Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16 - 20

06/05/201311:05(Xem: 13148)
16 - 20
Bát Nhã Ba La Mật Kinh


16 - 20

Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông


XVI. TỘT CÙNG CHÂN LÝ NGÃ PHÁP ĐỀU KHÔNG

ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA:

BẠCH THẾ TÔN! NGƯỜI THIỆN NAM, THIỆN NỮ, KHI PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, PHẢI TRỤ TÂM NHƯ THẾ NÀO? HÀNG PHỤC TÂM NHƯ THẾ NÀO?

PHẬT BẢO: NGƯỜI PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, LÒNG DẶN LÒNG: TA NÊN DIỆT ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG SANH. DIỆT ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG SANH RỒI MÀ ĐỪNG THẤY CÓ CHÚNG SANH THẬT ĐƯỢC DIỆT ĐỘ. BỞI VÌ MỘT BỒ TÁT CẦN PHẢI XÓA SẠCH BỐN TƯỚNG CHẤP Ở LÒNG MÌNH. MỘT BỒ TÁT, CŨNG KHÔNG NÊN CHẤP MẮC Ở SỰ PHÁT TÂM, DÙ LÀ PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC. VÌ THẬT RA CÓ CÁI VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC GÌ ĐÂU!

TU BỒ ĐỀ! NHƯ ÔNG ĐÃ HIỂU. HỒI THỜI PHẬT NHIÊN ĐĂNG, NHƯ LAI CŨNG CHẲNG CÓ Ý NGHĨ MÌNH SẼ ĐƯỢC PHÁP VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, DÙ PHẬT NHIÊN ĐĂNG ĐÃ THỌ KÝ CHO TA NHƯ VẬY. NẾU LÚC ĐÓ, TA CÓ Ý MỪNG LÀ MÌNH SẼ ĐƯỢC VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, THÌ PHẬT NHIÊN ĐĂNG ĐÃ CHẲNG THỌ KÝ CHO TA. ĐỜI SAU SẼ THÀNH PHẬT HIỆU THÍCH CA MÂU NI. VÌ TA HIỂU RẰNG: NHƯ LAI LÀ BẢN THỂ NHƯ NHƯ CỦA VẠN PHÁP. CHO NÊN, NẾU CÓ NGƯỜI NÓI NHƯ LAI ĐƯỢC QUẢ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC LÀ KHÔNG ĐÚNG.

TU BỒ ĐỀ! PHÁP VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC. NHƯ LAI CHỨNG ĐƯỢC, KHÔNG THẬT CŨNG KHÔNG HƯ, THẾ NÊN, NHƯ LAI NÓI TẤT CẢ PHÁP ĐỀU LÀ PHẬT PHÁP.

TU BỒ ĐỀ! NÓI RẰNG TẤT CẢ PHÁP, KỲ THẬT CHẲNG PHẢI TẤT CẢ PHÁP, GỌI RẰNG TẤT CẢ PHÁP, VẬY THÔI

TU BỒ ĐỀ! ĐÚNG NHƯ ÔNG HIỂU NHƯ LAI NÓI CON NGƯỜI VĨ ĐẠI, NHƯNG ĐỪNG CHẤP VĨ ĐẠI THÌ MỚI VĨ ĐẠI.

TU BỒ ĐỀ! NẾU BỒ TÁT CÓ Ý NGHĨ: TA SẼ DIỆT ĐỘ VÔ LƯỢNG CHÚNG SANH. CÓ Ý ĐÓ KHÔNG GỌI BỒ TÁT ĐƯỢC.

TU BỒ ĐỀ! THẬT RA CHẲNG CÓ BỒ TÁT GÌ CẢ. VÌ VẬY, PHẬT NÓI: TẤT CẢ PHÁP KHÔNG NGÃ, KHÔNG NHƠN, KHÔNG CHÚNG SANH, KHÔNG THỌ MỆNH.

TU BỒ ĐỀ! NẾU BỒ TÁT CÓ Ý NGHĨ: TA PHẢI TRANG NGHIÊM PHẬT ĐỘ. CÓ Ý NGHĨ ĐÓ, KHÔNG GỌI BỒ TÁT ĐƯỢC. VÌ TRANG NGHIÊM PHẬT ĐỘ, KỲ THẬT CHẲNG TRANG NGHIÊM, GỌI LÀ TRANG NGHIÊM VẬY THÔI.

TU BỒ ĐỀ! BỒ TÁT HIỂU ĐƯỢC CHÂN LÝ: NGÃ, PHÁP ĐỀU KHÔNG, NHƯ LAI GỌI ĐÓ LÀ BỒ TÁT THẬT.

TRỰC CHỈ

Do tánh chất quan trọng của vấn đề TRỤ TÂM và HÀNG PHỤC TÂM, của người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, ông Tu Bồ Đề nêu lại câu hỏi lần hai, để hỏi Phật.

Phật dạy: Nhiệm vụ của một Bồ tát là phải phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và diệt độ chúng sanh. Đó là ý nghĩa "Thượng cầu hạ hóa", là nguyên tắc phải theo, là mục tiêu hành động của một Bồ tát. Những Bồ tát phải hiểu rõ: Thượng cầu là cầu đạt đến mục tiêu mình đã vạch ra. Đừng hiểu cầu như van xin cầu nguyện ở một ai khác. Cầu nguyện ở kẻ khác, ở một đấng tha nhân phù hộ cho ta được cái quả tốt, nhưng bản thân không hành động, không tạo nguyên nhân thích hợp với cái quả mong muốn của mình, đó là việc làm, ý nghĩ của con người tham vọng đến độ cuồng si, cho nên họ đã trở thành người mê tín dị đoan không còn lý trí.

Hạ hóa, là vấn đề trách nhiệm của một Bồ tát. Bồ tát mà không giáo hóa chúng sanh, đua đòi vàng bạc, gây dựng sự nghiệp công danh, thì ý nghĩa: AN BẦN THỦ ĐẠO, DUY TUỆ THỊ NGHIỆP Bồ tát cất để ở chỗ nào? Không hoàn thành nhiệm vụ HẠ HÓA, không thể gọi Bồ tát, dù có nhịn đói, có chặt bớt mấy ngón tay, có đốt thân thể trèm trèm. Chờ đón, nhận lãnh cái giáo chỉ, cái huân chương, cái độ điệp..gì gì...đó, của một lễ "thụ phong" lại càng quá bết! Đó là hiện tượng tăng già thất học, Phật pháp suy đồi đã đến lúc vô cùng trầm trọng. Dẫm đạp nền giáo lý Phật, lún tận bùn đen.

Bồ tát không thể thụ phong được.

Bởi vì Bồ tát là gì?

  • Là giác hữu tình.
  • Là hữu tình giác.
  • Là đại đạo tâm thành tựu chúng sanh.

Thế nên, sự THƯỢNG CẦU của Bồ tát không phải làm một điều kiện, để đổi lấy phước đức THÀNH PHẬT. HẠ HÓA của Bồ tát cũng không phải làm một điều kiện, để được nhận sự đền công. Được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, không do sự đổi chác, lại càng không phải do Đức Phật thưởng hoặc lì xì...Do nghĩa đó, Bồ tát diệt độ vô lượng, vô số chúng sanh mà không thấy có chúng sanh thật diệt độ, vì Bồ tát cần viễn ly tứ tướng. Nếu còn chấp tướng là Bồ tát giả danh, chỉ là người mang nhãn hiệu dỏm.

Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Như Lai chứng, thật ra có Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác gì đâu: Mê 100% gọi là bất giác (mê), dứt bớt được 30% gọi là người GIÁC, dứt được 60% gọi là người CHÁNH GIÁC, dứt được 90% gọi là người CHÁNH BIẾN TRI GIÁC, dứt trọn vẹn, dứt 100% vô minh, gọi là VÔ THƯỢNG CHÁNH BIẾN TRI GIÁC hay VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC cũng thế. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, không phải là một địa vị quyền năng, dành riêng cho một vị thánh thần nào, càng không phải để dành riêng cho Như Lai, Phật. Đó là một danh ngôn giả lập, để chỉ cho con người dứt hết tạp tưởng của ý thức vô minh cuồng vọng. Phật là người đạt đến trình độ trong sạch đó, gọi Ngài là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vậy thôi.

Bồ tát nên học như vậy để làm tiêu chuẩn cho sự phát tâm "thượng cầu", "hạ hóa" của mình.

Hiểu Như Lai là bản thể như như của vạn pháp, con người là một đơn vị của vạn pháp, thì Như Lai cũng là bản thể như như của con người. Như Lai của con người là NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM. Biết mình có Như Lai viên giác diệu tâm, có nghĩa là biết trước, sau, sớm, muộn gì mình cũng có ngày thành Phật. Bởi thế, nên thuở xa xưa ấy, Phật Nhiên Đăng có thọ ký, nhưng Phật Thích Ca lúc đó, như chẳng thấy nghe mình được thọ ký gì. Bởi quan niệm rằng: Hễ có trồng giống cây quý, nhất định sẽ được hưởng quả ngọt ngon. Cho nên không thọ ký cũng chẳng buồn, được thọ ký cũng không móng tâm phấn khởi. Chính vì trong lúc đó, Phật Thích Ca không móng tâm phấn khởI, Phật Nhiên Đăng mới thọ ký: sau nầy ông sẽ thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni. Cái lý trí nhận thức chân lý, thường trái ngược với cái hiểu biết tình cảm của con người là vậy.

Nhưng nầy! Hãy chín chắn mà tư duy!

Nói Như Lai có CHỨNG ĐẮC là phỉ báng Như Lai.

Nói Như Lai không CHỨNG ĐẮC, lại cũng phỉ báng Như Lai.

Vì Vô Thượng Bồ Đề mà Như Lai CHỨNG ĐẮC, nó không THẬT, không HƯ. Không THẬT vì nó không có kích thước: dài, ngắn, vuông, tròn; không có sắc màu: xanh, vàng, đỏ, trắng...Không HƯ, vì Như Lai có giác ngộ, giải thoát thật sự. Như Lai làm chủ bản thân, làm chủ vạn pháp, làm Thầy chúng sanh trong tam giới (không được hiểu lầm chữ TAM GIỚI). Như Lai là PHÁP VƯƠNG. Như Lai nói: Tất cả các pháp đều là PHẬT PHÁP. Vì sự giải thoát giác ngộ của Như Lai, không rời tất cả pháp, ở trong tất cả pháp. Như Lai hành sử Bồ đề, Niết bàn của mình ngay trong cảnh: trúc biếc, mai vàng, thông xanh, mây bạc, ở vạn tượng sum la, trước mắt mọi người!

Tu Bồ Đề ơi! Như Lai có CHỨNG ĐẮC thật! Hãy nhận thức vạn tượng sum la qua cái nhìn NHƯ THỊ của nó. Mọi người đều có khả năng CHỨNG ĐẮC Tu Bồ Đề à!

Tu Bồ Đề! Ông đã hiểu rồi chứ? Như Lai nói: TẤT CẢ PHÁP, sự thật không có gì là TẤT CẢ PHÁP cả.

Bởi vì:

..."Chúng nhơn duyên sanh pháp
"Ngã thuyết tức thị không
"Diệc vi thị giả danh
"Diệc thị trung đạo nghĩa
"Vị tằng hữu nhất pháp
"Bất tùng nhân duyên sanh
"Thị cố nhất thiết pháp
"Vô bất thị không giả"

Đó là ý tứ của người đệ tử Phật, sau Phật khoảng 600 năm: Pháp do các duyên sanh. Cho nên, nói pháp là KHÔNG. KHÔNG CŨNG là giả danh. Hiểu thế là trung đạo. Chưa từng có một pháp. Chẳng từ nhơn duyên sanh. Thế nên tất cả pháp, không pháp nào chẳng KHÔNG.

* Nếu ai đó, cho rằng: Ta là người vĩ đại, thì họ đã lọt trong vòng tương đối rồi. Vả lại, vĩ đại là một danh ngôn, để cho người ta khái niệm về một sự vật nào. Tự thân nó không có thực chất. Cũng vậy, Bồ tát là phải thông qua hành động. Nếu không hành động thì chẳng có gì để gọi là Bồ tát hay không Bồ tát.

* Vấn đề trang nghiêm, xây dựng một cõi Phật, đến đây thì ông Tu Bồ Đề đã hiểu rõ lắm rồi. Không thể đem vật chất để trang nghiêm dù đó là vàng, bạc, lưu ly....cũng không thể đem tinh thần: bố thí, trì giới, nhẫn nhục..để trang nghiêm. Nhưng muốn có cõi Phật thanh tịnh, phải biết sử dụng hai thứ chất liệu đó. Sử dụng đúng, hai thứ chất liệu đó, biến thành cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh. Sử dụng sai, nhọc công vô ích, như đem giống lúa, ngô, đậu, gieo vãi trên đỉnh núi đá hoa cương, không có ngày bén mộng sanh cây được.

Là Bồ tát, phải tu học, phải thông hiểu vấn đề trọng đại: NGÃ PHÁP ĐỀU KHÔNG. Bằng ngược lại, ôm cây đợi thỏ, khổ công vô ích, làm trò cười cho thức giả, thì còn gì là Bồ tát hay không Bồ tát.


XVII. QUA SỰ NHẬN THỨC CỦA PHẬT NHÃN THÌ TẤT CẢ LÀ MỘT VÀ MỘT LÀ TẤT CẢ

PHẬT BẢO: NẦY TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? VỚI CÁC THỨ MẮT: NHỤC NHÃN, THIÊN NHÃN, TUỆ NHÃN, PHÁP NHÃN, VÀ PHẬT NHÃN, NHƯ LAI CÓ ĐỦ CHĂNG?

_ BẠCH THÊ TÔN! NHƯ LAI CÓ ĐỦ.

_ TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? NHỮNG CÁT CỦA SÔNG HẰNG NHƯ LAI CÓ NÓI LÀ CÁT KHÔNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! NHƯ LAI VẪN NÓI LÀ CÁT.

_ TU BỒ ĐỀ! PHỎNG CÓ NHỮNG SỐ SÔNG HẰNG NHIỀU BẰNG SỐ CÁT CỦA SÔNG HẰNG VÀ CÕI PHẬT TRONG MƯỜI PHƯƠNG NHIỀU BẰNG SỐ CÁT CỦA NHỮNG SÔNG HẰNG KIA. ÔNG HIỂU THẾ NÀO? CÕI PHẬT NHƯ THẾ CÓ NHIỀU CHĂNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! RẤT NHIỀU.

_ Tu BỒ ĐỀ! Bao nhiêu tâm niỆm cỦa chúng sanh trong ngẦn Ấy cõi PhẬt, Như Lai đỀu biẾt rõ. Vì sao? Vì Như Lai nói: Các tâm đỀu phi tâm, mà gỌi tâm vẬy thôi. Vì sao Như Lai nói vẬy? Vì tâm quá khỨ tìm không có, tâm hiỆn tẠi tìm không có và tâm vỊ lai tìm cũng có.

TRỰC CHỈ

* Sự hỏi đáp qua lại giữa Đức Phật và ông Tu Bồ Đề, về năm thứ mắt, hàm chứa ý nghĩa bên trong, nhằm nói lên: Sự thấy biết của Như Lai là thấy biết toàn diện, khi nhận thức về một đối tượng. Theo Phật học, nhận thức của con người đối với vũ trụ vạn hữu khách quan, phải trải qua quá trình tư duy từ cạn tới sâu, từ thô đến tế, thông qua "ngũ nhãn" của con người. Nói cách khác là nhận thức một đối tượng, phải tư duy, cân nhắc, gạn lọc, phân tích qua năm tầng trí tuệ, thì sự nhận thức mới chính xác, đáng tin cậy. Thuật ngữ Phật học gọi năm tầng trí tuệ ấy bằng cái từ "ngũ nhãn".

Ở đoạn Bát Nhã Ba La Mật nầy, Phật cho biết: Tất cả giáo lý, Như Lai dạy cho các đệ tử, Như Lai đã tư duy, cân nhắc, gạn lọc, phân tích kiểm nghiệm phẩm chất của mọi sự việc, mọi vấn đề rồi: rằng sự thấy biết thông thường bằng nhục nhãn Như Lai vẫn có như tất cả mọi người đã có. Sự thấy biết trong sáng hơn, phẩm chất nhận thức cao hơn, của người trí thức, của thiên nhãn Như Lai cũng đã có. Sự thấy biết của người có trình độ giác ngộ, nhận thức được một phần sự thật ở phía bản thân, thấy được chân lý NGÃ KHÔNG của pháp nhãn, Như Lai vẫn sử dụng. Sự thấy biết tinh tường, thâm diệu hơn, trong nhận thức nhân sanh vũ trụ, quán triệt cạn nguồn chân lý: NGÃ PHÁP ĐỀU KHÔNG của tuệ nhãn, Như Lai đã thường xuyên vận dụng. Cuối cùng là sự thấy biết qua tri kiến Như Lai, Như Lai sử dụng cách ngắm nhìn, cách tư duy nhận thức vạn hữu vũ trụ qua tự tánh NHƯ THỊ của chính nó. Đó là:

NHƯ THỊ Tánh,
NHƯ THỊ Tướng,
NHƯ THỊ Thể,
NHƯ THỊ Lực,
NHƯ THỊ Tác,
NHƯ THỊ Nhơn,
NHƯ THỊ Duyên,
NHƯ THỊ Quả,
NHƯ THỊ Báo,
NHƯ THỊ Bổn mạt cứu kính.

* Cát của một sông Hằng vốn đã nhiều. Số sông Hằng nhiều bằng số cát, quả là vô số kể. Vậy mà, cõi nước chư Phật mười phương nhiều bằng số cát của những sông Hằng kia, rõ là vô lượng vô biên, vượt ngoài tất cả số. Chúng sanh ở trong những cõi nước Phật ấy, nhiều phải nhân lên gấp nghìn muôn ức triệu lần. Thế mà Như Lai nói: Bao nhiêu Tâm chúng sanh trong ngần ấy cõi Phật, Như Lai đều biết rõ: Có phải chăng Như Lai muốn đề cao sự ly kỳ, hi hữu của một đấng siêu nhân?

_ Không. Như Lai không bao giờ là người kiêu hãnh, tự đề cao. Càng không bao giờ xem mình là một đấng siêu nhân, như những người đệ tử kém cỏi, đề cao Như lai vô ý thức.

Theo giáo lý Phật, TÂM là ngôn thuyết giả danh để chỉ một TỔNG thể bao trùm tất cả BIỆT thể. Một ĐỒNG thể dung nhiếp hết thảy DỊ thể. Một THÀNH thể tồn tại trong HOẠI thể của hiện tượng vạn pháp. Nói cách khác: TÂM là chỉ sự bao hàm, sự dung nhiếp và duy trì sự vật hiện tượng tồn tại trong mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly. Mọi sự vật tồn tại, đều được biểu hiện qua "Sáu tướng viên dung". Nhìn ở mặt BIỆT, DỊ, HOẠI, ta sẽ tìm thấy tướng riêng của sự vật hiện tượng. Nhìn qua mặt TỔNG, ĐỒNG, THÀNH, ta nhận thức được tánh chung của vạn pháp.

Vì thế, TÂM chúng sanh dù nhiều bất khả thuyết vô lượng vô biên. Như Lai đều biết rõ mà không vướng phải sự khó khăn nào. Mà đó là một sự thật biện chứng rành rành: TẤT CẢ LÀ MỘT, MỘT LÀ TẤT CẢ, trong hệ tư tưởng triết học của Đại thừa Phật giáo, Bát Nhã Không Tôn.

Như Lai nói tâm vốn không phải Tâm mà gọi là Tâm vậy thôi. Bởi vì Tâm quá khứ tìm không có,Tâm hiện tại tìm không có và Tâm vị lai cũng không tìm có!

*****


XVIII. VẤN ĐỀ PHƯỚC ĐỨC HÀNH GIẢ PHẢI HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? GIẢ NHƯ CÓ NGƯỜI ĐEM THẤT BẢO ĐẦY NGẬP CÕI TAM THIÊN ĐẠI THIÊN ĐỂ BỐ THÍ, VỚI VIỆC LÀM ĐÓ, NGƯỜI ẤY ĐƯỢC PHƯỚC ĐỨC NHIỀU CHĂNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! ĐÚNG VẬY. THEO CON HIỂU: DO NHÂN DUYÊN ĐÓ, NGƯỜI BỐ THÍ ĐƯỢC PHƯỚC ĐỨC RẤT NHIỀU.

_ TU BỒ ĐỀ! NẾU PHƯỚC ĐỨC CÓ THẬT, NHƯ LAI CHẲNG NÓI PHƯỚC ĐỨC NHIỀU. VÌ PHƯỚC ĐỨC VỐN KHÔNG, NHƯ LAI MỚI NÓI PHƯỚC ĐỨC NHIỀU.

TRỰC CHỈ

* Hãy tìm một tiêu chuẩn, để định nghĩa thế nào là phước đức. Đó là vấn đề cần được đặt ra để nghiên cứu. Có thể nói không sợ lầm. Rằng: Không ít Phật tử chỉ nhận thức mơ hồ về vấn đề phước đức. Cho nên, nếu có người hỏi: Phước đức là gì? Thì mỗi người có thể nói một cách theo cái hiểu của mình. Đại để:

Có người cho rằng: Phước đức là người có nhà cao cửa rộng, lắm tiền, nhiều của, ăn tiêu sang trọng là người có phước đức.

Vậy: Phước đức là Tiền của và sang trọng!

Người khác bảo: Có vẻ đẹp yêu kiều, diện mạo khôi ngô là người có tướng phước đức.

Vậy: Phước đức là Vẻ đẹp, tướng oai!

Người thì bảo: Phước đức là người làm Quốc trưởng, Tổng thống là những bậc quyền cao, chức lớn.

Vậy: Phước đức là Chức tước địa vị!

Có người lại nói: Làm một Hòa thượng, Thượng tọa, có được chùa to, vườn rộng, có diện mạo phương phi, có dáng đi lững thững, trông vẻ đạo cốt tiên phong, là người có phước đức.

Vậy: Phước đức là Sự nghiệp và dáng điệu!

Những ý tưởng đó, dựa trên sự nhận thức thông thường, chắc hẳn cũng có nhiều người đồng ý. Nhưng qua nhận thức của Bát Nhã nếu không nói đó là sai, thì những thứ phước đức đó, không phải thứ phước đức trong kinh Bát Nhã Ba La Mật nói, và cũng không phải thứ phước đức mà đức Phật muốn dạy cho các hàng đệ tử mình.

Theo giáo lý Phật, phước đức được phân chia rành rẽ:

  • Phước đức hữu lậu và
  • Phước đức vô lậu

Những thứ phước đức, theo quan niệm thông thường được nêu ở trên, là phước đức hữu lậu. Hữu lậu nghĩa là người thụ hưởng phước đức này, sẽ còn lọt rớt trong khổ lụy đau thương. Nó chỉ đem lại sự an lạc cho con người trong giai đoạn. Căn bản khổ đau của con người là vấn đề sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não, những thứ phước đức đó, không giúp ích giải quyết được gì. Tệ hơn nữa, chính những thứ đó, lại có thể là nguyên nhân gây ra khổ lụy đau thương. Những tấm gương sờ sờ trước mắt: người ta vẫn tự tử, trong cảnh gia tư sung mãn. Người ta giết nhau, vì vẻ đẹp bá mị yêu kiều. Người ta đánh đấu nhau, vì dáng điệu uy phong lẫm lẫm. Người ta lật đổ nhau vì cái ngôi Tổng thống, địa vị Quốc vương. Người ta triệt hạ nhau, để rồi kẻ ung dung trước điện Phật, người đau khổ rũ xác trong tù!

Nếu bảo rằng: Phước đức phải là giàu sang, sự nghiệp; phải là lẫm lẫm oai phong; phải là vương hầu, khanh tướng; phải là chùa to, vườn rộng; phải là cảnh đẹp, dáng thần tiên thì Phật Thích Ca, sau giờ phút xuất gia, sau ngày chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đã trở thành người vô phước đức nhất đời chăng?

"Nhất bát thiên gia phạn
"Cô thân vạn lý du
"Chỉ vi sanh tử sự
"Giáo hóa độ xuân thu.
(Một bát xin nhà nhà
Đơn thân hành cước khắp
Sanh tử việc hàng đầu
Giáo hóa mỏn xuân thu).

Có phải chăng đó là hình ảnh của những người vô phước nhất trong nền giáo lý Phật?

Vậy, những gì là phước đức, theo quan điểm của Bát Nhã Ba La Mật Đa?

Theo quan điểm của Bát Nhã Ba La Mật, phước đức chỉ là một từ phát xuất từ khái niệm trừu tượng (Phước đức tức phi phước đức tánh), phước đức phải được biểu hiện qua sự giải thoát, giác ngộ, qua sự bình an, thanh thoát, sự tự tại an nhiên trong đời sống con người. Có ngần ấy điều kiện có thể gọi là người có phước đức. Ngoài ra, người có phước đức còn là người có thể làm gương mẫu, mực thước: đức nhẫn nhục, tánh ôn hòa, lòng từ bi, hành động vị tha, tinh thần vô ngã. Từ đó, đem lại cho nhiều người sự kính phục cảm mến, có thể học tập làm theo.

Phước đức vốn không, cho nên làm phước đức, đừng sanh tâm chấp mình làm. Không chấp, mà làm phước đức, thì phước đức mới nhiều. Chấp mình là người làm phước đức rất dễ bị tiêu tan. Vì tướng NGÃ, tướng NHƠN, tướng CHÚNG SANH, tướng THỌ GIẢ đồng khởi. Chẳng những phước đức không còn, mà còn mang thêm ác nghiệp!

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Chớ mong cầu cứu Phật gần, Phật xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Nào đâu có phải ở ba… bạc vàng!

*****


XIX. PHẢI CHIÊM NGƯỠNG THẾ NÀO MỚI ĐÍCH THỰC CHIÊM NGƯỠNG MỘT NHƯ LAI

TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? CÓ THỂ CHIÊM NGƯỠNG SẮC THÂN CỤ TÚC LÀ CHIÊM NGƯỠNG PHẬT CHĂNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! KHÔNG, KHÔNG THỂ CHIÊM NGƯỠNG SẮC THÂN CỤ TÚC MÀ CHO LÀ CHIÊM NGƯỠNG NHƯ LAI ĐƯỢC. VÌ, NHƯ LAI NÓI: SẮC THÂN CỤ TÚC KHÔNG PHẢI SẮC THÂN CỤ TÚC, GỌI LÀ SẮC THÂN CỤ TÚC, VẬY THÔI.

_ TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? CÓ THỂ TRÔNG VÀO CÁC TƯỚNG CỤ TÚC CHO LÀ THẤY NHƯ LAI KHÔNG?

_ BẠCH THẾ TÔN! KHÔNG. KHÔNG THỂ TRÔNG VÀO CÁC TƯỚNG CỤ TÚC CHO LÀ THẤY NHƯ LAI ĐƯỢC. VÌ SAO? VÌ NHƯ LAI NÓI: CÁC TƯỚNG CỤ TÚC, KHÔNG PHẢI CỤ TÚC, GỌI LÀ CÁC TƯỚNG CỤ TÚC, VẬY THÔI.

TRỰC CHỈ

Thân cụ túc là thân đầy đủ lục căn. Đó là thân cấu tạo hình thành do tứ đại ngũ uẩn. Người đời ai cũng có thân ngũ uẩn tứ đại. Nếu thân cụ túc là Như Lai thì mọi người trên mặt đất đều Như Lai cả hay sao? CỤ TÚC SẮC THÂN, NHƯ LAI THUYẾT: TỨC PHI CỤ TÚC SẮC THÂN, THỊ DANH CỤ TÚC SẮC THÂN. Thân cụ túc Như Lai đã phủ định giá trị của nó, thì không thể nào thân đó là Như Lai được.

Chiêm ngưỡng Như Lai qua sắc thân cụ túc đã không đích thực, nhìn thấy Như Lai qua CHƯ TƯỚNG CỤ TÚC cũng không đáng tin cậy. 32 tướng là do các nhà tướng số Ấn Độ đề ra, 32 tướng không phải là tiêu chuẩn của một vị Phật. Tuy nhiên, khi vận dụng "Thế giới tất đàn" thỉnh thoảng Phật có đề cập vấn đề 32 tướng tốt: rằng đó biểu hiện người có phước, là tướng của bậc đại nhân. Các Chuyển Luân Thánh Vương là người cũng có được những tướng tốt đó.

Do đó, phải hiểu Như Lai qua sự giải thoát giác ngộ, Phật chất ở bên trong. Đừng nhìn Như Lai qua sắc thân cụ túc có 32 tướng tốt. Như Lai đã phủ định các tướng cụ túc, cũng như từng phủ định sắc thân cụ túc vậy.

*****


XX. NĂNG SỞ SONG VONG, NẾU NÓI NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP LÀ PHỈ BÁNG PHẬT.

TU BỒ ĐỀ! ÔNG ĐỪNG CHO RẰNG NHƯ LAI CÓ Ý NGHĨ: NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP. NẾU NGƯỜI NÀO NÓI NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP LÀ HỦY BÁNG PHẬT. NGƯỜI ĐÓ KHÔNG HIỂU NHỮNG GÌ NHƯ LAI NÓI. TU BỒ ĐỀ! NÓI LÀ THUYẾT PHÁP, THẬT RA KHÔNG CÓ PHÁP KHẢ THUYẾT, GỌI LÀ THUYẾT PHÁP, VẬY THÔI.

_ BẠCH THẾ TÔN! CHỪNG CÓ CHÚNG SANH TRONG VỊ LAI, NGHE NÓI PHÁP NÀY SANH LÒNG TIN NHẬN NỔI CHĂNG?

_ TU BỒ ĐỀ! HỌ KHÔNG LÀ CHÚNG SANH, MÀ CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CHÚNG SANH, VÌ SAO? VÌ CHÚNG SANH MÀ GỌI CHÚNG SANH, NHƯ LAI NÓI KHÔNG PHẢI CHÚNG SANH, GỌI LÀ CHÚNG SANH, VẬY THÔI.

TRỰC CHỈ

NĂNG, SỞ. Người học Phật nên hiểu kỹ ý nghĩa của hai từ này. Học Phật lờ mờ ý nghĩa NĂNG, SỞ, khó mà hiểu được giáo điển. Người tu theo đạo Phật, vướng vào cái chấp NĂNG, SỞ tai hại như vướng vào bệnh tứ tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mệnh.

Năng sở là dị dạng của tứ tướng. NĂNG THUYẾT là TÔI. SỞ THÍNH là ANH. NĂNG THUYẾT là PHẬT, SỞ THUYẾT là PHÁP. Chủ thể và đối tượng đối lập rõ ràng.

Một Bồ tát, còn có tướng NĂNG, SỞ, vẫn không là Bồ tát thực. Cho rằng Như Lai có thuyết pháp, hóa ra Như Lai chưa rời cái chấp NĂNG, SỞ. Thế không phỉ báng Như Lai là gì?

Vả lại, pháp Như Lai nói không phải pháp của Như Lai. Như Lai chỉ nói lên sự thật của cuộc đời, sự thật của hiện tượng vạn hữu: rằng các pháp sanh như vậy, trụ như vậy, dị như vậy và diệt như vậy. Pháp tướng như vậy sanh ra thiện pháp, Pháp tướng như vậy sanh ra ác pháp....Đấy là khổ, đấy là nguyên nhân của khổ, đấy là Niết bàn, đấy là nguyên nhân của Niết bàn...Những sự thật đó, không có pháp nào Phật tự đặt bày ra. Phật chỉ là người, một con người giác ngộ, nhận rõ chân lý, hướng dẫn cho mọi người một nếp sống an vui lành mạnh, nhịp nhàng cùng sức sống của vũ trụ vạn hữu thiên nhiên. Do đó, Như Lai nói: RẰNG THUYẾT PHÁP, MÀ KHÔNG CÓ THUYẾT PHÁP GÌ.

Ông Tu Bồ Đề sợ giáo lý quá cao sâu, có thể chúng sanh đời sau nghe không nhận nổi. Phật cho đó là cái lo không cần thiết. Vì trong một chúng sanh, vừa có chúng sanh, vừa có chẳng phải chúng sanh. Hễ mê là chúng sanh. Giác là Phật. Đừng sanh tâm khinh rẽ chúng sanh mà có tội. Hãy tin tưởng, đời sau vẫn có bậc trí giả nhận hiểu và phát tâm ham mộ.

(Bỉ phi chúng sanh, phi bất chúng sanh , chúng sanh giả, Như Lai thuyết tức phi chúng sanh, thị danh chúng sanh).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]