Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Phẩm hiện biến thứ tám

03/05/201312:05(Xem: 11459)
3. Phẩm hiện biến thứ tám

Kinh Hoa Thủ (Quyển II)

3. Phẩm hiện biến thứ tám

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Lúc bấy giờ Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát đến thành Vương Xá nơi Trúc Viên đãnh lễ dưới chân đức Phật xong, ngồi qua một bên và bạch Phật rằng, Phật Vô Tướng Âm thăm hỏi đức Thế Tôn có được ít bịnh, ít phiền, chỗ ở có được an ổn, khí lực có điều hòa không? Ngài đưa hoa sen này dâng lên đức Thế Tôn. Phật nhận hoa xong, liền hỏi Bồ Tát rằng, Phật Vô Tướng Âm có được an ổn không và khéo giáo hóa chúng sanh chăng?

- Ðáp: thưa Thế Tôn, Phật Vô Tướng Âm khí lực vẫn khỏe mạnh, chúng sanh dễ độ. Tại sao thế? Vì ở thế giới kia đại chúng hòa hợp nhờ có bốn pháp thanh tịnh. Bốn pháp ấy là gì?

1- Căn lành thanh tịnh vì đạo Bồ Ðề

2- Giới đức thanh tịnh do chính mỗi người tự phát nguyện

3- Chỗ thấy biết thanh tịnh, vì không còn chấp các pháp

4- Chỗ quán xét thanh tịnh, vì không chấp tướng.

Bạch Thế Tôn, đại chúng ở đó không phá các giới cấm, không bỏ những oai nghi; cũng không ba lần bỏ tên của giới cấm. Chúng sanh cõi ấy quán xét chúng sanh ở thế giới này như bị ngục tra tấn, nay con cầu thỉnh mong Như Lai đến cõi Ta Bà. Lúc đó Phật bảo: thôi đi thiện nam tử, đến cõi kia để làm gì? Nay ta ở đây cũng hóa độ được chúng sanh vậy. Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát ân cần ba lần thưa thỉnh mong Như Lai đến cõi Ta Bà. Nếu Phật không quang lâm, con phải dùng thần lực quả báo đón Ngài ở cõi này trong một khoảnh khắc (tích tắc) trong hư không sẽ phân thân đến cõi kia. Lúc đó Phật lặng yên lắng nghe Bồ Tát hiện sức thần thông tự tại, muốn làm cho chúng sanh đầy đủ căn lành, cũng làm cho họ có đủ lực tri kiến. Lúc bấy giờ Bồ Tát Chuyển Pháp Luân liền dùng tay phải nắm gọn ba ngàn đại thiên thế giới cũng như người thợ nặn dùng gậy quay vòng cầm nơi tay mà đi. Lúc đó Xá Lợi Phất biết cõi tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động mạnh, nên bạch Phật: thưa Thế Tôn, cầm nắm thế giới này cùng với chúng ta đồng đi.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn khéo dùng từ tâm nói lời dịu dàng hòa nhã làm cho tâm đại chúng hoan hỷ, đầy đủ tuyệt vời không cao không thấp, thuần tịnh không loạn để hiểu rõ được nghĩa thú. Phật bảo Xá Lợi Phất rằng, nếu không do ta phát ra tiếng thì âm thanh không thể nào nghe thấu đến cõi đại thiên thế giới. Lúc ấy có những chúng sanh tham trước ngã chấp, nhân vì chấp có, lấy làm hốt hoảng nên được tâm xa lìa. Còn bốn chúng khác chỉ trông thấy Phật, Bồ Tát vây quanh thuyết pháp, như vua Chuyển Luân ngồi chỗ an ổn, như Ðại Phạm Vương trong chúng Phạm Thiên. Lúc đó Phát Tâm tức Chuyển Pháp Luân Bồ Tát đều nắm gọn 10 phương vô lượng thế giới trong tay làm cho nhóm lại một chỗ để chỉ rõ cho chúng sanh.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn dùng thần thông lực làm cho gió lớn thổi các thế giới chạm vào nhau vỡ tan thành từng mãnh vụn và tan nát cả. Phật hiện thần thông khiến các vua Ðại Phạm và trời Phạm thiên lúc nghe pháp thường không mất. Cõi Phạm Vương và cung điện của họ nay thấy đều tan nát hết, họ rất lấy làm sợ hãi nên sanh tâm xa lánh. Mỗi vị nghĩ như vầy: các cung điện này trước đây chúng ta tạo dựng nên mà nay hình tướng đều hoại diệt, như sóng dợn đập vào bờ, bọt nước tan biến. Khi nước khô cạn, mặt trời chiếu rọi, gió thổi làm mòn rồi tan biến, tướng vô thường của chúng ta đây cũng vậy, nên tất cả đều một lòng lo sợ chấp tay lễ Phật.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất rằng, ta từ trước đến nay vì ông mà nói cõi thế gian hư vọng không chân thật. Ví như có người tranh cãi với hư không, thế gian cũng thế, chỉ là do tưởng nghĩ phân biệt mà có, không bền chắc, cũng như bọt nước tụ lại rồi tan. Thế gian hư huyễn (giả dối), lừa dối chúng sanh. Thế gian như lửa cháy, không thật tướng, do không trừ khát ái mà ra. Thế gian như bóng hình không nắm bắt được. Thế gian như tiếng vang lừa dối tạo thành nghiệp. Nếu thế gian như thật tánh thì không điên đảo.

Này Xá Lợi Phất, ta ngồi đạo tràng rõ thật thông suốt biết thế gian là tướng trống rỗng, vô sở hữu, không chỗ nương tựa; do cái không ngăn che mà được tướng thế gian. Này Xá Lợi Phất khi ta vốn chưa biết mùi vị thế gian nên ra khỏi hoạn họa của thế gian, không tự cho rằng ta đắc Phật đạo. Khi ta đã biết thật tướng thế gian và sự tập hợp của thế gian; biết thế gian diệt và diệt đạo thế gian, nên tự xướng rằng ta được Phật đạo.

Này Xá Lợi Phất, tại sao gọi thế gian lại là thế gian? Vì thế gian bị ngũ ấm (9) ngăn che. Ngũ ấm là gì? Ngũ ấm là sắc - thọ - tưởng - hành - thức vậy. Này Xá Lợi Phất, sắc ấm là gì? Như có chúng sanh suy nghĩ như vầy: trong quá khứ không có tên là sắc, hiện tại, vị lai không có tên là sắc. Vì thế, Phật bảo các sở hữu là sắc, hay trong quá khứ, hiện tại, vị lai, ở trong, ở ngoài, thô hoặc tế, tốt hay xấu, gần hay xa đều gọi là sắc ấm, song sắc ấm ấy không thật tướng. Cũng như hư không, gió, lửa, đất, nước... cũng chỉ có cái tên thôi. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Do các nhân duyên này nên nói có các ấm như thế.

Này Xá Lợi Phất, phàm phu ngu muội, tham đắm cái thân không biết đó là sắc tướng, cho hình sắc là ta, là sở hữu của ta. Do chấp tướng phân biệt nên sanh tâm đắm nhiễm, thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Này Xá Lợi Phất, ta thành đạo ở trong đây, không gọi có, cũng không gọi không nên được pháp nhãn (10). Phàm phu không có pháp nhãn, sanh tâm khát ái nên pháp ấy tán hoại sanh ra lo phiền. Thì ra, những ai tham đắm càng dày thì càng bị mất hút trong đó, càng tăng thêm ngu muội, tạo nghiệp chồng chất, chẳng khác nào dùng đá, gậy, dao, chất nổ, các loại binh khí làm hại lẫn nhau. Người ngu tạo các nghiệp tội cũng thế, Như Lai thấu suốt các pháp bình đẳng, thấy biết bình đẳng nên nói điều chánh kiến. Gọi là chánh kiến, vì bình đẳng chánh trực, không có cao thấp; hành đạo chân chánh, tu tập chân chánh, giải thoát chân chánh... đạt được cái thấy như thế gọi là chánh kiến. Này Xá Lợi Phất, Phật nói chánh kiến không thể dùng lời mà nói với các Thầy, nên tùy thuận đúng như thuyết tu hành. Này Xá Lợi Phất, các Thầy nên theo như pháp ấy mà tu tập được vô lượng vô biên trí huệ. Ðó là một trong tám vạn bốn nghìn pháp môn. Dù chưa khởi tạo tác hay chẳng tạo tác các tướng, lúc Như Lai thuyết pháp môn này có bảy vạn bảy nghìn na do tha các vua trời Phạm Thiên lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh; và vô số người cũng trong pháp này mà xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Trong cõi Diêm Phù Ðề có trăm ức, trăm nghìn vạn ức chúng Bồ Tát đều do nơi pháp hội này mà được pháp vô sanh nhẫn (11). Ngoài ra còn vô số chúng sanh đều phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn thâu nhiếp thần lực, bốn bộ chúng: Phạm Thế, Phạm Trụ, Phạm Chúng, Chư Thiên; và trong cõi dục, trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, nhơn và phi nhơn... đều thấy thân mình hoàn lại thế giới này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]