Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6 - 10

03/05/201320:00(Xem: 12758)
6 - 10
Bát Nhã Ba La Mật Kinh


6 - 10

Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông

VI. VẤN ĐỀ THÀNH PHẬT VÀ THUYẾT PHÁP CỦA MỘT NHƯ LAI

PHẬT BẢO ÔNG TU BỒ ĐỀ: Ý ÔNG NGHĨ SAO? NHƯ LAI CÓ CHỨNG QUẢ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC CHĂNG? NHƯ LAI CÓ THUYẾT PHÁP CHĂNG?

ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA: BẠCH THẾ TÔN! NHƯ CON HIỂU Ý NGHĨA CỦA PHẬT NÓI, KHÔNG CÓ PHÁP CỐ ĐỊNH NÀO GỌI LÀ VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC VÀ NHƯ LAI CŨNG CHẲNG NÓI PHÁP NÀO CỐ ĐỊNH. VÌ VẬY PHÁP NHƯ LAI NÓI RA KHÔNG NÊN KHƯ KHƯ CHẤP THỦ, CŨNG KHÔNG NÊN PHÊ PHÁN HỜI HỢT: RẰNG PHÁP NẦY ĐÚNG, PHÁP NỌ KHÔNG ĐÚNG. VÌ SAO? VÌ NHƯ LAI CHỈ THUYẾT MỘT THỨ GIÁO PHÁP MÀ NGƯỜI THÌ NGHE CHỨNG ĐƯỢC QUẢ THÁNH, LẠI CŨNG CÓ KẺ CHỈ CHỨNG ĐẾN BẬC HIỀN.

TRỰC CHỈ

Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là quả vị Phật, quả vị của một Như Lai. Thế mà ở đây, Phật lại hỏi ông Tu Bồ Đề: "Như Lai có chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không?". Đấy là câu hỏi kỳ lạ bất bình thường. Đặt vấn đề đúng, giải thích đúng câu hỏi đó, thì nên mừng rằng mình đã nếm được hương vị của Bát Nhã Ba La Mật, đã phá vỡ cái vỏ tri thức, vượt ra cái khung lồng kiến giải tầm thường về Như Lai, Phật. Thật ra, vấn đề không phải phức tạp khó khăn nhiều, chỉ cần sự nhận thức tư duy trong sáng, dám lột bỏ chiếc áo thần tượng thiêng liêng do cảm tình thấp kém, người ta đã khoác lên cho Đức Phật, cho các bậc Như Lai, thì ta sẽ thấy rỏ vấn đề.

GIÁC đối với MÊ, nếu không có MÊ thì cũng không có GIÁC. PHẬT là đối với CHÚNG SANH, nếu không có CHÚNG SANH thì không có PHẬT. VÔ THƯỢNG là đối với HỮU THƯỢNG, nếu không có HỮU THƯỢNG thì VÔ THƯỢNG bất thành. Phật thì sống theo giác tánh, sống đúng giác tánh, sống hợp giác tánh. Bất cứ ai sống theo giác tánh, đúng giác tánh, hợp giác tánh gọi là người giác ngộ, người tỉnh thức, là Phật. Trình độ giác ngộ của Phật, là trình độ giác ngộ tuyệt đỉnh cao của trí tuệ, không còn mức độ nào trên, cho nên gọi là VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC: Bậc Chánh Giác VÔ THƯỢNG, trong những người chánh giác. Thế thôi!

MÊ là chúng sanh. Tuy nhiên, chúng sanh cũng có giác tánh như Phật. Song, chúng sanh sống trái giác tánh, sống ngược và sống sai giác tánh, nên gọi người mê. Mê là người có nhiều tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siễm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, điệu cữ, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Chúng sanh là thế đấy!

Qua nhận thức đó, ta thấy Như Lai chẳng có CHỨNG ĐẮC gì.

Phật là người. Chúng sanh cũng là người. Phật có giác tánh, chúng sanh cũng có giác tánh. Chỉ khác nhau ở chỗ:

Phật thì sống theo, sống hợp, sống đúng giác tánh. Còn chúng sanh thì sống trái, sống sai, sống ngược giác tánh, mà thôi.

Bởi lẽ đó, trên bước đường tu tập, người đệ tử Phật chơn chính, không nên có ý mong cầu CHỨNG ĐẮC. Bởi vì quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không phải cái ở ngoài ta. Lại cũng không phải do ai cho mới có. Cầu CHỨNG ĐẮC PHẬT QUẢ bên ngoài, vô tình ta xua đuổi mất ông Phật thật, ông Phật thường trú của chính ta!

Pháp Phật là bất định pháp. Khư khư chấp cố định một pháp nào là không hiểu Phật, là kẻ vu oan giá họa Phật.

Pháp tà bỏ đi đã đành, pháp chánh cũng không được khư khư bảo thủ. Mà có lúc cần phải bỏ nốt nó đi. Một thầy thuốc đại tài không bao giờ tuyên bố một "diệu dược thần phương" nào cố định. Phật là "vô thượng y vương" luôn luôn gia giảm phương thang pháp dược, tùy đối tượng, tùy tâm bệnh của mỗi người mà cắt thuốc. Ta hãy học tập cái nhìn Phật pháp qua nhận thức của các bậc tiền bối như sau:

"Lãm ngũ thời bát giáo, kỹ cương kinh luật luận, chân tam muội hải".

"Chiếu thất đại tứ khoa, khai hợp văn tư tu đệ nhất nghĩa thiên".

Phải hiểu Phật pháp bằng tri kiến bao quát suốt thông, ta mới sử dụng pháp dược đúng yêu cầu của chúng sanh tâm bịnh.

Sở dĩ Phật phủ nhận sự thuyết pháp của mình, nhằm ngăn ngừa những tư tưởng chấp mắc, bảo thủ ở pháp Như Lai nói. Cùng hấp thụ nước của một trận mưa mà cỏ cây lùm rừng sanh trưởng khác nhau. Phật nói một thứ VÔ VI PHÁP, nghe ra có kẻ chứng THÁNH, còn người chỉ chứng đến bậc HIỀN. Đó không phải: PHẬT PHÁP BẤT ĐỊNH PHÁP là gì! "Thuyết pháp giả vô pháp khả thuyết". Gọi là thuyết pháp mà Như Lai chẳng nói pháp gì, Phật sẽ dạy rõ ở một chương sau.

*****


VII. ĐỆ TỬ PHẬT PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CÓ ĐƯỢC PHƯỚC ĐỨC NHIỀU?

PHẬT BẢO: NẦY TU BỒ ĐỀ! GIẢ NHƯ CÓ NGƯỜI ĐEM THẤT BẢO ĐẦY TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, ĐỂ LÀM VIỆC BỐ THÍ, VẬY PHƯỚC ĐỨC CỦA NGƯỜI ĐÓ CÓ NHIỀU CHĂNG?

_ BẠCH THẾ TÔN: RẤT NHIỀU. ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA, NHƯNG PHẢI HIỂU ĐÚNG LỜI NHƯ LAI DẠY: KHÔNG NÊN CHẤP PHƯỚC ĐỨC CÓ TỰ TÁNH. NẾU KHÔNG CHẤP PHƯỚC ĐỨC CÓ TỰ TÁNH, NHƯ LAI NÓI PHƯỚC ĐỨC NHIỀU.

PHẬT BẢO: ĐỐI VỚI KINH NẦY, CÓ NGƯỜI THỌ TRÌ, NẾU KHÔNG ĐƯỢC NHIỀU THÌ CHỪNG BỐN CÂU KỆ, RỒI GIẢNG NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE, PHƯỚC ĐỨC CỦA NGƯỜI NẦY NHIỀU HƠN NGƯỜI LÀM VIỆC BỐ THÍ TRƯỚC.

TU BỒ ĐỀ! TẤT CẢ CHƯ PHẬT VÀ PHÁP VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC CỦA CHƯ PHẬT, ĐỀU TỪ KINH NẦY RA.

NẦY! TU BỒ ĐỀ! GỌI LÀ PHẬT PHÁP MÀ KHÔNG PHẢI PHẬT PHÁP!

TRỰC CHỈ

* Người đời thường gọi phước đức, nhưng nào ai thấy được phước đức là gì. Phước đức là một danh ngôn trừu tượng. Người ta chỉ có thể khái niệm về phước đức qua cuộc sống hàng ngày. Đại để: Sự bình an, vui tươi, khỏe mạnh, sự êm đẹp, may mắn của đời sống con người. Nếu có người hỏi: Phước đức là gì? Người ta sẽ lúng túng và thấy rằng phước đức không là gì cả. Nó không có kích thước, dung lượng, không thể tích trọng lực, không màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng....Tóm lại: phước đức không có tự thể. Thế nên, người trí làm việc phước đức mà không chấp phước đức, Như Lai mới nói là phước đức nhiều.

Trong vô lượng pháp môn tu, ta tìm xét: Phước đức không phải bất sát, bất đạo, bất dâm, bất vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, bất tham, bất sân, bất vô minh. Phước đức cũng không phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đó là ý nghĩa phước đức bất tức (không là). Nhưng người đệ tử Phật, cũng nên nhớ rỏ rằng: Ngoài những việc tu sửa thân tâm nói trên, không có điều kiện làm nên phước đức. Đó là nghĩa phước đức bất ly (là). Vậy, phước đức nhiều, có nghĩa là người Phật tử phải sống phù hợp với tự tâm thanh tịnh, sống đúng thật tướng Bát Nhã của mình. Như Lai nói đó là người được phước đức nhiều.

Bố thí thất bảo...phước đức đã nhiều. Thọ trì đọc tụng giảng nói kinh Bát Nhã Ba La Mật, phước đức lại nhiều hơn. Vì sao? Vì người tu học, truyền bá kinh Bát Nhã Ba La Mật là mầm tược cây trí tuệ đã sanh sôi, phát triển mạnh. Họ gần đạt đến mục tiêu hái được hoa trái GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT hoàn toàn mỹ mãn rồi vậy!

Không có Bát Nhã Ba La Mật, là mê mờ, gọi là chúng phàm phu. Có Bát Nhã Ba La Mật, không bao lâu đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do nghĩa đó, Bát Nhã Ba La Mật là kinh sản sanh ra chư Phật và pháp của chư Phật.

* Nói rằng Phật pháp, người trí không cho là cái gì xa lạ và kinh khiếp gớm ghê. Phật vốn là một con người như tất cả con người. Pháp của Phật, cũng chẳng phải cái gì huyền bí xa xăm. Pháp chẳng phải là một thứ sở hữu riêng của một đức Phật. Pháp Phật nói ra đều nhằm chỉ bày sự thật của hiện tượng vạn hữu. Hiện tượng vạn hữu (pháp) là của chung, mọi người đều có quyền biết, có quyền sống đúng theo quy luật của sự thật hiện hữu, của vạn pháp, và mọi người đều có quyền thừa hưởng một đời sống an lành, hạnh phúc trong sự nghiệp giải thoát giác ngộ của chính mình.

Thế nên, nói rằng: Phật Pháp, kỳ thật chẳng phải PHÁP RIÊNG CỦA PHẬT.

*****


VIII. VẤN ĐỀ CHỨNG ĐẮC TRONG ĐẠO PHẬT, NGƯỜI PHẬT TỬ PHẢI HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? NHỮNG NGƯỜI CHỨNG ĐẮC TỨ QUẢ THANH VĂN, CÓ THỂ NGHĨ RẰNG CHÍNH MÌNH ĐÃ CHỨNG ĐƯỢC TỨ QUẢ THANH VĂN CHĂNG?

ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA: KHÔNG THỂ, THEO CON HIỂU

_ TU ĐÀ HOÀN LÀ ĐƯỢC QUẢ NHẬP LƯU, NHƯNG THỰC RA KHÔNG NHẬP VÀO ĐÂU CẢ. TẠI VÌ KHÔNG NHẬP, KHÔNG DÍNH MẮC VỚI SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP GỌI LÀ TU ĐÀ HOÀN.

_ TƯ ĐÀ HÀM LÀ NGƯỜI ĐƯỢC QUẢ NHẤT LAI, NHƯNG THẬT RA CHẲNG THẤY CÓ VÃNG LAI, NÊN GỌI LÀ TƯ ĐÀ HÀM.

_ A NA HÀM LÀ NGƯỜI ĐƯỢC QUẢ BẤT LAI, MÀ KHÔNG THẤY CÓ TƯỚNG BẤT LAI, NÊN GỌI LÀ A NA HÀM.

BẠCH THẾ TÔN! GỌI LÀ A LA HỚN, KỲ THỰC CHẲNG CÓ CÁI CHI LÀ A LA HỚN CẢ. BẠCH THẾ TÔN! NẾU CÓ VỊ A LA HỚN NGHĨ RẰNG: TÔI ĐƯỢC QUẢ A LA HỚN THÌ MẮC VÀO BỐN TƯỚNG CHẤP: NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH VÀ THỌ MỆNH, THẾ THÌ KHÔNG CÒN ĐƯỢC GỌI LÀ A LA HỚN NỮA.

BẠCH THẾ TÔN! PHẬT ĐÃ KHEN: RẰNG TU BỒ ĐỀ ĐƯỢC VÔ TRÁNH TAM MUỘI, LÀ NGƯỜI BẬC NHẤT, LÀ A LA HỚN LY DỤC ĐỨNG ĐẦU.

BẠCH THẾ TÔN! NẾU CON CÓ Ý NGHĨ: RẰNG CON ĐƯỢC QUẢ A LA HỚN THÌ THẾ TÔN ĐÃ HẲN CHẲNG KHEN: TU BỒ ĐỀ LÀ CON NGƯỜI ƯA HẠNH TỊCH TỊNH. DO VÌ CON KHÔNG MÓNG NIỆM CHẤP MẮC, THẾ TÔN MỚI KHEN: TU BỒ ĐỀ LÀ CON NGƯỜI ƯA HẠNH TỊCH TỊNH.

TRỰC CHỈ

* Vấn đề chứng đắc là phương tiện giả lập danh ngôn. Hành giả chân chính không bao giờ để tâm ước mong chứng đắc. Uớc mong chứng đắc và xem sự chứng đắc như một chức tước, phẩm trật thụ phong là một sự sai lầm trầm trọng đáng thương. Người đó vĩnh viễn ở ngoài lề Phật pháp. Phải hiểu rằng: Tất cả quả vị từ thấp tới cao là do sự giác ngộ chân lý, giải thoát vô minh phiền não trọn vẹn hay chưa của hành giả mà ước định. Không một đấng tha nhân, một thế lực siêu nhiên nào có quyền ân sủng ban cho hay thương tình phong tặng. Sự giải thoát giác ngộ đến mức độ nào, tùy thuộc sự nhận thức của hành giả đối với: Vô minh, hoặc lậu và công dụng hóa giải, đấu tranh, giữa hai lực lượng GIÁC và MÊ của thâm tâm mình trong cuộc sống hằng ngày. Theo Phật học: Mâu thuẩn cơ bản và cũng là mâu thuẩn đối kháng giữa triền phược và giải thoát, giữa giác ngộ và mê mờ của hành giả, được thể hiện qua ba tầng hoặc lậu. Đó là những đối tượng cần được hóa giải và đấu tranh của một hành giả phát tâm đi con đường Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Những hoặc Lậu đó là:

1. HOẶC KIẾN, TƯ: Hoặc nầy ràng buộc chúng hữu tình trôi lăn trong tam giới, lên xuống ở sáu đường (hoặc giới nội). Gọi là hoặc KIẾN TƯ cho nên có:

A. Kiến hoặc: Kiến hoặc là sự sai lầm về nhận thức, hoặc nầy gồm có:

1. Thân kiến
2. Biên kiến
3. Tà kiến
4. Kiến thủ kiến
5. Giới cấm thủ kiến


B. Tư hoặc: Đây là sự sai lầm cả nhận thức lẫn hành động, gồm có:


1. Tham
2. Sân
3. Si
4. Mạn
5. Nghi
6. Ác kiến

2. HOẶC TRẦN SA: Hoặc trần sa che chướng chân lý, làm cho năng lực giác ngộ bị kềm hãm, sự giáo hóa chúng sanh bị hạn chế tiêu cực. Những người đã được ra ngoài ba cõi, vẫn còn bị tác động bởi hoặc nầy. Còn hoặc trần sa, chưa hóa giải hết, địa vị chỉ đến A La Hớn quả và Bích chi Phật của nhị thừa. Khác với hoặc kiến tư, hoặc trần sa không biểu hiện một trạng thái cụ thể nhất định nào ở chủ quan nội tại. Nó là hậu quả của sự nhận thức chân lý chưa hoàn thiện. Vì nó cũng chỉ là thứ hoặc lậu vốn dĩ hư huyễn của tha nhân. Nói một cách dễ hiểu: Đối với chân lý, người nhị thừa chỉ nhận thức ước độ 60 phần trăm. Do trần sa hoặc che chướng mất đi 40 phần trăm chân lý còn lại.

3. VÔ MINH HOẶC: So với hoặc trần sa của người nhị thừa, hoặc vô minh che chướng một phần vi tế đối với chân lý. Hoặc vô minh làm hạn chế một phần nhỏ sự giác ngộ chân lý của Bồ tát. Nó chỉ có thể làm cho Bồ tát còn một chút ngần ngại bước tiến của mình trên đường đến đích: Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tóm lại, vấn đề chứng đắc quả vị chỉ là sự ước định cái năng lực hóa giải đấu tranh, diệt trừ hoặc chướng trên đường tu tập từ phàm phu đến Phật quả. Nó chỉ được xem như những trụ số ghi dấu trên đường dài. Người trí đi đường chỉ cần đến đích, không lưu luyến quẩn quanh ở nơi trụ số, lưu luyến trụ số, không thể tiến đến xa hơn. Hành giả Phật tử chấp mê tham luyến quả vị là phạm phải sai lầm nghiêm trọng, bước tiến sẽ bị chận đứng trên đường giác ngộ giải thoát. Vướng mắc vào quả vị cũng tức là vướng mắc: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mệnh. Vướng mắc vào chứng đắc, cũng tức là vướng mắc bốn chứng bịnh trầm kha: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mệnh. Đã vướng mắc rồi, tinh tấn bao nhiêu, có khổ công khổ hạnh thế nào, cũng chỉ là người mò trăng đáy nước, nấu cát mong được thành cơm! Không có ngày hiện thực.

Vấn đề chứng đắc, người đệ tử Phật nên thận trọng, lưu tâm!

*****


IX. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRANG NGHIÊM CHO MÌNH MỘT CÕI PHẬT

PHẬT BẢO ÔNG TU BỒ ĐỀ: ÔNG HIỂU THẾ NÀO? TRONG THỜI PHẬT NHIÊN ĐĂNG XA XƯA, ĐỐI VỚI PHẬT PHÁP LÚC BẤY GIỜ, NHƯ LAI CÓ CHỨNG ĐẮC GÌ KHÔNG?

_ BẠCH THẾ TÔN: KHÔNG, Ở THỜI PHẬT NHIÊN ĐĂNG, NHƯ LAI KHÔNG ĐẮC MỘT PHÁP GÌ.

_ TU BỒ ĐỀ! ÔNG HIỂU THẾ NÀO? BỒ TÁT CÓ THỂ TRANG NGHIÊM CHO MÌNH MỘT CÕI PHẬT KHÔNG?

_ BẠCH THẾ TÔN: KHÔNG, VÌ SAO? VÌ GỌI RẰNG TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT, NHƯNG THỰC RA KHÔNG CÓ TRANG NGHIÊM MÀ GỌI TRANG NGHIÊM VẬY THÔI.

_ ĐÚNG VẬY, TU BỒ ĐỀ! CÁC ĐẠI BỒ TÁT NÊN SANH TÂM TRONG SẠCH NHƯ THẾ. KHÔNG NÊN SANH TÂM TRỤ CHẤP NƠI SẮC, KHÔNG NÊN SANH TÂM TRỤ CHẤP NƠI THANH, NƠI HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP, NÊN SANH TÂM VÔ SỞ TRỤ.

TU BỒ ĐỀ! VÍ NHƯ CÓ NGƯỜI THÂN LỚN NHƯ NÚI CHÚA TU DI, ÔNG NGHĨ THẾ NÀO? THÂN NGƯỜI ĐÓ CÓ LỚN KHÔNG?

_ BẠCH THẾ TÔN: RẤT LỚN. VÌ SAO? VÌ THEO LỜI PHẬT: SỰ TO LỚN ĐÓ, PHẢI ĐƯỢC HIỂU LÀ TƯƠNG ĐỐI LỚN VÀ ĐỪNG CHẤP LỚN THÌ ĐƯỢC GỌI LÀ RẤT LỚN.

TRỰC CHỈ

* Nếu hiểu được phẩm NHƯ LAI THỌ LƯỢNG ở kinh Pháp Hoa, ta sẽ thấy rõ thêm nghĩa NHƯ LAI ở kinh Bát Nhã nầy: Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ. Như Lai là cái bản thể chân như, bất tăng bất giảm, bất diệt bất sanh. Đến không chỗ từ, đi không chỗ tới: Như Lai vô thỉ vô chung. Hiểu như vậy rồi, thì Như Lai hiện tại hay Như Lai ở thời Phật Nhiên Đăng xa xưa, cũng chẳng có gì gọi là CHỨNG ĐẮC. Hiểu đúng chánh pháp, qua lăng kính Bát Nhã Ba La Mật: Từ bạc địa phàm phu, tiến lên quả vị Phật, trải qua bao giai đoạn biến dịch sanh tử, bất tư nghì, hãy còn không được gọi là CHỨNG ĐẮC, huống hồ địa vị một Như Lai! Mê thì vô minh phiền não tác động hoành hành gọi là phàm phu chúng sanh. Giác thì vô minh phiền não tự tan biến hết. Có giải thoát, giác ngộ thì gọi là Như Lai, Phật. Thế nên, biết rằng, xưa kia cũng như hiện nay, Như Lai nào có CHỨNG ĐẮC Phật pháp gì đâu!

Vấn đề, trang nghiêm cõi Phật, cần có chất liệu gì?

Bồ tát trang nghiêm một cõi Phật tôn nghiêm, để khi thành Phật, mình có một cõi nước bằng thất bảo đẹp đẽ huy hoàng như cõi nước chư Phật mười phương, được kinh điển mô tả. Muốn trang nghiêm cõi Phật, là nguyện vọng chánh đáng, Phật không cấm đoán quở rầy. Vấn đề là ở chỗ: phải biết lấy chất liệu gì để trang nghiêm xây dựng.

Đem vàng ròng cúng chùa, xây cất trai đường, tăng xá, để ngày thành Phật mình có cõi nước Phật bằng vàng ròng ư? - Không được.

Đem bạc lát nền chùa, đem vàng đúc tượng Phật, tạo khánh ngọc, chuông vàng, để sau này thành Phật, có được cõi Phật bằng vàng bạc kim cương châu báu ư? - Không phải

Đem tất cả của cải quý giá cúng chùa, khắc tên họ vào bia đồng, bảng đá trước điện Phật, nhờ chư tăng chú nguyện hồi hướng công đức cho, để sau nầy thành Phật, mình sẽ có cõi nước toàn những thứ quý giá lộng lẫy ấy ư? - Mê tín lắm!

Nếu có những ý nghĩ trên, thật rất ngây thơ. Đem cái nhân vật chất hữu vi, trang nghiêm xây dựng để mong cầu cái quả giải thoát giác ngộ vô vi, vĩnh viễn trong tương lai không có ngày hiện thực.

Theo giáo lý Bát Nhã Ba La Mật, mọi người có khả năng trang nghiêm cho mình một cõi Phật mà không cần khởi tâm dụng ý trang nghiêm. Tùy khả năng hoàn cảnh thích hợp với mình, hành giả có thể thực hành từng phần hay toàn phần những pháp môn sau đây:

1. QUÁN TỨ NIỆM XỨ
Quán thân bất tịnh.
Quán thọ thị khổ.
Quán tâm vô thường.
Quán pháp vô ngã.

2. TU TỨ CHÁNH CẦN

Việc thiện chưa sanh siêng năng kích khởi.
Việc thiện đã sanh siêng năng phát triển.
Việc ác chưa sanh siêng năng ngăn chận.
Việc ác đã sanh cương quyết dứt trừ.

3. ĐỀ KHỞI TỨ NHƯ Ý TÚC

Dục

Tinh Tấn

3. Hỷ

Nhất tâm.

4. KÍCH KHỞI NGŨ CĂN

Tín
Tấn
Niệm
Định
Tuệ.

5. PHÁT TRIỂN NGŨ LỰC

Tín
Tấn
Niệm
Định
Tuệ

6. TƯ DUY THẤT BỒ ĐỀ PHẦN

Trạch pháp
Tinh tấn
Hỷ
Khinh an
Niệm
Định
Xả

7. THỰC HÀNH BÁT CHÁNH ĐẠO

Chánh kiến
Chánh tư duy
Chánh ngữ
Chánh nghiệp
Chánh mệnh
Chánh tinh tấn
Chánh niệm
Chánh định

8. VẬN DỤNG TỨ NHIẾP PHÁP

Bố thí
Ái ngữ
Lợi hành
Đồng sự

9. THỂ NHẬP LỤC ĐỘ TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY

Bố thí
Trì giới
Nhẫn nhục
Tinh tấn
Thiền định
Trí tuệ

Thực hiện những điều trên hành giả sẽ có cõi Phật TRANG NGHIÊM mà không cần chất liệu: kim, ngân...thất bảo để trang nghiêm xây dựng. Đó là thâm nghĩa của câu: TRANG NGHIÊM PHẬT ĐỘ GIẢ, TỨC PHI TRANG NGHIÊM, THỊ DANH TRANG NGHIÊM: gọi là trang nghiêm cho mình một cõi Phật, kỳ thật chẳng có trang nghiêm gì!

Vấn đề nhiều ít lớn nhỏ cũng vậy. Hành giả Bát Nhã Ba La Mật luôn luôn trong tỉnh giác, cho nên khi nhận thức một sự vật, có phân biệt lớn, nhỏ. Rất lớn hay rất nhỏ. Nhưng hành giả hiểu rằng: lớn là lớn đối với cái nhỏ. Rất lớn là lớn đối với cái khá to. Cho nên dù là rất lớn, nhưng cái lớn đó phải hiểu là cái lớn trong vòng tương đối: hiểu như vậy, Bồ tát sanh tâm VÔ SỞ TRỤ. Vì TRỤ thì tự khắc đã sai lầm. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng thế. Chúng là đối tượng của lục căn, là pháp nhân duyên sanh khởi. Hãy nhìn sự vật hiện tượng bằng Bát Nhã Ba La Mật và luôn luôn thức tỉnh: ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM

*****


X. NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CÓ ĐƯỢC PHƯỚC ĐỨC NHIỀU?

ĐỨC PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! ÔNG HÃY TƯỞNG TƯỢNG: NẾU SỐ SÔNG HẰNG NHIỀU BẰNG SỐ CÁT CỦA SÔNG HẰNG THÌ SỐ SÔNG HẰNG ĐÃ LÀ NHIỀU VÔ SỐ KỂ. NÓI ĐẾN SỐ CÁT CỦA NHỮNG SÔNG HẰNG KIA QUẢ LÀ VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN, VƯỢT NGOÀI CON SỐ TÍNH TOÁN SUY LƯỜNG.

TU BỒ ĐỀ! NHƯ LAI NÓI THẬT CHO ÔNG BIẾT: NẾU CÓ THIỆN NAM THIỆN NỮ NÀO ĐEM THẤT BẢO CHỨA ĐẦY CÕI TAM THIÊN ĐẠI THIÊN VÀ NHIỀU BẰNG SỐ CÁT CỦA NHỮNG SÔNG HẰNG KIA DÙNG LÀM VIỆC BỐ THÍ, NGƯỜI NẦY ĐƯỢC PHƯỚC RẤT NHIỀU.

NHƯNG NẦY! TU BỒ ĐỀ! NẾU CÓ THIỆN NAM THIỆN NỮ NÀO THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT, RỒI GIẢNG NÓI CHO NGƯỜI KHÁC NGHE, NẾU KHÔNG ĐƯỢC NHIỀU THÌ CHỪNG BÀI KỆ BỐN CÂU, PHƯỚC ĐỨC CỦA NGƯỜI NẦY NHIỀU HƠN NGƯỜI BỐ THÍ CỦA CẢI TRƯỚC.

TRỰC CHỈ

Nỗi thống khổ của con người có nhiều dạng khác nhau, nhưng chung quy có hai thứ: khổ thân và khổ tâm.

Giúp cho người bớt khổ thân thì giúp cho của cải vật chất.

Giúp cho con người hết khổ tâm thì giúp cho sự hiểu biết chân lý, thông qua giáo pháp Phật. Giúp cho của cải vật chất đem lại sự an vui hiện tại trong cuộc sống gia đình. Giúp cho giáo pháp Phật hiểu biết chân lý sẽ đem lại an vui giải thoát giác ngộ cho hiện tại và tương lai. Theo giáo lý Phật, hành vi của cuộc sống hiện tại, ảnh hưởng sự vui khổ của con người trong hiện tại cả tương lai. Vật chất vĩnh viễn tồn tại khách quan trong quá trình vận động sinh diệt, diệt sinh của nó. Con người là một dạng vật chất, ngũ uẩn hợp thành, con người cũng vĩnh viễn tồn tại, cũng theo quá trình vận động sinh diệt, diệt sinh. Nhưng con người khác vạn vật ở chỗ con người có tạo tác hành vi. Hành vi tạo tác thiện ác của con người sẽ là một dẫn lực hấp dẫn con người đến hậu quả an vui hay sầu khổ.

Nghiệp nhân (hành vi) thiện ác, quả báo khổ vui hấp thụ nhau trong định luật "Đồng khí tương cầu" "Đồng thanh tương ứng". Theo giáo lý Phật, vạn tượng vật chất và con người vật chất cùng có chung một bản tánh chơn như. Tánh chơn như tác động vào vạn tượng vật chất gọi là Pháp tánh. Tánh chơn như tác động vào con người vật chất gọi là Phật tánh. Tánh chơn như duy thức học còn gọi là tánh THẮNG NGHĨA là THỰC TÁNH DUY THỨC.

Duy thức luận nói:

"Thử chư Pháp thắng nghĩa.
"Diệt túc thị chơn như
"Thường như kỳ tánh cố
"Tức duy thức thực tánh."

Giúp cho của cải vật chất dù nhiều vô lượng vô biên, nhưng sự giúp đỡ đó chỉ trừ được khổ thân cho con người trong giai đoạn. Với giáo lý Phật, nếu con người chỉ biết hưởng thụ dục lạc cho thỏa mãn hả hê trong hiện tại mà không gieo hạt giống lành, trồng nhơn tốt là một thiếu sót lớn lao. Theo giáo lý Phật, chết không có nghĩa là đoạn diệt. Cũng như vật chất có hư hoại nhưng hư hoại không có nghĩa là vĩnh viễn tiêu ma.

Hướng dẫn cho nhiều người nghe học Bát Nhã Ba La Mật là gieo vào lòng người ta hạt giống Bồ đề, Niết bàn để có ngày đơm bông kết trái. Thế nên, phước đức của người làm việc bố thí của cải không thể sánh bằng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567