Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4. THỨC NĂNG BIẾN LIỄU CẢNH ( Tri Thức Luận )

09/05/201313:27(Xem: 9554)
Chương 4. THỨC NĂNG BIẾN LIỄU CẢNH ( Tri Thức Luận )

Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức

Người giảng: Pháp Sư PHÁP PHẢNG

Người dịch:HT Thích Thắng Hoan

CHƯƠNG IV

THỨC NĂNG BIẾN LIỄU CẢNH ( Tri Thức Luận )

A.- LỜI TỰA

1.- NHU YẾU VÀ PHẠM VI CỦA TRI THỨC:

Nhân loại sở dĩ được cho là linh tánh hơn vạn vật nhờ có hai điểm: một là nhân loại có trí tuệ và có khả năng ứng dụng trí tuệ; hai là nhân loại có khả năng chế tạo công cụ và có khả năng ứng dụng công cụ. Tất cả động vật ngoại trừ loài người đều không thể có hai thứ năng khiếu này, cho nên nhân loại có khả năng khống chế tất cả, có khả năng chiến thắng tất cả, có khả năng sản sanh văn minh và có khả năng khai phát tự nhiên. Hai thứ đặc điểm này nói chung chính là tác dụng của tri thức. Nhân loại trong sự sinh hoạt tất nhiên phải tìm cầu tri thức, nguyên vì tri thức chính là vũ khí của nhân loại sinh hoạt. Ở trong thời đại này, loài người không có tri thức thì không thể sanh tồn. Từ trong sự sinh hoạt của nhân loại, văn hoá có thể nhờ đó sản sanh, văn hoá chính là sản phẩm kết tinh của tri thức nhân loại. Xưa nay vấn đề nghiên cứu tri thức nơi trong triết học có chỗ gọi là Tri Thức Luận, đây là thuộc về tánh chất của vấn đề nghiên cứu tri thức. Tánh chất của vấn đề nghiên cứu tri thức thì không cần đến sự trợ giúp của Tâm Lý Học. Vấn đề nghiên cứu tri thức thì trong đó cũng có yếu tố liên quan đến vấn đề nghiên cứu nhân sanh và xã hội cho nên được gọi là Tri Thức Xã Hội Học. Nhân đây có người chủ trương rằng, nghiên cứu tri thức cốt yếu phải khởi điểm trên ba phương diện: một là từ phương diện triết học để nghiên cứu; hai là từ phương diện tâm lý học để nghiên cứu; ba là từ phương diện nhân loại xã hội học để nghiên cứu. Một quyển sách nói về văn hoá và tri thức của Trương Đông Tôn chính là chủ trương tổng hợp ba phương diện trên để nghiên cứu.

Phạm vi của Tri Thức thì rất rộng, cho nên đức Phật gọi là Nhất Thiết Trí, hoặc gọi là Nhất Thiết Chủng Trí. Hiện tại nơi trong Tri Thức Luận, Tri Thức theo sự phân biệt thì gồm có Tri Thức Thường Thức, Tri Thức Khoa Học, Tri Thức Triết Học, Tri Thức Lịch Sử. Những thứ Tri Thức trên nếu như hợp chung lại thì không ngoài Tri Thức, chỉ là chủng loại không giống nhau mà thôi. Tri Thức Luận của Phật Học giảng giải Tri Thức thì bao quát, nhưng toàn bộ Phật Học thuyết minh không ngoài một điểm gọi chung là Tri Thức. Tri Thức của Phật Học thuyết minh tóm lược có hai thứ:

1)- Căn cứ nơi Tri Thức Phương Pháp Luận của Nhân Minh Học, Tri Thức được phân làm Ba Lượng, chữ Lượng đây có ý nghĩa là Tri Thức. Ba Lượng cũng gọi là Ba Lượng Trí. Ba Lượng Trí gồm có:

a)- Hiện Lượng: nghĩa là tri thức thật chứng hiện tiền, có thể nói là tri thức chân thật, thứ tri thức này chính là cảnh giới tri thức hiện tiền nương nơi năm Thức Trước để hiện hành; những cảnh giới tri thức này là những cảnh giới đã chứng được của nội tâm tu chứng (của Ý Thức thứ sáu tu chứng), gọi là Cảnh Giới Tri Thức Tu Chứng và cũng gọi là Hiện Lượng Trí.

b)- Tỷ Lượng: nghĩa là do bởi xã hội nhân loại quá phức tạp, tự nhiên giới vô cùng sai biệt, chỗ hiểu biết của chúng ta thì có hạn, cho nên chúng ta cần phải đem những điều đã hiểu biết đi so sánh với những điều chưa hiểu biết để được hiểu biết, đây gọi là Tỷ Lượng Trí.

c)- Phi Lượng: là tri thức sai lầm không chính xác, nói cách khác so với đối tượng khách quan nhận thức không được thiết thực, hiểu biết không được thiệt đúng, giống như tri thức sai lầm.

Ba Lượng đây, thứ nhất là triết học, thứ hai là khoa học, thứ ba là thường thức.

2)- Căn cứ nơi thế gian và xuất thế gian, Tri Thức gồm có tám loại thấy gọi là Kiến; “Kiến” hoặc gọi là “Tri Kiến” cũng chính là tám thứ Tri Thức. Tám thứ Kiến đó Câu Xá cho rằng: “Gọi là Thân Kiến,..v..v…. là năm thứ Kiến ô nhiễm, thế gian chánh kiến, hữu học chánh kiến, vô học chánh kiến” [1]. Trong năm thứ Kiến ô nhiễm đây, ô nhiễm là nói không thanh tịnh, tức là tri thức sai lầm không chính xác. Năm thứ Kiến đây gồm có:

a)- Thân Kiến: tiếng Phạn gọi là Tát Ca Da Kiến, “Tát Ca Da Kiến là chấp ngã và ngã sở. Huỷ hoại gọi là Tát, chứa nhóm gọi là Ca Da, Tát Ca Da nghĩa là vô thường và hoà hợp; Ca Da tức là Tát gọi là Tát Ca Da, Tát Ca Da đây chính là năm thủ uẩn, nghĩa là một loại tưởng thường che lấp, cho nên thành lập tên này…… mục tiêu của tên này là chỉ cho sự chấp ngã và ngã sở, nhưng đúng ra Tát Ca Da thì hoàn toàn chỉ cho ngã và ngã sở mà không có chữ chấp trong đó và khi chữ kiến duyên với Tát Ca Da thì lúc đó mới có vấn đề chấp ngã và ngã sở. Như Khế Kinh thường nói: Các Tỳ Kheo phải biết! Thế gian, Sa Môn, Bà La Môn,..v..v…. các vị đó đều có chấp ngã cả theo sự nhìn thấy của họ, tất cả chỉ phát khởi ở nơi năm uẩn”.

b)- Đoạn Kiến: nghĩa là tri thức cố chấp một bên, “nghĩa là đối với sự việc chấp ngã và ngã sở, vấn đề chấp đoạn hoặc chấp thường đều cho là kiến chấp một bên, do vọng chấp bên đoạn hoặc vọng chấp bên thường tạo nên”.

c)- Tà Kiến: nghĩa là tri thức phủ nhận sự thật phủ nhận chân lý, “Vấn đề khổ trong Tứ Đế thật sự có bản chất mà lại khởi lên kiến chấp phủ nhận cho là không có bản chất nên gọi là Tà Kiến. Hơn nữa tất cả vọng kiến đều chuyển biến điên đảo, đều thích ứng với danh nghĩa tà thuyết, nhưng lại phủ nhận cho là không phải tà thuyết nên gọi là Tà Kiến do thổi phòng quá mức”.

d)- Kiến Thủ Kiến: nghĩa là chấp trước chỗ kiến thủ. “Đối với chỗ yếu kém thì lại cho thù thắng nên gọi là Kiến Thủ. Hữu lậu là chỗ yếu kém mà bậc Thánh nhân cần phải đoạn diệt nhưng lại chấp trước cho hữu lậu là thù thắng, gọi chung là Kiến Thủ”.

e)- Giới Cấm Thủ Kiến: nghĩa là chấp trước giới cấm thủ. “Đối với Đạo phi nhân thì chấp cho là nhân đạo, gọi chung tất cả là Giới Cấm Thủ. Như Đại Tự Tại Thiên cho là Thượng Đế hoặc cho là Thần Linh, họ không phải là kẻ sanh ra thế gian mà mê vọng khởi tâm chấp trước cho là kẻ sanh ra thế gian. Những thứ tà hạnh như nương tựa vào Thần Lửa, Thần Nước,..v..v….. không phải là yếu tố sanh lên cõi trời mà mê vọng khởi tâm chấp trước cho là yếu tố sanh lên cõi trời. Chuyên thọ trì giới cấm tà thuyết cho số phận mình phù hợp với trí tuệ,..v..v…. không phải là đạo giải thoát mà mê vọng khởi tâm chấp trước cho là đạo giải thoát”.

g)- Thế Gian Chánh Kiến: nghĩa là kiến chấp những điều hiểu biết của thế gian cho là chân chánh, đây là loại tri thức các thứ chính xác không lầm lẫn của nhân loại. “Thế gian Chánh Kiến nghĩa là trí tuệ của thiện hữu lậu thì tương ưng với Ý Thức. Tại sao Thế Gian Chánh Kiến chỉ tương ưng với Ý Thức? Lý do trí tuệ câu sanh của năm Thức Trước thì không thể quyết định mức độ. Đầu tiên là xét nghiệm và kế đến là quyết định mức độ mới gọi là Kiến, nhưng trí tuệ câu sanh của năm Thức Trước thì không có khả năng như thế”.

h)- Hữu Học Chánh Kiến: Hữu Học nghĩa là chỉ cho những bậc Thánh của sơ quả, của nhị quả và của tam quả, những bậc Thánh này “trong thân thể của họ có các kiến vô lậu” tức là trí vô phân biệt và trí hậu đắc nên gọi là Hữu Học Chánh Kiến, nguyên vì Hữu Học Chánh Kiến đây là tri thức cảnh giới của họ thân chứng.

k)- Vô Học Chánh Kiến: Vô Học nghĩa là chỉ cho những bậc đã chứng quả A La Hán thứ tư. Những bậc này trong thân của họ có Vô Lậu Kiến gọi là Vô Học Chánh Kiến. Trong tám thứ Kiến đây, năm thứ trước là loại Tri Thức Phi Lượng, nghĩa là tri thức sai lầm của thường thức; Thế Gian Chánh Kiến là loại tri thức bao gồm cả Hiện Lượng và Tỷ Lượng, chính là tri thức của Triết Học và của Khoa Học; còn hai thứ tri thức sau cùng là loại tri thức của thật chứng, thuộc về Trí Tuệ Chân Hiện Lượng.

2.- TRI THỨC XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Xin thuyết minh riêng về vấn đề này, chúng ta trước hết nên tri đạo: “Tri Thức có bốn thứ: một là Năng Tri, hai là Sở Tri, ba là tác dụng của Tri và bốn là Tri Thức”[2]. Bốn thứ đây giả sử căn cứ nơi Duy Thức giải thích thì: Năng Tri là kiến phần tâm thể và cũng là năng lượng; Sở Tri là phần cảnh tướng bị quan sát của kiến phần và cũng là sở lượng. Sự tác dụng là hành tướng của Thức chính là sự hoạt động của Tâm trong thời gian suy lường. Tri Thức là kết quả của suy lường. Căn cứ nơi Tri Thức Luận của truyền thống Tây Phương trình bày: phương diện Tâm Lý Học thì họ thiên trọng và chỉ chú trọng vào “Sự tác dụng của Tri Thức”; phương diện Triết Học thì họ thiên trọng và chỉ chú trọng nơi “Năng Tri”; còn phương diện Khoa Học thì họ thiên trọng và chỉ chú trọng nơi “Sở Tri”. Ba phương diện đây có lẽ không thể cho là khởi điểm của Tri Thức. Gần đây trong giới học thuật Tây Phương, một thứ học vấn mới vừa phát sanh và họ cho rằng: Tri Thức Xã Hội Học mới là tri thức nồng cốt từ trong Xã Hội Học đi nghiên cứu nhân loại, tưởng đã nắm vững tri thức độc lập, nghĩa là tri thức này bao gồm cả “Năng Tri” và “Sở Tri” cả hai đều tồn tại độc lập, như học thuyết Mệnh Đề Độc Tôn của Hoài Đặc Hải Đức (A.N. Whileheal). Đây chỉ là truyền thống của Tri Thức Luận, là chỗ quan hệ của nguyên lý “Tri” và “Sở Tri”, cũng chính là đi sâu vào vấn đề tương quan cùng không tương quan giữa tri thức và đối tượng, từ vấn đề này tánh chất hiệu quả của tri thức được thuyết minh. Duy Thức Học cho rằng, tất cả cảnh giới sở tri đều có Duy Thức, đều không thể ly khai khỏi Thức. Thức là “Năng Tri”, tất cả cảnh giới là “Sở Tri” và tất cả cảnh giới lại không thể ly khai khỏi Thức, đây chính là thuyết minh sự quan hệ của “Tri” và “Sở Tri”. Hiện nay người giảng giải Tri Thức Xã Hội Học là thiết lập phương pháp “đem Tri Thức từ trong hai đầu mối “Năng Tri” và “Sở Tri” rút ra khỏi để thành lập Mệnh Đề Độc Tôn và nhận thức phương pháp này cho là loại tồn tại thứ ba”. Mục đích Tri Thức Luận của họ nhận thấy rằng không phải như thế thì không thể đạt đến sự kiến lập chân chánh. Họ nhận thức rằng “Tri Thức là một thứ kết quả”. Duy Thức có lẽ chỉ là thuyết minh khoảng cách quan hệ của “Năng Tri” và “Sở Tri” nhằm hiển bày sự tác dụng “Năng Tri” của Thức Thể mà thôi. Quan hệ nơi tri thức là một thứ kết quả mà ở nơi Phật Học cho rằng “Căn” là năng tri, “Cảnh” là sở tri, căn và cảnh duyên với nhau có khả năng sanh ra thức, cho nên “Thức” là kết quả được sanh ra bởi căn và cảnh. Duy Thức Học có trình bảy qua về vấn đề “Lượng Quả”. Vấn đề “Lượng Quả” đây thì thuộc về “Tri Thức” và nó là kết quả được sanh ra từ nơi năng lượng “Năng Tri” và sở lượng “Sở Tri”. Lượng Quả đây là pháp có thể chất thì có thể tồn tại. Chẳng qua Duy Thức Học đặc biệt duy nhất là chú trọng thuyết minh điểm quan hệ giữa năng lượng và sở lượng của Lượng Quả mà thôi.

“Tri Thức” đã là một thứ kết quả (Lượng Quả) và thứ kết quả đây nhất định phải có nhân tố của sự sanh sản, như vậy học thuyết Tri Thức thì như thế nào? Đây là một vấn đề nếu muốn được thuyết minh thì rất tổn phí từ chương. Vấn đề này xin trình bày đại lược qua như: “Tri (Năng Tri) là tác dụng xét nghiệm để hiểu biết, được phát sanh từ nơi Sở Tri để sanh ra Thức”. Do đó có thể biết Tri Thức là một loại sản vật tổng hợp. Thí dụ như Duy Thức nói Nhãn Thức,..v..v…. do chính duyên sanh ra. “Tri” là tổng hợp “nghĩa là trên một loại đối tượng nào đó, các thứ nhân tố tổng hợp trình diện, tức là trong một tư tưởng nào đó các phân tử đặc thù tổng hợp hiện bày, nghĩa là nhờ sự tổng hợp của Tri các thứ đơn vị Tâm Lý Học phức tạp như tri giác, quan niệm và khái niệm (Thọ, Tưởng,..v..v…. ) cùng nhau sanh sản”. Do đây có thể nói rằng: “Căn bản tác dụng của Tri Thức chính là tổng hợp, là khái niệm, là kết quả của sự tổng hợp. Sở dĩ phân tích không phải là mục đích căn bản của Tri Thức, nhưng nó chính là công cụ để đạt đến chỗ tổng hợp”. Biểu tượng này là pháp tướng, là tánh duyên khởi của tổng hợp, là nghĩa của Duy Thức và với Duy Thức thì giống nhau đều là đối lập; nhưng phân tích cũng là tánh duyên sanh và cũng là nghĩa pháp tướng. Phân tích Pháp Tướng là để chứng ngộ biết được tánh chân thật của Duy Thức Duyên Khởi. “Vả lại vấn đề “Tri” đã là tổng hợp mà trước đã phân tích cho nên ở nơi Tri Thức thì phần đông đều giả tạo mà không phải chân thật, nếu như mong cầu chân lý thì đây không phải là chỗ tích cực để phát huy sự kiến giải chân thật, chính là chỗ giả tạo sai lầm tiêu cực phá hoại, Tri Thức của nhân loại luôn luôn chế tạo toàn là những thứ giả huyễn sai lầm không bao giờ chấm dứt và lại còn căn cứ nơi đó giải thích theo chiều phá hoại”. Trong Phật Học “Đây có thì Kia có, Đây sanh thì Kia sanh”, nghĩa là “Đây” đã có trước thì nhất định “Kia” phải có sau. Ơû nơi “Đây” là chỉ cho sự tổng hợp và ở nơi “Kia” là chỉ cho sự phân tích. Nguyên vì nhân loại hoàn toàn không thể đạt đến Tánh Duyên Khởi, tất cả Tri Thức đều rơi vào “phân biệt hư vọng” mà không thể chứng nhập được chân lý. Chân lý hoặc Tánh Chân Như là vĩnh viễn như thế, chỉ cốt yếu ở chỗ phá trừ được vọng chấp thì mới có thể hiển hiện được.

Thảo luận tánh chất của Tri Thức thì nhất định phải thuyết minh Khái Niệm, nguyên vì “Tri Thức là do Khái Niệm làm đầu”, có Khái Niệm thì nhất định mới có tri thức. Căn cứ nơi học thuyết Tác Dụng Của Tâm Lý Học, Khái Niệm là do tâm lý tác dụng, là tri giác. Nguyên do sự cấu tạo mô hình Khái Niệm là được phát sanh từ nơi cơ sở cấu tạo mô hình tri giác và cơ sở cấu tạo mô hình ký ức. Nhà Tâm Lý Học Tư Thái Ti nói rằng: “Chúng ta không thể nói ra Tâm như thế nào và lấy gì để cấu tạo thành Khái Niệm. Nhưng cái điều để cấu tạo thành Khái Niệm thì không có một thứ nào vô cùng quan trọng hơn ngoài sự thật. Sự thật là tánh chất cơ bản của Khái Niệm để cấu tạo thành hệ thống tư tưởng, đây là chỗ phát hiện của chúng ta, vả lại điều đó nên thành kính thừa nhận vậy”. (Thấy trong Tri Thức và Xã Hội).

Từ đó nhận thấy Khái Niệm là chỗ nương tựa của tri thức, Khái Niệm đây Anh Văn cho là Conception, chính là “Tưởng” của Duy Thức trình bày. “Tưởng” ở nơi Duy Thức cho là “lấy hình tượng làm thể”, vấn đề Khái Niệm như ở trước đã giải thích là căn cứ nơi tri giác để thành lập, lấy mô hình kiểu mẫu làm cơ sở và mô hình kiểu mẫu thì lại lấy hình tượng làm bản thể. Vấn đề Khái Niệm thì căn cứ nơi tri giác nào để thành lập? Các nhà Tâm Lý Học cho rằng: “Tri Giác” đều có “tổ chức chỉnh hình” mà chỉnh hình đây chính là kinh nghiệm, cho nên phạm vi hình tướng được lưu lại trong Tâm. Hình tướng nói trên rất là mơ hồ, chỉ là thứ hình bóng mà thôi. Do Tri Thức khiến cho bóng dáng của chỉnh hình sau khi chuyển hoá mô hình lại biến thành Khái Niệm. “Khái Niệm sở dĩ phát sanh là do khuynh hướng tự nhiên của nhân tâm. Khái Niệm là nhờ Tri Giác mà phát triển, nghĩa là nhờ một lịch trình suy cầu tương duyên thuận tiến để phát triển, nhưng Khái Niệm và Tri Giác đều không phải hai vật khác nhau. Cho nên mỗi một Khái Niệm tất nhiên phải ẩn núp một hình tướng trong đó”. Đây là lịch trình khởi điểm từ Tri Giác đi đến Khái Niệm. Sự cấu tạo của Khái Niệm ngoại trừ mô hình của Tri Giác lại còn có Ngôn Ngữ, tức là danh ngôn mà Duy Thức Luận gọi là “Tưởng”, là thứ danh ngôn đã được an lập, Duy Thức Luận nói rằng: “Tưởng nghĩa là đối với cảnh thâu nhận hình tượng làm tánh, thiết lập các thứ danh ngôn làm nghiệp, nghĩa là an lập phần cảnh đều nhau làm nồng cốt thì mới có thể theo các thứ danh ngôn để khởi lên”[3]. Đây là nói về “Tưởng” có hai thứ đặc tánh: một là đối với những cảnh đã thâu nhận hình tượng, hai là phát khởi lời nói. Ngôn Ngữ xưa nay chỉ biểu thị giới hạn về nguyện vọng và cảm tình xuyên qua sự phát triển lời nói trở thành phù hiệu tư tưởng và tri thức đại biểu cho Khái Niệm. Bởi lẽ đó, Ngôn Ngữ và Phù Hiệu Danh Xưng nơi Phật Học được gọi chung là Danh Ngôn và Danh Ngôn này phần nhiều biểu thị cho Tri Thức và Tư Tưởng mà “Tri Thức và Tư Tưởng thì lại ký thác nơi Khái Niệm. Sự hình thành của Khái Niệm có thể thấy được trên hai phương diện: một là do nơi mô hình chuyển hoá của tri giác, hai là do nơi phù hiệu chuyển hoá của biểu thị; một trong hai phương diện đó thúc đẩy thì Khái Niệm liền phát sanh và xuất hiện ra ngoài. Ở nơi tri giác, một phương diện như làhình tướng của ảnh tượng nào đó nổi lên thì ở nơi phương diện Khái Niệm Ngôn Ngữ phụ thuộc liền xuất hiện”[4]. Thứ pháp đã nói ở đây tợ hồ như tương phản với Duy Thức. Theo Duy Thức chủ trương, do “Tưởng” (Khái Niệm) nên mới thiết lập danh ngôn; nhưng nói đến Khái Niệm đây (Tưởng) là do ngôn ngữ sanh ra. Kỳ thật theo chỗ tôi biết, danh ngôn sở dĩ có thể thiết lập là do có Danh Ngôn Tập Khí và Danh Ngôn Tập Khí đây lại là do nhân duyên cơ bản của Tưởng Tượng (Khái Niệm) sanh ra. Cho nên nói rằng: “Mô hình cấu tạo của Khái Niệm đích thực đều là ẩn chứa mô hình cấu tạo mọi mặt của tri giác”. Chữ “Xúc” trong tri giác đây cũng tức là chỗ đề cập của Duy Thức. Nghiêm Cách Địa nói rằng: Sự tiếp xúc nơi hai thứ Căn và Cảnh đều bị giới hạn. Mỗi mỗi Khái Niệm (Tưởng) của Danh và Sự đều được sanh ra từ nơi “Xúc”. Do đó nên biết Khái Niệm đều do tri giác sanh ra; chúng ta kiến lập tất cả danh từ của lời nói để cấu tạo phổ thông tư tưởng tri thức của kia và đây. Khái Niệm ở nơi Duy Thức cũng gọi là “Ý Ngôn”, ở nơi Hưu Mô (Hume) cho là “Nghĩa Niệm”, ông ấy nói: “Nghĩa Niệm là tri giác mờ nhạt mà sau đó lại biến thành”. Đúng ra, Khái Niệm (Nghĩa Niệm) không phải là tri giác mờ nhạt rồi sau đó mới biến thành, chính là tri giác một khi lìa khỏi nguồn gốc đến nương gá vào đối tượng và nó không thể không nương cậy vào một loại khác ở chỗ này hoặc ở chỗ khác làm điểm tựa, lẽ tất nhiên Khái Niệm không phải bay đi, nó không hình ảnh và bị tiêu diệt hoàn toàn không có dấu vết. Khái Niệm khi nương tựa vào một loại nào đó ở chỗ này hoặc ở chỗ khác thì nhất định có đầy đủ hình ảnh và âm thanh,..v..v….. Nói cách khác, tri giác là một đối tượng hoàn toàn siêu việt và hiện thật thì nhất định biến thành Khái Niệm. Đồng thời Khái Niệm chỉ là một loại Tâm ảnh ( Ý Ngôn) thì không thể ở lâu được, nhất định phải có một loại khác để nương gá và loại để nương gá đó chính là phù hiệu danh ngôn. Đồ biểu dưới đây sẽ cho biết đại ý:

Quá Trình Ý Thức sanh sản:

147quanniemtriet01

3.- TRI THỨC VÀ PHẨM CHẤT TÁM TÂM THỨC:

Sự sanh sản của Tri Thức thì gồm có Năng Tri, Sở Tri và Tác dụng của Tri. Đây là toàn bộ thể chất và cơ sở của Tri Thức Luận. Nơi Duy Thức Học, ba loại tám Thức Tâm Vương Tâm Sở, nếu nói tỷ mỷ đều có ba phương diện trên. Chỉ là nơi tám Thức Tâm Vương, Năng Tri Sở Tri và sự tác dụng của Tri (Hành Tướng) từ nơi Thức A Lại Da thì không thể biết, Thức A Lại Da tuy là tồn tại và phát khởi tác dụng nhưng muốn biết được Năng Tri Sở Tri và Hành Tướng của nó chỉ có thể tìm kiếm trên Tỷ Lượng hoặc chứng được nó trên Thánh Ngôn Lượng mà thôi. Tuy nhiên nó là chỗ nương gá của sanh mạng mà hình như sự sinh hoạt hằng ngày của chúng ta thì mù mịt không quan hệ đến Năng Tri Sở Tri và Hành Tướng (sự tác dụng của Tri) của nó. Cho đến Thức Mạt Na thứ bảy và thực tại ngay cả Ý Thức thứ sáu, Năng Tri Sở Tri và Hành Tướng của chúng như thế nào cũng không biết. Theo Duy Thức trình bày, Thức thứ bảy chỉ là hướng về bên trong để tư lương chấp ngã và Thức này là chủ thể của Ngã Tướng. Thức thứ bảy đây mặc dù có tác dụng hằng thẩm của Năng Tri, nhưng cũng không có pháp nào có thể tri đạo và Sở Tri của Thức này chính là kiến phần của Thức thứ tám mà không phải là cảnh giới của Ý Thức. Sự tác dụng của Thức Mạt Na thứ bảy là “suy lường có ngã”. Chỗ chấp ngã của Thức Mạt Na thứ bảy không phải là cái ngã nơi Ý Thức thứ sáu. Nguyên vì tướng ngã chấp nơi Duy Thức có hai thứ: một là chỗ chấp ngã của Thức thứ bảy và hai là chỗ chấp ngã của Thức thứ sáu. Nếu nhất định như thế, cái “Ngã” đây thì có hai tánh. Vấn đề Ngã này không thể thảo luận, nhưng trong đây cần phải bàn đến là Năng Tri Sở Tri và sự tác dụng của Tri (Hành Tướng) nơi Thức thứ bảy thì cũng rất khó hiểu biết. Điều thực tế có thể hiểu biết là tất cả hiện tượng giới đúng ra có thể kiến lập cơ sở cho tri thức, như Tri Giác (Xúc), Khái Niệm (Tưởng), Tư Tưởng (Phân Biệt), Ngôn Ngữ (Danh Ngôn),..v..v….. đều là những sự việc của sáu Thức (đặc biệt là Ý Thức thứ sáu), mà không phải những sự việc của hai Thức thứ bảy và thứ tám. Nếu căn cứ nơi giáo lý của Kinh A Hàm, căn bản của Kinh này là phủ nhận sự tồn tại của hai Thức thứ bảy và thứ tám; còn căn cứ nơi Kinh Đại Thừa, sự vật thì có thật nhưng từ chối là không thể biết được. Cho nên hai Thức thứ bảy và thứ tám chỉ có thể làm chỗ y chỉ cho tri thức mà không thể trực tiếp sản sanh sự quan sát, sự nhận thức, sự tư tưởng, sự phân biệt của chúng ta như đối với hiện tượng giới. Còn sáu Thức Trước nương tựa nơi Căn (cơ năng thần kinh não bộ) và Cảnh (đối tượng hiện thật) thì có thể sản sanh tri thức.

Lại nữa như trước đã giải thích, “Tri Thức” cũng tức là “Lượng” hoặc là “Kiến” hoặc là “Tri Kiến”. Căn cứ nơi ba Lượng đã trình bày trong chủng loại của Tri Thức: Thức thứ tám tuy là Hiện Lượng (Tri Thức) nhưng không thể hiểu biết; Thức thứ bảy trước khi chưa vào kiến đạo vẫn là Phi Lượng. Nói cách khác, Thức thứ bảy này hiện ở trong thế gian vĩnh viễn là tri thức sai lầm mà sự sai lầm đó nếu căn cứ nơi chỗ vô tri không ô nhiễm, hoặc thường hoạt động không cùng với vô minh, hoặc nơi sở tri chướng mà nói thì không thể giải thoát nơi chướng sanh tử. Năm Thức Trước như Nhãn Thức,..v..v…. thì tri thức cảnh giới Hiện Lượng, là thứ tri thức trực giác kinh nghiệm, là thứ tri thức sanh sản tư tưởng tăng thượng duyên thù thắng; còn Ý Thức thứ sáu thì thông cả ba Lượng và chỗ có của Ý Thức đây chính là triết học kinh nghiệm hoặc cảnh giới thật chứng; Ý Thức thứ sáu nếu như theo năm Thức Trước quan sát đối tượng thì đối tượng đó chính là cảnh giới tri thức hiện lượng và có thể nói tri thức của Ý Thức thứ sáu là tri thức của Tông Giáo và Triết Học. Ý Thức thứ sáu nếu như chấp trước có và không, điên đảo sự thật, mê hoặc chân lý, chính là tri thức cảnh giới Phi Lượng, là thuộc về tri thức sai lầm của phổ thông thường thức. Ý Thức thứ sáu nếu như nương tựa nơi lẽ phải của sự thật hiện tiền để suy luận, phân biệt, tư duy, chọn lựa thì những đối tượng đó chính là cảnh giới tri thức thuộc Tỷ Lượng, là chánh kiến của thế gian, cũng tức là tri thức của Khoa Học, nhưng không phải là loại tri thức thông thường của cảm giác sai lầm. Kế đến căn cứ nơi tám loại Kiến đã trình bày ở trước, đầu tiên trong năm loại Kiến ô nhiễm, Thân Kiến thứ nhất thì thông cả hai Thức thứ sáu và thứ bảy, ngoài ra bốn loại Kiến nhiễm trước kia thì chỉ quan hệ nơi Ý Thức thứ sáu, Thế Gian Chánh Kiến thường cho là tương ưng với Huệ của Ý Thức, lẽ đương nhiên thuộc về Ý Thức. Còn hai thứ Vô Lậu Kiến (Hữu Học Chánh Kiến và Vô Học Chánh Kiến) theo học thuyết A Hàm thì thuộc về Vô Lậu Huệ của Ý Thức tương ưng. Hai thứ Vô Lậu Kiến này theo học thuyết Đại Thừa thì có thể thông cả tám Thức Tâm Vương Vô Lậu.

Tiếp theo, căn cứ nơi ba tánh thiện, ác và vô ký mà nói: hai Thức thứ bảy và thứ tám thì thuộc về vô ký, không có phát khởi tánh tác dụng kiên cường. Cho nên chúng ta khi tạo ác làm lành, khởi tâm động niệm không phải do hai Thức thứ bảy và thứ tám điều khiển mà chính là do Ý Thức thứ sáu chỉ đạo, nên mới có câu: “Thân động thì đầu tiên phát ra lời nói trước nhất”. Vì lẽ đó tất cả tư tưởng tri thức đều cho Ý Thức thứ sáu là chủ thể.

Thêm nữa, căn cứ nơi các pháp Tâm Sở, tức là các tâm lý tác dụng và các tình cảm mà nói: Học Thuyết Duy Thức cho rằng, các loại đơn vị Tâm Lý (Tâm Sở) cộng chung là 51 loại, trong 51 loại này trừ hai loại trước (Biến Hành và Biệt Cảnh) tất cả đều là tâm lý tác dụng, hoặc đứng trên lãnh vực quan sát đặc biệt đối tượng để kiến lập, ngoại trừ hai loại Biến Hành và Biệt Cảnh này ra, tất cả còn lại đều được kiến lập trên quan điểm Luân Lý. 51 pháp Tâm Sở đối với tám Thức, Thức thứ tám ở địa vị nguyên nhân thì chỉ quan hệ 5 loại Tâm Sở; Thức thứ bảy thì chỉ quan hệ 18 loại Tâm Sở; năm Thức Trước thì chỉ quan hệ 24 loại Tâm Sở tương ưng; còn Ý Thức thứ sáu thì hoàn toàn quan hệ cả 51 Tâm Sở. Cho nên bài tụng Duy Thức nói rằng: “Tương ưng Tâm Sở ngũ thập nhất, thiện ác lâm thời biệt phối chi”. (Ý Thức thì tương ưng với Tâm Sở, gặp lúc đặc biệt thì phối hợp riêng với Thiện Tâm Sở hoặc phối hợp với Ác Tâm Sở). Nên biết Tâm Sở quan hệ rất rộng, vì thế Tri Thức mới có thể hiểu biết sâu rộng và phức tạp.

Sự quan hệ của “Tri Thức” cùng với tám Thức Tâm Vương và 51 Tâm Sở đã trình bày rõ ở trước, nhưng trong đó “Tri Thức” vừa đề cập ở trên thì thuộc về Ý Thức thứ sáu. Nơi trong Duy Thức Học, vấn đề Tri Thức dường như không chú trọng thảo luận đến mà điểm chủ yếu duy nhất của Duy Thức Học là tham khảo và thuyết minh về Năng Tri và Sở Tri. Trong đó chỗ đặc biệt là thuyết minh về “Năng Tri” tức là ba Thức Năng Biến, nguyên vì Duy Thức chú trọng ở chỗ là ngoài ba Thức Năng Biến này có cảnh giới tồn tại độc lập. Kế đến tư tưởng của Duy Thức là kiến lập hai Thức thứ bảy và thứ tám để trình bày sự khác biệt với Phật Giáo Nguyên Thủy, bao gồm căn cứ nơi hai Thức nói trên mà kiến lập Luật Nhân Quả và từ nơi Luân Lý Học chú trọng tham cầu cho được giải thoát.

B.- BỔN TỤNG VÀ ĐẠI CƯƠNG:

“THỨ ĐỆ TAM NĂNG BIẾN, SAI BIỆT HỮU LỤC CHỦNG, LIỄU CẢNH VI TÁNH TƯỚNG, THIỆN BẤT THIỆN CÂU PHI. THỬ TÂM SỞ BIẾN HÀNH, BIỆT CẢNH THIỆN PHIỀN NÃO, TÙY PHIỀN NÃO BẤT ĐỊNH, GIAI TAM THỌ TƯƠNG ƯNG. SƠ BIẾN HÀNH: XÚC ĐẲNG. THỨ BIỆT CẢNH VỊ DỤC, THẮNG GIẢI NIỆM ĐỊNH HUỆ, SỞ DUYÊN SỰ BẤT ĐỒNG. THIỆN VỊ TÍN TÀM QUÝ, VÔ THAM ĐẲNG TAM CĂN, CẦN AN BẤT PHÓNG DẬT, HÀNH XẢ CẬP BẤT HẠI. PHIỀN NÃO VỊ THAM SÂN, SI MẠN NGHI ÁC KIẾN. TÙY PHIỀN NÃO VỊ PHẪN, HẬN PHÚ NÃO TẬT XAN, CUỐNG XIỂM DỮ HẠI KIÊU, VÔ TÀM CẬP VÔ QUÝ, TRẠO CỮ DỮ HÔN TRẦM, BẤT TÍN TỊNH GIÃI ĐÃI, PHÓNG DẬT CẬP THẤT NIỆM, TÁN LOẠN BẤT CHÁNH TRI. BẤT ĐỊNH VỊ HỐI MIÊN, TẦM TỪ NHỊ CÁC NHỊ. Y CHỈ CĂN BẢN THỨC, NGŨ THỨC TÙY DUYÊN HIỆN, HOẶC CÂU HOẶC BẤT CÂU, NHƯ BA ĐÀO Y THỦY. Ý THỨC THƯỜNG HIỆN KHỞI, TRỪ SANH VÔ TƯỞNG THIÊN, CẬP VÔ TÂM NHỊ ĐỊNH, THÙY MIÊN DỮ MUỘN TUYỆT’.

(Kế đến Năng Biến thứ ba, có sáu thứ sai biệt nhau, liễu cảnh làm tánh và tướng, đều đầy đủ thiện, ác và vô ký. Những Tâm Sở gồm có: Biến Hành, Biệt Cảnh, Thiện, Phiền Não, Tùy Phiền Não, Bất Định, đều tương ưng cả ba Thọ. Đầu tiên Biến Hành gồm có: Xúc, ..V..V….. [Tác Ý, Thọ Tưởng, Tư]. Kế đến Biệt Cảnh gồm có: Dục, Thắng Giải, Niệm, Định, Huệ, cảnh để duyên không giống nhau. Thiện gộm có: Tín, Tàm, Quý, Vô Tham,..v..v…. ba Căn [Ba Căn: Vô Tham, Vô Sân, Vô Si], Cần, An, Bất Phóng Dật, Hành Xả và Bất Hại. Phiền Não gồm có: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến. Tùy Phiền Não gồm có: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Xiểm cùng Hại, Kiêu, Vô Tàm và Vô Quý, Trạo Cữ với Hôn Trầm, Bất Tín và Giãi Đãi, Phóng Dật cùng Thất Niệm, Tán Loạn, Bất Chánh Tri. Bất Định gồm có: Hối, Miên, Tầm, Tøứ thông cả nhiễm và tịnh. Nương nhờ Thức căn bản, năm Thức tùy duyên hiện, hoặc cùng nhau hiện hoặc chẳng cùng nhau hiện, như lượng sóng nương nơi nước. Ý Thức thường hiện khởi, ngoại trừ sanh lên cõi Trời Vô Tưởng và vào hai Thiền Định Vô Tâm, hoặc ngủ say và chết ngất [chết giả])

Bài tụng Thức Năng Biến thứ ba này xin trình bày theo bản đồ sau đây để biểu thị đại cương:

147quanniemtriet02

147quanniemtriet03

C.- CĂN, CẢNH, THỨC VÀ CẢM GIÁC:( Chỗ nương tựa của Tri Thức )

THỨ ĐỆ TAM NĂNG BIẾN, SAI BIỆT HỮU LỤC CHỦNG”(Kế đến Năng Biến thứ ba, có sáu thứ sai biệt nhau)

Sau Năng Biến thứ hai, Năng Biến thứ ba tiếp theo đề cập đến (hôm nay bắt đầu). Năng Biến thứ ba cộng chung có chín bài Tụng. Năng Biến thứ ba là Thức Liễu Biệt Cảnh, cũng gọi là Năng Biến Liễu Biệt. Thức Liễu Biệt Cảnh đây không phải chỉ có một Thức thể, cho nên gọi là “có sáu thứ sai biệt nhau”. Mặc dù thể tánh có sáu thứ sai biệt nhau, nhưng chúng nó đều thuộc về Liễu Biệt Cảnh, tức là sáu loại Thức chuyên môn hướng ngoại để hiểu biết những cảnh giới khác biệt nhau. Sáu thứ Thức đó gồm có: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và Ý Thức. Tâm Thức nương nơi Nhãn Căn để hiểu biết nên gọi là Nhãn Thức,..v..v……

147quanniemtriet04

Sáu Căn phát khởi sáu loại hiểu biết, theo Tâm Lý Học cho rằng: “do cơ quan cảm giác hoạt động sanh ra, nghĩa là do cơ thể sinh hoạt nên mới có nhận thức thế giới và cũng vì có cơ thể sinh hoạt cho nên Tri Thức mới có thể vận dụng để ứng phó với hoàn cảnh”. Đây cũng gọi là phương pháp quan sát hiện thật sự vật của cá thể được tổ chức. Phương pháp này có hai loại: một là căn cứ nơi cảm quan để quan sát; hai là căn cứ nơi sự quan sát để suy nghĩ. Hoặc nói cách khác: một là phương diện quan sát; hai là phương diện suy nghĩ [5]. Sự tác dụng của Ý Thức và năm Giác Quan (năm Căn), theo Sinh Lý Học chủ trương, cơ thể cảm giác có hai loại: một là Khí Quan Cảm Giác, tức là chỉ cho Phù Trần Căn của Duy Thức Học; hai là Thần Kinh Cảm Giác, tức là chỉ cho Tịnh Sắc Căn của bốn Đại tạo nên.

Sinh Lý Học cho rằng: “Mỗi loại cảm quan đều có một thứ Khí Lực Kế dồi dào tánh cảm giác cùng với Hàng Thử Tướng tương tợ như Khí Lượng Kế, những thứ cảm quan đó là những bộ phận cảm thọ chân chánh xem không thể thấy và chúng ẩn sâu trong nội bộ cảm quan. Khí quan của cảm thọ mùi vị thì ẩn sâu trong nội bộ lỗ mũi; Khí quan của cảm thọ làn sóng âm thanh không phải là lỗ tai chúng ta xem thấy mà chính là “Nội Nhĩ” ẩn sâu trong xương đầu; Khí quan kích thích của những cảm thọ khác đều giống như thế. Chưa hết, Tánh cảm thọ biểu hiện như thế nào? Mỗi loại cảm quan đều có một hệ thống Thần Kinh Cảm Giác, Hệ Thống Thần Kinh Cảm Giác này khiến cho cảm quan và Trung Khu Thần Kinh trực tiếp liên tiếp với nhau, mỗi cảm quan cùng với thân thể người khác có bộ phận liên tiếp gián tiếp cảm quan nếu như không có bộ phận liên tiếp thì đối với cơ thể đều không thể phát sanh ảnh hưởng. Cảm Quan Thần Kinh bên trong phân tán thành vô số nhánh nhỏ tỉ mỉ. Nơi tai, nơi mắt, nơi miệng, nơi mũi vẫn có tế bào cảm giác đặc biệt thù thắng và những tế bào này đặc biệt chuyên môn kích thích cảm thọ. Ngoài ra, đa số cảm quan lại có trang bị một thứ Khí Quan (Phù Trần Căn) hổ trợ khác, thứ Khí Quan hổ trợ này kích thích thần kinh cảm giác và tế bào cảm giác khiến phát sanh hiệu lực tỷ giảo sâu rộng. Thí dụ như lỗ tai chúng ta mà ai cũng nhìn thấy được thì thuộc về Khí Quan hổ trợ và Khí Quan này hổ trợ làn sóng âm thanh truyền đến chỗ tế bào thính giác. Các Khí Quan hổ trợ khác như Nhãn, Tỷ, Thiệt đều cũng giống như thế”.

“Những cảm quan nói trên đều thuộc về loại khí quan tiếp nhận cho nên gọi là Khí Nạp Thọ. Khí Nạp Thọ được phân làm ba loại quan trọng: loại thứ nhất thì ở bên ngoài, loại thứ hai thì ở bên trong và loại thứ ba thì ở trung gian. Loại ở bên ngoài thì tiếp nhận những kích thích từ bên ngoài mang đến; loại ở bên trong thì tiếp nhận những cảm thọ từ bên trong phát ra như từ miệng, từ cổ họng, từ đường ăn uống, dạ dầy, ruột non ruột già và phổi,..v..v….. Loại ở trung gian là Khí Nạp Thọ nương bám vào bên trong bắp thịt, bắp đùi và cơ quan tiết chế. Thêm nữa ba loại vật thọ nạp bên ngoài như lỗ tai, con mắt, lỗ mũi là nơi tiếp nhận những kích thích riêng biệt từ chỗ xa mang đến mà cơ thể không cùng tiếp nhận và ba loại này được gọi là Cự Ly Thọ Nạp Khí”. Đây tức là thuyết minh năm Tịnh Sắc Căn và năm Phù Trần Căn của Phật Học. Nguyên vì những cơ cấu này là hiện thật cho nên hiện tại các nhà Khoa Học có lúc cũng nên nghiên cứu Phật Học để tinh tế so sánh. Như Câu Xá Luận, Đại Tỳ Bà Sa Luận, Thuận Chánh Lý Luận Lý cũng có thuyết minh công dụng,..v..v….. về cơ cấu tổ chức của Ngũ Quan [6].

Theo Câu Xá Luận giải thích: Căn có nghĩa tăng thượng, có nghĩa tự tại, có nghĩa quang hiển. Tăng Thượng nghĩa là Căn có khả năng phát sanh ra Thức, có khả năng trợ giúp cho Thức sanh ra sự tác dụng phân biệt. Như trong Câu Xá Luận trình bày, sáu Căn đều có bốn thứ hoặc hai thứ Tăng Thượng [7]. Tự Tại nghĩa là bản thân của Căn

Phát sanh ra công năng của Thức một cách tự tại. Quang Hiển nghĩa là Căn đối với Cảnh liền có tánh thấy, có ánh sáng, có thể thấy sắc nghe tiếng,..v..v….. Cho nên Luận này nói: có thể thấy tức là Căn [8], có thể phân biệt tức là Thức. Cuối cùng đi đến kết luận, Căn có thể thấy sắc hoặc Thức có thể thấy sắc hai vấn đề này trong Câu Xá Luận đã tranh luận rất tinh tường [9].

Lại nữa Căn đối với Cảnh có năm thứ đặc biệt: một là Căn phát sanh ra Thức; hai là Thức tất nhiên nương nơi Căn như Nhãn Thức nương nơi Nhãn Căn, Nhĩ Thức nương nơi Nhĩ Căn,..v..v……. Vì mỗi loại nương tựa khác nhau cho nên gọi là nghĩa nương tựa không giống nhau. Đây là trường hợp năm Thức chưa chuyển đổi ngôi vị nương tựa; còn như đã chuyển đổi ngôi vị nương tựa, năm Căn có thể thay nhau phát sanh ra Thức; ba là Căn có thể trợ giúp cho Thức; bốn là Thức lệ thuộc nơi Căn; năm là Thức giống như Căn, nghĩa là Căn có thể thấy thì Thức cũng có thể thấy, thêm nữa Căn có thể thấy màu xanh thì Thức cũng như Căn có thể phân biệt màu xanh. Căn là chỗ nương tựa của Thức như Nhãn Thức,..v..v……. là căn cứ nơi Căn thuộc chỗ nương tựa để đặt tên cho nên gọi là Nhãn Thức,..v..v…… và cũng có thể căn cứ nơi Cảnh thuộc chỗ để duyên mà đặt tên, cho nên cũng được gọi là Sắc Thức, Thinh Thức,..v..v……. Giống như thế, Sinh Lý Học cũng căn cứ nơi đối tượng thuộc Cảnh để duyên mà đặt tên cho Tri Thức, như Phu Giác, Vị Giác, Khứu Giác, Thính Giác, Thị Giác, Tri Giác. Nguyên do chỗ để nương tựa và chỗ để duyên, như con mắt, lỗ tai,..v..v…… đều là một thứ điều kiện không thể thiếu giúp cho Thức sanh khởi và những điều kiện này thì hoàn toàn thuộc về Sắc Pháp (vật chất). Đây là những điều kiện cơ bản của sự phát sanh ra Thức. Kỳ thật không phải chỉ có hai điều kiện Căn và Cảnh nói trên đủ khiến cho Thức phát sanh mà còn cần đến các duyên khác nữa hổ trợ thì Thức mới có thể sinh hoạt để hiểu biết. Như Nhãn Thức muốn sanh khởi thì cần phải có chín duyên trợ giúp. Ngoài Căn và Cảnh ra, Nhãn Thức cần phải có các duyên khác như ánh sáng, không gian, Thức Chủng Tử (Bản năng Thức A Lại Da), Thức Phân Biệt (Ý Thức), Thức Nhiễm Tịnh (Niệm thiện ác tức là Thức thứ bảy) thì mới có thể sanh khởi; Nhĩ Thức thì chỉ cần đến tám duyên; còn Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức khi duyên cảnh thì chỉ cần có bảy duyên. Như thế sự sanh khởi của Thức đã là nương nơi duyên để tác dụng thì không có tự tánh, đều thuộc về giả có. Lại có một nghĩa đặc biệt khác, Nhãn Thức và Nhĩ Thức của chúng ta đều có hai cá tánh khác biệt và hai cá tánh khác biệt này như thế nào? Nói chung hai Thức này đều là mỹ quan, nghĩa là duyên cảnh đặc biệt phân minh, như thấy sắc và nghe tiếng đối với nhân sanh quan hệ rất là trọng yếu [10]. Căn và Cảnh của Nhãn Nhĩ tất nhiên phải có khoảng cách (Sinh Lý Học cho là Cự Ly Cảm Thọ Khí) thì Thức mới có thể phát sanh, Căn và Cảnh nếu như hoà hợp

Lại một chỗ thì Thức không thể phát sanh. Riêng Tỷ, Thiệt và Thân phải cùng với Cảnh hoà hợp lại một với nhau (không cần Cự Ly Cảm Thọ Khí) thì Thức mới có thể phát sanh. Cho nên Bát Thức Quy Củ Tụng giải thích: “Hiệp ba lìa hai quán sát trần thế” chính là tư tưởng này. Còn Ý Thức quán sát trần cảnh thì tất nhiên phải rộng lớn hơn. Sáu Thức đây (Thức đây có nghĩa là hiểu biết), nơi Sinh Lý Học gọi chung là tám thứ cảm giác. Trong tám thứ cảnh giới cảm giác này, hai Phu Giác (tức là cảm giác nơi da) và Cơ Giác (tức là cảm giác nơi bắp thịt) đều nằm trong Hữu Cơ Cảm Giác tức là Thân Căn Thức, Vị Giác tức là Thiệt Căn Thức, Khứu Giác tức là Tỷ Căn Thức, Thính Giác tức là Nhĩ Căn Thức, Thị Giác tức là Nhãn Căn Thức. Còn Tri Giác nơi Sinh Lý Học và Tâm Lý Học gọi chung là Quan Sát. Quan Sát tức là chỉ cho Ý Phân Biệt và Ý Phân Biệt này có hai thứ tác dụng là chú ý và tri giác. Nguyên do “Cảm giác khiến cho chúng ta đủ sức hiểu biết nhiệt độ, động tác, món ngon, mùi thơm, nhan sắc, âm thanh, riêng chỉ những thế giới mà chúng ta nhận thức thì mới có đầy đủ đặc tánh và những sự vật có liên quan đến những đặc tánh do chúng ta nhận thức đã được cấu kết thành hình. Nhưng cảm giác thì không thể giúp chúng ta nhận thức được những sự vật có những đặc tánh như thế. Nhận thức những sự vật không chỉ tiếp nhận do những sự vật kích thích mang đến và lại đặc biệt còn có những thứ trọng yếu phản ứng. Quan sát tức là lợi dụng sự cảm giác làm lịch trình cho sự nhận thức sự vật. Quan sát có hai giai đoạn: một là chú ý, hai là tri giác. Chú ý tức là tác ý, tri giác tức là nhận thức, nghĩa là hiểu biết hoặc phân biệt. Như nói: tri giác là ý nghĩa Thức Biệt (phân biệt) và Hiểu Dụ (biểu thị). Chỉ “Thức Biệt” và “Hiểu Dụ” đều gồm có kết quả của tri giác, nhưng chưa phải là lịch trình biểu thị sự diễn đạt của tri giác. Lịch trình của tri giác là hiểu biết các cảm quan hiện tiền hoạt động qua các sự vật”. Theo sự giải thích của Phật Học, lịch trình của tri giác tức là chỉ cho sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu. Giờ đây tám thứ Cảm Giác và sáu thứ Căn Thức xin được liệt kê qua đồ biểu như sau:

147quanniemtriet05

D.- BA PHƯƠNG DIỆN CỦA SÁU THỨC:

Ba phương diện của sáu Thức là chỉ cho ba tánh của sáu Thức trong đó có thể tánh và hành tướn thiện, ác và vô ký “Liễu biệt làm tánh tướng”: Liễu nghĩa là hiểu rõ bằng cách phân biệt tức là nhận thức, cảnh phân biệt là đối tượng tức là thế giới hiện tượng của sở duyên (sáu cảnh) bên ngoài. Sáu thứ hiểu biết này đều lấy sự nhận thức làm thể tánh và cũng lấy cảnh nhận thức bên ngoài làm hành tướng (tác dụng), cho nên dùng hai ý nghĩa trên hiệp lại một để giải thích.

“Thiện bất thiện câu phi” (đều đầy đủ Thiện, Ác và Vô Ký): đây là nói tánh chất của sáu Thức, hai chữ “Câu Phi” trong bài Tụng tức là chỉ cho tánh Vô Ký. Sáu loại Thức này đều thông cả ba tánh và Bát Thức Quy Củ Tụng cũng giải thích “thông cả ba tánh”, cho nên tánh chất của sáu Thức đều có cả Thiện, Ác và Vô Ký. Nguyên vì sáu Thức của chúng ta khi quan sát và suy xét thế giới này có lúc thương, có lúc ghét, có lúc bình thường, cho nên có ba loại tình cảm. Từ ba phương diện đây, sự hiểu biết của sáu Thức so với hai Thức thứ bảy và thứ tám thì không giống nhau. Căn cứ nơi thể tánh để nói: sáu Thức thì phân biệt, còn Thức thứ bảy và thứ tám thì không phân biệt. Căn cứ nơi hành tướng để nói: sáu Thức phân biệt thì dễ biết, nhưng hai Thức thứ bảy và thứ tám thì không thể biết. Căn cứ nơi tánh chất để nói: hai Thức thứ bảy và thứ tám thì thuộc về Vô Ký, nhưng sáu Thức nói trên thì thuộc về cả Thiện, Ác , Vô Ký, vì thế sáu Thức được cho là rất trọng yếu. Riêng trong sáu Thức, Ý Thức thì lại được cho là trung tâm, vì Tâm Thức này có năng lực mạnh mẽ, có khả năng làm tất cả thiện và ác.

E.- NHỮNG TÂM LÝ VÀ SỰ CẢM THỌ CỦA SÁU THỨC:

1.- GIẢI THÍCH CHUNG CÁC TÂM SỞ:

Thử Tâm Sở Biến Hành, Biệt Cảnh Thiện Phiền Não, Tùy Phiền Não Bất Định, giai tam thọ tương ưng……”. Từ Thử Tâm Sở Biến Hành trở về sau gồm có sáu bài Tụng đều trình bày rõ các pháp Tâm Sở quan hệ với sáu Thức. Tâm Sở chính là những hiện tượng tâm lý tác dụng như Tham dục, Tín ngưỡng, Sân hận, Tình cảm..v..v….. Có rất nhiều Tâm Sở quan hệ với sáu Thức, trong 51 loại Tâm Sở không có một loại nào là không quan hệ với sáu Thức. Nguyên vì sự nhận thức, sự quan sát thế giới hiện tượng này của chúng ta đều hoàn toàn do sự tác dụng của sáu Thức. Các pháp Tâm Sở ở trong Duy Thức Luận tính chung gồm có 51 thứ, chia tổng quát thành sáu loại, cho nên có câu “Lục vị Tâm Sở”. Trong những câu “Thử Tâm Sở Biến Hành…..” vừa nêu ở trên, ba câu đầu là nói chung. Chữ “Thử” là chỉ cho Thức Năng Biến phân biệt cảnh giới, còn Tâm Sở dịch ý là “những pháp lệ thuộc nơi Tâm”, tức là những pháp thuộc quyền sở hữu của Tâm. Những pháp thuộc quyền sở hữu của Tâm được phân làm sáu loại như dưới đây:

147quanniemtriet06

Sự tương ưng của năm Thức Trước đối với 51 pháp Tâm Sở nếu như phân tích một cách nghiêm chỉnh đến nơi đến chốn không nhiều thì ít có chỗ không giống nhau; chỉ Thức thứ sáu thì tương ưng đầy đủ tất cả pháp Tâm Sở. Bát Thức Quy Củ Tụng giải thích rằng: “Ý Thức thứ sáu thường tương ưng với 51 Tâm Sở, khi gặp thiện thì tương ưng riêng biệt với những Tâm Sở Thiện và khi gặp ác thì tương ưng với những Tâm Sở Ác”. Một cá nhân khi phát khởi thiện tâm thì những Tâm Sở Thiện tác dụng tương ưng, khi niệm ác phát động thì những Tâm Sở Ác tác dụng tương ưng. Những Tâm Sở Thiện Ác nói trên sở dĩ tác dụng phản ứng là do hoàn cảnh đương thời dẫn khởi Ý Thức và gặp cơ hội phối hợp phân biệt, đây là chỉ cho những cảnh giới bên ngoài làm trợ duyên. Những thứ Tâm Sở bất đồng này chính là những tâm lý cá biệt tác dụng không giống nhau.

2.- THỌ VÀ TÌNH CẢM:

“Giai Tam Thọ tương ưng (đều tương ưng cả ba Thọ) ” là thuyết minh Thức Năng Biến Liễu Cảnh cùng với hoàn cảnh quan hệ tiếp xúc. Nguyên vì mỗi khi tiếp xúc liền phát sanh tác dụng cảm thọ. Sự cảm thọ của chúng ta sở dĩ có sai biệt nhau là do hoàn cảnh bên ngoài không giống nhau. Sáu Thức đây chính là những loại hiểu biết cùng nhau nhận thức thế giới hiện tượng và sự nhận thức thế giới hiện tượng của sáu Thức này bằng cách mỗi khi tiếp xúc với ngoại cảnh những Tâm Sở liền phát sanh một thứ tâm lý vui vẻ hay không vui vẻ, hoặc giả một sự việc gì phát sanh thì tâm lý liền cảm giác thống khổ hoặc khoái lạc, hoặc phẩn nộ, hoặc sầu bi..v..v….. Có khi cũng gặp trường hợp phát sanh trạng thái tâm lý trung lập. Những trạng thái tâm lý này nơi Tâm Lý Học cho là tình cảm, thế nên chữ Thọ ở đây chính là tình cảm tác dụng. Từ đó sáu Thức Tâm Vương và các pháp Tâm Sở đều có thể tương ưng với ba Thọ, Khổ Thọ, Lạc Thọ và Xả Thọ, nhưng hai Thức thứ bảy và thứ tám đối với ba Thọ trên chỉ tương ưng được có một Thọ là Xả Thọ. Sự hiển bày này của hai Thức thứ bảy và thứ tám thì thuộc về Tiềm Ý Thức và chúng phản ứng thì không tình cảm không hăm hở. Hai Thức này thì hướng về bên trong để duyên mà không phải hướng về bên ngoài để chuyển biến. Còn sáu Thức trước thì không phải như thế, chúng nó đặc biệt hướng về bên ngoài để chuyển biến.

3.- THUYẾT MINH SÂU RỘNG

SỰ TÁC DỤNG CỦA TÂM LÝ:(Sáu địa vị Tâm Sở)

Từ đây trở về sau trình bày rõ ý nghĩa của sáu địa vị trong 51 Tâm Sở.

a.-LOẠI BIẾN HÀNH:

Câu “Sơ Biến Hành Xúc đẳng (Đầu tiên Biến Hành gồm có: Xúc,..v..v…)”: trong sáu loại Tâm Sở, đầu tiên là loại Biến Hành, chính là năm Tâm Sở như Xúc,..v..v….. Nghĩa của Biến Hành xin được trình bày tổng quát. Duy Thức Luận giải thích rằng: “Trong tất cả Tâm, những Tâm Sở này nhất định có thể đạt đến nên gọi là Biến Hành”. Biến Hành bao gồm những nghĩa tất cả tánh, tất cả thời, tất cả chỗ, tất cả đầy đủ. Tất Cả Tánh tức là chỉ cho ba Tánh. Tất Cả Chỗ tức là chỉ cho ba Cõi, nghĩa là những cõi có Tầm có Từ, những cõi vô Tầm vô Từ, những cõi vô Tầm nhưng chỉ có Từ. Cõi Dục và cõi Sơ Thiền là những cõi có Tầm và có Từ; từ Nhị Thiền trở lên là những cõi vô Tầm và vô Từ; trung gian giữa những cõi Sơ Thiền và Nhị Thiền gọi là cõi Thiền Định Trung Gian, những cõi này thì không có Tầm nhưng chỉ có Từ. Còn những Tâm Sở Biệt Cảnh mặc dù biến khắp tất cả tánh, tất cả chỗ, nhưng tự nó không biến khác. Các phiền não và tùy phiền não thì hoàn toàn không bến khắp. Riêng những Tâm Sở Bất Định thì chỉ biến khắp tất cả tánh. Năm Tâm Sở Biến Hành gồm có: Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng và Tư.

1)- XÚC: là nghĩa tiếp xúc, nghĩa là hai cá thể ở hai nơi liên lạc tiếp xúc với nhau, gặp nhau liền phát sanh sự biến hoá. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Xúc nghĩa là tam hoà, phân biệt, biến dị”. Tam Hoà nghĩa là ba pháp Căn, Cảnh, Thức hoà hợp nhau lại làm thành một mà không ly cách nhau, mà đã hoà hợp nghĩa là cùng nhau phát khởi tác dụng cảm giác. Hơn nữa hoà hợp mà không ly cách tức là nghĩa của chữ Xúc. Sự sanh khởi của tất cả pháp Tâm và Tâm Sở đều nhờ đến sự tác dụng của Tâm Sở Xúc này, thí dụ như đoá hoa là cảnh ở bên ngoài nhờ Nhãn Căn (Thị Giác) xem thấy đoá hoa, tức thì phát sanh sự nhận thức đoá hoa đó, sự nhận thứ đây chính là nhờ sự tổ hợp của Căn và Thức không ly cách nhau. Thế nên mới gọi là ba pháp hoà hợp. Còn Phân Biệt, theo Duy Thức Học giải thích do ba hoà hợp nói trên mà sanh ra tất cả Tâm phân biệt, do Tâm phân biệt mà có tất cả thứ biến đổi khác đi, cho nên gọi là Phân Biệt và Biến Dị. Thành Duy Thức Luận giải thích rằng: “Khiến Tâm và Tâm Sở Xúc giao tiếp với cảnh làm tánh, nương nơi Thọ, Tưởng, Tư..v..v…. là những chỗ sở y làm nghiệp”. Tư tưởng biến hoá của chúng ta sở dĩ không giống nhau đều là do hoàn cảnh bất đồng tạo nên. Nguyên vì tiếp xúc hoàn cảnh bất đồng cho nên tư tưởng ảnh hưởng bất đồng. Tiếp xúc bất cứ sự vật nào bên ngoài đều hội tụ sanh khởi một thứ tâm lý để phản ảnh lại. Tâm lý Xúc đây là nơi quan yếu để cho tất cả Tâm nương tựa, do sự tiếp xúc có trước các Tâm và tâm lý khác mới nương theo đó sanh khởi. Cho nên sự tác dụng của Xúc rất là trọng yếu ở nơi Tâm và Tâm Sở duyên cảnh. Ba thứ Căn, ảnh và Thức được biểu hiện như sau:

147quanniemtriet07

2)- TÁC Ý: Tâm Lý Học cho là “Chú Ý”. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Tác Ý nghĩa là khiến tâm cảnh giác làm tánh, nơi cảnh sở duyên làm nghiệp”. Đối diện với cảnh giới gì khi tiếp xúc khiến Tâm sanh khởi chú ý và thường có tánh cảnh giác về cảnh giới đó. Giả như khi làm một việc gì, Tâm thường cẩn thận, như tham thiền niệm Phật nêu lên câu thoại đầu làm cương yếu và tất cả chú ý cảnh giác về câu thoại đầu đó. Tâm lý Tác Ý thường khiến tâm niệm chúng ta chuyên chú đến cảnh giới sở duyên mà không dám sơ ý.

3)- THỌ: Thọ “nghĩa là tiếp nhận những cảnh tướng thuận, những cảnh tướng nghịch và những cảnh tướng không thuận không nghịch làm tánh, phát khởi sự yêu thích và không yêu thích làm nghiệp”. Đây là tình cảm phát sanh, nghĩa là tiếp nhận những cảnh thuận, những cảnh nghịch hoặc những cảnh bình thường. Tiếp nhận những cảnh thuận thì yêu thích những cảnh lạc thú, vì mình có những lợi ích khiến tâm hoan hỷ. Tiếp nhận những cảnh trái nghịch là những cảnh không phải lạc thú, vì mình có chỗ tổn hại khiến sanh tâm chán ghét. Hai chữ “Câu Phi” nghĩa là chỉ cho những cảnh giới bình thường không phải những cảnh yêu thích và những cảnh không yêu thích. Tâm Sở Thọ đây nơi Tâm Lý Học gọi là sự tiếp nhận của tình cảm, nhờ hoàn cảnh bên ngoài sự tiếp nhận của tình cảm được mỹ mãn cùng không mà định mức giá trị cái khổ vui, cái an lạc và ở nơi nội tâm khởi lên một thứ cảm thọ biến hoá của thuận cảnh, của nghịch cảnh, của câu phi (không phải thuận cảnh, không phải nghịch cảnh).

4)- TƯỞNG: Tưởng “nghĩa là đối với cảnh giới nhận lấy hình tượng tàm tánh, thiết lập các thứ danh ngôn làm nghiệp”. Đây là vấn đề sau khi tiếp xúc thứ cảnh giới nào và đối với cảnh giới đó cộng thêm sự đo lường tính toán (căn cứ vào hình tượng). Nơi cảnh giới nào đó, tâm lý trước hết đã an bày một thứ hình tượng, nghĩa là tạo nên một thứ mô hình tưởng tượng nào đó gọi là khái niệm. Tiến thêm bước nữa đối với thứ hình tượng nói trên an lập tiếp một thứ danh xưng gọi là danh ngôn để đại biểu cho thật thể của mỗi sự vật và những danh ngôn của người đời đều được từ nơi tâm lý nói trên.

5)- TƯ: chữ Tư “là nghĩa khiến tâm tạo tác làm tánh”. Tạo tác nghĩa là hoạt động như tục ngữ có câu: “ba lần suy nghĩ rồi sau đó mới làm”, thế thì chữ Tư nghĩa là suy nghĩ, là hoạt động. Những động tác và những hành vi của tất cả Tâm và Tâm Sở đều được thúc đẩy bởi Tâm Sở Thọ và Tâm Sở Tư nói trên, vì thế mới cho rằng Tâm Sở Tư là căn bản điều thiện của hành vi. “Đối với những điều lành..v..v….. đầy tớ tâm làm nghiệp”. Đầy tớ là ông chủ sai khiến, tức là nghĩa chi phối, chúng ta cử tâm động niệm đều bị Tâm Sở Tư này làm chủ chi phối và sai khiến. Những điều lành..v..v….. chữ vân vân (..v..v…) là bao gồm cả những điều ác, nghĩa là đối với hai phương diện những điều lành và những điều dữ hành vi của Tâm Sở Tư này có thể thúc đẩy và sai khiến Tâm chúng ta đi hành động.

Năm pháp Tâm Sở đây nghĩa căn bản tuy giải thích như thế, nhưng sự hoạt động và sự tác dụng của nó có mạnh mẽ hay yếu kém là tùy thuộc vào quan hệ của các Tâm Sở như thế nào để xác định. Năm loại Tâm Sở đây nếu như cùng lúc quan hệ với Ý Thức thứ sáu để sanh khởi thì sức hoạt động rất mạnh; nếu như cùng lúc quan hệ với Thức thứ bảy và năm Thức Trước thì sức tác dụng không được mười phần mười; nếu như cùng lúc quan hệ với tánh vô phú vô ký của Thức A Lại Da thì rất yếu kém, nguyên vì hành tướng bản thân của Thức thứ tám vẫn còn không thể biết thì làm sao biết được năm Tâm Sở này quan hệ như thế nào?

b.- LOẠI BIỆT CẢNH:

“Thứ Biệt Cảnh vị Dục, Thắng Giải Niệm Định Huệ, sở duyên sự bất đồng (Kế đến Biệt Cảnh gồm có: Dục, Thắng Giải, Niệm, Định, Huệ; cảnh để duyên không giống nhau)”.

Đây là trình bày rõ về loại Tâm Sở thứ hai. Sao gọi là Biệt Cảnh? Bài Tụng giải thích rằng: “Cảnh để duyên không giống nhau”. Năm loại Tâm Sở này, mỗi loại đều có cảnh giới để duyên riêng biệt khác nhau nên gọi là Biệt Cảnh. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Do duyên cảnh riêng biệt mà được khởi tác dụng nên gọi là Biệt Cảnh”.

1)- DỤC: Dục là dục vọng, Thành Duy Thức Luận giải thích: “Nơi những cảnh hỷ lạc hy vọng làm tánh”. Nghĩa là đối với những sự vật hoan hỷ, tâm niệm khởi lên hy vọng và thích thú mong cầu. Tâm Sở Dục đây có thiện và có ác, Dục thiện như là phát tâm Bồ Đề, hy vọng thành Phật và cứ độ chúng sanh chính thuộc về Tâm Sở Dục này. Đó là hy vọng mong cầu những cảnh giới ham thích. Còn Dục ác thì ngược lại rất dễ hiểu. Luận giải thích rằng: “Nương nơi sự chuyên cần làm nghiệp”, nghĩa là hễ có Dục Tâm thì tất nhiên có tinh tấn đi theo không hề biết giãi đãi.

2)- THẮNG GIẢI: nghĩa là giải rõ hoặc nhận thức rất thù thắng không chút hoài nghi. Như Luận giải thích: “Nơi cảnh giới đã chọn, nhận định và nắm giữ làm tánh, không chuyển đổi làm nghiệp”. Ấn là nghĩa nhận định, Trì là nghĩa nắm giữ, trên tâm lý đối với cảnh giới nào đã chọn nhận định và nắm giữ nó không bị người khác chuyển đổi. Thí dụ như có người tín ngưỡng tông giáo, khi bị người khác nhận thức tông giáo tín ngưỡng của mình cho là lạc hậu, nhưng họ không bị lay chuyển. Thứ cảnh giới đây gọi là cảnh quyết định hay là cảnh đã chọn và loại tri thức này cũng gọi là Thắng Giải.

3)- NIỆM: là nghĩa ghi rõ không quên. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Đối với những cảnh huân tập đã biết qua ghi rõ không quên làm tánh, nương nơi Định làm nghiệp”. Những cảnh huân tập đã biết qua nghĩa là những cảnh giới thuộc về quá khứ đã từng biết qua, nơi trong não bộ có ghi lại ấn tượng rất rõ ràng không bao giờ quên, thứ tâm lý này gọi là Niệm. Niệm là y chỉ nơi Định và Định thì nương nơi Niệm để phát sanh.

4)- ĐỊNH: dịch từ nghĩa Đẳng Trì, là hiện tượng của Tâm tịch tịnh bình đẳng phi thường, đây không phải là một niệm không sanh và cũng không phải là Tâm loạn tưởng. Người Tây Phương dịch chữ Định là tinh thần tập trung, chính là tư lự quy về một điểm, là chuyên chú vào một cảnh mà không di động. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Đối với cảnh sở quán khiến Tâm chuyên chú, không tán loạn làm tánh, nương nơi Huệ làm nghiệp”. Tâm đã được định thì tất nhiên có cảnh sở quán, Tâm định và cảnh sở quán không hai, niệm chuyên chú vào cảnh sở quán tức là Định. Từ nơi Định mà phát khởi được Huệ cho nên gọi là “Nương nơi Huệ làm nghiệp”.

5)- HUỆ: Thành Duy Thức Luận giải thích: “Đối với cảnh sở quán giản trạch làm tánh, nương nơi Trí làm nghiệp”. Giản Trạch có ba nghĩa, phân tích, chọn lựa và tìm cầu. Người đời, xã hội, hành vi, sự nghiệp đều là cảnh giới của Tâm Sở Huệ này quán sát. Đối với vấn đề công đức..v..v….. lầm lẫn quá nhiều, cần phải có Huệ thì mới đủ sức phân biệt và đủ sức chọn lựa. Người có trí huệ thì không tùy thuộc người ta nói như thế nào cũng nói theo như thế đó mà hoàn toàn nhờ vào sức quán sát của chính mình để chọn lựa. Chữ Huệ ở đây bàn đến chính là Huệ thông cả ba tánh mà không phải là Huệ thuộc vô lậu.

c.- LOẠI THIỆN:

Nghĩa của Thiện là yếu tố có lợi ích cả đời này và đời sau. Còn Tâm Sở Thiện nghĩa là những tâm lành được phát sanh nên gọi là Tâm Sở Thiện. Tâm Sở Thiện gồm có 11 loại:

1)- TÍN: nghĩa là tín ngưỡng, tức là tâm lý hướng về, nhiệt tình, lực lượng. Tín đây có ba loại tánh: một là Lạc nghĩa là thích thú; hai là Dục nghĩa là bao gồm ý tưởng mong cầu; ba là Tâm Tịnh nghĩa là tâm không tạp loại, không nhiễm ô. Sự sai biệt của Tín Tâm là chỗ đối tượng của tín ngưỡng cũng có ba:

a- Tín Đức: là những kẻ tín ngưỡng có đạo đức gồm các bậc Thánh như các vị A La Hán, các vị Bồ Tát, các đức Phật,..v..v….. cho đến các bậc đạo đức trong thế gian.

b- Tín Thật: là tin tưởng những sự thật, những lý thật, như tin tánh nhân quả, tin tánh chân lý.

c- Tín Năng: là tôn kính tín ngưỡng. Chữ Năng là nghĩa tài năng, khả năng, hoặc năng lực, như người thông đạt học thuật Ngũ Minh, người có khả năng tạo nên sự nghiệp làm lợi ích cho người, lợi ích cho đời, được người đời tôn kính và tin tưởng, gọi chung là tín ngưỡng. Tín Tâm có hiểu được như thế thì tâm lý liền được an định và cũng được thanh tịnh.

2)- TÀM: nghĩa là pháp nương nơi tự lực, tôn trọng những bậc hiền thiện làm tánh.

3)- QUÝ: nghĩa là pháp nương tựa nơi năng lực thế gian, khinh khi và chống đối những bạo ác làm tánh.

Hai thứ tâm lý Tàm Quý này có khả năng nuôi dưỡng trưởng thành nhân cách cao thượng của con người. Tàm và Quý không giống nhau, Tàm thì phản tỉnh năng lực tự giác của con người, giúp cho con người hiểu rõ sự thật, thường khiêm tốn trong việc tôn trọng những bậc hiền thiện. Còn Quý thì nương theo lực lượng xã hội trong thế gian, nguyên vì làm ác sẽ bị xã hội phê bình cho nên tâm luôn luôn lo sợ mà không dám làm ác. Hai pháp Tàm và Quý có lúc cùng nhau tác dụng mà phổ thông thường gọi là hổ thẹn, chính tướng trạng của hai pháp này.

4)- VÔ THAM: Hai chữ Vô Tham là đối với các pháp trong thế gian không luận bất cứ phương diện nào đều chẳng có ý niệm tham trước và tham cầu.

5)- VÔ SÂN: nghĩa là đối với những sự thống khổ và nguồn gốc của những sự thống khổ đều hiểu rõ cho nên nhận chịu. Đối với tất cả hoàn cảnh ác liệt, người vô sân không bao giờ oán trời, trách người và cũng không nổi cơn sân hận.

6)- VÔ SI: nghĩa là tâm lý sáng suốt về sự cũng như về lý một cách rõ ràng không bị ngu xuẩn.

7)- CẦN: là vui tiến hướng thượng. Luận giải thích: “Cần nghĩa là tinh tấn, đối với vấn đề đoạn ác tu thiện dũng cảm làm tánh”. Cần tức là dụng công làm việc không một mải mai giãi đãi. Đối với vấn đề thiện pháp quyết chí tu học, đối với ác pháp quyết chí đoạn trừ, tâm lý Cần đây là thuần túy thiện tánh. Sự nghiệp của Cần chỉ có mục đích là làm lợi ích cho nhân quần xã hội, thế nên Cần được gọi là Thiện Pháp. Thiện Pháp quan trọng ở chỗ là cần học tập từ từ. Riêng Ác Pháp đây nghĩa là sự tình đặc biệt làm tổn hại cho người, như khiến tinh thần của người khác trở nên bất an, hoặc khiến đời sống của người khác trở nên đau khổ, hoặc khiến nhân sanh trở nên lo sợ..v..v….. tất cả đều là Ác Pháp và cần phải dũng mảnh đoạn trừ. Luận giải thích: “Sự nghiệp của Cần là làm cho điều thiện trở nên sung mãn”. Do đó sự quan hệ của Cần Dũng là khiến cho Thiện Pháp hoàn thành viên mãn.

8)- KHINH AN: tâm lý này cốt yếu ở chỗ tu định thì mới có thể hội nhập được. Khinh là khoan khoái nhẹ nhàng và An là an định. Thân tâm có hai thứ khinh an: Thân thì khoan khoái nhẹ nhàng và Tâm thì an lạc, tâm lý Khinh An này thì tương phản với tâm lý thô trọng. Luận giải thích: “Xa lìa tâm thô trọng điều hoà thông suốt thân tâm, nhận chịu trách nhiệm làm tánh”. Thô trọng nghĩa là nội tâm nặng nề trì trệ giống như người đa sự đa tình lại không có tu dưỡng Phật Pháp thành thử những việc đáng buông bỏ mà lại chẳng chịu buông bỏ, không khác kẻ gánh vác trách nhiệm lúc bấy giờ tâm lý của họ cảm thấy phiền não và cảm thấy thống khổ. Người nếu như có tu dưỡng Phật Pháp, phát huy được hạnh vô ngã thì vô tư trong những công hạnh to lớn. Họ lại có tu dưỡng thiền định mặc dù gánh vác trách nhiệm trọng đại nhưng trong tâm của họ cũng cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng và an lạc, thân tâm của họ tự có khả năng điều hoà, sinh hoạt biết thích ứng thời gian và biết lượng sức của mình thì thân tâm trở nên thư thái, thoải mái, có thể đảm đương trách nhiệm trọng đại, tạo nên sự nghiệp lợi ích cho mọi người. Thân Tâm nếu như không có khả năng điều hoà thoải mái thì không thể đạt được trạng thái khinh an, trạng thái khinh an là đối trị bệnh hôn trầm. Bệnh Hôn Trầm nếu như xuất hiện thì không thể tu thiền định. Luận giải thích: “Đối trị bệnh hôn trầm thì phải chuyển y làm nghiệp”. Chuyển Y nghĩa là chuyển đổi thân tâm thô trọng. Đối Trị nghĩa là điều phục, khiến cho thân tâm thô trọng chuyển thành thân tâm an lạc, thoải mái, vui vẻ, sảng khoái, cho nên người có tâm Khinh An thì có thể nói họ đã vào cửa tu thiền định. Do đó tu thiền định là pháp lành có thể đoạn trừ phiền não để được giải thoát.

9)- BẤT PHÓNG DẬT: theo Duy Thức Luận giải thích: “nghĩa là tinh tấn ba căn, đối với chỗ tu đoạn trừ lấy sự phòng ngừa làm tánh”. Phóng Dật cùng với phóng đảng có chỗ giống nhau, là cả hai sinh hoạt không có quy luật, công tác không có chánh đáng, không thể giúp cho Tâm Thức được an định lâu dài, còn Bất Phóng Dật thì ngược lại với tâm lý này. Tâm lý Bất Phóng Dật thì không có tự thể, nghĩa là nó cùng với Tinh Tấn và Vô Tham ba căn chung nhau hoà hợp làm thể. Tâm lý này phát khởi tác dụng nhằm mục đích đoạn trừ các điều ác và phòng ngừa các điều ác phát sanh. Cho nên Luận giải thích: “Nhằm đối trị Phóng Dật, nghiệp dụng của Bất Phóng Dật là khiến thành tựu viên mãn tất cả thiện pháp trong thế gian và xuất thế gian”.

19)- HÀNH XẢ: Hành là hành uẩn một trong năm uẩn, chữ Xả trong hành uẩn gọi là Hành Xả. Nguyên vì chữ Xả có thể thông suốt cả Thọ Uẩn và chữ Xả trong thọ uẩn gọi là Thọ Xả. Trong vấn đề Hành Uẩn, Thọ Xả đã được giản biệt nên gọi là Hành Xả. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Hành Xả khiến cho Tâm được bình đẳng, được chánh trực và vô công dụng làm tánh”. Trong câu trên, ý nghĩa công dụng ba loại bình đẳng, chánh trực và vô công dụng là trình bày rõ tánh đặc thù của Hành Xả, thứ tâm lý này nếu như không tu dưỡng cho tốt thì không thể đạt được. Bình Đẳng: nghĩa là không bị ba động bởi bát phong của ngoại cảnh; Chánh Trực: nghĩa là nội tâm không mưu kế bóp méo, cho nên có câu: “Trực tâm là đạo tràng”; Vô Công Dụng Trụ: nghĩa là tâm bình thường, có người hỏi một vị Tổ Sư rằng: “Phật Tâm là như thế nào?” Tổ Sư đáp: “Tâm bình thường”. Tâm lý tự nhiên an trụ tịch tịnh không thêm vào một điểm công dụng nào. Tâm lý bình đẳng chánh trực an trụ vào trạng thái vô công dụng như thế nên gọi là Hành Xả. Thể tánh của tâm lý này chính là ba căn Tinh Tấn cùng Vô Tham..v..v….. cho nên đối với pháp môn tu chỉ quán thường khởi tác dụng. Luận giải thích: “Đối trị Trạo Cử, an trụ vào tịch tịnh làm nghiệp”. Trạo Cử tức là vọng niệm và nó chướng ngại cho việc tu tập thiền định. Từ đó cho thấy Hành Xả chính là nhập môn của sự tu quán và người tu thiền định điều quan trọng thứ nhất là không nên Hôn Trầm mà cần phải tu tâm Khinh An. Điều quan trọng thứ hai là người tu thiền định không nên Trạo Cử mà cần phải tu tâm Hành Xả.

11)- BẤT HẠI: Bất Hại nghĩa là không làm tổn hại đến người khác, không khiến tinh thần người khác thân thể người khác sinh hoạt bị thống khổ nên gọi là Bất Hại. Tâm lý Bất Hại là sự việc không chỉ không cố làm tổn hại người khác, ngay cả Tâm làm tổn hại người khác cũng không khởi lên, đây là một loại Tâm Sở được thiết lập trên thiện căn Vô Sân. Trong nội tâm, tâm lý này sanh khởi không chỉ không làm tổn hại người khác, đồng thời lại còn có tâm thương trời mến người. Như ngày nay chúng ta đối với những tai trời hoạ người đều khởi lên tâm thương sót, đó chính là tâm Bất Hại. Không sân hận mà lại cùng với người chung hưởng an vui đó là Đại Từ, không làm tổn hại mà lại còn cứu người thoát khỏi sự thống khổ đó là Đại Bi. Đại Từ Đại Bi là tột cùng của Tâm Sở Thiện. Trong mười một Tâm Sở Thiện, bốn pháp (Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả, Bất Hại) đều là giả và nương nơi các pháp riêng biệt làm thể. Còn bảy pháp khác thì thuộc về pháp chân thật vì tự chúng có thể tánh.

d.- LOẠI PHIỀN NÃO CĂN BẢN:

Căn bản là những tâm lý làm chủ yếu cho những tâm lý và có thể sanh ra những hiện tượng tâm lý đặc biệt khác. Phiền não căn bản gồm có sáu loại:

1)- THAM: là tham dục, nghĩa là tâm lý tham trước các thứ sinh hoạt vật dục hiện khởi trong xã hội và hiện có trong thế gian. Nói rộng ra, đối với các pháp trong ba cõi khởi tâm tham trước nên gọi là Tham Dục. Như Luận giải thích: “Hữu và Hữu Cụ đều nhiễm trước làm tánh”. Chữ “Hữu” là chỉ cho nhân sanh xã hội; hai chữ “Hữu Cụ” là chỉ cho các thứ tiền của vật chất sản sanh trong xã hội, đối với những thứ này tham trước không xả nên gọi là Tham, như “tham quan”. Vấn đề Tham phổ thông trong xã hội xem đến thường cho là thái quá, còn theo Phật Giáo chủ trương chúng ta đối với hoàn cảnh vạn ác của xã hội nhân sanh này tất nhiên cương quyết phải ly khai không cho bị đoạ vào trong tham dục lần thứ hai. Hoặc giả chúng ta nổ lực cải tạo hoàn cảnh xấu ác này, cương quyết không thể nhiễm trước, nguyên vì có tâm tham dục thì nhất định sẽ gặp tất cả thống khổ phát sanh.

2)- SÂN: nghĩa là đối với con người, đối với sự việc có chỗ không được như ý, chán ghét ở trong nội tâm, oán giận phát sanh ra ngoài, đối với hiện trạng khổ đau và nguyên nhân của khổ đau đều thù hận người khác mà không chịu phản quan tự tỉnh. Như Luận giải thích: “Không ổn định an trụ, nương tựa nơi ác hạnh làm tánh”. Tâm đã bị Sân nổi lên không những sinh hoạt không được an định mà sanh mạng cũng không được yên ổn và tất cả ác hạnh đều từ nơi đó phát sanh.

3)- SI: nghĩa là ngu si không chút trí tuệ và cũng gọi là vô minh. Như Luận giải thích: “Đối với các sự lý mê muội làm tánh”. Đối với các đạo lý hiện thật mờ mịt không sáng suốt chẳng khác người mù ngựa đui. Như Luận giải thích: “Tất cả tạp nhiễm (ác pháp) là chỗ nương tựa làm nghiệp”. Tâm lý Si thì tương phản với tâm lý Vô Si. Tâm lý Si có mặt thì tất cả pháp tạp nhiễm cũng đều có mặt.

4)- MẠN: là tâm lý cống cao ngã mạn. Như Luận giải thích: “nghĩa là đối với mọi người cậy thế nơi mình đề cao cá nhân làm tánh”. Nương tựa nơi quyền uy, thế lực, giàu sang, thông minh, trí thức..v..v…… của mình, kẻ ngã mạn tự cho là cao cả hơn người, nội tâm khởi lên một thứ tâm lý xem người khác là hạng thấp hèn. Như Luận giải thích: “Đối với người có đức hạnh tâm không biết khiêm nhường”. Như thế tâm lý này một khi có mặt có thể vọng tạo các nghiệp ác và đồng thời cũng bị luân hồi không cùng tận. Người có tâm ngã mạn thường tự cho mình đầy đủ học vấn và đạo đức, lẽ đương nhiên họ không có chút tiến bộ nào cả.

5)- NGHI: nghĩa là hoài nghi không có tín nhiệm. Như Luận giải thích: “Đối với các đế lý còn do dự làm tánh”. Do Dự nghĩa là không quyết định. Đế Lý nghĩa là chân lý của bốn Thánh Đế, tức là luật nhân quả của thế gian và xuất thế gian. Đối với chân lý của bốn Thánh Đế có chỗ do dự, tức là có chỗ hoài nghi không tin tưởng cũng làm chướng ngại sự sanh khởi của tất cả thiện pháp.

6)- ÁC KIẾN: chữ Kiến ở đây không phải chữ Kiến của Nhãn Kiến mà chính là kiến giải, là tri kiến, hoặc gọi là quan sát của nội tâm hay của tri thức. Chữ Ác là nghĩa không phải thiện, suy luận không chân chánh không hợp lý, tư tưởng không hợp với sự thật. Ác Kiến chính là kiến giải không hợp với sự lý cho nên gọi là ác kiến. Ác Kiến có năm loại:

a- Tác Ca Da Kiến: dịch là chấp có thân, tức là chỉ cho ngã thân. Do đó Luận Du Già cũng cho chữ Ác Kiến là “tổng chấp ngã”.

b- Biên Chấp Kiến: kiến chấp này nương tựa nơi thân thể để phát khởi, bao gồm chấp thường và chấp đoạn, Chấp Thường nghĩa là chấp thân này sau khi chết vẫn còn tồn tại cái ngã, sự chết đây chẳng qua là chuyển đổi thân thể, như khách du lịch chuyển đổi khách sạn; nhưng còn Chấp Đoạn nghĩa là chấp thân này sau khi chết tất cả đều hoàn toàn huyển diệt.

c- Tà Kiến: nghĩa là không tin đạo lý nhân quả, hủy bán sự thật và sự tác dụng của đạo lý nhân quả.

d- Kiến Thủ Kiến: nghĩa là chấp trước sự kiến giải của mình cho là chính xác, có chỗ cho sự kiến giải này là cố chấp cho rằng Ngã không phải là người, Ngã là chân chánh và ngoài Ngã này đều là tà ngụy, Ngã thì có xuất xứ và ngoài Ngã ra không có xuất xứ. Chữ Kiến đây là điểm xuất phát tất cả sự đấu tranh. Duy nhất chỉ có sự chấp ngã là trên hết, kỳ thật sự chấp ngã này không có hợp lý chút nào, do đó sự chấp ngã này trở thành ác kiến.

e- Giới Cấm Thủ Kiến: là chấp giới luật của mình gìn giữ rất thù thắng, có thể đạt đến Niết Bàn giải thoát. Như ngoại đạo ở Ấn Độ chấp tất cả điều luật khổ hạnh đều khế hợp với sự lý, mặc dù không hợp với đạo lý giải thoát nhưng họ lại cho là chính xác là đạo lý giải thoát, thế nên Giới Cấm Thủ Kiến trở thành ác kiến.

Năm thứ kiến chấp này như trong Luận giải thích: “Nơi các đế lý thôi độ điên đảo, ô nhiễm trí tuệ làm tánh”. Thôi Độ nghĩa là kiến, là suy xét điên đảo, nhận thức sai lầm, đều thuộc về trí tuệ không thanh tịnh!

Trong sáu thứ phiền não căn bản trên, Ác Kiến là yếu tố quan trọng khai mở năm thứ phiền não còn lại để trở thành mười thứ phiền não căn bản. Trong mười thứ phiền não căn bản nói trên, năm thứ trước (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi) mê hoặc sự thật nên gọi là năm Độn Sử, cũng gọi là năm Tư Hoặc và cũng gọi là năm Tu Hoặc, tức là trạng thái tâm lý bệnh hoạn trên sinh hoạt kinh nghiệm thực tế. Còn năm thứ sau (Tát Ca Da Kiến, Biên Chấp Kiến, Tà Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Cấm Thủ Kiến) mê hoặc lý tánh nên gọi là năm Lợi Sử, cũng gọi là Lý Hoặc và cũng gọi là Kiến Hoặc, tức là trạng thái tâm lý bệnh hoạn trên tri thức. Căn cứ theo học thuyết của Tiểu Thừa: khi vào bậc Sơ Quả, mười sáu Tâm Kiến Đạo chuyên đoạn trừ Kiến Hoặc. Từ Kiến Đạo của bậc Sơ Quả trở về sau, cho đến Đạo A La Hán thứ tư, những bậc này đều gọi là Tu Đạo. Nơi trong Tu Đạo, những bậc này chuyên đoạn trừ tám mươi mốt cấm Tu Hoặc, riêng Kiến Hoặc cần phải đoạn trừ để giác ngộ được chân lý. Còn Tư Hoặc chính yếu là ở nơi sự sinh hoạt, thật tế trên chỗ tu tập mài luyện phải từ từ thì mới có thể đoạn trừ. Tâm bệnh của năm loại Tư Hoặc này thì rất sâu nặng. Theo Đại Thừa giải thích: khi chứng nhập bậc Sơ Địa, Kiến Hoặc mới đoạn trừ được, từ nơi Kiến Đạo của bậc Sơ Địa trở về sau, theo trong Kinh Thập Địa, Tâm Thức sau khi chứng được Kim Cang Đạo chính là thâu nhiếp được ngôi vị Tu Đạo thì mới lần lượt theo thứ lớp đoạn trừ Tu Hoặc này. Vấn đề tu tập đoạn trừ như thế nào, chỉ trong ngôi vị Duy Thức giải thích hành tướng thì mới rõ ràng hơn. Giờ đây vấn đề Phiền Não Căn Bản xin liệt kê đồ biểu như dưới đây:

147quanniemtriet08

Mười thứ phiền não nói trên có hai loại: Câu Sanh và Phân Biệt Khởi. Câu Sanh nghĩa là có mặt do bản chất bẩm sanh, Tâm Lý Học gọi là Bản Năng. Phân Biệt Khởi nghĩa là có mặt sau khi sanh, Tâm Lý Học cho rằng do học tập mà được. Trong mười thứ phiền não nói trên, Nghi, Tà Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Cấm Thủ Kiến đều do phân biệt sanh khởi. Ngoài ra tất cả còn lại thì thuộc về bản năng và cũng là do học tập dưỡng thành.

Trong mười thứ phiền não, Thức thứ tám thì hoàn toàn không ảnh hưởng, Thức thứ bảy thì ảnh hưởng Tham, Si, Mạn, Ác Kiến, Thức thứ sáu thì ảnh hưởng hoàn toàn và năm Thức Trước thì chỉ ảnh hưởng ba thứ: Tham, Sân và Si.

e.- LOẠI TÙY PHIỀN NÃO:

Tùy Phiền Não có 24 loại và chia làm ba thứ:

1)- Tiểu Tùy Phiền Não có mười loại,

2)- Trung Tùy Phiền Não có hai loại.

3)- Đại Tùy Phền Não có tám loại.

Những tâm lý phiền não này đều nương nơi sáu loại phiền não căn bản ở trước để phát khởi cho nên gọi là Tùy Phiền Não. Thành Duy Thức Luận giải thích: “Chỉ vì phần vị sai biệt của phiền não có tánh đẳng lưu cho nên gọi là Tùy Phiền Não. Hai mươi bốn loại sai biệt này chia làm ba: Mười loại Phẩn,..v..v….. đều phát khởi riêng biệt nhau cho nên gọi là Tiểu Tùy Phiền Não. Tám loại Trạo Cử,..v..v….. ô nhiễm tâm phổ biến cho nên gọi là Đại Tùy Phiền Não”. Ô nhiễm tâm bao gồm hai tánh chất: bất thiện và hữu phú vô ký. Ngoài ra các phiền não còn lại thì dễ hiểu biết.

1- TIỂU TÙY PHIỀN NÃO:

1)- PHẨN: nghĩa là những cảnh giới đối với mình ngay lúc đó không được như ý liền phát khởi một thứ tâm lý tức giận mà người đời thường gọi là “phát hỏa hoặc phát giận”. Theo Luận giải thích: “Cầm roi để đánh làm nghiệp”. Lửa giận đã phát động có thể cầm vật gì để đánh người, mở miệng chửi mắng người.

2)- HẬN: cốt yếu ở chỗ trước đã có Phẩn rồi sau mới có Hận, Hận nghĩa là nội tâm đã kết oán, người đời thường gọi là “ôm ấp hận tại tâm” đã ghi oán hận người khác. Oán hận chỉ biểu lộ ngoài mặt hoặc không có biểu lộ ngoài mặt, cũng có lúc biểu lộ vài nét ngoài mặt.

3)- PHÚ: nghĩa là che dấu, tự mình đã làm những tội ác thường che dấu không dám cho người khác biết. Nguyên vì người nhà nếu như biết rõ những tội ác đã lỡ gây thì đối với mình không có lợi. Những tội ác đã lỡ gây nếu như đành chỉ dấu kín nơi tâm thì khiến cho nội tâm không được an nhàn thoải mái. Người đời thường gọi “áy náy trong lòng”, chung cuộc tâm lý này phát sanh sau khi ăn năn, cũng gọi là buồn phiền khiến tâm không an ổn. Thế nên những tội ác đã lỡ làm tốt nhất nên bày tỏ ra ngoài.

4)- NÃO: nghĩa là bực tức, trước đó nhất định đã có hai thứ tâm lý Phẩn Hận và sau đó tâm lý Não phát khởi, tâm bực tức đi đến chỗ không khác nào con độc trùng bám vào người khác. Thí dụ như mình trước kia đã ôm lòng oán ghét thâm sâu người nào đó, sau này có cơ hội thấy mặt hoặc gặp việc bộc phát giận dữ, lại thêm báo thù, nói năng như rắn độc, ngậm máu phun người như hạ độc thủ!

5)- TẬT: là ganh ghét, nghĩa là đối với những việc tốt, những việc lợi ích, đặc biệt là những việc vinh quang của người khác, như thấy họ gặp được những hoàn cảnh may mắn nào danh dự, quyền thế, địa vị, giàu có..v..v….. riêng mình không thể nhẫn nại sanh tâm đố kỵ. Người đời thường gọi “Tật đố làm chướng ngại”, “lửa đố kỵ che lòng”. Ai có thứ tâm lý này thì sẽ có thứ tâm lý buồn thương khác tác dụng, thường gọi là “Tâm buồn như đốt” cũng rất khó chịu, đồng thời cũng khiến cho kẻ đương cuộc bị tổn thương.

6)- SAN: nghĩa là keo kiệt, luyến tiếc, không có ý nghĩ bố thí ân huệ cho kẻ khác. Thí dụ tự mình tích lủy tài sản hoặc tri thức, nếu như có người đến cần cầu thì không đành cho. Theo Luận giải thích: “tích trữ một cách hèn hạ làm nghiệp”. Người đời thường cho là tâm lý “nô lệ giữ của”.

7)- CUỐNG: là dối trá, ý không chân thật. Theo Luận giải thích: “Tâm ôm ấp mưu đồ khác, do đó phần nhiều hiện khởi những điều không chân thật, cho nên sống với những sự việc tà mạng. Vì muốn đạt được những lợi ích về danh dự lòng dạ hiện khởi những điều dối trá tỏ ra mình có đức hạnh”. Người nào có thứ tâm lý này thì thường đại ngôn không biết hổ thẹn, do lừa đảo dối gạt người khác để mưu cầu được sinh hoạt cho nên họ nói những điều tà mạng.

8)- SIỂM: là nịnh bợ lòn cúi. Theo Luận giải thích: “Vì lừa dối người khác cho nên thiết lập lễ nghi kỳ dị để gạt gẩm, hành động gian hiểm làm tánh”. Người nịnh bợ lòn cúi thường biểu hiện tướng hảo bên ngoài rất tốt, nhưng nội tâm của họ thì lại đổi khác. Thế gian thường cho là bên ngoài biểu hiện tướng mạo nghiêm trang, nhưng trong tâm của phái nam thì đạo tặc và của phái nữ thì xướng ca vô loại. Người nào có thứ tâm lý này đối với mọi người thường hành động vuốt ve lấy lòng, thế gian cho là “Tâm của tiểu nhân”.

9)- HẠI: tâm lý Hại cùng với tâm lý Bất Hại đối đãi với nhau. Tâm lý Hại đối với nhân loại thường gây nên sự tổn não, tức là không có chút thương hại. Người có thứ tâm lý này thường sử dụng nhiều phương pháp để bức hại người khác.

10)- KIÊU: nghĩa là kiêu cách hay kiêu ngạo. Đối với mình, những sự tình hoặc những vật phẩm hoặc những nghề nghiệp có được rất vừa ý họ thường sanh tâm tham trước, có tánh hay cao ngạo. Con người trong tâm có thứ bệnh này thì bên ngoài hiện ra “các phong cách cao ngạo”. Thứ tâm lý này có những hành vi đưa đến tạo tác tất cả điều bất thiện.

Mười loại Tiểu Tùy Phiền Não đây đều phát sanh từ nơi Phiền Não Căn Bản.

2-TRUNG TÙY PHIỀN NÃO:

Trung Tùy Phiền Não có hai loại: Vô Tàm và Vô Quý. Hai tâm lý này người thế tục thường cho là không biết hổ nhục hoặc không biết liêm sỉ. Vô Tàm và Vô Quý là hai mặt trái của Tàm và Quý. Vô Tàm và Vô Quý ở trước đã được giải thích trong Tâm Sở Thiện, cho nên không cần phải giải thích trở lại.

3- ĐẠI TÙY PHIỀN NÃO:

Đại Tùy Phiền Não gồm có tám loại:

1)- TRẠO CỬ: Tâm trạo cử nghĩa là khiến tâm phát khởi lên cao. Người đời thường cho là “đánh lên vọng tưởng”, khiến tâm vọng động không được tịch tịnh. Đặc biệt đối với người tu tập thiền định, Tâm trạo cử làm cho họ bị chướng ngại cho nên gọi là “Chướng ngại chỉ quán làm nghiệp”. Tâm trạo cử cũng chướng ngại cho Hành Xả, khiến tâm không được bình đẳng chánh trực để đạt đến cảnh giới trụ vô công dụng. Theo Luận giải thích: “Thường chướng ngại Hành Xả của Thiền Định làm nghiệp”.

2)- HÔN TRẦM: nghĩa là tâm niệm hôn mê chìm đắm, khiến tâm mờ ám không minh mẫn nên gọi là “chướng ngại cho sự quán chiếu làm nghiệp”. Người nào có tâm lý Hôn Trầm này đối với cảnh sở quán thì không sức chịu đựng, không phát khởi lên được tinh thần đề xướng. Tâm trở thành trạng thái suy nhược không thể tu quán.

3)- BẤT TÍN: là mặt trái của tín tâm trong Tâm Sở Thiện ở trước.

4)- GIÃI ĐÃI: là mặt trái của Tinh Tấn ở trước.

5)- PHÓNG DẬT: tâm lý này là mặt trái của Bất Phóng Dật, nghĩa là hành vi của tâm lý buông thả, bay nhảy, không một mảy may sống trong quy luật, hành vi biểu hiện bởi động tác cho nên mới biết được trước đó đã có tâm lý bị năng động, vì thế tâm lý này gọi là Phóng Dật.

6)- THẤT NIỆM: là mặt trái của Tâm Sở Niệm trong Biệt Cảnh.

7)- TÁN LOẠN: nghĩa là đối với những cảnh giới của thấy, nghe, ngộ, biết, tâm bị trôi nổi lang thang, “chướng ngại tâm định làm nghiệp” (định là tâm chuyên chú duy nhất vào tánh cảnh), tâm lúc bấy giờ không được chuyên chú vào một cảnh. Người đời thường gọi: “tâm loạn như mặt rổ” chính là chỉ cho tâm này.

8)- BẤT CHÁNH TRI: là mặt trái của tâm lý Chánh Tri.

Tám loại Đại Tùy Phiền Não nói trên cũng là một phần chuyển hoá từ Phiền Não Căn Bản sanh ra.

f.- LOẠI BẤT ĐỊNH:

Tâm Sở Bất Định nghĩa là những tâm lý này không nhứt định thiện hay ác, có khi quan hệ với những việc lành và cũng có lúc quan hệ với những việc ác cho nên gọi những tâm lý này là Bất Định. Tâm Sở Bất Định gồm có bốn loại:

1)- HỐI: gọi là Hậu Hối, cũng gọi là Ố Tác, nghĩa là chán ghét những sự việc mình đã làm mà sanh ra ăn năn phiền muộn. Như mình đã làm việc ác rồi sau đó sanh tâm hối hận là Hối Thiện, còn như đã làm việc thiện rồi sau đó hối hận là Hối Ác, cho nên tâm lý này được gọi là Bất Định.

2)- MIÊN: là thụy miên, nghĩa là ngủ nghỉ. Thụy Miên chính là tinh thần nghỉ ngơi trên sanh lý trong lúc cần phải sinh hoạt. Đây là chỉ cho một thứ tâm lý tham ngủ nghỉ. Như tham trước ngủ nghỉ, lười biếng không làm việc, cho nên ngủ nghỉ quá nhiều đều là bất thiện. Theo Luận giải thích: “khiến tâm không tự tại, ngu muội đơn giản làm tánh”. Nếu như gặp hoàn cảnh không tốt nó có thể đình chỉ, cho nên Miên trong trường hợp này cũng được gọi là thiện.

3)- TẦM: nghĩa là tìm cầu, khiến tâm trụ nơi cảnh của ngôn ý để suy xét và phân biệt thô cạn bên ngoài. Tầm đây có thể thiện và cũng có thể ác.

4)- TỨ: nghĩa là xem xét, đối với cảnh sở quán suy xét rất vi tế. Tứ đây có thể thiện và cũng có thể ác.

Theo Tụng giải thích: “Bất Định vị Hối Miên, Tầm Tứ nhị các nhị” (Bất Định gồm có: Hối, Miên, Tầm, Tứ, thông cả nhiễm và tịnh). Ba chữ “Nhị Các Nhị” đây giải thích có hai loại pháp:

a)- Loại thứ nhất: “Nhị” là chỉ cho hai loại tâm sở Tầm và Tứ, còn “Các Nhị” là nói hai tâm sở này đều thông cả hai tánh: tánh thiện và tánh ác.

b)- Loại thứ hai: “Nhị” là chỉ cho hai loại, nghĩa là một loại thuộc về Hối Miên và một loại thuộc về Tầm Tứ. “Các Nhị” là nói hai loại tâm sở trên đều có tánh thiện và tánh bất thiện.

F.- BÀN QUA TINH THẦN TÌNH CẢM VÀ TÂM SỞ PHÁP:

Phương pháp phân loại 51 Tâm Sở trên là căn cứ nơi quan điểm phân tích của Luân Lý Học, cho nên tổng quát chia thành ba loại: thiện, bất thiện và bất định. Phương pháp phân loại này nếu như so sánh với tình cảm cùng với lối phân tích tinh thần của Tâm Lý Học hiện tại thì có phần sâu sắc hơn. Ở Aâu Châu, năm 1879 có một nhà Thí Nghiệm Tâm Lý Học tên là Bằng Đức, ông ta đem tâm lý tình cảm chia thành ba phương hướng:

a)- Do trạng thái thích thú, đến trạng thái không thích thú và trạng thái trung lập.

b)- Do vô cùng phấn khởi đến mềm yếu như cây liễu.

c)- Do khẩn trương đến thả lỏng buông trôi.

Phương pháp phân tích này ở Âu Châu thì rất có giá trị, nhưng kỳ thật xét kỹ thì rất bình thường. Phân tích kết quả của tâm lý tình cảm như thế không phải chỉ có ba loại nói trên mà thôi. Như trong Phật Học, từ Tham cho đến Vô Tham,..v..v……, từ Tín cho đến Bất Tín,..v..v……, chủng loại của nó rất nhiều.

Hơn nữa danh từ Tình Cảm nơi Tâm Lý Học thì rất nhiều, như nơi Tâm Lý Học của Ngô Vĩ Sĩ [11], danh từ Tình Cảm được phân tích thành 11 loại, xin trình bày như dưới đây:

1)- Thích thú, vui vẻ, hoan lạc, cao hứng, đắc ý, mừng điên.

2)- Không thích thú, không vừa ý, sầu muộn, bi thương, bi ai, thối chí.

3)- Đùa giỡn, ham vui, chơi ngông.

4)- Cổ vỏ, phấn khởi.

5)- Yên lặng, hài lòng, mơ mộng, vô tình, chán chường, buồn chán.

6)- Khát vọng, ái mộ, hy vọng, dốc lòng tin, dũng cảm.

7)- Hoài nghi, thẹn thùng, buồn khổ, nóng ruột, lo âu, run sợ, sợ hãi, hoảng sợ.

8)- Ngạc nhiên, kinh ngạc, kỳ lạ, yên ổn, thất vọng.

9)- Ham muốn, tham dục, cảm thông, ngưỡng mộ, luyến ái.

10)- Chán ghét, chê trách, ganh ghét, oán ghét.

11)- Phẫn nộ, uất hận, tức giận, thịnh nộ, giận dữ.

Mười một loại tâm lý đây cộng chung gồm 55 thứ, thật ra trong 55 thứ này có thể lược bớt, như trong loại thứ tám, ngạc nhiên, kinh ngạc, kỳ lạ chỉ là một thứ tâm lý. Ái mộ trong loại thứ 6 và ngưỡng mộ trong loại thứ 9 cũng chỉ là một thứ tâm lý..v..v…..

Giờ đây 51 pháp Tâm Sở của Duy Thức tóm lược thành 7 loại như sau:

1)- Xúc…… Thọ (Khổ, Ưu, Hỷ, Lạc)

2)- Tham…. Dục…… San….. Xiểm…… Cuống…… Vô Tham.

3)- Sân…. Phẩn….. Hận….. Não….. Tật…… Hại….. Vô Sân.

4)- Si….. Vô Minh….. Ác Kiến…. Phú….. Kiêu…. Mạn….. Vô Tàm…..

Vô Quý…… Nghi….. Bất Tín……. Hối…… Vô Si….. Minh…. Huệ…..

Chánh Kiến….. Tàm Quý…… Thắng Giải…… Tín.

5)- Phóng Dật…… Tán Loạn…… Trạo Cử…… Giãi Đãi….. Bất Phóng Dật……

Cần…… Tinh Tấn.

6)- Hôn Trầm…… Thùy Miên……. Hành Xả…… Khinh An…… Định.

7)- Thất Niệm…... Tầm……. Tứ……. Tác Ý……. Tưởng…….Tư….. Niệm.

Trong 51 Tâm Sở này, Tâm Sở Xúc là đầu mối, Xúc chính là cơ bản để sanh khởi tất cả Tâm và Tâm Sở pháp. Kế đến Tâm Sở Thọ là do Xúc làm đầu mối liền phát sanh cảm thọ. Khổ Lạc..v..v…. bốn nguyên nhân này thật ra không phải do Tâm tiếp nhận mà chính là do nơi Thọ sanh ra. Hơn nữa mỗi một loại, trong đó đều do Bất Thiện mà đi đến Thiện, cho nên mới dùng phù hiệu trên để biểu thị.

G.- SỰ SẢN SANH CỦA NĂM THỨC TRƯỚC:

“Y CHỈ CĂN BẢN THỨC, NGŨ THỨC TÙY DUYÊN HIỆN, HOẶC CÂU HOẶC BẤT CÂU, NHƯ BA ĐÀO Y THỦY” ( Nương nhờ Thức căn bản, năm Thức tùy duyên hiện, hoặc cùng nhau hiện hoặc chẳng cùng nhau hiện, như lượng sóng nương nơi nước).

Đây là trình bày về chỗ nương tựa để duyên của Thức Năng Biến. Thức Năng Biến thứ ba sanh khởi như thế nào? Trong đây trước hết thuyết minh năm Thức Trước và kế đến thuyết minh Thức thứ sáu. Điều kiện duy nhất năm Thức Trước chỉ nương nơi Thức Căn Bản, tức là Thức A Lại Da thứ tám để sanh khởi (Thức A Lại Da thứ tám dung thông tất cả ngôi vị cho nên gọi là Thức Căn Bản). Năm Thức Trước đều nương nơi Thức Căn Bản để sanh khởi và hơn nữa sự sanh khởi của năm Thức Trước cũng tùy theo sự tập hợp những điều kiện khác nhau của Tăng Thượng Duyên. Với những điều kiện gì của hoàn cảnh khiến cho những Thức đó sanh khởi, theo Bát Thức Quy Củ Tụng giải thích: “Cữu duyên thất bát hảo tương lân” (chín duyên, bảy duyên và tám duyên quan hệ lẫn nhau rất tốt). Câu Tụng đây là thuyết minh Tăng Thượng Duyên không giống nhau của năm Thức Trước sanh khởi, nghĩa là năm Thức Trước khi sanh khởi đòi hỏi phải nương đầy đủ chín duyên như: Căn, Cảnh, Khoảng cách, Ánh sáng, Chủng Tử, Nhiễm Tịnh Y (Thức thứ bảy), Căn Bản Y (Thức thứ tám), Phân Biệt Y (Thức thứ sáu), Tác Ý (Chú ý). Nhãn Thức nếu như thiếu một duyên trong chín duyên nói trên thì không thể sanh khởi, cho nên lìa ngoài chín duyên này Nhãn Thức không có tự tánh riêng biệt. Do đó Duy Thức giải thích Nhãn Thức riêng nó không có tự tánh và bốn Thức khác thì cũng thế. Nhĩ Thức chỉ cần đến tám duyên thì có thể sanh khởi, nghĩa là trong chín duyên nói trên trừ đi duyên ánh sáng. Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức chỉ cần đến bảy duyên thì có thể sanh khởi, nghĩa là trong chín duyên nói trên trừ đi hai duyên là khoảng cách và ánh sáng. Cũng vì các Thức phải nhờ đến các duyên mới sanh khởi được, cho nên bài Tụng đây giải thích: “Ngũ Thức tùy duyên hiện” ( năm Thức tùy duyên hiện) và chữ Hiện đây là nghĩa sanh khởi. “hoặc câu hoặc bất câu” (hoặc cùng nhau hiện hoặc chẳng cùng nhau hiện), nghĩa là trong năm Thức, hai Thức có khi cùng nhau sanh khởi hoặc ba Thức cho đến năm Thức có khi cùng nhau sanh khởi, hoặc mỗi Thức tự sanh khởi riêng. Tuy nhiên đặc biệt Thức thứ sáu, Thức thứ bảy và Thức thứ tám thì nhất định phải cùng nhau sanh khởi. Cho nên Duy Thức Luận thường bàn đến rất nhiều về tám Thức có thể cùng nhau sanh khởi. “như ba đào y thủy” (như lượng sóng nương nơi nước), nghĩa là lượng sóng là dụ cho năm Thức Trước và nước là dụ cho Thức thứ tám. Lượng sóng thì nhơn nơi gió và nương nơi nước để sanh khởi, nghĩa là năm Thức đây nhơn nơi ngoại cảnh và nương nơi Thức Căn Bản để sanh khởi, đạo lý này cũng giống như lượng sóng nhơn nơi gió và nương nơi nước để sanh khởi nói trên không khác.

H.- SỰ SANH KHỞI CỦA Ý THỨC:

“Ý THỨC THƯỜNG HIỆN KHỞI, TRỪ SANH VÔ TƯỞNG THIÊN, CẬP VÔ TÂM NHỊ ĐỊNH, THÙY MIÊN DỮ MUỘN TUYỆT” ( Ý Thức thường hiện khởi,ngoại trừ sanh lên cõi Trời Vô Tưởng và vào hai Thiền Định Vô Tâm, hoặc ngủ say và chết ngất [chết giả])

Bài Tụng đầu là thuyết minh nhân duyên sanh khởi của Thức thứ sáu, nghĩa là Thức thứ sáu luôn luôn nương tựa nơi Thức Căn Bản để hiện khởi. Sự sinh hoạt của Ý Thức chúng ta bình thường bằng cách tâm niệm cử động, nói năng đều là do năng lực hoạt động của Ý Thức điều khiển, cho nên bài Tụng này giải thích rằng: “động tác này hoặc nói năng này đều có Ý Thức”, cho nên Ý Thức đại bộ phận thường hiện khởi. Chỉ có thời gian Ý Thức hoàn toàn nương nơi xứ sở nào đó, hoặc nương nơi hoàn cảnh đặc thù nào đó, hoặc bị thứ sức lực gì đó thì không hiện khởi. Có năm cơ sở đặc thù mà Ý Thức quan hệ trong những thời gian không hiện khởi như:

1)- VÔ TƯỞNG THIÊN: là cõi Trời Vô Tưởng, một trong mười tám cõi trời thuộc Sắc Giới. (Trong cõi Trời Quảng Quả của cõi trời thứ mười tám thuộc Thiền thứ tư nơi Sắc Giới có cõi Trời Vô Tưởng). Cõi Trời Vô Tưởng cũng gọi là Vô Tưởng Hữu Tình, kẻ được sanh lên cõi trời này là do năng lực của Định Vô Tưởng nơi quá khứ kết thành và các Tâm cùng những Tâm Sở đều bị diệt hết ở nơi cõi Trời Vô Tưởng này, cho nên sáu Thức trước đều không còn hoạt động nữa. Theo trong cõi Trời Vô Tưởng cho biết, mạng sống của con người phải trải qua 500 kiếp và trong 500 kiếp đó Ý Thức không khởi tác dụng.

2)- VÔ TƯỞNG ĐỊNH: ngoại đạo vì mong cầu quả vị Niết Bàn của họ cho nên tiến tu Thiền Định Vô Tưởng để diệt sáu Tâm Thức trước và các Tâm Sở, đặc biệt là diệt Tâm Sở Tưởng, cho nên gọi là Vô Tưởng. Nhờ định lực vô tưởng, người tu sau khi chết được sanh lên cõi Trời Vô Tưởng, đó là cõi Niết Bàn của họ. Nhưng họ sau khi trải qua 500 kiếp thì Tâm Sở Tưởng của họ liền phát khởi trở lại, do đó cõi Thiền Định Vô Tưởng nói trên thật ra không phải là cõi Niết Bàn, vì cõi đó không chân thật giải thoát, còn bị đọa lạc trong ba cõi, cho nên người bậc trí không chịu tu phương pháp này.

3)- DIỆT TẬN ĐỊNH: cũng gọi là Diệt Thọ Tưởng Định, hoặc gọi là Diệt Định. Người tu thiền định này chỉ cầu tịch tịnh, thấu rõ hai Tâm Sở Thọ và Tưởng là nguồn gốc sanh khởi tất cả tham trước và phân biệt, mà cũng là nguồn gốc của sự tranh đua. Cho nên chủ yếu của người tu thiền định này là diệt cho được Thọ và Tưởng, mà muốn diệt được Thọ và Tưởng trước hết phải khiến cho sáu Thức và các Tâm Sở đều diệt hết không cho sanh khởi, thế nên thiền định này được gọi là Diệt Thọ Tưởng Định hoặc gọi là Diệt Tận Định. Người tu vào thiền định nói trên đều không cho đây là Niết Bàn. Diệt Định là thiền định cao nhất trong định thứ chín của bậc Thánh tu tập. Định lực của Diệt Định này áp chế khiến cho Thức thứ sáu không thể sanh khởi.

4)- THÙY MIÊN: nghĩa là người khi vào trong giấc ngũ mê không có chút cảnh mộng thì lúc đó Ý Thức không có hoạt động. Nếu như khi có giấc mộng, Phật Học cho hiện tượng đó là Độc Đầu Ý Thức hoạt động.

5)- MUỘN TUYỆT: nghĩa là trạng thái tâm lý của người hôn mê bất tỉnh, không có Ý Thức tác dụng. Thứ trạng thái tâm lý này hoặc do tiếp nhận sự kích thích quá độ, hoặc do bệnh nóng quá cao, hoặc do say rượu, hoặc bị người khác gây tổn hại, tất cả hiện tượng đó đều có thể do thần kinh hôn mê, cho nên Ý Thức không khởi tác dụng. Ngoại trừ năm thứ cơ sở đặc thù trên, Ý Thức đều luôn luôn hiện khởi.

------------

[1] Câu Xá Luận

[2] Tri Thức và Xã Hội.

[3] Thành Duy Thức Luận, quyển 3, trang 2.

[4] Tri Thức Dữ Xã Hội.

[5] Ngô Sĩ Vi Tâm Lý Học, Trung Hoa xuất bản.

[6] Câu Xá và Thuận Chánh Lý Luận Thích, đoạn Ngũ Căn.

[7] Câu Xá và Thuận Chánh Lý Luận Căn Phẩm Thích, đoạn Nhị Thập Nhị Căn.

[8] Câu Xá Luận Giới Phẩm, quyển 2, trang 14.

[9] Câu Xá Luận giống như ở trước.

[10]Câu Xá Luận Giới Phẩm, quyển 1, trang 14.

[11] Ngô Vĩ Sĩ Tâm Lý Học, Trung Hoa xuất bản.


---o0o---

Trình bày: Nhi Tuong

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]