Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Hữu tình thế gian

03/05/201318:37(Xem: 6478)
12. Hữu tình thế gian

TÂM LÝ PHẬT GIÁO TRONG TÂY DU KÝ

THÍCH THIỆN SIÊU

Phần 12

HỮU TÌNH THẾ GIAN

Trong hữu tình thế gian có 2 phần: một là hữu tình thế gian và hai là khí thế gian. Hữu tình thế gian là nói về chánh báo, khí thế gian là nói y báo.

Hữu tình thế gian nói về 4 hữu luân chuyển: Tứ hữu.

Thế gian, thế là đời, trải quá khứ, hiện tại, vị lai, lưu chuyển biến hoại. Gian là trong, những gì lọt vào trong vòng luân chuyển, biến hoại thì gọi là thế gian. Loài hữu tình là căn thân chính báo của chúng sinh và vũ trụ thế giới là y báo, chỗ nương dựa của chúng sinh, tức là khí, khí cụ, đều ở trong vòng lưu chuyển biến hoại, nên gọi là hữu tình và khí thế gian.

Đây trước nói về hữu tình thế gian, như đã biết hữu tình trong ba cõi, bốn loài, sáu đường khác nhau nhưng đều ở trong vòng luân hồi, sinh tử, sinh rồi chết, chết rồi sinh qua bốn giai đoạn hữu, là tử hữu, trung hữu, sinh hữu, bản hữu, rồi lại tử hữu, trung hữu v.v…

Xét đến bốn giai đoạn hữu nơi nhân loại như sau sẽ rõ:

Tử hữu: Là giai đoạn con người do phiền não nghiệp đời trước chiêu cảm lấy quả báo thân đời nay, sống cho đến sát-na cuối cùng, xả bỏ báo thân.

Chính trong sát-ná cuối cùng xả bỏ báo thân cái hiện hữu trong lúc đó, cái ngũ ấm hiện hữu trong cái sát-na cuối cùng xả bỏ báo thân đó gọi là tử hữu. Hiện hữu ngũ uẩn trong cái sát-na chết. Tiếp tử hữu đến Trung hữu. Có một thời gian chính giữa, giữa sát-na chết này và sát-na sắp sanh về sau. Cái khoảng thời gian chính giữa đó, cái hiện hữu ngũ uẩn khoảng thời gian đó gọi là Trung hữu. Sau trung hữu đó chúng sinh gặp cơ duyên đầy đủ, có duyên mà hiện sinh, thọ thai, thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh đủ cỡ. Tuy nhiên là sanh trong 4 loài đó. Bấy giờ từ cái thân trung hữu mà đến cái sát-na đầu tiên trong khi thọ sanh gọi là sanh hữu.

Rồi từ sát-na khi đầu tiên thọ sanh gọi là sanh hữu đó trong khoảng thời gian 1 giờ 1 phút, 1 năm trăm năm cho đến cái sát-na khi tắt thở (tử hữu) giữa khoảng đó gọi là bản hữu. Như vậy cái vòng luân hồi của con người nó đi qua 4 cái hữu đó. Tử hữu, trung hữu, sanh hữu rồi đến bản hữu. Bản hữu nếu anh tu chứng được quả Dự lưu hay chứng quả Bất lai thì anh vẫn còn ở lại nơi cái sanh hữu vài lần nữa. Nhưng chỉ còn sanh 7 lần thôi. Còn nếu anh chứng được Nhất lai chỉ còn 1 lần nữa. Nếu chứng Bất hoàn thì không trở lại nhân gian này nữa, nếu không thì anh cứ trong vòng tử hữu, trung hữu, sanh hữu, bản hữu, anh cứ làm luôn như vậy, không có đường nào mà ra hết, gọi là luân hồi vô tận. Bốn giai đoạn hữu của 1 chúng sinh tương tục tiếp nối vô cùng vô tận trừ khi dứt hết nghiệp mới chấm dứt được nó. Còn nếu không dứt hết nghiệp thì cứ trong 4 giai đoạn hữu đó mà liên tục mãi mãi.

Giờ đây tôi xin nói Trung hữu. Chữ trung hữu này là 1 chữ mà các ngài dựa vào kinh A Hàm hay là kinh Nikaya theo lời Đức Phật dạy mà lập ra. Nhưng có hai loại dựa. Có một lối dựa cho rằng: dựa kinh mà cho rằng không có, ngoài ra còn có 1 lối dựa kinh cho rằng có. Đó là lập luận của hai nhà không nhận có trung hữu đó là: Đại chúng Phân biệt Thuyết bộ và Hóa địa bộ. Họ dẫn kinh nói rằng: Đức Phật chỉ nói rằng có tam thọ nghiệp chứ không nói tới thuận trung hữu thọ nghiệp. Trong kinh ngài có nói Thuận thọ hiện nghiệp, Thuận sanh thọ nghiệp, Thuận hậu thọ nghiệp. Đức Phật chỉ nói 3 cái thuận đó mà thôi. Đức Phật nói thuận hiện thọ nghiệp là cái nghiệp thuận theo thọ báo trong đời này mà có. Rồi có cái nghiệp đời này chưa thọ báo nhưng đến đời kế tiếp gọi là thuận sanh thọ nghiệp. Đó là cái nghiệp thuận với đời kế tiếp mới thọ nghiệp gọi là thuận sanh thọ nghiệp. Rồi có cái nghiệp đời kế tiếp chưa thọ, nhưng đến đời thứ 3 trở đi mới thọ tức gọi là thuận hậu thọ nghiệp. Phật chỉ nói có 3 cái thuận hiện thọ nghiệp, thuận sanh và thuận hậu thọ nghiệp chứ không nói thuận trung hữu thọ nghiệp. Cho nên không có cái trung hữu và dẫn kinh làm chứng. Hai nữa là Đức Phật chỉ nói hàng Dự lưu phải 7 lần sanh tử nghĩa là còn 7 lần sanh xuống cõi dục này để đoạn cho hết tư hoặc. Vì sao mà chứng Dự lưu? Vì đã đoạn kiến hoặc. Nhưng mới đoạn kiến hoặc, còn tư hoặc không đoạn thì ai đoạn cho. Cho nên mới chứng lên các cõi trên nữa thì phải lo đoạn tư hoặc. Muốn đoạn tư hoặc thì phải có 7 lần sanh xuống cõi nhơn gian này, cho nên gọi là thất phiên sanh tử. (7 lần sanh trở lại nữa) mới chứng được A-la-hán quả. Phật chỉ nói quả Dự lưu có 7 phen sanh tử chứ ngài không có nói 7 phen trung hữu. Nếu quả có trung hữu thì Ngài đã nói có 7 phen sanh và 7 phen trung hữu, sao ngài không nói? Cho nên không có trung hữu. Nhưng còn Hữu bộ ông cũng dẫn kinh ông nói cách khác. Ông nói ồ: Các hiền hữu mà nói như vậy còn kinh Phật nói khác đi. Có mấy câu này nữa: Các người khi nhập thai là cần có đủ 3 việc hiện tiền: 3 việc đó là gì? 1. Bà mẹ trong thời gian thích hợp thụ thai. 2. Ông bà cha mẹ có sự thương yêu lẫn nhau. 3. Có cái càn-đạt-phược (Gandharva) hiện tiền (tức bà mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai). Trong kinh Đức Phật nói rõ ràng như vầy: 1. Sự thụ thai phải là có bà mẹ lúc thích hợp thụ thai, còn lúc không thích hợp thụ thai thì không có được; 2. Là có sự hòa hợp giao hợp giữa cha mẹ (nam nữ); và thứ 3. Là có cái càn-đạt-phược hiện tiền trong khi thụ thai đó. Nếu không có trung hữu thì cái càn-đạt-phược là cái gì? Chính càn-đạt-phược là trung hữu đó. (Kinh Nikaya gọi là Kiết sanh thức, hương ấm). Họ dẫn câu kinh này để lập luận. Như thế, chính càn-đạt-phược này là Trung hữu. Họ dẫn thêm một kinh thứ 2 nữa gọi là kinh Thất Thiện Sĩ Thú. Phật có nói cái gọi là ngũ bất hoàn. Vậy 5 hạng bất hoàn quả là những gì? Trung bát bất hoàn, sanh bát bất hoàn, vô hành ban bất hoàn, thượng lưu ban, hữu hành ban.

Sao gọi là Trung ban? Từ cõi Dục này tu hành vừa nhắm mắt tắt thở chưa kịp sanh lên cõi trên, giữa chừng chứng được Niết-bàn thì được gọi là Trung ban. Chứng Niết-bàn ngay giữa khoảng đó, giữa khi vừa ly khỏi cõi Dục, chưa chứng được Niết-bàn cõi trên, ngay giữa khi đó chứng được Niết-bàn thì được gọi là Trung ban. Họ dẫn kinh như vậy. Trung ban này để nói lên rằng có cái trung hữu, chứ không có trung hữu thì ai chứng Niết-bàn khi mới vừa chết mà chưa sanh đó. Cái gì chứng ở chặng giữa đó gọi là trung ban bất hoàn. Trong kinh Thất Thiện Sĩ Thú, họ mới đem cái trung ban bất hoàn này chia làm 3: 1. Chưa siêu thoát khỏi Dục giới mà đã được bát Niết-bàn; 2. Vừa bước chân lên cõi trên trung gian mà được Niết-bàn; 3. Sau khi rời hẳn cõi Dục đến cõi Vô sắc chưa kịp thọ sanh thì đã chứng được Niết-bàn. Trung gian họ chia 3 như vậy. Theo trong kinh Thất Thiện Sĩ Thú này thì trung ban chia làm 3 cộng với 4 cái kia là hữu hành ban, vô hành ban, thượng lưu ban, sanh ban, thành ra 7 gọi là Thất Thiện Sĩ Thú kinh. Ông hữu bộ này dẫn các kinh đó làm chứng rõ ràng là có trung hữu chứ không phải nói như các anh, mà nói vậy đâu. Đây là ông cãi giúp cho mình, chứ không thôi mình cũng cãi. Cũng kinh cả sao kinh kia nói chứng tỏ ra rằng thuận hiện thọ nghiệp, thuận sanh thọ nghiệp, thuận hậu thọ nghiệp, tìm vào trong đó có cái gì thuận trung thọ nghiệp đâu mà nói trung hữu, thì cũng là kinh nói. Nhưng trong mặt này thì thấy rằng có trung ban Niết-bàn, sao lại không có được hay còn nói có càn-đạt-phược. Nếu không có trung hữu thì càn-đạt-phược nó là cái gì? Thì cũng là kinh nói. Do đó các bộ phái có cái nghĩa rất hay. Nếu học Nikaya hay học A Hàm không có mấy bộ này thì mình cũng học qua loa cho biết vậy thôi, nó chưa thấm béo gì hết. Nó không đi sâu, không chi tiết rõ ràng gì hết.

Trung hữu: Là giai đoạn sau khi xả bỏ báo thân cho đến khi đủ duyên đầu thai, sự hiện hữu của hữu tình giữa khoảng thời gian đó, gọi là trung hữu. Song đối với vấn đề trung hữu này, Đại chúng bộ và Hóa địa bộ không thừa nhận có. Vì họ dựa theo kinh chỉ nói đến “thuận tam thọ nghiệp”, chứ không nói đến trung hữu nghiệp và kinh và cũng chỉ nói đến hữu tình hàng Dự lưu chỉ phải trãi bảy phen sinh (bảy hữu) là chứng A-la-hán chứ không nói đến trung hữu. Trái lại Tát-bà-đa-bộ thì dẫn kinh và lý để chứng minh có thân trung hữu. Kinh nói: Có năm quả vị Bất hoàn (trong đó có Trung ban Bất hoàn) và kinh cũng nói: “Khi nhập thai có ba sự hiện hữu là tinh cha, huyết mẹ và Càn-đạt-phược, Tát-bà-đa còn chủ trương thân trung ấm của loài người cỡ như con nít năm sáu tuổi, đủ cả sáu căn nhưng vì đó là thứ tịnh sắc cực vi tế, mắt thịt không thấy được, chỉ có thiên nhãn cực tịnh và những hữu tình cùng ở giai đoạn trung hữu mới trông thấy được.” Và thời gian tồn tại của thân trung hữu cũng có bốn nhà chủ trương khác nhau: Tỳ-bà-sư cho rằng chỉ có trong khoảng khắc, chết liền đầu thai. Luận sư Thế Hữu cho rằng nó tồn tại lại nhất bảy ngày. Luận sư Thiết-mạt-đạt-đa cho rằng nó có thể tồn tại trong bốn mươi chín ngày. Còn Luận sư Pháp Cứu thì cho rằng không nhất định vì tùy theo nhân duyên thụ sinh bất thường. Do nghiệp lực rất mạnh thúc đẩu trung hữu đáng thọ sanh vào loài người thì hội đủ duyên liền sinh vào loài người, trung hữu đáng thụ sinh vào loài súc thì hội đủ duyên liền sinh vào loài súc.

Sinh hữulà giai đoạn từ trung hữu chết, do vọng tưởng khởi lên tâm ái dục hoặc sân nhuế đối với cha mẹ, liền đầu thai, hay gọi là kiết sinh. Chính ngay ở giây phút kiết sinh này gọi là sinh hữu.

Bản hữu: Chỉ thời gian từ sinh hữu cho đến tử hữu, chấm dứt một đời. Về thân bản hữu này có chia hai giai đoạn là giai đoạn ở trong thai và giai đoạn ra ngoài thai. Giai đoạn trong thai gồm năm trang thái:

1. Kiết-lạc-lam (kalala) như chút váng sữa trong bảy ngày đầu thụ thai.

Kể ra, xưa các ngài ngồi mà suy đoán chuyên này thì kể ra cũng giỏi thật. Trúng trật thì chưa biết, nhưng mà rất giỏi. Hồi đó chưa có kính hiển vi, chưa mổ bụng ra xem mà dám nói chuyện này thì quả rất giỏi.

2. Át-bộ-đàm (Arbuda, Pali: Abbuda) như cục máu trong bảy ngày thứ hai.

3. Bế-thi (Pesi) thịt mềm trong bảy ngày thứ ba.

4. Kiện-nam (Pali:Ghana) thịt cứng trong bảy ngày thứ tư.

5. Bát-la-xa-khư (Praskhà, Pali: Pasàkha) chi tiết bắt đầu tượng thành hình vóc, trong bảy ngày thứ sáu trở đi cho đến khi hạ sinh.

Giai đoạn ra ngoài thai cũng có năm hình thức:

1.Anh hài: từ khi sanh đến 6 tuổi.

2.Đồn tử: từ 7 đến 15 tuổi.

3.Thiếu niên: từ 16 đến 30 tuổi.

4.Thành niên: từ 31 đến 40 tuổi.

5.Lão niên: từ 41 đến chết.

Hỏi: Cứ liên tục với bốn giai đoạn hữu trải qua ba đời như vậy nên chúng sinh luân hồi. Vậy tất phải có một chủ thể thống nhất thường hằng mới có thể chuyển từ hữu này đến hữu khác và có thể tu hành tích lũy công đức đến thành Phật. Nếu không có một chủ thể thống nhất thường hằng đó thì làm sao chuyển từ hữu này đến hữu khác và làm sao thành Phật được? Như vậy tu tập cũng vô ích sao?

Đáp: Giải đáp câu hỏi này, Đại chúng bộ gọi chủ thể luân hồi đó là Căn bản thức, mạt phái Hóa địa bộ gọi Cùng sinh tử uẩn, Kinh lượng bộ gọi là Nhất vị uẩn, Tế ý thức, Căn biên uẩn, Thượng tọa bộ gọi là Hữu phần thức. Độc tử bộ gọi là Phi tức uẩn phi ly uẩn ngã, Duy thức tông thì gọi là A-lại-đa-thức. Còn ngoại đạo thì cho có mộ thật ngã biệt lập với thân tâm. Nhưng chủ trương của Hữu bộ mà luận Câu-xá trình bày thì khác. Theo Hữu bộ, chính thân tâm năm uẩn này do mê hoặc mà tạo nghiệp, do tạo nghiệp mà thọ quả, rồi do từ quả khởi lên mê hoạc, do mê hoặc mà tạo nghiệp, rồi do tạo nghiệp mà thọ quả …liên tục như vậy thành luân hồi. Giống như người cầm ngọn đèn đi từ chỗ này đến chỗ khác, ngọn đèn tuy cứ từng sát-na diệt, nhưng vẫn có thể tiếp tục đến chỗ khác. Và không phải thân tâm năm uẩn đời này chuyển thẳng đến đời khác mà là thân tâm năm uẩn từng sát-na biến diệt, liên tục từ trạng thái này đến trạng thái khác đời này và đời sau. Giống như do hạt nẩy mầm, do mầm nẩy cành lá. Hạt, mầm, cành, lá v.v… không phải một nhưng không phải khác. Như tụng văn nói: “Không có ngã, chỉ có các uẩn, do phiền não nghiệp tác động từ thân trung hữu tiếp nối vào thai giống như ngọn đèn”.

Các loại hữu như vậy gọi chung tất cả là chúng sinh. Đã là chúng sinh thì không ai thoát ra khỏi 4 cái hữu đó. Trừ khi anh không còn chúng sinh nữa thì tôi không nói tới. Anh còn là chúng sinh thì tôi biết anh còn 4 hữu đó, thì không làm sao mà chạy cho khỏi hết. Như vậy nói chung là chúng sinh. Nhưng chúng sinh hay hữu tình là nói chung, nhưng trong đó không phải ai cũng như ai hết. Có thiện, có ác, có tà, có chánh. Cho nên theo Câu-xá này chia căn cơ các loại chúng sinh ra làm 3 nhóm gọi là tam định tụ. 1. Chánh tánh định tụ, 2. Tà tánh định tụ, 3. Bất định tụ. Loại nào ngồi chung một nhóm với loại đó gọi là tụ. Loại có bằng tiến sĩ ngồi chung với tiến sĩ, loại có bằng trung học ngồi chung 1 chỗ với nhau gọi là tụ. Sao gọi là chánh tánh? Tức là hạng có căn cơ, có chứng đạt, đoạn trừ được tham sân si. Trên bước đường đoạn trừ tham sân si đó anh đã có 1 cái tính cách nhất định ở trong cái chánh tánh đó. Khi anh đã có được như thế rồi thì nhất định anh sẽ đạt được Niết-bàn giải thoát. Chánh này cũng gọi là thánh tánh tức là tính cách của Thánh nhân. Tính cách thánh nhân là vì đoạn trừ được tham sân si, chớ ông thánh mà ông sân như sét đánh làm sao kêu thánh được, nên chánh có nghĩa thánh. Hễ chưa cúng kịp cho ông thì ông bắt vạn cổ liền thì sao kêu thánh được. Cho nên kêu thánh là tham sân si không có, thành chánh có nghĩa là Thánh, có tính cách thánh là có đoạn trừ tham sân si. Anh đã cố định, anh đứng một mình trong cái tánh đó, thì anh sẽ được Niết-bàn, cho nên kêu chánh tánh định tụ. Tà tánh định tụ là gì? Anh này có 3 cái: 1. Ác tà tánh. 2. Nghiệp tà tánh. 3. Kiến tà tánh. Ác tà tánh tức ác thú. Nghiệp tà tánh tức là ngũ vô gián nghiệp. Kiến tà tánh là ngũ tà kiến. Vậy anh nào ở trong bụng chứa 3 cái này tức anh thuộc vào cái nhóm này. Ngồi vào nhóm này cùng với 3 tánh này thì sẽ đi đến ác xứ, cho nên gọi là định tụ. Bất định tụ là ông này bất định. Hễ ông gặp duyên tốt, gặp thánh nhơn ông thành chánh định tụ. Ông gặp bạn ác thì đi vào trong tà định tụ. Ông này đi hàng hai, loại ba phải. Đó là cách chia của Câu-xá qui định tính cách của các loài hữu tình ra làm 3 nhóm.

Giờ đem 1 vài lối chia khác để so sánh và để biết rộng ra một chút nữa. Trường hợp như là Pháp tướng tông chia các loại căn cơ của chúng sinh ra làm 5 tính. 1. Định tánh Thanh văn. 2. Định tánh Duyên giác. 3. Định tánh Bồ-tát. 4. Bất định tánh. 5. Vô tánh. Đó là theo Câu-xá chia chúng sinh làm 5 hạng. Hạng định tánh Thanh văn đã có huân tập được chủng tử vô lậu, có thể chứng quả vị Thanh văn mà thôi gọi định tánh. Hạng thứ 2 có vô lậu chủng tử chứng quả vị Độc giác, đó là định tánh Duyên giác. Hạng thứ 3 có vô lậu chủng tử có thể chứng được Phật quả vô thượng giác. Đó là chủng tánh Bồ-tát. Trong này, họ dùng chữ định tánh là tánh nó định ra vậy rồi. Hạng thứ 4 là bất định tánh: đối với 3 tánh này không nhất định. Có thể trở thành định tánh Thanh văn – Duyên giác, Bồ-tát tùy theo có duyên mà nó khác nhau, chưa nhất định, chưa ngã ngũ. Hễ gặp duyên Thanh văn ra Thanh văn, Bồ-tát thì ra Bồ-tát …hoặc người đó có 1 định tánh vừa là Duyên giác vừa là Bồ-tát, thì gọi là bất định tánh. Còn cái thứ 5 này là hạng phàm phu chỉ có cái hữu lậu chủng tử để làm phàm phu chứ chưa có chủng tử vô lậu. Hạng này là hạng vô tánh, là không có tánh cách để thành Thanh văn, Duyên giác, Phật, nên kêu vô tánh, bởi vì ở nơi đây chỉ hoàn toàn huân tập được cái chủng tử hữu lậu chứ chưa huân tập chủng tử vô lậu của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát nên gọi là vô tánh.

Vậy thì đối với Pháp tướng tông trong đây có hạng chúng sinh có thể thành Phật được, chứ có hạng chúng sinh không thành Phật được. Cũng như trong Lăng già, cái vô tánh này đổi ra nhất-xiển-đề tánh là tánh không thể thành Phật được. Ngày xưa nói xiển-đề vô Phật tánh. Thế nhưng là trái với kinh Niết-bàn, nên ngài Đạo sanh trước khi kinh Niết-bàn nói “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”, trước khi kinh Niết-bàn được dịch qua đến Trung Hoa, đoạn đó chưa có, nhưng mà đọc đoạn kinh trước ngài đã đoán biết rằng trong kinh đó ngài khai thị cái lý “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”, xiển-đề hữu Phật tánh. Khi ngài xướng thuyết đó rồi trong chúng họ phản đối, họ nói ông này là ngoại đạo. Ông nói chuyện vô căn vô cứ, ông nói sai Phật pháp nên họ đuổi ngài đi. Ngài đi lên trên núi tự tay chất đá rồi ngài thuyết cái thuyết đó. Ngài nói nếu như ta nói đúng thì các ngươi làm chứng cho ta. Nói đâu thì đá gục nấy, cho nên gọi là Ngoan Thạch điểm đầu. Cục đá ngu ngơ rứa mà nó cũng gật đầu được. Đến sau kinh Niết-bàn, một phần sau đem dịch đủ rồi, quả thật ngài nói đúng như lời trong kinh, đó là pháp tướng tông. Đi xa hơn một chút nữa như trong kinh Viên giác thì cũng chia ra 5 tánh.

1.Phàm phu tánh; 2. Nhị thừa tánh; 3. Bồ-tát tánh; 4. Bất định tánh hoặc là đốn siêu Như-lai tánh; 5. Ngoại đạo tánh.

Phàm phu tánh, cái ông này đối với 3 cái thứ Kiến tư hoặc, Trần sa hoặc và Vô minh hoặc, 3 cái hoặc này ông chưa đụng tới cái nào hết, ông chưa dứt được 1 tí nào hết, ông là phàm phu chay. Nhị thừa tánh tức đối với hạng người mà đã dứt được sự hoặc (Kiến tư hoặc). Kiến tư hoặc như trong Câu-xá mình nói đây thì đắc Kiến tư hoặc là thành A-la-hán. Thứ ba là Bồ-tát tánh: Không phải dứt được kiến tư sự hoặc mà còn dứt được lý hoặc nữa, mà lý hoặc trong nghĩa kinh Viên giác đại thừa đây chỉ cho trần sa hoặc và vô minh hoặc. Trần sa và vô minh hoặc tức thì nói cái sở tri chướng tất cả các pháp rất nhiều. Sở tri là rất nhiều lắm như cát, như trần sa, đối với sở tri đó còn mù mịt chưa dứt được, còn đang chấp pháp cho nên gọi là trần sa hoặc. Vô minh hoặc là cái căn bản của cái trần sa đó. Hàng Bồ-tát này đã tạm dứt được cái sự hoặc đó (trần sa và vô minh). Thứ 4 là bất định tấnh. Bất định này khác bất định khi kia. Bất định khi kia không định là Thanh văn, Bồ-tát, không định là Duyên giác, hễ gặp duyên sao thì hay vậy thành ra vậy, không định tĩnh được. Còn bất định ở đây có ý nghĩa là Như Lai tánh đốn siêu. Nó là một cái tánh phi tánh, nên gọi là bất định. Gọi là đốn ngộ ví như anh ở trạng thái u ơ như vậy, nhưng thình lình trong giây phút nào đó anh ngộ thì khi ấy anh nhảy trên trời, mọi người chạy theo không kịp. Gặp một tiếng hét, gặp một ngọn lá rơi thình lình anh ngộ cái đó thì không nói được. Tánh đó không định trước được, ai biết trước được anh đốn ngộ. Trong Câu-xá này ta nói tiệm tu tiệm ngộ thôi, còn Thiền tôn đốn ngộ không ai nói được. Anh đốn ngộ thình lình, đâu có sẵn trong đó mà nói được. Bất định là vậy. Bất định đây khác hơn bất định kia. Thứ năm là ngoại đạo tánh. Chỉ tin theo ngoại đạo chứ chưa biết gì tới Phật đạo hết. Vậy thì những cái tánh này có thể thành Phật được không? Theo kinh điển Đại thừa và kinh Viên giác dạy thì có thể thành Phật được hết. Nhưng sở dĩ chia tánh như thế này đây là căn cứ theo tướng, căn cứ trên cái hiện tướng của chúng sinh đó mà nói, còn về trên tánh thì tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật được hết. Vì vậy có kinh nói rằng xiển-đề vô Phật tánh, không xiển-đề không thành Phật, xiển-đề đoạn thiện căn không thành Phật được, đó là căn cứ trên tướng mà nói. Nhưng có kinh nói xiển-đề có thể thành Phật được, xiển-đề có Phật tánh, đó là căn cứ trên tánh mà nói. Căn cứ trên tướng thì có ông Tỳ-kheo 10 hạ, 5 hạ, 4 hạ, ông 50 hạ, nhưng căn cứ trên tánh thì ông nào cũng y thể Tỳ-kheo hết. Ông thọ giới 100 năm cũng bằng ông mới thọ giới y như nhau hết, thể Tỳ-kheo giống như nhau. Cho nên trên tánh là bình đẳng, còn trên tướng khác nhau.

----o0o---

Vi tính: Minh Minh

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567