Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 37 (1045 - 1055)

08/05/201319:54(Xem: 12838)
Tạp A-hàm quyển 37 (1045 - 1055)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 37 (1045 - 1055)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1045. TÙY LOẠI[71]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có những pháp thân cận[72], hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:

“Những gì là pháp thân cận? Người sát sanh thân cận người sát sanh. Trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến, chúng tùy theo loại thân cận nhau. Thí như vật bất tịnh cùng với vật bất tịnh tự hòa hợp nhau; cũng như vậy, sát sanh cùng sát sanh... cho đến tà kiến cùng tà kiến, tự thân cận nhau. Cũng vậy Tỳ-kheo, không sát sanh cùng với không sát sanh thân cận nhau... cho đến chánh kiến cùng với chánh kiến thân cận nhau. Thí như vật tịnh cùng vật tịnh hòa hợp nhau; sữa sanh lạc, lạc sanh tô, tô sanh đề hồ, đề hồ tự hòa hợp nhau. Cũng vậy, không sát sanh cùng với không sát sanh thân cận nhau... cho đến chánh kiến cùng với chánh kiến thân cận nhau. Đó gọi là pháp thân cận nhau của Tỳ-kheo.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1046. XÀ HÀNH[73]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có pháp rắn bò[74], hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói.

“Thế nào là pháp rắn bò? Sát sanh, làm ác, tay thường tanh máu,... cho đến mười nghiệp ác, nói đầy đủ như kinh Thuần-đà trước. Lúc bấy giờ người ấy bò trườn với thân, bò trườn với miệng, bò trườn với ý. Khi bò trườn với thân, bò trườn với miệng, bò trườn với ý như vậy, một trong hai đường người đó đang hướng đến là địa ngục hoặc súc sanh. Chúng sanh bò trườn, là chỉ các loài chúng sanh đi bằng bụng như rắn, chuột, mèo, chồn. Đó gọi là pháp rắn bò.

“Thế nào là pháp không phải rắn bò? Không sát sanh... cho đến chánh kiến, nói đầy đủ về mười nghiệp thiện như kinh Thuần-đà trước. Đó gọi là pháp không phải rắn bò. Khi thân không phải rắn bò, miệng không phải rắn bò, ý không phải rắn bò, thì một trong hai đường họ sẽ sanh về là cõi trời hoặc cõi người. Đó gọi là pháp không phải rắn bò.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1047. VIÊN CHÂU (1)[75]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác. Nếu chúng sanh nào có nhân như vậy, khi thân hoại mạng chung chắc chắn rơi vào địa ngục, đường ác. Giống như ném hạt châu tròn[76] vào hư không, sẽ rơi lại xuống đất lăn đi, không đình trú tại một chỗ[77]. Cũng vậy, nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác, khi thân hoại mạng chung chắc sẽ rơi vào địa ngục không có chỗ đình trú[78].

“Thế nào là nghiệp ác? Sát sanh... cho đến nói lời thêu dệt, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là nghiệp ác.

“Thế nào là tâm ác[79]? Tâm tham, tâm sân nhuế, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là tâm ác.

“Thế nào là kiến ác? Tà kiến điên đảo, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là kiến ác. Đây gọi là nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác, khi thân hoại mạng chung, chắc sẽ rơi vào địa ngục, đường ác. Nếu nhân nghiệp thiện, nhân tâm thiện, nhân kiến thiện, khi thân hoại mạng chung, chắc sẽ được sanh về cõi trời, đường lành.

“Này Bà-la-môn, thế nào là nghiệp thiện? Lìa sát sanh, không ưa sát sanh,... cho đến không nói lời thêu dệt. Đó gọi là nghiệp thiện.

“Thế nào là tâm thiện? Không tham, không sân, đó gọi là tâm thiện.

“Thế nào là kiến thiện? Chánh kiến, không điên đảo... cho đến kiến không tái sanh đời sau. Đó gọi là kiến thiện. Đây gọi là nhân nghiệp thiện, nhân tâm thiện, nhân kiến thiện, khi thân hoại mạng chung chắc sẽ được sanh về cõi trời. Giống như ném hạt ma ni có bốn phương[80] vào hư không, nó rơi chỗ nào sẽ nằm yên chỗ đó; cũng vậy ba nhân thiện kia tùy thuộc vào chỗ thọ sanh mà an ổn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1048. VIÊN CHÂU (2)[81]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu người sát sanh, mà tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, sẽ bị chết yểu. Sự lấy của không cho được tập nhiều, hành nhiều, sẽ rơi vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, tiền của nhiều khó khăn. Sự tà dâm được tập nhiều, hành nhiều, sẽ rơi vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, vợ con của nó bị người xâm phạm. Sự nói dối tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, sẽ bị người khác chê bai luôn. Sự nói hai lưỡi được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, sẽ bị bạn bè thân hữu xa lìa, chia rẽ. Sự nói thô ác được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, thường nghe những tiếng xấu. Sự nói lời thêu dệt được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, lời nói không được tin dùng. Tham dục được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, tham dục kia sẽ tăng trưởng. Sân nhuế được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, sân nhuế kia sẽ tăng trưởng. Tà kiến được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, ngu si kia sẽ tăng trưởng.

“Nếu sự lìa bỏ sát sanh được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, chắc sẽ được sống lâu. Nếu sự lìa bỏ trộm cướp được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, tiền tài sẽ không mất. Nếu sự không tà dâm được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, vợ con sẽ thuần lương. Nếu sự không nói dối được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, sẽ không bị chê bai. Nếu sự không nói hai lưỡi được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, thân hữu sẽ bền vững. Nếu sự không nói lời ác được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, sẽ được nghe những âm thanh dịu dàng. Nếu sự không nói lời thêu dệt được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, lời nói sẽ được tin dùng. Nếu sự không tham lam được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, ái dục sẽ không tăng trưởng. Nếu sự không sân nhuế được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, sân nhuế sẽ không tăng trưởng. Nếu chánh kiến được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh làm người, ngu si sẽ không tăng trưởng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1049. NA NHÂN[82]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Sát sanh có ba thứ: Sanh khởi từ tham, sanh khởi từ sân, sanh khởi từ si,... cho đến tà kiến cũng có ba thứ: Sanh khởi từ tham, sanh khởi từ sân, sanh khởi từ si.

“Lìa sát sanh cũng có ba thứ: Sanh khởi từ không tham, sanh khởi từ không sân, sanh khởi từ không si,... cho đến lìa tà kiến cũng có ba thứ: Sanh khởi từ không tham, sanh khởi từ không sân, sanh khởi từ không si.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1050. PHÁP XUẤT KHÔNG XUẤT[83]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nói là có pháp xuất và pháp xuất không xuất[84]. Những gì là pháp xuất và pháp xuất không xuất? Nghĩa là không sát sanh, là sự xuất ly đối với sát sanh,... cho đến chánh kiến, là sự xuất ly đối với tà kiến.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1051. BỜ KIA BỜ NÀY[85]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy có Bà-la-môn Sanh Văn đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, được nói là bờ này, bờ kia. Thế nào là bờ này? Thế nào là bờ kia?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Sát sanh là bờ này; không sát sanh là bờ kia. Tà kiến là bờ này; chánh kiến là bờ bên kia.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Một ít người tu thiện,
Có thể qua bờ kia;
Tất cả mọi chúng sanh,
Chạy rông bờ bên này.
Đối Chánh pháp luật này,
Nếu quán pháp, tướng pháp;
Thì họ qua bờ kia,
Hàng phục bọn ma chết.

Sau khi Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Cũng vậy, ba kinh: Những gì Tỳ-kheo khác hỏi, Tôn giả A-nan hỏi và Phật hỏi các Tỳ-kheo, cũng nói như trên.

KINH 1052. CHÂN THẬT[86]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có pháp ác, có pháp chân thật[87]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:

“Thế nào là pháp ác? Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến. Đó gọi là pháp ác.

“Thế nào là pháp chân thật? Lìa sát sanh,... cho đến chánh kiến. Đó gọi là pháp chân thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1053. ÁC PHÁP[88]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có pháp ác, pháp ác ác, có pháp chân thật, pháp chân thật chân thật[89]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:

“Thế nào là pháp ác? Sát sanh,... cho đến tà kiến. Đó gọi là pháp ác.

“Thế nào là pháp ác ác? Tự sát sanh, dạy người sát sanh,... cho đến tự khởi tà kiến, lại đem tà kiến dạy người làm. Đó gọi là pháp ác ác.

“Thế nào là pháp chân thật? Lìa sát sanh,... cho đến chánh kiến.

“Thế nào là pháp chân thật chân thật? Tự mình không sát sanh, dạy người không sát sanh,... cho đến tự mình thực hành chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy cho người thực hành. Đó gọi là pháp chân thật chân thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1054. PHÁP CHÂN NHÂN[90]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có người nam bất thiện và người nam thiện[91]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói.

“Thế nào là người nam bất thiện? Người sát sanh,... cho đến người tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện.

“Thế nào là người nam thiện? Người không sát sanh,... cho đến chánh kiến. Đó gọi là người nam thiện.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe nhũng gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1055. MƯỜI PHÁP (1)[92]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có người nam bất thiện; có người nam bất thiện hơn người nam bất thiện; có người nam thiện; có người nam thiện hơn người nam thiện. Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói.

“Thế nào là người nam bất thiện? Người sát sanh,... cho đến người tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện.

“Thế nào là người nam bất thiện hơn người nam bất thiện? Người tự tay sát sanh, rồi dạy người sát sanh,... cho đến tự thực hành tà kiến, rồi dạy người thực hành tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện hơn người nam bất thiện.

“Thế nào là người nam thiện? Người không sát sanh... cho đến chánh kiến. Đó gọi là người nam thiện.

“Thế nào là người nam thiện hơn người nam thiện? Tự mình không sát sanh và dạy người không sát sanh,... cho đến tự thực hành chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy người khác thực hành. Đó gọi là người nam thiện.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]