Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Nói Kinh Tội Phúc Báo Ứng (1)

04/04/201319:21(Xem: 12984)
Phật Nói Kinh Tội Phúc Báo Ứng (1)

Phật Nói Kinh Tội Phúc Báo Ứng (1)

Việt dịch: Thích Tâm Châu

Nguồn: Hán dịch: Ngài Câu-Na-Bạt-Đa-La

Chính tôi được nghe: (2) một thời kia đức Phật ở trong tinh-xá họ Thích, nước Ca-Duy-La-Vệ (Kapilavastu), cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị Tỳ-Khưu. (3)
Với bản-nguyện cúng trai của các đàn-việt (4) trong tháng chín, nhất thời trọn đủ, đức Phật từ trong Thiền-thất bước ra, đi đến rặng cây của ông Kỳ-đà trong khu vườn của ông Cấp-Cô-Độc (5) nước Xá-Vệ (Sràvasti).
Khi Ngài tới giữa ranh-giới hai nước, chỗ ấy có một cây rất lớn, tên là Ni-Câu-Loại (Nyagrodha) (6). Cây ấy cao một trăm hai mươi dậm (7). Khoảng vuông, tròn của cành, lá cây ấy che rợp chừng sáu mươi dậm. Quả trên cây ấy chừng vài vạn hộc và, những quả này ăn vào mùi thơm, ngọt như mật. Nhất là những quả chín rụng xuống, nhân dân nhặt ăn, mọi bịnh đều khỏi và con mắt tinh sáng.
Bấy giờ, đức Phật ngồi nghỉ dưới gốc cây, các vị Tỳ-Khưu đi hái quả ăn, Đức Phật bảo ông A-Nan: "Ta xem trời, đất, muôn vật đều có túc-duyên cả!". Ông A-Nan nghe đức Phật nói thế, ông liền tới trước, làm lễ Phật, quỳ xuống và bạch Phật rằng: "Lạy Đức Thế-Tôn, Ngài vừa nói về hai chữ "túc-duyên", vậy những gì là túc-duyên? Nay đệ-tử chúng con muốn được nghe về những túc-duyên ấy, kính mong đức Thế-Tôn diễn nói đầy đủ cho chúng con được biết và để khai hóa cho những người chưa được nghe bao giờ".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Quý hóa thay! Quý hóa thay! Các ông muốn nghe những túc-duyên ấy, các ông hãy nhất tâm, lắng nghe cho kỹ!".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Người ta làm phúc cũng ví như cây này. Cây này bản nhiên giống của nó chỉ có một hạt, dần dần lớn lên, hái quả vô hạn. Hiện nay những người hào-quý như Quốc-vương, Trưởng-giả, là từ trong chỗ chăm lễ Phật, thừa-sự Tam-Bảo (8) trước đây mà được. Hiện nay những người đại-phú, của cải vô hạn, là từ trong chỗ chăm làm hạnh bố-thí trước đây mà được. Hiện nay những người trường thọ, không có tật bệnh, thân thể cường tráng, là từ trong chỗ chăm làm hạnh trì-giới trước đây mà được. Hiện nay những người đoan chính, nhan sắc tốt đẹp, dáng-dấp sáng-sủa đệ nhất, thân thể mềm-mại, hơi miệng thơm sạch, người ta trông thấy tư-dung, không ai là không hoan-hỷ, trông không chán mắt, là từ trong chỗ chăm làm hạnh nhẫn-nhục trước đây mà được. Hiện nay những người tu tập, không hay trễ biếng, ham làm phúc-đức, là từ trong chỗ chăm làm hạnh tinh-tiến trước đây mà được. Hiện nay những người an-nhàn, thư-thái, lời nói, việc làm xét thực, là từ trong chỗ chăm làm hạnh thiền-định trước đây mà được. Hiện nay những người tài năng minh-mẫn, hiểu thấu pháp sâu xa, tán-thán nghĩa nhiệm-mầu, khai-ngộ người tối tăm; người ta nghe thấy lời nói của họ, không ai là không thăm hỏi, tín-thụ, tuyên-truyền và tin dùng như trân-bảo, là từ trong chỗ chăm tu hạnh trí-tuệ mà được. Hiện nay những người giọng tiếng trong trẻo, là từ trong chỗ ca-vịnh công-đức Tam-Bảo trước đây mà được. Hiện nay những người trong sạch không có tật bệnh, là từ trong chỗ từ-tâm trước đây mà được..."
Khi ấy, ông A-Nan bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn, thế nào gọi là từ-tâm?"
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Một là có tâm hiền lành đối với chúng-sinh như mẹ yêu con. Hai là, có tâm thương xót thế gian, muốn cho họ có ý-niệm về đạo giải-thoát. Ba là, tâm thường hoan-hỷ. Bốn là, tâm thường thường hộ-niệm hết thảy, để cho hết thảy không bị vi-phạm. Thế là từ-tâm."
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Những người được thân hình to lớn, là trước đây có lòng cung kính người. Những người bị thân hình nhỏ bé, là trước đây hay khinh-mạn người. Những người bị thân hình xấu xa là trước đây hay giận tức với người. Những người sinh ra không biết gì, là trước đây không có học-vấn. Những người ngu-đặc, là trước đây không hay dạy bảo người. Những người câm-ngọng, là trước đây hay báng-hủy người. Những người mù-lòa, là trước đây không hay nghe theo kinh-pháp. Những người làm tôi tớ, là trước đây còn mang nợ chưa trả. Những người ty-tiện là trước đây không lễ kính Tam-Bảo. Những người đen xấu, là trước đây làm che ánh-sáng của Phật. Những người sinh trong cõi nước khỏa-thân, là trước đây hay mặc áo mỏng, xốc-xếch, đường-đột vào trong chùa, tháp, tinh-xá. Những người sinh trong nước có phong-tục bó chân như móng ngựa, là trước đây hay đi giầy, guốc vào trước Phật. Những người sinh trong nước có phong-tục xuyên ngực, là trước đây tuy bố-thí làm phúc nhưng còn có tâm hối-tiếc. Những sinh vật sinh trong loài chương, loài hươu, loài nghê, loài hoẵng... là trước đây hay sợ hãi người. Những sinh-vật sinh-đọa trong loài rồng, là trước đây hay đùa cợt người. Những người thân thể mọc những ung-thư ác-độc, điều trị khó khỏi, là trước đây hay đánh đập chúng sinh. Những người mà người ta trông thấy hoan-hỷ, là đời trước trông thấy người ta có lòng hoan-hỷ. Những người mà người ta trông thấy không hoan-hỷ, là đời trước trông thấy người ta không có lòng hoan-hỷ. Những người bị Huyện-quan gông xiềng thân thể, giam giữ trong lao-ngục, là đời trước làm người hay nhốt, trói chúng-sinh, khiến chúng-sinh không được theo ý tự-do của mình. Những người bị sứt môi, là đời trước hay câu cá, làm cá sứt môi. Và, những người nghe thấy những lời nói tốt lành, tâm không muốn nghe, lại trong lời nói đó, phải nói ra trái, làm loạn tâm những người ham nghe và tín-thụ kinh-pháp, người ấy sau phải đọa-sinh vào trong loài chó vểnh tai".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Trên đời này có những người ngu-si, nghe những lời thuyết-pháp, tâm không chịu ghi nhận, sau sẽ phải đọa-sinh vào trong loài lừa, ngựa tai dài. Những người sẻn-so, tham ăn một mình, sau phải đọa sinh vào trong loài quỷ đói và nếu sau sinh làm người, bị nghèo cùng đói thiếu, áo không che kín mình, ăn không đủ cung miệng. Những người, mình tự ăn thức ngon, cho người thức ăn dở, sau sẽ đọa-sinh vào trong loài lợn, chó, bọ-hung. Những ai hay cướp đoạt súc-vật người, sau sẽ phải đọa-sinh vào trong loài dê, bị lột sống da dẻ, đền trả nợ trước. Những ai hay sát sinh, sau sẽ đọa-sinh làm con trùng phù-du trên mặt nước, sáng sinh chiều chết. Những ai hay ăn trộm tài-vật của người, sau phải đọa-sinh vào trong hàng tôi tớ, trâu, ngựa, đền trả nợ trước. Những người hay gian-dâm vợ, hay con gái người, khi chết vào địa-ngục, con trai phải ôm cột đồng, con gái phải nằm giường sắt, đến khi ở trong địa-ngục ra, thường sinh vào nơi hạ-tiện và phải đọa-sinh vào trong loài gà, vịt. Những người hay nói dối, tuyên-truyền những việc không hay của người, khi chết vào trong địa-ngục, phải bị nước đồng nóng rót vào miệng, kéo căng lưỡi ra, bắt trâu cầy lên trên, đến khi ra, phải đọa-sinh vào trong loài chim cú, vọ, người ta nghe thấy tiếng kêu, không ai là không kinh sợ và đều nói là biến-quái, nguyền-rủa cho chết. Những người hay uống rượu say, phạm vào ba mươi sáu lỗi (9), chết đi phải đọa vào ngục Phí-Thỉ (nước phân sôi), khi ra, sinh đọa vào trong loài đười-ươi; sau trở lại làm người, ngu-si, sống đời sống không biết chi cả, vợ chồng không hòa thuận nhau, hay cãi-cọ nhau, hay đánh đuổi nhau (ly-dị) và sau khi chết đi lại đọa-sinh vào trong loài chim cưu, chim cáp. Những người hay tham-lam sức lực của người khác, sau phải đọa-sinh vào trong loài voi."
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Những người đứng đầu Châu, Quận, thụ tước-lộc quan-trường, hoặc bắt những người vô tội, hoặc lấn-lút của nhân-dân, biên tên lùng bắt, trăng-trói, dùng doi gậy đánh đập, cưỡng-bức người dân đem đi, và tố cáo những chuyện không đâu, rồi đem gông-xiềng, giam giữ, khiến người dân không được khoan-khoái, thảnh-thơi, những viên-chức đó sau phải đọa vào địa-ngục, thân bị đau khổ vài nghìn ức năm, hết tội được ra, lại phải đọa vào trong loài thủy-ngưu (trâu nước), xuyên thủng lỗ mũi, kéo thuyền, kéo xe, doi-gậy đánh-đập, đền trả tội trước".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Những người không được trong sạch, là từ trong kiếp lợn mà tới. Những người sẻn-so, tham-lam không được trong sạch, ngay thẳng, là từ trong kiếp chó mà tới. Những người cương-cường, tự-dụng tàn-bạo, là từ trong kiếp dê mà tới. Những người có những hơi hôi-tanh, là từ trong kiếp cá, kiếp ba-ba mà tới. Những người hung-ác, mang tâm độc-địa khó hiểu, là từ trong kiếp trăn, kiếp rắn mà tới. Những người ưa ăn thức ngon, hay sát hại chúng-sinh, không có từ-tâm, là từ trong kiếp chó sói, hùm beo, con chồn, chim ưng mà tới. Những người bị chết non, bào-thai bị thương-trụy, đời sống không được bao nhiêu, mệnh đà mất sớm, phải sa-đọa vào ba đường (10) vài nghìn muôn kiếp, đức Phật dạy rằng: những hạng người ấy đời trước làm người hay đi săn bắn, đốt cháy núi rừng, tìm tổ, đập trứng, chăng lưới bắt cá, sát hại hết thảy chúng-sinh.
"Ôi! Ham muốn da thịt chúng-sinh, để mình ăn uống, mà thường phải chịu báo đoản-mệnh, đời này đời khác, kiếp này, kiếp khác chịu báo không có kỳ hẹn thoát khỏi, vậy nên phải cẩn thận, nên phải cẩn thận! Thực đau xót không thể nói sao xiết được!"
Đức Phật lại bảo ông A-Nan: "Phàm làm công-đức gì, đều ứng vào nơi mình. Thắp hương, họp phúc, tụng kinh, hành đạo không nên mướn người; chú-nguyện hư-dối, như mướn người ăn hộ, mình có no đâu mà không khỏi đói? Thắp hương mới mẻ, trong sạch, tưởng như tâm-hương, thu-nghiếp hết thảy tưởng vào nơi nhất tâm, không còn tạp-tưởng, cùng thắp đèn sáng mãi không lúc nào tắt, sẽ chứng được ba đạt-trí (11), không trở ngại gì. Thắp hương, cúng trai, đọc kinh, cúng dàng đồ vật là pháp thường làm, lại bố-thí nữa, sẽ được phúc, chư Thiên tiếp đãi, muôn ác đều lui, mọi ma trừ sạch, không dám đương đầu. Những người biếng-nhác, trong khi được sự yên ổn hòa đôi không có tâm tinh-tiến, một mai đau yếu, hay có điều gì không thuận-lợi, tốt lành, khi ấy mới muốn thắp hương cầu khẩn và cho đó là làm phúc, như thế thời chư Thiên chưa giáng, mọi ma đã tới tranh nhau xúc-nhiễu, làm mọi sự biến đổi, quái gở. Bởi những lẽ ấy, mọi người thường nên tinh-tiến! Tội, phúc theo mình, như bóng theo hình. Gieo trồng cội phúc, cũng như cây Ni-Câu-Loại này, vốn chỉ một hạt mà hái quả vô hạn. Bố-thí một phần, được gấp muôn phần. Đấy là lời Ta nói thực, không chút dối-trá!"
Bấy giờ, đức Phật nói bài tụng rằng:
Hiền-giả hay bố-thí,
Thiên-thần tự giúp-đỡ;
Cho một được gấp muôn,
Yên vui và sống lâu
Ngày nay bố-thí nhiều,
Phúc ấy không thể lường;
Đều sẽ thành Phật-đạo,
Độ thoát khắp mười phương.
Nhân-duyên hội-hợp chỉ nên thân:
Năm giới (12), mười thiện (13), trừ bỏ giận.
Không mong người hứa, tự làm thân,
Vinh-lạc thế-gian, như mây nổi.
Vòng-quanh năm đường như bánh xe,
Kể gì thọ-mệnh, tiếc vàng bạc.
Trời đất còn hoại, lọ thân mình,
Vâng giữ giới kinh, là rất quý.
Đừng tham tài sắc..., nhục, lầm người
Chúng-sinh ba cõi (14) như đàn dê;
Đi, lại năm đường thân tan-tác,
Mệnh nhanh, nước chảy có thường đâu.
Làm ác rất chóng, chịu tội lâu,
Đọa vào địa-ngục vạc dầu nóng.
Ngăn lòng, bền ý, xa tai-vạ,
... Phạm tội vào trong, khổ khó chịu!
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Người đời không có trí-tuệ, nên phải sinh-tử luân-hồi. Vì nhục-nhãn (mắt thịt) nên không biết tội, phúc. Nay Ta dùng đạo-nhãn (mắt đạo) trông thấy sự báo-ứng của tội và phúc từ vô số kiếp cho tới thân này, rõ như xem hạt ngọc lưu-ly trong bàn tay, sáng-suốt tất cả trong, ngoài, không còn chút ý-tưởng ngờ-vực nào nữa!"
Đến đây, ông A-Nan liền chỉnh y-phục, tới trước đức Phật, làm lễ Phật mà bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế-Tôn, đức Thế-Tôn đã diễn nói cho chúng con nghe kinh này, nhưng kinh này nên gọi là kinh gì?".
Đức Phật bảo ông A-Nan: "Kinh này gọi là kinh Luân-Chuyển Ngũ Đạo và cũng gọi là kinh Tội-Phúc Báo-Ứng. Nếu có thiện-nam, thiện-nữ nào đọc tụng, tuyên-truyền kinh này được công-đức vô-lượng, sau này sẽ được trông thấy, được lễ-bái, phụng-sự, cúng-dàng hàng nghìn đức Phật trong đời Hiền-kiếp (15) không bị sa vào tám nạn (16), ba đường và sẽ chứng được Giới, Định, Tuệ".
Đức Phật nói kinh này rồi, năm trăm vị Tỳ-Khưu, lậu-nghiệp (phiền-não) sạch hết, tâm ý mở tỏ; bảy trăm vị Tỳ-Khưu-Ni, được đạo Tu-Đà-Hàm (17); tám trăm vị La-Hán (18), chứng được đạo Bồ-Tát (19); chư Thiên, Long-thần, cùng một vạn hai nghìn người Thanh-tín-sĩ (thiện-nam), sáu nghìn người Thanh tín-nữ (thiện-nữ) tụ-tập dưới gốc cây khi ấy, đều được bước vào dấu-tích của Đạo và các vị Tỳ-Khưu, Tỳ-Khưu-Ni, Ưu-bà-Tắc (20), Ưu-bà-Di (21) đều chứng được đạo-quả A-Na-Hàm. (22)
Thiên, Long, Quỷ-Thần, thế-gian nhân-dân nghe đức Phật thuyết pháp mầu-nhiệm này, ai ai cũng đều nói rằng: "Quý-hóa lắm!". Và, tức thời khởi thân làm lễ Phật, nhiễu Phật ba vòng, vui mừng lui ra.



Chú-thích:


(1) Phật (Buddha) là danh từ chung, chỉ cho những ai có khả năng giác-ngộ hoàn-toàn về ba phương-diện: tự-giác, giác-tha và giác-hạnh viên-mãn. Vị giác-ngộ hiện-tại là đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni (Sàkya Muni). Tục-danh là Sĩ-Đạt-Ta (Siddharthà). Ngài là con vua Tịnh-Phạn (Suddodana) con Hoàng-Hậu Ma-Gia (Maya), nước Ca-Duy-La-Vệ (Kapilavastu) thuộc Trung-Ấn-Độ. Ngài sinh sáng sớm ngày rằm tháng tư âm-lịch, cách đây (1957) 2581 năm Ngài đi xuất-gia năm 29 tuổi; 35 tuổi thành đạo; thuyết pháp 45 năm, đến năm 80 tuổi Ngài nhập Niết-bàn tại rừng Sa-La song-thụ. Trong kinh có hai chữ "Phật nói", là chỉ vào đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni nói ra. Như kinh này là do chính đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni, hợp cơ-duyên mà nói ra. Kinh này là một cuốn kinh số 747 trong Đại-Tạng-kinh. Kinh này gọi đủ là: Kinh Luân-Chuyển Ngũ Đạo, Tội Phúc Báo Ứng. Nay rút đề ngắn lại là "Tội phúc báo-ứng".
Kinh này đức Phật nói rõ nguyên-nhân làm tội, làm phúc (làm ác, làm thiện) của chúng-sinh và chúng-sinh sẽ phải chịu hay được hưởng quả báo xấu, tốt, thích ứng với nguyên-nhân ấy mà đi, lại, lên, xuống loanh quanh (luân-chuyển) trong năm đường (ngũ đạo): Địa-ngục, ngã-quỷ, súc-sinh, người và trời.
(2) Chính tôi được nghe: Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn ít lâu, các vị Đại Đức Tăng nhóm họp, tụng lại lời Phật dạy. Ngài A-Nan được đề-cử tụng Kinh-tạng, nên đầu mỗi kinh đều có ghi câu "Chính tôi được nghe", là lời tự-xưng của Ngài A-Nan, để chứng-tín.
(3) Tỳ-Khưu (Bhiksu): Tàu dịch là "Khất-sĩ". Nghĩa là người tu-hành, trên cầu đạo của chư Phật để tu-tỉnh, dưới đi xin ăn nơi quần-chúng để tiện hóa-độ. Tỳ-Khưu có hai phái. Phái nam gọi là Tỳ-Khưu giữ 250 giới. Phái nữ gọi là Tỳ-Khưu-Ni (Bhiksuni), giữ 350 giới và 8 điều cung-kính chư Tăng.
(4) Đàn-việt (Dànapati): Tức là thí-chủ. Người thí-chủ có tâm chân-thực và bình-đẳng bố-thí, nhờ công-đức ấy sẽ vượt qua được bể khổ bần cùng.
(5) Cây của ông Kỳ-Đà và vườn của ông Cấp-Cô-Độc: Ông Cấp-Cô-Độc (Anàtapindika) chính tên là Tu-Đạt-Đa (Sudatta), người nước Xá-Vệ (Sràvasti), vì ông hay cứu giúp những người cô-độc, nên người đương thời tặng cho ông cái tên hiệu ấy. Khi ông gặp Phật và nghe pháp ở nước Ma-Yết-Đà, ông liền thỉnh Phật về nước nhà thuyết pháp, độ sinh. Để có nơi đức Phật và chúng Tăng cư-trụ, ông phải mua đất của Thái-Tử Kỳ-Đà (Jeta) với một giá rất đắt là phải lát vàng kín mặt đất. Ông Cấp-Cô-Độc phát tâm làm y theo lời của ông Kỳ-Đà nói, chở vàng lát kín đất và sau đó cất tinh-xá cúng-dàng. Còn các cây do ông Kỳ-Đà phát tâm cúng. Vì vậy, khi đức Phật tới nơi này, Ngài bảo ông A-Nan: "Đất vườn này do ông Cấp-Cô-Độc mua cúng, rừng cây này do ông Kỳ-Đà cúng. Hai người đồng tâm hưng-sùng công-đức, từ nay về sau nên gọi chốn này là cây của ông Kỳ-Đà và vườn của ông Cấp-Cô-Độc.
(6) Ni-Câu-Loại (Nyagrodha): Tàu dịch là Vô-tiết.
(7) Dậm: Mỗi dậm dài 576 thước Tây.
(8) Tam-Bảo: Ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.
(9) Uống rượu phạm 36 lỗi: Kinh Thiện Ác Sở Khởi nói: Người uống rượu say, phạm vào 36 lỗi: 1) Của cải tan mất. 2) Hiện nhiều tật-bệnh. 3) Hay sinh đấu tranh. 4) Tăng thêm sự sát-hại. 5) Tăng thêm sự giận bực. 6) Nhiều sự không được vừa ý. 7) Trí-tuệ kém dần. 8) Phúc-đức không thêm được. 9) Phúc-đức dần bớt đi. 10) Hay tiết-lộ sự bí-mật. 11) Sự-nghiệp không thành. 12) Tăng thêm lo buồn. 13) Mọi căn (giác quan) tối tăm. 14) Hủy-nhục cả cha mẹ. 15) Không kính bậc Sa-Môn. 16) Không tin đạo Bà-La-Môn. 17) Không kính Phật. 18) Không kính Phật-pháp và Tăng. 19) Hay thân với bạn ác. 20) Hay xa bạn lành. 21) Bỏ cả ăn uống. 22) Thân hình không kín-đáo. 23) Dâm dục kích-thích nhiều. 24) Nhiều người không ưa. 25) Nói cười lảm-nhảm. 26) Cha mẹ không vui. 27) Họ-hàng ghét bỏ. 28) Cố giữ những pháp phi-pháp. 29) Lảng xa chính-pháp. 30) Không kính bậc hiền-thiện. 31) Vi-phạm lỗi-lầm. 32) Lảng xa đạo Niết-bàn. 33) Càng thêm điên cuồng. 34) Thân tâm tán loạn. 35) Buông-lung làm ác. 36) Thân tan mệnh mất, sa-đọa vào đại-địa-ngục, chịu khổ sở vô cùng.
(10) Ba đạt-trí: 1) Thiên-nhãn. 2) Túc-mệnh. 3) Lậu-tận. Ở ngôi Phật thời gọi là "Đạt". Ở ngôi La-Hán thời gọi là "Minh".
(11) Năm giới: 1) Không sát sinh. 2) Không trộm cắp. 3) Không tà-dâm. 4) Không nói dối. 5) Không uống rượu.
(12) Mười điều thiện: Không sát sinh. Không trộm cắp. Không tà-dâm. Không nói dối. Không nói lưỡi đôi chiều. Không nói ác-khẩu. Không nói thêu-dệt. Không tham muốn. Không giận-bực. Không si-mê.
(13) Ba cõi: Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc.
(14) Hiền-kiếp: (Bhadrakalpa): Phật-học chia thời gian của kiếp Trụ làm 3: quá khứ, hiện tại và vị-lai. Kiếp Trụ của quá khứ gọi là Trang-Nghiêm-kiếp. Kiếp Trụ của vị lai gọi là Tinh-Tú-kiếp. Và, kiếp Trụ của hiện tại gọi là Hiền-kiếp. Được gọi là Hiền-kiếp vì trong kiếp này có một nghìn đức Phật xuất thế độ sinh.
(15) Tám-nạn: Đây là nói tám chỗ chướng ngại cho sự thấy Phật, nghe pháp: 1) Nơi địa-ngục. 2) Nơi ngã-quỷ. 3) Nơi súc-sinh. 4) Nơi châu Uất-Đan-Việt thuộc phương Bắc núi Tu-Di (cũng gọi là Bắc-Câu-Lư-Châu) có nhiều sự vui vẻ. 5) Nơi cõi trời Trường-thọ (tức là cõi Sắc, cõi Vô-Sắc) hưởng nhiều sự sống lâu, an-ổn. 6) Những người mù, lòa, câm, ngọng. 7) Những người biện-thông về trí-tuệ thế-gian. 8) Những người sinh trước hay sinh sau thời Phật ra đời.
(16) Tu-Đà-Hoàn (Srotàpanna-phala): Quả thứ nhất trong bốn quả của bậc Thanh-Văn. Tàu dịch là: Nhập lưu, Nghịch lưu, Dự lưu. Đều có nghĩa là vị tu-hành đã đi ngược dòng sinh tử, phàm phu, mà đã được dự vào dòng Thánh-đạo.
(17) La-Hán (Arahat): Quả vị thứ tư trong bốn quả của bậc Thanh-Văn. A-La-Hán Tàu dịch là Bất-sinh (cũng có chỗ gọi là Vô-sinh). Nghĩa là quả-báo trong một đời diệt tận, được vào Niết-bàn mãi mãi, không phải tái sinh trong ba cõi.
(18) Bồ-Tát (Bodhisattva): Gọi đủ là Bồ-đề-tát-đỏa. Tàu dịch là Giác-hữu-tình. Nghĩa là những vị phát đại tâm, vì chúng-sinh cầu đạo vô-thượng và luôn luôn giác-ngộ chúng-sinh thành vô-thượng-đạo.
(19) Ưu-Bà-Tắc (Upàsaka): Có chỗ phiên âm là Ô-Ba-Sách-Ca. Tàu dịch là Thanh-tín-sĩ hay là Cận-sự-nam, nhưng đều có nghĩa là người đàn ông đã quy y Tam-Bảo thụ-trì năm giới, luôn luôn thân cận và phụng sự Tam-Bảo.
(20) Ưu-Bà-Di (Upàsikà): Có chỗ phiên-âm là Ô-Ba-Tư-Ca, Tàu dịch là Thanh-tín-nữ, Cận-sự-nữ, nhưng đều có nghĩa là người đàn bà đã quy-y Tam-bảo, thụ-trì năm giới, luôn luôn thân cận và phụng-sự Tam-Bảo.
(21) A-Na-Hàm: (Angàmi) Quả vị thứ ba trong bốn quả của bậc Thanh-Văn. A-Na-Hàm tàu dịch là Bất-Lai hay Bất-Hoàn. Nghĩa là vị tu-hành đã diệt hết hoặc-nghiệp cõi Dục, không phải trở lại lần nữa. Sau chỉ phải sinh lên cõi Sắc, cõi Vô-Sắc mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]