Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Ngày hai mươi mốt

07/05/201311:46(Xem: 8699)
21. Ngày hai mươi mốt

GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY

Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ

(Liberation in the Palm of Your Hand-

Aconcise discourse on the path to enlightenment)

Pabongka Rinpoche

Edited by Trijang Rinpoche

Translated by Michael Richards

Thích Nữ Trí Hảidịch

--- o0o ---

PHẦN NĂM

PHẠM VI LỚN

NGÀY HAI MƯƠI MỐT

Kyabje Pabongka Rinpoche cho một chuyện ngắn để dẫn nhập. Ngài trích dẫn câu sau đây từ tác phẩm của Gyaltsab Rinpoche Jampa Goenpo:

Trước hết nhờ sự học

Mà tư tưởng bạn trở nên thiết thực

Do sự thiết thực ấy bạn sẽ đạt đến

Căn bản trí đi sâu vào những việc thuần tịnh.

Rồi ngài kể ra những tiêu đề đã bàn, và ôn lại vắn tắt bốn mục bố thí v.v… trong tiêu đề “Sau khi phát tâm bồ đề, cách luyện tập các hành vi của người con Phật.”

a-2. đặc biệt, cách luyện hai pháp ba la mật sau cùng.

Có hai tiêu đề phụ: (1) làm thế nào để tập tinh yếu của định - tịnh chỉ; (2) làm thế nào để tập tinh yếu của tuệ - tuệ quán đặc biệt.

a-2.1. Làm thế nòa để tập tinh yếu của định - tịnh chỉ

Có sáu mục nhỏ: (1) Đào luyện những điều kiện đưa đến tịnh chỉ: (2) cách thực thụ để đạt đến tịnh chỉ; (3) từ căn bản này, làm sao để đạt chín định chứng; (4) Cách đạt định nhờ 6 năng lực; (5) Thế nào là có 4 loại tiến trình tâm; (6) Cách phát triển tịnh chỉ chân thực.

Trong phần Phạm Vi Trung Bình, Kyabje Pabongka đã không bàn đến tăng thượng định học và tuệ học mà ngài sẽ bàn trong chương này, tức hai pháp ba la mật cuối.

Định là một cái gì chúng ta có chung với người không phải Phật tử. Những hình thức thấp kém của định là những pháp tu các thiền thuộc sắc và vô sắc. Chúng ta có thể phát triển những pháp tu này thành ra nhân giải thoát bằng cách thực hành chúng kèm với những tư tưởng từ bỏ. Chúng ta cũng có thể làm cho chúng trở thành Phật pháp bằng cách tu tập kèm theo sự quy y. Nếu không có tịnh chỉ, thì ta sẽ không phát triển được bất cứ một gì thực chứng lớn lao từ các loại thiền quán về tánh không trong kinh điển hay những loại thực chứng trong mật tông về các giai đoạn phất sinh và thành tựu v.v… Nếu bạn không có tâm tịnh chỉ thì không thể nào có được một đức tính gì bạn có thể phát triển được qua các định nhứt tâm thuộc kinh điển hay mật điển. Tâm tịnh chỉ giống như một bình chứa để bạn rót nước vào. Bởi thế thực vô cùng quan trọng để phát triển sự tịnh chỉ vững chắc trong những giai đoạn đầu tiên. Bạn phải phát triển tuệ đi sâu vào tánh không để chặt đức gốc rễ sinh tử và đạt giải thoát; nhưng muốn làm điều này thì trước hết bạn phải đạt đến tịnh chỉ rất vững. Muốn thấy được vạn pháp như thực chất của chúng, thấy một cách rõ ràng, thì trước hết bạn phải có sự bền vững và kiên cố. Giả sử bạn dang nhìn một bức họa trên tường. Có hai điều kiện cần thiết để xua tan bóng tối che mờ các bức họa: một ngọn đèn sáng, và không có những luồng gió làm cho ngọn đèn (dầu) ấy lung lay.

Cũng thế nếu bạn đã đạt đến tâm tịnh chỉ thì thực dễ dàng hơn nhiều để phát triển thực chứng qua pháp thiền về thân người khó được hoặc thiền quán về vô thường. Tác phẩmNgọn Đèn Soi Đường của Atìsha nói về sự phát triển tịnh chỉ để đạt được những thần thông về thiên nhãn. Tuy nhiên, điều căn bản để hiểu tất cả điều này đã được Shantideva nói như sau:

Hãy biết rằng nhờ tuệ quán đặc biệt

Sau khi đạt tịnh chỉ lớn,

Bạn sẽ phá hủy vọng tưởng

Bởi vậy ngay từ đầu

Hãy nỗ lực đạt tâm tịnh chỉ.

Như vậy bạn phải đật tâm tịnh chỉ ngay từ đầu trở đi. Bạn không nhất thiết phải phát triển nó sau khi hoàn tất tâm bồ đề, vì bạn có thể có được nó trước hoặc sau khi thành tựu tâm bồ đề. Nếu thành tựu được tâm tịnh chỉ, bạn sẽ tiến bộ nhiều trong các pháp quán về bất cứ đề mục nào thuộc cả ba thừa.

Trước hết bạn phải đào luyện những điều kiện tiên quyết cho tâm tịnh chỉ, nếu không bạn sẽ không đạt được. Ngọn Đèn Soi Đường nói:

“Khi chân tay của tịnh chỉ đã tàn tạ, bạn sẽ không thành tựu được định nhất tâm, dù có thiền quán hàng ngàn năm đi nữa.”

Điều này đưa đến:

a-2.1.1. Đào luyện những điều kiện tiên quyết để đạt tâm tịnh chỉ

Có 6 điều kiện: (1) Ở chỗ thích hợp, (2) ít muốn; (3) Biết đủ; (4) hoàn toàn từ bỏ những yêu cầu đủ thứ của xã hội; (5) có giới thanh tịnh; (6) hoàn toàn từ bỏ những tư tưởng thuộc về tham dục.

(i) Ở chỗ thích hợp

Nơi chốn mà bạn tu tập có 5 yếu tố. Tác phẩm Trang Nghiêm Kinh mô tả loại trú xứ cần thiết như sau:

Có hiền trí tu tập

Được lương thực thù thắng;

Một chỗ ở tốt lành;

Một chỗ không ô nhiễm;

Thiện trí thức gần kề;

Và có những điều kiện

Vừa ý một hành giả.

Nếu bạn thấy không dễ tự hài lòng với mình khi ở một nơi hợp pháp, thì bạn cứ mãi xuống phố. Nhưng bạn cần phải được cung cấp đầy đủ đúng pháp, nếu không, bạn có thể kiếm được những phẩm vật do tà mạng, hoặc những vật tội lỗi. Những vị thầy chúng ta nói rằng những loại lương thực ấy rất nguy hiểm. Bởi thế, bạn cần lương thực dễ kiếm, không bị ô nhiễm do tội lỗi, gọi là “lương thực thù thắng.”

Trú xứ mà bạn ở phải là một nơi thiêng liêng ở dấy những bậc thánh trong quá khứ đã cư trú. Khi những người sơ cơ cư trú một nơi như vậy, thì trú xứ tự nó đã là một ơn ích đối với họ. Nếu bạn không thể tìm một nơi như vậy, thì bất cứ chỗ nào bạn ở phải là một nơi không có người phạm giới hoặc người phá tăng đã cư trú.

Trú xứ còn phải là một nơi lành tốt, nghĩa là không có thú dữ, trộm cướp, hay những chúng sinh xấu ác. Nơi ấy phải có những người sẵn sàng làm thí chủ. Nếu không vậy, bạn có thể tưởng mình sẽ sống yên ổn, nhưng về sau bạn sẽ đi đến sầu muộn.

{Kyabje Pabongka Rinpoche chứng minh điều này bằng một mẫu chuyện về một tu sĩ trong quá khứ.}

Nơi mà bạn sắp ở có thể là nhà của những phi nhân, vậy điều cốt yếu là phải dùng vài biện pháp ôn hòa để hàng phục chứ không phải để xua đuôi chúng.

“Một nơi không ô nhiễm” nghĩa là một trú xứ ở đấy bạn sẽ không bị những cơn nóng lạnh, có nước uống tốt lành.

Bằng hữu cũng thế, phải là những người bạn giúp cho ta về tri kiến và hành động. Hai hạng người này chỉ là một. Điều này dĩ nhiên không có nghĩa rằng chỉ nên có hai người bạn, hoặc phải sống một mình. Nó chỉ có nghĩa rằng những người ấy và mình phải giống nhau về tư tưởng. Những người sơ cơ sống một mình không bầu bạn rất nguy hiểm. Cần phải có ít nhất ba người bạn, và nếu đấy là bạn đạo, thì càng nên có nhiều hơn. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu bạn đi nữa, họ phải là những người mà ta kính trọng, không xem ngang hàng, vì ta có thể đâm ra bất cẩn một cách tai hại.

Người ta cũng nói “Âm thanh quấy nhiễu định.” Nghĩa là trú xứ phải xa tiếng người ban ngày, hay tiếng cho sủa, nước chảy về đêm.

Bậc tôn sư tôi nói, bạn phải là người có thể tự lập: nhờ học hỏi, thiền định bản đã bỏ được những điều không chính xác trong ý nghĩa những gì bạn phải quán. Một người như vậy đã được trang bị để đạt được sự toại ý. Nhưng điều này cũng có nghĩa là bạn đã làm tất cả những chuẩn bị cần thiết - như đã có quán đảnh, giáo lý, kinh sách, v.v… Việc chính yếu bây giờ là phải thiện xảo trong sự tu tập. Ngày nay người ta dường như buộc lòng phải cần đến bói toán, vân vân., vì không biết phải làm gì để tự trang bị cho mình trong khi khởi tu thực sự. Không nên hành động kiểu ấy, mà phải làm những chuẩn bị chính đáng cho sự thực hành pháp.

(ii) Ít muốn

Ít muốn có nghĩa là không ham có nhiều y phục tốt, thực phẩm ngon, v.v…

(iii) Biết đủ

Là hài lòng với thực phẩm và y phục tồi tàn nhất. Bạn sẽ ham khoái lạc giác quan nếu không có thiểu dục tri túc. Bạn sẽ không triển khai được định nhất tâm vì bị chia trí bởi nhu cầu bảo vệ tài sản, v.v…

(iv) Giới thanh tịnh

Giới tướng là căn bản của tất cả thiện đức. Sự dẹp trừ những tán loạn nội tâm vi tế tùy thuộc vào sự từ bỏ nhưng tán loạn thô ở ngoài. Giới chế ngự và làm an tịnh những ác hành về thân và lời, nhờ nó bạn ra khỏi sự khỏi sự trói buộc của những thô chấp và danh tướng.

(v) Từ bỏ những yêu cầu của xã hội.

Có nghĩa là hạn chế thì giờ bạn dùng vào cũng hoạt động và chuyện văn vô ích. Bạn phải rất ít dính dấp đến những hoạt động vô nghĩa thì mới khỏi bị chia trí vì chúng. Sự tu tập định là điều quan trọng hơn nhiều, nên nếu ít muốn, biết đủ thì tự nhiên bạn sẽ ít liên hệ đến những chuyện ấy. Muốn được nhất tâm trong sự tu tập, bạn phải từ bỏ xem thiên văn, lý số, học y dược, và đi vào làng xóm để làm lễ cho gia chủ, vì đấy là những yêu cầu của xã hội.

Điều này không những áp dụng cho người sơ học như chúng ta mà thôi. Nó có thể tai hại ngay cả đối vói những người thánh thiện. Butoen Rinpoche và Lama Dampa được ân sủng của vua Pehar, vua thường tặng họ bút sắt để viết. Họ dùng hàng ngàn cây bút như thế, và tương truyền trong đời ấy họ đã không đắc quả thù thắng vì mãi mê xem thiên văn. Nhưng Togme Sangpo, một bậc Pháp vương tử chân chính, thì vẫn kiên cố thiền quán về tâm từ và tâm bi, nên mưu kế của Pehar không thành công đối với ngài.

Đức Tsongkapa viết 18 pho sách nhưng không pho nào nói về y dược; không phải vì ngài không biết, mà vì ngài thấy nó có thể phương hại đến việc tu hành. Trong một năm, ngài nghiên cứu cơ cấu của những huyệt đạo trong cơ thể, làm mòn những ngón tay ngài và hai ba tấm đá bảng. Nhưng ngay cả việc này cũng là nhượng bộ những yêu cầu của xã hội; nó không giúp gì cho sự tu hành của ngài.

Nếu bạn nỗ lực vào những việc như thế, thì chẳng những bạn thêm một bản năng vô ích, mà còn không thể tập luyện những bản năng đưa đến hậu quả tái sinh lên thượng giới hay đạt được sự thù thắng quyết định. Bạn sẽ không thành tựu được điều gì có ý nghĩa sâu xa, và giống như người tham luyến cây mía mà không rút tỉa được chất ngọt nào. những học thuật thấp kém ấy không lợi ích, thì bản tâm điêu luyện nó làm gì?

Có người nói: Bây giờ tuổi già của bạn chưa rõ rệt lắm, nhưng tình trạng của bạn thật đáng thương khi bạn chạy theo dục lạc giác quan. Đấy cũng là lý do kẻ ăn xin Sùrata khi tìm được viên ngọc ước đã đem cho vua Ba tư nặc mà nói: “Này đại vương, trong toàn quốc này, vua là người ít hỉ túc nhất. Vậy tốt nhất là tôi nên cho ngài viên ngọc này.”

Pabongka Rinpoche còn kể chuyện về Geshe Baen Gung- gyal sửa lại tấm thảm.

(vi) Hoàn toàn từ bỏ những tư tưởng tham dục

Chuyển những tư tưởng này thành ra nghĩ về những lỗi lầm của tham dục và tưởng vô thường.

Khi bạn đã hoàn thành tất cả những điều kiện trên, bạn chỉ cần sáu tháng để đạt tịnh chỉ.

a-2.1.2. Cách thực thụ để đạt tâm tịnh chỉ

Phân biệt giữa cực đoan và Trung đạo của Di Lặc nói

Từ bỏ năm hố sâu

Đào luyện tám điều chỉnh

Sẽ làm bạn đạt được.

Năm hố là: lười biếng,

Quên lời chỉ giáo;

Trạo cử và bôn trầm;

Không sửa đổi, và chỉnh lại.

Nói cách khác, bạn phải đạo luyện tám điều đối lại năm hố sâu. Không lời chỉ giáo nào về cách đạt đến tịnh chỉ tốt hơn là chỉ giáo tìm thấy trong cổ thư - những tác phẩm của Di Lặc, những khảo cứu của Vô Trước về những địa vị khác nhau, những bản văn về trung đạo và những tầng thiền định v.v… Ta phải tìm những chỉ giáo như vậy để quán niệm. Thay vì làm thế ta có thể xem trong một chỉ giáo khẩu truyền của một vị thầy không phù hợp với Pháp trình bày trong cổ thư, hoặc ta có thể xem trọng vài bùa chú linh tinh, v.v… Đấy là tìm một cái gì tại một nơi ta không thể gặp nó. Nhưng nếu ta theo dõi chương nói về tịnh chỉ của Tsongkapa trong quyển Những Giai Đoạn Lớn Của Đạo Lộ thì sẽ không bị nguy cơ này.

Vậy nếu không tham chiếu luận thư cổ, bạn có thể tin tưởng lời nói của một thầy nào đó, xem nó là “chỉ giáo.” Nếu thế thì dù có bỏ cả đời còn lại để tu trong hang núi, việc thiền định của bạn cũng hỏng vì sự hôn trầm vi tế. Quá nhiều người đã sai về bí quyết đại đến tâm tịnh chỉ bằng cách chỉ hướng chú ý vào tâm mà thôi. Họ đã hụt mất cơ hội lớn. Đặt nỗ lực vào chỉ giáo sai thì chỉ làm cho đời người của mình trống rỗng. Nhiều học giả nổi tiếng của Tây Tạng đã lầm về tri kiến, làm sao để thiền quán về nó, vân vân. Những người biết phân biệt nên nhìn kỹ những truyền thống của những học giả ấy rồi sẽ hiểu được sự thật là thế. Hãy chứng kiến sự kiện rằng, cách Tsongkapa đề cập tri kiến, thiền quán, và những phận sự bao hàm trong đó, đều phù hợp với những tác phẩm của những hiền trí và học giả Ấn Độ. Hơn nữa, chính Đức Văn Thù đã giải tỏa những hoài nghi của Tsongkapa. Bởi thế chúng ta nên y cứ vào những chỉ giáo của ngài vì những chỉ giáo ấy được thiết lập có thẩm quyền của kinh điển hoàn toàn vô cấu. Nhưng nếu bạn dán hy vọng vào một chỉ giáo không phù hợp với kinh điển, một chỉ giáo đề cập những điều không có trong kinh, thì bạn có nguy cơ chứng được những điều chưa ai nghe tới. Điều này cũng áp dụng cho những giai đoạn phát sinh và thành tựu định chứng tầm thường nhất nếu không có chỉ giáo này, đề cập cách đạt đến tâm tịnh chỉ. Nguồn gốc chỉ giáo này là những luận giải bàn về những phương pháp ra khỏi năm hố sâu bằng cách đào luyện tám sự điều chỉnh.

(i) Cạm bẫy thứ nhắt: Lười biếng

Có bốn cách chữa trị: (1) lòng tin do thấy những đức của tịnh chỉ; (2) sự khát khao có được tịnh chỉ; (3) kiên trì tinh tấn trong việc tầm cầu tịnh chỉ; (4) tìm quả báo của tịnh chỉ - tâm nhu nhuyến.

Lại phải để ý: tinh chỉ có thể áp dụng cho bất cứ đối tượng thiền định nào.

Đức tin do thấy những đức tính của tịnh chỉ là như sau. Hố sâu lười biếng là không có một ước muốn sâu xa nào đối với sự nhất tâm, không mong muốn có khả năng đi vào những thiền định ấy. Cứu cánh chân thực của sự tập luyện này là tâm nhu nhuyến (mềm mại) trong thiền định. Mặc dù hiện tại bạn chưa có được, song bạn phải nghĩ đến những đức của tịnh chỉ, rồi bạn sẽ có niềm tin vào đấy Hành Bồ Tát Hạnh nói:

Bạn có thể nỗ lực lâu dài

Tụng đọc và đủ thứ khổ hạnh,

Với một tâm bị chia trí vào những việc khác,

Những điều ấy thực hoàn toàn vô nghĩa.

Nói cách khác, hãy nghĩ về tai nạn mà một tâm tán loạn có thể gây ra. Nếu bạn phát triển được tịnh chỉ, bạn có thể tập trung ý vào một đối tượng một cách kiên cố mỗi khi bạn làm một việc có công đức. Nhờ sự kiên cố ấy mà bạn sẽ đạt được những thần thông thuộc thế gian vân vân. Giấc ngủ của bạn sẽ thành một sự nhập định, vọng tưởng nơi bạn sẽ rất ít. Quan trọng hơn, bạn sẽ dễ dàng triển khai thực chứng vào đạo lộ, từ sự nhờ thầy cho đến cuối cùng là các giai đoạn phát sinh và thành tựu, v.v…

Hãy nghĩ về những điều tốt lành ấy. Tất cả đều là hậu quả của sự có niềm tin do thấy công đức của tịnh chỉ. Vơi niềm tin ấy bạn có thể thành tựu ước muốn và kiên trì để tầm cầu tịnh chỉ, bạn sẽ mong có được sự nhu nhuyến trong thiền định. Đây là cách bốn phương thuốc này là nhân quả lẫn nhau - những cái sau phát sinh từ cái trước theo một trật tự.

(ii) Cạm bẫy thứ hai: Quên chỉ giáo

Đây là điều chúng ta gọi là không nhớ đề mục thiền; nó rất tai hại cho sự thực hành tâm tịnh chỉ. Trái tim của Trung Đạo nói:

Hãy buộc chặt con voi hoang là tâm ý

Vào cái cọc chắc chắn của sự quán tưởng

Dùng sợi dây “niệm”;

Làm thuần nó bằng móc câu trí tuệ.

Bạn phải cột con voi tâm vào cái cột quán tưởng, phép quán mà bạn sử dụng. Bạn cần một cái gì để buộc tâm vào - nghĩa là, pháp quán được dùng để phát sinh tâm tịnh chỉ. Đề mục thiền có thể là bất cứ hiện tượng nào được quán, hay một pháp đặc biệt nào. Ngoại đạo dùng đá và những mảnh gỗ để quán. Những người theo đạo Bon quán mẫu tự A. Như vậy những người khởi sự đạt tâm tịnh chỉ sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng đây chỉ là những đối tượng quán. Có những người có nhìn bằng mắt những đối tượng quán, nhưng pháp thiền này không bằng hai pháp đã đề cập, vì tâm tịnh chỉ cần phải đạt bằng tâm chứ không phải bằng con mắt. Dù sao, những phương tiện này cũng ngăn chận được một số vấn đề, như năm hố sâu nói trên. có lần một người từ Ấn sang đây (Tây Tạng) dùng một cái sừng bò làm đối tượng quán. Ông ta không sử dụng các loại đối tượng thuần tâm linh khác để đạt chín tầng thiền chứng, nhưng vẫn đạt tâm tịnh chỉ. Điều này chứng tỏ bạn có thể đạt tâm tịnh chỉ với bất cứ đối tượng quán nào mà bạn dùng.

Tuy nhiên, khi chúng ta tu tập để đạt tịnh chỉ, ta thường quán tưởng hình tượng Phật phù hợp với truyền thống khẩu quyết bắt nguồn từ Tsongkapa. Một mặt, pháp quán tưởng này giúp bạn tích lũy công đức và thanh lọc chướng ngại. Mặt khác, nó làm cho bạn quen với pháp thiền quán về thiền thiên trong các mật điển. Thật lợi lạc vô cùng nếu ta luôn luôn nhớ Phật. Vân vân.

Từ bậc thầy của bạn được quán ở trên đỉnh đầu, nói lên đức Đạo sư Thích Ca Mâu Ni. Ngài đến an vị trước mặt bạn, ngang chỗ trống giữa đôi chân mày. Ngài cao chừng một gang tay. Bạn cũng có thể quán tưởng Ngài an vị ngang với tấm rốn của bạn. Hoặc, hãy quán tưởng bạn biến thành Thích Ca Mâu Ni.

Có người thích tưởng tượng những vô sắc làm đối tượng quán, hơn là quán một cái gì thuộc vật lý. Bởi thế Panchen Lama Lozang Choekyi Gyaeltaen khởi đầu một truyền thống trong giáo lý ngài về Đại Thủ Ấn của Hoàng Mạo phái phù hợp với tư tưởng của Rinpoche trong Những Giai Đoạn Giữa Của Đạo Lộ.Trong truyền thống này, bạn đạt tịnh chỉ nhờ tập trung vào chính cái tâm của mình; và những người nói trên có thể thích sử dụng pháp này. Nó còn có tương đương của nó trong các tông phái khác, nhưng phải chủ trương theo dõi sự vận hành có ý thức của tâm. Cũng có thể đạt tịnh chỉ bằng cách quán hình ảnh một vị thiên, như trong giai đoạn phát sinh, hoặc quán mẫu tự A hay một lằn thẳng đứng, như trong giai đoạn thành tựu. Còn có nhiều pháp quán để đạt tịnh chỉ khác, bằng cách biến mãn đối tượng ra cùng khắp, sử dụng một cái “mánh” nào đó, một hoạt động nào đó, hoặc quán một vọng tưởng đã được tịnh hóa. Trong thực hành, hãy sử dụng bất cứ phương pháp nào bạn thấy dễ nhất cho mình để quán tưởng cho đến khi đạt tâm tịnh chỉ. Đừng thay bằng một pháp quán nào khác. Bạn không được quán cả bốn đối tượng tả trong kinh (thân, cảm thọ, tâm và các pháp). Bạn phải dẫn tâm vào một đối tượng duy nhất. Và đối tượng ấy phải làm bạn cảm thấy thoải mái dễ chịu. Bồ tát Mã Minh nói:

Hãy kiên cố trong sự quán tưởng:

Luôn luôn dùng một đối tượng quán ấy.

Nếu quán nhiều đối tượng liên tiếp,

Thì tâm bạn sẽ bị kích động bởi vọng tưởng.

Nói cách khác, hãy dán tâm vào một pháp quán duy nhất khi bạn thiền. Bạn sẽ không đạt tịnh chỉ nếu cứ đổi đối tượng quán. Giả sử bạn cọ hai thanh gỗ vào nhau để lấy lửa, mà cứ đổi thanh khác thì không bao giờ có lữa. Hơn nữa, bạn phải thiền liên tục để đạt tâm tịnh chỉ, trừ khi bạn ăn, ngủ, bài tiết, cũng như bạn phải luôn cọ hai thanh gỗ cho đến khi có lửa. Hãy làm việc ấy cho đến khi hoàn tất tâm tịnh chỉ - trong sáu tháng, một năm hay hơn nữa. Bạn sẽ không đạt tâm tịnh chỉ nếu bạn đâm chán và khởi sự tu kiểu gì khác, hoặc nếu bạn nghỉ xả vài ngày, vân vân.

Bạn được chỉ giáo phải thuộc lòng những đường nét của một bức tranh hay tượng Phật dùng làm đề tài quán, để bạn có thể dễ dàng tưởng tượng phần nào đề mục quán của bạn với hình ảnh thô (thô tướng) mà bạn có được do thấy bằng mắt thịt. Chúng ta nói bạn đã “quen lời chỉ giáo” khi bạn không còn nhớ được hình ảnh này. Đây là hố thứ hai.

Cách chữa trị là sự điều chỉnh thứ năm trong tám pháp - đó là niệm. Niệm cường liệt là cần thiết để duy trì sự tương tục của đề mục thiền quán, hơi giống một chuỗi tràng. Niệm của một người có thể mạnh hay yếu, làm cho người ấy dễ dàng hay khó khăn đạt đến tâm tịnh chỉ Vô Trước nói như sau về niệm:

“Niệm là gì? Đó là một pháp có nhiệm vụ làm cho tâm không quên một vật mà nó đã quen thuộc.”

Nói cách khác, niệm cần thiết phải có ba đức tính. Nó phải phân biệt được đối tượng - nghĩa là trước đấy bạn đã nhìn đối tượng dùng để thiền quán, và làm cho mắt bạn quen thuộc với những đặc điểm của nó. Sau đó khi bạn hướng tâm về những đặc điểm ấy, thì niệm phải có cái đức tính duy trì - nghĩa là bạn không quên những đặc điểm ấy, và nó hiện lại một cách sống động. Cũng như bạn nhớ đồ ăn một cách sống động khi bạn đói. Cuối cùng, niệm có một đức nữa là cái nhiệm vụ nó thực hiện - tâm được làm cho không đi lạc, không phân tán khỏi đối tượng nó hướng đến.

Nếu ba pháp này có mặt, thì bạn sẽ có thể quán tưởng hình dạng của Phật trước khi bạn trong tâm nhãn. Đừng chia trí - hãy duy trì sự dán chặt vào đối tượng quán. Bạn phải tưởng tượng, không làm gì khác.

(iii) Cạm bẫy thứ ba: Trạo cử và hôn trầm

Bạn sẽ rơi vào cái cạm bẫy thứ ba - trạo cử và hôn trầm trong giai đoạn thực sự thiền quán, khi nhớ lại đối tượng quán của mình. Nếu bạn không phân biệt được giữa hôn trầm như đám mù trong tâm, với trạo cử, thì điều ấy cũng giống như không nhận ra kẻ thù sắp giết mình.

Đám mù trong tâm có thể là bất thiện hay trung tính. Nó che mờ ý thức, làm cho thân tâm nặng nề như khi bạn muốn ngủ. Nó là một cái nhân cho sự hôn trầm và không bao giờ là thiện.

Có hai loại hôn trầm: Tế và thô. Khi bạn nhớ lại đề mục quán, hình ảnh có thể vững vàng nhưng không rõ. Đây là hôn trầm thô. Hôn trầm tế là như sau: bạn chưa bị mất những đường nét đã nhớ được về đối tượng quán, bạn còn có sự vững vàng và rõ ràng của hình ảnh, những năng lực của sự duy trì nơi bạn đã yếu, và vẻ rõ nét của hình ảnh không mãnh liệt. Sự hôn trầm tế nhị là chướng ngại chính cho thiền định. “Không mãnh liệt” nghĩa là gì? Nghĩa là hình ảnh có rõ rệt, nhưng tâm đã trở nên hơi lỏng lẻo. Và lúc ấy mặc dù hình ảnh quán là hoàn toàn vững chắc, sự lỏng lẻo này đã làm nhân cho hôn trầm vi tế. Nếu hình ảnh có sự rõ ràng, thì tâm bén nhạy, tươi mát, sinh động, và vấn đề trên đối tượng quán.

Sự kiện đối tượng quán vừa rõ ràng vừa vững chắc nhưng sự rõ ràng ấy có thể mãnh liệt là như sau. Giả sử bạn đang cầm trong hai tay chuỗi tràng và bình bát. Bạn có thể cầm tay này chặt tay kia lỏng. Hoặc thông thường, chúng ta có thể luôn luôn tin tưởng vào một bậc thầy; cái cách chúng ta duy trì niềm tin khi ấy sẽ mạnh hơn trước. Đấy là sự khác nhau giữa hai tình trạng. Người ta bảo rằng điều này sẽ trở nên rất sáng sủa dưới ánh sáng của kinh nghiệm thiền quán - không thể nào nói được nên lời.

Để ý: sự sáng sủa rõ ràng không do nơi đối tượng. Có sự rõ ràng hay không cốt yếu là nhiệm vụ của ý thức chủ quan. Khi không có sự rõ rệt, thì nó như một tấm màn đã bị kéo lên che khuất hình ảnh.

Sự hôn trầm vi tế là định nhất cả hai đều có thể vừa có sự sáng sủa và vững chãi; nhưng thật khó mà phân biệt giữa định nhất tâm và hôn trầm vi tế. Ngay cả gió có thể đã ngưng vào ra lỗ mũi của bạn, và tâm bạn có thể an trú suốt ngày, nhưng kỳ thực bạn chỉ xây dựng sự hôn trầm vi tế. Nhiều học giả Tây Tạng ngày trước đã hiểu lầm trạng thái này và ca tụng nó là “sự nghỉ ngợi sâu xa nhất trong thiền định thâm sâu.” Họ đã không hiểu được điểm then chốt này trong thiền quán. Nếu bạn lầm hôn trầm vi tế là thiền định, thì thiền định của bạn còn không làm nhân đưa đến tái sinh vào các cõi sắc và vô sắc, và ngay trong đời này bạn cũng sẽ tăng sự đãng trí. Vì tuệ của bạn trở nên không rõ ràng, sự thực hành này không khá gì hơn việc thiền quán thật nhiều về một phép quán trong đó bạn quán tưởng mình là một súc sinh!

Tác phẩm Toát yếu về thắng pháp nói như sau về trạo cử:

“Trạo cử là gì? Là một khía cạnh tâm bị kích động, một hình thức bám víu bị lạc hướng vì những dấu hiệu đẹp đẽ. Nó có nhiệm vụ làm gián đoạn tâm tịnh chỉ.”

Những đối tượng đẹp - những đối tượng mà bạn tham ái - làm cho tâm hết tập trung. Đây là “những dấu hiệu đẹp đẽ” (tịnh tướng - DG) được nói đến. Giả sử ban ngày bạn xem một buổi ca vũ nhạc và ban đêm bạn nhớ lại quang cảnh ấy một cách sống động: đây là một điển hình về việc nhớ lại một đối tượng lôi cuốn tham ái của bạn.

Có sự khác nhau lớn lao giữa thiếu tập trung và trạo cử. Bạn có thể trở nên thiếu tập trung vì một đối tượng khó chịu, ví dụ kẻ thù của bạn. Vào một lúc như vậy, bạn trải qua sự buồn bực nội tâm. Hoặc trong khi thiền định về tâm tịnh chỉ bạn có thể trở nên thiếu tập trung vì một thiện pháp như bố thí, giới, v.v… Đây có thể là những hình thức thiếu tập trung vì một thiện pháp như bố thí, giới, v.v… Đây có thể là những hình thức thiếu tập trung, nhưng không phải là trạo cử. Tuy nhiên cả hai việc, thiếu tập trung và trạo cử, đều có thể gián đoạn tâm tịnh chỉ của bạn. Vậy thì tại sao chỉ có trạo cử được xem là pháp gián đoạn tâm tịnh chỉ? Vì sự thiếu tập trung thì nhẹ hơn và không kéo dài khi đối tượng của nó là thù nghịch, hoặc khi sự chú ý của bạn hướng về một thiện pháp. Và theo hệ phái của sự trình bày này thì sự thiếu tập trung càng lớn thì đối tượng là một cái gì mà bạn ham thích. Bởi vậy sự thiếu tập trung thông thường thuộc về loại sau, nghĩa là trạo cử, vì nó dễ dàng phát triển hơn những hình thức trạo cử khác. Chúng ta sẽ bàn về trạo cử mà thôi vì nó đã được cho một địa vị ở đây. Nhưng hãy để ý: khi bạn thiền quán về tâm tịnh chỉ, tâm bạn sẽ bị gián đoạn bởi hai loại thiếu tập trung kia: thiếu tập trung do những đối tượng lạc hoặc khổ; và thiếu tập trung chẳng hạn do vì nhớ lại một hành vi bố thí hay sự lễ bái bạn đã làm, v.v… Khi bạn thiền quán để đạt tâm tịnh chỉ, bạn phải chấm dứt những hình thức tán loạn này bất cứ lúc nào nó xảy đến.

Chúng ta có thể mất dấu đề mục quán đến nổi nó không còn là đối tượng trong tâm. Chẳng hạn khi thiền quán về hình dạng của một vị thần, ta có thể quên quán trong một lúc. Sự trạo cử thô chỉ là sự mất dấu đối tượng quán như thế.

Trạo cử vi tế là như sau. Tâm không mất dấu đối tượng quán, nhưng có một cái gì trong tiềm thức có vẻ dễ chịu khởi lên trong một phần của tâm thức ở dưới lằn mức của ý thức nhận biết. Hình thái trạo cử này khác với trạo cử thô, nó được ví như nước chảy dưới một làn băng.

Mặc dầu phương thức đối trị cả hai trạng thái này không phải là tinh tấn, song tinh tấn vẫn là một thành phần của phương thuốc, giống như quân đội có những lính trinh sát. Bạn phải đào luyện tinh tấn - thứ sáu trong tám cách điều chỉnh - để xem bạn có sự trạo cử hay hôn trầm nào không.

Nếu bạn áp dụng tinh tấn một cách liên tục, nó sẽ trở thành một chướng ngại cho trạng thái thiền định, nhưng nếu không áp dụng tinh tấn thì bạn có thể phát triển vài lỗi lầm nghiêm trọng mà bạn không biết đến. Khi ấy cũng như thể là trộm đã mang đi hết tài sản của bạn. Tác phẩm Đại Thủ Ấn của phái Hoàng mạo nói: “Hãy tắt sự tinh tấn đúng lúc”. Nói cách khác hãy kiểm soát sự tinh tấn của bạn. Bạn chỉ áp dụng tinh tấn thỉnh thoảng, để xem tâm mình có trạo cử hay hôn trầm nào không. trong quyển Hành Bồ Tát Hạnh có nói:

Thỉnh thoảng hãy quán sát

Trạng thái của thân tâm

Bản chất của tinh tấn

Là tên lính đi tuần.

Điều này cũng giống như cầm một chén trà trong tay: bạn vừa cầm nó một cách vững chắc lại vừa xem nó có nghiêng đổ không. Cũng tương tự, bạn dùng niệm để duy trì thiền quán, giữ vững hình ảnh quán, và duy trì sự quán tưởng ấy bằng cách sử dụng tinh tấn để kiểm soát xem bạn có trạo cử hay hôn trầm. Nhân tiện cũng cần nói thêm rằng tinh tấn là một đồng minh của trí tuệ.

(iv) Cạm bẫy thứ tư: Không điều chỉnh (xả)

Khi tâm bạn trạo cử hoặc hôn trầm, thì sự “không điều chỉnh” một trong những phương thuốc chữa trở thành một cạm bẫy, và cạm bẫy này cũng có cách đối trị riêng. Khi sự tinh tấn đã khám phá ra trạo cử hoặc hôn trầm nào xảy đến, thô hoặc tế, thì bạn phải áp dụng thuốc chữa ngay không ngần ngại. Cách thứ bảy trong tám điều chính - sự điều chỉnh lại - chính thức là phương pháp đối trị sự điều chỉnh thứ tám - xả (còn gọi là không điều chỉnh hay phó mặc). Sự điều chỉnh cần phải được áp dụng trong tâm để đối trị lại sự phó mặc hay xả. Hai pháp này cũng như hai trinh sát thù nghịch: vừa khi trông thấy tên kia, tên này liền tốp y lại.

Vậy thì làm sao để áp dụng pháp đối trị này? Hôn trầm vi tế là một trạng thái hoạt động tâm ý lụn bại. Cả hai, sự lụn bại và hồn trầm đều có hậu quả giống nhau. Khi có hôn trầm vi tế bạn thấy rõ nét và vững chải hình ảnh quán, nhưng tính chất sự duy trì hình ảnh đã rớt mất, và bởi thế sự rõ ràng không còn mãnh liệt như trước. Khi có sự hôn trầm này thì không cần gián đoạn pháp quán vì chỉ cần bám riết lấy hình ảnh là đủ. Nhưng khi bám riết quá nhiều, bạn lại đâm ra trạo cử, và thế là lại phải buông ra. Đức thế tôn dạy:

“Nếu dây đàn quá căng, hãy nới dây; hãy siết hay nới dây đàn theo nhu cầu nhưng phải bồ đề nó đừng quá chùng, thì cuối cùng âm thanh tiếng đàn sẽ thanh thoát.”

Bạn nên làm như vậy: nới lỏng một chút khi bạn cảm thấy mình sắp trạo cử và siết lại một chút khi bạn cảm thấy sẽ hôn trầm nếu bạn nới thêm nữa. Chỉ có kinh nghiệm với vạch được lằn ranh giữa hai điều này. Nếu bạn không dùng tinh tấn để phân tách một cách thông minh, thì thật vô cùng khó khăn để thọc ngón tay vào Bậc thậy Chandragomin nói:

Nỗ lực thì rơi vào trạo cử;

Bỏ nỗ lực thì sinh hôn trầm.

“Nếu tịnh chỉ khó đạt đến thế,

Thì tôi bận tâm làm gì:

Nó chỉ quấy rầy tâm tôi.”

Làm việc ấy có thể là chuyện nhọc tâm, nhưng trong tất cả kẻ thù, kẻ ở ngay trong nhà khó nhận ra nhất, và bởi thế cũng là kẻ nguy hiểm nhất. Cũng vậy, loại hôn trầm này dễ làm hại tâm tịnh chỉ của bạn nhất: do vậy cần phải có sự lên dây đàn vừa phải.

Vậy, mặc dù tâm bạn đã lên dây vừa phải, đôi lúc đối tượng quán của bạn lại mất tính rõ rệt mãnh liệt. Khi điều ấy xảy ra, thì sự nắm giữ đã tuột mất và hình ảnh không còn rõ như trước. Nếu tình trạng ấy tiếp tục thì hôn trầm thô đã trở về. Trái Tim của Trung Đạonói:

Khi thiền quán về những đối tượng cao cả

Làm bạn buồn sầu, thì hãy thư dãn…

Lỗi là tâm bạn đang ở trong một gút mắc lớn; bởi thế bạn nên trầm tư một lát, không nghĩ tới pháp quán. Nếu vấn đề khi ấy vẫn không biến mất và khi trở lại với sự quán tưởng, tâm bạn vẫn buồn nản, thì có cách nào làm nó phấn chấn lên chăng? Có thể làm bạn tươi tỉnh lên bằng cách quán thật khó có được tái sinh thân người thuận lợi, hoặc quán những thiện đức của Ba ngôi báu, hoặc những ích lợi của sự thờ kính một bậc thầy, những lợi lạc của bồ đề tâm, v.v… Những điều này sẽ làm tâm bạn phấn chấn. Bạn cũng có thể tưởng tượng những tia sáng chiếu lên mình bạn, hoặc thiền quán về những chuyện như quán tưởng bố thí. Những thiền quán này sẽ nâng tâm bạn đến một cảnh giới cao, và khi ấy nó có thể duy trì sự quán tưởng.

Có thể tâm ta chưa từng quen thuộc với điều này trong quá khứ, nên khó mà có được lợi lạc tức khắc từ những kỹ thuật này. Nhưng khi ta đã quen thuộc, thì những phép quán như thân người khó được sẽ giống như tia nước lạnh rưới lên mặt, vấn đề sẽ tiêu tan.

Nếu sự hôn trầm vẫn không tan biến thì hãy sử dụng một biện pháp mạnh hơn, hãy quán tưởng tâm bạn như một ánh sáng trắng ở tim. Khi bạn đọc âm phat, tâm bạn thoát ra từ ở phía đỉnh đầu và đi sâu vào không gian. Hãy tương tâm bạn và không gian hòa lẫn. Làm vậy nhiều lần.

Nếu hôn trầm vẫn không tan, thì hãy chấm dứt thời thiền. Đám mù trong tâm đã khiến bạn phát sinh hôn trầm. Hãy dùng vài phương tiện để làm tiêu tan sự ảm đạm, hôn trầm, chếch choáng. Hãy ngồi ở chỗ mát mẻ, tản bộ trên một chỗ cao khoáng đạt, vảy nước lên mặt, v.v… Nếu tâm bạn trở nên sáng suốt trở lại, thì hãy tiếp tục thiền quán.

Sự trạo cử vi tế là khi bạn không mất dấu đề mục thiền. Như tâm lại phân tán. Điều này xảy ra là bởi tâm quá dán chặt. Hãy nới lỏng sự duy trì hình ảnh. Nếu làm vậy mà tâm vẫn phân tán, thì thế là bạn có một hình thức trạo cử thô. Nó phát sinh vì tâm trạng vui mừng, vậy không nên tăng sự vui thêm nữa. Quá vui là tai hại, như câu chuyện vua Tịnh Phạn không thể đắc quả Dự lưu vì ông quá mừng khi thấy Phật trở về. Trong tình trạng ấy, thì đừng gián đoạn thời thiền. Trái Tim Trung Đạo nói:

Hãy làm tâm hết trạo cử

Bằng cách nghĩ đến các pháp như vô thường.

Nghĩa là hãy quán những điều làm cho tâm buồn khổ, mệt mỏi, từ bỏ: đó là quán về chết, vô thường, những khổ trong sinh tử và các đọa xứ.

Nếu tâm vẫn trạo cử, thì hãy dùng một phương pháp mạnh hơn để diệt trừ trạo cử. Vì vọng tưởng càng tăng, bạn nên quán hơi thở khi thở vào thở ra. Khi thở, hãy nghĩ, “tôi đang thở ra” hoặc “tôi đang thở vào.” Và lại nghĩ, “đây là lần thứ nhất,” và tiếp tục đếm trong tâm số lần thở ra và vào. Lúc đầu bạn chỉ có thể làm được đến ba hay bốn chu kỳ; nhưng hãy bắt đầu đếm từ “một trở lại. Khi bạn có thể đếm tới hai mươi mốt mà tâm không bị phân tán, thế là đã đạt tiêu chuẩn về trạng thái tâm đầu tiên.

Có câu chuyện về hành giả vĩ đại Puentsog Gyatso ở Yerpa. Ngài có một cháu trai làm người hầu cho vị nhiếp chính Sangyae Gyatso. Người hầu này đã chịu chung một số phận ghê gớm cùng với vị nhiếp chính bị Lhazang Khan hãm hại. Bởi thế ngài không có tâm hồn nào để thiền quán. Ngài đếm hơi thở, và nhờ thế ngài có thể trở lại với pháp quán.

Nếu đếm hơi thở cũng không hết trạo cử, thì hãy ngưng thời thiền định. Sau đó bạn hãy thiền từng thời ngắn, trước khi thiền hãy lập nguyện kiên quyết. Nếu bạn kéo dài những thời thiền, thì đôi khi chỉ cần trông thấy chiếc tọa cụ cũng đủ làm cho bạn chóng mặt nôn mửa. Điều quan trọng nhất là hãy gián đoạn thời thiền đúng lúc: hãy dừng lại khi bạn còn thấy thời thiền định là một lạc thú. Ví dụ, khi hai người chia tay đúng lúc, thì họ sẽ hoan hỉ gặp nhau lại về sau. Khi hình ảnh quán còn rõ, bạn nên ngưng; nhưng nếu hình ảnh không rõ, thì bạn cũng phải ngưng. Nếu bạn định một lằn mức trong đó bạn còn chưa cảm thấy muốn ngồi thiền thêm nữa, thì bạn sẽ muốn thiền trở lại với tất cả nhiệt tình. Đấy là cách tốt nhất để thiền. Hãy làm như vậy và bạn sẽ cảm thấy sung sướng. Nhưng nếu bạn dừng lại trong khi hình ảnh vẫn còn không rõ rệt, mà sự thiếu rõ rệt vẫn không tiếp tục khi bạn thiền quán trở lại, thì bạn chỉ có nước ngủ gục nếu bạn cố kéo dài thêm nữa; và về sau sự thiếu sáng sủa sẽ tăng trưởng còn tệ hơn. Có câu chuyện như sau. Có vị hành giả vĩ đại tên Lozang Namgyael đang cho một giáo chỉ truyền khẩu về các tác phẩm của phái Kadampas. Ngài đọc: “Vào thời suy đồi này, thì đúng là lúc để điều phục dòng tâm thức của chính mình, chứ không phải tâm thức của người khác.” Ngài bổng khóc lên, và phải chấm dứt buổi giảng. Trong hai ngày kế tiếp ngài không thể giảng dạy gì được mỗi khi ngài đọc tới câu ấy.

{CT. Trạng thái xuống tinh thần này là do thiền quán quá độ. Để tránh điều này xảy ra đừng bao giờ làm gì quá trớn.}

Mặc dù hy vọng của ta có một đối tượng quán lưu lại trong tâm ta lâu dài, song hiện tại ta chỉ có thể quán tưởng ra hình ảnh, nhưng hình ảnh ấy không ở lâu. Bởi thế ta nên làm thời thiền quán ngắn lại. Chúng ta được bảo phải làm mười tám thời thiền mỗi ngày. Nếu sau một thời gian bạn vẫn không mất sự hôn trầm hay trạo cử thì phải làm những thời thiền rất ngắn, và ngồi thiền nhiều lần hơn. Những thời thiền này phải có chất lượng hảo hạng. Hãy làm thế, và hình ảnh sẽ tự động khởi sự ở lại trong tâm bạn. Chỉ khi điều này xảy đến bạn mới nên kéo dài thời thiền.

(v) Cạm bẫy thứ năm: Sự tái điều chỉnh

Khi bạn đã chấm dứt hôn trầm trạo cử, thì sự tái điều chỉnh lại trở thành một cạm bẫy, mặc dù kỳ thực nó là một phương thuốc đối trị. Đối lại sự điều chỉnh là số tám trong các pháp điều chỉnh, nghĩa là xả hay không điều chỉnh. Bạn phải đào luyện xả ấy.

Bạn sẽ bị qua lại giữa trạo cử và hôn trầm khi bạn chưa đạt đến tâm trạng thứ tám. Ở giai đoạn này bạn có thể đã an tịnh cả trạo cử lẫn hôn trầm, tuy nhiên vẫn còn phải tra tầm xem chúng còn hiện diện hay không. Nhưng nếu vì quá hăng hái bạn áp dụng một phương chữa trị thì bạn sẽ làm gián đoạn một tâm trạng này - bởi thế sự tái điều chỉnh là một cạm bẫy. Đừng nỗ lực trong sự tinh tấn; tốt nhất là buông lỏng và đào luyện sự điều chỉnh bằng “xả.” Mọi người đều bảo ở điểm này bạn nên buông lỏng vì trước ấy đã quá căng. Cuối tâm trạng thứ tám bạn không còn bị rơi vào hôn trầm hay trạo cử gì nữa và người ta nói bạn chỉ cần tinh tấn vừa phải. Nhưng khi chưa đạt đến điểm này thì lại là vấn đề khác hẳn, và sự buông lỏng ở đây không phải là sự buông lỏng nói trong phần bàn về niệm và về nới lỏng cường độ mãnh liệt của sự duy trì hình ảnh quán. Những hành giả Tây Tạng trong thời quá khứ không nhận ra thời điểm đúng để nới lỏng, nên họ tự cho mình có “thiền định sâu xa trong sự thư giản sâu xa.” Lỗi của họ là nới lỏng niệm quá sớm. Vậy đừng rơi vào cái bẫy mà họ đã rơi vào ấy. Vì sao? Vì nó sẽ mang bạn đi xa khỏi thứ định nhất tâm, cái khiến bạn đạt đến sự ổn định hình ảnh quán một cách nhanh chóng và rũ bỏ sự hôn trầm vi tế.

Đấy cũng là cách theo đuổi các pháp quán khác, từ giai đoạn thành tựu trở xuống.

Bây giờ tôi sẽ bàn cách theo đuổi pháp tu này. Hãy hoàn tất những chuẩn bị sự tu tập tịnh chỉ, như ở chỗ thích hợp có năm đặc tính. Rồi ngồi trên một tọa cụ thoải mái theo thế ngồi của Phật Tỳ lô với bảy sắc thái. Quán trên đỉnh đầu bạn hình ảnh bậc thầy của bạn, và từ bậc thầy ấy tách ra một hình ảnh Đức Thích Ca Mâu Ni. Hình ảnh này ngồi giữa hư không, ngang tầm rốn bạn. Lúc đầu hình ảnh không rõ lắm, nhưng chưa cần làm cho rõ. Có thể bạn chỉ thấy xuất hiện một viên tròn lung linh vàng nhạt hay chỉ một phần ngài, như đầu hoặc tay chân, v.v… Đừng để hình ảnh ấy tuột khỏi tâm tư bạn; giữ chặt nó đừng để tâm phân tán. Chỉ một việc nuôi dưỡng niệm ấy cũng đủ để ngăn sự hôn trầm hay trạo cử. Đấy là lý do bạn cần giữ trong tim lời chỉ giáo tối thượng này của các bậc thánh giả vĩ đại. Hơn nữa hôn trầm được cắt đứt nhờ siết chặt sự nắm giữ hình ảnh. Trạo cử được cắt đứt nhờ không phân tán. Khi bạn thiền theo cách ấy và đã đạt được một mức độ an định, thì bạn lại rất dễ rơi vào hôn trầm, bởi thế hãy bám siết sự rõ rệt của hình ảnh. Khi bạn đạt đến một mức độ rõ rệt đáng kể, thì mối nguy lại là trạo cử. Hãy dùng những biện pháp cần thiết để đối trị trạo cử, và lại tìm sự rõ rệt của hình ảnh quán.

Mặc dù bạn có thể giả vờ đang tu tập, nhưng bạn không tu tập gì ráo nếu không biết cần phải làm gì để đạt tâm tịnh chỉ. Bạn nhất định phải đạt tịnh chỉ với hai sắc thái: sự rõ rệt và khá an trú của tâm ảnh, và một sự duy trì chặt chẽ hình ảnh ấy.

Như trong phần nói chi tiết về tịnh chỉ trên đây, đề mục thiền được duy trì nhờ “niệm” không thể mất hình ảnh. Ở giai đoạn ấy bạn rơi vào hôn trầm hay trạo cử. Vừa lúc khám phá ra chúng nhờ tinh tấn canh chừng, bạn hãy áp dụng ngay pháp đối trị thích hợp để chấm dứt chúng. Sau khi đã chấm dứt thì đừng áp dụng pháp đối trị nào nữa: cứ việc nhất tâm trên hình ảnh quán, đồng thời duy trì sự rõ ràng sáng suốt nhất.

Hãy để ý: Theo pháp Đại Thủ ấn (Mahàmudra) thì đối tượng tập trung vào cái tâm quán sát đối tượng ấy cần được xem như một. Một mục đồng cần phải coi chừng hai chuyện: con vật nào đã bị bỏ quên lại trên núi, con nào không quên. Khi bạn phát sinh vọng tưởng cũng thế, có hai cách để nó tự động chấm dứt, hoặc có thể áp dụng một cách trừ vọng để chấm dứt, hoặc có thể áp dụng một cách trừ vọng để chấm dứt nó, và hướng sự chú ý của bạn đến trí sáng suốt. Bạn sẽ đọc nhiều chi tiết hơn về điều này trong tác phẩm Đại Thủ Ấn của phái Hoàng Mạo. Những người mong muốn đạt thành tâm tịnh chỉ bằng cách sử dụng tâm để làm đối tượng tập trung (thay vì dùng một sắc pháp như quán kasina - DG) cần phải biết những điều này.

a-2.1.3. Từ căn bản này, làm thế nào để đạt chín trạng thái tâm.

Nếu bạn muốn thiền, bạn phải tự mình kinh nghiệm chín trạng thái tâm. Trước hết phải biết chín trạng thái ấy là gì. Đấy là: (1) Dán chặt vào tâm; (2) Sự dán chặt có phần nào liên tục; (3) sự dán chặt một cách sơ hở; (4) sự dán chặt hoàn toàn; (5) có kỷ luật; (6) trở nên an tịnh; (7) trở nên rất an tịnh; (8) trở nên nhất tâm; (9) tịnh chỉ hoàn toàn.

(i) Dán chặt tâm

Điều này thành tựu được nhờ năng lực học với một bậc thầy sự chỉ giáo về quán tưởng. Tuy nhiên ở giai đoạn này bạn chỉ có gợi lên hình ảnh quán. Nó không an trụ, và bạn cũng không thể làm cho nó an trụ. Ở điểm này, nhờ năng lực của tâm phân biệt, bạn có thể biết mình đang rơi vào tình trạng thiếu tập trung hay trạo cử. Bạn có cảm giác tâm phân biệt (vọng tưởng) của bạn gia tăng, song kỳ thực không tăng, mà chỉ vì bạn đã đạt đến tuệ thấy được những vọng tưởng ấy, làm quen với nó.

(ii) Sự dán chặt có phần liên tục

Sau khi thiền định theo cách ấy, bạn có thể gợi lên hìnhảnh và còn làm cho nó kéo dài một lúc chẳng hạn thời gian cần thiết để niệm một chuỗi om mani padme hummà không bnị phân tán. Ở điểm này vọng tưởng có khi an tịnh, có khi phát triển. Đây là một tuệ quán thấy được thế nào là khỏi vọng tưởng. Trạng thái này có được nhờ năng lực quán.

Cả hai trạng thái tâm đầu tiên này có rất nhiều hôn trầm và trạo cử, và hình ảnh không ở lại lâu. Vào lúc này bạn đang sử dụng cái đầu tiên của bốn tiến trình tâm là “sự dán chặt gượng ép,” như sự phân tán của bạn kéo dài lâu hơn thời gian hình ảnh kéo dài.

(iii) Sự dán chặt có cách hở

Trạng thái này như mặt áo vá. Mặc dù hình ảnh vẫn kéo dài, tâm trở nên phân tán khỏi sự quán tưởng. Nhưng bạn liền ý thức điều này và “vá lại sự tập trung” trên đề mục. Thời gian tán tâm ở giai đoạn này ngắn hơn ở giai đoạn trước. Bạn bắt đầu phát triển niệm lực mạnh hơn.

(iv) Dán chặt hoàn toàn

Bạn đã phát triển niệm cường liệt và có thể dán chặt tâm trên đối tượng quán. Từ đây trở đi, bạn không thể nào mất dấu đề mục, bởi thế trạng thái này mãnh liệt hơn ba trạng thái trước rất nhiều. Nhưng đồng thời bạn lại rơi vào những hình thái mạnh nhất của hôn trầm và trạo cử, và phải áp dụng cách đối trị.

Cả hai trạng thái ba và bốn đều được đạt đến nhờ niệm lực. Nhưng từ đây trở đi, niệm như một đời người đã đạt đến tột đỉnh uy quyền, vì năng lực của niệm đã toàn vẹn.

(v) Trở nên có kỷ luật

Ở trạng thái thứ tư, tâm bị thắt gút quá nhiều ở bên trong. Bây giờ ở trạng thái thứ năm, mối nguy lớn nhất là hôn trầm vi tế. Ở đây bạn phát sinh tỉnh giác mãnh liệt. Tỉnh giác đứng canh chừng, bạn nghĩ đây là một đức của định nhất tâm, và nó làm cho tâm bạn phấn chấn.

Sự khác nhau giữa trạng thái bốn và năm là chỉ trạng thái trên mới có hôn trầm và trạo cử thô.

(vi) Trở nên an tịnh

Ở trạng thái thứ năm, tâm được nâng lên hơi quá mức, và như vậy mối nguy bây giờ chính là trạo cử vi tế. Khi nó xảy đến, bạn phát sinh một hình thức tỉnh giác mạnh hơn để khám phá ra nó. Bạn phân tích mối hại của trạo cử vi tế và muốn ngăn ngừa nó xảy ra thêm.

Khác nhau giữa trạng thái này và trạng thái thứ năm là, ở đây hôn trầm vi tế không phải là mối nguy chính yếu. Cả trạng thái thứ năm và thứ sáu đều nhờ năng lực tỉnh giác và đạt được. Ở điểm này năng lực của tỉnh giác đã đạt đến chỗ hoàn hảo.

(vii) Trở nên an tịnh

Ở trạng thái thứ bảy, rất khó mà phát sinh hôn trầm hay trạo cử vì năng lực của tỉnh giác nơi bạn đã tuyệt hảo. Ở điểm này bạn muốn phát triển năng lực của tinh tấn vì bạn mong muốn từ bỏ hôn trầm trạo cử càng nhiều càng tốt, sau khi đã nhìn thấy rõ tai hại mà chúng gây ra.

Khác nhau giữa trạng thái thứ sáu và thứ bảy là: trong trạng thái thứ sáu, bạn phải rất thận trọng đừng để rơi vào hôn trầm trạo cử vi tế, nhưng ở trạng thái thứ bảy thì không. Ở trạng thái này không còn mối nguy hại hôn trầm trạo cử, nhưng bạn vẫn phải nỗ lực về kỹ thuật từ bỏ chúng. Trong các trạng thái năm và sáu, bạn đã cẩn thận đề phòng trạo cử. Bây giờ ở giai đoạn này, bạn tinh cần và có thể chấm dứt trạo cử và hôn trầm bất cứ lúc nào chúng ló ra, bởi thế chúng không thể ngăn ngại bạn lâu.

Năm giai đoạn từ ba đến bảy trên đây phần lớn là định nhất tâm, bị gián đoạn bởi trạo cử và hôn trầm. Ở những giai đoạn này, tiến trình của tâm là tiến trình nhất tâm có gián đoạn.

(viii) Trở nên là nhất tâm

Trước tiên bạn dùng phương pháp đối trị niệm. Mặc dù điều này cầm một ít nỗ lực, sau đó bạn có thể theo đuổi toàn thời thiền quán không bị chút hôn trầm trạo cử nào. Sau đó sức mạnh kẻ thù sút giảm, rồi mất hẳn. Năng lực của hôn trầm trạo cử nơi bạn cũng vậy. Ở giai đoạn thứ tám bạn không cần nỗ lực trong việc áp dụng tỉnh giác canh chừng. Sau khi cố gắng một chút lúc đầu giai đoạn tám, toàn thời thiền quán không bị gián đoạn vì hôn trầm trạo cử, bởi thế tiến trình tâm lúc ấy là tiến trình dán chặt hay tập trung.

Giai đoạn bảy và tám được hoàn tất nhờ năng lực tinh tấn.

(ix) Định an chỉ.

Bây giờ sự tập trung không còn cần nỗ lực. Bạn tự nhiên đạt đến sự không nỗ lực này nhờ đào luyện sự quen thuộc với trạng thái thứ tám. Bạn không cần một phí sức nào để lướt vào định nhất tâm, cũng như một người khởi sự đọc một đoạn văn đã thuộc lòng. Trạng thái này tương đương với sự tịnh chỉ nhất tam ở cõi Dục. Trạng thái thứ chín được thành tựu nhờ năng lực của thói quen hoàn toàn.

Trong trạng thái đầu, tuệ của bạn làm cho bạn quen thuộc với tâm phân biệt (hay vọng tưởng).

Trong trạng thái tâm thứ hai, bạn thấy được phần nào sự thể sẽ ra sao khi vọng tưởng của bạn tạm thời nghỉ mệt.

Trong trạng thái thứ ba, dường như những vọng tưởng tự chúng đã kiệt quệ hết hơi sức.

Tóm tắt, trong trạng thái đầu, hình ảnh chỉ ở một lúc ngắn. Trong trạng thái hai và ba, sự phân tán của bạn chỉ kéo dài một lúc. Khác nhau giữa tâm trạng ba và bốn là bạn có thể hay không thể mất dầu đề mục. Ở giai đoạn bốn, bạn phát sinh hôn trầm tthô, ở giai đoạn năm thì không. Ở giai đoạn năm, bạn phải coi chừng hôn trầm vi tế, mà không càn coi chừng ở giai đoạn sáu. Mặc dù ở giai đoạn sáu bạn có phát sinh trạo cử vi tế, nhưng ít hơn trước đây. Ở giai đoạn sáu, bạn phải đặc biệt cẩn thận đề phòng trạo cử, nhưng không cần làm thế ở giai đoạn bảy. Bạn còn có trạo cử hôn trầm ở giai đoạn bảy, nhưng không ở giai đoạn tám. Ởgiai đoạn tám, bạn còn cần nỗ lực nhưng không cần ở giai đoạn chín.

Ở giai đoạn bảy, bạn chỉ mới chấm dứt hôn trầm trạo cử. Không cần phải rất cẩn thận sợ bị rơi vào hai việc ấy. Giả sử bạn đi đánh giặc. Nếu thế giặc thua, bạn không cần cẩn thận quá mà chỉ cần dí nó xuống cũng đủ.

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]