Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phẩm thần diệu thứ hai mươi tám

03/05/201313:14(Xem: 11535)
2. Phẩm thần diệu thứ hai mươi tám

Kinh Hoa Thủ

2. Phẩm thần diệu thứ hai mươi tám

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Phật bảo Xá Lợi Phất, Bồ Tát có bốn pháp có thể đạt được tất cả pháp vi diệu. Những gì là bốn?

1) Như người phát tâm Ðại Thừa, thấy pháp sắp diệt, vì muốn cho tồn tại lâu dài nên phải có sự nỗ lực tinh tấn cầu pháp không biết mỏi mệt. Hoặc thấy chùa tháp Phật bị hư hại cần nên sửa sang lại để được lâu dài. Vì mến giáo pháp nên chẳng tiếc thân mạng. Thấy chúng sanh đau khổ sanh lòng đại bi, thực hành tinh tấn, phát nguyện thế này: lúc nào còn tu tập Phật đạo phải thuyết pháp để trừ diệt mọi nổi thống khổ.

2) Ðại Bồ Tát cầu pháp không chán. Vì cầu pháp nên phát tâm sâu xa để đạt được điều nguyện mong muốn. Ðại Bồ Tát vì cầu đại trí nên có uy đức vô cùng, phá tâm kiêu mạn. Ðại Bồ Tát ở trong chúng sanh làm hạnh từ tâm. Vì muốn làm lợi ích nên nghĩ rằng: những chúng sanh này không ai cứu giúp, duy chỉ một mình ta. Ðại Bồ Tát vì không sân hận, nên tu pháp đại bi. Ðại Bồ Tát vì không ganh ghét, làm cho chúng sanh được chân trí huệ. Ðại Bồ Tát, vì không keo kiệt nên thường đem pháp hóa độ chúng sanh. Ðại Bồ Tát là người đại thí nên đem thâm tâm vui trong Phật đạo. Ðại Bồ Tát đối với các pháp tâm không tham chấp. Ðại Bồ Tát là người khéo nói, nét mặt hòa vui, thường hay mỉm cười, nên thấy chúng sanh đau khổ lại càng tinh tấn hơn. Ðại Bồ Tát mến ưa Phật pháp. Ðại Bồ Tát không hề sợ sệt, trong đại chúng oai như sư tử gầm. Ðại Bồ Tát vì không khiếp hãi nên duy trì được Phật pháp. Ðại Bồ Tát thường cần tinh tấn, tu tập các căn lành. Ðại Bồ Tát trong các xứ sở, thành ấp, xóm làng không bị vướng buộc. Ðại Bồ Tát thường phải giáo hóa tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới. Ðại Bồ Tát thông minh trí tuệ, thấu triệt các pháp. Ðại Bồ Tát cầu nghĩa chân thật để suy lường vạn pháp. Ðại Bồ Tát trong Phật pháp muốn thấu rõ nghĩa chân thật để tự cầu chứng vô thượng Bồ Ðề. Ðại Bồ Tát là người giác ngộ, khéo biết thời cơ giáo hóa chúng sanh.

3) Ðại Bồ Tát vì pháp phá vỡ những luận thuyết ngoại đạo. Ðại Bồ Tát trong tất cả các pháp là nghĩa quyết định. Ðại Bồ Tát vì Phật pháp. Ðại Bồ Tát vì ruộng phước để phát sanh pháp bảo. Ðại Bồ Tát như đại dương dung nhận được hết mọi vật. Ðại Bồ Tát như núi Thiết Vi ngăn che gió phiền não của vô số chúng sanh. Ðại Bồ Tát như nước đại dương, nói pháp không cùng tận. Tâm Ðại Bồ Tát thuần tịnh bao la như hư không. Ðại Bồ Tát là người vô tận sánh bằng hư không. Ðại Bồ Tát như núi Tu Di chứa các pháp lành. Ðại Bồ Tát như đất bằng nhận hết mọi ghét thương. Ðại Bồ Tát như ruộng tốt chứa hạt giống lành không để rơi rớt. Ðại Bồ Tát như mặt trời cho chúng sanh ánh sáng Phật pháp. Ðại Bồ Tát như ánh trăng thanh quét sạch hết mọi tối tăm. Ðại Bồ Tát như cây dù lớn che chở các sự dâm, giận, si, phiền não của chúng sanh. Ðại Bồ Tát như mây phủ làm an ổn hơi thở chúng sanh. Ðại Bồ Tát như cây đại thọ làm chỗ hướng về của chúng sanh. Ðại Bồ Tát làm người cứu độ thế giới, kẻ nương về, chỗ nương tựa, người thí không sợ. Ðại Bồ Tát là thầy của thế giới, trong mọi kỹ thuật đều thông suốt hết. Ðại Bồ Tát vì lợi ích chúng sanh nên ban cho Niết Bàn an lạc đời này và đời sau. Ðại Bồ Tát vì thế mà tất cả chúng sanh đều nên kính lễ.

4) Nếu chúng sanh biết Bồ Tát vì các hạnh khổ khó làm như thế mà thay cho để gánh vác, vì nhân duyên cầu được an lạc. Như ta biết các chúng sanh ấy đáng được đội trên đầu hoặc vác trên vai. Từ khi mới phát tâm cho đến lúc thành Phật, trong thời gian đó, tất cả chư thiên các cõi và loài người có những đồ dùng tốt nên đem cúng dường; cũng như thường đội họ trên đầu, không để đi dưới đất. Hoặc Bồ Tát ấy lúc đến đạo tràng nên đem đồ mặc tuyệt đẹp, hoặc dùng thiên y hình hoa sen rực rỡ trãi lên tòa cao cho tới đỉnh đầu, hoặc lấy áo thiên bảo che chở nắng gió. Khi đạt được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, dùng hương hoa, tràng phan, ca nhạc, cũng như tự đích thân hầu hạ cung phụng. Những chúng sanh như thế đều đáng tôn kính cúng dường, vì không thể nào báo ân Bồ Tát hết được. Tại sao thế? Vì Bồ Tát ban cho chúng sanh đạo vô thượng an lạc, vô lậu thanh tịnh.

Này Xá Lợi Phất, đem cái dục lạc thế gian sánh với cái vui này trăm phần nghìn phần, trăm nghìn vạn phần không bằng một phần, cho đến dùng thí dụ cũng không thể sánh kịp. Tại sao? Vì chúng sanh cung cấp cho Bồ Tát những đồ dùng đều là của thế gian hữu lậu, hư dối, vô thường, biến hoại. Bồ Tát đã ban cho chúng sanh cái vui xuất thế vô lậu chân thật, không giận, không phiền, vô lượng, vô hạn rốt ráo thường lạc. Vì thế, Xá Lợi Phất, ông nên biết, chúng sanh đem tất cả đồ ưa thích cúng dường Bồ Tát cũng không thể báo ân được. Xá Lợi Phất, Ðại Bồ Tát trong đám người ngủ mê mà làm kẻ giác ngộ; chỗ bọn phóng đảng làm người tinh tấn, nơi bọn cuồng loạn thường tu chánh niệm. Ở chỗ đám mù tối cho ánh sáng, giữa những người bịnh hoạn làm bậc đại y vương, trong bọn tà kiến, làm người chỉ rõ con đường ngay, nên đối với những chúng sanh chưa khởi thiện pháp làm cho phát khởi pháp lành. Ðối với những chúng sanh chưa tăng thiện pháp làm tăng pháp lành.

Xá Lợi Phất, nói một cách vắn gọn, không người nào có thể vì chúng sanh làm kẻ để chúng hướng về, kẻ cứu độ; người dẫn tới con đường cứu cánh. Chỉ có chư Phật, Phật pháp, pháp Như Lai, pháp tự nhiên không thể từ bên ngoài mà có, mà tất cả đều do Bồ Tát đạo phát sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]