Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Phẩm Thiện tri thức

07/05/201316:26(Xem: 13161)
20. Phẩm Thiện tri thức

Kinh Tăng Nhất A-Hàm

20. Phẩm Thiện tri thức

Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng, Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH SỐ 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn dạy chư Tỳ-kheo:

“Nên gần gũi thiện tri thức, đừng tập theo ác hành, tin vào ác nghiệp. Vì sao vậy? Chư Tỳ-kheo, gần gũi thiện tri thức, tín được tăng trưởng; văn, thí, trí huệ, hết thảy đều tăng trưởng. Nếu các Tỳ-kheo gần gũi thiện tri thức, thì không tập theo các ác hành. Vì sao vậy? Nếu gần ác tri thức, sẽ không có tín, không có giới, văn, thí, trí tuệ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy gần gũi thiện tri thức, đừng gần gũi ác tri thức. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, [597a01] hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại Ca-lan-đà,[145] trong Trúc viên, thành La-duyệt, thuyết pháp cho năm trăm đại Tỳ-kheo vây quanh trước sau.

Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đâu[146] dẫn năm trăm Tỳ-kheo đi ngang qua, cách Như Lai không xa. Đức Thế Tôn từ xa thấy Đề-bà-đạt-đa tự dẫn môn đồ đi, liền nói kệ nầy:

Đừng gần ác tri thức,
Cũng đừng dại theo hầu.
Nên gần thiện tri thức,
Bậc tối thắng trong người.
Người vốn không có ác;
Tập gần ác tri thức,
Sau tất trồng gốc ác,
Ở mãi trong tối tăm.

Lúc đó, năm trăm đệ tử Đề-bà-đạt-đa nghe đức Thế Tôn nói kệ nầy, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên. Không lâu, họ rời chỗ ngồi, hướng về đức Thế Tôn hối lỗi:

“Chúng con ngu muội không hiểu biết gì. Cúi xin đức Thế Tôn nhận sự sám hối chúng con.”

Thế Tôn nhận sự sám hối của năm trăm vị Tỳ-kheo kia, rồi thuyết pháp cho họ, khiến được tín căn.

Bấy giờ năm trăm Tỳ-kheo ở nơi nhàn tịnh, tư duy pháp mầu. Vì sao vậy? Vì mục đích mà thiện gia nam tử, với lòng tin kiên cố, tu phạm hạnh vô thượng. Bấy giờ năm trăm Tỳ-kheo kia thành A-la-hán, tự biết như thật rằng, sanh tử đã hết, việc cần làm đã xong, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh nữa. Bấy giờ, năm trăm người thành A-la-hán.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho vô số chúng vây chung quanh. Lúc đó Đàm-ma-lưu-chi[147] một mình tư duy trong tĩnh thất, nhập thiền tam-muội, quán thấy tiền thân làm thân cá dài bảy trăm do tuần, ở trong biển lớn. Tức thì, ông rời tĩnh thất, trong khoảnh khắc như lực sĩ trong khoảng co duỗi cánh tay, đến biển lớn, đi kinh hành trên xác chết cũ. Khi ấy, Đàm-ma-lưu-chi nói kệ nầy:

Sanh tử vô số kiếp,
Lưu chuyển không thể tính.
[597b01] Mỗi mỗi cầu được an;
Liên lỉ chịu khổ não.
Dù thấy lại thân rồi,
Ý muốn tạo nhà cửa;
Tất cả chi tiết hoại,
Hình thể không nguyên vẹn.
Tâm đã lìa các hành,
Ái trước đã diệt tận,
Không thọ lại thân nầy;
Mãi vui trong niết-bàn.

Sau khi Tôn giả Đàm-ma-lưu-chi nói kệ nầy rồi, bèn biến mất khỏi chỗ đó, xuất hiện đến chỗ Thế Tôn tại tinh xá Kỳ-hoàn, nước Xá-vệ.

Thế Tôn thấy Đàm-ma-lưu-chi đến, liền bảo rằng:

“Lành thay, Đàm-ma-lưu-chi, lâu lắm mới đến chốn nầy.”

Đàm-ma-lưu-chi bạch Thế Tôn:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn, lâu lắm con mới đến chốn nầy.”

Bấy giờ các Thượng tọa và các Tỳ-kheo đều nghĩ thầm :

“Đàm-ma-lưu-chi nầy thường ở bên cạnh Thế Tôn, nhưng nay Thế Tôn bảo rằng: ‘Lành thay! Đàm-ma-lưu-chi, lâu lắm mới đến chốn nầy’?”

Thế Tôn biết được những ý nghĩ trong tâm các Tỳ-kheo, muốn dứt nghi ngờ của họ, nên bảo chư Tỳ-kheo:

“Chẳng phải vì Đàm-ma-lưu-chi lâu lắm đến chốn nầy mà Ta nói nghĩa này. Vì sao vậy? Vì vô số kiếp quá khứ xưa kia có đức Đính Quang[148] Như Lai Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đièu ngự trượng phu*, Thiên Nhân sư, Phật Thê Tôn* xuất hiện ở đời, giáo hóa tại đại quốc Bát-ma[149] cùng với mười bốn ngàn tám trăm đại Tỳ-kheo. Bấy giờ chúng bốn bộ không thể tính kể. Quốc vương, đại thần, quan lại, nhân dân, đều đến cúng dường, cung cấp những phẩm vật nhu yếu.

“Bấy giờ có bà-la-môn tên Da-nhã-đạt[150] sống bên sườn Tuyết sơn, xem sấm bí mật, thiên văn, địa lý, tất cả đều rất thông thạo; sách sớ, văn tự, cũng đều hiểu biết, đọc tụng một câu năm trăm từ; tướng của bậc đại nhân cũng đều biết rõ. Ông thờ các thần lửa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú và dạy năm trăm đệ tử đêm ngày không mỏi. bà-la-môn Da-nhã-đạt có đệ tử tên là Vân Lôi,[151] tướng mạo xinh đẹp hiếm có trên đời; mắt[152] màu xanh biếc. Bà-la-môn Văn Lôi thông minh, thấy rộng, thông hiểu mọi thứ, thường được Da-nhã-đạt yêu mến không chút rời xa. Bấy giờ, những chú thuật mà bà-la-môn làm đều đem ra dạy đủ hết. Lúc ấy bà-la-môn Vân Lôi liền suy nghĩ như vầy: ‘Nay ta đã đủ hết những gì nên học.’ Song lại nghĩ thầm: ‘Sách vở [597c01] có ghi, những bà-la-môn có học, người hành pháp thuật xong, phải báo ơn thầy. Nay những gì cần học ta đều biết hết. Nay ta phải báo đáp ân thầy. Nhưng mình nghèo thiếu, trống không, không có gì để cúng dường thầy. Ta hãy đi khắp nơi trong nước tìm những thứ cần.’

“Rồi bà-la-môn Vân-lôi liền đến chỗ thầy, bạch thầy rằng: ‘Những phương pháp kỹ thuật mà bà-la-môn học, nay con đã biết rồi. Nhưng trong sách lại ghi, những người học pháp thuật rồi phải báo ơn thầy. Song con lại nghèo thiếu, không có vàng bạc trân bảo có thể dùng cúng dường. Nay con muốn đi khắp nơi trong nước tìm kiếm tài vật dùng cúng dường thầy.’

“Bà-la-môn Da-nhã-đạt liền nghĩ thầm: ‘Bà-la-môn Vân Lôi nầy được ta yêu mến, không rời khỏi tâm, dù ta có chết còn không thể xa lìa, huống chi hôm nay muốn bỏ ta đi. Nay ta phải làm sao để giữ ở lại cho được?’

“Khi đó bà-la-môn Da-nhã-đạt liền bảo Vân-lôi: ‘Anh bà-la-môn, nay vẫn có điều bà-la-môn cần phải học mà anh còn chưa biết.’ Bà-la-môn Vân-lôi liền đến trước bạch thầy: ‘Cúi mong được chỉ dạy, những gì chưa đọc tụng.’

“Khi đó bà-la-môn Da-nhã-đạt liền suy nghĩ làm ra bài tụng năm trăm từ, bảo Vân Lôi: ‘Nay có sách nầy gọi là tụng năm trăm lời, anh nên học thuộc.’

“Vân Lôi bạch: ‘Mong thầy truyền thọ, con muốn được đọc tụng.’

“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Da-nhã-đạt liền truyền cho đệ tử bài tụng năm trăm lời nầy. Qua chưa được mấy ngày, tất đều thông suốt.

“Bà-la-môn Da-nhã-đạt bảo năm trăm đệ tử: ‘Bà-la-môn Vân Lôi nầy, kỷ thuật đầy đủ, không việc gì không thông. Ta đặt tên ngay là Siêu Thuật.’

“Bà-la-môn Siêu Thuật nầy rất là tài cao; thiên văn, địa lý không gì không xuyên suốt; thư sớ, văn tự cũng đều biết rõ. Bà-la-môn Siêu Thuật qua mấy ngày sau, lại thưa với thầy: ‘Pháp kỷ thuật mà bà-la-môn đã học, nay con biết hết rồi. Song trong sách ghi lại, những người học pháp thuật rồi phải báo ơn thầy. Nhưng con lại nghèo thiếu, không có vàng bạc, trân bảo, có thể cúng dường thầy. Nay muốn đi khắp nơi trong nước tìm kiếm tài vật để cúng dường thầy. Cúi mong thầy cho phép’. Bà-la-môn Da-nhã-đạt bảo: ‘Anh biết đúng thời.’

“Bà-la-môn Siêu Thuật đến trước lễ sát chân thầy rồi liền lui [598a01] đi.

“Bấy giờ, cách thị trấn của đại quốc Bát-ma không xa, có nhiều bà-la-môn tập hội lại một chỗ, đang thiết đại tế đàn và cũng để giảng luận. Lúc đó, có tám vạn bốn ngàn bà-la-môn cùng tụ tập. Vị thượng tọa đệ nhất cũng đọc tụng thư sớ ngoại đạo, không gì không tinh tường. Hiểu biết thiên văn địa lý, tinh tú biến quái tất đều biết rõ. Mỗi người khi sắp giải tán, họ liền lấy năm trăm lượng vàng, một cây gậy vàng, bình nước rửa bằng vàng và một ngàn con bò dùng dâng lên vị thượng sư và thượng toạ đệ nhất.[153]

“Bấy giờ bà-la-môn Siêu Thuật nghe cách nước lớn Bát-ma không xa có tám vạn bốn ngàn bà-la-môn đang tụ tập lại một chỗ. Họ có thi nghệ thuật. Người thắng được năm trăm lượng vàng, một cây gậy vàng, một bình nước rửa bằng vàng và một ngàn con bò.

“Bà-la-môn Siêu Thuật nghĩ thầm: ‘Nay ta sao phải đi khất cầu từng nhà? Chẳng bằng đến đám đông kia cùng so tài nghệ.’

“Rồi bà-la-môn Siêu Thuật liền đến chỗ đám đông. Bấy giờ, nhiều bà-la-môn từ xa trông thấy bà-la-môn Siêu Thuật, mọi người đều hô to: ‘Lành thay Từ chủ![154] Nay được lợi lớn mới khiến Phạm thiên đích thân giáng hạ.’

“Khi ấy tám vạn bốn ngàn bà-la-môn đều đứng dậy cùng nghinh đón, đồng loạt nói rằng: ‘Kính Đại Phạm Thần Thiên mới đến!’

“Bà-la-môn Siêu Thuật nghĩ thầm: ‘Các bà-la-môn nầy gọi ta là Phạm Thiên, nhưng ta lại chẳng phải Phạm Thiên!’

“Rồi bà-la-môn Siêu Thuật nói với các vị Bà-la-môn rằng: ‘Thôi, thôi, các Hiền giả, chớ gọi tôi là Phạm Thiên. Quí vị không nghe sao? Phía Bắc Tuyết sơn có thầy của chúng bà-la-môn tên Da-nhã-đạt, thiên văn địa lý không gì không tinh thông.’

“Các bà-la-môn nói: ‘Chúng tôi có nghe, nhưng chưa từng gặp.’

“Bà-la-môn Siêu Thuật nói: ‘Tôi chính là đệ tử của vị ấy, tên là Siêu Thuật.’

“Rồi bà-la-môn Siêu Thuật liền quay sang vị thượng tọa đệ nhất trong chúng ấy báo rằng: ‘Nếu ngài biết kỹ thuật xin nói cho tôi nghe.’

“Bấy giờ, người đứng đầu trong chúng kia liền quay sang bà-la-môn Siêu Thuật tụng ba tạng kỷ thuật[155] không hề sai sót. Bà-la-môn Siêu Thuật nói với vị thượng tọa kia rằng: ‘Một câu năm trăm lời, ông hãy nói đi!’

“Lúc đó, vị thượng tọa kia nói: ‘Tôi không hiểu nghĩa nầy. Cái gì là một câu năm trăm lời?’

“Bà-la-môn Siêu Thuật bảo: ‘Quí vị, hãy yên lặng nghe nói một câu năm trăm lời; nói về tướng [598b01] của bực đại Nhân.’

“Tỳ-kheo, nên biết, bấy giờ bà-la-môn Siêu Thuật liền tụng thuật ba tạng và, một câu năm trăm lời, về tướng của bực đại nhân. Khi ấy, tám vạn bốn ngàn bà-la-môn khen, ‘Chưa từng có, thật là kỳ đặc, từ trước chúng ta chưa nghe một câu năm trăm lời về tướng của bực đại nhân. Nay tôn giả nên đứng đầu làm thượng toạ đệ nhứt.’

“Bấy giờ bà-la-môn Siêu Thuật thay chỗ thượng tọa kia rồi, liền ngồi vào chỗ cao nhứt. Lúc đó, thượng tọa của chúng kia trong lòng rất tức giận, phát thệ nguyện như vầy: ‘Người nầy thay chỗ ngồi của ta, tự thế vào chỗ đó. Những phước mà ta có được nhờ tụng kinh, trì giới, khổ hạnh, nay đều đem hết để vào lời thề: Những nơi nào người nầy sanh ra, những việc gì người này muốn làm, ta luôn luôn phá hỏng công việc của nó.’

“Lúc đó người chủ cúng thí liền xuất năm trăm lạng vàng và một cây gậy vàng, một bình nước rửa bằng vàng, một ngàn con bò và một cô gái đẹp đem đưa cho thượng tọa để chú nguyện.

“Bấy giờ thượng tọa bảo chủ nhân rằng: ‘Nay tôi nhận năm trăm lạng vàng, gậy vàng và bình nước rửa bằng vàng nầy đem cúng dường thầy tôi. Còn cô gái và một ngàn con bò nầy trả lại cho thí chủ. Vì sao vậy? Vì tôi không tập hành dục, cũng không chứa của.’

“Bà-la-môn Siêu Thuật sau khi nhận gậy và bồn tắm rửa bằng vàng rồi liền đi đến nước lớn Bát-ma. Vua nước đó tên là Quang Minh.[156] Lúc đó, nước này thỉnh Như Lai Định Quang và chúng Tỳ-kheo cúng dường y phục ẩm thực. Bấy giờ, vua nước này thông báo trong thành: ‘Người dân nào có hương hoa, hết thảy không được bán. Nếu có ai bán, sẽ bị phạt nặng. Ta tự xuất tiền ra mua không cần đem bán.’ Lại ra lệnh nhân dân rưới nước quét dọn làm cho sạch, không để có đất cát dơ bẩn, treo tràng phan bảo cái lụa là, rưới hương thơm trên đất, xướng ca kỹ nhạc không thể tính kể.

“Bà-la-môn kia thấy vậy, liền hỏi người đi đường rằng: ‘Nay là ngày gì mà rưới nước quét dọn đường sá, dẹp bỏ bất tịnh, treo tràng phan bảo cái lụa là, không thể tính kể, chẳng lẽ thái tử của quốc chủ hay kết hôn chăng?’

“Người đi đường kia đáp: ‘Bà-la-môn không biết sao? Hôm nay vua nước lớn Bát-ma thỉnh Định Quang Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, cúng dường y phục đồ ăn thức uống, nên mới sửa sang đường xá bằng phẳng, treo tràng phan bảo cái lụa là.’Vả lại, trong bí điển của bà-la-môn cũng có lời nầy: ‘Như Lai xuất thế rất khó gặp được. Rất lâu mới xuất hiện; thật khó có thể gặp được. Cũng như hoa ưu-đàm-bát thật rất lâu mới xuất hiện. Đây cũng [598c01] như vậy, Như Lai xuất hiện ở đời thật không thể gặp được. Lại trong sách bà-la-môn cũng nói: ‘Có hai người ra đời rất khó gặp được. Hai người ấy là ai? Như Lai và Chuyển luân Thánh vương. Hai người nầy xuất hiện rất khó gặp được.’

“Bấy giờ người kia lại nghĩ rằng: ‘Ta sao phải cấp tốc báo ân thầy? Nay ta hãy đem năm trăm lạng vàng nầy dâng lên đức Định Quang Như Lai.’ Ông lại nghĩ như vầy: ‘Trong sách có ghi, Như Lai không nhận vàng bạc trân bảo, ta có thể đem năm trăm lạng vàng này, dùng mua hoa hương rải lên Như Lai.’ Lúc đó, bà-la-môn liền vào trong thành tìm mua hương hoa. Bấy giờ, người đi lại trong thành bảo rằng: ‘Bà-la-môn không biết sao? Quốc vương có ra lệnh, ai bán hương hoa sẽ bị phạt nặng.’

“Bà-la-môn Siêu Thuật kia liền nghĩ như vầy: ‘Ta đây phước mỏng, tìm hoa không được. Nên biết làm sao?’ Ông liền trở ra khỏi thành, đứng ở ngoài cổng. Khi ấy có nữ bà-la-môn tên là Thiện Vị[157] cầm bình đi lấy nước, tay cầm năm cành hoa. Bà-la-môn thấy vậy, nói với người nữ kia: ‘Này cô em, tôi đang cần hoa. Cô em bán cho tôi.’

“Nữ Phạm chí hỏi: ‘Tôi làm em ông hồi nào? Có biết cha mẹ tôi không?’Khi ấy, Phạm chí Siêu Thuật lại nghĩ rằng cô gái nầy tánh hạnh phóng khoáng, có ý đùa giỡn. Liền nói lại rằng: ‘Thưa cô, tôi sẽ trả giá phải chăng. Xin cô nhường lại tôi hoa nầy.’

“Nữ bà-la-môn đáp: ‘Ông há không nghe Đại vương có nghiêm cấm không được bán hoa sao?’ Bà-la-môn nói: ‘Thưa cô, việc nầy không khó. Vua không làm gì cô đâu. Nay tôi cần gấp năm cành hoa nầy. Tôi được hoa nầy, cô được giá cao.’

“Nữ bà-la-môn hỏi: ‘Ông cần gấp hoa để làm gì?’

“Bà-la-môn đáp: ‘Hôm nay tôi thấy có đất lành, nên muốn trồng hoa nầy.’

“Nữ bà-la-môn nói: ‘Hoa nầy đã bị lìa khỏi gốc nó, chắc chắn không thể sống. Làm sao lại nói, tôi muốn trồng?’

“Bà-la-môn đáp: ‘Như hôm nay, tôi thấy ruộng tốt, trồng tro nguội còn sống huống chi hoa nầy.’

“Nữ bà-la-môn hỏi: ‘Ruộng tốt gì mà trồng tro nguội cũng sống?’

“Bà-la-môn đáp: ‘Thưa cô, có đức Phật Định Quang Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời.’

“Nữ bà-la-môn hỏi: ‘Phật Định Quang Như Lai là hạng người nào?’

“Bà-la-môn liền trả lời cô kia: ‘Định Quang Như Lai có đức như vậy, có [599a01] giới như vậy; làm nên các công đức.’

“Nữ bà-la-môn nói: ‘Giả sử vị ấy có công đức; nhưng ông muốn cầu phước gì?’

“Bà-la-môn trả lời: ‘Mong tôi đời sau như đức Định Quang Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác; công đức cấm giới cũng sẽ như vậy.’

“Nữ bà-la-môn nói: ‘Nếu ông hứa tôi đời đời làm vợ chồng, tôi sẽ cho ông hoa nầy.’

“Bà-la-môn nói: ‘Sự tu hành của tôi là ý không dính mắc dục.’

“Nữ bà-la-môn nói: ‘Như thân tôi hiện tại, không mong làm vợ ông. Nhưng đời sau sẽ làm vợ ông.’

“Bà-la-môn Siêu Thuật nói: ‘Sở hành của Bồ tát làm không có yêu tiếc. Nếu như cô làm vợ tôi, đó là phá hoại tâm tôi.’

“Nữ bà-la-môn nói: ‘Tôi quyết không phá hoại tâm ý bố thí của ông. Ngay dù ông đem thân tôi bố thí cho người khác, tôi quyết không phá hoại tâm bố thí.’

“Khi ấy, ông liền đem năm trăm tiền vàng dùng mua năm cành hoa, cùng với người nữ kia lập thề nguyện với nhau, rồi từ biệt đi.

“Bấy giờ, Định Quang Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, đến giờ, khoác y cầm bát cùng với Tỳ-kheo Tăng vây quanh trước sau đi vào nước lớn Ba-ma. Phạm chí Siêu Thuật từ xa thấy đức Định Quang Như Lai dung mạo đoan chánh, ai thấy cũng hoan hỷ; các căn tịch tịnh, bước đi tề chỉnh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, giống như nước lắng trong không có cợn nhơ, ánh sáng chiếu khắp không bị ngăn chận, cũng như núi báu xuất hiện trên các núi. Thấy rồi, trong lòng ông rất hoan hỷ đối với Như Lai. Ông cầm năm cành hoa nầy đến chỗ Định Quang Như Lai. Đến nơi rồi, đứng qua một bên.

“Phạm chí Siêu Thuật bạch Phật Định Quang rằng: ‘Mong Thế Tôn, hãy nhận lấy và thọ ký cho con. Nay nếu Thế Tôn không thọ ký, con sẽ dứt mạng căn ngay tại đây, không mong sống nữa.’

“Thế Tôn bảo rằng: ‘Phạm chí, không thể chỉ với năm cành hoa nầy mà được thọ ký Vô thượng Đẳng chánh giác.’

“Phạm chí bạch: ‘Mong Thế Tôn thuyết cho con nghe sở hành của Bồ tát.’

“Đức Phật Định Quang bảo: ‘Sở hành của Bồ tát là không tiếc lẩn.’

“Bấy giờ bà-la-môn liền nói kệ:

Không dám đem cha mẹ
Mà bố thí cho người.
Chư Phật, bậc cao cả,
Lại càng không dám thí.
Nhựt nguyệt xoay thế gian,
Hai thứ không thể thí.
Ngoài ra thí được hết,
Ý quyết, không gì khó.
“Bấy giờ đức Phật Định Quang dùng kệ này đáp bà-la-môn:
Sự thí mà ông nói
Cũng chẳng phải lời Phật.
Nên nhẫn khổ ức kiếp;
Thí đầu, thân, tai, mắt,
Vợ con, nước, của báu,
Xe, ngựa và tôi tớ;
Nếu ông kham chịu thí
Nay Ta thọ ký cho.
“Bấy giờ Ma-nạp lại nói kệ này:
Núi lớn hừng như lửa,
Ức kiếp chịu đội mang.
Không thể phá đạo tâm;
Chỉ mong giờ thọ ký.

“Bấy giờ, Định Quang Như Lai yên lặng không nói. Bà-la-môn kia tay cầm năm cành hoa, gối phải chấm đất, rải lên đức Định Quang Như Lai và nói như vầy: ‘Nguyện đem phước lành nầy dành đời sau sẽ được như Định Quang Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác không có khác.’ Rồi ông trải tóc mình lên vũng bùn, thầm nguyện: ‘Nếu Như Lai truyền thọ ký cho tôi thì hãy dùng chân dẫm lên tóc tôi mà đi qua.’

“Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ, Định Quang Như Lai quán sát những suy nghĩ trong tâm bà-la-môn, liền bảo bà-la-môn: ‘Tương lai ông sẽ làm Phật Thích-ca Văn Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác.’

“Bấy giờ, bà-la-môn Siêu Thuật có người đồng học tên là Đàm-ma-lưu-chi đứng bên cạnh Như Lai, thấy Định Quang Như Lai truyền thọ ký cho bà-la-môn Siêu Thuật, lại dùng chân đạp lên tóc. Thấy vậy, liền nói như vầy: ‘Sa-môn đầu trọc này sao dám dẫm chân lên tóc của bà-la-môn thanh tịnh này? Đây là hành vi của phi nhân.’

“Phật bảo các Tỳ-kheo: ‘Bà-la-môn Da-nhã-đạt lúc đó, há là người nào khác chăng? Chớ có nghĩ như vậy. Bởi vì Da-nhã-đạt lúc ấy nay chính là Bạch Tịnh Vương. Vị thượng tọa của tám vạn bốn ngàn bà-la-môn lúc đó, nay là Đề-bà-đạt-đâu. Bà-la-môn Siêu Thuật lúc đó, nay chính là Ta. Nữ bà-la-môn bán hoa lúc đó, nay chính là Cù-di.[158] Từ chủ lúc ấy, nay chính là bà-la-môn Chấp Trượng.[159] Đàm-ma-lưu-chi lúc đó miệng tuôn lời thô tục, nay chính là Đàm-ma-lưu-chi hiện nay. Song Đàm-ma-lưu-chi trong vô số kiếp lại thường làm súc sanh. Thọ thân sau cùng là thân cá dài bảy trăm do-tuần trong đại dương. Từ đó mạng chung sanh đến chốn nầy, theo hầu thiện tri thức, thường gần gũi thiện tri thức, tập các pháp lành, các căn thông lợi. Vì nhân duyên này, nên [599c01] Ta nói lâu rồi mới đến chốn nầy.”

Đàm-ma-lưu-chi lại cũng tự trình bày:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn! Lâu rồi con mới đến nơi nầy.”

“Cho nên các Tỳ-kheo thường phải tu tập thân, khẩu, ‎ý nghiệp. Này các Tỳ-kheo, hãy học điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ thuyết về sự có người như sư tử, có người như dê. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, Thế Tôn!”

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

“Người kia vì sao như sư tử? Ở đây, này Tỳ-kheo, hoặc có người được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Người đó được rồi liền tự dùng, không khởi tâm nhiễm trước, cũng không có dục ý, không khởi các tưởng, hoàn toàn không có những niệm này, tự biết pháp xuất yếu. Cho dù không được lợi dưỡng, không khởi loạn niệm, không tâm tăng giảm. Như sư tử chúa ăn thịt thú nhỏ. Lúc đó, vua loài thú cũng không nghĩ: ‘Cái này ngon, cái này không ngon;’ không khởi tâm đắm nhiễm, cũng không dục ý, không khởi các tưởng. Người nầy cũng lại như vậy. Nếu được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh. Người đó được rồi liền tự dùng, không khởi ý tưởng đắm trước, cho dù không được cũng không có các niệm tưởng.

“Lại có người nhận người cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, gường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, được rồi liền tự dùng, lại khởi tâm nhiễm trước, sinh tâm ái dục, không biết đạo xuất yếu. Giả sử không được, thì thường sinh niệm tưởng này. Nếu người đó được cúng dường, đối với các Tỳ-kheo, mà tự cống cao, hủy báng người khác: ‘Những y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, tọa cụ, thuốc trị bệnh mà ta có, các Tỳ-kheo kheo này không thể có được vậy.’ Cũng như trong đàn dê lớn, có một con dê rời đàn, thấy đống phân lớn. Con dê này ăn phân no rồi, quay lại trong đàn dê, liền tự cống cao: ‘Ta có được ăn ngon, bầy dê nầy không thể ăn được.’ Ở đây cũng như vậy, nếu có một người được lợi dưỡng, y phục, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, khởi các loạn tưởng, sanh tâm nhiễm trước liền đối với các Tỳ-kheo, mà tự cống cao: ‘Ta có được [600a01] cúng dường, các Tỳ-kheo này không được cúng dường.’

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học như sư tử chúa, chớ như con dê. Các Tỳ-kheo, hãy học những điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

“Nếu có chúng sanh biết báo đáp, người nầy đáng kính, ân nhỏ còn không quên huống chi ân lớn. Cho dù người đó cách chốn này ngàn do tuần, trăm ngàn do tuần mà không là xa, cũng như gần Ta không khác. Vì sao vậy? Tỳ-kheo nên biết, vì ta thường khen ngợi người biết báo đáp.

“Có những chúng sanh không biết báo đáp, ân lớn còn quên huống chi ân nhỏ. Kẻ đó chẳng gần Ta. Ta chẳng gần kẻ đó. Giả sử khoác tăng-già-lê hầu hạ bên Ta, kẻ nầy cũng như xa. Vì sao vậy? Ta không bao giờ nói về người không báo đáp. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy nhớ báo đáp, chớ học không báo đáp.

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

“Nếu có người lười biếng, gieo trồng hành vi bất thiện, có sự tổn hại trong các sự. Nếu có người siêng năng không lười biếng, người nầy tối diệu, có tăng ích trong các thiện pháp. Vì sao vậy? Bồ-tát Di-lặc trải qua ba mươi kiếp, mới thành Phật Chí chân, Đẳng chánh giác. Ta nhờ tâm dõng mãnh, sức tinh tấn, nên khiến Di-lặc ở sau. Hằng sa các Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác, [160] thời quá khứ, đều do dõng mãnh mà được thành Phật. Do phương tiện nầy, nên biết, lười biếng là khổ, tạo các hành ác, có tổn hại trong các sự. Nếu có tâm dõng mãnh tinh tấn mạnh, có tăng ích trong các công đức thiện. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tinh tấn, chớ có lười biếng.

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 7

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. [600b01] Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo a-lan-nhã nên tu hành hai pháp. Hai pháp gì? Đó là chỉ và quán.

“Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã đắc tịch tĩnh, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì thành tựu giới luật, không mất oai nghi, không phạm cấm hạnh, tạo các công đức.

“Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã lại được quán rồi, liền quán và biết như thật rằng, đây là khổ; quán biết như thật rằng đây là khổ tập, khổ diệt, khổ đạo xuất yếu. Người đó quán như vậy rồi, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu, bèn được trí giải thoát, biết như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.

“Chư Như Lai Chí chơn, Chánh đẳng Chánh giác* thời quá khứ, nhờ hai pháp này mà được thành tựu. Vì sao vậy? Như khi Bồ-tát ngồi dưới bóng thọ vương, trước tiên tư duy pháp chỉ và quán nầy. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát đã đắc chỉ rồi, bèn có thể hàng phục được các ma oán. Nếu Bồ tát đạt được quán rồi, ngay sau đó liền đạt được ba đạt trí,[161] thành Vô thượng Chí chân, Đẳng chánh giác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo a-lan-nhã nên tìm phương tiện hành hai pháp nầy.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 8

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo a-lan-nhã sống ở nơi nhàn tĩnh, không sống trong chúng, thì thường phải cung kính, phát tâm hoan hỷ. Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã sống ở nơi nhàn tĩnh, mà không có cung kính, không phát tâm hoan hỷ, thì dù ở trong chúng cũng bị người bàn tán rằng: ‘Vị ấy không biết pháp của a-lan-nhã. Sao gọi là Tỳ-kheo a-lan-nhã mà không có tâm cung kính, không phát hoan hỷ?’

“Lại nữa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo a-lan-nhã sống ở nơi nhàn tịnh, không ở trong chúng, thì thường phải tinh tấn, chớ có lười biếng, phải hiểu rõ yếu chỉ các pháp. Nếu Tỳ-kheo a-lan-nhã nào ở nơi nhàn tịnh, mà có tâm lười biếng, tạo các hành ác, kẻ đó ở trong chúng bị người bàn tán, ‘Tỳ-kheo a-lan-nhã nầy lười biếng không có tinh tấn.’ Cho nên, này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo a-lan-nhã ở nơi nhàn tịnh, không ở trong chúng, thường phải quyết chí phát tâm hoan hỷ, chớ có lười biếng và không có cung kính, niệm tưởng hành tinh tấn, ‎ý không thay đổi, [600c01] sẽ thành tựu đầy đủ trong các thiện pháp.

“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

“Có hai hạng người, không thể khéo nói thuyết ngữ. Hai hạng gì? Thuyết về tín cho người không có tín, việc nầy thật khó. Thuyết về thí cho người tham lam keo kiết, đây cũng thật khó.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, thuyết về tín cho người không có tín, họ liền nổi sân nhuế, khởi tâm gây tổn hại. Cũng như chó dữ thêm mũi lại bị thương, càng trở nên hung dữ. Các Tỳ-kheo, đây cũng như vậy, thuyết về tín cho người không có tín, họ liền nổi sân nhuế, khởi tâm gây tổn hại.

“Lại Tỳ-kheo, thuyết về thí cho người tham lam keo kiết, họ liền sanh sân nhuế, khởi tâm gây tổn hại. Cũng như ung nhọt chưa mùi, lại bị dao cắt, đau không chịu nổi. Đây cũng như vậy, thuyết về thí cho người tham lam keo kiết, họ liền sanh sân nhuế, khởi tâm gây tổn hại. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có hai hạng người này khó thuyết pháp cho họ.

“Lại nữa Tỳ-kheo, có hai hạng người dễ thuyết pháp cho nghe. Sao gọi là hai? Thuyết tín cho người có tín; thuyết thí cho người không tham lam keo kiết. Này Tỳ-kheo, nếu thuyết tín cho người có tín, họ liền hoan hỷ, ý không hối tiếc. Như người mắc bệnh, nói cho thuốc trừ bệnh liền được bình phục. Đây cũng như vậy. Thuyết tín cho người có tín, họ liền hoan hỷ, tâm không thay đổi.

“Nếu lại thuyết thí cho người không tham lam keo kiết, họ liền hoan hỷ, tâm không có tiếc. Cũng như có trai, gái xinh đẹp, thích tắm rửa mặt mày, tay chân, rồi lại có người mang hoa đẹp đến cho để tăng trưởng nhan sắc; lại đem y phục, trang sức tốt đẹp tặng những người đó. Họ được vậy rồi, lòng càng hoan hỷ. Đây cũng như vậy. Thuyết thí cho người không tham lam keo kiết, họ liền được hoan hỷ không có tâm tiếc.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có hai hạng người này dễ thuyết pháp cho. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học có tín, hãy học bố thí, chớ có xan tham.

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. [601a01] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai pháp bố thí cho người phàm phu mà được công đức lớn, thành quả báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi. Sao gọi là hai pháp? Cúng dường cha mẹ. Đó là hai hạng người mà cúng dường đến thì được công đức lớn, thành quả báo lớn.

“Lại nữa, cúng dường một vị Bồ-tát nhất sanh bổ xứ, được công đức lớn, được quả báo lớn, được vị cam lộ, đến chỗ vô vi. Cho nên, các Tỳ-kheo, thường niệm hiếu thuận cúng dường cha mẹ.

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy .”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành

.

KINH SỐ 11[162]

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai người không thể báo ơn hết được, khuyến giáo làm điều thiện. Hai người đó là ai? Đó là cha mẹ.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có người vai trái vác cha, vai phải vác mẹ, trải qua ngàn vạn năm, lo áo quần, cơm nước, giường nệm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, đại tiện, tiểu tiện ngay ở trên vai, vẫn chưa thể báo ơn hết được. Tỳ-kheo nên biết, cha mẹ ân trọng, bồng bế, nuôi dưỡng, tùy lúc giữ gìn không lỡ thời tiết, xem như mặ trời, mặt trăng. Do phương tiện nầy mà biết ân nầy khó báo đáp. Cho nên, này các Tỳ-kheo, phải cúng dường cha mẹ, thường phải hiếu thuận, không lỡ thời tiết.[163]

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập điều nầy như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 12

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ Tôn giả Bàn-đặc[164] bảo người em là Châu-lợi Bàn-đặc[165]:

“Nếu ngươi không thể học thuộc giới, hãy trở về làm bạch y.”

Khi đó, Châu-lợi Bàn-đặc nghe những lời này, liền đi đến tinh xá Kỳ-hoàn, đứng ở ngoài cửa mà rơi lệ. Bấy giờ, Thế Tôn bằng thiên nhãn thanh tịnh, quán thấy Tỳ-kheo Châu-lợi Bàn-đặc nầy đứng ở ngoài cửa, than khóc không xiết. Thế Tôn từ trong tịnh thất đi ra giống như kinh hành, đến ngoài cửa tinh xá Kỳ-hoàn, bảo Châu-lợi Bàn-đặc:

“Tỳ-kheo, vì sao ở đây than khóc.”

Châu-lợi Bàn-đặc đáp:

“Bạch Thế Tôn, con bị anh xua đuổi, nếu con không học thuộc giới được, thì trở về làm bạch [601b01] y, không nên sống ở đây. Cho nên, con than khóc.”

Thế Tôn bảo:

“Tỳ-kheo, chớ ôm lòng lo sợ. Ta thành Vô thượng Đẳng chánh giác, không phải do Bàn-đặc anh của ngươi mà đắc đạo.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn cầm tay dẫn Châu-lợi Bàn-đặc về tịnh thất, chỉ chỗ bảo ngồi. Thế Tôn lại dạy cầm chổi quét:

“Ngươi đọc thuộc chữ này, nó là chữ gì.”

Khi Châu-lợi Bàn-đặc học được chữ “quét” lại quên chữ “chổi”. Nếu học thuộc được chữ “chổi” lại quên chữ “quét”. Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc tụng hai chữ “chổi quét” này, qua mấy ngày. Song cái chổi quét này là để trừ sạch bụi bẩn. Châu-lợi Bàn-đặc lại nghĩ như vầy: “Trừ là gì? Bẩn là gì? Bẩn là tro, đất, ngói, đá. Trừ là làm cho sạch.”

Lại nghĩ như vầy: “Thế Tôn vì sao đem việc nầy dạy cho ta. Nay ta phải tư duy nghĩa nầy.” Vì tư duy nghĩa nầy, lại nghĩ như vầy: “Nay trên thân ta cũng có bụi bẩn. Ta tự ví dụ. Sao là trừ? Sao là bẩn?” Ông lại nghĩ thầm: “Dính kết là bẩn. Trí huệ là trừ. Nay ta có thể dùng chổi trí huệ quét dính kết nầy.”

Rồi Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc tư duy năm thủ uẩn là thành, là hoại. Cái gọi là sắc nầy, sắc tập, sắc diệt; cái gọi là thọ[166], tưởng, hành, thức này là thành, là bại. Sau khi tư duy năm thủ uẩn nầy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoát, liền được trí giải thoát, biết như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, lại không còn tái sinh nữa, biết chúng như thật. Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc thành A-la-hán. Sau khi thành A-la-hán, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:

“Nay con đã có trí, nay đã có huệ. Nay con đã hiểu được chổi quét.”

Thế Tôn bảo:

“Tỳ-kheo, hiểu nó thế nào?”

Châu-lợi Bàn-đặc đáp:

“Trừ là huệ. Bẩn là dính kết.”

Thế Tôn nói:

“Lành thay, Tỳ-kheo, như những lời ngươi nói, trừ là huệ. Bẩn là dính kết”.

Bấy giờ Tôn giả Châu-lợi Bàn-đặc hướng về Thế Tôn mà nói kệ này:

Nay đã tụng thuộc đủ
Như lời Phật đã dạy.
Trí huệ hay trừ kết
Không do hạnh nào khác.

Đức Thế Tôn bảo:

“Tỳ-kheo, như những lời ngươi nói, chỉ bằng trí huệ chứ không do [601c01] cái khác.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 13

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có hai pháp nầy, không thể mong đợi, cũng không đủ mến yêu, bị người đời vứt bỏ. Hai pháp gì? Oán ghét gặp nhau, điều này không thể mong đợi, cũng không đủ để mến yêu, bị người đời vứt bỏ. Ân ái biệt ly, không thể mong đợi cũng không đủ để yêu mến, bị người đời vứt bỏ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có hai pháp nầy bị người đời không ưa, không đáng mong đợi.

“Tỳ-kheo, lại có hai pháp không bị người đời bỏ. Hai pháp gì? Oán ghét xa lìa, được người đời ưa thích. Ân ái họp một chỗ, rất đáng yêu mến, được người đời ưa thích. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có hai pháp nầy, được người đời ưa thích. Nay Ta nói oán ghét gặp nhau, ân ái xa lìa này; lại nói oán ghét xa lìa, ân ái gặp nhau là có nghĩa gì, có duyên gì?”

Tỳ-kheo đáp:

“Thế Tôn là chủ của các pháp. Cúi mong đức Thế Tôn vì chúng con mà giảng. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ cùng phụng hành.”

Thế Tôn bảo:

“Lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt nói rõ cho các ngươi. Này các Tỳ-kheo, hai pháp nầy do ái nổi lên, do ái sanh ra, do ái mà thành, do ái trổi dậy, phải học trừ ái này, đừng để sanh ra.

“Các Tỳ-kheo, hãy học tập các điều nầy như vậy.”

Sau khi các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.[167]



[1] Tham chiếu Pāli, A. II. 9. 5 (R i. 83): bhavadiṭṭhi ca vibhavadiṭṭhi ca, hữu kiến và phi hữu kiến.

[2] Hán: thân tác chứng nhi tự du hý 身作證而自遊戲, tức là, tự thân chứng ngộ (chứng tri) và an trú (trong pháp đó). Ở trên kia, Hán dịch: nhi tự ngu lạc 而自娛樂; xem cht. 12 kinh 1, phẩm 12. Pāli: kāyena sacchikaraṇīyā, cf. A. ii. 182.

[3] Hán: dục hữu kiến, sắc hữu kiến 欲有見.色有見.無色有見.

[4] Tham chiếu Pāli. A. II. 13. 1 (R i. 91).

[5] Tham chiếu Pāli, như trên.

[6] Pháp nghiệp 法業, tài nghiệp 財業. Pāli, ibid. : āmisayāgo ca dhammayāgo, hiến tế tài vật, và hiến tế pháp.

[7] Tham chiếu Pāli, như trên.

[8] Pháp ân法恩, tài ân 財恩. Pāli: āmisacāgo ca dhammacāgo ca, thi ân (huệ thí) bằng tài vật và thi ân bằng pháp.

[9] Tham chiếu Pāli, A. ii. 10.1 (R i. 84).: yo ca anāgataṃ bhāraṃ vahati, yo ca āgataṃ bhāraṃ na vahati, gánh nặng chưa đến thì mang, gánh nặng đã đến lại không mang.

[10] Như Lai thần miếu 如來神廟. Skt. Caitya (Pāli: cetiya), thường âm là chi-đề, chế-để, chế-đa. dịch là miếu hay linh miếu. Luật Tăng-kỳ 33 (tr. 498b20): “Có xá-lợi, gọi là tháp. Không có xá-lợi, gọi là chi-đề 枝提.

[11] Như Lai tự 如來寺.

[12] Tham chiếu Pāli, A. II. 15. 10 (R i. 95): samatho và vipassanā.

[13] Tham chiếu, Thera 279.

[14] Tượng hoa viên 象華園. Khppng thấy tên Pāli tương đương về khu vườn này trong thành Vương xá.

[15] Ma Hành 魔行天子. Cf. There 179: Mārapakkha; Sớ giải: do phàm phu u tối, không từ duy chân chánh, phiên não ma tăng trưởng, do đó thiên ma thừa cơ xâm nhập.

[16] Tôn-đà-lợi 孫陀利. Skt. = Pāli: Sundarī. Truyền thuyết phương Bắc nói cô là người vợ hụt của Nan-đà. Truyền thuyết Pāli gọi cô này là Janapadakalyāṇī Nandā. Về sau cô cũng theo Di mẫu Pajāpati xuất gia và cuối cùng thành A-la-hán. Các truyền thuyết cũng có thể lẫn lộn cô với Sudarī-Nandā, em gái của Trửong lão Nandā, con gái vua Sudodhana với bà Gotami.

[17] Bốn bộc lưu.

[18] Để bản: đệ tử 弟子. TNM: đệ nhất 弟一.

[19] Tham chiếu Pāli. Itiv. 44: dveme… nibbānadhātuyo. .. sa-upādisesā ca nibbānadhātu, anupādisesā ca nibbānadhātu.

[20] Thánh A-na-hàm nhập niết-bàn tại một trong năm cõi trời Tịnh cư.

[21] Pāli, ibid., nói khác: A-la-hán lậu tận (arahaṃ hoti khīṇāsavo), nhưng các căn còn tồn tại (tiṭṭhanteva pañcidriyāni), vị ấy còn có cảm thọ lạc và khổ (sukhadukkhaṃ paṭíaṃvedeti).

[22] Nguyên Hán: ý giải thoát 意解脫. Pāli: cetovimutti.

[23] Nguyên hán: trí tuệ giải thoát 智慧解脫. Pāli: paññāvimutti.

[24] Pāli, ibid., A-la-hán lậu tận, … tất cả cảm thọ không còn hoan hỷ, trở thành nguội lạnh (sabbavedayitāni anabhinanditāni sīti bhavissanti ).

[25] Hán: chấp trì cấm giới 執持禁戒, đoạn văn bị nhảy sót. Y theo văn mạch trên, sửa lại.

[26] Cf. A. II. 2 (R. i. 52): dvemāni balāni: paṭisaṃkhānabalañ ca bhāvanābalañ ca, có hai lực: tư trạch lực và tu tập lực.

[27] Bản sở sinh xứ 本所生處, tức Lực sĩ Sinh xứ, hay Sinh địa (Pāli: Upavattana), quê hương của người Mạt-la (Malla), một bộ tộc, chủ nhân của Câu-thi-na (Pāli: Kusinārā), nơi Phật Niết-bàn. Sinh xứ (địa) hay Uapavattana cũng là tên gọi của khu rừng Sala, nơi Phật nhập Niết-bàn.

[28] Câu-thi-na-kiệt 拘尸那竭國. Pāli: Kusinārā.

[29] Xà-bạt-tra 闍拔吒. Xem cht. 18 tiếp theo dưới.

[30] Phạm-ma-dụ 梵摩喻, xem Trung kinh 161: Phạm-ma 梵摩(Pāli: Brahmāyu), người ở Di-tát-la (Pāli: Mithila). Ông có đẹ tử là Ưu-đa-la優多羅(Pāli: Uttara). Cf Pāli, M. ii. 133. Brahmāyu-sutta.

[31] Có lẽ đây là lối diễn giải thêm của dịch giả chứ không phải trực tiếp dịch từ nguyên bản Phạn.

[32] Nguyên trong bản: La-vân 羅雲.

[33] Tham chiếu Pāli, M. 62. Rāhulovāda (R i. 421).

[34] La-vân 羅雲. Pāli: Rāhula.

[35] Phân-vệ 分衛. Pāli: piṇḍapāta.

[36] An-ban 安般. Pāli: ānāpāṇa, hơi thở ra vào.

[37] Nguyên Hán: hộ tâm 護心.

[38] Tức tùng tâm xuất 息從心出, Hán dịch mơ hồ. Tất nhiên đây không có nghĩa từ trái tim. Tham chiếu Pāli: cittapaṭisaṃvedī assasissāmi, với cảm giác nhận biết tâm, tôi sẽ thở ra.

[39] An-đà viên 安陀園. Pāli: Andhavana. Cf. M. 147 Cūla-Rāhulovāda-sutta.

[40] Đay chỉ ly dục của sơ thiền, trừ ngũ dục của dục giới, không phải ly dục vô lậu của A-la-hán. Xem kinh 1 phẩm 12 trên.

[41] Hữu giác hữu quán, về sơ thiền cho đến tứ thiền, định cú, và các cht, liên hệ, xem Phẩm 12, kinh 1, từ cht. 42 và tiếp.

[42] Hán: niệm trì hỷ an 念持喜安. Trên kia, kinh 1 phẩm 12, Hán dịch: hữu ỷ niệm lạc 有猗念樂.

[43] Hán: du 遊. Nơi khác dịch: tự ngu lạc ; hiểu là an trú. Pāli: vihārati.

[44] Trạng thái không tầm (giác) không tứ (quán) của thiền thứ hai.

[45] Nên hiểu là nội đẳng tịnh. Xem cht. 42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.

[46] Nên hiểu là tâm nhất cảnh tính. Xem cht.42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.

[47] Nên hiểu là định sinh hỷ lạc, tức trạng thái hỷ lạc phát sinh bởi định.

[48] Trên kia, ibid., Hán dịch: xả ư niệm, tu ư hộ 捨於念。修於護. Nên hiểu là “ly hỷ, trụ xả.” Vì thiền thứ ba được nói là “ly hỷ diệu lạc địa. Xem cht.42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.

[49] Hán: hộ niệm hỷ 護喜念. Nên hiểu là an trú lạc với niệm và xả.

[50] Nên hiểu là xả và niệm thanh tịnh. Xem cht. 42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.

[51] Hán: tam-muội tâm 三昧。心; chỉ tâm định tĩnh do chứng tứ thiền; y tâm này mà chứng tam minh. Lưu ý ngắt chữ không đúng trong để bản. Pāli, định cú: so evaṃ samāhite citte parisuddhe…

[52] Bản Hán có thể nhầm do gán hình dung từ không đúng với chủ từ. Nên hiểu, với tâm định tĩnh, thanh tịnh…, (và) nhu nhuyến. Pāli: so evaṃ samāhite citte parisuddhe…mudubhūte…

[53] Bản Hán, hết quyển 7.

[54] Tham chiếu Pāli, A. II. 6. 2 (R.i. 77)

[55] Tham chiếu A. II. 6.5.

[56] Tất-địa-bàn-trì 畢地槃持. Không rõ loại cây gì. Các hạt giống đằng thường được kể trong Pāli: nimba, kosātaki, tittikālabu (A. i. tr. 32).

[57] Đảnh Sanh 頂生. Pāli: Mandhātā. Truyện kể tương tự, xem Trung, kinh 60: Tứ châu.

[58] Kiếp-ba-dục 劫波育. Pāli: kappāsika, được làm bằng bông gòn.

[59] Hán: bất khởi kỳ tưởng 不起其世間想. Nơi khác nói: bất hưng (khởi) thế gian tưởng. Pāli, định cú: na kiñci loke upādiyati, không còn chấp thủ bất cứ gì trên thế gian.

[60] Sanh Lậu 生漏; xem Phẩm 6 kinh 2.

[61] Xem Trung 36 (T2n125, tr. 584c12).

[62] Ni-câu-lưu viên 尼拘留園; vườn cây đa, ở ngoài thành Ca-tỳ-la-vệ (Pl. Kapilavatthu). Pāli: Nigrdhārāma.

[63] Thích-sí 釋翅, phiên âm: giữa những người họ Thích. Pāli: Sakkesu.

[64] Phổ nghĩa giảng đường. Pāli: Santhāgārasālā (Sandhāgāra), hội trường của họ Thích. cf. M. i. 91.

[65] Có lẽ đồng nhất với Lokāyatika của Pāli, cf. S. ii. 77ffạn sau, kinh 9 phẩm 44 phiên âm là Lo-ca-diên 盧迦延.

[66] Bản Hán có thể nhảy sót. Nên hiểu: Có con đường nào dẫn đến diệt tận ái không?

[67] Chánh hành 正行; tức chánh tư duy. Trên kia có nơi nói là chánh trị.

[68] Da-duy 耶維 trong Hán dịch, ta quen nói là trà-tỳ. (Pāli: jhāpeti)

[69] Đây chỉ Xá-lợi-phất.

[70] Bà-la-lưu-chi 婆羅留支, Skt. Vāraluci (?), Hán dịch: Chiết Chỉ 折指, Vô Chỉ 無指. Tên hiệu của A-xà-thế (Pāli: Ajātấttu), theo truyền thuyết phương Bắc. Pāli không thấy nói đến tên hiệu này.

[71] Bản Hán, hết quyển 8.

[72] Tương đương Pāli, A. II. 1.9 Hirottapa (R i. 51 ).

[73] Hán: diệu pháp 妙法. Pāli, ibid. : dhammā sukkā, hai pháp tinh trắng.

[74] Hữu tàm hữu quý 有慚有愧. Pāli: hirī ca ottapañca.

[75] Pāli tương đương, M 3 Dhammadāyāda (R i. 12); Hán: Trung kinh 88.

[76] Pháp thí 法施, thực thí 食施. Hán dịch không chỉnh. dāyāda: (người) thừa tự, thừa kế; Hán hiểu là dāya: cho, bố thí. Xem nội dung dưới đây sẽ rõ. Pāli, ibid.: dhammadāyādā me, bhikkhave, bhavatha, mā āmisadāyādā, này các Tỳ-kheo, hãy là kẻ thừa tự pháp của Ta, chứ đừng là kẻ thừa tự tài vật của Ta.

[77] Pāli: atthi me tumhesu anukampā, Ta hăng thương tưởng đến các ngươi.

[78] Tham chiếu Pāli, ibid., bị chỉ trích: Thày trò bị chỉ là những kẻ thừa tự tài vật (āmisadāyādā satthusāvakā viharanti).

[79] Hán: dục thí 欲施; được hiểu là bố thí vật dục tức vật chất.

[80] Hán: di dư pháp 遺餘法; đây chỉ đồ ăn còn dư thừa. Pāli, ibid.: (piṇḍapāto) atirekadhammo, đồ ăn khất thực (thuộc loại, pháp) còn dư tàn.

[81] Câu này có thể là diễn dịch thêm của dịch giả Hán.

[82] Hai chữ đệ tử này nghi Hán chép dư. Xem cht. 12 tiếp theo.

[83] Tham chiếu Pāli: satthu pavivittassa viharato sāvakā vivekaṃ nānusikkhanti, “Tôn sư sống viễn ly, nhưng các đệ tử không học theo hành viễn ly.” Có sự trùng lặp trong bản Hán: Thanh văn và đệ tử, cả hai đều dịch tư một từ gốc: Skt. śrāvaka (Pāli: sāvaka).

[84] Tịch tĩnh xứ 寂靜之處. Pāli: viveka, viễn ly, đời sống ẩn dật.

[85] Pāli: họ sống sung túc (bahulikā), lười nhác (sāthlikā), dẫn đầu đọa lạc (okkame pubbaṅgamā), quăng bỏ hạnh viễn ly (paviveke nikkhittadhurā).

[86] Đệ tử, nghi dư. Xem văn mạch các đoạn trên.

[87] Pāli: lobho ca pāpako, tham là ác pháp.

[88] Đắc xử trung chi đạo 得處中之道. Pāli: atthi majjhimā paṭipadā.

[89] Pāli: cakkhukaraṇī ñāṇakaraṇī upasamāya abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati, nó tác thành nhãn, tác thành trí, dẫn đến tịch tĩnh, thắng trí, chánh giác, Niết-bàn.

[90] Pāli: mada, pamāda, kiêu xa và phóng dật.

[91] Tam-phật-(đà) 三佛. Tức Pāli: sambuddha, Phật chánh giác.

[92] Tụng, chỉ các thi tụng Vệ-đà. Xem Trương, kinh 23: Cứu-la-đàn-đầu.

[93] Định cú Pāli: anupubbikathā… nekkhmme ānisaṃsaṃ pakādeti, diễn nói pháp theo thuận thứ… sích lợi của sự xuất ly. Pāli: nekkhamma, bản Hán hiểu là xuất gia; đây chỉ sự xuất ly hay ly dục, theo thuậ tự pháp đợc nói. Xem Trung (Việt), kinh 38, cht. 3.

[94] Na-la-kỳ-lê 那羅祇梨. Pāli: Nālāgiri (Dhanapāla), cf. Vin.ii. 194f.

[95] Cf. Dhp. 13, 14. Yathā agāraṃ ducchannaṃ, vuṭṭhī samativijjhati; evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ, rāgo samativijjhati. Yathā agāraṃ suchannaṃ, vuṭṭhī na samativijjhati; evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ, rāgo na samativijjhati.

[96] Hương sơn 香山, tức Hương túy sơn (Pāli, Skt. Gandhamādana), xem Trường, kinh 18: Thế ký.

[97] Thích-sí-sấu 釋翅瘦, hay Thích-sí 釋翅; Pāli: Sakkesu: giữa những người họ Thích. Xem kinh 10, phẩm 17.

[98] Đại Ái Đạo Cù-đàm-di 大愛道瞿曇彌. Pāli: Mahāpajāpatī Gotamī.

[99] Để bản: lễ 禮. TNM: thị 視.

[100] Lưu ý Hán dịch đảo cú. So ngữ cảnh tiếp theo để rõ. Cf. A ii. 3. 3 (R i. 60).

[101] Bản Hán, hết quyển 9.

[102] Tham chiếu Pāli, S. 6. 1.1. Brahma-āyācana (R. i. 136)

[103] Pāli, ibid.: tại Uruvela, bên bờ sông Nerañjara, dưới gốc cây bồ-đề ajapālanigrodha.

[104] Tham chiếu Pāli, ibid.: adhigato kho myāyaṃ dhammo gambhīro duddaso duranubodho santo paṇīto atakkāvacaro nipuṇo paṇḍitavedanīyo. ālayarāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratā ālayasammuditā. … duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ idappaccayatāpaṭiccasamuppādo, pháp mà Ta chứng đắc sâu xa, khó thấy, khó giác ngộ, tịch tĩnh, vi diệu, không thể suy lý, thâm áo, chỉ bậc trí mới cảm nghiệm được. Chúng sanh này vui thích chấp tàng, yêu thích chấp tàng, hoan hỷ chấp tàng …khó thấy điều này, đó là lý y tánh duyên khởi.

[105] Tham chiếu Pāli, ibid.: santi sattā apparajakkhajātikā, assavanatā dhammassa parihāyanti ,“Có những chúng sanh chỉ dính một ít bụi bẩn, nếu không được nghe pháp, chúng sẽ thối đọa.”

[106] Hán: Pháp chi di tử 法之遺子. Pāli, ibid.: bhavissanti dhammassa aññātāro, chúng sẽ là những người khai ngộ pháp.

[107] Tham chiếu Pāli, S. 56. 2. 1 (R v. 420)

[108] Pāli: Isipatana Migadāya.

[109] Hán: dục cập lạc. Pāli: kāmasukhallikānuyo, tham đắm khoái lạc dục vọng.

[110] Hán: hựu thử chư khổ chúng não bách đoan 此諸苦眾惱百端; không rõ nghĩa, hay nhầm. Tham chiếu Pāli, ibid.: dveme, antā … kāmesu kāma-sukhallikānuyogo … attakilamathānuyogo dukkho anariyo anatthasaṃhito, “Có hai cực đoan này…đắm đuối lạc dục trong các dục vọng…và đắm đuói tự hành xác, đau khổ, phi Thánh, không liên hệ mục đích (giải thoát).

[111] Hán: chí yếu chi đạo 至要之道; đây hiểu là con đường giữa, trung đạo. Tham chiếu Pāli, ibid.: ubho ante anupagamma majjhimā paṭipadā, “tránh xa hai cực đoan này, là con đường giữa.”

[112] Kệ tóm tắt này gồm 10, nhưng thiếu hệ thống. La-hầu-la (La-vân), trong phẩm 17. Ca-diếp, và tiếp theo, phẩm 18. Hai kinh chót, phẩm 19.

[113] Tham chiếu Pāli, M. 37 Taṇhāsaṅkhaya (R i. 251). Hán, Tạp (Việt) kinh 504.

[114] Hán: đoạn ư ái dục tâm đắc giải thoát 斷於愛欲 心得解脫. Pāli, ibid.: taṇhāsaṅkhayavimutto, ái tận giải thoát (giải thoát do khát ái đã diệt tận).

[115] Câu-dực 拘翼. Pāli: Kosiya.

[116] Không pháp 空法. Có lẽ từ này do dịch giả diễn ý. Đoạn thuật lại sau này không có từ này. Pāli, ibid.: sabbe dhammā nālaṃ abhinivesāyā’ti, hết thảy các pháp không đáng để tham trước.

[117] Tham chiếu Pāli, ibid. : tāsu vedanāsu aniccānupassī … nissaggānupassī viharanto na kiñci loke upādiyati, quán vô thường nơi các thọ ấy, rồi vị ấy an trú quán xả ly, không chấp thủ cái gì ở trên đời.

[118] Pāli: anupādiyaṃ na paritassati, không chấp thủ, nên không sợ hãi. Có lẽ bản Hán đọc anuppādayaṃ (không khởi, sinh khởi) thay vì anupādiyaṃ (không chấp thủ).

[119] Tối thắng giảng đường 最勝講堂. Pāli: Vejayanta-pāsāda, cung điện Chiến thắng.

[120] Giai đầu 階頭. Bản Pāli: niyyūha, vọng tháp. Điện Chiến thắng có 100 vọng tháp. Mỗi vọng tháp có 700 ngôi lầu (kūṭāgāra).

[121] Trừ ái dục kinh, tức Pāli: taṇhakkhaya-sutta, ái tận kinh (M. 37).

[122] Nghĩa là, không còn chấp thủ. Pāli, anupādāya. xem cht. 16, 17 trên.

[123] Hán: bất khởi thế gian tưởng 不起世間想. Pāli: na kiñci loke upādiyati, không còn chấp thủ bất cứ gì trên thế gian. Xem cht. 16, 17 trên.

[124] Lưu ý văn các đoạn lặp lại trong Hán dịch không hoàn toàn nhất trí.

[125] Tham chiếu, Pāli, A. II. 6. Puggalavaggo 6-8.

[126] Pāli, A. II. 6. 8 (R. i. 77): bhikkhu ca khīṇāsavo, sīho ca migarājā.

[127] Ưu-đạp-lam-phất 優蹋藍弗. Pāli: Uddaka-Rāmaputta.

[128] La-lặc-ca-lam 羅勒迦藍. Pāli: Āḷāra-Kālāma.

[129] Bất dụng xứ 不用處, hay Vô sở hữu xứ. Pāli: Ākiñcaññāyatana.

[130] Hữu tưởng vô tưởng xứ 有想無想處, hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Pāli: Nevasaññā-nāsaññāyatana.

[131] Pāli, A II.4.7 (R i. 67).

[132] Ca-giá-diên. Pāli, ibid.: Mahākaccāna.

[133] Bà-na quốc 婆那國. Mahāccāna ở tại Madhura, trong rừng Gunda.

[134] Gian-trà 姦茶. Pāli: Kaṇḍarāyana.

[135] Thượng Sắc Bà-la-môn 上色婆羅門 = Gian-trà bà-la-môn; cùng một người, dịch nghĩa của phiên âm trên. Nhưng nghĩa này không phù hợp nghĩa với Pāli.

[136] Hán: lão địa, tráng địa 老地壯地. Pāli, ibid., vuddhabhīmi ca daharabhūmi ca. địa vị trưởng đại, và địa vị niên thiếu.

[137] Ám-bà-bà-lợi viên 闇婆婆利園. Pāli, Ambapālī-vana. Tham chiếu, D. 16 (R ii. 95ff). Hán, Trường kinh 2: Du hành.

[138] Ám-bà-bà-lợi nữ 闇婆婆利女. Pāli: Ambapālī gaṇikā.

[139] Hán: vũ bảo chi xa 羽寶之車. Pāli: bhaddāni bhaddāni yāni, những cỗ xe lộng lẫy. Có lẽ bản Hán đọc Skt. pattrāni (lông chim) thay vì bhadrāni (đẹp quý). Trường kinh 2, ibid., dịch là nghiêm giá bảo xa 嚴駕寶車.

[140] Để bản: năm trăm ức. TNM: năm trăm.

[141] Các kinh đều nói họ là những quý tộc Licchavi (Li-xa).

[142] Để bản: tẩu đả xa ngưu 走打車牛 (ruổi xe và đánh con bò kéo xe). TNM: tẩu xa đả ngưu .

[143] Hán dịch có thể nhầm, vì vô lý. Pāli, ibid., và Trường 2 đều nói: xe cô và xe các thiếu niên Tỳ-da-ly đụng nhau nên họ gây cô. (Pāli: cakkena cakkaṃ yugena yugaṃ paṭivaṭṭesi: xe đụng xe, ách đụng ách).

[144] Bản Hán, hết quyển 10.

[145] Ca-la-đà 迦羅陀, Ca-lan-đà trong các kinh trước.

[146] Bản gốc Đề-bà-đạt-đâu,

[147] Đàm-ma-lưu-chi 曇摩留支, đồng nhất với Dhammaruci, trong Apādana (R. ii. 429).

[148] Để bản: Định Quang 定光. TNM: Đính Quang 錠光. Pāli: Dīpaṅkara.

[149] Bát-ma đại quốc 缽摩大國. Tứ phần 31 (T22n1428, tr. 782b1): Liên hoa 蓮花. Skt: Padma (Pāli: Paduma).

[150] Da-nhã-đạt 耶若達. Tứ phần, ibid. (tr.784a03 ): Tự Thí 祀施. Skt. Ỵajñadatta (Pāli: Yaññadatta).

[151] Vân Lôi 雲雷. Tứ phần, ibid. (tr.784a19): Di-khước 彌卻. Skt. Megha.

[152]. Để bản: 髮 phát (tóc); TNM: 眼 nhãn (mắt).

[153] Có lẽ mỗi người khi giải tán nhận được những thứ ấy, chứ không phải mỗi người dâng cho thượng sư và thượng tọa như Hán dịch.

[154] Hán: từ chủ 祠主, chủ tổ chức tế đàn này.

[155] Ba tạng kỹ thuật, đây chỉ ba pho Vệ-đà.

[156] Quang minh 光明. Tứ phần, ibid., Thắng Oán vương 勝怨王.

[157] Thiện Vị 善味. Tứ phần, ibid., Tô-la-bà-đề 蘇羅婆提.

[158] Cù-di 瞿夷, (Pāli: Gotamī). Đây chỉ Da-du-đà-la (Pāli: Yasodhāra).

[159] Chấp Trượng Phạm chí 執杖梵志 (Pāli: Daṇḍapāṇī). Truyền thuyết phương Bắc nói ông là bố của Yasodhāra. Truyền thuyết Pāli, ông người họ Thích ở Kapilavatthu, em của Bà Mayā.

[160] Phiên âm trong để bản: Ða-tát-a-kiệt, A-la-ha, Tam-da-tam-phật 多薩阿竭.阿羅訶.三耶三佛.

[161] Tam đạt trí 三達智, tức ba minh.

[162] Tham chiếu Pāli, A II. 4. 2 (R i. 61).

[163] Pāli, thêm chi tiết: Nếu cha mẹ bất tín, khuyên cho có tín. Cha mẹ phá giới, khuyên trì giới, v.v. Chỉ như vậy mới có thể báo ân.

[164] Bàn-đặc 槃特. Pāli: (Mahā)Panthaka; cf. A. I 14. 2 (R i. 24).

[165] Châu-lợi Bàn-đặc 朱利槃特. Pāli: Cūla-Panthaka; cf. A. ibid. ; DhA. iv. 180f. Cf. Hán, Hữu bộ tì-nại-da 31 (Tiểu Lộ Biên, T23n1442, tr. 794c26); Thiện kiến luật 16 (T24n1462, tr. 782c14).

[166] Nguyên bản: Thống,

[167] Bản Hán, hết quyển 11.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]