Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 6

04/04/201319:14(Xem: 6952)
Quyển 6
Văn Học Phật Giáo Việt Nam - Tập 1

Quyển 6

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Nguồn: Tiến sĩ Lê Mạnh Thát


TINH TẤN VƯỢT BỜ

Tính tấn vượt bờ là thế nào? Chuyên nhớ đạo mầu, tiến đến không biếng, đi đứng nằm ngồi thở nín không rời, mắt phảng phất luôn thấy bóng linh chư Phật biến hóa đứng trước mặt mình. Tai nghe tiếng thì luôn nghe tiếng đức chân chính dạy bảo. Mũi ngửi hương đạo, miệng nói lời đạo, tay làm việc đạo, chân đi nhà đạo, không bỏ chí ấy trong từng hơi thở. Lo thương chúng sinh đêm dài biển sôi, trôi nổi luân chuyển, độc thêm không cứu. Bồ tát lo buồn như con chí hiếu mất cha mẹ. Nếu như con đường cứu chúng sinh mà phía trước có khó khăn nước sôi lửa bỏng, có thuốc độc đao gươm làm hại vẫn lăn mình chịu nguy tính mệnh, vui vẻ cứu người tai nạn, chỉ mong vượt khỏi sáu đường tăm tối, đến được vinh hoa.

55
Xưa có Bồ tát lúc làm người phàm, nghe được tên hiệu, tướng tốt và đạo lực của Phật, công đức vòi vọi, chư Thiên cùng tôn. Người theo cao hạnh, các khổ đều diệt. Bồ tát nhớ tưởng, than khóc không yên, nói: "Ta làm sao được xem đọc kinh điển của bậc Thầy trời người chấp hành cho đến khi thành Phật, để chữa bệnh chúng sinh, khiến quay về với gốc tịnh đây".

Bấy giờ Phật đã qua đời, không có chúng tỳ kheo, không do đâu mà được nghe nhận. Hàng xóm có người phàm, tính tình tham tàn, thấy chí Bồ tát tinh tấn sắc bén, nói: "Ta biết một bài ba giới của Phật, ngươi muốn vâng thọ không?" Bồ tát nghe nói, lòng mừng vô hạn, đảnh lễ dưới chân, quì xuống xin nghe giới. Người biết kệ nói: "Đây là giáo lý tinh yếu của đấng Vô Thượng Chính Chân Tối Chính Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư. Ngươi muốn nghe suông, há được vậy sao?". Bồ tát đáp: "Xin hỏi cách thức, nghĩa nó thế nào?" Người ấy nói: "Nếu ngươi thật thành khẩn thì lông mình mỗi lỗ một kim chích vào, máu chảy thân đau, lòng không hối hận thì giáo pháp tôn quí mới có thể nghe được". Bồ tát đáp: "Nghe Phật mà chết, tôi cũng vui làm, huống gì chích mình mà vẫn còn sống sao?" Liền đi chợ mua kim, tự chích vào mình, máu chảy như suối. Bồ tát vui vẻ nghe pháp, được định (không đau). Trời Đế Thích thấy Bồ tát chí sắc, thương xót cho người, hóa khiến cả thân, mỗi lỗ chân lông có một cây kim. Người kia thấy vậy, biết có chí cao, liền dạy giới pháp nói: "Gìn miệng giữ lòng. Thân đừng phạm ác. Trừ ba hạnh ấy. Được đưng hiền độ. Đấy là giới các đức Như Lai Vô Sở Trước Chính Chân Tối Chính Giác chân thực nói ra". Bồ tát nghe giới, vui vẻ cúi đầu, nhìn lại kim trên mình bỗng nhiên không thấy nữa. Mặt mày rực rỡ, khí lực hơn trước. Trời người quỉ rồng, không ai là không ca ngợi. Bồ tát chí tiến hạnh cao từ đầu tới sau, cho đến thành Phật cứu vớt chúng sinh.

Phật bảo các Tỳ kheo: "Người trao kệ cho Bồ tát nay là Điều Đạt. Điều Đạt tuy trước biết kệ của Phật nhưng như người mù cầm đèn rọi mà mình không sáng thì có ích gì cho mình?".

Chí sắc vô bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


56
Xưa Bồ tát làm vua loài vượn, thường theo năm trăm con vượn đi chơi. Bấy giờ trời khô hạn, trái cây không nhiều. Thành vua nước ấy cách núi không xa, chỉ qua một con sông nhỏ. Vua vượn đem bầy vào vườn ăn trái, người coi vườn bèn tâu vua. Vua nói: "Giữ chặt đừng để chạy mất". Vua vượn biết được, buồn bã nghĩ: "Ta là đầu đàn, họa phúc do ta. Tham trái nuôi mình để lầm cả đàn". Bèn ra lệnh cho đàn: "Đi khắp tìm dây". Đàn về dây đến, đua nhau nối lại. Lấy một đầu dây cột vào một cành cây lớn. Vua vượn tự buộc vào eo rồi leo lên cây gieo mình vịn cành cây kia. Dây ngắn phải duỗi mình, rồi ra lệnh cho đàn vượn: "Mau nắm dây qua". Đàn đã qua rồi, hai nách đều đứt, rơi ngay bờ suối, chết đi sống lại.

Quốc vương sáng sớm đi xem, bắt được vượn chúa. Vượn có thể nói tiếng người. Bèn cúi đầu tự trình: "Dã thú tham sống, cậy nhờ ơn nước. Lúc hạn quả thiếu, nên phạm vườn vua, tội lỗi do tôi, xin tha cho đàn, thịt hư thân thú xin dâng thái quan làm bữa cho vua”. Vua ngửa mặt than: "Đầu đàn loài thú giết mình cứu bầy, có lòng nhân rộng lớn của bậc hiền xưa. Ta làm vua người há được như nó ư?" Vì vậy gạt lệ, bảo người cởi trói, đỡ ngồi trên đất, ra lệnh cả nước để mặc tình vượn ăn, ai phạm đến vượn, tội đồng với giặc. Trở về, vua kể với hoàng hậu: "Lòng nhân của vượn, hạnh của bậc hiền xưa sánh chưa bằng thế, lòng nhân của ta như tơ tóc, còn của vượn kia hơn cả núi Côn Lôn". Hoàng hậu nói: "Hay thay! Thú ấy thật lạ lùng. Vua nên mặc chúng ăn uống, đừng để người hại". Vua nói: "Ta đã ra lệnh rồi".

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua vượn là thân ta. Quốc vương là A Nan. Năm trăm con vượn nay là năm trăm vị tỳ kheo".

Chí sắc vô bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


57
Xưa có Bồ tát thân làm vua nai, sức mạnh hơn bầy, nhân ái phủ khắp, lũ nai thích theo, đi chơi gần vườn, người chăn tâu lên. Vua đem quân sĩ bao vây ép bắt. Vua nai biết được rơi lệ nói: "Ách của các ngươi do lỗi ta cả. Ta sẽ chết để cứu bầy bọn nhỏ". Vua nai đến mép lưới quì hai chân trước xuống nói: "Hãy leo lên ta nhảy ra, các ngươi được toàn mạng". Đàn nai làm theo, liền được thoát hết. Vua nai mình mẩy rách nát, máu chảy như suối, ngã xuống chết ngất, đau đớn khôn tả. Đàn nai khóc than, bồi hồi không đi. Vua người thấy mình vua nai tàn tạ, máu chảy đỏ đất, không thấy đàn nai, hỏi: "Con này sao vậy?" Vua nai đáp: "Giữ nết không sạch, thân chịu làm thú, đi tìm cỏ ngon, để nuôi mạng hèn, phạm vào nước vua, tội đáng rất nặng. Thịt mình tuy hết, hai đùi ngũ tạng vẫn còn đầy đủ, xin để thái quan làm bữa dâng vua". Vua hỏi: "Ngươi làm sao mà đến thế này?" Vua nai kể rõ nguyên cớ đầu đuôi. Vua nghe thương cảm rơi lệ nói: "Ngươi là súc sinh mà có lòng nhân rộng như đất trời, hủy mình cứu đàn. Ta làm vua người, tham bậy hiếu sát, giết vật trời sinh". Liền ban nghiêm lệnh, bảo dân cả nước: "Từ nay bỏ săn, không ham thịt nai, xé lưới đem nai thả chỗ đất bằng". Đàn nai thấy vua mình, ngửa mặt lên trời than khóc. Mỗi con đến trước vua nai liếm vết thương, rồi chia nhau đi tìm thuốc, nhai ra rịt vào. Vua người thấy vậy, lại gạt lệ nói: "Vua đem lòng thương con mà nuôi dân thì dân đem ơn cha mẹ mà mến vua. Đạo làm vua có thể bất nhân sao?" Từ đấy vua bỏ sát sanh, chuộng nhân từ, trời liền giúp cho, nước giàu, dân vui, gần xa khen nhân, dân theo như nước.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: "Vua nai là thân ta. Năm trăm nai nay là năm trăm vị tỳ kheo, vua người là A Nan".

Chí sắc vô bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


58
Xưa có Bồ tát thân làm nai, tên là Tu Phàm, lông mình chín màu, ở đời hiếm thấy, đi chơi ở bờ sông, thấy người chết chìm, kêu trời cầu cứu. Nai thương xót nghĩ: "Thân người khó được, mà phải chết sao? Ta thà nhảy vào chỗ nguy để cứu mạng nó". Bèn bơi đến hỏi: "Ngươi đừng có sợ, níu sừng, cỡi lưng ta thì được cứu ngay thôi". Người ấy làm như lời. Nai vớt người xong, cũng gần đứt hơi. Người sống mừng lắm, liền đi quanh nai ba vòng, cúi đầu nói: "Thân người khó gặp, mạng sống là trọng, trượng phu liều nguy, cứu mạng tôi sống, ơn hơn đất trời, trọn đời chẳng quên, xin làm tôi mọi, dâng những gì người thiếu". Nai nói: "Người hãy đi đi, vì thân mạng ta, lụy ngươi trọn đời. Nếu ai tìm ta, hãy nói không thấy". Người bị chìm vâng dạ nói: "Chết thân không trái".

Bấy giờ quốc vương tên Ma Nhân Tiên, vốn tính thuần hòa, thương nuôi dân chúng. Nguyên hậu của vua tên là Hòa Trí mộng thấy vua nai, lông mình chín màu, sừng hơn sừng tê. Tỉnh dậy tâu vua: "Thiếp muốn lấy da nai làm áo, sừng làm vòng, nếu không có được, chắc thiếp chết mất". Vua đáp: "Được". Sáng họp quần thần, vua tả dạng nai, ra lệnh thuê kiếm, ai bắt được phong cho một huyện, bát vàng đầy hạt bạc, bát bạc đầy hạt vàng. Thuê tìm như vậy, người bị chìm vui nghĩ: "Ta được một huyện, vàng bạc đầy bát, sung sướng trọn đời, nai tự mất mạng, ta can dự gì?" Bèn đến cửa cung, tâu bày tự sự, tức thì mặt liền bị phung lỡ, miệng bị hư thối. Lại nói: "Nai này tính thiêng, vua phải đem quân, mới bắt được nó". Vua liền hưng binh qua sông tìm nai.

Bấy giờ nai cùng với quạ kết làm bạn thân, nhưnng nai nằm ngủ, không biết vua đến. Quạ kêu: "Bạn ơi! Vua đến bắt bạn". Nai mệt không nghe, quạ mổ vào tai nói: "Vua đến giết bạn". Nai thất kinh, thấy vua giương cung bắn mình, chạy mau đến trước, quì gối cúi đầu thưa: "Thiên vương tha mạng tôi chốc lát, tôi muốn tỏ mối ngu tình". Vua thấy nai nói, liền bảo dừng tên. Nai nói: "Vua quí nguyên hậu, khổ thân đến đây, tôi rốt không thoát. Thiên vương ở trong chốn thâm cung mà biết thú hèn ở đây sao?" Vua lấy tay chỉ, nói: "Người cùi này chỉ". Nai nói: "Tôi tìm cỏ non để ăn, xa thấy có người chết chìm kêu trời cầu cứu. Tôi thương kẻ cùng, liều nguy cứu nó, người ấy lên bờ, vui mừng cúi đầu nói: Mạng tôi gần chết mà người cứu cho, xin trọn đời làm tớ để dâng nước cỏ". Tôi đáp: "Ngươi cứ việc đi tự do, cẩn thận đừng nói với ai là tôi ở đây". Vua nai lại nói: "Thà vớt cỏ cây trôi sông lên bờ, chứ không vớt người không nghĩ suy. Cướp của giết chủ, tôi có thể tha, chứ chịu ơn mà mưu phản, ác nó khó bày". Vua cả kinh nói:
"Đây là loài súc sinh nào mà lại có lòng thương rộng lớn, liều mình cứu vật không cho là khó, đây chắc là trời". Vua khen lời nai, vui vẻ tiến đức.

Bèn ra lệnh trong nước: "Từ nay về sau, mặc tình nai ăn, ai dám phạm nó, tội đều đáng chết". Vua về, nguyên hậu nghe vua thả nai, giận quá vỡ tim chết vào ngục núi Thái. Trời Đế Thích nghe vua lập chí chuộng nhân, khen vua làm vậy, hóa ra nhiều nai, khắp nước ăn lúa, mộng mạ các lúa, ăn quét hết sạch, để xem chí vua. Dân chúng kiện tụng. Vua nói: "Hung dối giữ nước, không bằng giữ tín mà mất". Đế Thích nói: "Vua thật giữ tín". Bèn đuổi nai đi, lúa nhiều gấp bội, độc hại tiêu hết, tai nạn thảy trừ.

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua nai bấy giờ là thân ta, quạ là A Nan, vua là Thu Lộ Tử, người chết chìm là Điều Đạt, vợ vua nay là vợ Điều Đạt".

Chí sắc vô bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


59
Số 196 Bổn sanh Valàhassa (Jat. 2.127) t 186. Giống truyện 37 Lục độ

Xưa có Bồ tát thân làm vua ngựa, tên là Khu Da, thường ở bờ biển, cứu người chết trôi.

Bấy giờ bờ biển kia có bọn quỷ dâm nữ, số nó rất nhiều. Nếu thấy lái buôn liền hóa làm thành quách nhà ở, ruộng vườn, kỹ nhạc ăn uống, rồi biến thành người đẹp nhan sắc rực rỡ, mời mọc lái buôn, rượu nhạc vui chơi. Quỷ mê hoặc người, nên ai cũng ăn ở. Trong khoảng một năm, quỷ dâm chán cũ, lấy dao sắt đâm vào cổ, uống máu ăn thịt, hút tủy. Vua ngựa xa thấy dâm quỷ ăn người mà rơi lệ, nhân bay qua biển, đến bên bờ kia, kiếm được gạo giã rồi, ngựa chúa ăn xong lên núi kêu to: "Ai muốn qua biển không?". Kêu như vậy ba lần. Lái buôn nghe vậy vui mừng nói: "Thường nghe ngựa thần thương vớt người nạn, nay đã đến rồi sao?" Họ vui vẻ đến nói: "Thương cứu chúng tôi". Ngựa thần nói: "Các ngươi khi đi, dâm quỷ tất sẽ bế con đưa cho các ngươi, đuổi theo khóc lóc. Ai lòng quyến luyến, khi ta đi rồi, quỷ ắt lại lấy dao sắt, đâm cổ các ngươi, uống máu ăn thịt các ngươi, còn ai lòng ngay nghĩ lành, sẽ được toàn mạng. Hễ ai muốn về, hãy cỡi lưng ta, vịn lấy bờm đuôi, nắm lấy cổ đầu, tự do bám vào, cùng vịn lấy nhau thì chắc sống mà gặp mẹ cha". Lái buôn tin dùng lời ấy, đều được toàn mạng, về gặp cha mẹ bà con, còn kẻ dâm mê, tin vào yêu quỷ, không ai là không bị ăn thịt. Hễ tin chính bỏ tà, đời nay an lành mãi mãi.

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua ngựa bấy giờ là thân ta".

Chí sắc vô bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


60
Xưa có Bồ tát thân làm vua cá, có quan tả hữu, đều giữ hạnh cao, thường nhớ lời Phật, ăn nghỉ không bỏ, ăn rong dưới nước, tạm để nuôi thân, thương nuôi loài nhỏ như tự nuôi mình, theo triều đi chơi, đem dạy giới Phật.

Không ngờ, kẻ chài quăng lưới bắt được. Bầy cá lớn nhỏ không con nào là không hoảng hốt. Vua cá thương xót bảo: "Cẩn thận đừng sợ, một lòng niệm Phật, nguyện chúng sinh yên, thề lớn thương khắp, ơn trời như dội, mau đến tìm giúp, ta cứu các ngươi. "Vua cá đâm đầu vào bùn, dùng đuôi dở lưới, cả đàn chạy ra, bầy cá được sống, không con nào là không đội ơn". Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua cá bấy giờ là thân ta, bầy tôi tả hữu là Thu Lộ Tử và Mục Kiền Liên".

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


61
Xưa có Bồ tát thân làm vua rùa, ngày đêm tinh tấn, nghĩ phương tiện lành để hồn chúng sinh được về chỗ bản vô. Lại có vua rùa ở chung trong rừng sâu cùng thấy cắc kè leo cây nhảy xuống, như vậy không dừng. Bồ tát bói xem, nói: "Đây là điềm nguy mạng, chúng ta nên mau tránh đi là tốt". Vua rùa kia ngu dốt tự chuyên chẳng theo lời thật. Bồ tát hết lòng cứu con theo mình, khiến được thoát nạn.

Mười ngày sau đó, Vua voi đem đàn đến cây nghỉ ngơi, cắc kè nhảy xuống, rớt vào tai voi. Voi thất kinh kêu rống, đàn voi chạy tán loạn, tung hoành lui tới dày chết các rùa. Vùa rùa kia giận nói: "Biết việc như vầy mà không chỉ cho, ta chết ngươi sống, lòng tốt ở đâu? Thề suốt kiếp tìm ngươi, gặp là giết chết".

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Rùa bói giỏi là thân ta, con rùa tự chuyên không đi ấy là Điều Đạt".

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


62
Xưa có Bồ tát thân làm vua Anh vũ, đàn đông ba ngàn, có hai Anh vũ, sức mạnh hơn đàn, miệng ngậm cành trúc, để làm xe đi, vua cỡi trên đó, bay dừng dạo chơi. Vua thường cỡi xe trúc, trên dưới trước sau tả hữu, mỗi phía năm trăm Anh vũ, sáu mặt chầu hầu họp thành ba ngàn, dâng hiến món ngon, vui thú theo thời. Vua tự nghĩ sâu: "Đàn vui loạn đức, không sao được định. Ta phải quyền biến, bèn thác bệnh không ăn, giả chết bỏ đàn". Cả đàn lấy cỏ phủ lên, rồi mỗi bỏ đi. Vua dậy kiếm ăn. Đàn Anh vũ ấy bay đến chỗ vua Anh vũ ở núi khác nói: "Vua tôi chết rồi, xin đến làm tôi". Vua kia hỏi: "Vua ngươi đã chết, đem xác lại xem. Nếu thật chết rồi, ta sẽ nhận đàn các ngươi". Chúng về lấy xác, bỗng nhiên không thấy, đi tìm bốn phía, thấy được vua mình. Tất cả làm lễ dâng cúng như cũ. Vua nói: "Ta còn chưa chết, các ngươi đã bỏ đi rồi". Chư Phật dạy rõ: Thấy đời không thân, chỉ Đạo đáng tôn. Sa môn cho râu tóc làm nhơ loạn chí mình, nên cạo bỏ đi, chuộng hạnh vô dục. Các ngươi vui ồn, tiếng tà loạn chí, nên ta một mình không vợ, sánh đức thượng thánh". Nói xong bay đi, ở chỗ sâu khuất, bỏ dục vô vi, suy nghĩ thiền định, các dơ đều diệt, lòng như vàng trời.

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua Anh vũ bấy giờ là thân ta".

Chí sắc vô bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


63
Giống với truyện 29 Lục độ

Xưa có Bồ tát, thân làm vua bồ câu, bầy đông năm trăm, bay đến vườn vua kiếm ăn. Vua thấy ra lệnh người giữ giăng lưới bắt lấy. Cả đàn lớn nhỏ, không sót con nào, đem nhốt vào lồng, lấy gạo ngon nuôi mập, để thái quan làm bữa dâng vua. Vua bồ câu bị bắt, một lòng niệm Phật hối lỗi, khởi lòng từ: "Nguyện cho chúng sanh bị bắt được thả, mau thoát tám nạn, không như thân ta". Bèn gọi các bồ câu bảo: "Các giới kinh Phật, tham là đầu mối. Người tham được sang, như kẻ khát được thức uống độc, sự sướng đắc chí lâu như lằn chớp, các khổ khốn thân, đến cả ức năm. Các ngươi bỏ ăn, thân mạng được toàn". Cả đàn đáp: "Bị bắt nhốt lồng, còn muốn mong gì?" Vua Bồ câu nói: "Trái bỏ lời Phật, mặc lòng tham muốn, không ai là không mất thân". Bèn tự bỏ ăn, thân mập ngày ốm, ra khỏi khe lồng, bèn nhìn lại đàn, nói: "Bỏ tham nhịn ăn, sẽ được như ta". Nói xong bay đi.

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua bồ câu ấy là thân ta".

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


64
PHẬT NÓI KINH VUA ONG MẬT

Nghe như vầy, một thời Phật ở nước Xá Vệ, vườn Cấp Cô Độc, cây của Kỳ Đà. Đức Phật bảo đệ tử: "Hãy siêng tinh tấn, nghe nhớ đọc tụng, không được lười biếng, ấm cái che lấp. Ta nhớ quá khứ, vô số kiếp trước có Phật tên Nhất Thiết Độ Vương Như Lai Vô Sở Trước Tối Chính Giác, lúc ấy vì tất cả chư thiên nhân dân không thể kể số mà giảng kinh pháp.

Bấy giờ trong chúng có hai tỳ kheo, một vị tên Tinh Tấn Biện, một vị tên Đức Lạc Chính, cùng ngồi nghe pháp. Tinh Tấn Biện nghe kinh hoan hỉ. Ngay khi ấy liền chứng được quả không thối chuyển, thần thông đầy đủ. Đức Lạc Chính ngủ gục không thức, riêng không được gì.

Khi ấy, Tinh Tấn Biện gọi Đức Lạc Chính bảo: "Đức Phật khó gặp, ức trăm nghìn đời thì mới xuất hiện một lần, nên phải tinh tấn làm việc cho người, sao lại ngủ gục? Hễ người ngủ gục, bị tội che lấp, phải tự siêng gắng, có tâm giác ngộ". Đức Lạc Chính nghe lời dạy bảo, liền đi kinh hành giữa những hàng cây của Kỳ Đà. Vừa mới kinh hành, lại ngủ gục nữa, vì vậy phiền loạn, không thể định được. Ông liền đi ngay, đến bên bờ suối, ngồi muốn thiền định, lại ngồi ngủ gục.

Bấy giờ, Tinh Tấn Biện khéo dùng quyền biến, đi đến độ cho, hóa làm vua ong, bay đến trước mắt như muốn chích vào. Đức Lạc Chính lúc ấy kinh hãi thức ngồi dậy, sợ vua ong đó, một chốc lại ngủ. Bấy giờ vua ong bay xuống dưới nách, chích vào bụng ngực. Đức Lạc Chính thất kinh, trong lòng run rẩy, không dám ngủ nữa. Lúc đó, ở giữa dòng suối có hoa nhiều màu, ưu đàm, câu văn, thứ thứ tươi sạch. Vua ong bay đậu trên hoa, hút lấy mật hoa. Đức Lạc Chính đang ngồi nhìn thấy, sợ nó bay lại, không dám ngủ gục, suy nghĩ vua ong xem xét gốc rễ. Vua ong hút nhụy, không bay khỏi hoa. Chừng một lát sau, vua ong ngủ gục, rớt vào vũng bùn, thân thể lấm dơ, lại bay trở về, đậu trên đóa hoa. Lúc ấy, Đức Lạc Chính hướng về vua ong nói kệ:

Người uống nước cam lồ
Thân thể được yên ổn
Không gắng lại đem về
Cho khắp cả vợ con
Vì sao rớt trong bùn
Tự làm nhơ thân thể
Như vậy là không khôn
Vị cam lồ mất hết
Cũng như đóa hoa này
Không nên ở trong lâu
Trời lặn hoa lại khép
Muốn ra chẳng được nào
Phải đợi mặt trời mọc
Ngươi mới ra khỏi được
Mệt tối trong đêm dài
Như vầy rất khó nhọc

Lúc ấy, vua ong hướng Đức Lạc Chính đáp lại bài kệ:

Đức Phật như cam lồ
Lắng nghe không nhàm đủ
Chẳng nên có biếng lười
Vô ích với tất cả
Năm đường biển sanh tử
Ví như rớt bùn nhơ
Trói buộc trong ái dục
Vô trí rất lầm mê
Trời mọc các hoa nở
Như sắc thân đức Phật
Trời lặn hoa khép lại
Thế Tôn đã nhập diệt
Gặp đời có Như lai
Phải mau tinh tấn thọ
Trừ bỏ ngủ ngăn che
Chớ bảo Phật thường có
Yếu tuệ của pháp sâu
Không dùng sắc nhân duyên
Ấy hiện có người trí
Phải biết là phương tiện
Chỗ độ của phương tiện
Có ích không nêu dối
Mà hiện biến hóa này
Cũng vì tất cả ấy

Khi Đức Lạc Chính nghe nói như vậy, liền được Vô sinh pháp nhẫn, hiểu các pháp căn bản và đà la ni, biết Tinh Tấn Biện dùng phương tiện quyền xảo, thường siêng kinh hành, không còn biếng nhác, đến lúc cũng được ngôi không thối chuyển.

Đức Phật bảo A Nan: "Tinh Tấn Biện lúc ấy nay là thân ta. Đức Lạc Chính là Di Lặc". Đức Phật bảo A Nan: "Ta bấy giờ với Di Lặc cùng nghe kinh pháp. Di Lặc lúc ấy ngủ gục, riêng không được gì. Nếu ta bấy giờ không dùng phương tiện thiện xảo mà cứu độ, thì Di Lặc đến nay còn ở trong đường sinh tử, chưa được độ thoát. Ai nghe pháp này, thường nên tinh tấn, rộng khuyên tất cả, đều khiến trừ bỏ ngủ ngáy che lấp, phải tạo căn bản cho trí tuệ quang minh".

Nói việc ấy rồi, có vô số người phát lòng vô thượng bình đẳng.

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


65
KINH ĐỨC PHẬT CƯỜI VÌ BA VIỆC

Xưa có Bồ Tát làm người cư sĩ, qui y ba báu, nhân từ rộng lớn, quên mình cứu vật, giữ sạch không trộm, bố thí đến khắp, trinh không dâm tà, xét bỏ lòng dâm, tín giống bốn mùa, nặng như Tu di, dứt rượu không uống, quí hiếu vâng thân. Tháng giêng giữ chay sáu ngày, tinh tấn không mệt. Sinh gặp thời Phật, đức hạnh ngày thêm, đến thành Như Lai Vô Sở Trước Chính Chân Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư giáo hóa khắp nơi.

Khi đi qua chợ, thấy một ông lão đong đấu bán cá, buồn thương than thở: "Oan quá, trời ơi! Con tôi tội gì, mà sớm chết đi, con còn bán cá, tôi đâu cực khổ thế này". Đức Phật thấy vậy mỉm cười, miệng có hào quang năm sắc. Qua chợ một lúc, lại thấy heo lớn lấm phân đi đường. Đức Phật lại cười. A Nan sửa y, cúi đầu thưa: "Lần trước Phật cười, vì có nhiều người, không do đâu mà kính hỏi. Nay lại cười nữa, ắt có điều dạy, xin mở lòng nghi đại chúng, để làm khuôn phép đời sau". Đức Thế Tôn nói: "Này A Nan! Ta cười có ba lý do: Một là thấy cái ngu của ông lão kia rất là to lớn, hằng ngày giăng lưới, hại mạng quần sinh mà không có mảy may trắc ẩn, vạ lây chết con, lại đi oán trời, kêu than ghê sợ, đó là hạnh của kẻ hạ ngu, chẳng phải lòng nhân của trời đất, lòng thứ tha của hiền thánh, vì vậy ta cười. Thuở xưa, Phi Hành hoàng đế, trồng phúc vòi vọi, nhưng lòng kiêu nết hung, nên nay làm cá người đong bán, đấy là thứ hai. Không nghĩ trời người, thọ tám mươi ức bốn ngàn vạn kiếp, lòng chuyên nơi không, nhưng không thể làm không cái không, trở về vốn không, nên phúc hết, chịu tội, nay ở trong đấu, đây là ba. A nan hỏi: "Phi hành hoàng đế, so với bậc thiên tôn kia, đức cao vòi vọi, sao lại không thoát khỏi tội?" Đức Thế Tôn nói: "Họa phúc chẳng thật, có gì là thường? Hễ sống sang quý, thi ân bốn đẳng, hiểu bốn vô thường thì thoát được họa kia. Nếu nhân sang quý, mà tự toại chí, buông lòng theo tà thì phúc hết chịu tội. Từ xưa đến nay đều thế, họa phúc theo mình như bóng đuổi hình, như vang đáp tiếng, há có sang hèn ư? Khi ta đời trước, làm người cư sĩ. Bấy giờ có người hàng xóm thích thờ ma quỷ, họp với loài gian, không tin làm ác, họa nặng sẽ đáp. Mỗi đến ngày trai, ta kêu vào chùa thờ Phật Chính Chân, nghe các sa môn giảng nói giáo pháp trong sạch, để làm gốc đức, ngăn tuyệt họa hung, thì nó dâm hoang, nói dối bận việc. Ta đến chùa Phật, còn nó đi đường tà. Từ đó về sau, ta sinh ra đời, gặp Phật nghe Pháp, cùng sánh chí với sa môn, đức hạnh ngày tăng, đến thành Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự
Thiên Nhân Sư, làm bậc tôn quý trong ba cõi, hiệu là Pháp Vương. Còn người hàng xóm thích thờ thuật quỷ, tàn hại quần sinh, buông theo nữ sắc, rượu trà điên loạn, không có hiếu hạnh, tự cho đắc chí, nên trôi nổi ba đường, khổ sở vô lượng.

Ta đã thành Phật, người ấy tiếp tục làm loài thú dơ. Vì vậy ta cười.

Đức Phật bảo A Nan: "Ta nhiều kiếp xem kinh tìm nghĩa, thân mến sa môn, nên được công đức vòi vọi".

Chí sắc vượt bờ của Bồ Tát, tinh tấn như vậy.


66
KINH ĐỨA BÉ NGHE PHÁP LIỀN HIỂU

Xưa có tỳ kheo, tinh tấn giữ phép, nhỏ giữ giới cấm, không chút hủy phạm, thường tu phạm hạnh, nghỉ ở tinh xá. Nếu có tụng kinh thì tụng Bát nhã ba la mật. Khi giảng kinh, tiếng hay không ai bì kịp. Nếu nghe tiếng tỳ kheo ấy, không ai là không hoan hỷ.

Có một đứa bé, tuổi vừa lên bảy, ngoài thành chăn trâu, xa nghe tiếng vị tỳ kheo tụng kinh, liền lần theo tiếng, tìm đến tinh xá, lễ vị tỳ kheo, rồi ngồi một bên, để nghe lời kinh. Khi giảng gốc sắc, nghe xong hiểu ngay, đứa bé rất vui. Tiếng kinh vừa dứt, bèn hỏi tỳ kheo. Tỳ kheo đối đáp, không vừa ý bé. Bấy giờ bé lại giảng giải, nghĩa kinh rất hay, từ xưa ít nghe. Tỳ kheo nghe rồi, rất là vui vẻ lấy làm lạ về đứa bé ấy, sao có trí tuệ, chẳng phải người phàm.

Lúc ấy bé liền đi về chỗ trâu. Trâu nghé nó chăn, chạy mất vào núi. Bé theo dấu chân mò mẩm đi tìm, chẳng may gặp cọp bị hại. Đứa bé ấy chết, thần hồn liền chuyển, sinh nhà trưởng giả, làm con vợ cả. Vợ cả mang thai, miệng có thể nói kinh Bát nhã ba la mật, từ sáng đến chiều, không chút lười biếng. Nhà vị trưởng giả, rặt không hiểu đạo, sợ miệng vợ cả nói sàm, cho là bệnh quỷ, đi hỏi trừ tà, không chỗ nào không đến, mà chẳng ai biết. Trưởng giả buồn lắm, không biết vợ mắc bệnh gì, trong nhà nội ngoại, thảy đều lo lắng.

Bấy giờ tỳ kheo vào thành khất thực, đến cửa trưởng giả, xa nghe tiếng kinh, lòng rất vui vẻ. Đứng cửa một hồi, chủ nhân chợt ra, thấy vị tỳ kheo, cũng không làm lễ. Vị tỳ kheo lấy làm lạ: "Trong nhà hiền giả này có người đọc kinh tiếng hay đến thế, mà nay sao trưởng giả này lại không nói năng gì với ta?" Liền hỏi trưởng giả: "Trong nhà có ai đọc kinh tiếng hay như thế?" Trưởng giả đáp: "Vợ tôi trong nhà bị mắc bệnh quỷ, ngày đêm nói sàm, miệng không chút ngớt". Lúc ấy, tỳ kheo mới biết nhà trưởng giả này là không hiểu đạo. Tỳ kheo nói: "Đây không phải là bệnh quỷ, chỉ giảng kinh quý, đạo lớn của Phật, xin được vào nhà cùng người ấy gặp mặt ".

Trưởng giả nói: "Tốt". Bèn dẫn tỳ kheo vào chỗ người vợ. Người vợ thấy vị tỳ kheo, liền làm lễ. Tỳ kheo chú nguyện, nói mắc bệnh Phật. Bèn cùng tỳ kheo, hỏi giảng kinh pháp, đem giải nghĩa kỹ, tỳ kheo rất vui. Trưởng giả hỏi "Đây là bệnh gì?" Tỳ kheo đáp: "Không có bệnh gì. Chỉ đọc kinh mầu, rất có nghĩa lý. Tôi nghĩ phu nhân có mang đứa bé là đệ tử Phật". Trưởng giả hiểu ra, bèn giữ tỳ kheo ở lại, cùng mình ăn uống. Khi ăn uống xong, tỳ kheo trở về tinh xá, lần lượt kể lại: "Có vợ của trưởng giả, có mang rất lạ, miệng đọc kinh quí, nói năng lưu loát, tiếng đọc du dương, giải thích lý kinh rất sâu.

Hôm sau trưởng giả lại thỉnh tỳ kheo cùng với chúng tăng đến nhà, sắm đủ cơm nước. Tới giờ đều đến ngồi chỗ đã định, rửa tay ăn uống. Xong thì chú nguyện, nhận vật cúng dường. Bấy giờ phu nhân bước ra, lễ các tỳ kheo, rồi ngồi một bên lại vì tỳ kheo, vui thuyết kinh pháp, có những chỗ nghi, không thể hiểu thấu, phu nhân hết lòng, vì các tỳ kheo, giải nói đầy đủ, chúng tăng phấn chấn, vui vẻ trở về.

Đủ ngày đầy tháng, phu nhân tại nơi sinh được bé trai mà không nước bẩn. Cậu bé vừa sinh, liền chắp tay quì gối tụng Bát nhã ba la mật. Phu nhân sinh rồi, trở lại như cũ, không còn biết chi, như mộng vừa thức, chẳng biết gì hết. Trưởng giả lại mời chúng tăng, tỳ kheo đều đi xem đứa bé giảng kinh, chuyện xưa, không chút vấp váp. Bấy giờ chúng Tăng mỗi mỗi một lòng xem xét nguồn gốc đứa bé, đều không thể biết. Trưởng giả hỏi: "Nó là người nào?" Tỳ kheo đáp: "Đó thực là đệ tử Phật, cẩn thận chớ sợ hãi nghi ngờ, khéo nuôi nấng nó. Đứa bé sau này lớn sẽ làm Thầy tất cả mọi người, chúng tôi thảy phải theo nó mà học."

Khi bé lớn lên, đến được bảy tuổi, biết hết mọi việc vi diệu của đạo đời, siêu tuyệt mọi người, trí tuệ vượt bậc. Các tỳ kheo đều theo học tập. Trong kinh có chỗ lầm lẫn thoát lạc, ít ngắn, đều được san định, bổ túc đoạn thiếu. Bé mỗi lần ra vào đều có mục đích. Bèn dạy dỗ người, khiến phát lòng đại thừa. Nhà cửa trưởng giả, trong ngoài lớn nhỏ, đông năm trăm người, đều theo Bé học, phát lòng đại thừa, thảy làm việc Phật. Bé dạy dỗ từ thành thị đến thôn quê khoảng tám vạn bốn nghìn người đều phát lòng vô thượng chính đạo, năm trăm người thuộc thừa Thanh văn. Các tỳ kheo nghe bé giảng, gốc tâm hữu lậu đều được cởi bỏ. Người có chí cầu đại thừa, đều được mắt pháp trong sạch.

Đức Phật bảo A Nan: "Đứa bé bầy giờ là thân ta, tỳ kheo ấy là Phật Ca Diếp. Như vậy, này A Nan! Ta thuở xưa một lần theo vị tỳ kheo nghe phẩm đại thừa liền ca ngợi hiểu rõ, tâm ý vui mừng chẳng chuyển, tinh tấn chẳng quên, sâu biết kiếp trước, tự mình chuyên tâm, vô thượng bình đẳng chính giác. Một lần nghe kinh, đức còn như thế, huống gì trọn ngày tuân theo tu hành".

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


67
KINH GIẾT MÌNH CỨU NGƯỜI BUÔN

Xưa có Bồ tát, cùng năm trăm lái buôn đi vào biển lớn, định tìm các báu. Vào biển mấy tháng, của báu tìm được, chở nặng đầy thuyền. Khi sắp về quê, giữa đường gặp cơn bão, sấm sét rung đất, thần nước tụ lại, vây kín bốn bề như thành, mắt nhìn tóe lửa, sóng vỗ ướt núi, mọi người kêu khóc. "Chúng ta chắc chết". Sợ hãi biến sắc, ngửa mặt lên trời kêu cứu. Bồ tát buồn bã lòng nghĩ ra kế: "Ta cầu thành Phật, chỉ vì chúng sinh. Thần biển ghét nhất là gặp thây chết, liều mình cứu người là sự nghiệp cao cả của Bồ tát. Ta không lấy máu mình đổ xuống biển thì thần biển làm dữ, chắc thuyền nhân rốt cuộc không thể qua bờ kia". Bèn gọi mọi người bảo: "Các ngươi đan tay nhau lại, nắm lấy thân ta" Mọi người vâng lời, Bồ tát rút dao, tự đâm chết mình. Thần biển ghét thấy, đẩy thuyền vào bờ, mọi người được cứu. Thuyền nhân ôm thây, kêu trời gào khóc: "Đây chắc Bồ tát, chứ không phải hạng người tầm thường". Rồi lăn lộn kêu trời: "Thà để chúng tôi mất mạng nơi đây, chứ đừng giết kẻ sĩ cao đức". Lời nói chân thành, cảm tới chư thiên, Trời Đế Thích thấy Bồ tát lòng từ rộng lớn, cả đời ít có. Đế Thích tự thân xuống nói: "Đây là bậc Bồ tát chí đức, sẽ là đấng thánh hùng, nay ta tự cứu sống lại". Bèn lấy thuốc trời đổ vào trong miệng, và thoa khắp thân thể. Bồ tát sống lại, bỗng nhiên ngồi dậy, cùng mọi người hỏi han. Đế Thích đem cho danh báu đầy thuyền gấp nghìn lúc trước. Rồi họ về quê, bà con gặp lại không ai là không vui mừng. Bèn biếu nghèo giúp thiếu, cho khắp chúng sinh, tuyên giảng kinh Phật, khai hóa ngu mờ. Quốc vương cảm đức Bồ tát, đến theo thanh hóa. Vua nhân, tôi trung, cả nước giữ giới, nhà có con hiếu, nước giàu nạn hết, dân chúng mừng vui, chết đều lên trời, mãi rời các khổ. Bồ tát nhiều kiếp tinh tấn không dừng cho đến lúc thành Phật.

Phật bảo các tỳ kheo: "Người giết mình cứu người đó là thân ta, trời Đế Thích là Di Lặc, năm trăm lái buôn nay là La hán đang ngồi trong đây".

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


68
Xưa có Bồ tát, làm con mẹ góa, sáng đến chùa Phật, bỏ tà chuộng chân, đảnh lễ sa môn, vâng theo lời Phật, sáng học chiều luyện. Bình minh trời mọc, tìm hiểu các kinh, hạnh hiếu hiền xưa tinh thành ngưỡng mộ, như đói mơ ăn.

Nước của ngài ở, có vua nói vô đạo, tham tài trọng sắc, bạc hiền khinh dân. Vua nhớ vô thường tự nghĩ: "Ta làm chẳng lành, chết vào núi Thái. Sao không gom vàng dâng vui núi Thái?" Thế rồi thâu vàng của dân, ra lệnh nghiêm ngặt: "Nếu ai giấu phân vàng, tội đến tử hình". Như vậy ba năm, vàng dân đều hết. Vua vờ treo giải: "Ai có chút vàng đem dâng, vua sẽ gả gái út cho làm vợ, ban tước vị cao".

Đứa bé thưa mẹ: "Xưa mẹ đem một đồng tiền vàng đặt trong miệng cha khi mất, định để hối lộ cho vua núi Thái nay chắc hãy còn, vậy có thể lấy đem dâng vua". Người mẹ nói: "Được". Bé lấy đem dâng. Vua ra lệnh tra hỏi do đâu được vàng. Bé đáp: "Khi cha tôi mất, mẹ đem vàng đặt trong miệng, định đút lót núi Thái". Nay nghe Đại vương đặt tước, kiếm vàng, mới quật mộ gỡ gỗ lấy vàng". Vua hỏi: "Cha ngươi mất đến nay mấy năm rồi? Bé đáp: "Đã mười một năm". Vua hỏi: "Cha ngươi không hối lộ vua núi Thái sao?" Bé đáp: "Sách vở thánh hiền, chỉ lời Phật dạy là đúng". Kinh Phật dạy: "Làm lành phúc theo, làm ác họa tới, họa với phúc như bóng với tiếng vang. Chạy thân để tránh bóng, vỗ núi để bặt tiếng vang, việc ấy có được không?" Vua nói: "Không thể được". Bé nói: "Phàm thân tức do bốn đại, khi chết, bốn đại phân rã, hồn linh ra đi, biến hóa, theo nghiệp mà đi, đút lót nào được. Đại vương đời trước bố thí làm đức, nay được làm vua, lại chuộng nhân ái, ơn thấm xa gần, tuy chưa đắc đạo, đời sau sẽ lại làm vua". Lòng vua hoan hỉ, đại xá tù ngục, trả vàng đã đoạt.

Phật bảo các tỳ kheo: "Khi vua muốn lấy vàng còn trong dân mà giết hại người vô tội. Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc, để cứu dân khỏi nạn lầm than. Dân cảm ơn ấy, thờ Phật giữ giới, nước mới giàu sang. Đứa bé lúc ấy là thân ta".

Chí sắc vượt bờ của Bồ Tát, tinh tấn như vậy.


69
KINH ĐIỀU ĐẠT DẠY NGƯỜI LÀM ÁC

Xưa có Bồ tát ngôi làm vua trời, chuyên giữ hạnh nhỏ, chí tiến như nước, mỗi đến ngày trai, lên ngồi xe ngựa, tuần tra bốn phương, dạy kinh Phật sâu, khai hóa chúng sinh, gột trừ vết nhơ, khiến họ tôn sùng đạo giáo quí của đức Như Lai Ưng Nghi Chính Chân Giác, bậc trời trong các trời, vua trong các Thánh, lìa được nguồn gốc các khổ của ba đường.

Điều Đạt cũng là vua trời cõi ma, đi dạo bốn phương, dạy người làm ác tùy theo ý muốn, chẳng có quả báo họa ương núi Thái. Đi gặp Bồ Tát, Điều Đạt hỏi: "Ngài đi đâu vậy?" Đáp: "Dạy dân thờ Phật, tu đức thượng thánh". Điều Đạt nói: "Tôi dạy dân buông dục, đời sau không tai họa. Làm lành nhọc chí, không ích cho mình". Bồ tát nói: "Ngươi tránh đường ta" Điều Đạt đáp: "Ông làm lành như vàng bạc, tôi chuộng ác như gang sắt, gang sắt có thể cắt vàng bạc, chứ vàng bạc không thể cắt gang sắt. Ông không bỏ đường ấy, tôi sẽ chém ông". Điều Đạt ác nhiều, thành họa, sống vào núi Thái.

Phàm người làm ác, chết vào ba đường. Trong ba đường mà làm lành, không ai là không lên trời. Dẫu ở chỗ sang quí mà ôm lòng ác dữ, chẳng bằng ở nơi ba đường mà nhớ một lời Phật dạy.

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua trời dạy người làm lành là thân ta, còn Vua trời mà dẫn người làm ác là Điều Đạt".

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


70
KINH GIẾT RỒNG CỨU CẢ NƯỚC

Xưa có Bồ tát, anh em một lòng đều đi học đạo, ngưỡng mộ chư Phật, đức hạnh khó bì, tụng kinh giải nghĩa, khai đạo sáu tối, luyện bỏ lòng uế, thiền định chỉ quán. Mỗi khi nghe nước nào, mù mờ với ba ngôi báu, liền đến dạy bảo, khiến giữ diệu hạnh chân chính của sáu độ.

Bấy giờ có một nước lớn, vua thích học đạo, lũ yêu dụ dỗ, dạy điều tà ngụy, cả nước vâng thói, đều thờ đạo quỉ. Mưa gió thất thời, yêu quái khắp nước. Anh em Bồ tát, cùng tự bàn nhau. Đất nước chúng ta, ba báu hành hóa, người giữ mười lành, Vua nhân tôi trung, cha nghĩa con hiếu, chồng tín vợ trinh, nhà có người hiền, thì chúng ta lại dạy ai nữa? Nước kia tin quỉ, rồng rắn ở đó, nuốt hết dân đen, kêu van chẳng cứu, mà ta lập chí cầu Phật, chỉ vì loại ấy. Vậy có thể đem đạo đến dạy, đem nhân dẫn dụ, rồng ngậm độc dữ, chúng ta diệt nó". Người em nói: "Giới Phật cho giết là tội hung ngược lớn nhất, cứu sống là đầu mối của đạo nhân, vậy phải làm sao?" Người anh nói: "Hễ giết một người, chịu tội trăm kiếp, nay rồng nuốt cả nước, ta sợ hằng sa kiếp hết, họa nó chưa trừ. Nếu tham nếm chút lợi trong chốc lát, mà không thấy cái tội thiêu đốt núi Thái sơn, lòng ta thấy thương: Làm người khó được, Phật pháp khó nghe, giết rồng cứu cả nước, đem ba ngôi báu và cao hạnh sáu độ dẫn dạy thì họa như tơ tóc mà phúc như đất trời vậy. Em hóa làm voi, ta làm sư tử, nếu hai mạng không chết, thì không cứu được nước này.

Rồi cúi lạy mười phương thề: "Chúng sinh không yên, là lỗi tại tôi, sau thành Phật, sẽ độ tất cả". Voi đến chỗ rồng, sư tử lên đó. Rồng liền dương oai, sấm rền chớp lóe, sư tử dậm chân rống lên. Oai linh của rồng, thế hách sư tử, chấn Động khắp nơi, ba mạng đều chết. Chư Thiên ca ngợi, không ai là không tán thán lòng nhân.

Hai Bồ tát mệnh chung, sinh lên cõi trời thứ tư. Cả nước toàn mạng, ôm thây kêu khóc nói: "Đây ắt là thần, chứ ai nhân từ như vậy?". Môn đồ tìm đến, thấy thầy có lòng từ rộng lớn, giết mình cứu người, đều khóc thương ca tụng đức độ, mỗi người lại lên đường, tuyên hóa đạo thầy, vua và quan dân mới biết Phật. Cả nước đều nói: "Đức nhân hóa của Phật đến như thế ư?" Chôn cất hai thầy, cả nước buồn thương. Vua liền ra lệnh: "Có ai không vâng giữ sáu độ, mười lành của Phật mà thờ yêu quỉ thì bị tội cả quyến thuộc". Từ đó về sau, nước có sa môn số ngàn sánh vai mà đi. Trai gái trong nước đều làm hạnh cao thanh tín, bốn cõi yên lành bèn đến thái bình.

Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Người anh lúc ấy là ta, người em là Di Lặc, còn rồng dữ là Điều Đạt".

Chí sắc vượt bờ của Bồ Tát, tinh tấn như vậy.


71
KINH DI LẶC LÀM THÂN NGƯỜI NỮ

Xưa có Bồ tát làm trời Đế Thích, ngôn quí có sang, mà lòng vẫn nhớ vô thường, khổ, không, vô ngã. Ngồi thì suy nghĩ đi thì giáo hóa, thương người ngu, yêu kẻ trí, đem trí tuệ dạy, tinh tấn không ngừng. Thấy bạn kiếp trước chịu thân người nữ, làm vợ nhà giàu, mê nơi tài sắc, không hiểu vô thường, ở chợ bán quán.

Trời Đế Thích hóa làm lái buôn, giả vờ đi chợ, đến đứng trước người đàn bà. Bà ấy vui vẻ, sai con chạy về, lấy cái ghế một định mời ngồi lên. Lái buôn nhìn kỹ người đàn bà và mỉm cười. Bà giữ tiết hạnh cao, lòng lấy làm lạ. Lái buôn đứng cười không đúng cách. Đứa bé đi lấy ghế trễ, nên khi về bị đánh. Lái buôn lại cười. Có người cha bệnh, con bắt trâu đem tế quỉ. Lái buôn cũng cười. Có người đàn bà bồng con nâng niu đi dạo trong chợ, con quào rách mặt, máu chảy quanh cổ. Lái buôn lại cười. Khi ấy vợ người nhà giàu hỏi: "Ông đứng trước tôi, mỉm cười không thôi, tôi đánh đứa bé, ấy là tại ông, vì sao ông cười?" Lái buôn nói: "Nàng là bạn tốt của ta, nay quên rồi sao?" Người đàn bà ấy buồn bã, lòng càng chẳng vui, lấy làm lạ về điều lái buôn nói. Lái buôn lại nói: "Tôi sở dĩ cười nàng đánh con, vì nó là cha nàng. Hồn linh cảm lại, nên đầu thai làm con nàng. Trong khoảng một đời, có cha mà không biết, huống gì lâu dài? Đứa bé đánh trống cơm vốn là con trâu. Trâu chết, phách linh về làm con người chủ, nhà lấy da trâu để bịt trống. Nay nó ôm đánh, nhảy nhót múa cười, chẳng biết da ấy là thân xưa của nó, nên ta cười. Còn người giết trâu đem tế, bệnh cha xin sống. Muốn sống mà giết, việc rất chẳng lành, như uống độc chim cưu để chữa bịnh. Người cha ấy vừa chết, chết thì làm trâu, nhiều đời bị đâm giết, chịu họa không thôi, nay đem trâu tế, trâu chết, hồn về, sẽ thọ thân người thoát hết sầu khổ, nên ta lại cười. Bé quào mặt mẹ, vốn là vợ nhỏ, mẹ là vợ lớn. Nữ tình chuyên dâm, lòng mang ghen ghét, thường gây khốc bạo, nên vợ nhỏ ngậm hờn, khi chết, hồn sinh làm vợ lớn, nay đến báo thù, rạch mặt, thương thân, mà chẳng dám oán, thế nên ta cười. Phàm tâm chúng sinh, vốn nó không thường, xưa ghét nay yêu, nào có thường đâu. Đấy chuyện một đời, thấy còn không biết, huống gì nhiều kiếp. Kinh dạy: Vì sắc vùi thân, đạo lớn không thấy, chuyên nghe tiếng tà, không nghe âm hưởng lời Phật, vì vậy ta cười. Giàu sang như chớp, giây lát liền diệt, phải hiểu vô thường, chớ như lũ ngu, trau dồi nết đức diệu hạnh sáu độ. Ta nay trở về, hôm sau sẽ đến nhà ngươi.".

Nói xong bỗng nhiên không thấy. Người đàn bà buồn bã trở về, trai giới nghiêm túc, ngóng trông ngưỡng mộ, cả nước đều nghe. Vua và các quan, không ai là không khâm phục. Lái buôn sau quả đến cửa, hình dạng xấu xí, áo quần tồi tàn, hỏi: "Bạn ta trong ấy, ngươi gọi thì ra". Người nhà vào báo, kể đủ như vậy. Người đàn bà đi ra nói: "Ngươi không phải bạn ta". Đế Thích mỉm cười nói: "Biến hình đổi áo, nàng còn không biết, huống chi đời khác, bỏ thân này thọ thân kia sao?" Lại nói: "Nàng siêng thờ Phật, thời Phật khó gặp, tỳ kheo cao hạnh khó được cúng dường, mạng người như hơi thở, đừng theo đời mê". Nói xong không thấy. Cả nước vui khen, mỗi giữ sáu độ, hạnh cao diệu vợi.

Đức Phật bảo Thu Lộ Tử: "Người đàn bà bấy giờ là Di Lặc, còn trời Đế Thích ấy là thân ta".

Chí sắc vượt bờ của Bồ Tát, tinh tấn như vậy.


72
KINH NGƯỜI NỮ CẦU NGUYỆN

Xưa có Bồ tát, làm thân người nữ. Người chồng tính khí ngu ác hay ghen. Mỗi khi đi buôn bán, đem vợ gửi cho bà góa lối xóm. Mẹ góa vâng giữ giới Phật, làm hạnh thanh tín. Khi Phật vào nước, vua cùng thần dân, không ai là không thọ giới. Mẹ góa nghe kinh, về nói cho người đàn bà ấy nghe. Bà ấy vui khen: "Đây chắc là đấng Vô Thượng Chính Chân Đạo Tối Chính Giác "Bèn theo mẹ góa đi nghe Phật. Từ xa thấy Phật liền đảnh lễ. Ngày chay, mẹ góa hỏi: "Con đi nghe kinh được không?" Bà vui vẻ đáp: "Dạ được". Rồi theo đi đến ngoài thành, bỗng nhớ chồng hay ghen, buồn bã không vui, về lại nhà, tự khinh mình, nói: "Họa ta nặng vậy sao?" Mẹ nghe về, thuật lại: "Hôm nay, trời rồng quỉ thần, đế vương thần dân đi nghe kinh, có người chứng bốn quả sa môn, hoặc nhận thọ ký bồ tát. Thời Phật khó gặp, kinh pháp khó nghe, sao con trở về?" Người ấy nghe đức độ Phật, rơi lệ thuật rõ lòng ghen của chồng. Người mẹ góa nói: "Cứ thử đi một lần". Người vợ đáp: "Xin vâng".

Sáng mai theo mẹ góa đến gặp Phật, bèn gieo năm vóc xuống đất lạy, rồi đứng một bên với tâm trong sạch, thấy tướng Phật đẹp, nghĩ Phật thanh tịnh, thật bậc trời kính. Đức Phật hỏi người vợ rằng: "Con đến đây có ước nguyện gì?" Người vợ cúi đầu thưa: "Con nghe đức Phật là đấng Vô Thượng Chính Chân Đạo Tối Chính Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư, đức như hằng sa, trí như hư không, sáu thông bốn trí, chứng nhất thiết trí. Nay mới có dịp đến viếng đức Thế Tôn, xin Phật thương con". Đức Thế Tôn bảo: "Phật giúp tất cả, con tự do trình bày sở nguyện". Người vợ cúi đầu thưa: "Phàm người ở đơi, chưa hiểu bổn không, đều vì tham dục, mà thành vợ chồng ăn ở với nhau. Xin khiến con đời đời cùng người chí đức ở thành vợ chồng đồng chí không có nết ghen. Hai là thân, miệng, ý, nết hạnh đoan chính tuyệt thế. Ba là đời đời kính vâng ba báu, lòng trần ngày một tiêu trừ, tinh tấn học đạo không mỏi, chư Phật giúp sức, các tà không cản, tất được nhất thiết trí, cứu nạn chúng sinh". Đức Thế Tôn tán thán: "Lành thay! Lành thay! Mong người được vậy". Người đàn bà rất vui mừng, cúi đầu lạy, rồi trở lại nhà.

Người chồng buôn bán trở về, đi thuyền đường sông, lẽ ra ngày ấy thì đến. Trời Đế Thích thấy người vợ đức hạnh cao cả, phát nguyện không bì, bèn giúp vui khen lành, làm nổi gió mưa, chận mái thuyền đi, sáng mai mới tới. Người vợ sau khi chết, thần hồn sinh vào nhà có đạo đức, sắc đẹp tuyệt trần, lớn lên lấy chồng, làm vợ nho sĩ của nước, cả nước khen là cao hiền. Khi chồng đi biển tìm báu, muốn cứu dân nghèo, vợ ở nhà, lấy lễ tự giữ, như bức thành bảo vệ chống cướp. Hậu phi của vua, thê thiếp đại thần, không ai là không ngưỡng mộ, đến cửa như mây nhóm, vâng học nếp đức. Người vợ đêm ngủ tỉnh giấc nghĩ: "Đời là vô thường, giàu sang như huyễn, ai được lâu dài, thân như thuyền mục, thần hồn phải chở, như người đươc bóng trăng, mà mong báu trời, nhọc lòng khổ thân, ích gì cho mình, mộng huyễn đều không thì đời sang trời thần cũng về chỗ đó. Sáng mai ta sẽ đi tìm bậc Vô Thượng Chính Chân, bậc trời trong trời làm thầy cho ta".

Sáng sớm thức dậy, đã thấy tháp đá trước sân, tượng Phật vàng ánh, vách chạm viết kinh, ca ngợi đức Phật là thầy các thánh, đi một mình trong ba cõi. Người đàn bà mừng vui khen: "Đây chắc là đấng Như Lai Ứng Nghi Chính Chân Đạo Tối Chính Giác ư? Bèn gieo năm vóc xuống đất, rồi nhiễu quanh miếu ba vòng, rải hoa thắp hương, đốt đèn giăng gấm, sớm hôm thành kính, cúi đầu cúng lễ. Vương hậu, và phụ nữ trong nước xin theo thói sạch, bỏ tà chuộng chân.

Hàng xóm có kẻ hung phu đi buôn gặp chồng bà ấy nói: "Vợ anh theo yêu, dối dựng miếu quỉ, sớm tối xông hương, bùa chú yêu ma, nguyền cho anh chết, thật rất chẳng lành. Chồng về, vợ thưa: "Thiếp một đêm trước, hiểu đời vô thường, sáng thấy tượng tuyệt đẹp của bậc tôn linh vô thượng chính chân, đến ở giữa sân, nay thiếp cúng thờ, đốt hương thắp đèn, treo gấm dâng hoa, sớm hôm lễ bái, cúi đầu tự qui. Vậy chàng hãy thờ đi, ắt hợp pháp thánh". Chồng rất vui mừng, một lòng thành kính. Người trong nước lớn nhỏ, hết thảy vâng theo, như vậy đến tám vạn bốn nghìn năm.

Đức Phật bảo Thu Lộ Tử: "Người đàn bà bấy giờ là thân ta, người chồng lúc ấy là Di Lặc, bà mẹ góa là Thu Lộ Tử, còn kẻ hung phu hàng xóm là Điều Đạt".

Chí sắc vượt bờ của Bồ tát, tinh tấn như vậy.


73
KINH NGƯỜI THẮP ĐÈN THỌ KÝ

Xưa có Bồ tát, thân làm người nữ, trẻ đã góa bụa, thủ tiết qui y ba báu, chịu nghèo vui đạo, tinh tấn không lười, trừ bỏ lời dữ, làm nghề bán dầu.

Bấy giờ có một sa môn, tuổi đã về chiều, lòng giữ hạnh cao, chẳng thông văn học, bọn ưa khen chê đều bảo không trí, thiên về lễ kính, thiếu trước hụt sau, đi xin dầu mè, đem cúng trước Phật. Mẹ góa biết vậy, dâng không thiếu một ngày. Có một tỳ kheo, cúi đầu lạy dưới chân Phật, chắp tay thưa: "Tỳ kheo già ấy, tuy ít trí tuệ, nhưng giới đủ hạnh cao, đốt đèn cúng dường, sau được phước gì?" Đức Thế Tôn khen: " Lành thay! Lời hỏi. Tỳ kheo già ấy trải vô số kiếp sẽ làm Như Lai Vô Sở Trước Chính Chân Đạo Tối Chánh Giác, cổ có hai vòng hào quang, sẽ dắt ba cõi, chúng sinh được độ, số nhiều khôn kể. Mẹ góa nghe vậy, chạy đến chỗ Phật cúi lạy trình bày: "Thầy tỳ kheo thắp đèn, dầu do con cúng. Vị ấy chứng được Vô Thượng Chính Chân Đạo, sẽ dắt chúng sinh, hồn về gốc không, trời người rồng quỉ không ai là không vui mừng. Kính mong Phật thương, lại thọ ký cho con". Đức Phật bảo bà ấy: "Thân nữ không được làm Phật, Duyên giác, Phạm vương, Đế Thích, Ma thiên, Phi hành hoàng đế. Ngôi ấy vòi vọi, thân nữ không thể làm được.
Hễ muốn đạt được, phải bỏ xác dơ mà thọ thân sạch". Bà cúi đầu thưa: "Hôm nay con sẽ bỏ nó". Bèn về nhà tắm gội sạch sẽ từ xa vọng bái, thưa: "Thân do bốn đại mà có, ta chẳng giữ lâu". Thế rồi lên lầu phát nguyện: "Nay đem thân nhơ cho những chúng sinh đói khát, xin được thân nam, để nhận thọ ký làm Phật. Nếu có đời dơ, chúng sinh mờ tối, bỏ chính theo tà, không biết đến Phật, con sẽ ở trong đời đó mà cứu vớt họ".

Rồi từ lầu cao nhảy xuống, người xem lạnh run. Đức Phật biết ý chí thành, hóa khiến đất mềm như tơ trời. Cả thân không hại, liền hóa thân nam. Người ấy mừng rỡ vô lượng, đi đến chỗ Phật hớn hở thưa: "Nhờ ơn Thế Tôn, con được thân sạch, kính mong thương xót, thọ ký cho con". Đức Phật khen: "Người chí dũng mãnh, đời ít người có, ắt được thành Phật, đừng hoài nghi nữa. Tỳ kheo đốt đèn khi được thành Phật sẽ trao danh hiệu cho ngươi". Trời người rồng quỉ nghe vị ấy sẽ thành Phật đều hướng về lạy mừng, rồi trở về nhà khen ngợi, mỗi người ngày thêm tinh tấn, bấy giờ khuyên dạy quần sinh, số không kể xiết.

Đức Phật bảo Thu Lộ Tử: "Tỳ kheo bấy giờ là đức Phật Định Quang, người đàn bà góa là thân ta".

Chí sắc vượt bờ của Bồ Tát, tinh tấn như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567