Kinh Tạp A Hàm
Tạp A-hàm quyển 13 (326 - 336)
Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
KINH 326. LỤC XÚC THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có sáu xúc thân. Đó là nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân. Đó là sáu xúc thân.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 327. LỤC THỌ THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có sáu thọ thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó gọi là sáu thọ thân.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 328. LỤC TƯỞNG THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có sáu tưởng thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tưởng và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 329. LỤC TƯ THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có sáu tư thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tư và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tư. Đó gọi là sáu tư thân.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 330. LỤC ÁI THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có sáu ái thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra ái và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra ái. Đó gọi là sáu ái thân.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 331. LỤC CỐ NIỆM
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có sáu thứ luyến nhớ[50]. Đó là luyến nhớ sắc, luyến nhớ thanh, luyến nhớ hương, luyến nhớ vị, luyến nhớ xúc, luyến nhớ pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến nhớ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 332. LỤC PHÚ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có sáu thứ che đậy[51]. Đó là sắc hữu lậu giữ tâm che đậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu giữ tâm che đậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 333. VÔ THƯỜNG[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh ra nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”
Như vô thường, thì khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.
Như bốn kinh Nội nhập xứ, bốn kinh Ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.
KINH 334. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ-kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.
“Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Đó là, nghiệp là nhân, nghiệp là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.
“Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.
“Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.
“Vô minh có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy đúng là hệ phược của vô minh.
“Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng? là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư duy đúng nên sanh ra si mê. Sự ngu si ấy là vô minh. Dục cầu si mê gọi là ái. Hành vi do ái tạo tác nên gọi là nghiệp.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh. Vô minh là nhân của ái. Ái là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
KINH 335. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, đó là kinh Đệ nhất nghĩa không. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số[53]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.
“Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.
“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Đệ nhất nghĩa không.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 336. LỤC HỶ HÀNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có sáu hỷ hành[54]. Đó là: Này các Tỳ-kheo, nếu ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ-kheo gọi đó là sáu hỷ hành.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.