Bát Nhã Ba La Mật Kinh
Phụ Lục
Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông
BÁT NHÃ BA LA MẬT,
MỘT TRONG NHỮNG HỆ TƯ TƯỞNG
GIÁO LÝ CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Bài tham luận của Hòa Thượng Thích Từ Thông đọc trong cuộc Hội thảo tại Viện Khoa Học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh do Viện Triết học Trung ương tổ chức.
Qua đề tài này, tôi xin lần lượt nêu lên những điểm gợi ý như sau:
I. SỰ HIỆN DIỆN LÂU ĐỜI CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRÊN ĐẤT NƯỚC
Phật giáo Việt Nam, đối với dân tộc, nó có một quá trình gắn bó lâu dài. Giai đoạn nổi nét nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam là những thời đại dân tộc quật cường, đứng lên giành độc lập, đòi chủ quyền đất nước qua những triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, phong kiến thời xưa. Điều đó, người Việt chắc không ai phủ nhận. Còn sự đóng góp của Phật giáo nhiều hay ít, tiêu cực hay tích cực đối với dân tộc Việt Nam thì khó mà phê phán và đánh giá trong một vài tiếng đồng hồ, trên năm mười trang giấy. Nhận xét và đánh giá về mặt tư tưởng và triết lý lại khó hơn nhiều.
Phật học có từ tam tạng. Có nghĩa là kinh điển Phật giáo nhiều lắm. Có thể trữ nó bằng kho, vì nó có cả tạng kinh, tạng luật và tạng luận. Cho nên muốn nhận xét, phê phán, và đánh giá tư tưởng về triết lý Đạo Phật, theo tôi nghĩ, không thể xem một vài bộ kinh, đôi ba quyển luận nào đó, mà đánh giá toàn bộ giáo lý Phật.
Bằng vào giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa, Nguyên thủy hay không nguyên thủy, càng tỏ ra thiển cận hẹp hòi, không thể phê phán trúng đạo Phật.
Lần ra giảng cho Tăng Ni trường Phật học Cao cấp ở chùa Quán Sứ thủ đô Hà Nội, tôi rất tâm đắc ý nghĩa hai câu đối này:
"LÃM NGŨ THỜI BÁT GIÁO, KỶ CƯƠNG KINH LUẬT LUẬN CHƠN TAM MUỘI HẢI"
"CHIẾU THẤT ĐẠI TỨ KHOA, KHAI HỢP VĂN TƯ TU ĐỆ NHẤT NGHĨA THIÊN"
Muốn nhận thức Phật học toàn diện, tôi xin thưa: phải học cách tư duy đó rồi sau mới phê phán. Nếu không, tôi xin thưa: chúng ta sẽ bị sai lầm về Phật giáo theo kiểu của một anh chàng: cho con voi như cái quạt mo.
Cũng là một điều kiện tiên quyết, muốn hiểu giáo lý Phật, phải hiểu Phật chỉ là một Y Vương, là bậc Pháp Vương vô thượng như các đệ tử Ngài thường tôn xưng qua danh hiệu đó. Kinh Kim Cang Bát Nhã Phật bảo: "Như Lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp, phi phi pháp. Sở dĩ giả hà? Nhất thiết thánh hiền giai dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt".
Rằng Như Lai thuyết pháp đều không được cố chấp bảo thủ. Cũng không nên vội cho pháp này là đúng, pháp kia không đúng. Vì saovậy?
_ Vì Phật nói một pháp thôi, mà kẻ chứng Thánh, có người chỉ đến bậc Hiền.
II. VẤN ĐỀ ĐẠI THỪA, TIỂU THỪA QUA LĂNG KÍNH BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.
Trong kinh điển Phật, có đề cập về Đại thừa và Tiểu thừa. Thừa có nghĩa là chuyên chở, vận tải, ví như sự vận tải chuyên chở của một chiếc xe. Sức chở nhiều người là Đại thừa. Chở ít gọi Tiểu thừa. Nghiêng về tự lợi ví như xe nhỏ. Tích cực vị tha ví như Đại thừa. Về mặt tư duy cũng thế. Tiếp thu có mức độ hạn hẹp, ví như xe nhỏ. Tiếp thu giáo lý thâm diệu cao siêu ví như xe lớn. Nhưng cả hai khuynh hướng, hai trình độ cũng là đệ tử Phật, là giáo lý của Phật mà thôi.
Người nghiên cứu tu học hệ giáo lý Đại thừa, chê bai công kích hệ giáo lý Tiểu thừa là người chưa hiểu gì về đạo Phật. Ngược lại, người nghiên cứu tu học hệ giáo lý Tiểu thừa, chê bai công kích hệ tư tưởng Đại thừa cũng là người chưa hiểu gì về đạo Phật. Bảo rằng giáo lý này mới là nguyên thủy, giáo lý kia vì Đại thừa nên không là nguyên thủy càng si mê thiển cận đến độ tham lam.
"Như Lai đản dĩ nhất Phật thừa cố, vị chúng sanh thuyết pháp, vô hữu dư thừa nhược nhị nhược tam"..
Như Lai trước sau như một, chỉ lấy pháp nhất thừa vì chúng sanh thuyết pháp, ngoài ra không có thừa nào khác để gọi là tam hay nhị.
Sử dụng Bát Nhã Ba La Mật, tất cả quả vị CHỨNG ĐẮC từ thấp tới cao đều là thứ danh ngôn ước định. Tam thừa, nhị thừa là "HÓA THÀNH", là phương tiện của một đạo sư.
III. THẾ GIỚI QUAN CỦA PHẬT GIÁO QUA GIÁO LÝ BÁT NHÃ BA LA MẬT
Thế giới quan của một nền triết học là vấn đề rất lớn. Nó là then chốt của nền triết học đó. Sự thọ yểu của nền triết học đó tùy thuộc vấn đề thế giới nhân sinh quan của triết học đó hữu lý hay không, có được đông đảo quần chúng tiến bộ trên thế giới chấp nhận hoan nghênh hay không.
Ngày xưa, khi còn tại thế, đức Phật có kể câu chuyện về những người mù rờ voi. Chỉ một con voi thôi mà mỗi người diễn tả hình dạng con voi không ai giống ai hết. Rồi họ bực tức đến nỗi đấu đá nhau, làm cho những người sáng mắt chứng kiến một trận cười lý thú.
Theo sự hiểu biết của tôi, khi sinh thời, Phật thường không đề cập vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan với các đệ tử mình. Nói cách khác, không đề cập vấn đề triết học, vì chưa cần thiết đặt vấn đề nghiên cứu trong giai đoạn ấy. Vả lại các ngoại đạo: Bà La Môn, số luận v.v..họ đã đưa ra thế giới quan theo kiến giải của họ. Kết quả, đưa những người theo họ tôn thờ Thần Ngã, Phạm Thiên....mọi người trí đều cho là vô lý. Thế giới quan đưa ra, nhưng người nghe không có khả năng biện chứng trước khi tiếp thu về triết lý đó, thì có nói thế này thế nọ cũng bằng thừa, chẳng khác nào đưa cho những người bệnh hoạn thèm cơm, từ thứ trái độc này sang thứ trái độc khác.
Đức Phật dù không nói thế giới quan, không đề cập đến vấn đề triết học, nhưng khi hướng dẫn phương pháp diệt khổ cho đệ tử mình, Phật nói:
.."Thế gian vô thường
"Quốc độ nguy thúy
"Tứ đại khổ không
"Ngũ ấm vô ngã...
Có nghĩa là: Các ông, đệ tử Phật phải học về sự thật của cuộc đời. Rằng thế giới là một sự thật, nó tồn tại khách quan. Nhưng nó luôn luôn ở trong quá trình vận động sanh diệt, diệt sanh không bao giờ đứng yên cố định.
Con người cũng là một hiện hữu, kết hợp bởi ngũ uẩn tứ đại hình thành. Trong một thể thống nhất của con người, luôn luôn chuyển hóa, từ thể chất đến tư duy, không có cái gọi là "bản ngã" đứng yên bất động.
Qua ý kinh ngắn ngủi đó, nếu phải dùng từ "thế giới quan" ta có thể nói: Thế giới quan của Phật giáo là VŨ TRỤ VẠN HỮU ĐỀU LÀ PHÁP NHÂN DUYÊN SANH KHỞI. Nền triết lý đó được biểu hiện qua giáo lý: VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ của thế giới và của con người.
IV. PHẬT GIÁO LÀ DUY VẬT QUA CÁI NHÌN BÁT NHÃ BA LA MẬT
Tôi xin đơn cử một thí dụ nhỏ nhoi. Dù nhỏ nhoi nhưng là giáo lý cơ bản của Phật giáo.
Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật Phật nói:
....NGŨ UẨN GIAI KHÔNG"...
Dưới mắt người Phật giáo có học Phật, người ta có thể cho Đức Phật là nhà triết học duy vật ở thời đại 25 thế kỷ trước. Bởi vì trong bốn chữ NGŨ UẨN GIAI KHÔNG: ta thấy Đức Phật dạy cho các đệ tử:
1. Một hiện tượng vật thể nào ra đời cũng từ một hiện tượng hoặc nhiều hiện tượng khác kết hợp mà thành.
2. Mọi sự vật hiện tượng đều tồn tại khách quan. Mọi sự vật hiện tượng luôn luôn trong quá trình vận động không ngừng. Sự vật này diệt đi, sanh lại sự vật khác, không có cùng tận.
3. Phủ định NGŨ UẨN GIAI KHÔNG, có nghĩa là đánh đổ 3 lần rưỡi về tâm vương, tâm sở ở phía gọi là TÂM. Về vật chất chỉ phủ định có một lần rưỡi thôi
Thế thì dựa vào đâu mà người ta bảo đức Phật chủ trương DUY TÂM? Tại sao không nói Phật là nhà DUY VẬT hai mươi lăm thế kỷ trước?
Đành rằng trong kinh điển Phật rõ ràng có nói:
"NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO"
Nhưng không phải vì vậy mà ai muốn phê phán chê trách kiểu nào cũng được. Cái chữ TÂM trong Phật giáo có:
- Nhục đoàn tâm
- Duyên lự tâm
-Chơn tâm
- Vọng tâm
- Tích tập tâm
- Tập khởi tâm
- Tích tụ tinh yếu tâm
- Tâm vương
- Tâm sở
DUY TÂM là thứ triết lý siêu hình. Mà siêu hình đồng nghĩa với hoang đường, viễn vông, không tư, hư tưởng. Những người Phật giáo có học giáo lý Phật, chúng tôi rất đồng ý về sự phê phán đó.
Nhưng nếu ai đó, bảo rằng giáo lý đạo Phật là duy tâm siêu hình, thì xin lựa dùm trong các thứ TÂM vừa nêu, Phật giáo DUY thứ TÂM nào? Và giải thích vì sao nó đáng chê trách?
...."Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm thị danh vi tâm. Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc".
Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật đã phủ nhận cái tâm như thế đấy, mà bảo Đạo Phật DUY TÂM, vậy Phật đã DUY thứ TÂM nào?
V. ĐẠO PHẬT LÀ VÔ THẦN VỚI NHẬN THỨC BÁT NHÃ BA LA MẬT
Vì rằng vũ trụ quan của Phật giáo là TỨ ĐẠI DUYÊN SINH, Y THA KHỞI TÁNH.
Vì rằng nhân sinh quan của Phật giáo là NGŨ UẨN HỢP THÀNH
Con người tự định đoạt số phận của mình qua giáo lý NHÂN QUẢ LUÂN HỒI, trong kinh điển Phật
....."Kim sanh tiệm tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân"...
Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật: Quả VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC không phải địa vị dành riêng cho một Như Lai, hà huống có địa vị của một đấng "Thần linh" nào xen vào việc nội bộ của con người Phật giáo?
Tất cả giai vị, thấp nhất là Tu đà hoàn...cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật, đều không được xem là quả vị CHỨNG ĐẮC. Không một ai có quyền làm cái việc ban phúc giáng họa cho ai.
- "Tu Đà Hoàn danh vị nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc thanh hương vị xúc pháp thị danh Tu Đà Hòan"....
VI. ĐẠO PHẬT KHÔNG LÀ TÔN GIÁO
Vì Phật giáo không bao giờ chấp nhận quyền lực của bất cứ một "đấng Thần linh" nào.
Đệ tử Phật cũng không phải là loại: TÍN NGƯỠNG. Vì TÍN NGƯỠNG là thứ đức tin dành cho những người có tôn giáo. Tôn giáo và tín ngưỡng như bóng với hình.
Đức tin của những người Phật giáo không phải loại TÍN NGƯỠNG như người ta thường hiểu sai về nó. Đức tin của người Phật giáo phải được gạn lọc và tôi luyện sáu mặt vững chãi như sau:
TÍN TỰ
TÍN THA
TÍN NHÂN
TÍN QUẢ
TÍN SỰ
TÍN LÝ
Đủ sáu yếu tố đó, được gọi là người Phật tử, người có CHÁNH TÍN. Theo cái nhìn của người Phật giáo có học Phật, cái từ TÍN NGƯỠNG đồng nghĩa với MÊ TÍN rồi!
Vậy Đạo Phật phải chăng là triết học?
Theo định nghĩa ở tự điển Đào Duy Anh: Triết học là thứ học vấn nghiên cứu về nguyên lý vũ trụ và nhân sinh.
Theo định nghĩa của triết học MÁC LENIN do Ban Tuyên huấn Trung ương, xuất bản ở Hà Nội: Triết học là hệ thống những quan điểm và quan niệm chung của con người về thế giới là thế giới quan của một giai cấp hay một lực lượng xã hội nhất định.
Qua hai định nghĩa trên, ta thấy về cơ bản có giống nhau ở điểm: cùng nghiên cứu vũ trụ nhân sinh, để hệ thống những quan điểm và quan niệm chung của con người và vũ trụ.
Nhưng định nghĩa của Triết học Mác Lenin thì rõ ràng cụ thể hơn nhiều. Ngay trong định nghĩa đã hé mở cánh cửa cho thấy: Rằng một triết học phải chú trọng đối tượng và mục tiêu của nó. Vì bất cứ một triết học nào cũng đều có đối tượng của triết học đó. Bất cứ triết học nào cũng đều có mục tiêu của nó: Nó phục vụ cho một cái gì, cho một giai cấp nào, cho một lực lượng xã hội nào.
Phật giáo là triết học hay không là triết học phải giải quyết như thế này:
Phật có đề cập vấn đề thế giới qua giáo lý TỨ ĐẠI DUYÊN SANH, nhưng Phật không là nhà triết học có thế giới quan như vậy.
Phật có đề cập vấn đề NHÂN SINH, qua giáo lý NGŨ UẨN HỢP THÀNH, nhưng Phật không là nhà triết học NHÂN SINH QUAN như vậy.
Cho nên, Phật giáo là nền giáo lý Phật, là lời dạy của Đức Phật.
Đối tượng của đức Phật nghiên cứu và hệ thống là: nỗi thống khổ và nguồn gốc về nỗi thống khổ của con người.
Đức Phật không cho mình là nhà triết học, cũng như không muốn cho các đệ tử gọi Phật là nhà triết học thông thái vấn đề vũ trụ nhân sinh.
Kinh tạng A hàm có chép:
Ngày xưa, lúc còn tại thế, có lần các đệ tử tò mò hỏi Phật về vấn đề thế giới nhân sinh, tức là những thắc mắc về nguồn gốc vũ trụ và con người. Không giải đáp vấn đề, mà Đức Phật nói kinh Tiển dụ: lấy ví dụ một người phải tên độc, Phật nói: Một thày thuốc giỏi, trước cảnh người bị phải tên độc sắp lâm nguy, là hành động. Hãy mau nhổ mũi tên độc ra và tra cho nạn nhân thứ thuốc cực kỳ công hiệu để chận đứng khổ đau cho con bệnh. Chưa cần thiết điều tra chủng loại của me tên, cây tên, dây cung, gỗ làm cung và người bắn thuộc chủng tộc nào....
Phật nói các đệ tử: Các ông là những người bị phải tên độc. Công việc của Như Lai là công việc của y sư. Các ông nên siêng năng tu học để trị lành vết thương mà các ông đang đau khổ. Sau đó các ông sẽ được an vui. Vấn đề thế giới hữu biên, vô biên v.v..Như Lai chưa cần thiết phải nói với các ông về việc đó.
Bởi lẽ đó, kinh điển Phật thường gọi Phật là: VÔ THƯỢNG Y VƯƠNG mà không là NHÀ TRIẾT HỌC.
Đức Phật không là nhà triết học thì giáo lý của đạo Phật hẳn không là triết học rồi.
Nhìn qua lăng kính Bát Nhã Ba La Mật, ta thấy rõ thêm điều đó:
..."Tu Bồ Đề! Ông đừng cho rằng Như Lai có thuyết pháp. Nếu nói Như Lai có thuyết pháp là hủy báng Như Lai: Thuyết pháp giả vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp. Thị cố Như lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ Kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả...Pháp thượng ưng xã hà huống phi pháp".
Trên đây là những tri kiến của người nhìn giáo lý Phật, qua lăng kính Bát Nhã Ba La Mật. Với tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi nêu ra đây, hy vọng được xem là những gợi ý. Là những điều gợi ý thôi, để các đồng chí có trách nhiệm ở Viện Triết Học Trung Ương nghiên cứu các triết học, trong đó có thứ triết học mà không triết học của Phật giáo.
Hòa Thượng Thích Từ Thông
TÂN XUÂN TỰ CẢM
Thái tuế đáo xuân kỳ
Tâm như thiếu tiểu thì
Bất tăng hề bất giảm
Như nguyệt lãng thanh thiên
Thân như toàn hỏa chuyển
Tranh tơ bộc bố lưu
Thác bạch diện sô hồn bất cố
Ngao du tự tại nhận thi vi.
Dịch nghĩa
NĂM MỚI TỰ CẢM
Sáu mươi lẻ một xuân tròn
Lòng sao như trẻ thuở còn ngây thơ
Thênh thang từ bấy đến giờ
Như vầng trăng bạc pha màu trời xanh
Thân như vầng lửa quay nhanh
Tựa hồ nước thác dệt thành vải trôi
Mặc cho tóc bạc da mồi
Ở đi theo ý làm thôi bởi mình
Xuân Mậu Thìn - 1988
Thích Từ Thông
QUẢ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC CỦA NHƯ LAI CHỈ LÀ KẾT QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH CẢI TẠO, XÂY DỰNG VÀ SỐNG ĐÚNG, SỐNG HỢP VỚI CHÂN LÝ
I. ĐỨC PHẬT LÀ MỘT CON NGƯỜI NHƯ BAO CON NGƯỜI
CÓ MẶT TRÊN QUẢ ĐẤT NẦY:
Tất cả đệ tử Phật đều biết. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta vốn là một con người, một con người như bao nhiêu con người khác, đã sanh ra và lớn lên trên mặt đất này cách đây 25 thế kỷ. Bằng lối nói kinh viện bóng bẩy, văn hoa, người ta nói Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con người có thật, mà lịch sử đã ghi chép trong kho tàng lịch sử của nhân loại: Rằng Đức Phật có mẹ cha, có vợ con, có quá trình xuất gia hành đạo và cuối cùng giác ngộ chân lý (đắc đạo) dưới cội Bồ đề. Từ đó người ta bảo là Ngài thành Phật, được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đó là chặng đường phân nửa trước, một vị Thái tử tên là Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da, đã cải tạo và xây dựng (Tu = cải tạo. Hành = xây dựng) bản thân mình từ một con người thường, một người bất giác như bao nhiêu người bất giác khác, trở thành một "Vị Phật", một GIÁC GIẢ cho chính bản thân mình. Thế là Như Lai đã vượt qua một khúc quanh vô cùng quan trọng trong cuộc "cải tạo" và "xây dựng" bản thân. Ngài đã được "VIÊN THÀNH TỰ GIÁC".
Đoạn đường còn lại, đức Phật nêu ra phương hướng nhiệm vụ mới, là phảI cải tạo và xây dựng môi trường sống, xây dựng xã hội con người. Đức Phật bắt đầu phát động tuyên truyền dấy lên phong trào khuyến thiện: Tôi đã tu, các ông nên tu, tất cả mọi người hãy cùng tu. Tôi đã giải thoát giác ngộ, tất cả mọi người hãy học tu để được giải thoát giác ngộ. "Đây là khổ...đây là tập...đây là diệt...đây là đạo..."Người ta gọi Đức Phật bấy giờ làm cái việc "THUYẾT PHÁP ĐỘ SANH".
Suốt 49 năm (hay 45 năm) rày đây mai đó, có lúc gặp thuận cảnh, cũng có lúc gặp nghịch duyên. Bọn ngoại đạo Bà La Môn v.v...run sợ trước ánh sáng vằng vặc chói lòa chân lý của Đức Phật, rồi đây nền giáo lý đó sẽ soi thủng những tấm màn thâm đen dầy đặc vô minh rặc mùi mê tín dị đoan, mà chúng đang mê hoặc đầu độc mọi người.
Tự thấy mình đang đứng trên bờ hố thẳm diệt vong, chúng ra sức phản tuyên truyền chống đối, và có nhiều lần ra tay hảm hại Phật. Nhưng tất cả âm mưu của chúng không thành. Với ý chí vị tha vô hạn kiên cường, bất khuất, đức Phật đã thành công, hàng Thanh văn, Duyên giác tiếp thu lời giáo huấn của Ngài và từ đó, đệ tử Phật chứng quả Bồ đề, Niết bàn hàng loạt. Đến đây, đức Phật hoàn thành nhiệm vụ "giác tha".
Cuối cùng, Ngài thị tịch an nhiên nơi rừng Ta La Song Thọ....kinh điển gọi là Phật Bát Niết Bàn.
II. QUẢ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC LÀ MỘT SỰ THỂ HIỆN CÁCH SỐNG ĐÚNG VỚI CHÂN LÝ CỦA VŨ TRỤ VẠN HỮU KHÁCH QUAN:
Đề cập đến chân lý, nhiều khi người ta tưởng cái gì cao xa sâu thẳm...và huyền bí lắm. Sự thật thì không quá cao xa..như ai đó tưởng..Người ta có thể trả lời câu hỏi:
CHƠN LÝ LÀ GÌ?
CHÂN là có thật, LÝ là lẽ. Chân lý là cái lý lẽ có thật của hiện tượng vạn hữu của của cuộc đời này...Ví dụ:
Sanh, lão, bệnh, tử của kiếp con người, nó thành một cái lẽ thật không có một thế lực nào hoán cải cho khác hơn được. Đó là một chân lý.
Sanh, trụ, dị, diệt là quá trình vận động của hiện tượng vạn vật không ai ngăn chận được, không có thế lực nào làm cho khác hơn được. Đó là một chân lý.
Thành, trụ, hoại, không của vũ trụ vạn hữu, không ai có thể làm cho nó đổi khác hơn được. Đó cũng là một chân lý.
Vì tất cả những điều đó là "lẽ thật", nói một cách khác: đó là "quy luật" tất nhiên của hiện tượng vạn pháp.
Như Lai Thế Tôn chỉ là một con người có trí tuệ nhận thức tột cùng chân lý ấy và sống hợp, sống đúng với chân lý, với quy luật của hiện tượng vạn pháp ấy mà thôi.
Để xác định rõ vấn đề, ta hãy đọc những lời của Đức Phật dạy cho ông Tu Bồ Đề.
"Bạch Thế Tôn! Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Phật Như Lai không có được gì ư?" Ông Tu Bồ Đề thưa.
Phật bảo: "Đúng vậy, đúng vậy! Tu Bồ Đề, quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Như Lai thật chẳng có được một tí ti gì, gọi là VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, VẬY THÔI".
"Tu Bồ Đề! Tại vì Như Lai có cái nhận thức bình đẳng đối với hiện tượng vạn pháp. Như Lai không đánh giá vạn pháp quá thấp, cũng không đánh giá vạn pháp quá cao. Nhận thức hiện tượng vạn pháp Như Lai không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh và tướng thọ yểu giả. Như Lai hằng sống trong thiện pháp nên gọi là Như Lai "TU NHẤT THIẾT THIỆN PHÁP VÀ NHƯ LAI ĐƯỢC VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, VẬY THÔI".
"Tu Bồ Đề! Nói là "Thiện pháp" kỳ thật chẳng có "thiện pháp" gì mà gọi là "thiện pháp", vậy thôi".
Qua ý tứ, đoạn Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật đó, người đệ tử Phật thấy rằng: hiện tượng vạn pháp vốn tồn tại khách quan. Đánh giá thấp hay cao đều là biểu hiện của nhận thức mê lầm, không nhận chân được thực tướng của sự vật hiện tượng. Xóa đi cái quan niệm chấp chặt, đánh giá hiện tượng vạn pháp qua Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ yểu giả thì quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác tự có, mà không do ai ban cho, cũng không từ đâu đem đến cho bất cứ một Đức Phật nào. Làm được vậy, gọi là Như Lai "Tu tất cả thiện pháp", kỳ thật Như Lai chẳng có tu "thiện pháp" gì. Như Lai không nghĩ sai, nói sai, làm sai chân lý nên gọi là "thiện pháp" vậy thôi.
Với hiện tượng vạn pháp, Như Lai xử dụng cách: NHƯ THỊ TRI, NHƯ THỊ KIẾN, NHƯ THỊ TÍN GIẢI, không sanh tướng phân biệt so bì của ý thức "biến kế chấp". Người phàm phu cho là Như Lai chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, kỳ thật Như Lai chẳng đắc một tí ti nào.
III. QUẢ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC PHẬT CHỈ LÀ KẾT QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH CẢI TẠO VÀ XÂY DỰNG...
Đã là một con người thì ai cũng có cái tốt và cái xấu. Người ta đánh giá phẩm chất tốt hay xấu của con người, phần lớn tùy phong tục tập quán và luật pháp của một xã hội. Tuy nhiên cái tiêu chuẩn cơ bản của vấn đề tốt xấu, tội phước, thiện ác là: Ai làm những điều ích nước lợi nhà, đem lại những điều an vui hạnh phúc cho nhân quần xã hội, cho cả loài người thì người ta gọi đó là hành vi "thiện", là con người tốt. Nếu ai đạt đến tột đỉnh của đặc tánh tốt của hành vi "thiện" thì người ta gọi đó là bậc thánh nhân, hay là một vị Phật, một bậc chứng quả VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC. Trái lại, là hạng người bất thiện, do có nhiều tham vọng thấp hèn. Hâu quả tất nhiên là họ trở thành hạng người mà người trí xa lánh, xã hội rẽ khinh và luật pháp nghiêm trị. Vì thế người ta có thể xác định: Tốt xấu do người, tội phước do người, thiện ác do người, phàm thánh do người, chúng sanh hay Phật cũng do con người quyết định.
Với nền giáo lý Phật: Phàm phu, Thanh văn, Duyên gác, Bồ tát, Phật, tất cả là con người. Vui khổ khác nhau, là do mê ngộ khác nhau, giải thoát giác ngộ khác nhau là tùy thuộc ở vô minh phiền não trừ diệt được nhiều hay ít.
Qua kinh điển Phật, ta có thể tìm thấy rõ những tác động của tâm sở hữu pháp sau đây, khiến cho con người mê mờ chân lý và tự ràng buộc, tự làm đau khổ lấy mình. Nhóm thứ nhất có tên là CĂN BẢN PHIỀN NÃO hay cũng còn gọi là Thập sử.
Vì nó thường sai sử chúng sanh làm cho chúng sanh luôn luôn triền miên trong đau khổ:
1. Tham.
2. Sân.
3. Si.
4. Mạn
5. Nghi.
6. Thân kiến
7. Biên kiến.
8. Tà kiến.
9. Kiến thủ.
10. Giới cấm thủ
Nhóm thứ hai có tên là CHI MẠC PHIỀN NÃO hay cũng gọi là TÙY PHIỀN NÃO, vì chúng tùy thuộc CĂN BẢN PHIỀN NÃO mà sanh khởi. Những phiền não chi mạc này gồm có hai mươi món:
1. Phẩn. 2. Hận. 3. Phú. 4. Não. 5. Tật. 6. Xan. 7. Cuống. 8. Siểm. 9. Hại. 10. Kiêu. 11. Vô tàm. 12. Vô quý. 13. Trạo cử. 14. Hôn trầm. 15. Bất tín. 16. Giải đãi. 17. Phóng dật. 18. Thất niệm. 19. Tán loạn. 20. Bất chánh tri.
Đó là những điều mà mọi người đệ tử Phật cần phải "cải tạo" chuyển hóa chúng từ số lượng đến chất lượng, với một mức độ nào đó và dựa trên chất lượng được cải tạo chuyển hóa mà ước định quả vị với một danh ngôn tương đối có mức độ như: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm..... Đến khi nào thành Phật là quả vị cải tạo hoàn toàn, chuyển hóa sạch hết chất phiền não vô minh thì người ta gọi đó là quả VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.
Song song với quá trình cải tạo chuyển hóa vô minh, người hành giả đệ tử Phật còn xây dựng cho mình ý thức thường ở trong trạng thái chân chính. Đó là:
1. Chánh kiến
2. Chánh tư duy
3. Chánh ngữ
4. Chánh nghiệp
5. Chánh mệnh
6. Chánh tinh tấn
7. Chánh niệm
8. Chánh định
Gọi chúng là 8 con đường chính mà thuật ngữ Phật gọi là Bát Chánh Đạo, là chất liệu tinh túy để xây dựng cho con người trở nên Thánh thiện. Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ cũng là những chất liệu kiên cố và quyết định để cho con người xây dựng nên quả VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.
Người đệ tử Phật thường xuyên thân cận với những pháp lành, với những tư duy hợp chân lý và đúng chân lý mà đức Phật đề ra để dạy cho những người có quyết tâm đi trên con đường VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC.
IV. NHỮNG NHẬN THỨC SAI LẦM CỦA MỘT SỐ NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG TÌM ĐẾN QUẢ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC
Trong toàn bộ kinh điển Phật, đạo lý nhân quả và vấn đề TRI HÀNH được xem là vấn đề then chốt. Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát được tiêu biểu cho TRI. Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát tiêu biểu cho HÀNH. TRI mà không HÀNH ví như có mắt mà cụt chân. HÀNH mà thiếu TRI ví như đôi chân đi khẻo mà mù đôi mắt. Chỉ có khi nào TRI HÀNH hợp nhất mới đem lại kết quả mong muốn cho người con Phật. Khi kiểm điểm lại những ngày tháng trôi qua, sự TRI HÀNH của mình còn rời rạc, Huyền Giác thiền sư than thở viết:
"Ngô tảo niên lai tích học vấn
Diệc tằng thảo sớ tầm kinh luận
Phân biệt danh tướng bất tri hữu
Khước bị Như Lai khổ hà trách
Sổ tha trân bảo hữu hà ích
Nhập hải toán sa đồ tự bì
Tùng lai tắng đắng giác hư hành
Đa niên uổng tác phong trần khách
TRI HÀNH chưa hợp nhất, kết quả còn thăm thẳm xa xôi. TRI sai, HÀNH quấy hướng dẫn nhiều người cùng làm như vậy thì thiệt thòi cho những người đệ tử Phật từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Là những người xuất gia, trưởng tử Phật có trách nhiệm hướng dẫn tinh thần cho Phật tử, truyền bá chánh pháp của Như Lai, chúng ta không thể lơ là, hời hợt để mặc tình cho tà giáo ngoại đạo lung lạc chánh pháp của Như Lai, bôi nhọ giáo lý, xuyên tạc kinh điển bằng những hình thức quá lỗi thời, những nghi lễ nặc mùi vụ lợi để cho người đệ tử Phật thực thà, chất phác, tiền mất tật mang, để cho đạo Phật, người đệ tử Phật, mang tiếng là hạng người mê tín dị đoan, là hạng ký sinh trùng trong xã hội.
Muốn được quả giải thoát giác ngộ phải tu nhân giải thoát giác ngộ. Phủ nhận lý nhân quả, không còn là một đệ tử Phật. Chúng ta cần phải nói thẳng với Phật tử chúng ta rằng:
Muốn có giải thoát giác ngộ, không thể có ở mâm cao, lễ đầy hiến dâng cho Phật
Muốn có giải thoát giác ngộ, không thể có ở sự rải nước và chú nguyện ở quí Thày
Muốn có giải thoát giác ngộ, không thể có ở những buổi trai tăng lắm tiền nhiều phẩm vật.
Muốn có giải thoát giác ngộ, không thể có ở những hành động đua tranh tạo tượng Phật lớn, xây chùa to.
Theo giáo lý Phật, tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, không luận giàu nghèo đều có thể đạt đến giải thoát giác ngộ thành tựu VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC bằng khả năng nghị lực của chính mình. Con người có khả năng hành động cải tạo những tư tưởng có tánh hắc ám vô minh....Có khả năng xây dựng cho mình một nhận thức trong sáng. Đề cao cảnh giác với bọn giặc cướp: thập sử, thập triền. Thân cận những bạn hữu thuần lương: Tứ nhiếp, lục độ, thất Bồ Đề phần....và thẳng nẻo mà đi trên con đường BÁT CHÁNH ....Làm được vậy thì sự giác ngộ giải thoát là của chung của nhân loại, ai cũng có quyền xây dựng nên và tự thừa hưởng lấy. Quả VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC không phải là cái để dành riêng cho một Đức Phật hay đấng Như Lai Thế Tôn nào.
T.T. THÍCH TỪ THÔNG
Gửi ý kiến của bạn