Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Hậu cảnh chính trị từ Ajatasattu đến Mahapadma Nanda

07/05/201314:18(Xem: 9263)
Chương 1: Hậu cảnh chính trị từ Ajatasattu đến Mahapadma Nanda
Các Bộ Phái Phật Giáo Ở Ấn Độ


Chương 1: Hậu Cảnh Chính Trị Từ Ajatasattu Đến Mahapadma Nanda

Thượng tọa Thích Nguyên Tạng
Nguồn: Dr.Nalinaksha Dutt.Thượng tọa Thích Nguyên Tạng


Lần kết tập thứ nhất được tổ chức sớm sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn ( 486 trước Tây lịch) vào năm thứ tám triều vua A-Xà Thế (Ajatasattu), là người trị vì trong 32 năm, từ năm 493 tr TL. A Xà Thế mở rộng lãnh thổ của cha mình ra ngoài xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha) và cai trị Anga, Kasi cũng như các xứ khác của liên bang Vajjian. Các bộ phái Phật Giáo đều nói rằng lúc đầu A Xà Thế không có nhiều thiện cảm với Ðức Phật và giáo pháp của ngài, nhưng về sau nhà vua đổi ý và trở thành một vị bảo hộ Phật Giáo, hết lòng giúp đỡ cho cuộc Kết Tập lần thứ nhất.

Quyển Ðại Sử (Mahavamsa) và quyển Manjusrimulakalpa có nói rằng A Xà Thế phấn khởi hỗ trợ Phật giáo mới nhưng không thấy nói ông quan tâm tới việc truyền bá Phật Giáo.


UDAYIBHADDA (461-445 TR TL)

Theo các nguồn tài liệu PG và Danh giáo, nhưng không theo sách "Purana" thì A Xà Thế được kế vị bởi con trai của mình là Udyibhadda. Ông trị vì trong 16 năm, kể từ 567 tr TL. Quyển Manjusrimulakalpa nói rằng giống như phụ vương của mình, ông không chỉ tôn sùng PG mà còn thu thập những lời dạy của Ðức Phật nữa. Nhưng quyển này cũng viết rằng sau khi Ðức Phật nhập diệt, giáo pháp của ngài sẽ suy thoái, các vị vua sẽ tranh chấp với nhau và các tăng sĩ sẽ bận tâm với những việc thế gian, bắt lỗi lẫn nhau, và thiếu sự tự chế. Tu sĩ và cư sĩ sẽ suy giảm về đạo đức, thích tranh luận những chuyện không lợi ích, và ganh tị lẫn nhau. Ngoại đạo sẽ chiếm ưu thế, và người ta sẽ trở lại với đạo Bà La Môn, giết súc vật để tế lễ và thực hành những nghi quỹ xấu ác khác. Nếu những chi tiết mâu thuẫn này trong quyển Manjusrimulakalpa được xét cùng với sự im lặng bí ẩn của sử sách Tích Lan về hoạt động của vua Udayibhadda thì người ta có thể đoán là nhà vua không ưu đãi PG nhiều. Quyển sách nói thêm rằng tuy vậy sẽ có một số người tốt, chư thiên và phi nhân tiếp tục tôn thờ xá lợi và dù PG suy thoái, sẽ có tám cao tăng hộ trì đạo pháp, đó là Tôn giả sư trưởng Sariputra, Mandgalyayana, Mahakasya, Subhuti, Rahula, Nanda, Bhadrika và Kaphina.

Học giả Bu-ston của Tây Tạng viết rằng Ðức Phật giáo quyền bảo hộ Phật Pháp cho Ðại Ca Diếp, vị này lại truyền cho A Nan, Mandgalyaya, và Ananda đều viên tịch trong thời vua A Xà Thế. A Nan dạy đệ tử của mình là Sanavasiha hãy bảo hộ PG sau khi mình diệt độ, và sau đó hãy làm lễ thọ giới cho Upagupta, người xứ Mathura (Tổ thứ tư của Thiền Tông). A Nan nói rằng theo lời thọ ký của Ðức Phật thì Upagupta sẽ trở thành một vị Phật, nhưng không với tất cả những tính chất của một vị Ðẳng Giác Phật (Sambuddha).

Ngay trước khi viên tịch, tôn giả A Nan cũng truyền pháp cho năm trăm tu sĩ Ba La Môn, đứng đầu là Madhyantika, và ngài giao cho vị này việc truyền bá Phật pháp ở xứ Kashmir. Sử sách Tích Lan không nói gì tới Madhyantika và hoạt động của ngài ở Kashmir.


UNURUDDHA VÀ MUNDA (445-437 Tr. TL )

Sau khi trị vì trong mười sáu năm ( 461-445) Udayibhadda được con trai của mình kế ngôi là Anurudda. Tất cả thời gian cai trị của vua Anuruddha và của con trai là Munda chỉ có tám năm (445-437 Tr TL). Trong quyển "Divyavadana" vua Munda được coi là con của vua Udayibhadda, và không thấy nói gì đến vua Anuruddha. Trong Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya), vua Munda tới gặp Tỷ kheo Narada khi hoàng hậu Bhaddha qua đời. Ở thành Pataliputta, ông nghe Tỷ kheo Narada thuyết pháp về sự vô thường của chúng sinh và vạn vật. Quyển "Paristaparvan" của Danh giáo viết rằng một ông hoàng cải trang thành một sa di Danh giáo đã giết Udayin. Giáo sư Chattopadhyaya đoán rằng sa di này chính là vua Munda.


NAGADASAKA (437-413 tr TL)

Vua Munda kế tục bởi con trai của ông là Nagadasaka. Ông này trị vì trong 24 năm và là vị vua cuối cùng của dòng vua bắt đầu với Tần Bà Xa La (Bimbisara). Sử sách của đảo quốc Tích Lan viết rằng tất cả những vị kế tục của Tần Bà Xa La đều là những ông vua giết cha của mình, sự thật ra sao là điều còn phải xét lại, nhưng hình như các Phật giáo đồ không ưa mấy ông vua này lắm, bằng chứng là quyển "Manjusrimulakalpa" nói rằng PG suy thoái trong suốt khoảng thời gian nửa thế kỷ này. Việc Madhyantika rời đi Kashmir để truyền bá PG ra xa bên ngoài xứ Madogha cũng ám chỉ sự không được hâm mộ nhiều của PG ở chính địa phương nơi đạo này phát sinh.


TRIỀU ÐẠI SISUNAGA

Ngai vàng của vua Nagadasaka bị tể tướng Sisunaga chiếm đoạt. Theo quyển Uttara-Vihara atthakatha thì Sisunaga là con của một ông hoàng người Licchavi ở thành Vaisali và một kỹ nữ. Vì được một viên quan nhận làm con nuôi nên sau đó ông được coi là con của một vị quan trong triều. Quyển "Malalankara-vatthu" nói rằng Sisunaga có cung điện ở Vaisali, và sau đó ông rời kinh đô từ thành Rajagaha tới Vaisali. Ông trị vì 18 năm (413-395 Tr.TL), và được coi là đã tiêu diệt vương triều Pradyota của bộ tộc Avanti. Trong các sách PG người ta không thấy có sự kiện lớn nào diễn ra trong lịch sử PG trong thời của vua Sisunaga.

Theo sử sách Tích Lan, kế vị Sisunaga là con trai của ông, vua Kalasoka (395-367 Tr.TL) theo sử sách Tích lan, còn quyển "Purana" thì nói rằng người kế vị là Kakavarnin. Nhều học giả cho rằng đó là hai tên của cùng một người. Cuốn "Asokavadana" xếp Kakavarnin sau Munda, và không nói gì tới Kalasoka, trong khi cuốn "Manjusrimulakalpa" nói rằng Visoka là người kế vị của Sisunaga. Sử gia Tây Tạng Taranatha đã nhầm Hoàng Ðế Asoka với Kalasoka và coi Visoka là con của Hoàng Ðế. Trong "Kathavatthu-atthakatha" Kalasoka được gọi là Asoka. Trong đời vua Kalasoka, một sự kiện lớn trong lịch sử PG đã diễn ra, đó là cuộc kết tập Kinh Ðiển lần thứ 2.

Theo cuốn "Mahabodhivamasa" kế vị Kalasoka là mười người con của ông Bradrasena, Korandavarna, Mangura, Sabbanjaha, Jalaka, Ubhaka, Sanjaya, Koravya, Nandivardhana và Pancamaka, cùng trị vì với nhau trong 22 năm (367-345 tr.TL), nhưng sách "Puranas" chỉ nói tới một người, đó là Mandivardhana. Những nguồn tài liệu PG khác thì nói rằng Kalasoka hoặc Visoka được kế vị bởi con trai của mình là Surasena, trị vì trong 17 năm.

Vua Surasena giúp đỡ các Tỷ kheo bốn phương trong ba năm và dâng cúng một trăm món thiết yếu cho tất cả những tháp thờ (Caitya) trên thế gian. Sử gia Tây Tạng Taranatha cho La Hán Sanavasika và La Hán Gia Xá (Yasa) sống trong thời vua Surasena, và nói tới sự xuất hiện của Mahadeva với năm điều đề xuất của ngài trong đời vua này.

Surasana được kế vị bởi Nan Ðà (Nanda) mà theo Tarantha là con của ông. Cuốn "Manjusrimulakalpa" viết rằng Vua Nan Ðà rất hùng mạnh, duy trì một đạo quân lớn, và lấy thành Puspapura làm kinh đô của mình. Ông cũng được coi là thủ đắc nhiều của cải bằng huyền thuật. Dựa theo một câu chuyện trong cuốn này, sử gia Jayaswal nói rằng lúc đầu Nan Ðà là một viên quan của vị vua trước, và ông thuộc một gia đình giai cấp thấp, nhưng là người hàng đầu trong cộng đồng. Do bất ngờ thủ đắc nhiều tài sản mà ông trở thành vua của nước Ma Kiệt Ðà (Magadha). Ông bảo hộ các Tỷ kheo ở Kasi trong nhiều năm Các viên chức trong triều đình của ông là người Bà La Môn, và ông cũng ban nhiều của cải cho họ. Theo gương vị Thầy của mình, ông dâng cúng các tháp thờ xá lợi của Ðức Phật, Vua Nan Ðà trị vì trong 20 năm, và khi qua đời năm 66 tuổi, ông là một Phật tử thuần thành.

Trong thời vua Nan Ðà, Tỷ Kheo Naga ca tụng năm điều đề xuất của Mahadeva vốn là những điều đưa tới sự phân chia của bốn tông phái. Thêm nữa, sử gia Taranatha nói rằng trong thời vua A dục (Asoka) tức là Kalasoka, có một người Bà La Môn tên là Vatsa (hay Vatsiputra, Ðộc Tử), ở xứ Kashmir là người có học nhưng rất hiểm độc. Ông ta thích nói về thuyết Tự ngã (Atmaka), thường đi khắp xứ để thuyết phục những người chất phác tin theo giáo lý của mình và gây bất hòa trong Tăng đoàn. Mọi người đều biết rằng Ðộc Tử Bộ (Vatsiputriya) là một trong bốn Tông phái, và có lẻ phái này xuất hiện sớm hơn nhưng chỉ được nhận ra là một phái riêng biệt vào thời vua Nan Ðà

Cả hai sử gia Tây Tạng Taranatha và Bu-ston đều nói rằng người kế vị vua Nan Ðà là con trai của ông, Mahapadma, một vị tôn sùng Ðạo Phật và đã cung cấp cho các Tăng sĩ ở thành Kusumapura mọi vật dụng cần thiết cho đời sống. Hai sử gia nói thêm rằng Vararuci và Panini, vốn là quan lại trong triều đình vua Nan Ðà, tiếp tục làm quan cho vua Mahapadma, nhưng vị vua này ghét và giết Vararuci. Ðể chuộc lỗi giết một người Bà la môn, vua Mahapadma cho xây dựng 24 tu viện. Sử gia Taranatha nói rằng trong thời của ông một đệ tử Tỳ kheo Naga tên là Sthiramati gây thêm chia rẽ trong tăng đoàn bằng việc quảng bá những điều đề nghị của Thầy mình.

Raichaudhury và các học giả khác xếp vua Nan Ðà vào sau thời của các con của vua Kalasoka. Dựa theo cuốn "Manjusrimulakalpa", Jayaswal đặt vua Surasena sau vua Kalasoka. Có thể Surasena, con trưởng của vua Kalasoka. Chúng ta biết rằng sau lần kết tập thứ hai trong đời vua Kalasoka, Tăng đoàn có nhiều sự bất hòa. Hai luận sư Thế Thân (Vasumitra) và Thanh Biện (Bhavya/Bhavaviveka) coi năm điều đề xuất của Mahadeva là nguyên nhân chính gây ra sự bất hòa này. Tiếp theo Mahadeva là Naga, rồi tới Sthiramati làm công việc tuyên truyền năm điều đề xuất. Xét sự kế tục nhau của các tu sĩ này, chúng ta có thể nói rằng vua Kalasoka được kế vị bởi Surasena và Surasena bởi Nan Ðà. Sử gia Bu-ston viết rằng chướng ngại xuất hiện trong Tăng đoàn sau khi Ðức Phật nhập Niết bàn 137 năm, như vậy là vào thời vua Nan Ðà, và như vậy theo Bu-ston cũng như Taranatha đã có lý khi xếp vua Surasena vào giữa Kalasoka và Nan Ðà, nhưng có thể hai sử gia Tây Tạng đã gọi lầm tên Mahapadma Nanda vốn là của hai nhân vật Nan Ðà và Mahapadma và cho rằng Mahapadma là con của Nan Ðà. Có thể sau khi lên ngôi vua Padma đã lấy tên Mahapadma.

Cuốn "Manjusrimulakalpa" và hai sử gia Tây Tạng cung cấp cho chúng ta những thông tin hấp dẫn về thời gian và hoạt động của hai nhà ngữ học nổi tiếng Panini và Vararuci. Panini ra đời ở xứ Bhirukavana thuộc miền Tây (có lẽ Tây bắc) và dù là một Bà la môn, ông đã hướng về PG. Do được Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ, ông có tài về môn ngữ học (Sabdasastra, văn phạm). Ông soạn quyển sách nổi tiếng "Panini-vyakarana" và chứng đắc quả vị Thanh Văn (Sravakabodhi). Các học giả Tây Phương Weber, Maxmuller, Keith và những vị khác cho rằng Pasini sống trong khoảng từ 350 tới 300 tr TL, như vậy là cùng thời với Nan Ðà. Các sử gia PG có vẻ đã nói đúng khi cho rằng Nan Ðà và Panini sống cùng thời với nhau.

Về Vararuci thì chúng ta được biết ông là một học giả uyên thâm, và đã viết những pho sách diễn giảng giáo lý của Ðức Phật. Giáo sư Belvalka đã thu tập được nhiều bằng chứng cho thấy Vararuci là một tên khác của Katyayana thuộc phái ngữ học Aindra. Sử gia Tây Tạng Taranatha nói rằng phái Aindra được coi là có trước phái Panini. Văn phạm Pali của Kaccayana cũng thuộc phái này. Giáo sư Belvalka cũng viết rằng Vararuci viết nhiều sách thuộc loại bình giảng. Như vậy có thể nói là Vararuci sống cùng thời với vua Nan Ðà và Panini, và giống như người cùng tên Mahakaccayana, ông cũng chuyên viết sách bình giảng giáo lý của Ðức Phật. Từ những điều trên, có thể kết luận rằng những bất đồng ý kiến trong Tăng đoàn PG phát sinh trong thời vua Kalasoka và gia tăng trong thời vua Surasena và vua Mahapadma Nanda.

Những Trung Tâm Phật Giáo chính yếu

Tên của các tăng sĩ và thông tin về địa lý do những tài liệu về cuộc Kết tập lần thứ hai cung cấp giúp chúng ta biết tầm mức khu vực chịu ảnh hưởng của Giáo hội PG. Trong thời gian có 8 vị trưởng lão được xem là những bậc lãnh đạo, đó là Sabbkami, Salha, Revata, Khujjasobhita, Yasa, Sambhuta Sanavasi, Vasabhagamika và Sumana[1]. Sáu vị đầu là đệ tử của Ðức A Nan, hai vị sau là đệ tử của ngài Anuruddha. Ngài A Nan viên tịch vào cuối triều vua A Xà Thế và như vậy trong thời gian Cuộc Kết Tập lần thứ hai các đệ tử của ngài đã cao tuổi hết rồi. Lúc đó Sabbakami và Tăng Trưởng Lão (Sanghatthera) nhưng Revata là vị lãnh đạo được công nhận. Trong truyền thống Sankrit, Sambbkami Sanavasi được coi là vị đứng đầu vì đã được ngài A Nam chọn làm người kế tục mình trông coi Giáo Hội. Nguồn tài liệu Trung Hoa cho thấy ngài giữ vai trò hàng đầu trong các cuộc thảo luận của cuộc Kết tập. Các Tăng sĩ người thành Vaisali là thuộc các xứ miền đông Ấn Ðộ, cũng như các vị Sabhakami, Salha, người thành Sahajati, Khujjasobhita và Vasabhagamika. Sử gia Tây Tạng Bu-ston viết rằng Sabbakami cư trú ở Vaisali. Ngài Huyền Trang cho rằng Khujjasobhita là người thành Pataliputra, còn Salha là người thành Vaisali. Người ta nhận thấy rằng Salha là người thành Sahajati hoặc thành Vaisali lúc đầu đã không nhất quyết. Cũng vậy vua Kalasoka lúc đầu ủng hộ các vị thuộc thành Vaisali, nhưng về sau, do sự can thiệp của em gái là Tỳ kheo ni Nanda, ngài nghiêng về phía các vị thuộc miền Tây. Trong thời kỳ đầu của lịch sử Phật giáo, Vaisali được mô tả là một thành phố có đầy những nhà tư tưởng ngoài đạo và là một trung tâm của các tín đồ của Nigantha Nataputta, giáo chủ của Kỳ Na giáo. Vì vậy, hợp với truyền thống của vùng này, các tu sĩ PG có khuynh hướng không chính thống phảo tìm được chỗ đứng ở đây.

Trưởng lão Yasa là người năng động nhất và là người gây ra vụ bất hòa và theo ngài Huyền Trang, Yasa là người nước Kosala, rời Vaisali đi Kosambi, tổ chức một Tăng đoàn gồm sáu mươi tăng sĩ xứ Avanti, đều thuộc miền tây. Ngài Yasa lại đi cùng với họ tới gặp trưởng lão Sambhuta Sanavasi người Mathura ở xứ Ahoganga. Cùng với vị này họ đi gặp Revata (cũng thuộc miền Tây) người xứ Kanauj ở Soreyya, Vị tăng sĩ miền tây thứ tư là trưởng lão Sumana. Như vậy chúng ta thấy là có sự phân biệt rõ ràng về địa lý giữa các tăng sĩ. Trưởng lão Yasa xứ Kosala là người khởi xướng việc chống lại những hành vi vủa các tăng sĩ thành Vaisali, với sự hỗ trợ của Revata người thành Soreyya (Kanauji), Sambhuta Sanavasi người Mathura và Sumana (không có tài liệu nào ghi sinh quán của các vị này). Ðiều này cho thấy các tăng sĩ thuộc miền tây, tức là Kausambi, Avanti, Mathura, thì có tính cách chính thống hơn về mặt tôn trọng những giới luật mà các trưởng lão đã chấp nhận. Trong những cuộc thảo luận của kỳ kết tập này, tuy là Tăng trưởng lão Sabbhakami đã không được giao quyền chủ tọa, và điều này cũng chứng tỏ rằng ngài không hoàn toàn ủng hộ cuộc phản đối do Yasa khởi xướng. Như đã nói ở trên, lúc đầu Salha đã không nhất quyết, và có lẽ Khujjashobhita người thành Pataliputra cũng có thái độ này.

Giáo sư Przyluski cũng nhận thấy sự phân chia có tính cách địa lý của các tăng sĩ, và nói rằng có ba trung tâm rõ rệt là Vaisali, Kausambi và Mathura. Thành Kausambi và tất cả các xứ miền tây nam về sau trở thành lãnh thổ của phái Trưởng Lão, còn Mathura và các xứ miền tây bắc là của phái Nhất Thiết Hữu. Vì vậy những người miền tây trong kỳ kết tập này là nhóm tăng sĩ mà về sau được gọi là Trưởng Lão Bộ (Sthaviras) và Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadins). Trong khi đó những người miền đông ở thành Vaisali sẽ thuộc Ðại Chúng Bộ (Mahasangahikas) và các chi phái khác. Dù sự khác biệt giữa hai phái miền đông và miền tây như thế nào, có một điều rõ rệt là vào lúc đó PG đã chiếm ưu thế khắp dải miền trung Ấn Độ từ Avanti tới Vaisali, và từ Mathura đến Kausambi. Có lẽ trung tâm chính của PG đã di chuyển trong khoảng thời gian đó từ thành Rajagrha tới Pataliputra, cũng là kinh đô của vương quốc Ma Kiệt Ðà. Phái Ðại Chúng cũng lấy Pataliputra làm trung tâm chính của mình.




CHÚ THÍCH

[1] Theo sử Bupston, thì danh sách có khác: Yasa, Sadha, Dhanika, Kubjtita, Ajita, Sambhuta, Revata
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]