GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY
Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ
(Liberation in the Palm of Your Hand-
Aconcise discourse on the path to enlightenment)
Pabongka Rinpoche
Edited by Trijang Rinpoche
Translated by Michael Richards
Thích Nữ Trí Hảidịch
--- o0o ---
PHẦN NĂM
PHẠM VI LỚN
NGÀY HAI MƯƠI
Kyabje Pabongka Rinpoche nói vài lời để chúng tôi phát khởi động lực. Ngài trích dẫn những dòng này từ Những Đức Tính Quý Báu:
Con đường của chư Phật
Quá khứ vị lai hiện tại,
Là con đường sáu ba la mật không gì khác.
Nghĩa là, chư Phật ba thời đã theo gót nhau không bao giờ chuyển hướng khỏi những việc làm lục độ. Không có con đường nào khác trong kinh giáo hay mật giáo, và những bản văn chúng ta đang học cũng chỉ dạy một con đường ấy.
Khi ấy Rinpoche kể lại những tiêu đề đã giảng. Và khởi tư tiêu đề “Dạy một Pháp tu để áp dụng suốt đời,” ngài ôn lại tài liệu về làm thế nào để chuyển nghịch cảnh thành con đường giác ngộ.
Điều này hoàn tất sự bàn luận về cách phát triển ước nguyện đạt toàn giác.
b. Phát tâm bồ đề qua nghi lễ thọ giới
Tôi sẽ giảng dạy phần này về sau, nên bây giờ hãy gác lại
Nếu bạn không có tâm bồ đề, thì dù bạn làm bất cứ pháp thiền gì với hi vọng đạt thành Phật quả - dù là pháp Đại Thủ ấn hay Dogchen, Trung đạo, hay các giai đoạn phát sinh và thành tựu trong pháp quán chư thần v.v…- những việc ấy cũng không làm bạn xích tới gần Phật quả chút nào. Bạn lại còn không bao giờ vào được ngưỡng Đại thừa bằng cách ấy. Bởi thế mọi người đều phải tập trung vào việc thực hành tâm bồ đề. Với trí căn bản, đức Phật đã nhìn thấy suốt được các pháp trong nhiều kiếp và chưa từng thấy phương pháp nào tốt hơn, hay ngỏ nào tốt hơn để đi vào đạo lộ.
c. Những hoạt động cần làm sau khi dã phát bồ đề tâm
Sau khi phát tâm bồ đề, bạn cần phải luyện tập vài loại hoạt động. Phát bồ đề tâm mà thôi chưa đủ. Cũng như một người đi đến Ấn Độ sẽ không đến được nếu không đích thân khởi hành, bạn cũng thế, phải huấn luyện về hạnh bồ tát. Bạn phải chứa nhóm cả hai loại tích tập công đức và trí tuệ liên kế nhau để đạt thành cả thân vật lý và thân trí tuệ (sắc thân và pháp thân) của một vị Phật; bởi thế sự huấn luyện của bạn phải phối hợp cả phương pháp lẫn trí tuệ. Những hành vi của người con Phật đều phát xuất từ hai điều: phương pháp và trí tuệ. Năm ba la mật đầu thuộc về phương pháp. Ba la mật cuối hàm tuệ quán đặc biệt thuộc về trí tuệ.
2.3.3. CÁCH HUẤN LUYỆN CÁC VIỆC CỦA CON PHẬT SAU KHI PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Tôi sẽ bàn tiêu đề này dưới hai mục: (1) làm thế nào để luyện sáu ba la mật ngõ hầu làm cho tâm bạn thuần thục; (2) làm thế nào để luyện về bốn cách thâu đệ tử (bốn nhiếp pháp) để làm thuần tâm người khác.
a-Phương thức chung để huấn luyện các hạnh của người con Phật.
Có sáu mục: 1. Bố thí; 2. trì giới; 3. nhẫn nhục; 4. tinh tấn; 5. thiền định; 6. trí tuệ.
a-1.1. Bố thí
Bố thí tự bản chất là ý muốn xả bỏ thân ta, tài sản ta và những thiện đức căn bản của ta. Bố thí được phân làm ba loại.
a-1.1.1. Tài thí
Đây là cách bố thí kể từ cho một muỗng bột ngũ cốc cho đến hy sinh tánh mạng và thân thể cho người. Nếu bạn không thể cho ra một cái gì, thì hãy tưởng tượng làm thế nào trong quá khứ bạn được sinh làm Phạm vương, Đế thích, Chuyển luân vương, vân vân. Vào thời ấy bạn rất giàu có, nhưng vì bạn không thực hành bố thí nên không rút được tinh hoa nào từ những tái sinh ấy, và chính điều này đã đưa bạn đến tình trạng hiện nay. Lại nữa bạn phải thực hành bố thí mà không mong cầu đền đáp hay quả báo dị thục nào. Nếu sự bố thí của bạn có bồ đề tâm làm động lực thì sự bố thí dù chỉ là một miếng ăn hay một chút bột ngũ cốc cho ăn mày v.v… hay cho cả sâu kiến, cũng là một sự thực hành bố thí chân thật và là một hành vi của người con Phật. Bạn cũng nên làm thỏa mãn nhu cầu của người nhận, vì quả báo sẽ không phải nhỏ.
Khi chúng ta làm một cuộc cúng dường lớn để tỏ lòng tôn kính tam bảo, chúng ta có cảm tưởng mình làm được nhiều và cảm thấy rất hãnh diện. Đây không phải là một hình thức bố thí vật chất và nghĩ rằng “Tôi đã bố thí nhiều quá” hoặc “tôi đã cho không nhằm người.” Khi bạn xả bỏ cái gì, hãy khởi động lực trước khi cho như sau đó: điều ấy đang được thực hiện vì tất cả hữu tình như những người mẹ của bạn. Lại nữa hãy làm những lời nguyện mạnh mẽ. Dù hành vi bố thí là lớn hay nhỏ, đừng hy vọng lợi lộc gì đền đáp do sự bố thí ấy, hoặc hy vọng được kính trọng v.v…
a-1.1.2. Pháp thí
Hình thức bố thí này có thể là việc giảng dạy dù chỉ 4 câu kệ cho người nào muốn nghe, nếu ta nói bài kệ với ý nghĩ muốn đem lại lợi lạc cho người kia. Ngay cả khi bạn dạy cho học trò một bài đọc, đó cũng gọi là bố thí pháp, dù bạn không phải tu sĩ, không giảng nói từ một pháp tòa. Pháp thí tốt hơn bất cứ hình thức bố thí nào. Lại nữa sự học thuộc lòng hay nghiên cứu kinh điển cũng là một hành vi pháp thí nếu bạn tưởng tượng xung quanh mình có chư thiên hộ pháp và những hữu tình đang lắng nghe. Ngay cả giun dế v, v… khi nghe những lời pháp cũng để lại những dấu ấn trong dòng tâm thức chúng. Hãy nghĩ như vậy, ngay cả khi bạn đến đọc kinh tại nhà thí chủ.
Bạn phải rất cẩn thận khi đi vào xóm làng làm lễ. Đấng đạo sư đầy từ mẫn của chúng ta giảng dạy các mật điển, phương pháp đạt giác ngộ trong một đời. Nếu bạn trao đổi điều này với tặng phẩm do tụng đọc, thế là bạn đã bán pháp để lấy của cải vật chất. Điều này cũng như lôi một ông vua từ trên ngai xuống đất và bắt ông ta chùi nhà. Bởi thế hãy làm những nghi lễ ấy với động lực chân chính.
Bố thí pháp không chỉ có nghĩa là giảng dạy có bài bản. Nó có thể là việc sử dụng buổi nói chuyện của bạn v.v… như một phương tiện gián tiếp hay trực tiếp để hướng dẫn người khác vào Phật pháp. Những người đã xuất gia nên thực hành việc bố thí pháp là chính yếu, nhưng cũng nên bố thí tài vật nếu không quá khó khăn. Kadampa Geshe Shawara nghĩ như sau khi ông muốn nói chuyện với một nhóm tu sĩ:
“Tôi sẽ không nói về những lợi lạc của sự bố thí, vì tôi đã nói với các vị những lỗi lầm của chấp thủ.”
a-1.1.3. Vô úy thí
Điều này có nghĩa là sự phóng thích các tù nhân hay cứu người chết đuối chẳng hạn. ngay cả việc cứu những chúng sinh như giun khỏi hơi nóng mùa hè hay cơn lạnh mùa đông cũng là một hình thức vô úy thí. Không cần phải đi thật xa mới làm được hạnh “bố thí sự không sợ” này, bạn có thể làm việc ấy con rận trên thân bạn. Cứu những côn trùng khỏi chết đuối chẳng hạn là việc làm rất dễ. Bạn chỉ cần đưa ra một ngón tay. Sự quán tưởng về bố thí được tìm thấy trong chương nói về luyện tâm cũng là một pháp thực hành bố thí.
Tác phẩm Hành Bồ Tát Hạnh đề cập một cách căn bản để thế nào là bố thí ba la mật:
Nếu bố thí ba la mật
Là trừ khử nghèo nàn của tất cả chúng sinh,
Thì làm thế nào đức Phật, đấng che chở
Đã hoàn thành được nó, khi ngay bây giờ
Vẫn còn những chúng sinh đang thèm khát?
Nói cách khác bố thí không có thể chỉ là xua tan cơn nghèo của hữu tình; ngay cả Thanh văn, Duyên giác, A la hán cũng không có được ba la mật này, mặc dầu họ hoàn toàn không có tâm bỏn xẻn. Bố thí là một cái gì hơn thế nữa. Tác phẩm Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Người ta bảo bố thí ba la mật
Là tâm tưởng bố thí cho mọi chúng sinh
Tất cả những sở nghiệp của bạn.
Như vậy bố thí phải từ tự tâm.
Điều này có nghĩa rằng bố thí ba la mật phát sinh do sự quen thuộc với ý tưởng xả bỏ thân thể tài sản công đức và những nghiệp báo của mình cho người khác; và điều này cũng có nghĩa là cho những sự ấy từ đáy sâu tim bạn không một chút keo kiệt, trong khi nghĩ những lợi lạc của sự tịnh thí và những lỗi lầm của không xả bỏ.
Như vậy điểm quan trọng ở đây là bạn nên tăng trưởng những ý nghĩ về bố thí. Nếu người ăn xin đến xin ba tấm y của bạn, mà bạn nghĩ, “Ta có nên xả chúng hay không” đó là do bạn có thói quen bố thí. Cuối cùng bạn sẽ có thể hy sinh cả thân thể mình, sau khi luyện tâm về mức độ thấp hơn của sự bố thí. Khi bạn chưa đạt đến mức quen thuộc như thế, thì hãy luôn luôn tăng trưởng những ý niệm về bố thí.
Cách tăng trưởng những ý niệm ấy như sau. Hãy quán các pháp là vô thường. Khi chết, ta sẽ không đem theo được một chút tài sản. Những vật ta để lại sẽ bi hư nát v.v… Hãy đem chúng ban phát cho mọi người một cách chân thật từ đáy lòng; khi ấy bạn sẽ ít có cơ hội vi phạm những tiểu giới như tích trữ nhiều vật dụng. Đây là một ví dụ về hạnh bố thí.
Nhưng nghĩ tưởng chưa đủ, bạn phải thật sự xả bỏ càng nhiều càng tốt. Bạn nên rộng rãi đối với hành khất, nhưng không nên bố thí những vật kiếm được do tà mạn khi bạn không có gì khác để cho.
Tóm lại, ba la mật đầu tiên phải là sự tu tập chính của cư sĩ. Có câu:
Thí giới nhẫn là dành cho đa số
Đức Như Lai dạy ba pháp này cho cư sĩ.
Thực không nên cho thân thể của bạn chẳng hạn. Đừng bố thí thân xác trong khi bạn còn ở địa vị đang tập quen hạnh bố thí và đang tăng trưởng những ý tưởng về bố thí. Chỉ về sau mới nên xả bỏ thân thể khi chuyện ấy đã trở nên dễ dàng đối với bạn như chuyện cho một đĩa rau.
Có những vật không nên xả bỏ. Đừng thực hành bố thí với vài vật đặc biệt không được phép cho vì người nhận, vì thời gian, vì vật thí, v.v… Nếu người cho là xuất gia thì không nên đem cho ba y của mình v.v… Người xuất gia thì không được cúng dường thức ăn sau ngọ. Bạn không nên bố thí thức ăn bất tịnh như tỏi hành cho những người bà la môn vì họ giữ giới không ăn những thứ này. Bạn cũng không nên đem sách cho những người chỉ muốn tranh cãi, hoặc cho khí giới, độc dược cho những người có thể tự sát. Bạn không nên dạy mật điển cho một pháp khí không thích hợp hoặc bao che cho kẻ phạm tội nếu bạn chắc chắn y sẽ làm hại đến hữu tình hoặc cho nền giáo lý v.v…
Sẽ là một tà kiến nếu nghĩ rằng hạnh bố thí không có quả báo. Cũng sẽ ít lợi lạc nếu bạn chỉ giúp đỡ một hữu tình mà bỏ qua nhu cầu của những hữu tình khác. Hãy luyện mình không bị ô nhiễm vì những việc như trên, và như sau: bị tà kiến thúc đẩy giết súc vật để cúng tế, khinh thường kẻ khác, có hành vi cạnh tranh, tự thổi phồng mình, ham danh, cảm thấy hối hận, chủ bại, hoặc hành động có tính cách bè phái.
Shantideva nói đến 3 điều: bố thí, che chở, và làm cho thanh tịnh. Nói cách khác, bạn tăng trưởng những ý tưởng về bố thí thân mạng, nhưng khi chưa đến thời gian để làm việc ấy, thì bạn phải che chở thân mình khỏi những hoàn cảnh tác hại và giữ nó thanh tịnh bằng cách không sử dụng nó một cách bất thiện. Bản văn còn bàn đến một điều thứ tư là bạn nên hoàn tất những nguyên nhân đưa đến tái sinh như thế này, để trong những kiếp sau bạn sẽ có tám đức do quả dị thục, đó là sự tăng trưởng.
Lại còn có một nhóm bốn khác nữa: xả bỏ tài sản của bạn và tăng trưỏng ý tưởng về bố thí; che chở bản thân cho đến khi xứng đáng nhận của cúng dường của người khác; giữ mình trong sạch bằng cách không để ô nhiễm vì tà hạnh hay tội lỗi; tăng trưởng phạm vi bố thí để bạn có được vật để cho trong đời tái sinh.
Một nhóm khác là: xả bỏ thiện hành của bạn cho hữu tình một cách chân thành tự tâm khảm; che chở đức hạnh của bạn khỏi bị phá hủy vì giận dữ; sự trong sạch do không bị ô nhiễm vì hành động bất tịnh, nhưng mong được hạnh phúc trong đời này, hay chỉ muốn tránh tái sinh vào đọa xứ; tăng trưởng ý thức vui mừng của bạn v.v… Bản văn này bàn đến bốn nhóm bốn. Bạn phải tu tập theo cách đề ra trong bản văn này.
a-1.2. Sự thực hành giới Ba la mật
Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Người ta bảo giới ba la mật
Là đạt được sự từ bỏ một vài tư tưởng.
Nghĩa là lật ngược những ý tưởng hại người cùng với căn bản của những ý tưởng ấy (là tham, sân, v.v…-DG), chuyển thành tư tưởng từ bỏ những hành vi như vậy. Sự hoàn toàn quen thuộc với sự từ bỏ này trở thành trì giới ba la mật.
Có ba loại giới.
a-1.2.1. Giới chế ngự những hành vi bất thiện
Một ví dụ về giới này là ba loại lời nguyện. Tác phẩm Ngọn Đèn Soi Đường nói:
Những người giữ một trong bảy loại
Giới biệt giải thoát
Luôn luôn có thể giữ được giới khác
Họ có cơ may thọ giới bồ tát
Người khác thì không.
Mới nhìn qua, điều này có vẻ như nói rằng bạn cần phải có giới biệt giải thoát mới có thể thọ giới bồ tát. Nhưng điều này cũng có nghĩa là, theo Mật tông, những người xứng đáng thực hành mật điển nhất là tăng ni là những người tốt nhất để được huấn luyện thành bồ tát, song điều này không bao gồm tất cả mọi trường hợp: có những trời rồng có thể thọ giới bồ tát nhưng lại không được thọ giới Biệt giải thoát.
Trong trường hợp ấy bạn phải làm gì? Khi bạn có giới Biệt giải thoát và có thể theo đuổi học giới của bồ tát, thì bạn phải nhân ra những giới luật về từ bỏ và tự chế phù hợp với giới Biệt giải thoát. Nếu bạn không có giới, bạn hãy xem sự tự chế là từ bỏ và ngăn chừa mười bất thiện. Giới bồ tát là một thực thể khác với giới Biệt giải thoát và cũng khác với giới từ bỏ 10 bất thiện trong dòng tâm thức của Bồ tát.
a-1.2.2. Giới tích tập tất cả điều lành
Giới này có nghĩa nỗ lực với ba cửa thân ngữ ý đến thực hành mọi điều thiện kèm với bồ đề tâm. Những điều này bao gồm sự cúng dường, lễ bái, tôn kính, phục vụ những vị đáng cúng dường; học hỏi, quán tưởng, thiền định, giảng dạy hay lắng nghe. Tóm lại, đó là tất cả những công việc thuộc sáu hạnh ba la mật được thực hành để làm thuần thục dòng tâm thức của bạn và của hữu tình.
Tất cả công việc của những người con Phật đều thuộc về ba loại giới này. Nói chung toàn thể Lam-rim là để tăng trưởng ba loại giới này (dứt ác, làm lành và lợi ích chúng sinh).
a-1.2.3. Giới làm lợi ích cho chúng sinh.
Giới này gồm có bốn cách để thâu thập đệ tử hay Bốn nhiếp pháp (xem ngày 23) v.v…
Còn có 11 cách để làm việc cho hữu tình: 1. Giúp những người khó nhọc và đau khổ, 2. Giúp những người không biết phương pháp chính đáng; 3. Giúp người bằng cách làm lợi lạc cho họ; 4. Giúp người bị nguy hiểm đe dọa; 5. Giúp người bị khốn đốn bần cùng; 6. Giúp người đao đào thoát; 7. Giúp người không nhà; 8. Giúp người không gặp kẻ đồng tâm; 9. Giúp những người đi đúng đường; 10. Giúp những người đi sai đường; 11. Giúp tất cả những hạng người trên bằng thần thông.
Chúng ta có thể thực hành 10 mục trong số trên, chỉ trừ mục làm việc bằng thần thông. Tóm lại giới này bao gồm tất cả hành vi bằng thân lời ý có động lực là những tư tưởng muốn làm lợi ích người khác.
Bạn phải theo những giới như từ bỏ mười điều ác ngay cả khi bạn chưa thọ giới Biệt giải thoát. Bạn tu tập 6 ba la mật để làm thuần thục dòng tâm thức; ba loại giới trên đây (thuật ngữ gọi là Tam tự tịnh giới - DG) sẽ huấn luyện cho bạn làm những việc lợi người.
a-1.3. Làm thế nào để huấn luyện hạnh nhẫn nhục
Nhẫn nhục tự bản chất là tâm không bị dao động bởi bất cứ điều hại nào được gieo rắc cho mình hay bởi sự lo lắng vì đau khổ. Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Chúng sinh cang cường khó hàng phục hết
Vì chúng nhiều như hư không
Nhưng người nhẫn nhục không nản chí,
Mà chỉ bị tư tưởng giận dữ đánh bại;
Nếu điều này xảy ra
Thì cũng như thất bại về tay tất cả mọi người.
Nói cách khác, nhẫn nhục bị cơn giận dữ đánh bại. Nhẫn nhục dễ bị đe dọa vì sân nhất. Sahntideva nói:
Không có tội lỗi nào bằng hận thù
Không có khổ hạnh nào bằng nhẫn nhục
Có ba loại nhẫn.
a-1.3.1. Nhẫn: bình tĩnh trước những người tấn công
Khi những người khác như kẻ thù hại bạn, hãy kiên nhẫn đừng nỗi giận. Hãy ý thức những lỗi lầm của giận dữ, đấy là điều bất thiện tệ nhất. Người ta nói rằng mỗi khi bạn nỗi giận, bạn phá hũy những công đức căn bản trong một ngàn kiếp. Khi ta hiểu rõ những tai hại của giận dữ thì ta sẽ luôn luôn muốn kiên trì thực tập thiền định về nhẫn nhục. Bạn không thể biết ai là bồ tát. Nếu bạn nổi sân với một Bồ tát mà bồ đề tâm của bạn yếu hơn, thì bạn phá hủy công đức 100 kiếp. Nếu bản thân bạn không phải là Bồ tát và người bạn sân giận lại là Bồ tát, thì bạn pháhủy công đức 1000 kiếp. Điều này nói trong tác phẩm Hành Trung Đạo và Hành Bồ Tát Hạnh. Vậy những lỗi lầm quả thật nặng nề.
Bạn phải đào luyện sự nhẫn nhục, nhưng hãy làm việc này trước khi bạn nỗi tâm sân - Một khi bạn nỗi sân thì đã quá muộn. Bạn phải kiên nhẫn và nghĩ về những khuyết điểm của giận dữ. Nếu không bạn sẽ làm cho mọi người và cả chính bạn phải khổ sở. Ngoài hậu quả mà cơn giận gây trên người khác, nó còn có thể đẩy bạn đến chỗ tự sát, v.v… Cơn giận có hậu quả là làm cho bạn có nhiều kẻ thù.
Bạn có thể nghĩ rằng “Tất cả những điều này đúng thật, nhưng làm sao tôi có thể nhẫn nhục khi có quá nhiều đối tượng gây giận dữ?” Tác phẩmHành Bồ Tát Hạnh nói:
Làm sao bạn tìm đủ da thuộc
Để lót khắp mặt đất?
Nhưng có được cái đế giày bằng da
Thì cũng như lót da toàn mặt đất.
Hãy xem thử bạn có thể hoàn toàn hàng phục kẻ thù hay không. Bạn sẽ thấy rằng mình không bao giờ thiếu kẻ thù hay hàng phục được tất cả kẻ thù cho đến khi không còn hữu tình nào trên mặt đất. Nhưng nếu bạn hàng phục cơn giận của mình thì bạn sẽ không có một kẻ thù nào cả, và điều ấy cũng như là hàng phục tất cả kẻ thù.
Một khi bạn đã hoàn toàn hiểu Đạo sư rằng những loại nhẫn nhục được xếp hạng theo bản chất của chúng, và những lỗi lầm của giận dữ v.v… thì bạn có còn để cho toàn thân bạn bị cơn giận tóm lấy hay không? Một lần có vị lạt ma cố gắng can đệ tử của mình và một tên trộm đang đánh nhau. Ngài không thành công, người đệ tử cứ đánh người kia. Vị Lạt ma đặt ngón tay lên mũi đệ tử và nói: “Nhẫn nhục, nhẫn nhục” tức thì người đệ tử nhớ lại mình đã mất sự nhẫn nhục. Khi cơn giận đã làm công việc của nói rồi thì có ích gì để giả vờ nhẫn nhục.
Lúc đầu có thể khó thực hành nhẫn nhục; chỉ về sau, khi đã quen nhờ thiền định ta mới có được nhẫn nhục. Có những lý do tại sao không nên giận dữ với người nào làm hại mình. Chẳng hạn có người đánh vào đầu bạn bằng một con roi. Hãy nghĩ như sau để ngăn bạn đừng giận dữ: “Nếu tôi giận với cái khí cụ thực sự gây ra đau đớn thì đáng lẽ tôi nên giận dữ con roi, nhưng con roi nó không có năng lực, nó chỉ được sử dụng.” Con người đánh bạn cũng không có năng lực. Anh ta bị trói buộc bởi những vọng tưởng ở trong anh. Tất cả đều đi đến một điều: Sự việc bạn cư xử sai lầm là yếu tố trực tiếp nhất cho việc bạn bị đánh bằng roi. Tuy nhiên căn bản chính là ác nghiệp bạn đã gây nên như đánh người ta trong quá khứ v.v… Bởi thế khi việc này là quả báo thuần thục của nghiệp bạn đã làm, thì bạn nên giận ai?
Tác phẩm Bốn Trăm Bài Kệ nói:
Đấng Mâu ni có thể thấy được vọng tưởng
Những người có vọng tưởng thì không thấy
Nói cách khác một bệnh nhân điên có thể đánh vào y sĩ hoặc một người con trai điên đánh cha, nhưng y sĩ và người cha không giận bệnh nhân hay người con, mà trái lại cố gắng để chữa khỏi bệnh điên. Những người làm hại bạn cũng thế, như đã bị điên vì vọng tưởng. Họ không phải là những tác nhân có tự do, nên bạn không nên giận họ. Thay vì thế bạn phải cố gắng dùng vài phương tiện để diệt trừ vọng tưởng cho họ. Nếu lửa làm bỏng tay bạn thì chính là lỗi tại bạn đã động vào lửa. Không nên giận lửa. Cũng thế lỗi của bạn là đã khiêu khích người kia, nên thật không đúng để giận anh ta. Vì hữu tình bản chất là vọng tưởng, nên thật sai khi giận họ cũng như khi thật sai lầm khi giận lửa mỗi lúc bạn bị bỏng, vì bản chất của lửa là làm bỏng da. Nhưng bạn vẫn nghĩ rằng: “Có thể bản chất của chúng như vậy, nhưng tôi giận chúng vì chúng làm một điều bất ngờ đối với tôi.” Nếu thế thì cũng nên giận bầu trời khi thình lình nổi giông bão, nhưng điều ấy thật vô ích. Như vậy, thật sai lầm khi ta giận những người như thế. Khi bạn bị đánh, bị lăng nhục v.v… hậu quả là bạn bị đau khổ về thể xác hoặc tinh thần, thì đừng đáp lại sự sai quấy, vì điều ấy sẽ tạo nhân cho bạn tái sinh vào những đọa xứ. Ngược lại bạn nên áp dụng những biện pháp chữa trị cơn giận dữ của mình và hãy nhẫn nhục. Tác phẩm Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Hiện tại tôi không chịu nỗi đau khổ;
Thế mà giận dữ lại là nhân của địa ngục,
Thì tại sao không dứt trừ giận dữ?
Sự nhẫn nhục bằng cách bình thản trước những người tấn công (Nại oán hại nhẫn)là điều mà bạn đào luyện đối với những người thường làm hại mình, chứ không phải những người thường giúp mình. Vậy càng có nhiều người muốn hại bạn, thì bạn càng có cơ hội thực hiện hạnh nhẫn nhục. Bởi thế bạn phải nghĩ rằng những người này làm cho bạn tăng thêm hạnh nhẫn nhục. Atìsha thường được một người hề của vua Asangavyaya theo hầu, y là một người rất khó chịu. Khi người ta yêu cầu Atìsha bỏ người hầu ấy, ngài trả lời: “Có anh ta thì hạnh nhẫn nhục của tôi mới có cơ hội phát triển toàn vẹn.”
Tóm lại, hãy nghĩ: “Nếu những Thanh văn chuyên tự lợi mà còn không tức giận khi gặp những kẻ nghịch, huống gì tôi là người đã thề theo Đại thừa.” Bạn cần phải học câu chuyện về tiên nhẫn nhục.
(CT. Một trong những tiền kiếp của Phật Thích Ca khi còn làm Bồ tát. Ngài làm một vị tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục, bị một ông vua chặt hết tay chân trong một cơn ghen tức, nhưng Ngài vẫn giữ thái độ bình thản.)
a-1.3.2. Nhẫn nhục trong sự chấp nhận đau khổ
(kham thọ khổ nhẫn)
Không những bạn cần phải có thái độ không bám víu hạnh phúc, mà bạn còn nên xem đau khổ như một kiểu trang hoàng, và sử dụng đau khổ như một phương thuốc; như trong chương trước nói về các pháp luyện tâm. Mõi khi bạn bị đau khổ trong lúc tu khổ hạnh, hoặc bị đau ốm, hoặc bị kẻ thù quấy rối, hoặc gặp ác mộng - hãy chuyển tất cả thành những pháp giúp bạn tu tập. Hãy nghĩ rằng chúng sẽ làm tiêu bớt ác nghiệp của bạn, tăng trưởng tâm từ bi nơi bạn, khiến bạn nghĩ về những lỗi lầm của sinh tử v.v… và hãy nhẫn nhục. Khi bạn gặp đau khổ, hay nghĩ như sau: “Nỗi khổ này sẽ thay thế cho nỗi khổ mà tôi đáng lẽ phải trải qua trong các đọa xứ. “Điều này sẽ làm cho bạn sung sướng. Giả sử một người sắp bị hành hìnhh nhưng sau đó lại chỉ bị chặt tay, thì y phải cảm thấy sung sướng vì thoát chết. Cũng như người ta có thể chịu đựng nỗi khổ của sự chảy máu hay nhúng nước nóng để làm lắng dịu một con bệnh. Thế nên khi bạn tu hành gặp khó khăn thì hãy nghĩ: “Tốt, điều này sẽ thay thế cho các nỗi khổ ở các đọa xứ.” Và lúc ấy, hãy nhớ đến những lợi ích của đau khổ. Tác phẩm Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Đức tính của khổ đau là
Nó tẩy trừ kiêu mạn,
Nó làm ta phát tâm đại bi
Đối với những hữu tình trong sinh tử,
Làm ta tránh tội lỗi, và vui vì điều lành.
Lại nữa bạn phải chấp nhận khổ đau, và tạo cho mình một trạng huống để có thể tăng trưởng những việc lành. Hãy làm những việc như thực hành hỷ túc và ít muốn. Khi thực hành những pháp khổ hạnh này hãy nghĩ như sau: “Vì đã xuất gia, tôi không nên mong đợi chổ ở tốt, thực phẩm ngon, áo quần đẹp. Như vậy tôi hy vọng có thể luyện mình trong 4 việc thích hợp với bậc thánh, như hài lòng với những vật kém phẩm chất về ăn, mặc, ở, bệnh.” Nếu không làm như vậy, bạn sẽ muốn ăn ngon, muốn giàu có, và luôn luôn tìm cách tăng gia của cải. Bạn sẽ không nghĩ gì vè Pháp, không vượt qua những thứ vô nghĩa của đời người.
Có lần một người buôn gỗ nghe bậc Đạo sư nói: “Kho tàng chôn dấu đã tìm ra, thì nó liền nhiễm đầy độc tố. Chất độc ấy thực mạnh!” Về sau anh ta tìm được một kho tàng và đâm ra giàu có. Vua bắt phải khai nguyên nhân sự phát phú này, anh ta nói dối và bị hành quyết. Thương gia kêu lên: “Quả thực nó liền nhiễm độc rất nhanh. Chất độc này thật mạnh!” Vua hỏi lý do, và thương gia kể câu chuyện.
Tài sản cũng là một chất độc. Nếu những người tu chúng ta ít muốn biết đủ, thì mọi sự sẽ tốt cho ta. Khi đức Tsongkapa từ giả vùng Jadrael, ngài và các đệ tử có rất ít của cải. Nhưng họ ít nhu cầu và hài lòng với những gì mình có. Thực phẩm y phục không làm hại cho sự tu tập của họ. Cũng thế bạn nên hài lòng với những gì mình sở hữu, vì những thứ ấy tương xứng với công đức của bạn. Hãy kham nhẫn khi gặp điều khó chịu như bị chỉ trích v.v… Hãy chấp nhận đau khổ trong các hoạt động bình thường như phải ngồi thẳng lưng v.v… Hãy chấp nhận những đau khổ vì bảo trì chính pháp như cúng dường tam bảo v.v… Hãy chấp nhận đau khổ vì phải từ bỏ dục lạc, từ bỏ khoe khoang. Có sao hay vậy, dù bạn có thể xấu xí, áo quần tồi v.v… Hãy chấp nhận đau khổ vì thực hành giới hạn cho đến khi mỏi mòn. Hãy chấp nhận đau khổ do việc lợi lạc hữu tình như khi tu nhẫn nhục, khi cứu người khỏi chết v.v… hãy chấp nhận đau khổ của sự sống chật vật sau khi từ bỏ những phương tiện tăng gia tài sản bằng nghề buôn bán trồng trọt. Vân vân.
Như vậy, sự nhẫn nhục bằng cách chấp nhận khổ đau là một đề tài rộng lớn.
a-1.3.3. Sự nhẫn nhục để có được bảo đảm về pháp (pháp nhẫn)
Lam-rim Con Đường Nhanh nói chi tiết về điểm này. Bạn được bồ đề về Pháp bằng cách: (1) thiền định về những điểm then chốt của giới; (2) tập thay đổi lối hành xử nhờ học và tụng kinh; (3) phân tích ý nghĩa những thiện đức của Tam Bảo, ý nghĩa những mục tiêu giác ngộ của bạn, con đường đưa đến mục tiêu ấy, ý nghĩa của vô ngã và ý nghĩa của ba tạng giáo lý sâu rộng… Hoặc nếu nói về Lam-rim thì bảo đảm về Pháp là hiểu rõ ý nghĩa những danh từ trong Lam-rim này chẳng hạn. Loại nhẫn nhục này giống như sự thấu đạt có được nhờ tranh luận.
Hình thức nhẫn nhục đầu tiên (nhẫn khi bị tấn công -nại oán hại nhẫn. DG) thì chỉ luyện được khi bạn bị những đối thủ khiêu khích. Hai hình thức còn lại (kham thọ khổ nhẫn và pháp nhẫn) phải được thực hành luôn luôn. Bạn phải nhẫn nhục trong sự học pháp, chẳng hạn bất kể buổi học có kéo dài bao lâu, hãy lắng nghe với sự nhất tâm, suy tư ý nghĩa. Hãy thận trọng về cách hành xử khi bạn tham gia những buổi thảo luận: Hãy chịu đựng đói khát. Tâm bạn hãy chuyên nhất khi học bài hay tụng kinh. Hai loại nhẫn nhục sau cùng áp dụng khi bạn đi vào làng để làm lễ trong nhà người.
a-1.4. Tinh tấn
Tinh tấn có nghĩa là vui thích trong bất cứ thiện hành nào.
Bản chất của tinh tấn là vui về điều thiện. Đó là cách tốt nhất để hành thiện đến chỗ viên mãn. Trang nghiêm kinh nói:
Tinh tấn là tốt nhất
Trong tất cả đức hạnh
Nếu đào luyện tinh tấn
Về sau sẽ thành công.
Nhờ tinh tấn, ta đến
Những cảnh giới thù thắng,
Được cả hai thần thông
Thế tục và siêu thế
Nhờ tinh tấn ta đạt
Những mục tiêu thế gian
Được thanh tịnh, giải thoát
Khỏi thân kiến sai lầm
Xem “ngã” là thân xác.
Nhờ tinh tấn ta sẽ
Đạt vô thượng bồ đề.
Bản văn trên đây nói rằng tinh tấn là đức hạnh tốt nhất; mọi sự đều phát sinh từ đó kể cả quả Phật. Tác phẩm Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Mọi đức tính đều phát xuất từ tinh tấn.
Vậy bạn đừng cư xử như một con lừa ương ngạnh đứng dậm chân khi bạn phải tụng đọc v.v… Bạn phải khởi sự những hoạt động này một cách thích thú vì được làm thiện hành. Hãy tập quen với điều này từ từ; và tăng dần khi sự tinh tấn của bạn gia tăng.
Có ba loại lười biếng ngăn che sự tinh tấn.
a-1.4.1. Lười biếng do thiếu hăng hái
Điều này có nghĩa là bạn mất cơ hội hành thiện vì luôn luôn triển hạn. Bạn liên tục hẹn rày hẹn mai vì không nhiệt tâm trong công việc. Cách đối trị cần thiết là phải quán cái chết là vô thường, hoặc quán thân người khó được.
a-1.4.2. Lười biếng do khao khát những tầm cầu xấu xa
Đây là sự tầm cầu thuộc thế tục, lăn xả vào chúng, và vào những ác hành vì bạn chưa biết chán. Điển hình của ác hành này là ham được cung kính, ham tụ hội, ham nói chuyện phù phiếm, canh tác, buôn bán, may dệt v.v… những việc ấy không được gọi là tinh tấn mà gọi là chấp thủ. Hành Bồ Tát Hạnh nói về cách điều trị như sau:
Nhân của hạnh phúc là diệu pháp.
Nhưng bạn lại lăn xả vào những nhân khổ
Và từ bỏ hạnh phúc tối thượng.
Tại sao vui trong sự tàn mạt?
Nói cách khác, sự tầm cầu sinh tử là chuyện không có thực chất mà chỉ gây đau khổ. Hãy nghĩ như thế thì bạn sẽ bỏ được hình thức lười biếng này.
a-1.4.3. Lười biếng vì chủ bại
Đây là hình thức chủ bại thâm căn cố đế. Những điển hình của sự chủ bại này là những ý tưởng như sau: “Làm sao một người như tôi có thể đạt thành quả Phật ?” hoặc: “Làm sao tôi có thể làm việc cho tất cả hữu tình?” hoặc “Làm sao một người như tôi lại có thể hy sinh thân thể, tay chân?” Thay vì thế bạn hãy nghĩ: “Tôi sẽ kiên nhẫn dù có phải dành suốt cả đời để tập luyện chỉ một đề mục thiền quán như quán thân người khó được.” Hoặc, hãy nghĩ: “Tôi có thể tinh tấn với những tầm cầu thế tục như kinh doanh buôn bán, tôi có thể kiên nhẫn biết bao để có được một lợi lộc nhỏ! Nếu tôi đã có thể làm được những điều ấy, thì tôi cũng có thể tinh tấn siêng năng để đạt giác ngộ.”
Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Đừng trì hoãn và nói:
“Làm sao tôi giác ngộ?”
Chư Phật luôn nói đúng
Đã nói thật như sau:
Sâu bọ, ruồi nhặng, ong
Nếu kiên trì có thể
Đạt Phật quả khó đạt!
Huống là người như tôi
Đã được sinh làm thân người,
Biết được điều lợi, hại.
Nếu tôi không từ bỏ
Những phận sự bồ tát
Thì sao không giác ngộ?
Nghĩa là hãy nghĩ: “Đấng đạo sư của chúng ta, người luôn luôn nói sự thật, đã dạy rằng ngay cả ruồi cũng có thể thành Phật. Một người như tôi đã được sinh làm người. Tôi biết nói và không thiếu khả năng hiểu biết. Vậy thì sao tôi lại không thể giác ngộ? Đương nhiên là tôi có thể!
Bạn có khi nghĩ: “Dĩ nhiên là được, nhưng tôi không thể thực hành những khổ hạnh như bố thí đầu, tay chân.”
Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Khi tôi nói “Tôi sợ phải bố thí tay chân tôi”
Thì tôi chưa phân tích cái gì nặng cái gì nhẹ.
Dù tôi mù, sự sợ hãi của tôi cũng sẽ chấm dứt
Đức Phật đấng cứu thế gian,
Lúc đầu thực hành bố thí
Bằng cách cho những dĩa rau v.v…
Khi tôi xem ngay cả thân tôi
Cũng không giá trị gì hơn đậu luộc,
Thì tôi có thể hy sinh máu thịt v.v…
Có gì khó khăn đâu?
Nói cách khác, sau khi khởi đầu thiền quán ở mức độ thấp, về sau bạn sẽ xem nhẹ việc bố thí đầu, tay chân, cũng như khi bạn cho một dĩa rau. Khi đã đến trình độ ấy thì bạn sẽ vui mừng khi làm một sự hy sinh, không thấy gì khó.
Có thể bạn nghĩ : “Chư Phật có vô lượng đức tính, và những đức này sẽ rất khó thành tựu. “Hãy quán tưởng rằng bạn chắc chắn có thể thành tựu nếu bạn tập luyện, bởi vì đạo lộ được sử dụng có thể thành tựu những đức tính ấy thật vô cùng sâu xa và rộng lớn.
Nhưng bạn cũng có thể cãi: “Sẽ rất khó cho tôi nếu phải vì tất cả chúng sinh mà đi xuống các đọa xứ chẳng hạn.”
Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Vì từ bỏ tội lỗi,
Bạn sẽ không khổ đau.
Vì có được thiện xảo,
Bạn không thiếu may mắn.
Nói cách khác, bạn sẽ ở trong địa ngục vô gián vì tất cả hữu tình, nhưng vì bạn đã từ bỏ ác nghiệp tội lỗi, nên bạn sẽ không đau khổ cũng không thiếu hạnh phúc, vì có câu nói: “Ta không thể gặp điều gì nếu đã không tạo nghiệp để gặp nó.” Bởi thế bạn nên nghĩ rằng: “Ở địa ngục tôi sẽ không khổ, xuống địa ngục khi ấy cũng không khác gì lên tịnh độ.”
Có 3 loại tinh tấn
a-1.4.4. Tinh tấn như áo giáp
Cúng dường Đạo Sư nói:
Xin cho con hoàn toàn tinh tấn
Dù phải ở trong địa ngục Vô gián
Trong vô lượng kiếp
Vì lợi ích cho mỗi hữu tình
Xin tâm đại bi của con không lay chuyển
Mong con nỗ lực đạt vô thượng bồ đề.
Nói cách khác, hãy tập luyện để nghĩ rằng bạn có thể chịu đựng vì phải ở trong địa ngục vô gián hàng trăm ngàn kiếp vì một hữu tình. Trong mật tông, bạn phải đi vào mật điển với ý nghĩ: “Về phần tôi, tôi sẽ chịu đựng được điều này, nhưng hữu tình vẫn còn trong sinh tử trong một thời gian dài.” Ước mong của bạn là giải cứu tất cả hữu tình càng sớm càng tốt khỏi những đau khổ của họ, như một bà mẹ mong cứu con chết đuối.
Trong chương này “Tinh tấn như áo giáp,” bạn huấn luyện ý nghĩ rằng mình có thể vì chúng sinh mà đi xuống địa ngục vô gián. Hãy so sánh điều này với Phạm Vi Trung Bình trong đó bạn phát sinh ý muốn thoát ly sinh tử. Bạn có thể nghĩ ở đây có sự mâu thuẩn, nhưng không. Bồ tát cũng sợ bị sinh vào đọa xứ do năng lực của nghiệp và vọng tưởng. Nếu bồ tát bị đọa kiểu ấy, thì họ còn không cứu nổi chính mình, làm sao lợi lạc cho người khác. Bồ tát luôn luôn huấn luyện tâm bồ đề và có được sự dũng cảm không sợ cho chính mình; nhưng sẵn sàng tái sinh do năng lực của đại bi và cầu nguyện. Họ sẽ không đau khổ khi tái sinh ở đấy, cũng không chút nào lo sợ. Sự luyện tập này được gọi là “tinh tấn như áo giáp”: bạn đương đầu với những khó khăn vì muốn ích lợi cho hữu tình vào thời đại suy đồi, khi con người không còn thực hành những pháp ấy.
a-1.4.5. Tinh tấn tích lũy thiện hành
Sự tinh tấn này là tích lũy công đức, thanh lọc bản thân, cúng dường, tinh tấn trong việc thực hành sáu ba la mật.
a-1.4.6. Tinh tấn làm việc cho tất cả hữu tình.
Một ví dụ về sự tinh tấn này là tinh tấn trong việc thực tập bốn cách thâu nhận đệ tử (bốn nhiếp pháp: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự- DG). Đấy là một sự tập luyện giống như “Giới nhiêu ích hữu tình.”
Bạn có thể xem hai loại tinh tấn sau cùng, hai loại giới và nhẫn sau cùng là giống nhau, nhưng hãy để chúng tách rời: đừng lẫn lộn chúng mặc dù bạn thích thú, bạn thực hành, và mong mỏi từ bỏ những yếu tố ngược lại liên quan đến một căn bản duy nhất.
Chẳng hạn nếu bạn thiền quán một thời về giai đoạn phát sinh (liên hệ đến mật điển Tối thượng Du già) kèm với sự phát sinh tâm bồ đề, thì tức là bạn đang thực hành của 6 pháp ba la mật.
Khi ấy Pabongka Rinpoche chỉ giới thiệu hai ba la mật cuối cùng là thiền định và trí tuệ. Ngài nói rằng ngài sẽ bàn đến hai pháp này một cách chi tiết trong nhưng phần giảng dạy kế tiếp.
--- o0o ---
Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường