Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

PHẦN II: GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT TÂM LÝ HỌC PHỔ THÔNG VÀ TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO

03/05/201317:45(Xem: 12910)
PHẦN II: GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT TÂM LÝ HỌC PHỔ THÔNG VÀ TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO


Vài nét về Tâm lý học phổ thông

và Tâm lý học Phật giáo

LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP

NS Thích Nữ Hương Nhũ

---o0o---

PHẦN HAI

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

TÂM LÝ HỌC PHỔ THÔNG VÀ TÂM LÝ PHẬT GIÁO

I.VÀI NÉT VỀ TÂM LÝ HỌC PHỔ THÔNG VÀ TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO

1. Tâm lý học là gì?

Thuật ngữ tâm lý học bắt nguồn từ hai tiếng La Tinh: Psyche: có nghĩa là tinh

thần và Logos có nghĩa là khoa học. Tâm lý học có nghĩa là khoa học về tâm lý.

Khoa học tâml ý là hoạt động và kết quả của sự tìm hiểu cội nguồn và sự vận động của các hiện tượng và quy luật tâm lý.

·Xét về mặt hiện tượng: Tâm lý (cái tâm hiểu theo nghĩa rộng) là tất cả những

quá trình và những sản phẩm của hoạt động phản ánh hiẹn thực khách quan vào trong não. Đó là những quá trình: cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, chú ý, ghi nhó, nhớ lại, xúc cảm và hành động...Đó là những sản phẩm như hình ảnh, biểu tượng, khái niệm, tư tưởng, tình cảm, ý chí, xu hướng, năng lực, tính cách, khí chất...

·Xét về mặt bản chất: Tâm lý là sự phản ánh một cách chủ quan cái hiện thực

khách quan nào trong não của mỗi con người như là chức năng của não nói riêng, của hệ thần kinh nói chung. Ở con vật cũng có tâm lý nhưng cái khác nhau cơ bản giữa tâm lý con người và tâm lý con vật là ở chỗ tâm lý con người phong phú đa dạng và có trình độ cao hơn hẳn, mà chúng ta gọi là ý thức, cái mà động vật không thể có được.

Tâm lý con người có hai cấp độ: tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội.

2. Khái niệm tâm lý trong tâm lý học phổ thông:

a.Thuật ngữ tâm lý trong khoa học là tất cả những hiện tượng tinh thần

xảy ra trong tinh tâm thức con người, gắn liền và điều hành mọi hoạt động, hành động của con người. Theo cách hiểu này thì tâm lý con người và nhận thức, trí tuệ, cảm xúc, tình cảm, ý chí đến tính cách, ý thức và tự ý thức, là nhu cầu năng lực của con người. Đến các động cơ hành vi, đến các hứng thú và khả năng sáng tạo, khả năng lao động đến các tâm thế xã hội và những định hướng giá trị của con người....

b.“Cái tâm” trong tâm lý học phổ thông:

Tâm là toàn phần được tổ chức của những tiến trình và kết cấu tâm lý, tri giác,

vô tri giác và nội tâm linh; Về mặt triết học, thay vì về mà tâm lý là thực thể hay tầng lớp căn bản của những kết cấu và tiến trình ấy. [1]

Theo triết học: tâm được dùng theo hai nghĩa chính:

@ Tâm cá nhân là cái tự ngã hay chủ thể tri giác, hồi nhớ, tưởng tượng, cảm giác, quan niệm, lý luận, ước muốn....và về mặt chức năng liên hệ với một cơ thể cá nhân.

@ Tâm khảo sát với tính cách chung, là một thể chất siêu hình thấm nhuần tâm của tất cả mọi cá nhân và nó là đối nghịch với vật chất hay vật thể

So sánh với “Cái Tâm” trong tâm lý học Phật giáo thì cái nhìn của Đạo Phật về phương diện này rất tổng quát, không giới hạn vào con người, vì xem con người như một trong các sinh vật, như một thành phần trong cuộc sống nói chung. Tâm ở đây không phải là cái tự ngã hay chủ thể tri giác mà chỉ là một dòng trôi chảy của các nhân duyên. Cuộc sốg là một tiến trình miên man không ngừng trôi của thập nhị nhân duyên. Đời sống tâm lý tất nhiên không ra ngoài tiến trình ấy.

c.Chức năng của tâm lý:

Mọi hành động của con người đều do tâm lý điều hành. Sự điều hành ấy biểu

hiện qua những chức năng sau đây: 

-Chức năng nhận thức của tâm lý: Chức năng này giúp con người nhận biết thế giới khách quan, giúp con người phân tích đánh giá sự vật, hiện tượng xảy ra chung quanh mình.

-Chức năng định hướng khi bắt đầu hoạt động: trước hết ở con người xuất hiện các nhu cầu và nảy sinh động cơ, mục đích hoạt động (lý tưởng, niềm tin, lương tâm, danh dự...).

-Chức năng làm hành động thúc đẩy hoạt động: tình cảm, tình yêu, say mê, căm thù....

- Chức năng giúp con người điều chỉnh hoạt động: bằng trí nhớ và khả năng phân tích, so sánh.

d.Đặc điểm của tâm lý:

-Các hiện tượng tâm lý vô cùng phong phú, phức tạp và đầy bí ẩn, như tục ngữ có

câu:

“Dò sông, dò biển dễ dò,

Lòng người trắc trở ai đo cho tường”.

Với đà phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay không phải mọi bí ẩn của các hiện tượng tâm lý đều giải thích được. Tâm lý học phổ thông đã chứng minh được sự tồn tại của nhiều hiện tượng siêu tâm lý (thần giao cách cảm, thấu thị..) đến nay vẫn chưa thể giải thích được cơ chế của các hiện tượng đó.

-Các hiện tượng tâm lý tuy phong phú, đa dạng nhưng liên hệ nhau chặt chẽ. Chúng tác động, ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau.

-Tâm lý học phổ thông cũng nhìn nhận tâm lý là hiện tượng tinh thần, tồn tại trong đầu óc con người. Chúng ta không thể nhìn thấy nó, không thể sờ thấy, không thể cân đo, đong, đếm một cách trực tiếp như những hiện tượng vật chất khác. Do vậy, tâm lý học phổ thông đã nghiên cứu các hiện tượng tâm lý bằng nhiều phương pháp mà điển hình là phương pháp quan sát những biểu hiện bên ngoài của tâm lý bên trong thông qua các giác quan. 

-Các nhà tâm lý học khẳng định:

“Các hiện tượng tâm lý có sức mạnh vô cùng to lớn trong đời sống con người. Tâm lý có thể làm tăng hoặc giảm sức mạnh tinh thần và cả sức mạnh vật chất của con người. Thậm chí con người cũng có thể chết vì tác động tinh thần, tác động tâm lý” [2]

Đối với nhận định này, người viết cũng nhận thấy rằng: trong tất cả năng lực, tâm lực là mạnh mẽ nhất và không ai thấu triệt rõ ràng năng lực của tâm bằng Đức Phật. Tâm lý học Phật giáo không phủ nhận thế gian vật chất và ảnh hưởng lớn lao của thế gian vật chất trong đời sống tâm linh, nhưng vẫn nhấn mạnh hơn hết tầm quan trọng của tâm. Một tỳ kheo bạch hỏi Đức Phật:

Bạch Đức Thế Tôn, cái gì hướng dẫn thế gian, Cái gì lôi cuốn thế gian?”

Đức Phật khẳng định:

Thật vậy, này tỳ kheo, tâm hướng dẫn thế gian, tâm lôi cuốn thế gian, tất cả đều vận chuyển dưới năng lực của một pháp, cái tâm”. [3]

Vì thế , con người phải hiểu sự thật của chính mình và biết làm thế nào để đạt hạnh phúc trong hiện tại và tại đây. Vấn đề này đã được Đức Phật dạy:

“Tâm tế vi khó thấy,

Vun vút theo dục trần

Người trí phòng hộ tâm

Phòng tâm thì an lạc” [4]

3. Khái niệm tâm lý trong tâm lý học Phật giáo:

-Có nhiều bộ luận bàn về tâm lý học Phật giáo như là: Thắng Pháp Luận, A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận Duy Thức Luận, Thanh Tịnh Đạo Luận...ở đây đơn cử Thắng Pháp tập yếu luận (văn học Abhidhamma) với bốn vấn đề được đem ra giải thích cặn kẽ hoàn toàn thuộc về con người và đặc biệt lá phần tâm thức. Nếu tâm lý học phổ thông cho rằng tâm lý của con người và đặc biệt là phần tâm thức. Nếu tâm lý học phổ thông cho rằng tâm lý của con người bao gồm hoạt động nhận thức, đời sống tình cảm, hành động, ý chí, trí nhớ, tính cách, khí chất, xu hướng và năng lực thì tâm lý học Phật giáo đứng trên quan điểm động, nhìn cả bề đầy kích thước lịch sử của sự sống mà phân tích những thành phần tâm lý và đi sâu vào nguyên nhân, điều kiện hình thành tâm lý con người. Vì vậy mà phân tích các cơ quan, các chức năng sinh lý làm nền tảng cho đời sống tâm lý.

Bốn pháp được đề cập trong văn học Abhidhamma là: Citta (tâm), cetasika (tâm sở), Rùpa (sắc) và Nibbàna (Niết Bàn). Niết Bàn thuộc về tâm thức còn sắc pháp là để cập đến thân thể con người, và sự liên lạc giữa thân thể ấy với tâm thức. Đức Phật không tách rời tâm và sắc vì cả hai tương quan liên đới. Nếu nó danh (Nàma) và Sắc (Rùpa) thì danh thuộc về tâm pháp và sắc thuộc về sắc pháp. Nếu nói về Sắc uẩn (Rùpakkhandha) thuộc sắc pháp còn bốn uẩn còn lại: Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc về tâm Pháp.

Điểm nổi bật trong tâm lý học Phật giáo là sự phân tích rất tinh thề và tỉ mỉ các tâm và tâm sở. Theo văn học Abhidhama có đế 89 tâm hay 121 tâm (citta). (Nếu siêu thế giới tâm được giới thiệu đơn giản có 8 thì tâm vương có 89 pháp, nếu siêu thế giới tâm được giới thiệu chi tiết gồm 40 tâm, trừ 8 tâm của Thiền, thì tâm vương có 121 tâm Pháp)

A. Một tâm (citta) là do nhiều yếu tố tâm lý hình thành, các yếu tố này được gọi là tâm sở (Cetasika), tuỳ theo loại tâm mà các tâm sở có mặt khác nhau. Có 52 tâm sở tất cả. 

+ Rồi tâm lại được chia chẻ theo cảnh giới như:

Dục giới tâm, Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm, Siêu thế tâm

+ Chia chẻ tâm theo khả năng hướng thiện hay không hướng thiện:

Bất thiện tâm, Thiện tâm, Vô nhân tâm, Tịnh quan tâm

+ Chia chẻ tâm theo khả năng tái sanh một đời sau hay không như:

Thiện tâm, Dị thục tâm, Duy tác tâm

+ Đứng về phương diện căn nhân chi phối các tâm ấy thì tâm được phân tích thành:

Hữu nhân tâm, Vô nhân tâm.

B. Phần tâm sở lại càng tế nhị hơn, ví dụ khi nhãn thức khởi lên thì sẽ có 7 biến hành tâm sở cùng khởi một lần: Xúc, Tác, Ý, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất Tâm, Mạng căn. Hơn thế nữa là những bảng thống kê tỉ mỉ tìm tòi số lượng các tâm sở hiện hành trong một tâm và những tâm sở nào được tìm thấy trong những loại tâm nào.

Ví dụ: Hỉ tâm sở có mặt trong 51 tâm.

Xà tâm sở khởi lên trong 70 tâm và một tâm giản dị như Tiếu sanh tâm cũng có đến 12 tâm sở cùng khởi lên một lần (Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất Tâm, Tác ý, Mặng căn, Tầm, Tứ, Hỉ, Tinh tấn, Thắng giải).

Điểm đặc sắc hơn nữa là tâm lý học Phật giáo đã giải thích tường tận về lộ trình của tâm (Cittavìthi). Mỗi khi có một sự kích thích ở ngoài ngang qua 5 căn thời có cả một số tâm tiếp diễn liên tục, khởi lên, diệt xuống, kéo dài trong khoảng 16 tâm sát na.

1. Hữu phần chuyển động -Bhavangacalana.

2. Hữu phần dừng nghỉ-Bhavangupaccheda.

3. Ngũ môn hướng tâm-Pancadvàràvajjana.

4. Một trong 5 thức khởi lên -Vinnàna

5. Tiếp thọ tâm-Sampaticchana

6. Suy đạc tâm-Santìrana

7. Xác định tâm-Votthapana

8. --> 14 Tốc hành tâm-Javana

9. --> 16 Đồng sở duyên tâm -Tadalambana.

Như vậy từ khi “hữu phần chuyển động” cho đến “đồng sở duyên tâm” có đến 16 tâm sát na, và nếu cộng thêm một tâm sát na nữa là thời gian cần thiết để đối tượng ở ngoài tiếp xúc với nội căn, thời chúng ta thấy: Đời sống một lộ trình của tâm có đến tất cả 17 tâm sát na và có 7 loại tâm khởi lên rồi diệt xuống trong một lô trình (từ “ngũ uẩn môn hướng tâm” đến “đồng sở duyên tâm”). Quả là một sự khám phá hy hữu, một sự phân tích thật vô cùng khúc chiết và tế nhị. Chỉ có tuệ minh sát phi thường của Đức Phật và các bậc tu chứng mới có thể nhìn sâu vào bên trong những sinh hoạt của tâm một chi ly và rõ ràng như thế. Những vấn đề tâm thức này có chăng sự phủ nhận của các nhà khoa học tâm lý? Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế Ngài đã nhìn thấy trong bát nước có vô số vi trùng mà cả ngàn năm sau khoa học mới chứng minh được. Với Phật nhãn quan sát thật tướng của các pháp, Đức Phật đã trông thấy tất cả không sót một mảy may. Thế nên Tỳ Ni Chỉ Trì Âm Nghĩa nói:

Phật nhãn có đầy đủ lực dụng của bốn thứ mắt: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn, thấy biết suốt tất cả. Như người thấy nơi thật xa thì đối với Phật là gần, chỗ người thấy tối thì Phật thấy sáng tỏ, cho đến không có gì là Phật không thấy, không nghe, không biết. Phật thấy nghe hổ dụng thấy tất cả mà không suy nghĩ.”

* Vấn đề Sắc giới tâm, vô sắc giới tâm và siêu thế tâm vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Nhưng các thứ tâm tế nhị này không phải là sản phẩm của lòng tin, của sự tưởng tượng hay dự đoán mà là trạng thái tâm thức chưa được phát giác ra, bởi kinh nghiệm cá nhân của con người chưa đạt tới, mà mỗi khi đạt tới thời trở thành thực nghiệm của tâm linh.

Ví dụ muốn chứng được Sắc Giới Tâm bằng sự tu tập, và đã chuyển chúng trở thành kinh nghiệm tâm lý. Tâm không phải là cái gì có thể sờ nó bằng tay hay quan sát, trắc nghiệm bằng mắt và bằng các phương pháp trắc đạt. Nó thì vô hình. Nếu tâm lý học phổ thông cho rằng phải “nghiên cứu các hiện tượng tâm lý bằng cách QUAN SÁT những hiểu hiện bên ngoài của tâm lý bên trong thông qua các giác quan”[5]thì tâm lý học Phật giáo khẳng định: Không thể khảo sát tâm lý bằng năm giác quan. .

Abhidhamma cũng là đạo đức học của Đạo Phật, vì tất cả lời dạy trực tiếp hay gián tiếp của Đức Phật cũng đều hướng đến giải thoát, giác ngộ. Tiêu chuẩn đạo đức ở đây không phải là lời phán xét của Đức Phật, cũng không phải dựa vào truyền thống hay tập tục của một thời đại nào. Tiêu chuẩn thiện ác ở đạo Phật tuỳ thuộc ở con người. Kinh Tăng Nhứt A Hàm, Đức Phật dạy:

“Bất luận thiện pháp nào, bất luận gì liên quan đến hay thuộc về bất thiện pháp tất cả đều xuất phát từ tâm” và “Bất luận thiện pháp nào, bất luận gì liên quan đến thiện pháp, tất cả đều xuất phát từ tâm”.

+ 12 Bất thiện tâm Abhidhamma được định nghĩa là những tâm khiến con người đi xa đích giải thoát và giác ngộ (những tâm bất thiện thuộc tham, sân và si).

+ 18 Tịnh quan tâm: là những tâm lưng chừng, yếu ớt, không tới cũng không lui.

+ 59 Vô nhân tâm: là những tâm khiến con người tiến dần đến mục tiêu giải thoát và giác ngộ.

Ở đây, chúng ta phải nhận rõ thái độ tâm lý học Phật giáo: không những trình bày lý thuyết của mình mà còn phải sống theo lý thuyết ấy trên thực tế để kinh nghiệm. Đó là “tu hành hợp nhất, trí đức song tu”. Đạo Phật bao giờ cũng chú trọng đến lý trí suy luận, thực tu thực chứng, lẽ dĩ nhiên bao giờ cũng kính trọng những nguyên tắc căn bản của pháp suy luận và do vậy chúng ta có thể nói phần luận lý lúc nào cũng tiềm tàng trong tạng Abhidhamma.

* Trong tâm lý học Phật giáo phần sắc pháp cũng được trình bày rất tận tường, khúc chiết. Sắc pháp đề cập đến thân thể con người, Đức Phật không tách rời sự liên lạc giữa thân thể với tâm thức vì danh và sắc tương quan liên đối với nhau.

C. Sắc pháp, theo Abhidhamma (A Tỳ Đàm), là 4 đại chủng và các sắc do 4 đại chủng tạo nên: Các sắc ấy gồm có 22 thư: Đại chủng sắc (địa, thuỷ, hoả, phong), Tịnh sắc (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân); Hoàn cảnh sắc (sắc, thanh, hương, vị, xúc). Bản tính sắc (nam tính, nữ tính); Tâm sở y sắc (tâm cơ); Mạng sắc (mạng căn); Thực sắc (đoàn thực). Hạn giới sắc (không giới); Biểu sắc (thân biểu, ngữ biểu. Biến hoá sắc (khinh-khoái, nhu nhuyến, kham nhậm) và Tưởng sắc (sanh, trú, lão, vô thường). Tất cả là 28 sắc phápE

d.Niết bàn:

-Nhìn tự tánh Niết bàn thì Niết bàn chỉ có một loại.

-Nhìn từ kinh nghiệm từ cõi sinh diệt thì Niết bàn có hai loại:

Hữu dư y (Niết bàn trước khi chết) và Vô dư y (Niết bàn sau khi chết).

-Nhìn từ hành tướng thì Niết bàn có ba: Không, vô tướng, vô nguyện. Niết bàn, tự tánh nó là an tịnh, dập tắt tất cả Ái (ái diệt, thủ diệt, thức diệt)

Tất cả các pháp kể trên đều liên hệ với nhau theo “duyên sinh”, tất cả đều do các duyên mà sinh khởi như giáo lý 12 chi phần nhân duyên trong Kinh tạng Pàli. Điều này có nghĩa là con người là sự vận hành của 12 chi phần nhân duyên mà sự phân tích chi li các tâm lý đã hình thành ra tâm lý học Phật giáo.

Theo duyên khởi, thế giới hiện tượng là do duyên mà sinh khởi, là vô thường, khổ và vô ngã. Ba đặc tướng ấy của đời sống ngự trị toàn khắp thế gian. Kể cả cái gọi là chúng sanh, được phân tách ra làm năm nhóm luôn luôn biến chuyển cũng chẳng có chi ẩn náu, chẳng có chi được bảo tồn lâu dài trong luồng trôi chảy của năm nhóm ấy. Đó là sắc (hay cơ sở vật chất), thọ, tưởng, hành và thức.

Vì không thấy bản chất thật sự của các Pháp, cái nhìn của chúng ta luôn luôn bị che lấp bởi những thành kiến sẵn có tánh tham và sân, thương và ghét...chúng ta không thể nhận thấy lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) một cách khách quan, theo đúng bản chất như nó đang là, và cứ thế chạy theo những gì là ảo huyễn hoặc. Giác quan lừa phỉnh là dẫn dắt ta đi sai đường lạc nẻo, như thế cái nhìn của ta đối với vạn pháp trở nên lầm lạc. Đó là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Về vấn đề này Đức Phật dạy:

Kẻ phàm phu ngu si vô học, vì không biết như thật sắc, tập khởi của sắc, diệt tận sắc, con đường đưa đến diệt tận sắc, vì ngọt của sắc, nguy hiểm của sắc, xuất ly của sắc, cho nên hoan hỷ sắc, tán thán sắc, thủ trước sắc, ở nơi sắc thấy ngã, ngã sở để chấp thủ. Do chấp thủ, nên khi sắc ấy hoặc biến chuyển, hoặc đổi khác, thì tâm bị biến chuyển, đổi khác theo, nên trì giữ tâm một chỗ. Do trì giữ tâm một chỗ nên sanh ra sợ hãi, chướng ngại, luyến tiếc. Vì có sanh nên bị trói buộc. Đối với thọ, tưởng, hành thức cũng lại như vậy”. [6]

II. NGUYÊN LÝ TƯ DUY CỦA TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY.

1. Ba nguyên lý tư duy của Aristote: Trong kinh Tăng Nhứt A Hàm Đức Phật có đề cập đến ba loại ảo kiến hay hiểu biết sai lầm hằng bám chặt vào tâm người đó là: tri giác sai lầm, suy tư sai lầm và kiến thức sai lầm. Những sự vật vô thường, người ấy thấy là thường còn, người ấy thấy thoả mãn trong hoàn cảnh bất toại nguyện (thoải mái và hạnh phúc trong đau khổ), thấy một bản ngã trong cái vô ngã, những vật đáng ghê sợ, nhàm chán vẫn thấy là đẹp, thích thú....Với những định kiến hữu ngã vốn dĩ sai lầm lại thêm các ảo kiến không ngừng tác động nên con người tiếp tục bị dục vọng và giác quan dắt đi sai đường lạc nẻo mãi.

Các triết lý xuất hiện trên đời thì nhằm để phục vụ con người và hạnh phúc con người. Nhưng con người tư duy thì dẫn đến sai lầm, khổ đau. Phương Tây bằng các tri thức về cuộc đời đến từ tư duy, các nhà triết học luôn luôn đi tìm chân lý của lý trí. Phương Đông chú trọng đến nhu cầu chứng ngộ chân lý. Trong luận án Tiến sĩ Phật học về lý thuyết Nhân tính, Thượng Toạ Chơn Thiện đã chứng minh vấn đề này qua phần: “Cá nhân và các giá trị con người”. Ở đây, người viết xin được trình bày con đường tư duy của Aristote-một triết gia Hy lạp. Ông là người đầu tiên khẳng định vị trí và tầm quan trọng của việc nghiên cứu tâm lý học qua tác phẩm: “Bàn về tâm hồn”. Tác phẩm tâm lý học đầu tiên của lịch sử khoa học tâm lý. Theo Aristote, có ba nguyên lý cơ bản tư duy:

a.Nguyên lý đồng nhất: Một vật gọi là (A) thì luôn luôn phải là (A). Nếu tên

gọi thay đổi từng lúc thì tư duy của con người không thể vận hành.

b.Nguyên lý không mâu thuẩn: Một vật gọi là (A) thì có thể gọi là (A) hoặc

(¹A) nhưng không thể khi thì gọi là (A), khi thì gọi là (¹ A). Nếu nó thường được thay đổi tên gọi, thì tư duy của con người không thể hoạt động.

c. Nguyên lý triệt tam: Một vật có thể khi này được gọi là (A), và khi khác được gọi là (B), nhưng không được gọi vừa (A) vừa (B), hay một nữa (A) và một nữa (B). Nếu nó là vừa (A) vừa (B) thì tư duy con người cũng không thể hoạt động được.

Ba nguyên lý trên là cơ sở cho logic học hình thức. Ba nguyên lý này giả định rằng mọi hiện hữu đều có ngã tính cố định, trong khi trong đời sống thật thì mọi hiện hữu thay đổi từng sát na.

Triết học Marx với quan điểm vận hành, vật chất luôn luôn vận động và biến đổi đã giúp cho sự ra đời logic học biện chứng là logic học bổ sung cho logic học hình thức.

Tuy vậy chính lối tư duy hữu ngã ấy đã sản sinh ra các sản phẩm tri thức cho nhân loại, cũng từ lối tư duy đó đã sinh ra hàng loạt những quan niệm xấu đẹp, ưa ghét, thân thù...và tâm lý con người tiếp tục phản ứng trên những ý niệm đó. Đúng hơn, con người sống và làm việc với những ảo ảnh và phản ứng đối với ảo ảnh. Với tâm lý học phổ thông, tư duy tìm ra bản chất của sự vật qua hiện tượng của sự vật mà hiện tượng của của sự vật thì được phản ánh vào não chúng ta qua cảm giác và tri giác. Từ đó mà có các hiện tâm lý: vui, buồn, giận hờn.... rồi phản ứng đến đối tượng. Đối tượng được phản ánh bằng cảm giác và tri giác đã sai, nên các rối loạn tư tưởng tất nhiên phải có hoặc phản ánh đối tượng có đúng đi nữa thì sự tổng hợp, đánh giá của tư duy cũng bị sai lệch sự.

Do thấy rõ tà kiến và tà tư duy ấy, Đức Phật dạy giáo lý duyên k hởi chỉ rõ rằng tư duy con người là chi phần Hành (Activities-sankhàra) của duyên khởi, hay hành uẩn của năm thủ uẩn hoặc của Danh sắc. Nó là thuộc sự vận hành của vô minh dẫn đến khổ đau. Như thế, các giá trị chân thật của các hiện hữu chỉ hiện hữu trong sự vận hành của trí tuệ (minh kiến) hay trong cái nhìn trí tuệ của con người” [7]

Những thành phần của tâm và thân (ngũ uẩn) nằm trong chuỗi nhân duyên nằm trong định luận nhân quả, không ngừng sanh trụ, dị, diệt, nhanh chóng đến độ không thể nào quan niệm. Quả thật, kiếp sống, của con người không khác nào dòng suối trên núi cao, dồn dập tuôn xuống không ngừng biến chuyển - Một dòng nước luân lưu bất tận của sự vận hành của sự kết hợp giữa tâm lý và vật lý.

Kinh Tạp A Hàm I Đức Phật giải thích rất rõ vấn đề này:

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô thường, vô ngã và bất luận gì là nhân và duyên làm cho ngũ uẩn phát sanh thì chúng cũng đều là vô thường, vô ngã. Làm sao mà ngũ uẩn vốn phát sanh từ những gì vô thường, vô ngã, lại là thường còn và hữu ngã được?”

Do đó, muốn thấy rõ vạn pháp đúng như thật, phải từ bỏ ý niệm về một bản ngã. Con người trong thế gian này dường như đã ghi nhận bản chất vô thường của đời sống:

Thế gian biến cải vũng nên đồi

Mặn, nhạt, chua, cay, lẫn, ngọt bùi “...(NBK)

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (N.D)

Mặc dù đã thấy sự vô thường, đã khổ đau, nhưng con người tiếp tục chạy theo vòng tư duy và dục vọng sinh ra từ tư duy ấy để rồi tiếp tục khổ. Con người vẫn cứ hy vọng, cứ tin tưởng rằng trên thế gian dù là bấp bênh, vô định, vẫn có thể được làm cho vững bền và cứ tiếp tục cuộc tranh đấu vô hiệu quả? Vì sao? Vì con người có ghi nhận bản chất vô thường của đời sống nhưng thật là khó khăn để chấp nhạn vạn pháp vô ngã, thân ngũ uẩn này là vô ngã. Muốn diệt khổ phải chấm dứt những quan niẹm sai lầm ấy. Cái ảo tưởng ngủ ngầm “Ta” và “Của ta” thật đã ăn sâu vào nếp nghĩ của con người đẩy đưa con người đến các dục vọng, sân hận...thất vọng, sợ hãi và khổ đau. Vô thường, vô ngã là đặc tính chính yếu của các hiện tượng sinh tồn, chúng ta không thể nói đến vật gì, dù vô tri vô giác hay hữu tri hữu giác rằng “cái này tồn tại”, bởi vì khi ta thốt ra lời nói trên thì nó đã đổi thay rồi. Ngũ uẩn luôn luôn bị định luật Nhân & Quả chi phối. Do vậy Thức hay Tâm và các thành phần của tâm, không ngừng biến chuyển. Kinh Tạm A Hàm nói rằng:

Người thấy rõ ràng các uẩn vô thường, là có Chánh Kiến “

2Giới hạn của các giác quan trong quá trình nhận thức:

Bên cạnh hạn chế của tư duy hữu ngã, tri thức của con người, một sự hiểu biết thế giới bên gnoa2i cũng không thuộc về thực ngã của con người bởi là một sự tổng hợp các nguồn thông tin từ các giác quan đem lại. Tâm lý học phổ thông nghiên cứu cáchiê5n tượng tâm lý chủ yếu bằng các phương pháp quan sát và thực nghiệm những biểu hiện bên ngoài của tâm lý bên trong thôgn qua các giác quan. Trong khi đó, các giác quan không phải là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy. Điển hình là phương pháp quan sát:

-Theo tâm lý học phổ thông, quan sát là tri giác những hành vi, cử chỉ, những biểu hiện, những hành động, hoạt động của đối tượng trong điều kiện tự nhiên để phán đoán, nhận xét về tâm lý của đối tượng, từ đó rút ra qui luật và cơ chế của chúng ta. Và phương pháp này không tránh khỏi nhữnng sai lầm do giác quan đem lại. Ví dụ như đối với cơ quan thị giác: Cảm giác nhình nảy sinh do sự tác động của các sóng ánh sáng phát ra hoặc phản xạ từ các vật. Cơ sở giải phẫu sinh lý của cảm giác nhìn là cơ quan phân tích thị giác. Cảm giác nhìn có vai trò cơ bản trong sự nhận thức thế giới bên ngoài của con người. Nhiều tài liệu hiện nay cho thấy khoảng 80% lượng thông tin từ bên ngoài đi vào não là qua mắt. Nhưng nếu con mắt bị bệnh, hay thần kinh thị giác bị yếu thì không thể nhìn thấy sự vật tốt được. Hơn nữa thế giới chung quanh ta với tất cả vật thể mà mắt ta đưa lại cho con người với những hình dáng, kích thước, màu sắc như hiện nay là do con mắt có hình cầu lồi, nhưng nếu không phải là hình cầu lồi mà mắt mang một hình dáng khác thì sự vật sẽ không phải là những hình dáng và màu sắc như ta đang thấy. Cái thế giới được phản ánh lên vỏ não qua mắt chỉ có giá trị tương đối. Đúng như Lê Nin đã nhận định: “Tâm lý là hình ảnh chủ quan của thế giói khách quan” [8]. Con người thường quan sát sự vật với định kiến hoặc kinh nghiệm của mình.

-Với cơ quan thính giác: Lỗ tai là cơ quan cảm giác phản ánh những thuộc tính âm thanh của đối tượng. Cảm giác này do những dao động không khí gây nên. Nhưng thật sự thế giới âm thanh không phải chỉ như con người đang nghe thấy được, mà thật ra đã bị giới hạn bởi màng nhĩ mỗi người không ai giống cả. Có những âm thanh chó cảm nhận được nhưng người không nghe thấy một tí gì. Tai của một nhạc công có thể phân biệt được nhiều mức độ âm thanh cao thấp khác nhau trong cùng một cung. Hoặc nếu kích thích một âm thanh quá mạnh cũng gây nên hiện tượng mất cảm giác (nhưng sóng siêu âm tác động vào tai ta) còn như kích thích yếu quá sẽ không tạo nên cảm giác gì cả (như hạt bụi rơi trên cánh tay ta, ta chẳng có cảm giác gì, nhưng thật ra vẫn có sự tác động của hạt bụi vào tay)

Như vậy, muốn tạo nên một cảm giác, kích thích tác động phải đạt tới một giới hạn nhất định. Giới hạn này tâm lý học phổ thông gọi là ngưỡng cảm giác. Bên cạnh giới hạn của ngưỡng cảm giác, tâm lý người còn chịu sự chi phối của quy luật tương phản của cảm giác. Đó là sự thay đổi của cường độ hoặc chất lượng của cảm giác dưới ảnh hưởng của một kích thích cùng loại xảy ra trước đó hoặc đồng thời.

Ví dụ: phấn viết trên bảng đen mới có vẻ trắng hơn, rõ hơn là viết trên bảng đen cũ, (tương phản đồng thời). Hoặc sau khi cầm một cục nước đá, cho tay vào nước ấm sẽ cảm thấy nước nóng hơn lúc bình thường (tương phản nối tiếp)

-Ở những người khuyết tật (mất 1 hoặc 2 giác quan nào đó), các giác quan còn lại sẽ tinh nhạy hơn người bình thường. Ví dụ ở người mù, cảm giác nghe hay cảm giác sờ mó có thể tinh nhạy hơn người không bị khuyết tật. Qua kết quả phẫu thuật, người ta thấy những vi thể Passni (giúp cho việc tạo nên cảm giác sờ mó) trên da ở đầu ngón tay trỏ của người bình thường có khoảng 186 vi thể, ở người mù có tới 270 vi thể, ở người mù lâu năm lên đến 311 vi thể.

Như vậy, cấu trúc của các bộ máy phân tích không phải là bất biến, mà nó có biến đổi để thích ứng với sự thực hiện tốt nhất chức năng của mình. Năng lực cảm giác của con người phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của người ấy. 

-Các thông tin phản ánh thế giới khách quan vốn đã bị sai lầm do các giác quan đưa lại, sự tổng hợp đánh giá chúng lại do tư duy hữu ngã thực hiện nên các tri thức, kiến thức mà con người xem là tự ngã của mình rất xa vời chân lý. Tâm lý học phổ thông cũng công nhận những phản ánh sai lệch của các sự vật, hiện tượng một cách khách quan của con người do những ảo ảnh tri giác do sinh lý, tâm lý, vật lý. Trong những hoàn cảnh điều kiện khác nhau do khoảng cách, sự chiếu ánh sáng hoặc những điều kiện xuất hiện khác của chúng như góc độ tác động vào người tri giác, sự tác động của các vật đối với nó (ví dụ như bị che lấp..) thì con người vẫn có khả năng cảm giác, tri giác sự vật xung quanh như là những sự vật ổn định về hình dáng kích thước, màu sắc....Đó là tính ổn định của tri giác. Đặc tính này là khả năng phản ánh sự vật một cách không thay đổi khi điều kiện tri giác bị thay đổi. Ví dụ: trước mắt ta là một em bé, đằng sau nó là một người lớn trên võng mạc ta, hình dáng của đứa bé lớn hơn hình dáng của người lớn nhưng ta vẫn tri giác người lớn hơn đứa bé.

Tính ổn định của tri giác phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm để có thể thấy cả hình dáng màu sắc và kích thước của sự vật. Bên cạnh tính ổn định của tri giác, tâm lý học phổ thông cũng cho ta thấy rằng ảo ảnh tri giác là sự phản ánh sai lệch các sự vật hiện tượng một cách khách quan của con người. Đây là một hiện tượng có qui luật xảy ra ở tất cả mọi người bình thường. Hiện tượng ảo ảnh tri giác có ở tất cả các loại tri giác. Vi dụ như tri giác không gian. 

32taml1

Trong hình a, 2 đoạn a và b bằng nhau nhưng ta thấy b>a

Trong hình b, ta thấy chiếc que bị gãy

Trong hình c: xem ra đoạn CD> CD nhưng thực ra CD = AB

Trong hình d, hai đường thẳng ở giữa song song, khi tri giác dễ thấy rằng chúng cong ở giữa.

Mỗi một ảo ảnh tri giác đều có một nguyên nhân cụ thể thể khác nhau, nhưng nhìn chung có thể thấy có 3 loại nguyên nhân gây ra ảo ảnh tri giác đó là:

-Nguyên nhân vật lý, nguyên nhân sinh lý, nguyên tâm lý.

-Theo quan điểm của tâm lý học Macxít: Tâm lý người phản ánh hiện thực khách quan lên vỏ não, nhưng với một hệ thần kinh không hoàn hảo có “vấn đề” thì cái hiện thực khách quan đó chắc chắn đã sai lệch rất nhiều.

Trong quá trình nghiên cứu, trắc đạt tâm lý người, khoa học phải chấp nhận những giới hạn nhất định đó. Cùng với cái tư duy hữu ngã- cái tư duy bắt mọi vật đứng yên trong khi vạn pháp biến chuyển theo từng sát na khiến con người dễ rơi vào những ảo kiến sai lầm do không thấy được thật vạn pháp.

III. Các cấp độ nhận thức trong tâm lý học phổ thông và tâm lý học Phật giáo

1.Hoạt động nhận thức của tâm lý học phổ thông

Các sự kiện tâm lý của con người mà tâm lý học phổ thông gọi là hoạt động nhận thức của cá nhân bao gồm: cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng...

Hoạt động nhận thức là cơ sở của mọi hoạt động tâm lý con người. Trong cuộc sống con người luôn luôn nhận thức sự vật hiện tượng xung quanh mình, đồng thời con người cũng tự nhận thức hiện tượng bản thân mình. Có thể nhận thức từ hiện tượng cụ thể bên ngoài cho đến cái bản chất qui luật bên trong của sự vật. Nhận thức là một hoạt động tâm lý rất phức tạp, đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau. Tâm lý học phổ thông chia hoạt động nhận thức thành 2 giai đoạn lớn: nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Mỗi giai đoạn đó gồm những quá trình nhận thức ở mức độ khác nhau.

a.Nhận thức cảm tính: đây là gia đoạn thấp của hoạt động nhận thức. Giai đoạn

này bao gồm 2 quá trình: cảm giác và tri giác.

* Cảm giác: là một quá trình tâm lý phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ về bề ngoài

của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan, khi chúng trực tiếp tác động vào giác quan của ta “Cảm giác là hình thức định hướng đầu tiên của cơ thể trong thế giới chung quanh” [9]. Mặc dù cảm giác chỉ là cấp độ thấp nhất trong quá trình nhận thức nhưng nó giữ một vai trò quan trọng trong đời sống. Trong hoạt động nhận thức, cảm giác thu nhân nguồn tài liệu phong phú, nhờ đó, con người mới có những quá trình nhân thức cao hơn Lê Nin đã viết “Cảm giác là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên toà lâu đài nhận thức” [10]

·Tri giác: là quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự

vật, hiện tượng, dưới hình thức hiện tượng, khi chúng trực tiếp tác động vào giác quan của ta.

Tri giác phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, nhờ có kinh nghiệm con người nhận rõ ngay toàn bộ sự vật một cách đầy đủ, hoàn chỉnh. Nhưng nếu kinh nghiệm không chính xác thì tri giác con người sẽ phạm sai lầm. Đó là cơ sở của những thành kiến, định kiến của con người ảnh hưởng trên đối tượng. Tri giác là một quá trình nhận thức cao hơn, phức tạp hơn cảm giác nhưng tri giác phản ánh sự vật hiện tượng một cách toàn vẹn và rõ ràng hơn cảm giác.

b.Nhân thức lý tính: Bao gồm 2 quá trình chủ yếu: Tư duy và tưởng tượng.

·Tư duy: Là một mức độ nhận thức thức cao hơn cảm giác và tri giác. Đối là

một quá trình phản ánh những thuộc tính bản chất, những liên hệ và quan hệ có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan.

Ví dụ: đứng trước một người, cảm giác và giác tri cho ta biết hình dáng, nét mặt, cử chỉ, lời nói...Còn nói tư duy có thể cho biết những cái bên trong như đạo đức, tài năng, tư tưởng, tình cảm, lập trường quan điểm... Tư duy phản ánh cái chưa biết tức là phản ánh ái mới giúp con người giải quyết những nhiệm vụ mà đời sống xã hội đề ra.

Cảm giá, tri giác và quá trình tư duy là những mức độ nhận thức rất khác nhau, nhưng không thể tách rời nhau. Quá trình tư duy dựa trên cơ sở tài liệu của cảm giác và tri giác. Nhận thức cảm tính là nguồn cung cấp “nguyên liệu” cho tư duy “Tất cả các hiểu biết bắt nguồn từ kinh nghiệm, từ cảm giác, tri giác”

·Tưởng tương: là một quá trình tâm lý phản ánh những cái chưa từng có trong

kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới trên cơ sỡ những biểu hiện đã có. Tưởng tượng có liên quan mật thiết với mọi hoạt động của con người. Tưởng tương rất cần thiết cho hoạt động nhận thức. Lê Nin đã viết:

Thật sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ có nhà thơ mới cần có tưởng tượng. Đó là một định kiến ngu xuẩn! Ngay cả trong toán học cũng cần có tưởng tượng. Không có nó thì không thể tìm ra phép tính vi phân và tích phân được”. [11]

2.Các cấp độ nhận thức trong tâm lý học Phật giáo.

Trong bài Kinh Pháp môn căn bản (Trung bộ I). Đức Thế Tôn đã tự thuyết giảng

cho các Tỳ kheo về các cấp độ nhận thức của con người, đó cũng chính là “Pháp môn căn bản tất cả Pháp”

* Tưởng tri (sanjànàti) = recognises

* Thức tri (vijànàti) = is aware of

* Tư duy, nghĩ đến (mannati) = thinks of

* Thắng tri (abhijànàti) = understands thoroughtly

* Liễu tri (parijànàti) = knows intuitively

a.Tưởng tri (sanjànàti):

Là hoạt động của một cái tâm thuần tuý về các kinh nghiệm về hình ảnh, mùi,

vị...Đó là cái biết theo kinh nghiệm: Duy thức gọi là tạng thức chứa chủng tử với sắc trần (bên ngoài) và pháp trần (bên trong). Những ảnh tượng để lại trong tâm gọi là pháp trần.

b.Thức tri (vijanàti)

Là cấp độ nhận biết của thức uẩn, ghi nhận sự có mặt của vạn pháp. Thức tri là sự nhận biết khi có sự tiếp xúc giữa căn và trần.

c.Tư duy (mannati)

Đây là cấp độ là việc của tư tâm sở. Vai trò của tư duy là: khi các căn tiếp xúc

các trần, liền cho các ảnh tượng theo từng phương diện của sự vật, ghi nhận và đưa tin tức vào não bộ, sau đó là tư duy làm công việc tổng hợp (hành uẩn). Khi các giác quan làm việc, điều có mặt kinh nghiệm của tưởng uẩn. Công việc của tư duy là phân tích qua quy nạp; diễn dịch; tổng hợp; và đánh giá.

Duy thức pháp tướng thì trình bày có 8 thức: 5 thức đầu (tiền ngũ thức) ghi nhận cấp độ hoạt động của tưởng tri và thức tri. Cấp độ lục thức (ý thức) là cấp độ của tư duy với sự có mặt na (yếu tố chấp ngã đưa chủng tử vào Alạida thức và đem chủng thử của Alạida ra 6 thức để khởi tác dụng). Đến đây và ngang với cấp độ nhận thức của con người trong tâm lý học phổ thông (cảm giác, tri giác và tư duy). Nghĩa là khi gặp hoàn cảnh có vấn đề cần đáp ứng, giải quyết, thì con người phải dựa vào những điều đã cảm giác, tri giác được, dựa vào kinh nghiệm và tri thức vốn có của mình để suy nghĩ, đó là tư duy. Như vậy cấp độ nhận thức của con người được tâm lý học phổ thông đề cập đó là tư duy. Như vậy cấp độ nhận thức của con người được tâm lý học phổ thông đề cập đến chỉ thuộc lãnh vực kinh nghiệm. Con người chỉ tư duy trên cơ sở của tâm thức do các giác quan đưa tới. Cấp độ nhận thức của tâm lý học phổ thông chỉ ngang với cấp độ tưởng tri, thức tri và tư duy-Một sự hoạt động của thọ tưởng, hành, thức. Do vậy, địa bàn hoạt động của nhận thức này bị chế ngự của vô minh. Không tách rời với các nhận thức hữu ngã và các nguyên lý tư duy sai lầm do các quan niệm hữu ngã và các nguyên lý tư duy sai lầm do các quan niệm hữu ngã và sự lệch lạc của các giác quan đem lại. Về cấp độ tư duy này Đức Phật nêu rõ:

Này các Tỳ kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy được các bậc chơn nhân, không tu tập các bậc chơn nhân, tưởng tri địa là địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: “Địa đại là của ta”- dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại” [12]

Tương tự như vậy, con người tưởng tri, thức tri và tư duy với các đối tượng nhận thức như là:

(a)...thuỷ, hoả, phong, đại và các loài chúng sanh

(b)...các cảnh giới

(c)...sở văn, sở tri, sở kiến, sở tư, đồng nhất, sai biệt, Niết bàn.

Rõ ràng đây là cấp độ tư duy nhị nguyên do quan niệm hữu ngã đưa tới. Vì thấy có ngã (địa đại) nên đối chiếu với địa đại, chấp ngã là địa đại.... Từ đó sinh ra các quan niệm phân biệt: tốt, xấu, hạnh phúc, đau khổ, thương, ghét...Tất cả đều là sản phẩm của thọ, tưởng, hành, thức, của tư duy qua tài liệu thông tin được cung cấp từ các giác quan, mà các giác quan thì luôn bị hạn chế bởi các sai lầm. Nhận thức của con người đối với mọi sự vật và hiện tượng, với thực tế cuộc sống chung quanh chỉ được nâng cao trên cơ sở trình độ phát triển của xã hội và qua quá trình hoạt động thực tiễn lâu dài của con người. Đối với tâm lý học phổ thông, tư duy là mức độ nhận thức cao hơn cảm giác và tri giác. Sách tâm lý học của trường Đại học Sư phạm định nghĩa:

“Tư duy là phẩm chất trí tuệ giúp con người có thể bao quát được một phạm vi rộng lớn của thực tiễn tri thức và nắm được mối liên hệ của nhiều lĩnh vực. Người có phẩm chất này bao giờ cũng nhìn thấy rõ ràng cái cốt lõi, cái bản chất của vấn đề, có khả năng đi sâu vào đối tượng nhận thức để tìm ra cái mới. Nhờ đó mà con người có thể thấy được những nguyên nhân sâu xa, những ý nghĩa đúng đắn, những nguyên nhân, hậu quả của vấn đề...”[13]

Quả là tâm lý học phổ thông đã đánh giá cao cấp độ tư duy của con người. Nhưng đúng như Lê Nin đã nhận định: tư duy bắt nguồn từ kinh nghiệm, từ cảm giác, tri giác. Mà kinh nghiệm, cảm giác, tri giác của con người vốn dĩ hạn chế và sai lầm bởi các giác quan, bởi tư duy hữu ngã nên cái tư duy đó không thể thấy rõ sự thật như thật của vạn pháp. Nó chỉ dừng lại ở cái biết của người không hiểu rõ chánh pháp, dẫn đến chấp thủ năm uẩn, dẫn đến vô minh và sầu, bi, khổ, ưu, não.

Qua lời dạy của Đức Phật, quá trình nhận thức của con người không dừng lại ở đây. Đối với người biết tu tập và huấn luyện tâm thức qua Thiền định thì nhận thức sẽ nâng lên ở cấp độ “Thắng tri” và “Liễu tri”. Đó là cấp độ nhận thức đưa đến cái thấy trực giác, cái tri kiến về sự thật của sự vật, từ đó tâm thức rời khởi dục vọng, sân hận, và các nhận thức sai lầm, rồi đi ra khỏi khổ đau.

d) Thắng tri (Abhijànàti)

Thắng tri là cái biết qua tu tập Thiền định. Các bậc tu chứng từ sơ thiền đến tứ thiền sẽ có được cái biết “Thắng tri”. Đó là cái biết trực giác về sự vật; các sự chi phối, các tâm lý ngăn che trí tuệ của hành giả đã được khắc phục. Sự can thiệp của tư duy nhị nguyên và ngũ triền cái đã bị loại. Nhờ vậy nhận thức của hành giả được nâng lên một bước cao và sâu hơn, nhìn được sự vật với chánh tri kiến nên tiếp cận được với chân lý. Hành giả sẽ hiểu sâu hơn thật tướng của các pháp. Với tâm khinh an, định tĩnh và trí tuệ sáng suốt do thấm nhuần hương vị giải thoát của Thiền, vị ấy thấy được dòng duyên khởi của sự vật. Con người cũng là một dòng trôi chảy của các duyên. Thắng tri thì tương đương với trực giác của tâm lý học phổ thông, mà các nhà tâm lý đã xem như là: hiện tượng sáng.

-“Hiện tượng vụt sáng là sự xuất hiện những ý tưởng bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước. Chúng có ý nghĩa rất lớn trong lĩnh vực sáng tạo” [14]

Như trường hợp của nhá bác học Newton nhìn quả táo rơi mà phát hiện định luật sức hút của trái đất. Cái trí tuệ bừng sáng ấy xem như một sự mở nguồn sáng tạo. Tâm lý học phổ thông cho rằng cấp độ nhận thức trực giác đầy tính sáng tạo ấy không thể giáo dục hay huấn luyện được. Đối với tâm lý học Phật Giáo thì thắng tri là cấp độ nhận thức của các bậc “tu hành thành mãn” hoặc đang “cần cầu vô thượng an ổn thoát khỏi khổ ách”. Tuy vậy, ở cấp độ thắng tri này, hành giả vẫn còn bị ngăn che, bị ràng buộc bởi các cảm thọ (thọ uẩn), các kiết sử. Chỉ đến khi nào các cảm thọ bị đốt cháy, hành giả nhiếp phục được sự chi phối của năm uẩn hoàn toàn thì sẽ đạt được cái thấy biết tối thắng là Liễu tri.

Về cấp độ nhận thức thắng tri, Đức Phật dạy: 

“Này các Tỷ kheo, có Tỷ kheo, hữu học tâm chưa thành tựu, đang sống cần cấu vô thượng an ổn, khỏi khổ ách, vị ấy thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) như là địa đại, đã không nghĩ: “Địa đại là của ta” –không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại...thuỷ đại...hoả đại...phong đại...sanh vật...chư Thiên sanh chủ...Phạm thiên....Quang Âm Thiên...Biến Tịnh Thiên...Quả Quả Thiên...Abhibhù (Thắng giả) ...Không vô biên xứ....sở kiến.....sở văn....sở tư niệm....sở tri...đồng nhất....sai biệt...tất cả....Vị ấy thắng tri Niết bàn là Niết bàn, vị ấy đã không nghĩ đến Niết bàn, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với Niết bàn, đã không nghĩ (tự ngã) như là Niết bàn, đã không dục hỷ Niết bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri Niết bàn.”[15]

e) Liễu tri (Parijànàti):

Nếu cấp độ của Thắng tri là cấp độ của tâm giải thoát thì cấp đô của liễu tri là cấp độ của tuệ giải thoát. Đó là cái thấy biết vạn pháp như thật với trí tuệ viên mãn hoàn toàn. Với bất cứ đối tượng nào cũng không còn một quan niệm gì về tự ngã. Đó cũng là cái thấy biết sáng suốt. Điều đó không phải là cái gì “kỳ bí’ dẫn dắt chúng ta vào “thế giới tâm linh” xa xôi nào, ở đây chỉ đề cập đến lĩnh vực hình thức hoạt động của tư duy (của các nhóm tâm lý) trong quá trình hình thành nhận thức: phản ánh đúng thế giới hiện thực, cho nên nội dung không có cái gì khác ngoài bản chất của hiện thực. Các Kinh Phật thường gọi là “thật tướng” hay “thể tánh” thể hiện viên mãn sự vật đúng như (yathàbhùtam) đứng về mặt nghiên cứu (việc áp dụng tương đối vào cuộc sống thế tục) thì liễu tri thuộc về tuệ uẩn, và nội dung của nó là chánh kiến và chánh tư duy trong Bát chánh đạo.

Trong thực tế, con người có chánh tri kiến (thuộc nhận thức luận Phật giáo) là có được một tri kiến kết tinh từ quá trình nhận thức của con người, phản ánh thế giới hiện thực theo đúng quy luật vận động và biến đổi của sự vật. Quan hoạt động của các hình thức tâm lý thích hợp-từ nhận thức “tuỳ giác”, còn hời hợt bên ngoài, tiến đến trình độ nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn, “thể nhập” vào bản chất của sự vật. Đức Phật đã nói về con đường giác ngộ của mình-con đường “kiến tánh” là : “Mắt đã sinh, kiến đã sinh, tuệ đã sinh, minh đã sinh, ánh sáng đã sinh” đó là một quá trình nhận thức đi từ cảm tính đến lý tính, từ cụ thể đến thực chất.

Chánh tư duy có nghĩa là nếp suy nghĩ phản ánh đúng đắn những căn nguyên về sự tồn tại và biến đổi của sự vật, bao gồm hai phương pháp thể hiện hai mặt hiện thực. Theo các danh từ triết học thông dụng ngày nay đó là:

-Phương pháp tư duy logic phản ánh chân thực hiện tại.

-Phương pháp tư duy biện chứng là phương pháp tư duy phù hợp với quy luật vận động của thế giới hiện thực.

Chánh tư duy là từng bước thâm nhập vào thế giới hiện thực, đi đến nắm bắt chân lý.

Cái trí tuệ viên mãn này (liễu tri) thật ra là có tất cả ở mọi người từ những kẻ phàm phu cho đến các bậc Hiền Thánh. Do sự ngăn che bởi các cảm thọ mà sự thấy biết vạn pháp đúng như thật bị che khuất. Yếu tố chi poh61i cái tư duy con người không chỉ do bên ngoài hay bên trong mà thực sự còn do một yếu tố xa hơn nữa đã can thiệp mạnh mẽ vào đối tượng: đó là tập khí nghiệp hay còn gọi là tập quán của văn hoá hữu ngã.

Theo sự giảng giải của Đức Phật, A La Hán là các bậc tu hành thành mãn đã đạt chánh trí giải thoát với bốn trường hợp sau:

-Trường hợp 1: “Này các Tỷ kheo, có Tỷ kheo là bậc A La Hán, các lậu hoặc đã lậu, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đạt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát....Ta nói vậy đã liễu tri Niết bàn”

-Trường hợp 2: ....Đã tận trừ hữu kiết sử, đã chánh trí giải thoát. Thắng tri vì đã đoạn trừ tham dục.

-Trường hợp 3: ....Thắng tri và đã đoạn trừ sân hận.

-Trường hợp 4: ....Thắng tri và đã đoạn trừ si mê.

Với Như Lai là bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác thì cái thấy biết của Ngài là Thắng tri và Liễu tri với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sư ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tóm lại: -Cấp độ nhận thức thuộc về tưởng tri, thức tri và tư duy thuộc hữu ngã và thuộc giới hạn của tin tức nhận được từ các quan năng. Cái biết hữu ngã đến từ phạm trù của sáu căn, sáu trần vá sáu thức. Tư duy hữu ngã đưa đến các giá trị văn hoá của con người. Cấp độ nhận thức này bị vô minh chi phối nên dẫn con người đến khổ đau, sinh tử luân hồi. 

-Cấp độ thắng tri: thông qua thiền chỉ, thiền quán, cho ta sự trực giác về sự thật của mọi hiện hữu.

-Cấp độ liễu tri: qua thiền định và trí tuệ vô ngã mà nhận biết như thật mọi hiện hữu. Đây là tri kiến giải thoát, ra khỏi mọi khổ đau và luân hồi sinh tử.



[1]James Driver, A dictionary of Psychology, London. Penguin Books 1952 Dagobert D. Runes, Dictionary of Phylosophy, New Jersey. Little field Adams & Co USA 1963

[2]PTS Thái Trí Dũng PGS. TS Văn Thiện. Tâm lý học Trường ĐHKT TPHCM 1994 Tr 7

[3]Anguttara Nikàja, Tăng Nhất A Hàm ii tr. 177

[4]Nãrada. Thị Kệ Pháp Ai Kinh. Tịnh Minh dịch 1995

[5]PTS. Thái Trí Dũng. PGSTS. Trần Văn Thiện. Tâm Lý Học . Trường ĐHKT TPHCM, 1994, tr. 7

[6]Kinh Tạp A Hàm I 1993, Tr. 98

[7]Thích Trí Chơn, Lý thuyết về nhân tính qua kinh tạng Pàli, Luận án tiến sĩ Phật học 1996, tr. 77-80

[8]Lênin toàn tập, quyển 4, NXBND 1957 Tr, 259

[9]Trần Trọng Thuỷ, Giáo trình tâm lý học 1979

[10]Lênin toàn tập, tập 18 Tr. 46

[11]Lênin, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh n ghiệm phê phán. Sự thật 1961, Tr. 1963

[12]Trung bộ I Kinh pháp môn căn bản 1992 Tr. 9 & 10

[13]Giáo trình tâm lý học tập II ĐHSP 1994 Tr. 28

[14]PTS Thái Trí Dũng – PTS Trần Văn Thiện, Giáo trình tâm lý Trường ĐHKT TPHCM 1994 Tr. 10

[15]Kinh trung bộ I 1992 Tr. 12

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Vi tính: Đồng Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]