Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chúng ta là những cứu tinh của chính mình

06/05/201313:57(Xem: 10813)
Chúng ta là những cứu tinh của chính mình

Chết Trong An Bình - Loving And Dying

Chúng ta là những cứu tinh của chính mình

Tỳ Kheo Visuddhacara- Thích Tâm Quang dịch

Nguồn: Tỳ Kheo Visuddhacara - Thích Tâm Quang dịch



Ðôi khi là một nhà sư tôi được yêu cầu đến tụng kinh cho tang lễ. Tôi cảm thấy buồn cho gia quyến của người chết nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy không giúp được gì vì có quá nhiều khó xử trong vai trò của một nhà sư đi tụng kinh đám tang.

Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ tuổi đến gặp tôi. Cha cô mới chết sáng hôm đó. Ông mới chỉ 42 tuổi. Cô nói với tôi bằng tiếng Phúc Kiến: "Xin mời thầy đến tụng kinh. Xin thầy mở con đường cho cha tôi". Tôi nhìn cô ta với tất cả tấm lòng từ bi mà tôi có thể tập trung. Tôi có thể cảm thấy sự bối rối và đau khổ của cô. Cô khoảng chừng 20 tuổi và là một người con gái có hiếu. Trong thâm tâm tôi nói thầm với mình: "Trời ơi tôi sẽ mở đường cho người như thế nào đây? Con đường tưởng tượng nào tôi sẽ vẽ trong không khí cho hồn tưởng tượng đặt chân lên? Làm sao tôi có thể nói với người phụ nữ trẻ tuổi tội nghiệp đang ở trong tình trạng buồn phiền và bối rối rằng không có con đường nào như cô có lẽ đã tưởng tượng như thế?"

Ðức Phật cũng có lần ở trong tình thế như vậy và Ngài đã trả lời ra sao? Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Ðức Phật và hỏi Ngài: "Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Ðức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Ðức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều. Nếu Ngài sẽ làmđiều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng".

Ðức Phật trả lời, "Rất tốt, hãy đi ra chợ và và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ". Người trẻ tuổi sung sướng vì Ðức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình. Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Ðức Phật bảo. Ðức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia. Rồi ném cả hai bình đó xuống ao. Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao. Rồi Ðức Phật tiếp tục: "Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao". Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.

Rồi Ðức Phật nói: "Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viênđá nổi lên." Người trẻ tuổi nhìn Ðức Phật, sửng sốt, nói, "Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Ðiều đó ngược lại với qưi luật tự nhiên."

Ðức Phật mỉm cười và nói: "Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời lương thiện thì những hành vi của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại nghiệp luật thiên nhiên. Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời bất thiện thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục. Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nũa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác được."

Người trẻ tuổi hiểu rõ. Anh chữa lại quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đòi hỏi cái không thể được. Nụ cười của Ðức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, tối thiểu của tất cả sau khi chúng ta chết. Theo nghiệp luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát. Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ gì của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo nghiệp của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình. Nếu chúng ta hiểu rõ nghiệp luật, thì chúng ta sẽ cảm niệm thấy sống một cuộc đời lương thiện quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống. Ðợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn. Có một chút gì đó có thể làm được.

TÁI SANH NGAY TỨC KHẮC



Tuy nhiên, có một vai trò mà người thầy tu có thể áp dụng trong việc tụng kinh tang lễ. Ðó là cách chia sẻ công đức của Phật Giáo. Chia sẻ công đức hay hồi hướng công đức ảnh hưởng thế nào? Trước khi chúng ta có thể giảng nghĩa điều này, trước hết chúng ta phải hiểu cái gì xẩy ra vào lúc chết. Theo Ðức Phật, tái sinh xẩy ra lập tức sau khi chết, thức có tính chất sinh diệt không ngừng. Không có khoảng cách giữa cái chết và tái sinh kế tiếp.Vào lúc chúng ta chết thì lúc sau tái sinh xuất hiện, cả trên bình diện con người cũng như bình diện thú vật, bình diện ngạ quỷ, bình diện của A Tu La, bình diện địa ngục, hay bình diện thiên giới.

Ta tái sanh theo nghiệp của ta. Nếu ta sống một cuộc đời lương thiện, nói chung ta sẽ được sự tái sanh tốt. Tâm ở trong trạng thái thiện vào lúc chết làm cho tái sanh tốt đến. Ta có thể tái sinh làm người hay thần ở một trong nhiều cảnh giới cõi trời. Ðức Phật có thể nhìn thấy bằng năng lực tâm linh những cảnh giới khác nhau về kiếp sống, và cũng nhìn thấy chúng sinh chết ra sao và tái sinh ngay lập tức theo những hành vi của chúngï. Ðức Phật và nhiều các nhà sư ở thời đại của Ngài đã có thể nhớ lại được tiền kiếp.

Nếu ta sống một cuộc đời tội lỗi, thì tái sinh xấu sẽ đến – một trong bốn trạng thái thống khổ là địa ngục, ngã quỷ, súc sinh hay A Tu La. Nhưng dù tái sinh vào bất cứ nơi nào, ta cũng không ở đấy vĩnh viễn. Khi thọ mạng ở trong đó hết hạn, cái chết xảy ra và nó đi vào một tái sinh mới. Cho nên kiếp sống ở địa ngục hay ngã quỷ cũng không vĩnh viễn. Có hy vọng: sẽ có cơ hội, tuy có thể phải mất một thời gian không kể xiết để có cơ hội này. Cho nên tốt hơn là đừng để rơi vào những nơi thống khổ, một khi đã rơi vàođó không ai biết sẽ phải ở đó bao lâu. Có thể dường như vô tận!

Tương tự như vậy, kiếp sống ở cõi trời cũng không vĩnh viễn. Khi kiếp sống tại đó đã mãn, rất có thể rơi vào bình diện thấp hơn. Chỉ có các bậc A La Hán đã rũ bỏ tất cả ham muốn để tái sinh, đã loại bỏ được tất cả những ô nhiễm của tham, sân và si, sẽ không phải tái sinh. Lúc chết họ không còn phải sinh vào bất cứ một trong 31 bình diện kiếp sống. Họ không còn bị luân hồi, không còn bị vào vòng sinh tử. Họ đạt được vô dư niết bàn, tức là dập tắt được toàn bộ khổ đau của thân và tâm. Nhưng cho đến khi trở thành A La Hán, vẫn phải tái sinh.

CHIA SẺ CÔNG ÐỨC ẢNH HƯỞNG RA SAO



Bây giờ muốn hồi hướng công đức được hữu hiệu, điều cần thiết là người nhận công đức phải biết việc gì đang xẩy ra. Người đó phải có mặt và có thể chấp thuận những hành vi thiện được tiến hành bằng tên người ấy hay nhân danh người ấy. Nếu người ấy chấp thuận, thì sự chấp thuận hay trạng thái tâm vui vẻ là một trạng thái thiện trong tâm. Nói một cách khác, người ấy giành được công đức cho chính mình bằng cách vui mừng những hành vi lương thiện đã được làm vì người ấy. Bởi vậy không phải là chúng ta chuyển công đức của chúng ta cho người ấy. Việc đó theo nghĩa đen không thể làm được. Cái xẩy ra là người ấy vui mừng và sự vui mừng ấy là một hành vi công đức khiến cho sự khổ đau của người ấy có thể giảm đi và hạnh phúc của người ấy tăng lên.

Nếu sau khi chết, tái sinh xảy ra trong bình diện con người hay thú, chúng sinh sẽ không ở trong vị trí biết được điều gì xẩy ra – chẳng hạn vẫn còn là một bào thai trong dạ con người mẹ. Trong những hoàn cảnh như vậy, người ấy không thể vui hưởng hay chia sẻ trong việc làm công đức.

Nếu một người đã bị tái sinh vào địa ngục, người ấy cũng không thể biết cái gì sẽ xẩy ra trên thế giới này vì người ấy bị đau khổ ở địa ngục, đây là một bình diện khác của kiếp sống trong đó người ấy không hiểu biết về cái gì diễn ra nơi đây trên trái đất. Nếu người ấy được tái sinh làm người của cõi trời, cũng không hẳn là người ấy có thể tiếp xúc được với thế giới này. Người ta nói rằng vì quá sung sướng và quá bận rộn tìm hiểu những cái tuyệt vời của kiếp sống mới họ không thể quan tâm ngay đến cái gì đang xẩy ra trên trái đất. Thời gian chỉ là tương đối, và một ngày ở tầng trời Tavatimsa được nói rằng bằng 100 năm ở trái đất! Cho nên vào lúc mà người trời, ấy là nói vậy, nhìn xuống dưới này, chúng ta tất cả đều đã chết và đi rồi! Hơn thế nữa, chúng ta không thể nói chắc người trời tự động có thần thông tâm linh để nhớ lại tiền kiếp của mình, mặc dù kinh sách có ghi lại một số trường hợp người trời nhớ những gì họ đã làm ở tiền kiếp để được tái sinh vào cõi trời.

Cho nên trong kinh Tirokutta, Ðức Phật nói với một người Bà La Môn là chỉ có thần hồn bất hạnh (peta) mới có thể chia sẻ công đức. Những thần hồn này, tuy ở trong những cảnh giới riêng của họ, có thể quan sát bình diện của loài người bằng chính mắt của họ. Nếu họ nhận thức được những hành vi công đức được làm cho họ, và vui hưởng về điều này, thì họ có thể giành được công đức do sự vui mừng của họ. Ðương nhiên không ai muốn người thân của mình tái sinh làm thần hồn bất hạnh (peta). Người ta thích nghĩ là họ sẽ tái sinh làm người hay làm người ở cõi trời.

Vì thế người Bà La Môn hỏi Ðức Phật cái gì sẽ xẩy ra nếu người chết đã giành được sự tái sinh tốt. Ðức Phật trả lời, chia sẻ công đức vẫn là tốt, vì ta sẽ ít lạc hướng hơn luân hồi, lúc bắt đầu chắc chắn có một số thân quyến của chúng ta ở tiền kiếp đã có tái sinh không may thành petas. Vì tuổi thọ của peta rất dài, họ vẫn còn ở quanh quẩn đâu đó. Cho nên chúng ta chia sẻ công đức với thân quyến quá cố, và với tất cả chúng sinh. Ngoài ra, Ðức Phật nhấn mạnh, người làm hành vi tốt vì người đã ra đi chính mình cũng giành được công đức.

Chia sẻ công đức là một truyền thống Phật Giáo. Người Phật tử làm những hành vi tốt như cúng dường thực phẩm và những đồ cần thiết cho các thầy tu, bảo trợ in kinh và bố thí cho công cuộc từ thiện, như chỗ ở cho người già, bệnh viện từ thiện và cơ sở cho người tàn tật. Rồi người ấy mời những người đã ra đi và tất cả chúng hữu tình vui hưởng và chia sẻ công đức. Ðiều này tự nó là hành vi tốt, người làm không "mất" tý công đức nào mà còn được hưởng nhiều hơn bởi sự chia sẻ, vì hành động chia sẻ là một hành vi công đức khác. Cho nên người sống có hai công đức – thứ nhất là thực hiện hành vi tốt và thứ hai là chia sẻ công đức.

Sự có mặt của các nhà sư để tụng kinh Phật và nói Pháp cho những người thân bị mất mát vào lúc buồn phiền của họ, cũng là một sự hỗ trợ tinh thần to lớn. Nhà sư có thể nhắc nhở những thân nhân còn sống về giáo lý vô thường, khổ đau và vô ngã của Ðức Phật. Các nhà sư thuyết phục thân nhân chấp nhận sự khổ đau với trí tuệ, và phấn đấu chuyên cần hơn để dạt Niết Bàn, sự chấm dứt hoàn toàn tất cả khổ đau.

Nếu chúng ta hiểu và chấp nhận khái niệm Phật Giáo về tái sinh xẩy ra ngay lập tức, thì chúng ta sẽ hiểu được điều quan trọng là phải thực hành những hành vi tốt trong khi chúng ta đang sống. Bởi làm những hành vi tốt, chúng ta có nghiệp tốt. Nghiệp là di sản thực sự của chúng ta, vì chỉ có hành vi hay nghiệp mới có thể theo chúng ta. Sau khi chết, việc đốt vàng mã, nha cửa, xe cộ bằng giấy vân vân... không có lợi lộc gì cho người chết. Việc làm này đi ngược lại với cái hợp lý của nghiệp. Hơn thế nữa chúng ta có thể quyết định – làm sao có thể đốt cái gì ở nơi đây lại có thể biến thành cái gì ở bên kia thế giới hay ở bất cứ nơi nào. Cái gì được đốt thì chỉ là cháy; nó vẫn là cái bị cháy. Trong pham vi nghiệp luật, cũng vậy dâng cúng đồ ăn cho người chết cũng vô nghĩa. Khi tái sinh, chúng sinh mới sinh tồn bằng loại đồ ăn thích hợp với bình diện của kiếp sống. Bởi vậy chúng ta thấy Ðức Phật không bao giờ bảo chúng ta cúng đồ ăn cho người chết hay đốt vàng mã, vân vân...

Hiển nhiên, những nghi thức và nghi lễ về tang chế được truyền thừa từ thế hệ này đến thế hệ nọ không có một tư tưởng nào là căn bản và có nghĩa lý. Ðiều mà Ðức Phật dạy là, như đã giải thích trước đây, làm một số hành vi tốt vì hay để tưởng nhớ đến người chết và rồi chia sẻ công đức bằng cách tụng bằng tiếng Pali hay bằng ngôn ngữ chúng ta có thể hiểu được: Xin đem công đức này hướng về những người chết. Xin những người chết hoan hỉ và chia sẻ công đức đã được làm.

TANG LỄ PHẬT GIÁO LÀ MỘT TANG LỄ ÐƠN GIẢN



Con đường Phật Giáo có nghĩa lý và đơn giản. Nếu chúng ta hiểu và đánh giá cao con đường Phật Giáo, thì tang lễ Phật Giáo sẽ rất đơn giản tránh nghi thức và nghi lễ dị đoan, tránh sợ hãi, lo lắng hay bối rối. Ta không cần phải đốt cái này cái kia,tiến hành những loại nghi thức xa lạ, và phải tuân thủ tất cả những điều cấm kỵ, tất cả những thứ hoàn toàn vô nghĩa và gây bối rối cho những người sống thường bị cuốn theo điều đó vì sợ hãi, áp lực xã hội hay dốt nát hơn là bất cứ cái gì khác. Ta không phải mời những người chuyên nghiệp để tụng kinh hay thực hiện các nghi thức cho một lệ phí nặng nề lên tới cả ngàn Mỹ Kim hay thuê một ban nhạcđể cử nhạc mặc dù có thể là nhạc rất nghiêm trang.

Là một Phật tử, ta chỉ cần mời những nhà sư Phật Giáo để tụng kinh Phật Giáo không cần phải dài. Sẽ là tốt nếu có thể những kinh này được dịch ra tiếng Anh hay Trung Hoa để tất cả mọi người có mặt có thể hiểu được, cảm niệm và sưy ngẫm về cái đã được tụng những điều Ðức Phật đã dạy về bản chất của sự sống và cái chết. Quan trọng nhất là giữ năm giới bởi người cư sĩ – tụng bằng tiếng Pali, được phiên dịch thì tốt hơn theo nhà sư. Sự gìn giữ và tuân theo năm giới là sự tu hành căn bản của người cư sĩ Phật Giáo. Sau khi thọ giới, nhà sư có thể nói Pháp để an ủi, khuyên giải và khuyến khích người có thân nhân chết.

Trong truyền thống Nguyên Thủy, các nhà sư không thu một khoản lệ phí nào về buổi lễ của họ. Lễ này các nhà sư làm do lòng từ bi, để hỗ trợ tinh thần cho những cư sĩ thuần thành trong giờ cần thiết của họ. Bởi vậy các nhà sư không tìm kiếm sự đền bù bằng tiền bạc vì điều đó không hòa hợp với tinh thần Phật Pháp. Tuy nhiên, những cư sĩ thuần thành đôi khi cúng dường một phong thư đỏ cho vị sư để mua những thứ cần thiết, như y áo hay thuốc men. Số tiền này, nếu cúng dường, chỉ là một biểu hiện biết ơn. Thực ra, các nhà sư không mong muốn phong bì đỏ, và nếu nó được cúng dường thì chỉ là sự cúng dường hoàn toàn theo sáng kiến của người cúng dường. Phơng bì này là biểu hiện sự biết ơn không phải là lệ phí mà là cúng dường. Lệ phí, trong trường hợp tang lễ, thường là một món tiền lớn lao được ấn định bởi người làm dịch vụ tang lễ trước khi đồng ý tiến hành những tế lễ tỷ mỉ. Và như chúng tôi đã nói điều đó không phải là việc làm của một nhà sư.

Những thân quyến, đương nhiên có thể cúng dường đồ ăn cho các vị sư tại chùa. Những người có khả năng hơn có thể cúng dường in kinh sách Phật Pháp để biếu không. Họ cũng có thể cúng dường cho những cơ sở từ thiện, cho những người nghèo, và những người túng thiếu. Thay vì những vòng hoa tang, thân quyến và bạn bè nên được khuyến khích cúng cho những hội từ thiện đặc biệt. Tất cả những việc như thế làm tang lễ có ý nghĩa – bớt đi những lề thói vụng về đem đến nhiều bối rối và uổng phí tiền bạc.

CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC HỎI TỪ NHỮNG NGƯỜI KHÁC



Người chết có thể đem thiêu hay đem chôn ngay – vào cùng ngày hay ngày hôm sau. Trên phương diện này tôi nghĩ những giađình Trung Hoa nên học hỏi một đôi điều từ đám tang của người Hồi Giáo mà tôi được biết là đơn giản, thực tế và không tốn kém. Một người Hồi Giáo bạn tôi nói cách thức của người Hồi Giáo là chôn ngay vào ngày chết hay chậm nhất là ngày hôm sau. Cho nên nếu một người Hồi Giáo chết lúc 2 giờ chiều, người chết có thể được chôn trước khi mặt trời lặn vào cùng ngày. Nếu người chết vào buổi tối hay đêm, người ấy được đem chôn ngày hôm sau.

Tang lễ không tốn kém, dễ lo liệu vì như người bạn tôi nói, Hồi Giáo không khuyến khích tiêu pha phung phí mà khuyến khíchđơn giản và tiết kiệm. Một đám tang Hồi Giáo theo như bạn tôi nói có một quan tài với giá ít ỏi là 500 đồng (tiền Mã Lai) – rất khác với một tang lễ Trung Hoa có thể tốn kém đến 30,000 đồng hay hơn nữa! Thủ tục tang lễ của người Hồi Giáo, trong phạm vi Hồi Giáo, tương đối đơn giản và có ý nghĩa. Tang lễ của người Cơ Ðốc Giáo cũng đơn giản, không tốn kém và có ý nghĩa đối với người Cơ Ðốc Giáo, và sư chôn cất được thi hành trong phạm vi 48 giờ.

Tôi tin rằng trong đời sống chúng ta không bao giờ ngưng học hỏi. Thường có những cách làm tốt hơn và có ý nghĩa hơn. Nếu chúng ta duy trì tâm cởi mở và không thành kiến chúng ta có thể học hỏi được từ những người khác. Trong Kinh Kalama, Ðức Phật khuyên chúng ta phải luôn luôn suy nghĩ và điều tra nghiên cứu chính chúng ta. Nếu chúng ta thấy một thói quen tốt và có ý nghĩa thì chúng ta nên theo; nếu chúng ta thấy nó xấu và vụng về thì chúng ta không theo nó, hay nếu chúng ta đã chót theo nó, chúng ta nênđủ dũng cảm và khôn ngoan để bỏ nó đi. Ðức Phật nói, không có gì mà ta phải theo một cách mù quáng không hiểu biết hay khôngđặt câu hỏi. Ðức Phật khuyến khích chúng ta đặt vấn đề và điều tra nghiên cứu. Cả đến những lời của Ngài cũng phải điều tra nghiên cứu, và chỉ khi thấy những lời nói ấy đúng thì hãy theo. Ðức Phật không muốn chúng ta có niềm tin mù quáng mà là một niềm tin căn cứ vào kiến thức kinh nghiệm trực tiếp.

Cho nên, nếu chúng ta thấy những sự thực hành đơn giản và tốt ở những tôn giáo và truyền thống khác, chúng ta có thể áp dụng và theo chúng miễn là chúng không mâu thuẫn với niềm tin đạo lý của chúng ta. Về phương diện này, chúng ta có thể học hỏi từ những người về cách họ thi hành tang lễ nhanh chóng và không tốn kém. Chúng ta cũng nên loại bỏ những lề thói dị đoan và không phải là Phật Giáo của chúng ta.

Tôi thấy có nhiều dị đoan trong tang lễ truyền thống của người Trung Hoa, và chính tôi đã thấy những lề thói này trong khi tụng kinh ở tang lễ. Tôi cảm thấy bát lực vì tôi chỉ có thể chứng kiến trong thầm lặng. Có một chút mà ta có thể làm được. Truyền thống rất khó để thay đổi, và bất cứ cố gắng nào để thay đổi thường gặp phải sự chống đối mãnh liệt và thâm chí bị kết tội nữa.

Có những lúc tôi ngần ngại không muốn đi tụng kinh tang lễ vì băn khoăn rằng sự có mặt của tôi ở đó là phụng sự cho mục tiêu gì. Nhưng tôi luôn luôn hưởng ứng và cố làm những gì có thể được bằng cách nói Pháp và làm trong sáng tỏ lập trường của Phật Giáo bằng sự khéo léo có thể được. Tôi nghĩ rằng bây giờ là thời điểm cấp bách mà người Phật tử Trung Hoa xét lại những thói quen tang lễ theo truyền thống và nên giản dị hóa theo trí tuệ Phật Giáo. Tôi có thể bị chỉ trích về quan niệm của tôi nhưng tôi cảm thấy nếu chúng ta không nói lên, chúng ta sẽ làm hại cho cộng đồng Phật Giáo.

Nếu tôi có thể đề xuất một tang lễ Phật Giáo đơn giản, tôi sẽ đề nghị việc hỏa táng nên được tiến hành cùng ngày nếu có thểđược, còn nếu không thì vào ngày hôm sau. Tuy nhiên một số người muốn giữ thi thể một vài ngày để thân quyến và bạn bè ở xa có thể về tiễn biệt người ra đi lần cuối, hay với nhiều lý do riêng tư. Cho nên việc quyết định sẽ là một quyết định riêng tư do gia đình lo liệu. Tôi đề nghị thiêu hơn là chôn vì nhiều suy xét thực tế như thiếu đất, dân số tăng trưởng, và tiết kiệm chi phí tang lễ có thể hướng vào những nhu cầu có nghĩa hơn như từ thiện.

Người chết nên được tắm rửa, sạch sẽ và mặc quần áo bởi thân nhân hơn là người lạ. Việc này có ý nghĩa vì xác thân là người yêu dấu của chúng ta, và điều tối thiểu chúng ta có thể làm được là nhẹ nhàng thi hành vời lòng thương yêu và kính trọng. Thi hàiđược mặc quần áo không cần thiết phải khoa trương hay hình thức mà người chết nên mặc đồ thường được thích mặc khi còn sống. Thi hài đàn ông nên được tắm rửa và mặc quần áo bởi thân quyến đàn ông, và thi hài phụ nữ thì do thân quyến phụ nữ. Chúng ta không nên cảm thấy sợ hãi gì về xác chết, nhất là xác chết của người thân yêu.

Cũng không có điểm nào nói là phải để đồ trang sức trên thi thể. Một lần trong khi tụng kinh tại tang lễ, tôi thấy những người lo việc mai táng phục sức xác người chết với những chiếc nhẫn và những bông tai làm cho người chết. Việc này thật mỉa mai và vô nghĩa khi cho rằng dù tái sinh nào thì người chết cũng sẽ mang theo, ông ấy hay bà ấy không thể mang theo một thứ gì ngoại trừ toàn bộ những hành vi tốt và xấu.

Khi nhấc xác từ trên giường và đặt vào quan tài, việc này nên để thân quyến làm, và bao giờ thi thể cũng phải được tiến hành một cách kính trọng và nhẹ nhàng. Thói quen quay lưng lại phía người chết khi thi hài được đưa vào quan tài hay khi quan tài được đặt vào xe tang là một việc kỳ cục. Người chết là người thân yêu của chúng ta và chính chúng ta trước nhất phải nhẹ nhàng đặt thi hài vào quan tài, hoặc đứng chứng kiến một cách kính cẩn trong khi những người khác làm. Quay đi để lưng hướng về người chết với tôi là một biểu hiện thất kính! Tôi không thể không nghĩ rằng nếu tôi là người chết tôi sẽ bực mình vì bị đối xử một cách như thế.

Thói quen quay lưng lại chỉ là một dị đoan khác. Tại sao chúng ta phải sợ sự không may giáng xuống chúng ta nếu chúng ta không tuân theo những điều cấm kỵ như thế? Là người Phật tử chúng ta nên tin vào nghiệp, nghiệp chính là nơi nương tựa và hỗ trợđích thực của chúng ta. Làm tốt được tốt làm xấu bị xấu. Chúng ta nên sợ những hành vi xấu, như không giữ giới, và những hành vi xấu như thế sẽ mang lại khổ đau. Ðiều cuối cùng chúng ta cần sợ là dị đoan, những điều cấm kỵ vô căn cứ.

Quan tài không cần đắt tiền. Nó phải được đặt ở phòng lớn với một số hoa sắp đặt khéo léo chung quanh và hình ảnh của người chết. Một vài câu Phật Pháp có ý nghĩa, một đoạn trích hay tục ngữ có thể treo để suy ngẫm. Không cần giữ vòng hoa tangđến, thay vì vòng hoa tang, tiền phúng viếng nên được gửi cho các cơ sở từ thiện mà gia đình người chết có thể định rõ. Nên tiêu pha thế nào để tiết kiệm bằng cách tổ chức tang lễ đơn giản và có ý nghĩa để có thể hướng về tổ chức từ thiện.

Ðồ ăn không cần phải để trước linh cữu người chết vì chúng ta đã giải thích, người chết sẽ không thể ăn. Ðốt giấy tiền vàng mã cũng vô nghĩa và không nên làm. Ðốt nến và hương cũng không cần thiết. Thực ra nhiều lề thói dị đoan và những điều cấm kỵ thường đi kèm với nghi lễ truyền thống của người Trung Hoa nên được dẹp bỏ, khi nhớ đến những lời của Ðức Phật là một người cư sĩ thuần thành phải có năm đức tính: "Người cư sĩ phải có niềm tin, giữ kỷ luật tinh thần, không tin vào những điềm triệu dị đoan; tin vào nghiệp, không tin vào điềm báo; không tìm thiên thần quỷ vật ngoài nơi đây (ngoài hệ thống của Ðức Phật) và chứng tỏ danh dự nơi đây (có nghĩa là tôn trọng hệ thống của Ðức Phật và không nên tự mình lệ thuộc vào những lề thói không phải là Phật Giáo)".

Mặc quần áo tang chế là không cần thiết. Ðức Phật không muốn chúng ta than khóc hay phiền muộn mà chấp nhận sự thật về việc chia lìa và cái chết bằng trí tuệ và sự thanh thản. Soka hay phiền não là một trạng thái tâm không lành mạnh và ta phải vượt qua nó bằng chánh niệm và suy ngẫm khôn ngoan. Bởi vậy các bậc Tư Ðà Hàm và A La Hán (đã đạt được giai đoạn thứ ba và thứ tư của quả vị thánh) không than khóc và phiền não. Khi Ðức Phật nhập diệt, những nhà sư đã đạt được thánh quả Tư Ðà Hàm và A La Hán không khóc. Hiểu biết bản chất của vô thường, họ không phiền não dù cho Ðức Phật qua đời trước mắt họ.

Ðức Phật cũng chẳng phiền não khi hai đệ tử lớn của Ngài là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên chết trong vòng hai tuần kẻ trước người sau vào khoảng sáu tháng trước Ngài. Chính Ðức Phật đã nhận xét: "Tuyệt vời, hết sức tuyệt vời, này các tỳ kheo, về những bậc giác ngộ như khi cặp đệ tử qua đời, Ðấng Giác Ngộ không phiền não, không than khóc". Và Ðức Phật nói thêm: "Vì về cái sinh ra, đi đến trụ, hợp thành, và phải bị hoại thì làm sao lại nói nó không phải ra đi? Ðương nhiên, điều đó là không thể được.

"Cho nên, này các tỳ kheo, các ngươi là hải đảo của chính các ngươi, là nơi nương tựa cho chính các ngươi chứ không có nơi nương tựa bên ngoài nào khác, với Giáo Lý là hải đảo, Giáo Lý là nơi nương tựa, không tìm nơi nương tựa nào khác."

KHÔNG TRIỆT BỎ ÐƯỢC PHIỀN NÃO, MÀ PHẢI THỪA NHẬN VÀ XUA TAN NÓ BẰNG CHÁNH NIỆM VÀ HIỂU BIẾT



Cho nên nếu chúng ta để tâm lời Phật dạy, chúng ta có thể giữ bình tĩnh trước phiền não. Ở đây chúng ta phải nhấn mạnh là chúng ta không nói là chúng ta phải triệt bỏ phiền não bằng sức mạnh, lờ đi, hay phủ nhận sự tồn tại của nó. Không, đó là cách giải quyết không khéo léo.

Cách giải quyết của chúng ta là thừa nhận và quan sát trạng thái phiền não của tâm. Qua chánh niệm và suy ngẫm khôn ngoan, chúng ta có thể ngăn chặn phiền não và trở nên bình tĩnh. Chánh niệm và hiểu biết là con đường trung đạo và là con đường tốt nhất – nó cũng không liên quan đến việc triệt bỏ và cũng chẳng phải cho lối thoát chồ những cảm xúc tiêu cực và thiếu xây dựng. Chánh niệm là thừa nhận và quan sát, từ đó, hiểu biết, chấp nhận, hòa hợp và trí tuệ nẩy sinh. Chúng ta không thể phủ nhận hay triệt bỏ những cảm xúc. Chúng ta thừa nhận và quan sát chúng.

Trong sự thừa nhận và quan sát đó, chúng ta có thể đối phó tốt hơn với sự xáo trộn và xung đột có thể xẩy ra trong tâm chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng cách suy nghĩ khôn ngoan về tính chất của vô thường, khổ đau và vô ngã. Chúng ta có thể rút ra những bài học từ trí tuệ của người xưa và bằng cách đi đến thừa nhận phiền não của chúng ta. Nói một cách khác, trí tuệ có thể nẩy sinh. Chúng ta có thể hiểu và chấp nhận phiền não. Và phiền não sẽ không thể chi phối tâm của chúng ta hay áp đảo chúng ta. Ðây là ý mà chúng ta muốn nói khi chúng ta nói áp dụng cẩn thận chánh niệm dẫn đến sự hiểu biết và tự tại.

Bằng cách này chúng ta sẽ không than van. Chúng ta có thể quan sát xúc cảm của phiền não trong chúng ta, và nó có thể bị ngăn chặn khá tự nhiên, không cần chúng ta phải biểu lộ thái độ thô lỗ về việc đó. Sẽ có bình tĩnh, chấp nhận và hiểu biết. Cho dù chúng ta không kiềm chế nổi và phải khóc, chúng ta vẫn có thể hạn chế. Cuối cùng chúng ta có thể giành lại được sự kiềm chế và lắng dịu. Chánh niệm sẽ tới giúp chúng ta và giúp chúng ta hòa hợp với phiền não. Chúng ta sẽ hiểu sự thật của khổ đau, chân lý mà Ðức Phật và các đạo sư khôn ngoan khác đã dạy, và chúng ta có thể lại cười.

Trở lại với đề tài than khóc, chúng ta có thể thấy trong phạm vi trí tuệ và không-phiền não, việc mặc đồ tang chế là không cần thiết. Nó không có nghĩa là chúng ta không hiếu thảo, hay chúng ta thương yêu người thân ít hơn, nếu chúng ta không mặc đồ tang chế. Không, chúng ta vẫn hết sức kính trọng người thân nhưng chúng ta không thấy công đức gì khi phơi bày công khai và không cần thiết phiền não của chúng ta. Tôn kính và phiền não ở đây là vấn đề rất riêng tư. Chúng được cảm thấy trong tâm của chúng ta và không cần phải phô bày ra trước công chúng.

Thay vì nhấn mạnh những hình thức thương tiếc bề ngoài không cần thiết, lòng hiếu thảo phải kết hợp với những hành động hướng về người già khi họ còn sống. Những hành vi tự chúng sẽ nói lên. Quả là hết sức bất hạnh nếu một số người nghĩ rằng những nghi thức và nghi lễ cầu kỳ trong tang lễ và việc mặc quần áo tang chế sẽ bù đắp được cho những hành vi thương yêu và quan tâm không được bầy tỏ khi người chết còn sống.

Tuy nhiên, với sự đúng mức trong dịp trọng thể, có thể mặc quần áo "lễ nghi". Ta có thể chọn bộ đồ mầu sẫm, trắng hay một mầu thích hợp hơn trong tủ áo của mình. Như vậy đối với tâm tôi thế là đủ dù người chết, nếu đã là một người Phật tử vui vẻ và hiểu biết, có thể không muốn chúng ta mặc những quần áo "tang chế" mà vui mừng là đã sống một cuộc đời lương hảo và đã đi tới một tái sinh tốt đẹp hơn. Cho nên trước khi chết, người ta có thể yêu cầu không đi theo thói dị doan hay than khóc mà chỉ cầu một tang lễđơn giản. Người ta có thể ủy thác cho một người có trách nhiệm xem xét tất cả những ước nguyện của mình có được thi hành không. Người ta có thể viết trên giấy và ký trước sự hiện diện của nhân chứng để tất cả người liên quan đều biết và tuân theo lời ước nguyện của mình.

Bầu không khí chung trong nhà và suốt cả tang lễ phải là một bầu không khí thanh tịnh và hiểu biết. Những hoạt động không thích hợp như rượu chè, cờ bạc tuyệt đối không được phép. Tất cả phải là kính cẩn và cư xử bằng sự đúng mức thích đáng. Những đoạn có ý nghĩa trong Kinh Phật có thể thinh thoảng được đọc lên và được suy ngẫm bởi thân quyến trong gia đình và những người có mặt. Một người có thể đứng đầu trong sự suy nghĩ. Nếu tất cả những người liên quan đều có sự hiểu biết tốt về Phật Pháp, họ có thể ngăn chặn phiền não. Người nhiều cứng rắn hơn có thể an ủi người phiền muộn. Bằng cách ấy, sẽ có bầu không khí an lạc và hiểu biết trong toàn bộ nghi thức. Và những người có mặt cảm thấy quyết tâm và có động cơ hơn để phấn đấu hăng hái hơn trong việc tìm kiếm tinh thần, và sống với tình thương yêu và từ bi hơn.

Một khóa lễ cho người chết có thể được cử hành tại nhà. Những thân quyến lớn tuổi trong gia đình có thể hướng dẫn cuộc lễ, trong đó đời và những hành vi thiện của người chết được kể lại. Con cái nhắc lại lòng khả ái và tình thương to lớn của cha mẹ và quyết tâm sống một cuộc đời gương mẫu trong sự hồi tưởng của họ.

(Về phương diện này, cha mẹ đã để tâm đến thực tế là các hành vi vượt qua đời sống thể chất. Một đời sống lương thiện là một di sản tốt nhất để lại cho con cái. Một di sản vừa thôi thúc vừa để lại phẩm giá cho người thừa kế. Hương thơm của những hành vi và đời sống gương mẫu sẽ còn mãi sau khi cha mẹ đã ra đi)

Có thể mời một vị sư để hướng dẫn một thời Pháp thích đáng. Khóa thiền có thể tổ chức ở phòng lớn. Ðiều đó có thể là hành vi công đức và vừa là sự biểu hiện lòng tôn kính đối với người quá cố. Người quá cố, nếu là một thiền gia vững vàng, chắc chắn sẽ rất sung sướng nếu biết được mọi người ngồi chung quanh quan tài và thiền định. Nếu được tái sinh lên cõi trời, và có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra, và tôi chắc chắn người ấy sẽ rất thích thú. Chắc chắn tôi sẽ rất thích thú nếu tôi nhìn xuống và thấy mọi ngườiđang thiền chung quanh cái quan tài của tôi. Niềm vui của tôi sẽ bất tận. Và nếu có thể tôi sẽ xuống và vui vẻ ngồi thiền với mọi người, nhưng, đương nhiên, bạn phải thứ lỗi cho tôi: Tôi biết tôi đang thả lỏng trí tưởng tượng của mình.

Vào ngày thiêu, tất cả những công đức đã đạt được lại được chia sẻ. Một danh sách những tổ chức thiện nhận được tiền tặng cũng được đem ra đọc. Một khóa lễ có ý nghĩa có thể được cử hành tại nhà thiêu ngay trước khi quan tài được đưa vào lò thiêu. Những đoạn kinh có ý nghĩa từ các bộ kinh có thể được tụng. Những đoạn kinh này nói về cái vô thường của đời sống, cái chết không tránh được và sự cần thiết sống một cuộc đời lương thiện, hành thiền và phục vụ đồng loại. Việc này có thể giúp mở mang trí tuệ nhiều hơn nếu khóa lễ này được đặc biệt biên soạn và được đọc lên vào dịp này. Nếu một vị sư hướng dẫn toàn bộ khóa lễ thì rất tốt nhưng nếu không thể được thì một người lớn trong gia đình, thân quyến hay bạn bè có thể đúng ra.

Sau khi thiêu xong, chúng ta phải làm gì với tro cốt? Ở xứ Phật Giáo Miến Ðiện, tôi được biết thường thường xác thiêu thành tro để lại tại nhà thiêu. Thân nhân không thu thập tro vì tin rằng người quá cố ngay sau khi chết đã có cuộc tái sinh mới, và xác thânđể lại chỉ là một cái vỏ rỗng. Tuy nhiên thói quen của người Trung Hoa tại Mã Lai lại giữ tro cốt để ở chùa hay ở những nơi giữ tro cốt với chi phí đáng kể. Cảm nghĩ riêng của tôi là không có mục đích nào để giữ tro cốt vì nó không phục vụ cho nhiều mục tiêu, không cần thiết phải dâng cúng hay cử hành một khóa lễ nào trước tro cốt. Vì, như chúng ta biết về Pháp, tro cốt chỉ là những thành phần của vật vô tri trong khi thức đã đi vào một tái sinh mới, một xác thân mới trong một kiếp sống mới nào đó. Cho nên tôi nhất trí với cách để lại tro cốt của người Phật Tử Miến Ðiện. Nếu chúng ta muốn tưởng nhớ và tôn kính người quá cố, chúng ta nên sống một cuộc đời lương hảo và làm những hành vi thiện để tưởng nhớ. Vào ngày giỗ người quá cố, chúng ta có thể cúng dường (thực phẩm và tặng phẩm) tại chùa hay quyên góp cho những cơ sở từ thiện.

Tất cả những đề xuất về phương diện tang lễ mà tôi đã trình bày trên đây, có ý nghĩa và đáng chú ý hơn những lề thói hiện nay. Nhưng đương nhiên điều đó là tùy độc giả quyết định cho chính mình. Ðây chỉ là cảm nghĩ của tôi, cách tôi nhìn vào điều đó. Tôi hiểu rằng nhiều người cảm nghĩ khác hẳn. Họ có thể không đồng ý với tôi, và họ có quyền làm như vậy. Vì tôi bao giờ cũng có niềm tin dứt khoát là không ai có thể áp đặt quan điểm của mình lên trên một quan điểm của người khác. Chúng ta tất cả đều có tâm riêng của chúng ta và phải được phép suy nghĩ và quyết định cho chính chúng ta.

Cho nên tôi xin nói rõ ràng nơi đây tôi không áp đặt quan điểm của tôi lên bất cứ ai. Thay vì tôi chỉ là bầy tỏ và chia sẻ chúng. Và tôi xin để cho mỗi người tự quyết định cho chính mình điều mình muốn tin tưởng và theo. Mỗi người phải cảm thấy tự do làm điều mà mình nghĩ rằng thích hợp. Hơn nữa, quyết định một tang lễ sau khi có người chết, phải có sự bàn thảo và đồng thuận giữa những người trong gia đình. Cho nên tốt nhất là trước khi chết hãy làm cho rõ ràng loại tang lễ mà mình muốn. Và việc này nên làm bằng cách viết ra, ký tên và có nhân chứng. Sẽ không có ý kiến phản đối sau khi người ấy chết. Thân nhân gia đình nên tôn trọng và làm theo những ước muốn của người ấy.

Ðương nhiên, những đề xuất của tôi không toàn diện. Chúng không bao gồm tất cả những chi tiết và khía cạnh của một tang lễ. Chúng chỉ là một khuôn khổ thô sơ, chỉ là một món ăn nào đó cho tư tưởng. Có thể có những biến thể khác. Cho nên nó sẽ rất tốt nếu một nhóm Phật tử có cùng tâm ý và được tôn trọng ngồi bàn với nhau để hình thành một tang lễ Phật Giáo đơn giản bao gồm tất cả các khía cạnh và chi tiết, và trả lời tất cả những câu hỏi có thể nảy sinh. Trước tiên là những điều cần được xem xét là những lề thói hiện tại. Chúng như thế nào? Chúng có ý nghĩa gì? Chúng ta có biết và hiểu những gì chúng ta đang làm không? Tại sao chúng ta thực hành chúng? Chúng có ý nghĩa không? Chúng có phù hợp với Phật Pháp không? Hay chúng là những lề thói dị đoan hay những thói quen không thể hòa hợp với sự hiểu biết của chúng ta về Pháp đã được thuyết giảng bởi Ðức Phật.

Từ những gì tôi có thể nhìn thấy nhiều thói quen trong một gia đình Trung Hoa tự nhận là có lối sống Phật Giáo về đời sống, không thể hòa hợp với Pháp. Dường như nhiều người chỉ làm theo những nghi thức tang lễ mà không có ý niệm chúng là gì. Họ chỉ làm theo những chỉ dẫn mà không hỏi han hay hiểu biết. Vào lúc tang lễ, họ quả thật rất bối rối và quẫn trí. Họ chỉ bàn theo nhữngđiều được bảo vì đó là truyền thống và họ không thể đi ngược lại mà không bị chê trách và bị kết tội là bất hiếu vân vân... Cho nên sự tham gia thực sự vô nghĩa. Ðối với tôi, tất cả dường như khá cảm động. Vô minh và cam chịu trước bất cứ điều gì được thực hiện dường như là chương trình làm việc.

Cho nên một nhóm Phật tử đáng kính nhìn vào tất cả những lề thói này có thể đi đến một sự lựa chọn có ý nghĩa phù hợp với Phật Pháp. Chi tiết về tang lễ được đề xuất với nhiều lựa chọn khác nhau sẽ được soạn thảo sau khi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu tình hình địa phương. Một cuốn sách toàn diện cung cấp tất cả những lựa chọn về tang lễ khác nhau và những thông tin cần thiết có thể được biên soạn và phổ biến. Một đề án như thế sẽ là một sự phục vụ lớn lao cho Cộng Ðồng Phật Giáo thường bị bối rối không biết cái gì cấu thành một tang lễ Phật Giáo thích hợp.

VỀ PHẦN TÔI



Ðối với tang lễ của chính tôi, tôi đã đưa ra ý nghĩ thích hợp về cách tôi muốn thân xác tôi được xử lý ra sao sau khi chết. Thân xác thực sự không là gì khác hơn một cái xác sau khi chết. Nó sẽ trở về với đất. Cho nên tôi muốn làm một hành vi thiện cuối cùng có nghĩa là tặng xác cho bệnh viện. Bác sĩ có thể lấy giác mạc ở mắt tôi và trao tặng phẩm tuyệt vời này cho một người mù. Hãy tưởng tượng đến sự vui mừng như thế nào khi người mù có thể nhìn lại được, và tặng phẩm sẽ quí giá đến nhường nào với người ấy. Và hãy tưởng tượng tôi cũng sung sướng đến thế nào khi biết đã tặng cho người ấy tặng phẩm về thị lực. Tặng phẩm này không có sư hy sinh gì về phần tôi cả, vì thân xác không còn sử dụng được gì sau khi chết. Cho nên tôi có thể làm hành vi thiện cuối cùng trước khi thân bị tan rã.

Nếu có thể, bác sĩ lấy tim, thận, phổi, gan và bất cứ cơ quan nào có thể dùng được sau cái chết của tôi, đem ghép cho người khác. Và bất cứ gì còn lại có thể đem lợi ích cho những sinh viên y khoa trong việc nghiên cứu của họ. Họ có thể thực hành mổ xẻ xác tôi. Cuối cùng, họ có thể tùy nghi xử lý những gì còn lại của thân tôi như họ muốn. Có thể phần còn lại làm phân bón cho đất và cây cối lớn cho bóng mát và hoa đẹp. Và cũng bằng cách này, không ai cần phải lo lắng cho tôi về cái gọi là tang lễ thích hợp. Mỗi người đều có thể để lại xác cho bệnh viện để tùy nghi xử lý những gì mà họ nghĩ là thích hợp. Việc này sẽ làm cho mọi người dễ dàng hơn. Nói cho đúng, nó sẽ làm cho mình nhẹ nhõm. Không ai còn bị bị phiền phức về chuyện của tôi.

Và nếu có người nói về một tang lễ thích hợp cho tôi và việc bầy tỏ lòng tôn kính cuối cùng, tôi sẽ nói: Xin đừng bận tâm về việc đó. Tang lễ không dành với tôi. Nhưng nếu bạn thực tâm nhớ đến tôi, xin bạn hãy làm điều thiện. Hãy làm bất cứ điều thiện nào bạn thích để tưởng nhớ đến tôi. Hãy sống một cuộc đời lương hảo. Hãy quan tâm và chia sẻ. Hãy tha thứ và thương yêu. Hãy rộng lượng và mở rộng con tim. Hãy tử tế và lịch sự. Ðó là tất cả những gì tôi yêu cầu. Ðiều đó sẽ làm cho tôi rất hạnh phúc – biết rằng tôi đã có thể truyền bá thông điệp tốt nào đó và đã có ảnh hưởng tốt nào đó.



Này các tỳ kheo, một tỳ kheo
phải đối diện cái chết của mình bằng
chánh niệm và thấu triệt rõ ràng.
Ðó là huấn thị của ta cho các ngươi.


Ðức Phật

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]