Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

40. Phẩm bảy ngày

07/05/201318:21(Xem: 12955)
40. Phẩm bảy ngày

Kinh Tăng Nhất A-hàm

40. Phẩm bảy ngày

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH SỐ 1[69]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, sau giờ ăn, các Tỳ-kheo tập trung ở giảng đường Phổ hội bàn luận như vầy: “Núi Tu-di này rất là rộng lớn, các núi khác không thể sánh, hết sức kỳ lạ, cao rộng hùng vĩ. Như vậy mà không bao lâu nữa sẽ bị tan rã, không còn sót thứ gì. Các núi lớn khác y tựa vào núi Tu-di, cũng sẽ tan rã.”

Bấy giờ, Thế Tôn bằng thiên nhĩ nghe các Tỳ-kheo bàn luận như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ giảng đường kia và ngồi xuống. Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ngươi ở đây đang bàn luận những gì? Đang định làm gì?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Chúng con tụ tập ở đây luận về pháp sự kia. Những điều vừa được thảo luận đều đúng như pháp.”

Thế Tôn bảo:

“Lành thay, [735c] Tỳ-kheo! Các ngươi xuất gia cần phải phải thảo luận chánh pháp. Nhưng cũng không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh. Vì sao vậy? Khi các Tỳ-kheo tụ tập một chỗ thì nên làm hai việc. Nhừng gì là hai? Một là luận bàn như pháp; hai là im lặng như Thánh Hiền. Các ngươi làm hai việc này, luôn luôn được an ổn, không mất thời nghi. Vừa rồi, các ngươi đã luận nghĩa như pháp những gì vậy?”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Hôm nay, các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường này để luận nghĩa như vầy: ‘Thật là kỳ lạ, núi Tu-di này hết sức cao rộng, nhưng núi Tu-di này như vậy không bao lâu sẽ bị tan rã. Các núi Thiết vi ở bốn phía cũng sẽ bị tan rã như vậy.’ Vừa rồi chúng con tụ tập ở đây bàn luận như pháp vậy.”

Thế Tôn bảo:

“Các ngươi có muốn nghe sự biến chuyển đưa đến bại hoại của cảnh giới thế gian này không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Nay là lúc thích hợp, cúi xin Thế Tôn hợp thời giảng nói, để cho chúng sanh được tâm giải thoát.”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ luôn trong lòng.”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Thưa vâng, Thế Tôn.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo:

“Núi Tu-di thật rộng lớn, không núi nào có thể sánh bằng. Tỳ-kheo, nên biết, núi Tu-di nhô khỏi mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do tuần và chìm dưới nước sâu cũng tám vạn bốn ngàn do tuần. Núi Tu-di được tạo nên do bốn loại báu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Lại có bốn góc cũng được tạo thành do bốn loại báu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Thành vàng, quách bạc; thành bạc, quách vàng; thành thuỷ tinh, quách lưu ly; thành lưu ly, quách thuỷ tinh. Trên núi Tu-di có năm loại trời cư trú ở đó, đều do túc duyên mà sống nơi này. Những gì là năm? Trong thành bạc kia có trời Tế cước[70] cư trú; trong thành vàng kia có trời Thi-lợi-sa[71] cư trú; trong thành thuỷ tinh kia có trời Hoan duyệt[72] cư trú; trong thành lưu ly kia có trời Lực thạnh[73] cư trú. Giữa thành vàng và bạc có Tì-sa-môn Thiên vương cư trú cùng với số lượng Dạ-xoa không thể đếm xuể. Giữa thành vàng và thuỷ tinh có Tì-lưu-bác-xoa Thiên vương cư trú cùng với các Long thần. Giữa thành thuỷ tinh và lưu ly có Tì-lưu-lặc-xoa Thiên vương cư trú. Giữa thành lưu ly và vàng có Đề-đầu-lại-tra Thiên vương cư trú .

“Tỳ-kheo, nên biết, [736a] dưới núi Tu-di có A-tu-la cư trú. Khi A-tu-la muốn đánh nhau với trời Tâm thập tam thì trước cùng đánh nhau với trời Tế cước. Nếu thắng, tiến đến thành vàng cùng đánh nhau với trời Thi-lợi-sa. Khi đã thắng trời Thi-lợi-sa, lại đến thành thuỷ tinh cùng đánh nhau với trời Hoan duyệt. Thắng rồi, chúng tiến đến thành lưu ly. Thắng đây rồi, chúng đánh nhau với trời Tam thập tam.[74]

“Tỳ-kheo, nên biết, trời Tam thập tam cư trú trên đỉnh núi Tu-di, ngày đêm phát ra ánh sáng; tự chiếu sáng cho nên như vậy. Nương vào núi Tu-di mà mặt trời, mặt trăng trôi đi. Nhật thiên tử có thành quách dài rộng năm mươi mốt do tuần. Nguyệt thiên tử có thành quách dài rộng ba mươi chín do tuần. Ngôi sao lớn nhất dài rộng một do tuần, sao nhỏ nhất dài rộng hai trăm bộ. Đỉnh núi Tu-di từ đông sang tây,từ nam đến bắc, dài rộng tám vạn bốn nghìn do tuần. Gần núi Tu-di, phía nam có núi Đại thiết vi[75] dài rộng dài tám vạn bốn nghìn dặm, cao tám vạn dặm. Thêm nữa, ngoài núi này có núi Ni-di-đà[76] bọc quanh núi ấy, cách núi Ni-di-đà lại có núi tên là Khư-la,[77] cách núi này lại còn có núi tên Ti-sa,[78] cách núi này lại còn có núi tên Mã đầu,[79] lại có núi tên Tì-na-da, kế núi Tì-na-da[80] lại có núi tên Thiết vi, Đại thiết vi.

“Chính giữa núi Thiết vi có tám địa ngục lớn, mỗi[81] địa ngục có mười sáu ngục phụ.[82] Núi Thiết vi này giúp ích rất nhiều cho Diêm-phù-đề-lý-địa. Nếu không có núi Thiết vi này, Diêm-phù-đề-lý-địa thường là nơi hôi thối. Bên ngòai núi Thiết vi có núi Hương tích;[83] cạnh đó có tám vạn bốn ngàn voi chúa trắng sinh sống nơi này. Mỗi con có sáu ngà được trang sức bằng vàng, bạc. Trong núi ấy có tám vạn bốn ngàn hang, các voi ấy cư trú ở đó. Con voi tối thượng được tạo bởi vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Thích Đề-hoàn Nhân thường tự thân cởi nó. Chuyển luân Thánh vương cởi voi nhỏ nhất. Cạnh núi Hương tích có ao nước Ma-đà, sinh tòan hoa sen ưu-bát, hoa câu-mâu-đầu; những con voi kia nhổ rễ ăn. Cạnh ao nước Ma-đà có núi tên Ưu-xà-già-la. Núi này sanh ra đủ loại cây cỏ, chim, thú, sâu bọ, hổ báo đều nương vào núi này mà ở, có nhiều người đắc thần thông cũng đều sống ở đây. Kế đó lại có núi tên Bàn-trà-bà, tiếp lại có núi tên Kỳ-xà-quật. [736a] Đây là chỗ y cứ của mà Diêm-phù-lý-địa.

“Các Tỳ-kheo nên biết, cho đến một lúc, khi thế gian này sắp băng hoại, trời không mưa, những lúa mạ đã gieo không tăng trưởng, các con sông suối nhỏ đều bị khô cạn, tất cả các hành đều qui về vô thường, không tồn tại lâu.

“Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc bốn sông lớn như Hằng hà, Tư-đầu, Tử-đà, Bà-xoa cũng lại khô cạn không còn gì sót lại. Cũng vậy Tỳ-kheo, vô thường trăm lần biến đổi chính là vậy.

“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi thế gian này có hai mặt trời xuất hiện, lúc ấy các loại cây cối thảo mộc đều điêu tàn. Cũng vậy Tỳ-kheo, vô thường biến dịch, không được tồn tại lâu dài. Lúc ấy, nước các nguồn suối nhỏ đều khô cạn. Tỳ-kheo, nên biết, khi hai mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn tất cả đều khô cạn đến cả trăm do tuần, dần dần đến bảy trăm do tuần, nước tự nhiên khô.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi ba mặt trời xuất hiện ở thế gian, nước bốn biển lớn trong vòng ngàn do tuần, tự nhiên khô cạn, dần dần cho đến bảy ngàn do tuần, nước tự nhiên khô cạn.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi bốn mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn chỉ còn sâu khoảng một ngàn do tuần. Như vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường không tồn tại lâu dài được.

“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi thế gian có năm mặt trời xuất hiện, lúc ấy nước trong bốn biển lớn chỉ còn bảy trăm do tuần nước, dần dần còn lại một trăm do tuần. Tỳ-kheo, nên biết, khi năm mặt trời xuất hiện, nước biển chỉ còn một do tuần; dần dần nước khô không còn gì hết. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước chỉ còn bảy thước. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước biển khô hết không còn gì. Tỳ-kheo, nên biết, tất cả các hành đều vô thường, không tồn tại lâu dài được.

“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi sáu mặt trời xuất hiện, mặt đất dày sáu vạn tám ngàn do tuần này đều bốc khói hết. Núi Tu-di cũng dần dần bị sụp lở. Khi sáu mặt trời xuất hiện, ba ngàn đại thiên quốc độ này đều băng họai. Giống như người thợ gốm nung đồ gốm. Lúc ấy, ba ngàn đại thiên quốc độ cũng lại như vậy, lửa cháy bừng bừng, lan khắp nơi.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi sáu mặt trời xuất hiện, tám địa ngục lớn cũng bị tiêu diệt, nhân dân qua đời. Năm loại trời nương vào núi Tu-di cũng mạng chung. Trời Tam thập tam, trời Diêm thiên, cho đến trời Tha hoá [736c] tự tại cũng mạng chung; cung điện đều trống. Khi sáu mặt trời xuất hiện, núi Tu-di và ba ngàn đại thiên quốc độ đều trống không, không còn gì. Như vậy, Tỳ-kheo, các hành đều vô thường, không tồn tại lâu dài được.

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, khi bảy mặt trời xuất hiện, bấy giờ đất tuy dày sáu vạn tám ngàn do tuần và ba ngàn đại thiên quốc độ đều bốc lửa. Khi bảy mặt trời xuất hiện, núi Tu-di này dần dần tan họai, trăm ngàn do tuần tự nhiên sụp lở hòan tòan không còn gì, cũng không còn thấy mảy may khói bụi, huống gì là thấy tro!

“Khi ấy, cung điện trời Tam thập tam cho đến trời Tha hoá tự tại đều bốc lửa. Lửa bốc cháy nơi này cho đến trên Phạm thiên. Các thiên tử mới sinh ở thiên cung kia, vì xưa nay không thấy kiếp thiêu, nên khi thấy ánh lửa bốc cháy này trong lòng kinh hãi, lo bị lửa đốt. Song những vị thiên tử sống lâu, đã từng thấy kiếp thiêu liền đến an ủi những thiên tử mới sanh: ‘Các ông chớ có lo sợ. Lửa này hòan tòan không thể lan đến nơi này.’

“Tỳ-kheo, nên biết, khi bảy mặt trời xuất hiện, từ nơi này đến sáu trời Dục giới, cho đến ba ngàn đại thiên quốc độ, đều thành tro bụi, cũng không còn dấu vết hình chất. Như vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường, không thể bảo tồn lâu, đều đưa đến hoại diệt. Bấy giờ, nhân dân qua đời, sinh về quốc độ khác, hoặc sinh lên trời. Chúng sanh nào trong địa ngục, nếu tội trước đã hết thì sinh lên trời, hoặc quốc độ khác. Nếu chúng sanh địa ngục kia chưa hết tội thì lại dời đến quốc độ khác.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi bảy mặt trời xuất hiện, không còn dấu vết ánh sáng mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Khi ấy mặt trời mặt trăng đã diệt, không còn ngày và đêm. Này Tỳ-kheo, đó gọi là vì quả báo nên đưa đến tan rã này.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi thành tựu kiếp trở lại, cho đến một lúc lửa tự nó tắt mất, trong hư không nổi lên mây lớn, dần dần mưa xuống. Khi ấy, ba ngàn đại thiên quốc độ này đều ngập nước. Nước dâng lên cõi Phạm thiên.

“Tỳ-kheo, nên biết, bấy giờ nước này dần dần ngưng lại và tự tiêu hết. Lại có cơn gió khởi lên tên là Tuỳ lam, thổi nước này tụ lại một chỗ. Lúc bấy giờ, gió này lại thổi dậy một ngàn núi Tu-di, một ngàn núi Kì-di-đà,[84] một ngàn núi Ni-di-đà, một ngàn núi Khư-la, một ngàn núi Y-sa, một ngàn núi Tỳ-na, một ngàn núi Thiết vi, một ngàn núi Đại thiết vi. Lại sinh tám ngàn địa ngục, [737a] lại sanh một ngàn núi Mã đầu, một ngàn núi Hương tích, một ngàn núi Bàn-trà-bà, một ngàn núi Ưu-xà-già, một ngàn cõi Diêm-phù-đề, một ngàn cõi Cù-da-ni, một ngàn cõi Phất-vu-đãi, một ngàn cõi Uất-đơn-việt. Lại sinh nước một ngàn biển, lại sinh một ngàn cung Tứ thiên vương, một ngàn trời Tam thập tam, một ngàn Diệm thiên, một ngàn trời Đâu-suất, một ngàn trời Hoá tự tại, một ngàn trời Tha hoá tự tại.

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, nước rút, đất bày trở lại. Khi ấy trên đất tự nhiên có lớp chất béo đất,[85] rất thơm ngon hơn cả cam lồ. Nên biết chất béo đất kia có mùi vị giống như rượu ngọt bồ đào.

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, các vị trời Quang âm nói với nhau: ‘Chúng ta xuống Diêm-phù-đề để xem mặt đất kia khi phục hồi trở lại.’ Thiên tử Quang âm xuống đến thế gian, thấy trên mặt đất có béo đất này liền dùng ngón tay quết đưa vào miệng mà ăn thử. Khi ấy, thiên tử ăn nhiều béo đất nên không còn oai thần và ánh sáng nữa, thân thể trở nên nặng mà sanh ra xương thịt, mất thần túc không còn bay được. Thiên tử nào ăn ít béo đất thì thân thể không nặng, cũng không mất thần túc, có thể bay lại trên hư không.

“Lúc ấy, những thiên tử mất thần túc đều cùng nhau than khóc, nói với nhau: ‘Nay chúng ta thật là cùng khốn, lại mất thần túc, phải ở lại thế gian, không thể trở lên trời lại được.’ Rồi họ ăn chất béo đất này, và để ý nhan sắc nhau. Khi ấy, thiên tử nào có nhiều dục ý thì trở thành thành người nữ, rồi làm tình dục cùng nhau vui thích.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là lúc thế gian mới hình thành có pháp dâm này lưu truyền thế gian, là thường pháp tối sơ, khi người nữ xuất hiện ở đời; cũng lại là pháp xưa chẳng phải mới ngày nay.

“Lúc ấy, các vị trời Quang âm khác thấy các thiên tử đoạ lạc liền đến quở trách rằng: ‘Vì sao các ông lại làm hạnh bất tịnh này.’ Lúc này, các chúng sanh lại tự nghĩ: ‘Chúng ta phải tìm cách nào để có thể nghỉ đêm với nhau mà mọi người không thấy.’ Dần dần chúng làm nhà cửa để tự che thân thể. Này Tỳ-kheo, đó gọi là do nhân duyên này mà ngày nay có nhà cửa.

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc chất béo đất tự nhiên lẩn xuống đất, sau đó sanh ra lúa gạo rất tươi sạch, cũng không có vỏ ngòai, hết sức thơm ngon khiến người ăn được mập trắng. Sáng thu hoạch, chiều lại sinh; chiều thu họach, sáng lại sinh. Này Tỳ-kheo, bấy giờ mới có tên lúa gạo này xuất hiện.

[737b]“Tỳ-kheo, cho đến một lúc nhơn dân biếng nhác, không chuyên cần sinh họat. Có một người suy nghĩ: ‘Vì sao ngày nào ta cũng phải gặt hái lúa thóc này. Nên thu một lần cho cả hai ngày.’ Người đó liền đi thu hoạch lúa một lần cho hai ngày.

“Bấy giờ, nhân dân lần lượt mang thai, và do đó có sự sanh đẻ.

“Một lúc nọ, có một chúng sanh bảo chúng sanh kia: ‘Chúng ta cùng đi gặt lúa.’ Người kia đáp: ‘Tôi đã lấy lương thực đủ cho hai ngày.’ Người này nghe xong bèn nghĩ nghĩ: ‘Ta phải chứa lương thực bốn ngày.’ Người ấy liền lo lương thực đủ bốn ngày. Lại có chúng sanh nói với chúng sanh ấy rằng: ‘Chúng ta cùng ra ngòai thâu lúa.’ Người này đáp: ‘Tôi đã lấy lương thực bốn ngày.’ Người kia nghe rồi liền nghĩ như vầy: ‘Ta phải lo lương thực tám ngày.’ Nó liền lo chứa thức ăn tám ngày. Do vậy, lúa kia không sinh trở lại. Bấy giờ, mọi người suy nghĩ như vầy: ‘Thế gian có tai hoạ lớn. Giờ lúa thóc này không như xưa nữa. Nay phải phân chia lúa thóc này.’ Tức thì chúng phân chia lúa thóc. Lúc ấy, có chúng sanh suy nghĩ như vầy: ‘Giờ ta hãy giấu lúa thóc mình. Nên ăn trộm lúa thóc người khác.’ Rồi chúng sanh ấy giấu lúa thóc mình, ăn trộm lúa thóc người khác. Chủ kia bắt gặp nó ăn trộm lúa thóc, liền nói với nó: ‘Sao ông lấy lúa thóc của tôi? Giờ tha tội ông, sau này chớ tái phạm.’ Bấy giờ, thế gian bắt đầu có tâm trộm cắp này. Lúc này, lại có chúng sanh nghe lời này rồi liền nghĩ như vầy: ‘Giờ ta hãy giấu lúa thóc mình. Nên trộm lúa thóc người khác.’ Rồi, chúng sanh ấy liền cất vật của mình mà lấy vật người khác. Người chủ kia thấy vậy, nói với nó: ‘Sao ông lại lấy lúa thóc tôi?’ Nhưng người kia im lặng không đáp. Lúc ấy, chủ vật liền giơ nắm tay đánh: ‘Từ nay về sau chớ có xâm lấn nữa!’ Bấy giờ, mọi người dân nghe chúng sanh trộm lẫn nhau, bền tụ tập và cùng bàn bạc: ‘Thế gian có phi pháp này, chúng trộm lẫn nhau. Nay phải lập người giữ ruộng để giữ gìn ruộng. Có chúng sanh kia thông minh tài giỏi nên lập làm chủ ruộng.’ Rồi họ bầu chọn chủ ruộng mà nói rằng: ‘Các vị nên biết, thế gian có sự trộm cắp phi pháp này. Nay ông hãy giữ ruộng, chúng tôi sẽ trả công cho. Những người dân nào đến lấy trộm lúa thóc người khác, hãy trị tội họ.’ Bấy giờ chủ ruộng được lập.

“Tỳ-kheo, nên biết, người giữ ruộng kia bấy giờ [737c] được gọi là dòng sát-lợi, đều là pháp xưa chẳng phải pháp bây giờ.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ này:

Dòng sát-lợi bắt đầu,
Đứng đầu trong các họ.
Người thông minh tài giỏi,
Được trời người kính đãi.

“Bấy giờ, có người kia xâm phạm vật người khác, nó liền bị sát-lợi bắt trị phạt. Nhưng người ấy lại không sửa đổi lỗi mà vẫn tái phạm. Chúa sát-lợi ra lệnh làm đao trượng, bắt người kia mà bêu đầu. Bấy giờ thế gian bắt đầu có sự sát sanh này. Khi ấy, mọi người dân nghe giáo lệnh này: ‘Nếu có ai trộm cướp lúa thóc người khác, Chua sát-lợi sẽ bắt giết.’ Tất cả sợ hãi, lông tóc đều dựng đứng.

“Có người dựng am cỏ, ở trong ấy toạ thiền, tu phạm hạnh, nhất quyết xả bỏ gia nghiệp, vợ con thê thiếp. Độc cư nhàn tịnh quyết chí tu phạm hạnh. Nhân từ đó về sau có dòng họ bà-la-môn. Bấy giờ liền có hai dòng họ xuất hiện ở đời.

“Tỳ-kheo, nên biết, thời bấy giờ do trộm cắp nên có sát sanh; do sát nên có đao trượng.

“Bấy giờ, chúa sát-lợi bố cáo nhân dân: ‘Người nào dẹp đẽ, tài cao, sẽ được giáo thống lĩnh nhân dân này.’ Lại bố cáo: ‘Nếu người dân nào trộm cắp sẽ bị trừng trị.’ Sau đó liền có dòng họ tỳ-xá này xuất hiện ở đời.

“Bấy giờ, có nhiều chúng sanh nghĩ như vầy: ‘Nay mọi người sát hại nhau, đều là do nghề nghiêp mà ra. Nay ta phải lui tới khắp nơi để mưu tự nuôi sống.’ Khi ấy liền có dòng họ Thủ-đà-la xuất hiện ở đời.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ này:

Đầu tiên dòng sát-lợi;
Kế đến bà-la-môn;
Thứ ba là tỳ-xá;
Tiếp nữa dòng thủ-đà.
Có bốn dòng dõi này,
Dần dần sanh lẫn nhau,
Đều từ thân trời đến,
Và cùng một sắc da.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi có tâm sát sanh, trộm cắp này, nên không còn có lúa thóc tự nhiên này nữa. Bấy giờ, có năm loại hạt giống, một là hạt từ rễ, hai là hạt từ thân, ba [738a] là hạt từ cành, bốn là hạt từ hoa, năm là hạt từ quả và sinh những loại hạt giống khác. Đó gọi là năm loại giống, đều do gió thổi từ các quốc độ nơi khác đến, được dùng để trồng, lấy đó để tự nuôi sống.

“Như vậy, Tỳ-kheo, thế gian có điềm báo này liền có sanh, già, bệnh, chết, cho đến khiến cho ngày nay có thân năm thủ uẩn này, không dứt được biên tế khổ.

“Đó gọi là sự biến đổi lúc kiếp thành bại của thế giới mà Ta nói cho các ngươi. Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm, nay Ta đã nói hết cho các ngươi. Hãy vui sống nơi chỗ nhàn tĩnh, nên nhớ nghĩ ngồi thiền, chớ sinh giải đãi. Nay không tinh thành, sau hối hận vô ích. Đây là những lời dạy dỗ của Ta.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2[86]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, tại thành La-duyệt, cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm vị.

Bấy giờ, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế ở giữa quần thần nói rằng:

“Nước Bạt-kỳ rất thịnh vượng, dân chúng đông đúc. Ta sẽ chinh phạt để thu phục nước ấy.”

Rồi vua A-xà-thế bảo bà-la-môn Bà-lợi-ca[87] rằng:

“Ông hãy đến chỗ Thế Tôn, xưng tên họ ta mà hỏi thăm Thế Tôn, đảnh lễ, thừa sự rồi thưa: ‘Vua A-xà-thế bạch Thế Tôn, vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, không biết có được không?’ Nếu Như Lai có dạy gì, ông hãy nhớ kỹ rồi về nói lại cho ta. Vì sao vậy? Như Lai không có nói hai lời.”

Bà-la-môn vâng lệnh vua, đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn bạch Phật rằng:

“Vua A-xà-thế kính lạy Thế Tôn, thừa sự, hỏi thăm.”

Rồi lại bạch:

“Ý muốn vua muốn công phạt nước Bạt-kỳ, trước hết đến hỏi Phật, không biết có được không?”

Bấy giờ, Bà-la-môn kia lấy y che kín đầu, chân mang giày ngà voi, hông đeo kiếm bén, không nên vì ông nói pháp.

Khi ấy, Thế Tôn bảo A-nan:

“Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tu bảy pháp, quyết không bị giặc cướp bên ngoài tiêu diệt. Những gì là bảy? Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tập họp lại một chỗ không phân tán, sẽ không bị nước khác phá hoại. Đó gọi là pháp thứ nhất không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ trên dưới hoà [738b] thuận, nhân dân nước Bạt-kỳ sẽ không bị người ngoài cầm giữ. Này A-nan, đó gọi là pháp thứ hai không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tà dâm, đắm sắc người nữ khác, đó gọi là pháp thứ ba không bị giặc ngoại xâm phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không đem việc nơi này truyền đến nơi kia, cũng lại không đem việc nơi kia truyền đến nơi này, đó gọi là pháp thứ tư không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ cúng dường sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, kính lễ đồng phạm hạnh, đó gọi là pháp thứ năm không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tham đắm của báu người khác, đó gọi là pháp thứ sáu không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ đều cùng một lòng, hướng[88] đến miếu thần, mà chuyên tinh ý mình, sẽ không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại. Đó gọi là pháp thứ bảy không bị giặc ngoại xâm phá hoại.

“A-nan, đó gọi là người Bạt-kỳ tu bảy pháp này, quyết không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.”

Khi ấy, bà-la-môn bạch Phật:

“Giả sử người nước Bat-kỳ thành tựu chỉ một pháp thôi, còn không thể hoại, huống chi đến bảy pháp thì làm sao hoại nổi? Đày đủ thay, Bạch Thế Tôn. Nhưng việc nước đa đoan, con muốn trở về.”

Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Sau khi bà-la-môn đi được một lát, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói bảy pháp không thối chuyển, các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

“Sao gọi là bảy pháp không thối chuyển? Tỳ-kheo, nên biết, nếu Tỳ-kheo cùng tập hợp lại một chỗ, đều cùng hoà thuận, trên dưới chăm sóc nhau, tiến dần lên trên, tu các pháp lành không thối chuyển, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ nhất.

“Lại nữa, chúng Tăng hoà hợp, thuận theo giáo pháp, tiến dần lên trên không thối chuyển, không để Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ hai.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không bận rộn công việc, không huân tập nghiệp đời, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ ba.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không tụng đọc sách tạp, trọn [738c] ngày sách tấn tình ý tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ tư.

“Lại nữa, Tỳ-kheo siêng tu pháp, trừ khử ngủ nghỉ, thường tự cảnh tỉnh, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ năm.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không học toán thuật, cũng không khuyến khích người khác học, thích chỗ yên tĩnh, tu tập pháp, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ sáu.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khởi tưởng tất cả thế gian không đáng ưa thích, tập hạnh thiền, kham nhẫn pháp giáo, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ bảy.

“Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, hoà thuận với nhau, Ma không thể tùy tiện.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này:

Trừ bỏ mọi nghiệp đời,
Không tư duy loạn tưởng.
Nếu không hành như vậy,
Không thể được tam-muội.
Người hay ưa thích phap;
Phân biệt nghĩa pháp ấy;
Tỳ-kheo ưa hạnh này,
Sẽ dẫn đến tam-muội.

“Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay, Ta sẽ nói về bảy sử,[89] các ngươi hãy ghi nhớ kỹ.”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.

Thế Tôn nói:

“Những gì là bảy? Một là sử tham dục, hai là sử sân hận, ba là sử kiêu mạn, bốn là sử ngu si, năm là sử nghi, sáu là sử tà kiến, bảy là sử tham đắm thế gian.[90] Tỳ-kheo, đó gọi là có bảy sử này khiến chúng sanh, mãi mãi ở nơi tối tăm, thân bị trói buộc, trôi lăn mãi ở thế gian không có lúc dừng, cũng không thể biết cội nguồn của sanh tử. Giống như hai con trâu một đen, một trắng cùng chung một cái ách, cùng lôi kéo nhau không thể xa rời nhau. Chúng sanh này cũng như vậy, [739a] bị tham dục sử, vô minh sử này trói buộc không thể lìa nhau, năm sử còn lại cũng đuổi theo. Năm sử đuổi theo thì bảy sử cũng vậy. Nếu kẻ phàm phu bị bảy sử này trói buộctrôi lăn mãi trong sanh tử không được giải thoát, không thể biết nguồn gốc khổ.

“Tỳ-kheo, nên biết, do bảy sử này mà có ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này nên không thể vượt qua được cảnh giới tệ ma. Nhưng pháp bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Những là bảy? Sử tham dục, dùng niệm giác chi để trị. Sử sân hận, dùng trạch pháp giác chi để trị. Sử tà kiến, dùng tinh tấn giác chi để trị. Sử tham đắm thế gian, dùng hỷ giác chi để trị. Sử kiêu mạn dùng khinh an* giác chi để trị. Sử nghi, dùng định giác chi để trị. Sử vô minh, dùng xả* giác chi để trị. Tỳ-kheo, đó gọi là dùng bảy giác chi để trị bảy sử ấy.

“Tỳ-kheo, nên biết, xưa khi Ta chưa thành Phật, còn đang thực hành Bồ-tát hạnh, ngổi dưới bóng cây, suy nghĩ như vầy: ‘Chúng sanh Dục giới bị những gì trói buộc?’ Lại nghĩ: ‘Chúng sanh này bị bảy sử cuốn trôi trong sanh tử, mãi không được giải thoát. Nay Ta cũng bị bảy sử này trói, không giải thóat được.’ Rồi Ta lại nghĩ: ‘Lấy gì để trị bảy sử này?’ Ta lại suy nghĩ: ‘Bảy sử này nên dùng bảy giác chi để trị. Ta hãy tư duy về bảy giác chi.’ Khi tư duy bảy giác chi, tâm dứt sạch hữu lậu, liền được giải thoát. Sau jhi thành Đạo Vô thượng chánh chơn, trong bảy ngày ngồi kiết già, Ta tư duy thêm nữa bảy giác chi này. Cho nên, các Tỳ-kheo, muốn dứt trừ bảy sử thì phải tu tập pháp bảy giác chi.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng thế gian. Những ai là bảy hạng người? Một là hành từ, hai là hành bi, ba là hành hỷ, bốn là hành xả*, năm là hành không, sáu là hành vô tướng, bảy là hành vô nguyện. Đó gọi là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là [739b] phước điền vô thượng thế gian. Vì sao vậy? Vì có chúng sanh nào hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp được quả báo.”

Khi ấy, A-nan bạch Thế Tôn :

“Vì sao không nói Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Phật mà lại nói bảy pháp này?”

Thế Tôn nói:

“Bảy hạng người, hành từ, v.v, hành của họ cùng với Tu-đà-hoàn cho đến Phật không giống nhau. Tuy cúng dường Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng không được báo hiện tiền; nhưng cúng dường bảy hạng người này, ở hiện đời được báo. Cho nên, A-nan, cần phải nổ lực dũng mãnh để thành tựu bảy pháp này. A-nan, hãy học điều này như vậy.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành .

KINH SỐ 5

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại ao Di hầu, Tỳ-xá-ly, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .

Bấy giờ, đến giờ khất thực, Thế Tôn đắp y mang bát cùng A-nan vào Tỳ-xá-ly khất thực. Lúc ấy, trong thành Tỳ-xá-ly có trưởng giả tên Tỳ-la-tiên nhiều của lắm báu không thể đếm xuể, nhưng lại tham lam keo kiệt, không có tâm huệ thí, chỉ hưởng phước cũ, không tạo thêm phước mới. Lúc ấy, trưởng giả kia dẫn các thể nữ ở hậu cung ca múa vui đùa với nhau.

Bấy giờ, Thế Tôn đi đến con đường ấy, biết mà vẫn hỏi A-nan:

“Tiếng đờn ca đang nghe phát ra từ nhà nào vậy?”

A-nan bạch Phật:

“Đó là từ nhà của trưởng giả Tỳ-la-tiên.”

Phật bảo A-nan:

“Sau bảy ngày nữa, trưởng giả này sẽ qua đời, sanh vào địa ngục Thế khốc.[91] Vì sao vậy? Đó là pháp thường. Nếu người nào đọan hết căn lành, khi mạng chung đều sanh vào địa ngục Thế khốc. Nay trưởng giả này đã hết phước cũ lại không tạo phước mới.”

A-nan bạch Phật:

“Có nhân duyên gì khiến trưởng giả này sau bảy ngày không qua đời không?”

Phật bảo A-nan:

“Không có nhân duyên nào để không qua đời. Những hành vi đã tạo kiếp trước hôm nay đã hết. Điều này không thể tránh khỏi.”

A-nan bạch Phật:

“Có phương cách nào giúp trưởng giả này không sanh vào địa ngục Thế khốc không?”

Phật bảo A-nan:

“Có cách này có thể giúp trưởng giả không vào địa ngục.”

A-nan bạch Phật:

“Nhân duyên nào để trưởng giả không vào địa ngục?”

Phật bảo A-nan:

“Nếu trưởng giả này, cạo bỏ râu tóc, mặt ba pháp y, xuất gia học đạo, thì tránh khỏi [739c] tội này được.”

A-nan bạch Phật:

“Nay con có thể khiến cho trưởng giả này xuất gia học đạo!”

Rồi thì, A-nan từ giã Thế Tôn, đi đến nhà trưởng giả này, đứng ở ngoài cửa. Khi ấy, trưởng giả từ xa trông thấy A-nan đến, liền ra nghênh đón và mời ngồi. A-nan bảo trưởng giả:

“Hiện tôi ở gần bậc Nhất thiết trí, nghe Như Lai báo trước về thân ông, sau bảy ngày nữa thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục Thế khốc.”

Trưởng giả nghe rồi, trong lòng sợ hãi, lông tóc dựng đứng, thưa với A-nan: “Có cách nào giúp trong bảy ngày không qua đời không?”

A-nan đáp:

“Không có cách nào giúp trong bảy ngày thóat khỏi mạng chung.”

Trưởng giả lại bạch:

“Có cách nào giúp con mạng chung không sanh vào địa ngục Thế khốc không?”

A-nan đáp:

“Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Nếu trưởng giả cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, thì không vào trong địa ngục.’ Nay trưởng giả có thể xuất gia học đạo để đến bờ kia.”

Trưởng giả bạch:

“Ngài A-nan, hãy đi trước, tôi sẽ đến ngay.”

Sau đó, A-nan liền ra đi. Trưởng giả tự nghĩ: “Bảy ngày hãy còn xa. Nay ta có thể tự vui thích ngũ dục, sau đó sẽ xuất gia học đạo.”

Hôm sau, A-nan lại đến nhà trưởng giả, nói với trưởng giả:

“Một ngày đã qua, chỉ còn lại sáu ngày, đúng lúc xuất gia!”

Trưởng giả bạch:

“Ngài A-nan, hãy đi trước đi, tôi sẽ theo ngay.”

Nhưng trưởng giả kia vẫn cố không đi. Qua hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày, lúc này A-nan đến nhà trưởng giả bảo trưởng giả:

“Đúng lúc hãy xuất gia, kẽo sau hối hận không kịp. Nếu không xuất gia, hôm nay mạng chung sẽ sanh vào trong địa ngục Thế khốc.”

Trưởng giả bạch A-nan: “Tôn giả hãy đi trước, tôi sẽ theo sau ngay.”

A-nan bảo:

“Trưởng giả, hôm nay ông dùng thần túc gì để đến nơi ấy, mà bảo tôi đi trước? Nay cả hai phải đi cùng lúc.”

Lúc ấy, A-nan dẫn trưởng giả này đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi bạch Phật:

“Trưởng giả này, nay muốn xuất gia học đạo, cúi xin Như Lai cho phép cạo bỏ râu tóc, khiến được học đạo.”

Phật bảo A-nan:

“Nay ngươi hãy đích thân độ cho trưởng giả này.”

Lúc ấy, A-nan vâng lời Phật dạy, liền [740a] cạo bỏ râu tóc cho trưởng giả, dạy cho đắp ba pháp y, cho học chánh pháp. Bấy giờ, A-nan dạy Tỳ-kheo kia rằng:

“Ông hãy nhớ nghĩ tu hành, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tĩnh, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Hãy tu hành pháp như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo. Hành mười niệm này thì lập tức được quả báo lớn, được pháp vị cam lồ.”

Sau khi tu tập pháp như vậy rồi, ngay trong ngày hôm đó, ông ấy mạng chung sanh lên Tứ thiên vương.

Bấy giờ, A-nan liền hoả thiêu thân kia, rồi trở về chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, A-nan bạch Thế Tôn:

“Vừa rồi Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên đã qua đời. Ông sanh về nơi nào?”

Thế Tôn bảo:

“Tỳ-kheo này chết sanh lên Tứ thiên vương.”

A-nan bạch Phật:

“Ở đó mạng chung sẽ sanh nơi nào?”

Thế Tôn bảo:

“Ở đó mạng chung sẽ sanh lên trời Tam thập tam, rồi lần lượt sanh lên trời Diệm thiên, trời Đâu-suất, trời Hoá tự tại, trời Tha hoá tự tại. Từ đó mạng chung, sanh trở lại cho đến trời Tứ thiên vương. Này A-nan, đó gọi là Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên bảy phen chuyển vòng trong trời người, cuối cùng được làm thân người, xuất gia học đạo, sẽ dứt sạch gốc khổ. Vì sao vậy? Vì vị ấy có lòng tin ở Như Lai.

“A-nan nên biết, cõi Diêm-phù-đề này, nam bắc hai vạn một nghìn do tuần, đông tây bảy nghìn do tuần. Nếu có người cúng dường tất cả người cõi Diêm-phù-đề, phước đó có nhiều không?”

A-nan bạch Phật:

“Thật nhiều, thật nhiều, bạch Thế Tôn.”

Phật bảo A-nan:

“Nếu chúng sanh nào chỉ trong khoảnh khắc, tín tâm không đứt đoạn, tu tập mười niệm, phước kia không thể lường, không có thể đo lượng được. Như vậy, A-nan hãy tìm cầu phương tiện tu tập mười niệm.

“A-nan, hãy học điều này như vậy.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[92]

Tôi nghe như vầy:

Một thời,đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ nói pháp cực diệu, khoảng đầu, giữa, cuối đều thiện xảo, nghĩa lý sâu xa, đầy đủ tu phạm hạnh. Kinh này gọi là ‘pháp thanh tịnh các lậu,’ các ngươi hãy nhớ nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Các Tỳ-kheo vâng theo Phật dạy.

Thế Tôn bảo:

[740b]“Sao gọi là pháp sạch các lậu? Hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi thấy, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi thân cận, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi viễn ly, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi ngu lạc, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi oai nghi, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi tư duy.[93]

“Sao gọi là hữu lậu được đoạn trừ bởi thấy? Ở đây, kẻ phàm phu không gặp Thánh nhân, không thuận theo pháp Như Lai, không thể thủ hộ pháp Hiền Thánh, không thân cận thiện tri thức, không tùng sự với thiện tri thức; pháp đã được nghe cần tư duy mà không phân biệt; pháp không nên tư duy mà tư duy, khiến cho dục lậu chưa sinh liền sinh, dục lậu đã sinh liền tăng nhiều; hữu lậu chưa sinh liền sinh, hữu lậu đã sinh liền tăng nhiều; vô minh lậu chưa sanh liền sinh, vô minh lậu đã sinh liền tăng nhiều. Đó là pháp không nên tư duy mà tư duy.

“Sao gọi là pháp nên tư duy, nhưng không tư duy[94]? Pháp nên tư duy là do pháp đó mà dục lậu chưa sanh khiến không sinh, dục lậu đã sinh thì liền diệt; hữu lậu chưa sanh khiến không sinh, hữu lậu đã sinh thì liền diệt; vô minh lậu chưa sinh khiến không sanh, vô minh lậu đã sanh thì liền diệt. Đây gọi là pháp nên tư duy mà không tư duy. Điều không nên tư duy mà tư duy, điều nên tư duy lại không tư duy, khiến dục lậu chưa sinh liền sinh, dục lậu đã sinh liền tăng nhiều, hữu lậu chưa sinh liền sinh, hữu lậu đã sinh liền tăng nhiều, vô minh lậu chưa sinh liền sinh, vô minh lậu đã sinh liền tăng nhiều. Người kia khởi lên tư duy như vầy: ‘Có quá khứ lâu xa hay không? Ta có thể đã hiện hữu trong quá khứ lâu xa ấy.’ Hoặc lại tư duy: ‘Không có quá khứ lâu xa. Ta hiện hữu trong quá khứ lâu xa hay không? Ai hiện hữu trong quá khứ lâu xa? Có tương lai lâu xa hay không? Ta sẽ hiện hữu trong tương lai lâu xa.’ Hoặc lại nói: ‘Không tương lai lâu xa. Ta sẽ hiện hữu trong tương lai lâu xa hay không? Ai hiện hữu tương lai lâu xa? Vì sao có chúng sanh lâu xa này? Chúng sanh lâu xa này từ đâu mà đến? Từ đây mạng chung sẽ sinh về đâu?’ Người kia khởi lên những ý nghĩ chẳng lành này liền khởi lên sáu kiến, lần lượt sinh tưởng tà: Thấy rằng có ngã, có kiến này hay không? Thấy rằng không có ngã, có phát sanh kiến này hay không? Thấy rằng vừa có ngã, vừa không ngã, ở trong đó có phát sinh kiến này hay không? Lại do quán sát tự thân khởi lại kiến này: ở nơi chính ta mà không thấy có ta. Lại khởi lên kiến này: ở nơi không có ta mà không thấy không có ta, ở trong đó khởi kiến này. Bấy giờ, người kia lại sinh tà kiến này: Ngã đời này cũng là ngã đời sau, tồn tại mãi ở đời không bị tan rã, cũng không biến dịch, lại không dời đổi.[95] Đó gọi là tụ tà kiến. Tà kiến, tai hoạ, sầu bi, khổ não, đều từ đây sinh, không thể chữa trị, cũng lại không thể loại bỏ, làm tăng gốc khổ. Do đó không phải là hành của sa-môn, đạo Niết-bàn.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, đệ tử Hiền Thánh tu hành pháp kia không mất thứ lớp, khéo biết thủ hộ, tùng sự theo thiện tri thức. Vị ấy có thể phân biệt, biết rõ pháp nên tư duy cũng, và cũng biết rõ pháp nào nên tư duy. Vị ấy không tư duy pháp không nên tư duy; tư duy pháp nên tư duy.

“Pháp gì không nên tư duy mà vị ấy không tư duy? Ở đây, các pháp khiến dục lậu chưa sinh bèn sinh, dục lậu đã sinh bèn tăng nhiều; hữu lậu chưa sinh bèn sinh, hữu lậu đã sinh bèn tăng nhiều; vô minh lậu chưa sinh bèn sinh, vô minh lậu đã sinh bèn tăng nhiều. Đây gọi là pháp không nên tư duy.

“Pháp gì nên tư duy mà vị ấy tư duy? Ở đây, các pháp khiến dục lậu chưa sinh khiến không sinh, dục lậu đã sinh liền diệt, hữu lậu chưa sinh khiến không sanh, hữu lậu đã sinh liền diệt, vô minh lậu chưa sinh khiến không sinh, vô minh lậu đã sinh liền diệt. Đây gọi là pháp nên nên tư duy. Vị ấy cũng không tư duy điều không nên tư duy vị, và tư duy điều nên tư duy. Vị ấy tư duy như vậy, liền diệt ba pháp. Những gì là ba? Thân tà, giới đạo, và nghi.[96] Nếu không thấy không biết thì tăng thạnh hữu lậu, nếu thấy nghe nghĩ biết thì không tăng hạnh hữu lậu; đã biết, đã thấy thì hữu lậu liền không sinh. Đây gọi là lậu do thấy đoạn được.[97]

“Sao gọi là lậu được đoạn bằng kham nhẫn[98]? Ở đây, Tỳ-kheo chịu đựng đói lạnh, cần khổ, gió mưa, ruồi muỗi, lời ác, mạ nhục, thân sinh thống khổ, rất là đau buồn, mạng sắp muốn dứt, mà có thể nhẫn chịu. Nếu không như vậy, liền sinh khổ não. Nếu có thể kham chịu, thì không sinh như vậy. Đây gọi là lậu [741a] được đoạn bởi kham nhẫn*.

“Sao gọi là lậu được đoạn bằng thân cận?[99] Ở đây, Tỳ-kheo nắm giữ tâm khi nhận y, không vì trang sức mà chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng, muốn cho gió mưa không chạm vào thân mình; lại che thân thể không để lộ ra ngòai. Lại nữa, nắm giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm nhiễm đắm, chỉ cốt giữ gìn thân thể khiến cho bệnh cũ được lành, mới không sinh; gìn giữ các hành không cho xúc phạm, an ổn lâu dài mà tu tập phạm hạnh lâu bền ở đời. Lại nắm giữ tâm ý, khi thọ dụng giường ghế, cũng không ham trang trí tốt đẹp, chỉ mong trừ đói lạnh, gió mưa, ruồi muỗi, giữ gìn thân mình để thực hành đạo pháp. Lại nữa, giữ tâm khi thọ dụng thuốc trị bệnh, không sanh tâm nhiễm đắm nơi thuốc trị bệnh kia, chỉ mong cho bệnh tật được trừ khỏi, thân thể được an ổn. Nếu không thọ dụng như vậy thì tai hại của hữu lậu sẽ phát sinh. Nếu thọ dụng như vậy thì tại hại của hữu lậu không sinh. Đây gọi là hữu lậu được đoạn bởi thân cận.

“Sao gọi là lậu hoặc được đoạn bởi viễn ly?[100] Ở đây, Tỳ-kheo trừ bỏ tưởng loạn[101] do bởi voi dữ, lạc đà, bò ngựa, hổ sói, chó, rắn, hầm sâu, bờ hiểm, gai góc, sườn cao, bùn lầy; thảy đều nên tránh xa chúng. Chớ tùng sự với ác tri thức, cũng lại không gần gũi với người ác, hay tư duy thuần thục không lìa khỏi đầu mối của tâm. Nếu không giữ gìn[102] thì sinh hữu lậu, nếu được giưc gìn thì không sinh hữu lậu. Đây gọi là hữu lậu được đọan bởi viễn ly.

“Sao gọi là hữu lậu được đọan bởi ngu lạc?[103] Ở đây, Tỳ-kheo sinh tưởng dục mà không xả ly; khởi tưởng sân nhuế cũng không xả ly; lại khởi tưởng tật đố cũng không xả ly. Nếu không xả ly thì sinh hữu lậu, nếu có thể xả ly liền có thể không khởi hữu lậu. Đây gọi là hữu lậu được đọan bởi ngu lạc.

“Sao gọi là lậu được đoạn nhờ oai nghi?[104] Ở đây, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc không khởi tưởng sắc, cũng không khởi tâm nhiễm ô, giữ nhìn nhãn căn đầy đủ, không để khuyết lậu. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp đều không khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi đắm mà giữ gìn ý căn. Nếu không giữ gìn oai nghi mình thì sinh hữu lậu, nếu giữ gìn oai nghi mình thì không có tai hoạn hữu lậu. Đây gọi là lậu được đoạn bởi oai nghi.

“Sao gọi là [741b] lậu được đoạn bởi tư duy? Ở đây, Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu; tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an* giác chi, định giác chi, xả* giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu. Nếu không tu pháp này thì sinh tai họan hữu lậu. Nếu có thể tu pháp này thì không sinh tai hoạn hữu lậu. Đây gọi là lậu được đoạn bởi tư duy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, ở nơi Tỳ-kheo mà những gì là hữu lậu được đọan trừ bới kiến, liền được đoạn trừ bởi kiến; được đoạn trừ bởi kham nhẫn* liền được đoạn trừ bởi kham nhẫn* , được đoạn trừ bởi thân cận liền thân cận, được đoạn trừ bởi viễn ly liền được đoạn trừ bởi viễn ly, được đoạn trừ bởi oai nghi liền được đoạn trừ bởi oai nghi, được đoạn trừ bởi tư duy liền tư duy. Đó gọi là Tỳ-kheo đầy đủ tất cả oai nghi có thể đoạn ái kết, xả ái dục, vượt qua bốn bộc lưu, dần dần thoát khổ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là pháp trừ hữu lậu.

“Nhừng gì mà Chư Phật Thế Tôn cần làm, vì từ niệm đối với tất cả chúng sanh, nay Ta cũng đã làm xong. Các ngươi nên luôn luôn vui thích chỗ vắng, ở dưới bóng cây, chuyên cần tinh tấn, chớ có giải đãi. Hiện tại không nổ lực, sau hối hận cũng vô ích. Đây là những lời dạy dỗ của Ta.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[105]

KINH SỐ 7[106]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở bên bờ sông A-du-xà,[107] cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị.

Lúc ấy, Đại Quân-đầu[108] đang ở tại mổ chỗ nhàn tĩnh, tự nghĩ: “Có nghĩa này, mà thường tăng thêm công đức, hay không lý này?” Rồi Quân-đầu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và ngồi qua một bên. Bấy giờ Quân-đầu bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi, khi ở chỗ nhàn tĩnh, con tự nghĩ: ‘Có lý này hay không, là những gì được làm cho [741c] chúng Tăng được tăng thêm công đức?’ Nay con hỏi Thế Tôn, cúi xin dạy cho.”

Thế Tôn bảo:

“Có thể được tăng ích công đức.”

Quân-đầu bạch Phật:

“Thế nào là được tăng thêm công đức?”

Thế Tôn đáp:

“Có bảy sự kiện tăng ích, phước kia không thể kể được, cũng không ai có thể tính đếm được. Những gì là bảy? Ở đây, con trai thiện gia, hoặc con gái thiện gia, tạo dựng Tăng già-lam nơi chưa từng tạo dựng. Phước này không thể kể.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem giường ghế cúng dường Tăng già-lam kia, cùng Tăng Tỳ-kheo, này Quân-đầu, đây là phước thứ hai không thể kể hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem thức ăn cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia; này Quân-đầu, đó là phước thứ ba không thể tính hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem áo che mưa cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia, này Quân-đầu, đó là công đức thứ tư, phước kia không thể lường.

“Lại nữa, Quân-đầu, con trai, con gái thiện gia đem thuốc cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia, này Quân-đầu, đó là phước thứ năm không thể tính hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam thiện nữ đào giếng tốt nơi hoang dã, này Quân-đầu, đó là công đức thứ sáu cũng không thể tính hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ nào làm nhà dọc đường cho người qua lại có chỗ nghỉ đêm, này Quân-đầu, đó là công đức thứ bảy không thể tính xiết.

“Này Quân-đầu, đó gọi là pháp bảy công đức, phước kia không thể đo lường. Khi đi, hoặc ngồi, ngay đến khiến mạng chung, phước kia cũng theo sau như bóng theo hình, phước đức ấy không thể tính hết để có thể nói có bao nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn, không thể dùng thăng đấu để đong được để nói có bao nhiêu nước. Bảy công đức này cũng vậy, phước ấy không hạn lượng. Cho nên, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy công đức này.

“Quân-đầu, hãy học điều này như vậy.”

Quân-đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 8

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi hãy tu hành, niệm tưởng về sự chết, tư duy về tưởng chết.”

Khi ấy, có một Tỳ-kheo đang ngồi ở chỗ kia, bạch Thế Tôn:

[742a] “Con thường tu hành tư duy tưởng về sự chết.”

Thế Tôn bảo:

“Ngươi tư duy tu hành tưởng về sự chết thế nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Con tư duy về tưởng chết rằng: ‘Ý sẽ còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy bảy giác chi, để ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích, sau khi chết không hối hận.’ Thế Tôn, con tư duy về tưởng chết như vậy.”

Thế Tôn bảo:

“Thôi, Thôi, Tỳ-kheo! Đây chẳng phải hành về tưởng chết. Đấy gọi là pháp phóng dật.”

Lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

“Con có thể tu hành về tưởng chết.”

Thế Tôn bảo:

“Ngươi tu hành tư duy về tưởng chết thế nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Con suy nghĩ: ‘Ý sẽ còn sống sáu ngày nữa, tư duy Chánh pháp Như Lai, rồi sau đó mạng chung. Như vậy mới có sự tăng ích.’ Con tư duy tưởng chết như vậy.”

Thế Tôn bảo:

“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đó cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tư duy về tưởng chết.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Ý sẽ tồn tại năm ngày, hoặc nói bốn ngày, hoặc nói ba ngày, hai ngày, một ngày.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đây cũng là pháp phóng dật chẳng phải tư duy về tưởng chết.”

Lúc ấy, lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

“Con có thể kham nhận tu hành về tưởng chết.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Đến giờ khất thực, con đắp y mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực, rồi ra khỏi thành Xá-vệ, trở về nơi ở, vào trong tịnh thất, tư duy về bảy giác chi mà mạng chung. Đây là tư duy về tưởng chết.”

Thế Tôn bảo:

“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Những điều mà Tỳ-kheo các ngươi mói đều là hành phóng dật, chẳng phải là tu hành pháp tưởng chết.”

Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu ai có thể như Tỳ-kheo Bà-ca-lợi[109] , đó gọi là tư duy về tưởng chết. Tỳ-kheo ấy có thể khéo tư duy về tưởng chết, nhàm tởm thân này là bất tịnh ghê tởm. Tỳ-kheo tư duy về tưởng chết, phải buộc ý trước mắt, tâm không di động, niệm số đếm hơi thở ra vào, đồng thời tư duy về bảy giác chi, như vậy ở trong pháp Như Lai mới được nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hoá, không có chơn thật. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để [743b] thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh quần thần:

“Hãy nhanh chóng chuẩn bị xe lông chim. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ thăm hỏi.”

Sau đó, đại vương ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Như Lai đang thuyết pháp cho vô số chúng đang vây quanh. Lúc ấy, có bảy Ni-kiền Tử, lại có bảy người lõa hình, lại có bảy bà-la-môn Đen[110], lại có bảy bà-la-môn lõa hình, đi qua cách Thế Tôn không xa.

Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc thấy những người này đi qua cách Thế Tôn không xa, liền bạch Phật:

“Xem những người này đi qua trông không dừng, đều là thiểu dục tri túc, không có gia nghiệp. Nay trong những vị A-la-hán ở thế gian này, những người này là tối thượng thủ. Vì sao vậy? Ở giữa mọi người, họ là những người rất là khổ hành, không tham lợi dưỡng.”

Thế Tôn nói:

“ Đại vương hoàn toàn chưa biết chân A-la-hán. Không phải vì hình thể lõa lồ mà gọi là A-la-hán. Đại vương, nên biết, đó đều chẳng phải là hành chân thật. Nên nhớ nghĩ quan sát sự biến đổi từ xa xưa đến nay, rồi lại nên quán ai đáng thân thì biết thân, ai đáng gần thì biết gần. Vì sao vậy? Thời quá khứ lâu xa có bảy bà-la-môn, cùng học một chỗ, tuổi đã suy sụp, lấy cỏ làm y phục, ăn rau quả, sinh các tà kiến. Họ đều nghĩ như vầy: ‘Chúng ta trì pháp khổ hành này để sau làm vua nước lớn. Hoặc cầu làm Thích, Phạm, Tứ thiên vương.’

Bấy giờ, có vị Thiên sư A-tư-đà[111] vốn là tổ phụ của các bà-la-môn ấy, biết những ý nghĩ trong tâm các bà-la-môn kia, liền biến mất khỏi Phạm thiên, hiện đến chỗ bảy bà-la-môn. Lúc ấy, Thiên sư A-tư-đà bỏ phục sức cõi trời, hiện hình bà-la-môn, kinh hành ở đất trống. Bảy bà-la-môn từ xa trong thấy A-tư-đà kinh hành, ai nấy đều nổi sân nhuế mà nói rằng: ‘Đây là người đắm dục nào mà đi trước những đồng phạm hạnh chúng ta? Nay phải chú thuật cho nó tiêu thành tro.’ Bảy bà-la-môn này liền lấy tay bụm nước rảy lên bà-la-môn này và chú rằng: ‘Giờ ngươi hãy mau biến thành tro bụi.’ Nhưng bà-la-môn càng tức giận thì nhan sắc của Thiên sư A-tư-đà càng xinh đẹp. Vì sao vậy? Vì tâm từ hay [742c] diệt sân. Lúc ấy, bảy bà-la-môn tự nghĩ: ‘Cấm giới của ta đã bị suy giảm hay sao mà chúng ta càng nổi giận thì người ấy càng xinh đẹp thêm?’ Rồi bảy bà-la-môn liền nói với vị Thiên sư rằng:

Là trời? Càn-thát-bà?

La sát? hay quỷ thần?

Thật sự người tên gì?

Chúng tôi đều muốn biết.

“Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ đáp rằng:

Chẳng phải trời, Đạp-hòa,

La sát hay quỷ thần

Mà ta đây chính là

Thiên sư A-tư-đà

“Tôi biết ý nghĩ của các ông nên từ cõi trời Phạm thiên bay xuống đây. Phạm thiên cách đây rất xa. Thiên đế Thích cũng vậy. Dùng khổ hành để làm Chuyển luân Thánh vương còn không được, huống gì là làm Đế Thích, Phạm thiên hay Tứ thiên vương.

“Lúc ấy, Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ:

Trong tâm đầy niệm tưởng,
Mà ngoại hình tồi tàn.
Nhưng siêng tu chánh kiến
Mới xa lìa ác đạo.
Giữ tâm cho thanh tịnh,
Thân, miệng cũng như vậy;
Xa lìa các niệm ác;
Chắc chắn sẽ sanh thiên.

“Lúc ấy, bảy bà-la-môn hỏi: ‘Ngài có thật là Thiên sư không?’ Thiên sư A-tư-đà đáp: ‘Đúng vậy. Nhưng không phải do lõa hình mà được sanh thiên. Vị tất tu khổ hành ấy mà được sanh lên trời Phạm thiên. Cũng chẳng phải phơi bày thân thể hay làm ngần ấy khổ hành mà được sanh nơi ấy. Nhưng nếu có thể thu nhiếp tâm ý không cho lay động thì được sanh thiên. Không thể sanh nơi ấy bằng cách mà các ông đang làm.’

“Này Đại vương, quán sát ý nghĩa này, không phải do lõa hình mà gọi là A-la-hán. Kẻ phàm phu không thể phân biệt được ai là bậc Chân nhân, nhưng bậc Chân nhân thì có thể phân biệt do hành vi được làm nào là phàm phu. Lại nữa, kẻ phàm phu không thể biết hành của của phàm phu; duy chỉ bậc Chân nhân mới biết hành của phàm phu. Đại vương, nên biết, do phương tiện mà biết rằng điều đó đã có từ trước lâu xa rồi, chứ không phải mới ngày nay. Đại vương, hãy học điều này như vậy.”

Bấy giò, vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn rằng:

“ Những điều Như Lai dạy rất là hay, người đời chẳng thể hiểu nổi. Nhưng việc nước quá [743a] nhiều, con xin cáo về.”

Phật bảo vua:

“Vua hãy biết thời”

Vua đứng dậy, đảnh lễ sát đất rồi ra đi.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10[112]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở vườn Ny-câu-lâu thuộc nước Ca tỳ la vệ của dòng họ Thích, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .

Bấy giờ, sau khi ăn, Thế Tôn từ vườn Ni-câu-lâu đến trong xóm Tì-la-da-trí[113] và ngồi dưới một gốc cây. Lúc ấy, Chấp Trượng, người họ Thích,[114] ra khỏi thành Ca tỳ la việt, đến chỗ Thế Tôn, rồi đứng im lặng.

Sau đó, Chấp Trượng Thích hỏi Thế Tôn rằng: “Sa môn dạy dỗ điều gì? Bàn luận những gì?”

Thế Tôn bảo: “Bà-la-môn nên biết, điều mà Ta luận thì trời rồng, quỷ thần không thể theo kịp,[115] chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian.[116] Điều mà Ta luận là như vậy.”

Khi ấy, Chấp Trượng Thích lắc đầu, thở dài, rồi bỏ đi. Sau đó, Như Lai đứng dạy trở về tinh xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vừa rồi, khi Ta đang ngồi trong vườn, có Chấp Trượng Thích đến gặp ta và hỏi ta rằng: ‘Sa môn luận những gì?’ Ta đáp: ‘Điều mà Ta luận chẳng phải là điều mà chư thiên và thế gian có thể theo kịp, cũng chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian. Điều mà Ta luận là như vậy.’ Lúc ấy, Chấp Trượng Thích nghe xong liền bỏ đi.”

Lúc ấy, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:

“Thế nào là không dính mắc thế gian cũng không trụ ở thế gian?”

Thế Tôn bảo:

“Điều mà Ta luận hoàn toàn không dính mắc thế gian, cũng như nay được giải thoát khỏi tham dục, dứt trừ sự nghi ngờ của dòng họ Thích,[117] không có các tưởng.[118] Điều mà Ta luận là như vậy.”

Nói xong, Thế Tôn liền đi vào tịnh thất.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo nói với nhau: “Vừa rồi, Thế Tôn nói tóm lược ý nghĩa của luận ấy, mà ai có thể giảng rộng nghĩa này?”

Rồi các Tỳ-kheo nói với nhau: “Thế Tôn thường ca ngợi tôn giả Đại Ca-chiên-diên. Chỉ có Ca-chiên-diên có thể giảng rộng ý nghĩa này.”

Sau đó, các Tỳ-kheo nói với Ca-chiên-diên rằng:

“Vừa rồi Như Lai đã giảng tóm tắt ý nghĩa ấy. Cúi xin Tôn giả hãy giảng rộng thêm, phân biệt rõ ràng từng việc cho mọi người được hiểu.”

Ca-chiên-diên đáp:

“Ví dụ như có một người [743b] đi ra khỏi làng để tìm lõi cây. Vừa thấy cây to, người ấy liền đốn ngã lấy cành lá mang đi mà bỏ cây lại. Hôm nay các vị cũng như vậy. Các vị đã bỏ Như Lai mà đi tìm lõi cây nơi cành lá. Nhưng Như Lai nhìn thấy tất cả, không đâu không cùng khắp. Ngài soi sáng thế gian, là Đạo sư của Trời Người. Như Lai là chủ chân thật của pháp. Các vị phải tùy theo thời gian thích hợp, tự nhiên sẽ được Như Lai giải thsch cho ý nghĩa này.”

Lúc ấy, các Tỳ-kheo đáp:

“Tuy Như Lai là chủ chân thật của pháp, sẽ diễn rộng nghĩa ấy. Nhưng Tôn giả đã được Thế Tôn ghi nhận, có khả năng nói rõ nghĩa ấy.”

Ca-chiên-diên nói:

“Vậy các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, tôi sẽ giảng nói phân biệt nghĩa ấy.”

Các Tỳ-kheo đáp: “ Thưa vâng.”

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Ca-chiên-diên nói: “Luận mà hôm nay Như Lai nói đến, không phải là điều mà trời rồng, quỷ thần có thể theo kịp, không dính mắc, cũng không trụ thế gian, nhưng ta được giải thoát đối với chúng, dứt sạch nghi ngờ không còn do dự. Như chúng sanh ngày nay ưa thích tranh đấu, kiện tụng, khởi các loạn tưởng. Lại nữa, Như Lai nói, Ta không sanh tâm đắm nhiễm trong đó; đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi, kết sử vô minh, và do đó đưa đến đau khổ vì dao gậy, mà tranh đấu kiện tụng với người, phát sanh bao nhiêu hành vi bất thiện, phát sanh loạn tưởng.

“Khi mắt thấy sắc mà sanh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc[119]. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng.[120] Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp mà sanh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng. Đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi ngờ, kết sử vô minh, gây ra tai biến đao gậy và bao nhiêu tai biến khác không thể tính hết.

“Nếu có ai nói không có mắt, không có sắc mà lại có xúc*, điều đó không đúng. Nếu có ai nói không có xúc* mà có [743c] thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói không có tai, không có tiếng; không có mũi, không có mùi; không có lưỡi, không có vị; không có thân, không có sự xúc chạm; không có ý, không có pháp, mà nói là có thức, thì cũng không có lý. Nếu có ai nói không có xúc* mà có thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói, có mắt, có sắc và ở trong đó phát sanh ra thức, điều đó hợp lý. Nếu nói có tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, sự trơn láng; ý, pháp, và ở trong đó phát sanh ra thức, điều đó hợp lý. Các vị nên biết, do nhân duyên này nên Thế Tôn nói: ‘Điều mà Ta luận, không phải là điều mà trời, người, Ma, Thiên ma có thể theo kịp; không chấp trước thế gian, không trụ ở thế gian, nhưng Ta lại giải thoát khỏi tham dục, chấm dứt nghi ngờ, không còn do dự.’ Vì lý do này Thế Tôn nói nghĩa ấy. Nếu ai chưa thông suốt thì hãy đến gặp Thế Tôn hỏi lại nghĩa ấy. Như Lai có dạy điều gì, hãy ghi nhớ mà phụng hành.”

Nghe Ca-chiên-diên giảng xong, các Tỳ-kheo không nói là đúng, cũng không nói là sai, mà tức thời đứng dậy, nói với nhau: “Chúng ta hãy đem ý nghĩa này đến hỏi Thế Tôn. Thế Tôn có dạy điều gì, sẽ theo đó mà phụng hành.”

Rồi thì, số đông các Tỳ-kheo đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, rồi ngồi qua một phía, đem việc lúc nãy bạch với Thế Tôn.

Bấy giờ, Như Lai nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo Ca-chiên-diên thông minh, biện tài, đã giảng rộng nghĩa ấy. Nếu các ông đến hỏi Ta điều đó, thì Ta cũng giảng cho các ông như vậy mà thôi.”

Lúc ấy, A-nan đang đứng sau Như Lai. A-nan liền bạch Phật rằng:

“Ý nghĩa của kinh này rất sâu sắc. Giống như có người đi đường gặp cam lồ[121] liền lấy ăn. Thật hết sức thơm ngon, ăn không biết chán. Ở đây cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nghe kinh này sẽ không hề biết chán.”

A-nan lại hỏi:

“Kinh này tên là gì và phụng hành ra sao?”

Phật bảo A-nan:

“Kinh này tên là ‘Pháp vị cam lồ.’[122] Hãy ghi nhớ và phụng hành.”

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]