ cực khổ hơn nữa. Vì cớ sao? Vì chúng ta đã đối xử tàn ác với Sa-môn tinh tấn vậy’.

“Này Ba-tuần, đệ tử của Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác mang đầu thương tích, mang y rách toạc, mang bình bát bể, đi đến chỗ Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh. Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa một đệ tử mang đầu bị thương tích, y rách toạc, bình bát bể đi đến. Ngài thấy vậy, bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Các ngươi có thấy chăng, ác ma đã xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí rằng ‘Các ngươi hãy đến mà chửi, mà đập, mà rủa xả Sa-môn tinh tấn. Vì cớ sao? Khi bị chửi, bị đập, bị rủa xả, biết đâu chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng’.’ Này các Tỳ-kheo, hãy với tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy thượng hạ bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, Bồ tát kết, không oán, không nhuế, không não hại, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bi và hỷ cũng vậy. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy khiến ác ma không thể lợi dụng’.

“Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác bằng giáo pháp như vậy mà dạy đệ tử. Họ bèn thọ lãnh giáo pháp ấy, tâm tương ưng với từ, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn bao la, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Với tâm ấy, ác ma kia không thể lợi dụng được.

“Này ma Ba-tuần, lúc đó ác ma lại nghĩ: ‘Bằng sự việc ấy ta muốn lợi dụng Sa-môn tinh tấn mà không thể được. Bây giờ ta hãy xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí rằng: ‘Các người hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn’. Biết đâu do sự phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn, chúng nó chẳng nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng’.

“Này Ma Ba-tuần, các Cư sĩ, Phạm chí kia sau khi bị ác ma xúi dục, họ đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn. Họ lấy áo trải lên mặt đất mà nói rằng ‘Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên mà đi. Sa-môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc’. Hoặc có Phạm chí trải tóc lên mặt đất, nói rằng ‘Sa-môn tinh tấn, xin đạp lên tóc mà đi. Sa-môn tinh tấn thường làm những việc khó làm, khiến cho chúng tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc’. Hoặc có Cư sĩ, Phạm chí hai tay bưng đủ các loại ẩm thực, đứng bên dưới đợi và nói rằng ‘Sa-môn tinh tấn, xin nhận vật thực này, xin cứ mang đi tùy ý mà thọ dụng, để cho tôi mãi mãi được lợi ích, được an ổn khoái lạc’. Các Cư sĩ, Phạm chí thành tín thấy Sa-môn tinh tấn, cung kính bồng bế vào nhà, đem đủ thứ tài vật ra cho Sa-môn tinh tấn và nói rằng: ‘Xin thọ nhận cái này, xin thọ dụng cái này, xin mang cái này đi, tùy ý mà thọ dụng’. Lúc bấy giờ trong số các Cư sĩ, Phạm chí đó có người chết, do nhân duyên này thân hoại mạng chung được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Sau khi sanh vào đó, họ bèn nghĩ ‘Ta đáng thọ hưởng sự an lạc này, lại sẽ thọ hưởng cực lạc hơn nữa. Vì sao thế? Vì chúng ta đã làm các việc lành với Sa-môn tinh tấn vậy’.

“Này ma Ba-tuần, đệ tử của Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, sau khi được phụng kính, cúng dường, lễ sự, họ đi đến Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Lúc đó Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đệ tử vây quanh. Khi Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác trông thấy từ xa các đệ tử được phụng kính, cúng dường, lễ sự đang đi đến, thấy vậy, ngài bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Các ngươi có thấy chăng? Ác ma xúi dục các Cư sĩ, Phạm chí rằng ‘Các ngươi hãy đến phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn’. Biết đâu do phụng kính, cúng dường, lễ sự Sa-môn tinh tấn, chúng sẽ nổi ác tâm để ta dễ dàng lợi dụng. Này các Tỳ-kheo, các ngươi hãy quán các hành vô thường, quán các pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn để cho bọn ác ma không thể lợi dụng’.

“Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác bằng giáo pháp như vậy mà dạy các đệ tử, họ bèn thọ lãnh giáo pháp ấy, quán các hành vô thường, quán pháp hưng suy, quán vô dục, quán xả ly, quán diệt, quán đoạn, khiến cho ác ma không thể lợi dụng.

“Này ma Ba-tuần, lúc đó ác ma bèn nghĩ: ‘Bằng việc ấy ta muốn lợi dụng Sa-môn tinh tấn mà không được. Ta hóa hình làm một đứa nhỏ[15] tay cầm cây gậy lớn, đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt’.

“Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác sau đó đang du hành trong thôn ấp. Khi đêm đã qua, lúc trời hừng sáng, mang y bát vào trong thôn xóm khất thực, Tôn giả Âm đi hầu theo phía sau. Ma Ba-tuần, lúc ấy ác ma hóa hình làm một đứa bé, tay cầm một cây gậy lớn đứng bên đường, đánh vỡ đầu Tôn giả Âm, khiến máu chảy ướt cả mặt. Ma Ba-tuần, Tôn giả Âm sau khi bị vỡ đầu chảy máu, vẫn đi theo sau Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác như bóng không rời hình. Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác sau khi đến thôn ấp, bằng sức mạnh cực kỳ của bản thân, Ngài xoay nhìn theo phía hữu, như cái nhìn của một voi chúa, không sợ không hãi, không kinh không khiếp, quán sát khắp mọi phía. Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nhìn thấy Tôn giả Âm đầu bị chảy máu ướt cả mặt, đang đi theo sau Phật như bóng không rời hình, bèn nói rằng: ‘Ác ma thật là hung bạo này có đại oai lực, ác ma này không biết vừa đủ’.

“Này ma Ba-tuần, Đức Giác-lịch-câu-tuân-đại Như Lai, Đấng Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nói chưa xong thì ngay tại chỗ đó ác ma liền bị đọa vào đại địa ngục Vô khuyết[16]. Ma Ba-tuần, đại địa ngục này có bốn tên gọi[17], một là Vô khuyết, hai là Bách đinh, ba là Nghịch thích, bốn là Lục cánh. Trong đại địa ngục đó có ngục tốt đi đến chỗ ác ma ở mà nói rằng: ‘Ngươi nay nên biết, nếu đinh hiệp với các đinh, phải biết mãn một trăm năm’.”

Ma Ba-tuần nghe nói như vậy xong, trong lòng hết sức rúng động, kinh sợ, khủng khiếp vô cùng, tóc lông dựng ngược, bèn hướng đến tôn giả Đại Mục-kiền-liên mà nói bài kệ:

Địa ngục kia thế nào,
Xưa ác ma ở đó?
Nhiễu hại bậc Phạm hạnh
Xúc phạm cả Tỳ-kheo.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp lại ma Ba-tuần bài kệ rằng:

Địa ngục tên Vô khuyết,
Ác ma từng ở trong.
Nhiễu hại bậc Phạm hạnh,
Xúc phạm Tỳ-kheo Tăng.
Đinh sắt cả trăm cái,
Thảy đều đâm ngược lên.
Địa ngục tên Vô khuyết,
Ác ma từng ở trong.
Nếu như ai không biết,
Đệ tử Phật, Tỳ-kheo,
Tất nhiên khổ như vậy,
Mà thọ báo nghiệp đen.
Trong nhiều loại viên quán,
Loài người trên đất này,
Ăn loại lúa tự mọc,
Đời Bắc châu, tự nhiên.[18]
Đại Tu di triền núi
Xông ướp bởi nhân lành.[19]
Tu tập nơi giải thoát,
Thọ trì tối hậu thân,
Đứng sững trên suối lớn,
Cung điện kiếp lâu bền.[20]
Sắc vàng thật ái lạc,
Như lửa rực huy hoàng[21].
Nhạc trời trỗi các thứ;
Đến Đế Thích thiên cung.
Kiếp xưa với nhà cửa,
Thiện Giác đã cúng dường[22].
Nếu Đế Thích đi trước,
Lên điện Tỳ-xà-diên[23],
Hân hoan chào đón Thích,
Thiên nữ vũ chúc mừng.
Nếu thấy Tỳ-kheo đến[24],
Nhìn lui, vẻ thẹn thùng.
Nếu Tỳ-lan-diên hiện,
Luận nghĩa cùng Sa-môn,
Ái tận, đắc giải thoát[25];
Đại tiên có biết chăng?
Tỳ-kheo liền đáp lại,
Người hỏi đúng như nghĩa.
Câu-dực, ta biết đây,
Ái tận, đắc giải thoát.
Nghe lời giải đáp này,
Đế Thích hoan hỷ lạc.
Tỳ-kheo ban lợi ích,
Nói năng đúng nghĩa chân.
Trên Tỳ-xà-diên điện,
Hỡi Đế Thích thiên vương,
Cung điện tên gì vậy,
Mà người nhiếp trì thành?
Thích đáp: Đại Tiên Nhân!
Tên Tỳ-xà-diên-đá.
Gọi là thế giới ngàn,
Ở trong ngàn thế giới;
Không cung điện nào hơn
Như Tỳ-la-diên-đá.
Thiên vương Thiên Đế Thích,
Tự tại mà du hành.
Ái-lạc na-du-đá[26],
Hóa một thành trăm hàng.
Trong Tỳ-lan-diên điện,
Đế Thích tự tại chơi.
Tỳ-lan-diên đại điện,
Ngón chân đủ lung lay[27].
Thiên vương mắt xem thấy,
Đế Thích tự tại chơi.
Giảng đường Lộc tử mẫu[28],
Nền sâu, đắp kiên cố,
Khó động, khó lung lay,
Lay bởi định như ý.
Kia có đất lưu ly,
Thánh nhân bước lên đi
Trơn nhuần, cảm thọ lạc,
Trải gấm êm diệu kỳ.
Ái ngữ thường hòa hiệp,
Thiên vương thường hân hoan.
Nhạc trời hay khéo trỗi,
Âm tiết họa nhịp nhàng.
Thiên chúng đều hội tụ,
Nhưng thuyết Tu-đà-hoàn[29].
Biết mấy vô lượng ngàn,
Và hằng trăm na thuật.
Đến Tam thập tam thiên,
Bậc Tuệ Nhãn thuyết pháp.
Nghe Ngài thuyết pháp xong,
Hoan hỷ và phụng hành.
Ta cũng có pháp ấy,
Như lời của tiên nhân;
Tức lên cõi Đại phạm,
Hỏi Phạm thiên sự tình.
Phạm vẫn có thấy ấy;
Tức thấy có từ xưa,
Ta vĩnh tồn, thường tại,
Hằng hữu, không biến đổi.
Đại Phạm trả lời kia,
Đại tiên tôi không thấy,
Tức thấy có từ xưa,
Ta thường hằng không đổi.
Tôi thấy cảnh giới này,
Các Phạm thiên quá khứ;
Ta nay do đâu nói,
Thường hằng không biến đổi.
Ta thấy thế gian này,
Bậc Chánh Giác đã dạy.
Tùy nhân duyên sanh ra,
Luân chuyển rồi trở lại.
Lửa không nghĩ thế này:
“Ta đốt kẻ ngu dại”
Lửa đốt, ngu sờ tay,
Tất nhiên phải bị cháy.
Cũng vậy, ma Ba-tuần,
Đến Như Lai pháp khuất,
Mãi làm điều bất thiện,
Tất thọ báo miên viễn.
Ngươi đừng trách Phật-đà,
Chớ hại Tỳ-kheo tịnh.
Một Tỳ-kheo hàng ma,
Tại Bố Lâm rừng già.
Con quỷ sầu áo não,
Bị Kiền-liên quở la.
Hãi hùng mất trí tuệ,
Biến mất bèn đi xa.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thuyết như vậy. Ma Ba-tuần sau khi nghe Tôn giả thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli M.50. Māratajjaniya-sutta. Biệt dịch No.66 và No.67.

[2]. Ngạc sơn, Bố lâm: xem cht.3, kinh 74.

[3]. No.66 cũng nói dữ kiện này. No.67 và Pāli không có.

[4]. Giác-lịch-câu-tuân-đại 覺 礫 拘 荀 大. No.66: Câu-lâu-tôn. No.67: Câu-lâu-tần. Pāli:Kakusandha.

[5]. Ác 惡. No.66: xúc nhiễu ma. No.67: sân hận. Pāli: Dūsī.

[6]. No.66 cũng nói là muội. No.67 nói là tỷ, chị. Pāli: bhaginī.

[7]. Hắc 黑. No.67: Yểm hắc. Pāli: Kālī.

[8]. Âm 音; Pāli: Vidhura.

[9]. Tưởng 想; Pāli: Sañjīva.

[10]. Thử Hiền giả cánh phục tưởng 此 賢 者 更 復 想; Pāli: ayaṃ samaṇo... svāyaṃ paṭisañjīvito, sa-môn này tự mình sống lại. Ở đây, sañjīva: người còn sống; bản Hán đọc là saññīva; người còn có tưởng.

[11]. Dĩ hắc sở phược 以 黑 所 縳. Pāli: kiṇhā bandhupādāpacca, đen điu, nòi giống ti tiện (sinh từ bàn chân của bà con của Phạm thiên). Trong bản Hán, bandhu, bà con, được đọc là bandha, sự cột trói.

[12]. Cố dịch sát: học thiền, tứ, tăng tứ, sác sác tăng tứ 學 禪 伺 增 伺 數 數 增 伺. Pāli: jhāyanti, pajjhāyanti, nijjhāyanti, apajjhāyanti (chúng nó thiền, chúng nó thiền trầm ngâm, chúng nó thiền đắm đuối, chúng nó thiền si dại). Hán tăng tứ thường dịch chữ abhijjhā, tham cầu (theo nghĩa, dòm ngó tài sản người khác), được hiểu cùng gốc động từ jhāyati: thiền hay tư duy.

[13]. Nguyên Hán: hưu hồ 鵂 狐, có lẽ chính xác là con hưu lưu 鵂 鶹, loại cú tai mèo, bắt chuột. Pāli: ulūka, con cú.

[14]. Hạc điểu 鶴 鳥, chính xác nên hiểu là con sếu; nhưng bản Pāli: kotthu nadītīre, con giả can bên bờ sông.

[15]. Bản Pāli: nhập vào một cậu bé (aññataraṃ kumārakaṃ anvāvisitvā).

[16]. No.66: danh A-tỳ-nê-lê. Có lẽ, Vô khuyết tức Vô gián, hay A-tỳ (Avici). Bản Pāli không nói tên địa ngục gì.

[17]. Bản Pāli chỉ có ba tên: chaphassāyataniko, địa ngục sáu xúc xứ; saṅkusamāhato, địa ngục cọc sắt; paccattavedaniyo, địa ngục thọ khổ các biệt.

[18]. Bốn câu trở lên nói đời sống châu Bắc Câu-lô.

[19]. Hai câu nói về trời Tứ thiên vương, ở ngay sườn núi Tu-di (Sineru).

[20]. Nói về cõi trời Tam thập tam thiên hay Đao lợi thiên (Tavatimsa), ở trên chóp Tu-di. Từ đây trở xuống, nói về các cõi cao hơn.

[21]. Hán: Hoảng dục; danh từ bình thường, không chỉ trời Quang âm ở Nhị thiền thiên.

[22]. Trong một tiền kiếp, Đế Thích cúng dường nhà cửa cho Sa-môn. Do đó, còn có tên là Vāsava.

[23]. Tỳ-xà-diên. Pāli: Vejayanta (Chiến thắng), được gọi như vậy vì xuất hiện khi Thiên Đế Thích chiến thắng A-tu-la (Asura).

[24]. Tức Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Xem chú thích ngay dưới.

[25]. Thiên Đế Thích (Sakka) được Phật giảng cho về ái tận giải thoát. Trở về cung điện, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên muốn biết Sakka có hiểu hay không, nên tìm đến điện Vejayanta. Thiên Đế Thích từ chối trả lời. Khi Tôn giả thấy đời sống hưởng thụ của Thiên Đế Thích cho rằng quá đáng, nên bấm ngón chân cái, làm rung động điện Vejayanta, Thiên Đế Thích hoảng sợ (xem M.37).

[26]. Na-du-đá, Pāli: nahuta hay nayuta, đơn vị đo đường dài. Nhưng trong đây không rõ ý gì.

[27]. Xem chú thích 25 trên.

[28]. Phật nói về ái tận giải thoát cho Đế Thích tại giảng đường Lộc tử mẫu.

[29]. Đế Thích được coi như đắc Tu-đà-hoàn, sau khi nghe Phật nói kinh Sakkapañhā (Pāli: D.21, Hán No.1914).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]