Bát Nhã Ba La Mật Kinh
1 - 5
Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông
Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông
I. BỐI CẢNH THỜI PHÁP BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA ÔNG A NAN TRẦN THUẬT:
MỘT HÔM NỌ, ĐỨC PHẬT Ở TRONG VƯỜN KỲ THỌ CẤP CÔ ĐỘC, TẠI NƯỚC XÁ VỆ CÙNG VỚI SỐ CHÚNG ĐẠI TỲ KHEO 1250 NGƯỜI CÂU HỘI. LÚC GẦN ĐẾN GIỜ ĂN, ĐỨC THẾ TÔN MANG BÁT VÀO ĐẠI THÀNH THỨ LỚP KHẤT THỰC. KHI TRỞ VỀ TỊNH XÁ, DÙNG CƠM XONG, CẤT BÁT THAY Y, SAU ĐÓ ĐỨC PHẬT RỬA CHÂN VÀ TRẢI TỌA CỤ MÀ NGỒI.
TRỰC CHỈ
Bát Nhã Ba La Mật là thứ trí tuệ rốt ráo. Sử dụng thứ trí tuệ nầy, người ta sẽ thấy nó vượt ngoài tập quán lễ nghi có tính cách hình thức rườm rà. Cho nên, đức Phật nói thời Pháp Bát Nhã Ba La Mật trong một bối cảnh thời gian không gian thật là giản dị.
Thành tựu Bát Nhã Ba La Mật, đời sống của một bậc Thế Tôn, giống y như mọi người không có gì cách ngăn, lập dị: Ăn cơm rồi, cất bát, đổi y, rửa chân rồi trải tọa cụ ra ngồi. Hành động đó, với nhãn quan của phàm phu ham danh hiếu vị, họ thấy Như Lai Thế Tôn chỉ là một người tầm thường. Nhưng với nhãn quan của người đạt đạo, thì đó là biểu hiện của Bát Nhã Ba La Mật, thể hiện qua nếp sống của một Như Lai.
Với tâm hồn đạt đạo, một thiền sư cũng đã thấy và nói:
"...Nhậm vạn trước y thường
Tùy duyên trừ cựu nghiệp"
Chuyện tu hành như chuyện mặc áo thay xiêm. Sự đạt đạo giống như việc ăn cơm uống nước. Đang tắm biết mình đang tắm, uống trà biết mình uống trà, trải chiếu ngồi biết mình đang trải chiếu ngồi, nhìn ngắm một cành mai biết mình đang nhìn ngắm một cành mai....Muốn có Bát Nhã Ba La Mật, ta phải học làm cho được những cái tầm thường ấy. Thể hiện hành động tầm thường, có phải chăng Đức Thế Tôn nhằm dạy cho đệ tử mình sử dụng Bát Nhã Ba La Mật trong cuộc sống hằng ngày và qua hành động giản đơn thực tiễn trước mắt.
*****
II. VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA MỘT BỒ TÁT PHẢI LÀM
ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA: BẠCH THẾ TÔN! THẬT LÀ HI HỮU! NHƯ LAI ĐÃ HỘ NIỆM TỐT CHO CÁC BỒ TÁT VÀ PHÚ CHÚC TỐT CHO CÁC BỒ TÁT.
BẠCH THẾ TÔN! NẾU CÓ THIỆN NAM, THIỆN NỮ PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC THÌ PHẢI AN TRỤ TÂM NHƯ THẾ NÀO? VÀ HÀNG PHỤC TÂM NHƯ THẾ NÀO?
TRỰC CHỈ
Câu hỏi của ông Tu Bồ Đề là nhơn duyên phát khởi của thời pháp Bát Nhã Ba La Mật. Nó có tánh cách quan trọng: Nêu lên một tiền đề lớn, để từ đó Đức Phật dạy cho các đệ tử mình phương pháp sống, vận dụng Bát Nhã Ba La Mật vào cõi đời nhiều va chạm, nhiều phiền não khổ lụy có thể xảy ra.
Tu Bồ Đề là một đại đệ tử xuất sắc trong mười đệ tử xuất sắc của Phật. Cũng vì vậy mà ông có cái tên KHÔNG SANH, lại còn có cái tên THIỆN HIỆN và THIỆN KIẾT. Tương truyền: Rằng lúc cha mẹ sanh ông ra, có điềm lành và hiện tượng tốt.
Qua lời phát biểu, tỏ ra ông Tu Bồ Đề rất thâm hiểu Như Lai: có bồ tát tâm nào không phát xuất từ Như Lai tâm. Có bồ tát hạnh nào không thể hiện từ Như lai hạnh. Như Lai tâm và Như Lai hạnh hàm dung châu biến cả thập giới thánh phàm, thì có Bồ tát nào không được Như Lai hộ niệm tốt cho!
Thiện tai! Thiện tai! Là lời ấn chứng thể hiện sự bằng lòng của Như Lai. Vì đó là sự thật, là chân lý, hiểu như thế là hiểu được giáo lý liễu nghĩa của kinh, hiểu như thế mới là hiểu rỏ về NHƯ LAI, hiểu rỏ thế nào là là một pháp thân Phật!
*****
III. VẤN ĐỀ HÀNG PHỤC TÂM MÌNH
NGƯỜI PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC PHẢI HÀNG PHỤC TÂM MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
PHẬT BẢO ÔNG TU BỒ ĐỀ: PHÀM CÓ MƯỜI LOẠI CHÚNG SANH NHƯ: THAI SANH, NOÃN SANH, THẤP SANH, HÓA SANH, HỮU SẮC, VÔ SẮC, HỮU TƯỞNG, VÔ TƯỞNG, PHI HỮU TƯỞNG, PHI VÔ TƯỞNG. TA ĐỀU KHIẾN CHO DIỆT ĐỘ HẾT VÀO VÔ DƯ NIẾT BÀN. DIỆT ĐỘ VÔ LƯỢNG VÔ SỐ VÔ BIÊN CHÚNG SANH NHƯ THẾ MÀ ĐỪNG THẤY CÓ CHÚNG SANH NÀO ĐƯỢC DIỆT ĐỘ.
TU BỒ ĐỀ! NẾU BỒ TÁT THẤY RẰNG: TA LÀ NGƯỜI DIỆT ĐỘ CHÚNG SANH, CHÚNG SANH LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC TA DIỆT ĐỘ, THÌ BỒ TÁT CÒN CÓ TƯỚNG CHẤP NGÃ, CHẤP NHƠN, CHẤP CHÚNG SANH VÀ CHẤP THỌ MỆNH, THÌ KHÔNG PHẢI BỒ TÁT THẬT.
TRỰC CHỈ
Tuyệt diệu thay! Hệ tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật! Bát Nhã Ba La Mật là thứ trí tuệ cao vút tuyệt vời, nó đưa người đệ tử Phật đến đỉnh cao của trí tuệ, đào tạo cho người Phật tử một sức sống lạc quan tích cực, một tâm hồn vị tha vong kỹ. Với tâm hồn lạc quan, vị tha vong kỹ, người Phật tử sống trong thực tế giữa hiện tượng vạn pháp của cuộc đời, mà mỗi bước đi không rời chân như thật tướng.
Một tâm ta có khả năng xây dựng ra mười pháp giới, thì mười loại chúng sanh ấy sanh trưởng ở lòng ta. Nói rõ ra, chúng là những tư tưởng, những quan niệm phát xuất từ ý thức ở lòng ta, những khái niệm, tư tưởng từ vi tế đến thô động, từ trừu tượng đến cụ thể, luôn luôn chuyển biến trong tâm thức con người còn trong tam giới.
Thai sanh là những loại sanh do kết tinh từ phôi thai. Noãn sanh là những loài sanh trứng rồi phát triển hình thành từ trứng. Thấp sanh là những loại sanh từ nước, từ chỗ ẩm ướt sanh ra. Hóa sanh là những loại sanh ra do biến hóa, do thoát xác mà thành. Hữu sắc là những loại có hình hài sắc chất. Vô sắc là những loại tư tưởng không nương gá sắc chất hình hài. Phi hữu tưởng là những loại tư tưởng vi tế, không còn tưởng thô. Phi vô tưởng là những khái niệm vi tế gần như bặt hẳn không còn niệm. Gọi mười loại sanh ấy là chúng sanh, vì "giả chúng duyên nhi sanh, cố viết chúng sanh": Tất cả đều nương các duyên mà sanh khởi, nên gọi "chúng sanh". Là Bồ tát cần diệt độ (diệt trừ, độ tận) tất cả, khiến cho chúng vào vô dư Niết bàn. Nói rõ hơn: Bồ tát cần xóa sạch hình bóng, tác động, cho đến khái niệm vi tế của chúng trong tư duy, trong ký ức của mình. Diệt độ xóa sạch hết mà nên quên đi mình là người diệt và chúng sanh là đối tượng bị diệt độ.
Vĩnh Gia Huyền Giác nói:
"Ngũ uẫn phù hư không khứ lai
Tam độc thủy bào hư xuất một"
Vạn vật không ngoài năm uẩn, nhưng xét cho tột, ngũ uẩn chỉ là sự hợp tan. Vô minh không ngoài tam độc, nhưng tư duy cho cùng, tam độc tụ tán như bọt nước đầu ghềnh. Năng độ và sở độ chỉ có thể dùng khi còn:
"....Mộng lý minh minh hữu lục thú": Con người còn mê muội trong sáu nẻo luân hồi.
Và nó không còn tác dụng lúc:
"Giác hậu không không vô đại thiên": Đến lúc giác ngộ rồi thì cõi tam thiên đại thiên trở thành "Nhất chân pháp giới", cảnh giới "bất nhị".
Bởi vậy Bồ tát hàng phục tâm mình bằng cách xóa hết năng độ, sở độ ở lòng mình: Bồ tát thấy rõ là:
"Vô minh thật tánh tức Phật tánh"
"Ảo hóa không thân tức pháp thân".
*****
IV. PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, PHẢI TRỤ TÂM MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
ĐÁP CÂU HỎI: VÂN HÀ ƯNG TRỤ KỲ TÂM?
PHẬT DẠY: ĐÚNG VỚI PHÁP TÁNH, BỒ TÁT LÀM VIỆC BỐ THÍ MÀ KHÔNG NÊN TRỤ CHẤP VIỆC BỐ THÍ CỦA MÌNH LÀM. ĐỐI VỚI SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP BỒ TÁT NÊN BỐ THÍ HẾT. BỐ THÍ MÀ KHÔNG CHẤP NƠI HÀNH ĐỘNG BỐ THÍ, BỐ THÍ NHƯ VẬY PHƯỚC ĐỨC NHIỀU VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN. HƯ KHÔNG Ở TÁM HƯỚNG, MƯỜI PHƯƠNG NHIỀU KHÔNG THỂ DÙNG TRÍ ÓC SUY LƯỜNG. BỒ TÁT BỐ THÍ MÀ KHÔNG TRỤ, KHÔNG CHẤP TƯỚNG, THÌ PHƯỚC ĐỨC NHIỀU NHƯ HƯ KHÔNG VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN CỦA MƯỜI PHƯƠNG KIA VẬY.
TU BỒ ĐỀ! BỒ TÁT NÊN TRỤ TÂM NHƯ LỜI DẠY CỦA NHƯ LAI!
TRỰC CHỈ
Pháp tánh và Phật tánh chỉ là tên gọi khác của bản thể CHÂN NHƯ. Nhận thức trên mặt ĐỒNG, ta thấy Phật tánh và pháp tánh là một. Nhận thức qua mặt DỊ, ta thấy Phật tánh và Pháp tánh không phải một.
"Phật tánh tại hữu tình
"Pháp tánh tại vô tình
"Phật pháp bản lai vô nhị tánh
"Nhất hỏa năng thiêu bách vạn sài"
Pháp tánh tự nó thanh tịnh. Pháp tánh tự nó không xan tham, không có thủ xả, không có cái của ta của mi. Cái tự tánh thanh tịnh sẵn có của hữu tình chúng sanh gọi là Phật tánh. Tánh thanh tịnh sẵn có của vô tình chúng sanh gọi là Pháp tánh. Phật tánh và pháp tánh không hai, ví như cùng một thứ lửa tùy đốt vào củi mà tên lửa và độ nóng có khác. Sự thật, pháp tánh là tự tánh "như thị bản nhiên" của hiện tượng vạn pháp. Nó không là sắc, là thanh, là hương, là vị, là xúc, là pháp...Cho nên sống đúng với pháp tánh, tùy thuận pháp tánh, thì gọi là bố thí, kỳ thật Bồ tát chẳng có bố thí gì.
Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là vật chất tồn tại khách quan, là hiện tượng vạn vật của vũ trụ. Tham lam mù quáng, chấp mắc si mê, bảo thủ, ù lì, đam mê rồ dại, thương cảm yếu hèn, luyến ái đần độn, nghĩ ngợi viễn vông là những thứ làm cho con người sống trái với pháp tánh thanh tịnh "như thị bản nhiên" của vạn hữu an bài.
Bồ tát sống với ý thức an nhiên, theo quy luật vận hành biến dịch:
..."Chư pháp tùng bản lai
"Thường tự tịch diệt tướng
"Xuân đáo bách hoa khai
"Hoàng oanh đề liễu thượng..."
Trạng thái bố thí của Bồ tát là thí tất cả mà chẳng thấy có thí gì. Tu như thế, gọi là XỨNG TÁNH KHỞI TU. Sống như thế, gọi là TÙY THUẬN PHÁP TÁNH. Cho nên, gọi là làm việc bố thí, nhưng Bồ tát không TRỤ TƯỚNG, không chấp đó là CÔNG ĐỨC, đó là hành động bố thí do mình làm. Bởi vì sự tu hành đó chỉ là sống cho phù hợp với pháp tánh vốn vậy của chính mình. Sống đúng pháp tánh, tùy thuận pháp tánh là có phước đức, mà không cần TRỤ CHẤP CÔNG LAO để mong chờ, để đòi hỏi phước đức ở nơi ai khác ưu ái ban cho.
"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm"
Là Bồ Tát đối với hạnh bố thí phải cảnh giác với tự tâm: "ƯNG VÔ SỞ TRỤ" đừng chấp việc bố thí của mình. Bố thí như thế, phước đức nhiều như hư không trong mười phương, phước đức vô lượng vô biên vậy.
*****
V. THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỨC TIN CÓ GIÁ TRỊ?
ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA: BẠCH THẾ TÔN! CÓ THỂ CÓ CHÚNG SANH NGHE NHỮNG LỜI LẼ, Ý THÚ VỀ VẤN ĐỀ HÀNG PHỤC TÂM VÀ TRỤ TÂM NHƯ THẾ, SANH LÒNG TIN THẬT CHĂNG?
PHẬT BẢO: TU BỒ ĐỀ! ÔNG ĐỪNG LO NGHĨ NHƯ VẬY, SAU NHƯ LAI DIỆT ĐỘ, 500 NĂM VỀ SAU VẪN CÓ NGƯỜI TU HÀNH VÀ SANH LÒNG TIN THẬT ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ HÀNG PHỤC VÀ TRỤ TÂM NHƯ THẾ.
TU BỒ ĐỀ! NHỮNG NGƯỜI SANH LÒNG TIN THẬT LÀ NHỮNG NGƯỜI TỪNG VUN TRỒNG CĂN LÀNH KHÔNG NHỮNG Ở MỘT, HAI, BA, BỐN, NĂM ĐỨC PHẬT. HỌ ĐÃ TRỒNG CĂN LÀNH VỚI VÔ LƯỢNG NGÀN MUÔN ĐỨC PHẬT RỒI.
NẾU CÓ NGƯỜI NGHE Ý THÚ KINH NẦY, SANH LÒNG TIN TRONG SẠCH THÌ NHƯ LAI ĐỀU BIẾT ĐỀU THẤY NHỮNG CHÚNG SANH ĐÓ PHƯỚC ĐỨC VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN, NHƯ HƯ KHÔNG CỦA MƯỜI PHƯƠNG. VÌ NHỮNG CHÚNG SANH ĐÓ, KHÔNG CÒN CÓ TƯỚNG NGÃ, TƯỚNG NHƠN, TƯỚNG CHÚNG SANH VÀ TƯỚNG THỌ MỆNH. HỌ CŨNG KHÔNG CÒN TƯỚNG CHẤP CHÁNH PHÁP HAY LÀ PHI PHÁP. VÌ SAO? VÌ NẾU HỌ CÒN CHẤP BỐN TƯỚNG THÌ ĐÃ KHÔNG TIN NỔI VẤN ĐỀ NHƯ LAI NÓI. VÌ VẬY, BỒ TÁT KHÔNG NÊN CHẤP: NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH VÀ THỌ MỆNH, CŨNG KHÔNG NÊN CHẤP CHÁNH PHÁP HAY PHI CHÁNH PHÁP.
DO NGHĨA ĐÓ, NHƯ LAI THƯỜNG NÓI: CÁC TỲ KHƯU, PHẢI BIẾT PHÁP CỦA NHƯ LAI NÓI VÍ NHƯ THUYỀN BÈ. CHÁNH PHÁP CÒN PHẢI BỎ, HUỐNG HỒ PHI PHÁP!
TRỰC CHỈ
TIN là cửa ngõ vào đạo. Người không có đức tin coi như tự mình đóng bít cửa ngõ vào đạo của mình. Nhưng có đức tin quá nhẹ dạ, tin điên đảo quàng xiên, tin cậu cốt, cô đồng thì không phải là những đức tin cần có cho người Phật tử muốn đi trên đường giải thoát giác ngộ. Trái lại, đạo Phật xem những đức tin quàng xiên, nhảm nhí, như một thứ bùn đen, khi chiếc áo trắng bị nhuộm rồi, thì khó mà nhuộm những màu sắc thắm tươi, xinh đẹp. Người đệ tử Phật phải hết sức thận trọng đức tin.
Về đức tin, trong nền giáo lý Phật được phân tích chọn lọc kỹ càng. Đại để chia thành sáu thứ:
1. Tín tự: Phải tin mình là Phật và tin khả năng thành Phật của mình.
2. Tín tha: Tin lời Phật dạy là thật. Hành đúng lời Phật dạy sẽ có giải thoát, giác ngộ thật.
3. Tín nhân: Rằng muốn ăn quả, tất phải trồng cây. Không trồng cây, chỉ cầu nguyện van xin để được có quả ăn là điều không thể có.
4. Tín quả: Quả ngọt được ăn hiện nay là do ta đã trồng cây ở những năm tháng trước. Không bao giờ có quả mà chẳng phát xuất tự hạt nhân.
5. Tín sự: Làm tất cả việc thiện, không phải Phật, diệt trừ vô minh phiền não nội tâm, cũng không phải Phật. Nhưng do làm những điều đó mà Phật tánh sẵn có của ta mới được hiện ra.
6. Tín lý: Si mê thì ta là chúng sanh, sống triền miên đau khổ ở cõi Ta Bà. Giác ngộ thì ta là Bồ Tát, Phật, Bồ Đề, Niết Bàn, Cực lạc thế giới, ở tại chỗ mà ta đang ở.
Giáo lý kinh Bát Nhã Ba La Mật nghe mà sanh lòng tin trong sạch là người chánh tín. Sự chánh tín đó được nhân lên gấp nhiều lần. Vì người có được chánh tín là người đã dứt trừ được bốn tướng chấp.....Người đó cũng dứt hết tướng chấp về CHÁNH PHÁP và PHI PHÁP nữa. Họ đã có Bát Nhã Ba La Mật, thể nhập Bát Nhã Ba La Mật và sống với Bát Nhã Ba La Mật rồi vậy. Người đó đã trồng căn lành với vô lượng nghìn muôn Đức Phật rồi. Do vậy, phước đức của họ nhiều vô lượng vô biên.
Là Phật tử chân chính, phải hết sức thận trọng đức tin. Phải tránh xa những gì MÊ TÍN, có tánh cách huyển hoặc hoang đường. Giá trị của một lòng tin CHƠN CHÁNH phải được phát xuất từ Bát Nhã Ba La Mật, một thứ trí tuệ đến nơi đến chốn. Thứ trí tuệ tột chót đỉnh cao!
Gửi ý kiến của bạn