- Lời người dịch
- Lược sử Đại sư An Thế Cao
- 1. Khái thuật về Kinh Bát Đại nhân giác
- 2. Thế giới quan của Phật giáo
- 3. Đa dục là căn bản của sinh tử luân hồi
- 4. Tri túc là căn bản để gìn giữ đạo nghiệp
- 5. Tinh tấn là căn bản để hàng phục ma chướng
- 6. Trí tuệ là căn bản để chuyển hóa ngu mê
- 7. Bố thí là căn bản rộng độ chúng sanh
- 8. Trì giới là căn bản để tiết chế dục vọng
- 9. Tâm đại thừa là căn bản phổ độ chúng sanh
- 10. Kinh Bát Đại Nhân Giác (dịch thơ)
Bát Đại Nhân Giác Kinh
6. Trí Tuệ Là Căn Bản Để Chuyển Hóa Ngu Mê
Thích Minh Quang
Nguồn: Đại Sư Tinh Vân. Thích Minh Quang dịch
Nguồn: Đại Sư Tinh Vân. Thích Minh Quang dịch
Phiên âm :
Đệ ngũ giác ngộ : Ngu si sinh tử, Bồ tát thường niệm : Quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc.
Dịch nghĩa :
Điều giác ngộ thứ năm : Ngu si phải sinh tử, nên Bồ tát thường nhớ : Luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, và thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho tất cả.
Giảng giải :
Điều thứ năm mà bậc Đại nhân tu học Bồ tát đạo, lo sự nghiệp liễu sinh thoát tử cần phải giác ngộ là : Do ngu si mới lưu chuyển trong sinh tư. Để đối trị ngu si, cần phải tăng trưởng trí tuệ. Ở đây, nên nói qua quan điểm của Phật giáo về tri thức như thế nào.
Phật giáo không phải là tôn giáo không coi trọng lý luận. Phật giáo là tôn giáo tri thức và đức hạnh. Trong xã hội, học vấn, kỹ năng được xem là điều cần thiết cho cuộc sống, nó có thể giải quyết được những nhu cầu vật chất của con người. Nhưng người có học vấn, có kỹ năng không nhất định có được cuộc sống hạnh phúc. Cho dù thông đạt được tất cả khoa học, triết học, văn học trong thế gian, cũng chỉ là hiểu biết ngọn ngành; đối với vũ trụ, nhân sinh vẫn không thể hiểu biết một cách triệt để.
Tri thức thế gian là hữu lậu học, Phật Pháp mới là vô lậu học. Tri thức thế gian lợi và hại ngang nhau, như khoa học một mặt tạo phước cho nhân loại, mặt khác lại làm hại cho nhân loại, như vũ khí hạt nhân, hóa học, vi trùng v.v… đều là sản phẩm của tri thức khoa học. Phật giáo cũng có tri thức, nhưng tri thức Phật giáo tuyệt đối có ích mà không có hại. Tri thức Phật giáo là trí tuệ Bát nhã. Trí tuệ Bát nhã là tri thức do trừ bỏ lòng ích kỷ, tự tư, nghiệm chứng được trí tuệ trong tâm; không như tri thức thế gian, do tìm hiểu hiện tượng bên ngoài mà có. Theo Phật giáo, người ta sở dĩ không thể liễu sinh thoát tử, đều do ngu si mà ra.
Ngu si cũng không phải là hoàn toàn không có tri thức. Chúng ta tìm hiểu chữ si trong chữ ngu si sẽ thấy : Chữ si (?) vốn có chữ tri (?) trong chữ tri thức. Nhưng trên chữ si này lại có bộ nạch (?) là bệnh tật. Ý nói tri thức bệnh hoạn là ngu si.
Ngu si thì tâm tánh ám muội, không có trí tuệ để thấu hiểu sự lý, nên cũng gọi là vô minh. Do nơi ngu si nên khởi hoặc tạo nghiệp, luân hồi sinh tử, chịu kho?vô cùng. Vì vậy, không thể giải thoát, không nhận thức được mình, đều do ngu si mà ra.
Ngu si có ngu si về kiến giải (kiến hoặc) và ngu si về tư tưởng (tư hoặc).
Ngu si về kiến giải có năm loại :
1. Thân kiến
2. Biên kiến
3. Tà kiến
4. Giới thủ kiến
5. Kiến thủ kiến
Ngu si về tư tưởng cũng có năm loại, chính là năm căn bản phiền não mà văn trên đã giảng :
1. Tham dục
2. Sân hận
3. Ngu si
4. Kiêu mạn
5. Nghi hoặc.
Trước hết sẽ giải thích ngu si về kiến giải của chúng sinh.
Người ta ai cũng ái chấp năm uẩn của mình là ngã; vật ngoài thân là sở hữu của ngã. Họ không biết rằng thân mình là do nhân duyên bốn đại, năm uẩn hòa hợp mà thành; vật ngoài thân cũng là huyễn cảnh, vô thường chẳng thể bền lâu. Thân và vật rõ ràng là do nhân duyên hòa hợp mà giả có, chúng sinh lại lấy giả dối làm chân thật, đó gọi là thân kiến.
Có người cho rằng chết là hết, tất cả sẽ không còn, người chết như đèn tắt. Có người cho rằng người chết rồi vẫn còn là linh hồn người; trâu ngựa heo dê sau khi chết vẫn còn linh hồn trâu ngựa heo dê. Những kiến giải chấp thường, chấp đoạn, thiên lệch một bên như thế, gọi là biên kiến.
Lại có một số người thấy mặt trời, trăng sao vận chuyển, gió mưa, điện chớp đúng thời, liền nghĩ rằng : Nhất định phải có đấng thượng đế toàn năng điều khiển. Tin vào thượng đế vạn năng, bài báng không có nhân quả, không hiểu được các pháp duyên khởi, đây gọi là tà kiến.
Lại có một số người chấp giữ những giới điều phi lý, cho rằng đây là cách sinh lên cõi trời để hưởng thụ an lạc. Như một số ngoại đạo tu học khổ hạnh vô ích, hay giết hại sinh vật để cúng tế. Đây gọi là giới thủ kiến.
Chấp trước một hay nhiều kiến giải như trên, lầm tưởng mê vọng cho là chân lý cứu cánh, đây gọi là kiến thủ kiến.
Kế đây sẽ giải thích ngu si về tư tưởng.
Gặp được những gì mình yêu thích liền khởi tâm tham trước. Nhân tâm tham ái mà sinh tâm keo kiệt. Do tâm có tham lam về ngã (ngã tham), ái luyến về nga (ngã ái) nên hình thành tâm tự tư, đây gọi là tham dục.
Gặp chuyện trái ngang liền sinh tâm sân hận. Phàm không biết nhẫn nại, sinh ra tranh cãi, hơn thua với người, hoặc âm mưu làm hại, oán trời trách người, đều gọi là sân hận.
Không biết thức tỉnh, sáng suốt suy xét, lung lòng mặc ý chạy theo vật dục, không thích nghe điều thiện, lại ham làm việc ác. Như ta khuyên người tu học, làm phước, họ lại cho là mê tín, vô ích; còn kẻ rủ rê họ rượu chè, bài bạc, thì lại được khen là có giao tình ! Mê muội, điên đảo như vậy gọi là ngu si.
Thấy mình hơn người, ỷ mình lấn hiếp người khác, có bảy loại tất cả : mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ti mạn, tà mạn… đều gọi là kiêu mạn. Đối với sự lý chân thật còn do dự không quyết định, đối với chân lý không khởi chánh tín, đem phàm tình so lường thánh trí, đó là nghi hoặc.
Chúng sinh vì có ngu si về kiến giải, ngu si về tư tưởng như trên, nên phải chịu luân hồi sinh tử. Sinh tử cũng có chia ra phần đoạn sinh tử và biến dị sinh tử. Sinh tử trong sáu nẻo luân hồi, do nghiệp thiện ác hữu lậu chiêu cảm ra thân quả báo, khi này khi khác. Đó gọi là phần đoạn sinh tử. Các bậc Thánh giả tuy hết phần đoạn sinh tư, song khi chưa chứng được quả Phật cứu cánh, vẫn còn biến dịch sinh tử. Sinh tử này không có hình sắc đẹp xấu, cũng không có thọ mạng dài ngắn, mà chỉ là sự chấm dứt mê tưởng, chứng ngộ pháp thân trong từng giai đoạn. Sự thay đổi từng giai đoạn từ mê đến ngộ này, gọi là biến dị sinh tử.
Bồ tát giác ngộ nhứt định phải tìm cách chấm dứt ngu si và sinh tử. Bồ tát mong mỏi học rộng pháp thế gian và xuất thế gian, nghe nhiều Thánh giáo, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu vô ngại biện tài, giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến cho mọi người đều được hạnh phúc, đem niềm hoan hỷ chan hòa khắp trong cuộc đời.
Trong Kinh nói đến ngu si liền đem bóng tối ra ví dụ, và trí tuệ được biểu trưng bằng ánh sáng. Bồ tát học rộng nghe nhiều thì ánh sáng trí tuệ lần lần tăng trưởng, đẩy lui bóng tối ngu si. Kinh Bốn Mươi Hai Chương nói : "Phàm người thấy đạo như cầm đuốc đi vào phòng tối, bóng tối liền tan, chỉ còn ánh sáng; cũng vậy, học đạo thấy được chân lý, vô minh liền diệt mà tuệ giác còn mãi." Cho nên, trí tuệ là con thuyền kiên cố, vượt qua biển cả sinh già bệnh chết; là ngọn đèn sáng lớn, phá tan bóng tối vô minh; là phương thuốc hay, trị lành tất cả tâm bệnh; là chiếc búa bén, đốn ngã cội cây phiền não. Vì vậy, nói Phật học, có nghĩa là tuệ học.
Ba môn vô lậu học của Phật giáo là giới định tue? Tuệ có ba loại : Trí tuệ do nghe Pháp thành tựu (văn sở thành tuệ), trí tuệ do tư duy thành tựu (tư sở thành tuệ), trí tuệ do tu tập thành tựu (tư sở thành tuệ, tu sở thành tuệ). Thái Hư đại sư từng nói : Từ Trí tuệ do nghe Pháp thành tựu mà xây dựng lòng tin; từ trí tuệ do tư duy thành tựu mà nghiêm trì cấm giới; từ trí tuệ do tu tập thành tựu mà tương ưng định tâm.
Tại sao nói : Tư trí tuệ do nghe Pháp thành tựu mà xây dựng lòng tin ?
Vì nhờ nghe Phật Pháp, mới khai mở trí tuệ, hiểu rõ Chánh Pháp; nhờ hiểu rõ nên sinh lòng tin kiên cố. Cho nên cổ đức nói : "Phật Pháp như biển cả, chỉ có lòng tin mới có thể vào được". Đến với Phật giáo, bước trước nhất phải có lòng tin. Lòng tin này nhất định phải được xây dựng trên sự nghe hiểu Phật Pháp. Nếu chưa nghe hiểu Phật Pháp, chưa nghiên cứu Kinh luận, chưa thông hiểu đạo lý căn bản trong đó, thì không thể nào có lòng tin chân chánh được.
Vì sao nói : Từ trí tuệ do tư duy thành tựu mà nghiêm trì cấm giới ?
Nhờ nghe Phật Pháp mà sinh khởi lòng tin, rồi từ lòng tin mà có sự tư duy, tìm hiểu Chánh Pháp, nhận thấy đúng đắn, có ích lợi, nên tuân thủ, làm theo. Lấy trí tuệ do nghe thành tựu để thể nghiệm hành vi của mình trong khi khởi tâm động niệm; cũng lấy đó làm tiêu chuẩn để phân định thiện ác, đúng sai, rồi lần lần sửa đổi những tư duy sai lạc, những thói quen không tốt trong cuộc sống. Như thế, đối với Chánh Pháp, càng lúc càng thể nghiệm, liễu tri sâu sắc hơn, đó gọi là trí tuệ do tư duy thành tựu. Trí tuệ do nghe thành tựu là trí tuệ tri hành hợp nhất, hạnh giải tương ưng; là trí tuệ đoạn trừ hết mọi việc ác, thực hiện tất cả điều lành, có thể hoàn thành giới hạnh. Cho nên nói : Từ trí tuệ do tư duy thành tựu mà nghiêm trì cấm giới.
Vì sao nói : Từ trí tuệ do tu tập thành tựu mà tương ưng định tâm ?
Trí tuệ do nghe thành tựu là tin hiểu (tín giải); trí tuệ do hành trì thành tựu là hành trì. Dựa trên cơ sở đó tu tập, rèn luyện tâm ý đến mức độ thành thục, sẽ được định tâm. Khi thân tâm an trú ở thiền định sẽ cảm thấy vô cùng khinh an, vắng lặng, đoạn tận mọi phiền não. Đây chính là : Từ trí tuệ do tu tập thành tựu mà tương ưng định tâm.
Hàng Bồ tát sơ học muốn tăng trưởng trí tuệ, trước hết phải học rộng nghe nhiều. Học rộng nghĩa là rộng tu học giới, định, tuệ, không nên có thành kiến môn hộ, hay cậy mình chê người. Ngày nay có một số người tu học Phật Pháp, nếu là người niệm Phật thì bảo ngoài Kinh A Di Đà ra không cần phải xem các Kinh khác; người tham thiền lại bảo không cần niệm Phật làm gì ! Đây thật là trái ý chỉ Bồ tát học rộng quá xa !
Bình thường tôi đi hành cước các nơi cũng thường nghe người ta hỏi tôi tu học theo tông nào. Vấn đề này tôi thật khó trả lời. Phật Pháp đâu cần nhất định phải nhìn bằng con mắt tông phái ! Phật Pháp là toàn thể, Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, cần gì phải phân tông, lập phái, để rồi tự tôn tự đắc !
Bồ tát không những phải học rộng Kinh Luật Luận ra, lại còn phải nghe nhiều Chánh Pháp. Nghe nhiều (đa văn) là dựa vào nhĩ căn. Trong các căn, nhĩ căn thông lợi hơn cả. Kinh Lăng Nghiêm nói Bồ tát Quán Âm có nhĩ căn viên thông, do vì tai hơn hẳn mắt. Tai có ba món chân thật :
1. Thông chân thật : Đây là nói mắt có chướng ngại thì không thể thấy, còn tai có chướng ngại thì vẫn có thể nghe được âm thanh.
2. Viên chân thật : Đây là nói mắt chỉ có thể xem một hướng phía trước, còn tai có thể đồng thời nghe âm thanh mười phương truyền đến.
3. Thường chân thật : Từ quá khứ truyền đến hiện tại, từ hiện tại truyền đến vị lai, đều nhờ sự nghe biết của nhĩ căn.
Tu học Phật Pháp, học rộng là điều vô cùng quan trọng, mà nghe nhiều, huân tập Chánh Pháp cũng là việc hết sức cần thiết. Một vị Bồ tát học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, mục đích không phải chỉ vì giải thoát cho mình, mà còn vì thành tựu biện tài, giáo hóa tất cả, khiến mọi loài chúng sinh đều được đại an lạc.
Muốn thuyết Pháp độ sinh, chủ yếu phải có vô ngại biện tài. Biện tài không phải là biện luận, không phải là thế trí biện thông. Biện luận hay thế trí biện thông chẳng qua là dùng xảo biện để chiết phục đối phương; còn biện tài của Bồ tát là từ trong trí tuệ văn tư tu un đúc mà lưu xuất ra.
Nói đến biện tài chúng ta không nên cho rằng nói thao thao bất tuyệt là vô ngại biện tài. Có khi ta nói càng nhiều, lại càng làm cho người nghe đã không hoan hỉ, lại còn chán ghét !
Đại triết gia Socrates dạy phương Pháp diễn giảng cho thanh niên. Học phí mỗi người là mười đồng. Một hôm, có một thanh niên đến ghi danh. Sau khi đóng học phí, anh ta nói với Socrates đủ thứ chuyện, nào là vì sao anh ta phải học diễn giảng, cho đến học tập diễn giảng có lợi ích gì v.v…. Đợi một hồi lâu, đến lúc anh ta nói xong, Socrates lại đòi thêm mười đồng học phí nữa. Anh ta rất không vừa lòng hỏi :
- Người khác đến học diễn giảng, thầy đều lấy có mười đồng học phí, tại sao lại đòi em thêm mười đồng ?
Socrates thong thả trả lời :
- Người khác trả mười đồng học phí, vì tôi chỉ dạy cho họ cách diễn giảng. Nay sở dĩ thu học phí anh gấp đôi, vì tôi chẳng những dạy anh biết cách ăn nói, mà còn phải dạy anh biết cách im lặng !
Không có chuyện gì mà lải nhải nói mãi, khiến người ta phát chán, bắt họ phải bị nghe, thật là việc rất khổ não !
Trong Kinh Duy Ma ghi : Cư sĩ Duy Ma thị hiện bệnh tật, có rất nhiều Bồ tát, La hán đến thăm bệnh ông. Trước gường bệnh, các vị cùng bàn luận về Pháp môn bất nhị. Thế nào là Pháp môn bất nhị ?
Sau khi ba mươi mốt vị Bồ tát trình bày qua ý kiến của mình, Ngài Duy Ma hỏi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi :
- Thế nào là Bồ tát nhập Pháp môn bất nhị ?
Bồ tát Văn Thù đáp :
- Theo ý tôi, đối với tất cả pháp không ngôn ngữ, không thuyết minh, không chỉ bày, không phân biệt, lìa các vấn đáp, đó là nhập Pháp môn bất nhị.
Kế đó Bồ tát Văn Thù lại hỏi cư sĩ Duy Ma :
- Chúng tôi ai nấy đã nói rồi, xin Nhân giả nói thế nào là Bồ tát nhập Pháp môn bất nhị ?
Lúc đó, Duy Ma im lặng không nói.
Văn Thù Sư Lợi liền khen ngợi :
- Lành thay ! Lành thay ! Cho đến không có văn tự, ngữ ngôn, mới thực sự nhập Pháp môn bất nhị !
Chỗ này thật sinh động biết bao ! Khéo léo biết bao ! Dùng vô ngôn mà nói, vô ngại biện tài đến như vậy thật vô cùng tuyệt diệu ! Qua đó có thể thấy, thuyết Pháp không phải ở nói nhiều.
Đương nhiên, vô ngôn biện tài là cảnh giới cao nhất của ngôn ngữ. Trong Kinh Đại Bát Nha ghi lại : Tôn giả Tu Bồ Đề là vị khéo nói nghĩa không, một hôm đang ngồi yên trong núi rừng, bổng thấy rất nhiều chư thiên đang rải hoa cúng dường giữa hư không. Những đóa hoa trời ngũ sắc rơi đầy bên mình, Tôn giả thấy vậy hỏi :
- Ai đang rải hoa thế ?
- Thưa Tôn giả, tôi là trời Đế Thích. Vì Ngài khéo nói lý không Bát Nhã nên tôi mang hoa đến rải cúng dường.
Tu Bồ Đề đáp :
- Tôi ngồi yên vốn không có nói.
- Ngài đã không nói, tôi cũng không nghe.
- Thế tại sao lại rải hoa cúng dường ?
- Không nói, không nghe mới là Bát nhã chân thật !
Qua đó chúng ta có thể thấy, Thánh giả Bồ tát thành tựu biện tài, không phải là suốt ngày nói đến ăn mà bụng lại đói; đếm châu báu, song là của người khác, còn mình thực sự không được chút lợi ích nào ! Như Tu Bồ Đề không có mở miệng mà trời Đế Thích khen Ngài thuyết Bát nhã hay quá. Không nói mà nói, đây mới là biện tài chân chính !
Biện tài được chia làm bốn loại :
1. Pháp vô ngại biện tài : Là thông suốt không ngăn ngại đối với ngôn ngữ, văn tự trong giáo Pháp.
2. Nghĩa vô ngại biện tài : Là thông suốt không ngăn ngại đối với nghĩa lý chứa đựng trong giáo Pháp.
3. Từ vô ngại biện tài : Là tinh thông, lưu loát đối với các ngôn ngữ, văn tự.
4. Nhạo thuyết vô ngại biện tài : Là có trí tuệ về ba loại biện tài trên, nên có thể thuyết Pháp một cách an lạc, tự tại, khiến chúng sinh được giác ngộ, hạnh phúc.
Ngoài biện tài thuyết Pháp không lời của Bồ tát và các bậc Thánh giả ở trên ra, Đại sư Trí giả giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, suốt ba tháng mới giảng xong chữ Diệu; Pháp sư Đạo Sinh giảng Kinh ở núi Hổ Khưu tỉnh Tô Châu, khiến cho đá phải gật đầu; Bồ tát Quán Thế Âm đối với ba mươi ba loại chúng sinh, dùng mười chín thứ phương tiện ngữ ngôn để thuyết Pháp; Pháp sư An Thế Cao dịch giả Kinh này, có thể thông hiểu tiếng của loài chim thú v.v… đều là vô ngại biện tài.
Thành tựu biện tài như thế, đương nhiên có thể giáo hóa được tất cả chúng sinh. Mục đích giáo hóa chúng sinh là đem lại niềm vui lớn cho tất cả mọi loài.
Niềm vui lớn không phải là năm món dục lạc ở thế gian, cũng không phải là đem vật chất ra thỏa mãn lòng tham muốn của người ta để đổi lấy sự tín ngưỡng ! Nói được niềm vui lớn, là có thể khiến tất cả chúng sinh trong chín pháp giới xa lìa ngu si sinh tử, thoát khỏi khổ não trong ba cõi, chứng được niềm vui lớn của Niết Bàn cứu cánh.
DỊCH THƠ :
Điều thứ năm nằm lòng giác biết
Vì ngu si muôn kiếp tử sanh
Bồ tát phát nguyện tu hành
Nghe nhiều học rộng Pháp lành Như lai.
Để tăng trưởng gia tài trí tuệ
Và tựu thành xuất thế biện tài
Giảng Kinh giáo hóa muôn loài
Cho niềm vui lớn, cùng ngồi tòa sen.
Gửi ý kiến của bạn