- Dẫn nhập
- Chương 1: Hậu cảnh chính trị từ Ajatasattu đến Mahapadma Nanda
- Chương 2: Nguồn tài liệu của các cuộc kết tập thứ hai
- Chương 3: Những thế lực gây chia rẽ trong Tăng đoàn
- Chương 4: Nguồn tài liệu và sự phân loại các bộ phái
- Chương 5: Ðại Chúng Bộ
- Chương 6: Giáo điển của tông phái nhóm II
- Chương 7: Giáo điển của tông phái nhóm III
- Chương 8: Giáo điển của tông phái nhóm IV
- Chương 9: Giáo điển của tông phái nhóm V
- Lời kết
- Phụ lục
Các Bộ Phái Phật Giáo Ở Ấn Độ
Lời Kết
Thượng tọa Thích Nguyên Tạng
Nguồn: Dr.Nalinaksha Dutt. Thượng tọa Thích Nguyên Tạng
Nguồn: Dr.Nalinaksha Dutt. Thượng tọa Thích Nguyên Tạng
Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, cuộc kết tập lần thứ nhất với sự chủ trì của Trưởng lão Đại Ca Diếp (Mahakassapa) được tổ chức vào năm 487 hoặc 483 trước Tây-lịch. Là thị giả và là đệ nhất đa văn trong số 10 đệ tử hàng đầu của Đức Phật, tôn giả A-Nan tuyên đọc lại những lời dạy của ngài, sau đó được kết tập thành Kinh Tạng, còn tôn giả Ưu-ba-ly (Upali), vị đệ nhất về trì giới, thì tuyên thuyết lại các giới bản được soạn thảo để các tăng ni thọ trì, sau đó được viết thành Luật Tạng. Văn bản của cuộc kết tập này được tất cả tăng ni tham dự chấp thuận, ngoại trừ trưởng lão Purana người xứ Dakhinagiri, vì ngài muốn có một số thay đổi nhỏ trong bảy hay tám giới điều liên quan tới việc nấu ăn, dự trữ thực phẩm và dùng thức ăn của các tăng sĩ. Đây là một sự khác biệt ý kiến nhỏ, không gây bất hòa trong Tăng đoàn, dù về sau phái Mahisasaka (Hóa Địa Bộ) cho thêm bảy hay tám điều này vào Luật Tạng của họ. Hơn một trăm năm sau Cuộc Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất, những sự bất hòa thực sự đã xảy ra trong Tăng đoàn vào Cuộc Kết Tập Kinh Điển Thứ hai được tổ chức ở thành Vesali. Trong cuộc kết tập này những người bất đồng ý kiến tuyên bố họ không xem các La Hán là hoàn hảo, và rồi từ đó hết chi phái này đến chi phái khác xuất hiện từ hai phái chính yếu là Trưởng Lão Bộ (Theravadin) và Đại Chúng Bộ (Mahasanghikas). Phái Trưởng Lão có mười một chi phái, còn phái Đại Chúng có bảy chi phái. Một số chi phái của Đại Chúng Bộ, đặc biệt là phái Thuyết Xuất Thế Bộ và nhóm chi phái Saila, định cư chính yếu ở Amaravati và Nagarjunakonda thuộc xứ Andhra, không chỉ khẳng định quan điểm của Đại Chúng Bộ vốn là nguồn gốc của họ về sự không hoàn hảo của các La Hán mà còn thần thánh hóa Đức Phật như một đấng siêu thiêng liêng. Ý niệm này đưa tới sự hình thành của giáo thuyết Bồ Tát với triết lý “ Paramita”, tức là hạnh hoàn hảo của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Liên quan đến sự kiện này, có một điều đáng ghi nhận là phái Pali, tức là phái Theravada có tính cách chính thống và bảo thủ, đã đưa vào Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) của họ 550 câu chuyện tiền thân của Phật (Jatakas = Kinh Bản Sanh) nói về những kiếp trước của Phật Thích Ca và việc ngài thành tựu mười Ba La Mật, tức là họ đưa thêm vào sáu Ba La Mật nói trên thêm bốn hạnh nữa, đó là (7) phương tiện thiện xảo (pháp tu tập để đạt Phật quả); (8) trí (sự hiểu biết về Đạo pháp), (9) nguyện (thệ nguyện đắc quả Phật và (10) lực ( có sức mạnh để tu tập đắc Phật quả). Việc phái Theravada đưa các Ba La Mật vào truyện tiền thân Đức Phật cho thấy họ không phải là không chịu ảnh hưởng của Đại Thừa Giáo. Nhưng tất nhiên việc này chỉ xảy ra rất lâu về sau. Tóm lại, quan điểm của phái Thuyết Xuất Thế Bộ nói trên báo trước sự xuất hiện của Đại Thừa Phật giáo.
(còn tiếp, sẽ đăng toàn bài sau)
Gửi ý kiến của bạn