Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Như-Lai thọ lượng (La durée de la vie du Tatthâgata

06/05/201313:13(Xem: 14717)
16. Như-Lai thọ lượng (La durée de la vie du Tatthâgata

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển V

16. Như-Lai thọ lượng (La durée de la vie du Tatthâgata

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Bấy giờ đức Phật Thích-Ca bảo các Bồ-tát và đại-chúng: “Các ngươi hãy nên tin lời thành thật của Như-Lai!”. Nói xong, Phật lập lại hai lần câu này.
Đứng đầu các Bồ-tát và đại-chúng, Bồ-tát Di-Lặc chắp tay ba phen bạch Phật: Thế-Tôn, xin cứ nói, chúng con sẽ tin lãnh lời Phật”.
Thấy hàng Bồ-tát đã ba phen cầu thỉnh, đức Phật bèn nói: “Hãy nghe đúng như sự thật, sức mạnh thần thông bí mật của Như-Lai. - Tất cả thế-gian, trời, người cùng A-tu-la đều nói rằng Phật Thích-Ca, rời cung họ Thích, đến thành Già-da (Gaya) cách đó không xa, ngồi nơi đạo tràng, chứng quả A-nậu đa-la tam-miệu tam-bồ-đề. Nhưng này các thiện-nam-tử, ta muôn ức na-do-tha kiếp đã trôi qua. Giả sử có người đem năm trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế-giới, tán nhỏ thành bụi, rồi đem một hạt bụi ấy đặt nơi hướng đông, sau khi vượt qua năm trăm ngàn vạn ức na-do-tha a-tăng-kỳ nước. Đặt xong, trở lại lấy một hạt khác và cũng đem đặt ở hướng đông như lần trước, cho đến khi nào số bụi nói trên bị dời đi hết. Này các thiện-nam-tử, ý các ngươi thế nào? Có thể tưởng tượng, đếm, tính, số thế-giới trên đó các hạt bụi được đặt lên không?”.
Bồ-tát Di-Lặc và tất cả đều bạch: “Thế-Tôn, các thế-giới ấy vô lượng vô biên, làm sao đếm, tính cho được, cũng không thể dùng sức tâm mà tưởng tượng được.Tất cả hàng Thanh-văn, Duyên-giác, đến bậc “vô-lậu” (A-la-hán) còn không thể suy tưởng được con số thế-giới ấy, huống chi chúng con mới là “a-duy-bạt-trí([7]) thì làm sao biết được.
Đức Phật nói: “Này các thiện-nam-tử, ta sẽ nói rạch ròi cho các ngươi nghe. Cứ kể mỗi hạt bụi là một kiếp, thì từ ta thành Phật đến nay, số kiếp trôi qua còn nhiều hơn số trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ hạt bụi ấy. Từ ấy tới nay, ta luôn ở tại thế-giới Ta-bà thuyết pháp, giáo hoá, lại cũng ở nơi khác tại trăm ngàn muôn ức na-do-tha nước, dắt dẫn chúng-sanh một cách ích-lợi. Này các thiện-nam-tử, trong khoảng thời gian đó, ta nói có Phật Nhiên-Đăng …v.v.. , và cũng nói có chư Phật nhập Niết-bàn, nhưng tất cả đều là phương tiện mà phân biệt (nói có thành Phật, có nhập Niết-bàn). Này các thiện-nam-tử, nếu có chúng-sanh nào đến chỗ ta ở, ta lấy Phật nhãn xem coi các căn của chúng-sanh ấy nhụt, bén thế nào, rồi theo đó mà độ. Mỗi nơi, ta tự xưng với những danh hiệu bất đồng và cho biết tuổi tác lớn nhỏ cũng khác nhau, lại nói sẽ nhập Niết-bàn và còn dùng nhiều phương tiện khác để nói bày Pháp vi diệu, hầu làm cho chúng-sanh phát tâm hoan hỷ,…- Này các thiện-nam-tử, vì thấy chúng-sanh thích nơi “tiểu pháp”, đức mỏng, bẩn trọng, cho nên Như-Lai phải vì hạng ấy mà nói rằng ta lúc trẻ xuất gia, rồi đặng Vô-lượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Thãt ra, từ ta thành Phật đến nay, lâu hơn thời-gian ấy nhiều. Đây chẳng qua là phương tiện mà nói như vậy thôi, để giáo hoá chúng-sanh và khiến họ nhập Phật-đạo. Này các thiện-nam-tử, kinh điển của Như-Lai nói ra, đều nhắm chỗ độ thoát chúng-sanh, nhưng khi nói về thân mình, khi nói về thân người khác, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người khác, nhưng dầu trong trường hợp nào, tất cả lời của Như-Lai đều chân thực chẳng dối. Tại sao vậy? Vì đúng như thật, Như-Lai thấy tướng của ba cõi không có sanh tử, không lui, không xuất, không ở đời mà cũng không diệt độ, chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải như vậy, cũng chẳng phải khác, ba cõi chẳng phải như vậy mà lại thấy có ba cõi([8]). Các việc như thế, Như-Lai thấy rõ, không bao giờ có sự sai lầm. Nhưng vì chúng-sanh tánh tánh khác nhau, ý muốn khác nhau, tưởng nhớ khác nhau, cho nên phải dùng nhân-duyên, thì-dụ, lời nói khác nhau để thuyết pháp, khiến họ sanh căn lành, Những việc của Phật làm (Phật sự) chưa từng dừng bỏ. Như vậy, từ ta thành Phật tới nay, thật rất lâu xa, còn thọ mạng thì dài vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, và luôn luôn trú trong bất-diệt. Này các thiện-nam-tử, những hành-vi theo đạo Bồ-tát của ta đến nay chưa phải là hết đâu, vì vậy thọ mạng của ta còn dài gấp mấy lần con số nói trên. Tuy nhiên, dầu chưa thực diệt độ, ta vẫn nói là sẽ diệt độ, để làm phương tiện giáo hoá chúng-sanh. Sao vậy? Vì nếu Phật ở lâu tại thế thì hạng người đức mỏng không chịu trồng căn lành, cứ giữ mãi thói bần cùng hạ tiện, tham đắm năm món dục lạc (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ). Đã mắc vào lưới nhớ tưởng vọng kiến mà nếu thấy Như-Lai ở đây mãi mãi không diệt-độ, thì làm sao không sanh kiêu mạn, phóng tâm, bỏ phế và dải đãi, và như vậy thì không tưởng đến và cũng không sanh lòng cung kính Phật như một bậc khó gặp.
“Này các Tỳ-khưu, nên biết chư Phật xuất thế là điều khó gặp. Vì sao? Những người đức mỏng trải qua vô lượng trăm ngàn ức kiếp, có khi gặp Phật mà có khi cũng không gặp. Vì vậy cho nên ta nói Như-Lai khó thấy. Nghe lời nói này, chúng-sanh tất nghĩ đến lẽ ngàn năm một thuở mà sanh lòng luyến mộ, khao khát mà trồng căn lành. Bởi cớ, tuy không thực diệt độ, mà vẫn nói là diệt độ. Lại nữa, này thiện-nam-tử, Pháp của chư Phật Như-Lai cũng vậy, đều chân thực, không hư dối, và chỉ có một mục đích là đưa dắt chúng-sanh. Thí dụ có một ông thầy thuốc giỏi, trí-huệ sáng suốt, phương dược khéo luyện, bệnh nào cũng trị hết, nhà con cái rất đông. Gặp lúc ông có việc phải đi ra nước ngoài, các con ở nhà uống phải thuốc độc, cơn điên nổi lên, té nằm dưới đất. Ngay lúc đó, ông cha về đến nhà. Các con của ông, có đứa mất tâm (thất bổn tâm),có đứa còn tâm (bất thất bổn tâm), nhưng khi xa thấy cha về, tất cả đều vui mừng, quì lạy chào hỏi và thưa vì ngu si nên uống phải độc dược, xin cha cứu tử. Cha thấy con khổ não như vậy, bèn theo các phương đã kinh nghiệm mà chế thuốc, màu sắc hương vị đều tốt đẹp và bảo các con uống; “Đây là lương dược, mùi ngon sắc đẹp, các con hãy uống đi thì sẽ mau trừ khổ não và bao nhiêu khổ hoạn sẽ không tái phục”. Những đứa không mất tâm nghe xong liền uống và được hết bệnh. Còn những đứa mất tâm, tuy thấy cha cũng vui mừng, cầu xin chữa bệnh, nhưng thuốc thì không chịu uống. Vì sao? Vì bị độc thấm sâu, đã mất tâm trí rồi, cho nên thuốc ngon sắc đẹp, lại cho là không ngon không đẹp. Ông cha thấy vậy mới suy nghĩ: Những đứa này mới đáng thương, thấy cha vui mừng cầu cứu, nhưng khi cho thuốc lại không chịu uống. Ấy cũng vì bị chất độc cho nên tâm trí đều điên đảo, vậy phải dùng chước mới được. Nghĩ xong, ông mới nói rằng: Cha nay già yếu, sắp chết nay mai, có mấy món thuốc hay để lại, các con nên giữ mà dùng, khỏi sợ lầm thuốc dở. Nói rồi ông bỏ nhà ra đi qua nước khác và cho người về báo tin ông đã chết. Hay tin dữ, các con thất tâm của ông mới nghĩ, cha lành đã chết thì nay còn ai đâu mà cứu hộ cho mình! Vì thường nhớ thương như thế, tâm bèn tỉnh ngộ, biết thuốc của cha để lại là hay, liền lấy ra dùng, bao nhiêu độc bệnh đều lành hết. Nghe tin này, ông cha trở về xứ cho con thấy mặt.
“Này thiện-nam-tử, các ngươi nghĩ thế nào? Nói dối như ông lương-y kia, có phải là một tội không?”.
“Bạch Thế-Tôn, không”.
Đức Phật nói: “Ta cũng thế. Từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, nhưng vì muốn cứu độ chúng-sanh, cho nên phương tiện mà nói là sẽ diệt độ. Như vậy, đối với sự thật, cũng không thể nói rằng ta đã phạm tội nói sai nói dối”.
*
* *

Huyền nghĩa

Để giải thích cái nghi-vấn “cha trẻ con già”, Phật cho biết hạn lượng của đời sống Như-Lai.
Thế-gian thấy có Thái-tử sanh ra, lớn lên bỏ nhà đi tu thành Phật, và thành Phật rồi mới bắt đầu thuyết pháp độ đời. Vậy Phật có một đời sống có thỉ, và cuộc đời ấy sẽ có chung, và Phật cho hay sẽ diệt độ.
Đó là một sự thật, nhưng là một sự thật trong tương đối (verité relative), trong thế-giới hữu hình và hiện tượng (phénoménal), của thể-xác đức Phật Thích-Ca.
Còn trong ý đức Thích-Ca, chữ Phật hay Như-Lai đề cập ở đây, không chỉ cái thể-xác mà chỉ cái gì ở trong thể-xác ấy. Trong văn-chương ta có câu:
“Chết là thể xác, còn là tinh hoa”
Còn là không chết, mà không chết thì cũng không có sanh. Vậy cái tinh-hoa nói ở đây ám chỉ cái mà Phật-pháp gọi là Tâm, hay Phật, hay Như-Lai.
Vậy nếu trong câu: “Ta từ thành Phật đến nay, vô lượng vô biên kiềp đã trôi qua, chúng ta thay hai chữ “Ta” và “Phật” bằng chữ “Tâm”, chúng ta sẽ có câu: “Tâm từ thành Tâm đến nay…” Nhưng từ Tâm mà thành Tâm thì câu nói ấy chỉ có nghĩa: Từ Tâm là Tâm (depuis que Tâm est Tâm…).
Tâm có từ bao giờ? Tâm là bản-thể bất sanh của vũ trụ, mà hể bất sanh thì đâu có bắt đầu (thỉ), vì vậy mà nói là vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ kiếp, với nghĩa “một thời gian vô cùng vô cực” (temps infini).
Nếu đã là không sanh thì Tâm cũng không diệt.
Kinh điển bảo Phật đã nhập Niết-bàn tại ừng Ta-la. Chính đức Phật cũng có nói: Ta sắp nhập Niết-bàn, các đệ-tử có thắc mắc điều gì thì nên hỏi, để sau khỏi hối tiếc.
Trên thực-tế của thế-gian, nhập Niết-bàn chỉ có nghĩa là chết. Nhưng chết cũng là thể-xác mà thôi, còn tinh-hoa thì thường-tại luôn luôn, và tinh-hoa ấy mới thật là Phật, chớ xác kia nào phải là Phật!
Để cho dễ hiểu, xin lấy một thí-dụ.
Trên trời, chỉ có một vừng thái-dương nhưng khi ánh-sáng rọi xuống mặt đất và lóng-lánh trong mỗi hạt sương trên ngọn cỏ, thì nhấp-nhô không biết bao nhiêu là mặt trời.
Tâm bản-thể của vũ-trụ muôn loài là vừng thái-dương: tâm ở mỗi chúng-sanh là những lóng lánh ở mỗi hạt sương. Những lóng-lánh này có đầy đủ công năng, đức-tướng của vừng thái-dương kia, vì vậy Kinh nói: Tâm, Phật, chúng-sanh, tuy ba mà không sai biệt (khác nhau).
Nói một chúng-sanh nào đó đã thành Phật, là nói Tâm ở chúng-sanh ấy đã trở về với cái bản-lai thanh-tịnh của nó, mà như thế là y như Tâm vũ-trụ, bất diệt, thường tại vô lượng vô biên kiếp, Tâm ấy là cái mà Triết-học gọi là cái Vô-cùng (l'Infini).
Chúng-sanh mà thành Phật được, là nhờ nhận thức chân tâm của mình và xếp đặt nếp sống của mình (tu) theo chiều hướng của chân-tâm thúc đẩy. Đi theo chiều hướng đó là được tâm soi sáng (Kinh gọi là Phật giáo hoá), là đi trên con đường Phật (Phật đạo).
Mà chúng-sanh nào không đi từ tối ra sáng, không rút kinh nghiệm để biến dở thành hay. Đó là sự nhận xét của “tiểu-pháp”, còn đúng theo sự thật và “đại-pháp”, thì con người nguyên là sáng nhưng lại dại khờ bỏ sáng theo tối, nay chỉ có trở lại với nguồn sáng sẳn có là thành tựu. Sự giáo-hoá hay thức tỉnh ấy, ai cũng hưởng được và chính tự tâm hay ông Phật của mình ban cho mình, mà tâm mình thì vô thỉ vô chung, thì trên sự thật mình được giáo hoá không biết từ đời nào, chớ không phải chỉ từ khi có đức Phật Thích-Ca ra đời.
Vậy cha không trẻ mà rất già, già với một số tuổi không tính đếm được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]