Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 37 (1034 - 1044)

08/05/201319:52(Xem: 17830)
Tạp A-hàm quyển 37 (1034 - 1044)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 37 (1034 - 1044)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1034. TRƯỜNG THỌ[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có đồng tử Trường Thọ[31] là cháu gia chủ Thọ Đề thân mắc bệnh nặng.

Bấy giờ Thế Tôn nghe đồng tử Trường Thọ thân mắc bệnh nặng, sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Vương xá khất thực, theo thứ tự đi đến nhà đồng tử Trường Thọ. Đồng tử Trường Thọ từ xa thấy Thế Tôn, vịn giường muốn dậy... cho đến nói về ba thọ như kinh Sai-ma đã nói đầy đủ;... cho đến “… bệnh khổ chỉ tăng không giảm.”

“Cho nên, đồng tử, nên học như vầy: Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật. Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới. Nên học như vậy.”

Đồng tử bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn đã nói về bốn bất hoại tịnh. Hiện tại con đều có. Con lúc nào cũng có tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật; có tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới.”

Phật bảo đồng tử:

“Ông nên y vào bốn bất hoại tịnh, để hướng lên tu tập sáu minh phần tưởng[32]. Những gì là sáu? Quán tưởng tất cả hành là vô thường, quán tưởng vô thường là khổ, quán tưởng khổ là vô ngã, quán tưởng về thực, quán tưởng tất cả thế gian không gì đáng vui, quán tưởng về sự chết.”

Đồng tử bạch Phật:

“Như Thế Tôn nói y vào bốn bất hoại tịnh để tu tập sáu minh phần tưởng. Hiện tại con đều có. Nhưng con tự nghĩ, sau khi chết, con không biết ông nội của con là gia chủ Thọ Đề[33] sẽ thế nào?”

Bấy giờ gia chủ Thọ Đề nói với đồng tử Trường Thọ:

“Đối với ông, cháu đừng nghĩ đến. Hiện giờ cháu nên nghe Thế Tôn nói pháp, suy nghĩ và nhớ lấy, mới có thể được phước lợi, an vui, nhiêu ích lâu dài.”

Đồng tử Trường Thọ nói:

“Đối với tất cả hành con sẽ quán tưởng chúng là vô thường, quán tưởng vô thường là khổ, quán tưởng khổ là vô ngã, quán tưởng về thực, quán tưởng thế gian không gì đáng vui, quán tưởng về tử, lúc nào chúng cũng hiện hữu trước mặt.”

Phật bảo đồng tử:

“Hôm nay con đã tự ký thuyết quả Tư-đà-hàm.”

Đồng tử Trường Thọ bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, xin thỉnh Ngài thọ thực tại nhà con.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Trường Thọ đồng tử liền cho sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành, cung kính cúng dường. Thế Tôn thọ thực xong, vì đồng tử thuyết pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1035. BÀ-TẨU[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Lộc dã, tại trú xứ Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Bấy giờ gia chủ Bà-tẩu[35] thân bị bệnh khổ. Nói đầy đủ như kinh Gia chủ Đạt-ma-đề-na[36] ở trước... được thọ ký đắc quả A-na-hàm... cho đến từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1036. SA-LA[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Câu-ni-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có Sa-la họ Thích[38] bị bệnh liệt nặng.

Thế Tôn hay tin Sa-la họ Thích bệnh liệt nặng, sáng sớm đắp y, mang bát vào thành Ca-tỳ-la-vệ khất thực, theo thứ tự đến nhà Sa-la họ Thích. Từ xa Sa-la họ Thích trông thấy Thế Tôn, vịn giường muốn dậy... cho đến nói về ba thọ như đã nói đầy đủ trong kinh Sai-ma-ca... cho đến “…bệnh khổ chỉ tăng chứ không giảm.”

“Cho nên, Sa-la họ Thích, nên học như vầy: Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật. Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới.”

Sa-la họ Thích bạch Phật:

“Như Thế Tôn nói: Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật. Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới. Con đều có đủ. Con lúc nào cũng có tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật; tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới.”

Phật bảo Sa-la họ Thích:

“Cho nên ông phải y vào tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật, tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới, để hướng lên tu tập năm hỷ xứ[39]. Những gì là năm? Đó là niệm Như Lai sự... cho đến tự những pháp bố thí.”

Sa-la họ Thích bạch Phật:

“Như Thế Tôn đã nói y vào bốn bất hoại tịnh, để tu năm hỷ xứ, con cũng đã có. Con lúc nào cũng niệm Như Lai sự... cho đến tự những pháp bố thí.”

Phật dạy:

“Lành thay! Lành thay! Nay tự ông ký thuyết quả Tư-đà-hàm.”

Sa-la bạch Phật:

“Xin Thế Tôn hôm nay, thọ thực tại nhà con.”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Gia chủ Sa-la liền cho sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành, cung kính cúng dường. Thế Tôn thọ thực xong, lại vì gia chủ thuyết pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1037. DA-THÂU[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú trong một tinh xá Khúc cốc, thôn Na-lê[41]. Bấy giờ, gia chủ Da-thâu[42] bị bệnh trầm trọng, như vậy... cho đến ký thuyết đắc quả A-na-hàm. Như đã nói đầy đủ trong kinh Đạt-ma-đề-na[43].

KINH 1038. MA-NA-ĐỀ-NA[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú bên ao Kiệt-già, tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ có gia chủ Ma-na-đề-na[45] bị bệnh mới bớt[46].

Bấy giờ gia chủ nói với một người nam:

“Này thiện nam tử, ông hãy đến chỗ Tôn giả A-na-luật, thay tôi đảnh lễ dưới chân, hỏi thăm cuộc sống có thoải mái, an lạc không? Ngày mai, xin cùng bốn vị nhận lời thỉnh của tôi. Nếu nhận lời, ông nên vì tôi bạch rằng tôi là người thế tục, bận nhiều công việc vương gia, không thể đích thân đến rước được; xin Tôn giả thương xót, đến giờ cùng bốn vị đến phó hội theo lời mời của tôi.”

Lúc ấy người nam kia vâng lời gia chủ, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ dưới chân, thưa Tôn giả rằng:

“Gia chủ Ma-na-đề-na xin kính lễ và hỏi thăm cuộc sống của Tôn giả ít bệnh, ít não, thoải mái, an lạc không? Và trưa ngày mai, xin mời Tôn giả cùng bốn vị, thương xót mà nhận lời thỉnh cầu của gia chủ.”

Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật im lặng nhận lời mời. Bấy giờ người kia lại vì gia chủ Ma-na-đề-na thưa Tôn giả A-na-luật:

“Gia chủ là người thế tục bận nhiều công việc vương gia không thể đích thân đến rước được, xin Tôn giả thương xót, cùng bốn vị nhận lời mời trưa ngày mai của gia chủ.”

Tôn giả A-na-luật nói:

“Ông cứ an tâm, tôi tự biết thời. Ngày mai sẽ cùng bốn vị đến nhà gia chủ.”

Khi ấy, người này theo lời dạy của Tôn giả A-na-luật về thưa lại gia chủ:

“Thưa A-lê[47], nên biết, tôi đã đến Tôn giả A-na-luật, trình đầy đủ theo tôn ý và Tôn giả A-na-luật nói rằng gia chủ cứ an tâm, ngài tự biết thời.”

Tối hôm đó, gia chủ Ma-na-đề-na sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành. Sáng sớm, lại sai người kia đến chỗ Tôn giả A-na-luật thưa đã đến giờ. Người kia liền vâng lời đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, bạch rằng: “Đồ cúng dường đã sửa soạn xong, xin ngài biết thời.”

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đắp y ôm bát cùng với bốn vị đi đến nhà gia chủ. Trong lúc ấy, các thể nữ đang đứng vây quanh gia chủ Ma-na-đề-na, đứng trong cửa bên trái, trông thấy Tôn giả A-na-luật cúi người ôm chân kính lễ, đưa tới chỗ ngồi; mỗi người tự cúi đầu hỏi thăm, rồi ngồi lui qua một bên.

Tô giả A-na-luật hỏi thăm gia chủ:

“Cuộc sống có kham nhẫn, an vui không?”

Gia chủ đáp:

“Vâng, thưa Tôn giả, sống kham nhẫn an vui. Trước đây, con bị bệnh nặng nhưng hôm nay đã bớt rồi.”

Tôn giả A-na-luật hỏi gia chủ:

“Gia chủ sống, trụ tâm thế nào để có thể khiến cho bệnh tật khổ não bớt dần?”

Gia chủ bạch:

“Thưa Tôn giả A-na-luật, con trụ vào bốn Niệm xứ, chuyên tu buộc niệm, nên các thứ bệnh tật khổ đau nơi thân đều được đình chỉ. Những gì là bốn? Sống quán niệm nội thân trên thân, nỗ lực tinh cần, chánh niệm, chánh trí, điều phục tham ưu thế gian; ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nọâi tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm, sống quán niệm nội pháp; ngoại pháp, nội ngoại pháp trên pháp, nỗ lực tinh cần, chánh niệm, chánh trí, điều phục tham ưu thế gian. Như vậy, Tôn giả A-na-luật, con nhờ buộc tâm trụ vào bốn Niệm xứ nên mọi thứ bệnh tật khổ đau nơi thân đều được đình chỉ. Thưa Tôn giả A-na-luật, nhờ trụ tâm được nên mọi thứ tất bệnh khổ đau đều được đình chỉ.”

Tôn giả A-na-luật bảo gia chủ:

“Hôm nay, gia chủ tự ký thuyết quả A-na-hàm.”

Lúc này, gia chủ Ma-na-đề-na mang các thứ đồ ăn thức uống thanh khiết, ngon lành, tự tay cúng dường đầy đủ. Sau khi thọ thực và súc rửa miệng xong, gia chủ Ma-na-đề-na lại ngồi nơi ghế thấp nghe pháp. Tôn giả A-na-luật nói pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1039. THUẦN-ĐÀ[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Kim sư, tại thành Vương xá[49]. Bấy giờ, có gia chủ Thuần-đà[50] đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Lúc này, Thế Tôn hỏi gia chủ Thuần-đà:

“Hiện tại, ông ưa thích tịnh hạnh[51] của những Sa-môn, Bà-la-môn nào?”

Thuần-đà bạch Phật:

“Có Sa-môn, Bà-la-môn thờ phụng nước, thờ Tỳ-thấp-ba Thiên[52], cầm trượng, bình nước, thường rửa sạch tay mình[53]. Vị Chánh sĩ như vậy thường khéo nói pháp rằng: ‘Này thiện nam, vào ngày mười lăm mỗi tháng dùng mạt vụn hồ-ma và am-ma-la để gội tóc, tu hành trai pháp, mặc đồ mới sạch, đeo tràng hoa[54] dài, lụa trắng, nằm lên trên đất trét phân bò. Này thiện nam, sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất và nói như vầy: ‘Đất này trong sạch. Ta cũng sạch như vậy’. Tay cầm cục phân trâu cùng nắm một nắm cỏ tươi, miệng nói: ‘Cái này trong sạch. Ta cũng trong sạch như vậy.’ Nếu ai như vậy thì được thấy là trong sạch. Nếu ai không như vậy, hoàn toàn không trong sạch’. Bạch Thế Tôn, Sa-môn, Bà-la-môn nào, nếu trong sạch như vậy thì đáng cho con kính ngưỡng.”

Phật bảo Thuần-đà:

“Có pháp đen và báo ứng đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gánh nặng chúc xuống. Nếu ai đã thành tựu những pháp ác này, dù cho sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất và nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh. Người này cầm cục phân bò và nắm cỏ tươi nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng không thanh tịnh.

“Này Thuần-đà, thế nào là pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gánh nặng chúc xuống... cho đến chạm hay không chạm, tất cả đều bất tịnh?

“Này Thuần-đà, đối với tất cả chúng sanh cho đến côn trùng cũng không tránh xa sự sát hại, tay thường tanh máu, tâm thường suy nghĩ đến đánh đập, sát hại, không hổ, không thẹn, tham lam, keo kiệt. Đó là nghiệp ác sát sanh.

“Đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người, cũng không xa lìa trộm cắp.

“Đối với những người được bảo hộ của cha mẹ, anh em, chị em, phu chủ, thân tộc cho đến người trao vòng hoa, mà dùng sức cưỡng bức, làm mọi việc tà dâm, không lìa bỏ tà dâm.

“Nói dối không chân thật: Hoặc ở chốn vua quan, các nhà nói chân thật, nơi có nhiều người tụ tập cần lời nói thích đáng, nhưng lại nói lời không thật; không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe; biết nói không biết, không biết nói biết. Vì chính mình, vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà nói dối không chịu lìa bỏ.

“Hoặc nói hai lưỡi chia lìa, đem chuyện chỗ này đến nói chỗ kia, đem chuyện chỗ kia đến nói chỗ này, phá hoại lẫn nhau, làm cho tan rã sự hòa hợp, khiến kẻ ly gián vui mừng.

“Hoặc không lìa bỏ lời nói thô ác, mắng nhiếc. Có những lời nói dịu dàng, êm tai, làm vui lòng, rõ ràng dễ hiểu, lời nói được ưa nghe, được nhiều người yêu mến, hợp ý, tùy thuận tam-muội. Xả bỏ những lời như vậy mà nói lời gắt gao, cộc cằn, bị nhiều người ghét, không ưa, không hợp ý, không tùy thuận tam-muội[55]. Nói những lời như vậy, không lìa bỏ lời nói thô. Đó gọi là ác khẩu.

“Hoặc lời nói bại hoại thêu dệt[56], nói không đúng lúc, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, lời nói thiếu suy nghĩ. Nói những lời bại hoại như vậy.

“Không lìa bỏ tham lam; đối với tài vật người khác khởi tham dục, nói rằng ‘Nếu ta có vật này thì rất tốt’.

“Không xả bỏ sân nhuế tệ ác; trong tâm suy nghĩ, chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết, muốn cho nó khó sống.

“Không bỏ tà kiến; điên đảo thấy như vầy: ‘Không có bố thí, không có quả báo, không có phước, không có điều thiện điều ác, không có nghiệp thiện ác và quả báo, không có đời này, đời khác, không có cha mẹ, không có chúng sanh hóa sanh; thế gian không có A-la-hán, không có các vị chánh hành, chánh hướng[57] mà trong đời này hay đời khác tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó gọi là pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh, quả bất tịnh, gánh nặng chúc xuống... cho đến cầm lấy hay không cầm lấy tất cả đều bất tịnh.

“Này Thuần-đà, có pháp trắng, báo ứng trắng, tịnh và quả tịnh, nhẹ nhàng đi lên. Nếu ai đã tạo thành những thứ này, mà sáng sớm sờ đất, nói cái này tịnh ta tịnh, thì cũng được thanh tịnh, hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh; và cầm cục phân bò cùng nắm cỏ tươi, nếu nhân tịnh quả tịnh thì dù có cầm nắm hay không cầm nắm cũng được thanh tịnh.

“Thuần-đà, thế nào là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh?

“Đó là, có nghĩa là người không sát sanh, lìa bỏ sát sanh, bỏ đao trượng, biết hổ thẹn, thương xót nghĩ đến tất cả chúng sanh. Không trộm cướp, lìa bỏ trộm cướp, vật cho thì lấy, không cho không lấy, tâm sạch không tham. Lìa tà dâm hoặc đối người được cha mẹ bảo hộ,... cho đến người trao vòng hoa đều không cưỡng bức, làm chuyện tà dâm. Lìa nói dối, căn cứ vào sự thật mà nói. Xa lìa nói hai lưỡi, không đi đến chỗ này nói chuyện chỗ kia, đến chỗ kia nói chuyện chỗ này, phá hoại lẫn nhau; đã bị ly gián nên làm hòa hợp, đã hòa hợp nên tùy hỷ. Xa lìa ác khẩu, không thô rắn, những lời nói ra khiến nhiều người ưa thích. Tránh lời nói hư hoại, nói lời chân thật, nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói có ý nghĩa, nói như pháp, nói chánh kiến. Lìa tham dục, đối với của cải, đồ vật người khác không tưởng là của mình mà sanh tham đắm. Lìa sân nhuế, không nghĩ đến việc đánh đập, bắt trói, giết hại, gây các tai nạn. Thành tựu chánh kiến, không thấy điên đảo, nói có bố thí, có quả báo, có phước, có quả báo thiện hạnh, ác hạnh, có đời này, có cha mẹ, có chúng sanh hóa sanh, trong đời có A-la-hán, ngay trong đời này hay đời khác mà hiện tại tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó gọi là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh.”

Sau khi gia chủ Thuần-đà nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ ra về.

KINH 1040. XẢ HÀNH[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Kim sư[59], tại thành Vương xá. Bấy giờ, có Ba-la-môn vào ngày mười lăm, gội đầu, rồi thọ trai pháp, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa trắng[60], tay cầm nắm cỏ tươi đi đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi an úy nhau xong, ngồi lui qua một bên.

Khi đó Phật bảo Bà-la-môn:

“Ông gội đầu, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa trắng, đó là pháp của ai vậy?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, đó là học pháp xả[61].”

Thế Tôn hỏi Bà-la-môn:

“Thế nào là pháp xả của Bà-la-môn?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, cứ vào ngày mười lăm, gội đầu, giữ gìn trai pháp, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa trắng, tay cầm cỏ tươi, tùy khả năng mà bố thí, làm phước. Thưa Cù-đàm, đó gọi là Bà-la-môn tu tập hạnh xả.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Những thực hành về hạnh xả theo pháp luật của Hiền thánh thì khác ở đây.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, vậy sở hành về hạnh xả theo pháp luật của Hiền thánh như thế nào?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Lìa sát sanh, không thích sát sanh. Nói đầy đủ như phần thanh tịnh ở trước. Y nơi sự không sát sanh, lìa bỏ sát sanh... cho đếnnói đầy đủ như phần thanh tịnh ở trước. Lìa trộm cướp, không thích trộm cướp, y nơi sự không trộm cướp, lìa bỏ sự lấy vật không cho. Lìa tà dâm, không thích tà dâm, y nơi sự không tà dâm, bỏ việc phi phạm hạnh. Lìa vọng ngữ, không thích vọng ngữ, y nơi sự không nói dối, xả bỏ lời nói không thật. Lìa hai lưỡi, không thích nói hai lưỡi, y nơi sự không nói hai lưỡi, xả bỏ hành ly gián. Lìa ác khẩu, không thích ác khẩu, y nơi sự không ác khẩu, bỏ lời thô ác. Lìa lời thêu dệt, không thích lời thêu dệt, y nơi sự không nói thêu dệt, bỏ lời vô nghĩa. Đoạn trừ tham dục, xa lìa khổ tham, y tâm không tham, xả bỏ ái trước. Đoạn trừ sân nhuế, không sanh phẫn hận, y không giận, xả bỏ sân hận. Tu tập chánh kiến, không khởi điên đảo, y chánh kiến, xả bỏ tà kiến.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là sở hành về hạnh xả theo Pháp luật của Hiền thánh.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, lành thay! Những sở hành về hạnh xả theo Pháp luật của Hiền thánh.”

Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1041. SANH VĂN[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có Phạm chí Sanh Văn[63] đi đến chỗ Phật, cùng Phật thăm hỏi an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế Tôn, người ấy có nhận được không?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Không phải nhất định được. Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sanh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí với tín tâm. Nếu nó sanh vào súc sanh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông.

“Này Bà-la-môn, trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ[64]. Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Nếu người thân tộc của con không sanh vào trong đường Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín tâm của con bố thí ai sẽ hưởng được?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nếu ông với tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sanh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì có những thân tộc quen biết khác đã sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ đó sẽ được hưởng.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, nếu con vì tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và cũng không có các thân tộc quen biết khác sanh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do lòng tin bố thí đó ai sẽ hưởng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất đạt-thẩn[65].”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thế nào là thí chủ hành thí, để người bố thí được đạt-thẩn kia?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Có người sát sanh, làm những việc ác, tay thường tanh máu,... cho đến mười nghiệp bất thiện, nói đầy đủ như kinh Thuần-đà.Sau lại bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm.

“Này Bà-la-môn, thí chủ kia nếu lại phạm giới sanh trong loài voi, nhưng vì người ấy đã từng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn tiền của, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm, nên tuy ở trong loài voi, nhưng cũng nhận được phước báo nhờ họ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.

“Nếu lại sanh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la v.v... nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên họ ắt sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sanh tương ứng mà được thọ dụng.

“Này Bà-la-môn, nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sanh, trộm cướp,... cho đến chánh kiến và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, nhờ công đức này mà sanh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống... cho đến những vật dụng như đèn đuốc.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu họ lại trì giới, thì sẽ được sanh lên cõi trời, vì họ nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống,... cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là người bố thí hành thí; khi người bố thí thọ nhận đạt-thẩn, quả báo không mất.”

Sau khi Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 1042. BỀ-LA-MA (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian, đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ[66] phía Bắc làng Bề-la-ma[67]. Bấy giờ, các gia chủ làng Bề-la-ma nghe Thế Tôn đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ phía Bắc làng. Nghe vậy, họ cùng rủ nhau đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, vì nhân gì, duyên gì, có những chúng sanh khi mạng chung sanh vào địa ngục?”

Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:

“Vì nhân duyên tạo những hành vi phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, nên khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào địa ngục.”

Các gia chủ Bà-la-môn bạch Phật:

“Những gì là hành vi phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, để đến khi thân hoại mạng chung bị sanh vào địa ngục?”

Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:

“Vì nhân duyên sát sanh... cho đến tà kiến, đủ mười nghiệp bất thiện.

“Này Bà-la-môn, đó là những hành vi phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, nên khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào địa ngục.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Vì những nhân duyên gì mà chúng sanh khi thân hoại mạng chung được sanh lên trời?”

Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:

“Vì nhân duyên đã tạo ra những hành động đúng pháp, hành động chân chánh nên khi thân hoại mạng chung được sanh lên trời.”

Lại hỏi Thế Tôn:

“Tạo những hành động gì đúng pháp, những hành động gì chân chánh để khi thân hoại mạng chung được sanh lên trời?”

Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:

“Là nhân duyên lìa sát sanh... cho đến chánh kiến, mười nghiệp lành thì khi thân hoại mạng chung được sanh lên trời.

“Này các gia chủ Bà-la-môn, nếu người nào có những hành động đúng pháp, hành động chân chánh này, muốn cầu sanh vào nhà quyền quý Sát-lợi, hoặc dòng họ Bà-la-môn uy thế, dòng họ Cư sĩ có tiếng, đều được sanh vào đó. Vì sao? Vì nhân duyên hành động đúng pháp và hành động chân chánh. Hoặc lại muốn sanh vào Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên... cho đến Tha hóa tự tại thiên, đều sẽ được sanh về. Vì sao? Vì hành động đúng pháp và hành động chân chánh, trì tịnh giới nên tự nhiên sẽ đạt được tất cả những gì mình muốn. Hoặc lại có người nào hành động đúng pháp và hành động chân chánh như vậy, mà muốn cầu sanh vào Phạm thiên thì cũng được sanh về. Vì sao? Vì đã tạo hành động đúng pháp và chân chánh, trì giới thanh tịnh, tâm lìa ái dục nên sẽ đạt được những sở nguyện. Hoặc lại muốn cầu sanh về cõi Quang âm, Biến tịnh,... cho đến A-già-ni-tra cũng lại như vậy. Vì sao? Vì người này trì giới thanh tịnh, tâm ly dục. Hoặc lại muốn cầu ly dục, pháp ác bất thiện, có giác, có quán,... cho đến chứng và trụ đệ Tứ thiền, tất cả được thành tựu. Vì sao? Vì người này hành động đúng pháp và chân chánh, trì giới thanh tịnh, tâm ly ái dục, nên thành tựu mọi ước nguyện. Muốn cầu Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không nhập xứ, Thức nhập xứ, Vô sở hữu nhập xứ, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tất cả đều được. Vì sao? Vì hành động đúng pháp và chân chánh, trì giới thanh tịnh, tâm ly ái dục, nên đạt được mọi ước nguyện. Muốn cầu đoạn tận ba kết, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, vô lượng thần thông, thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí, tất cả đều đạt được. Vì sao? Vì hành động đúng pháp và chân chánh, trì giới, ly dục, nên đạt được mọi ước nguyện.”

Sau khi các gia chủ Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi ra về.

KINH 1043. BỀ-LA-MA (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian, đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ phía Bắc làng Bề-la-ma. Bấy giờ, các gia chủ Bà-la-môn trong làng Bề-la-ma nghe Thế Tôn đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ làng Bề-la-ma. Nghe vậy, họ đi xe ngựa trắng, có nhiều tùy tùng theo hai bên, cầm dù lọng cán vàng, bình tắm vàng, ra khỏi làng Bề-la-ma, đến rừng cây Thân-thứ. Đến đầu đường, họ xuống xe đi bộ, tiến vào cửa vườn, đến trước Thế Tôn, thăm hỏi an úy nhau xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, vì nhân gì, duyên gì có người khi mạng chung sanh vào địa ngục,... cho đến sanh lên trời?” Nói đầy đủ như kinh trên.

Sau khi các Bà-la-môn Tỳ-la-ma nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, ra về.

KINH 1044. BỀ-NỮU-ĐA-LA[68]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la du hành trong nhân gian, đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ, phía Bắc làng Bề-nữu-đa-la[69]. Gia chủ Bà-la-môn làng Bề-nữu-đa-la nghe Phật đang nghỉ nơi này; sau đó rủ nhau đến rừng cây Thân-thứ, đến trước Thế Tôn thăm hỏi an úy nhau xong, ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo gia chủ Bà-la-môn:

“Ta sẽ vì ông nói pháp tự thông[70], hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Những gì là pháp tự thông? Thánh đệ tử nên học như vầy: Tôi tự nghĩ, nếu có người muốn giết tôi, điều đó tôi không thích. Cũng như vậy, điều mà nếu tôi không thích người khác cũng không thích. Tại sao lại giết họ? Nhận ra điều này rồi, sẽ thọ trì sự không sát sanh, không thích sát sanh. Chi tiết như trên.

“Nếu tôi không thích bị người trộm cướp, người khác cũng không thích. Vậy tại sao tôi lại trộm cướp đối với người? Cho nên hãy giữ giới không trộm cướp, không thích việc trộm cướp. Nói như trên.

“Tôi đã không thích người xâm phạm đến vợ tôi, người khác cũng không thích. Vậy tại sao nay tôi lại xâm phạm đến vợ người? Cho nên phải giữ giới không tà dâm đối với người. Nói như trên.

“Tôi còn không thích bị người dối gạt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao lại dối gạt người khác? Cho nên, phải giữ giới không nói dối. Nói như trên.

“Tôi còn không thích người khác chia lìa thân hữu tôi, người khác cũng như vậy. Vậy tại sao nay tôi lại chia lìa thân hữu người khác? Cho nên không nói hai lưỡi. Nói như trên.

“Tôi còn không thích người khác nói lời thô ác, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác mà lại mạ nhục? Cho nên đối với người khác không nên nói lời ác khẩu. Nói như trên.

“Tôi còn không thích người nói lời thêu dệt, người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người lại nói lời thêu dệt? Cho nên đối với người khác không nên nói lời thêu dệt. Nói như trên.

“Bảy pháp như vậy gọi là Thánh giới. Lại nữa, thành tựu tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật, thành tựu tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, đối với Tăng. Đó gọi là Thánh đệ tử thành tựu bốn bất hoại tịnh. Tự mình quán sát ngay bây giờ có thể tự ký thuyết, mình không còn vào địa ngục, không còn vào ngạ quỷ, súc sanh và không còn vào tất cả đường ác; đạt được pháp Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường ác, quyết định thẳng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại cõi trời, người, cứu cánh biên tế khổ.”

Sau khi gia chủ Bà-la-môn làng Bề-nữu nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]