Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 26 (664 - 674)

08/05/201317:30(Xem: 14544)
Tạp A-hàm quyển 26 (664 - 674)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 26 (664 - 674)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 664. TAM LỰC (1)[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba thứ lực. Những gì là ba? Đó là lực Tín, lực Tinh tấn, lực Tuệ. Lại có ba lực. Những gì là ba? Đó là lực Tín, lực Niệm, lực Tuệ. Lại có ba lực. Những gì là ba? Đó là lực Tín, lực Định, lực Tuệ.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 665. TAM LỰC (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba lực; đó là lực Tín, lực Tinh tấn, lực Tuệ. Như vậy Tỳ-kheo phải học như vầy: ‘Ta phải thành tựu lực Tín, lực Tinh tấn, lực Tuệ.’”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 666. TAM LỰC (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba lực: lực Tín, lực Niệm, lực Tuệ. Lực Tín là thế nào? Thánh đệ tử, đối với Như Lai, đã thâm nhập tịnh tín, căn bản vững chắc, không có chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng những kẻ đồng pháp nào có thể phá hoại được. Đó gọi là lực Tín. Lực Tinh tấn là những gì? Là bốn Chánh đoạn. Lực Tuệ là những gì? Là bốn Thánh đế.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 667. TỨ LỰC (1)[47]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn lực. Những gì là bốn? Lực Tín, lực Tinh tấn, lực Niệm, lực Tuệ. Lại có bốn lực: lực Tín, lực Niệm, lực Định, lực Tuệ. Lại có bốn lực: lực Giác, lực Tinh tấn, lực Vô tội, lực Nhiếp.”

Ba lực của những kinh này cũng nói như trên, nhưng chỉ có một vài sai biệt:

“Lực Giác là thế nào? Biết như thật, đối với pháp thiện, bất thiện; biết như thật là có tội, không tội; đáng thân cận[48], không thân cận; pháp thấp kém, pháp thắng diệu; pháp đen, pháp trắng; pháp có phân biệt, pháp không phân biệt; pháp duyên khởi, pháp phi duyên khởi. Đó gọi là lực Giác. Lực Tinh tấn là những gì? Là bốn Chánh đoạn như đã nói đầy đủ ở trước. Lực không tội là thế nào? Là thân, miệng, ý không tạo tội; đó gọi là lực không tội. Lực Nhiếp là những gì? Là bốn nhiếp sự. Đó là Huệ thí, Ái ngữ, Hành lợi, Đồng lợi.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 668. TỨ NHIẾP SỰ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt.

“Bố thí tối thắng, đó là pháp thí. Ái ngữ tối thắng, là khiến thiện nam tử thích nghe, nói pháp đúng lúc. Hành lợi[49] tối thắng là đối với người không có tín khiến có tín, xác lập trên tín; đối với người học giới thì xác lập bằng tịnh giới; đối với người bỏn sẻn thì bằng bố thí; đối với người ác trí tuệ thì bằng chánh trí mà xác lập. Đồng lợi[50] tối thắng là, A-la-hán thì trao cho quả A-la-hán[51]. A-na-hàm thì trao cho A-na-hàm. Tư-đà-hàm thì trao cho Tư-đà-hàm. Tu-đà-hoàn thì trao cho Tu-đà-hoàn. Người Tịnh giới thì trao người khác bằng Tịnh giới.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 669. NHIẾP[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt.

“Nếu như có pháp nào để nhiếp thủ đại chúng thì tất cả đều ở trong Bốn nhiếp sự. Hoặc một nhiếp thủ là bố thí, hoặc một nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một nhiếp thủ là đồng lợi. Ở trong thời quá khứ, những pháp nào đã nhiếp thủ đại chúng trong thời quá khứ cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Những pháp nào sẽ nhiếp thủ đại chúng trong thời vị lai cũng không ngoài bốn nhiếp sự. Hoặc một pháp nhiếp thủ là bố thí, hoặc một pháp nhiếp thủ là ái ngữ, hoặc một pháp nhiếp thủ là hành lợi, hoặc một pháp nhiếp thủ là đồng lợi.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Bố thí cùng ái ngữ,
Hoặc hành vi hành lợi,
Đồng lợi các hành vi,
Mỗi tùy chỗ thích hợp.
Nhờ đây nhiếp thế gian,
Như xe lăn nhờ gang[53].
Đời không Bốn nhiếp sự,
Quên ơn mẹ nuôi con.
Cũng không tôn trọng cha,
Không khiêm tốn phụng sự.
Vì có bốn nhiếp sự,
Và tùy thuận pháp này.
Cho nên có Đại sĩ,
Đức trùm cả thế gian[54].

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 670. TỨ LỰC (2)[55]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có Bốn lực. Những gì là bốn? Đó là lực Giác, lực Tinh tấn, lực Vô tội, lực Nhiếp, như trên đã nói. Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu được bốn lực này, thì tránh xa được năm sự sợ hãi. Những gì là năm? Sợ không sống, sợ tiếng xấu, sợ giữa đám đông, sợ chết, sợ đường ác. Đó gọi là năm sự sợ hãi.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 671. TỨ LỰC (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt.

“Thánh đệ tử thành tựu Bốn lực này, phải học như vầy: ‘Ta chẳng sợ không sống. Vì lý do gì mà ta phải sợ không sống? Nếu ai mà thân hành hạnh bất tịnh, miệng hành hạnh bất tịnh, ý hành hạnh bất tịnh, làm các việc tà tham, bất tín, biếng nhác, không tinh tấn, mất niệm, không định, ác tuệ, keo lẫn không nhiếp thủ; thì kẻ đó đáng sợ không sống. Ta có bốn lực, đó là Giác lực, Tinh tấn lực, Vô tội lực, Nhiếp lực. Vì đã thành tựu bốn lực này, nên chẳng nên sợ. Như sợ không sống, cũng vậy sợ tiếng xấu, sợ ở giữa đám đông, sợ chết, sợ đường ác cũng nói như trên’...”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 672. TỨ LỰC (4)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn lực; đó là Giác lực, Tinh tấn lực, Vô tội lực, Nhiếp lực. Giác lực là thế nào? Là chỉ cho tuệ, đại tuệ, thâm tuệ, nan thắng tuệ; đó gọi là giác lực. Tinh tấn lực là thế nào? Là xa lìa đối với pháp bất thiện, số bất thiện[56]; pháp đen, số đen; pháp có tội, số có tội, pháp không nên thân cận, số không nên thân cận. Sau khi tránh xa các pháp này rồi, nếu đối với các pháp thiện, số thiện; pháp trắng, số trắng, pháp vô tội, số vô tội, pháp nên thân cận, số nên thân cận, những pháp như vậy mà tu tập, tăng thượng tinh cần, nỗ lực phương tiện, kham năng, chánh niệm, chánh trí; đó gọi là Tinh tấn lực. Còn vô tội lực, nhiếp lực như kinh trên đã nói.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 673. NGŨ LỰC[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có năm Lực. Những gì là năm? Đó là Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 674. NGŨ LỰC ĐƯƠNG THÀNH TỰU

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt.

“Các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Ta nên nỗ lực tinh tấn, thành tựu Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực, Tuệ lực.”

Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]