Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ 17: Phẩm phạm hạnh (tiếp theo)

26/04/201311:24(Xem: 11255)
Quyển thứ 17: Phẩm phạm hạnh (tiếp theo)

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Quyển thứ 17: Phẩm phạm hạnh (tiếp theo)

Cư sĩ Tuệ Khai Việt dịch

Nguồn: Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm - Việt dịch: Cư Sĩ Tuệ Khai - Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích
Đỗng Minh

Lúc bấy giờ, vua A Xà Thế của thành lớn Vương Xá, tính ông ấy tệ ác, ưa hành động giết hại, miệng đủ bốn lỗi ác. Tham dục, sân nhuế, ngu si hừng hực trong lòng ông ấy. Ông chỉ thấy hiện tại, chẳng thấy vị lai, thuần dùng người ác làm quyến thuộc, tham trước năm dục lạc đời hiện tại. Phụ vương không tội, ông ngang ngược gia thêm nghịch hại. Nhân hại cha rồi, lòng sinh ra hối hận nóng nảy, thần cỡi bỏ chuỗi ngọc, kỹ nhạc chẳng ngự xem. Lòng hối hận, nóng nảy nên khắp thân thể sinh ra ghẻ lở. Ghẻ lở ấy hôi thối, dơ bẩn, chẳng thể đến gần, ông liền tự nghĩ rằng : "Ta hôm nay, thân đã chịu hoa báo, còn quả báo địa ngục sẽ gần chẳng xa". Lúc bấy giờ, mẹ ông ấy tên là Vi Đề Hy, dùng đủ thứ thuốc mà thoa thì ghẻ ấy liền tăng thêm, không có giảm bớt. Vua liền thưa mẹ rằng : "Như vậy ghẻ lở từ lòng mà sinh ra chẳng phải do bốn đại khởi lên. Nếu nói rằng, chúng sinh có thể trị được thì không có điều đó". Có vị đại thần tên là Nguyệt Xứng, đến chỗ nhà vua, đứng ở một bên, tâu rằng : "Thưa đại vương ! Vì sao ưu sầu, tiều tụy, dung nhan chẳng vui ? Vì thân đau à ? Hay vì lòng đau ư ?" Nhà vua đáp lời bề tôi rằng : "Ta nay thân tâm đâu được chẳng đau ! Cha ta không tội mà ngang ngược gia thêm nghịch hại ! Ta theo người trí từng nghe nghĩa này. Đời có năm hạng người chẳng thoát được địa ngục, gọi là ngũ nghịch tội. Ta nay đã có ở vô lượng vô biên atăngkỳ tội thì sao thân tâm mà chẳng bị đau ? Lại không có lương y trị liệu cho thân tâm của ta". Vị đại thần tâu rằng : "Thưa đại vương ! Ngài chớ sầu khổ" liền nói kệ rằng :

Nếu thường sầu khổ
Sầu liền lớn lên
Như người ưa ngủ
Thì ngủ nhiều thêm.
Tham dâm, thèm rượu
Cũng lại như trên.

Như lời nhà vua nói, đời có năm hạng người chẳng thoát khỏi địa ngục, ai đến đó thấy mà về nói với vua vậy ? Người nói địa ngục chính là người nhiều trí của thế gian nói. Như lời vua nói, đời không có lương y trị thân tâm thì hôm nay có vị đại lương y tên là Phú Lan Na, tất cả thấy biết, được tự tại định, rốt ráo tu tập phạm hạnh thanh tịnh, thường vì vô lượng vô biên chúng sinh mà diễn nói đạo Niết Bàn Vô thượng. Ông vì các đệ tử nói pháp như vầy : Không có nghiệp đen, không nghiệp báo đen, không có nghiệp trắng, không nghiệp báo trắng, không có nghiệp đen trắng, không nghiệp báo trắng đen, không có nghiệp trên và cả nghiệp dưới. Vị thầy này nay ở tại trong thành Vương Xá. Nguyện xin đại vương chịu khuất, xa giá đến đó, có thể khiến cho vị thầy đó trị liệu thân tâm cho ngài:. Nhà vua đáp rằng : "Xét có thể quả đúng như vậy, diệt trừ được tội của ta thì ta sẽ qui y !"

Lại có một vị bề tôi tên là Tạng Đức, lại đến chỗ nhà vua mà nói lên rằng : "Thưa đại vương ! Vì sao diện mạo ngài tiều tụy, môi miệng khô cháy, âm thanh vi tế giống như người khiếp nhược nhìn thấy oán địch lớn. Nhan sắc ngài biến đổi thảm hại vì nỗi khổ gì đây ? Vì thân đau à ? Hay vì lòng đau ư ?" Nhà vua liền đáp rằng : "Ta nay thân tâm làm sao chẳng đau? Ta đã ngu si, mù tối, không có mắt tuệ, gần bạn ác mà làm thân thiện, theo lời người ác Đề Bà Đạt Đa, vua của Chánh pháp, ngang ngược gia thêm nghịch hại. Ta xưa từng nghe người trí nói kệ rằng :

Nếu với song thân
Phật và đệ tử
Sinh chẳng thiện tâm
Khởi lên nghiệp ác
Như vậy quả đền (báo)
Tại A Tỳ ngục.

Do việc này nên khiến cho lòng ta sợ, sinh ra khổ não lớn, lại không có lương y mà cứu vớt, trị liệu cho". Vị đại thần lại tâu rằng : "Nguyện xin đại vương hãy chớ buồn sợ ! Pháp có hai thứ, một là xuất gia, hai là vương pháp. Vương pháp thì gọi việc hại cha ấy là vua đất nước. Tuy gọi là nghịch nhưng thật không có tội, như con trùng ca la la cần phải phá hoại bụng của mẹ, rồi nhiên hậu mới sinh ra. Phép sinh như vậy, tuy phá hoại thân mẹ nhưng thật cũng không tội. Con la (loa) mang thai .v.v... cũng lại như vậy. Phép trị nước, phương pháp nên như vậy, tuy giết hại cha, anh nhưng thật không có tội. Phép xuất gia thì thậm chí giết con muỗi, con kiến cũng có tội. Nguyện xin đại vương ý thoáng rộng chớ buồn. Vì sao vậy ? Vì :

Nếu thường sầu khổ
Sầu liền lớn lên
Như người ưa ngủ
Thì ngủ nhiều thêm
Tham dâm, thèm rượu
Cũng lại như trên.

Như lời vua nói, đời không lương y trị liệu thân tâm, thì nay có đại sư tên là Mạt Dà Lê Câu Xá Ly tử đủ tất cả tri kiến, thương xót chúng sinh giống như con đỏ, đã lìa khỏi phiền não, có thể nhổ ba mũi tên bén độc hại, tất cả chúng sinh đối với tất cả pháp không biết, thấy, giác, chỉ một người này độc nhất biết-thấy-giác. Đại sư như vậy thường vì đệ tử nói pháp như vầy : Thân của tất cả chúng sinh có bảy thành phần. Những gì là bảy ? Đó là đất, nước, lửa, gió, khổ, lạc, thọ mạng. Bảy pháp như vậy chẳng phải hóa, chẳng phải tác, chẳng thể hủy hại như cỏ Y Sư Ca, an trụ chẳng động như núi Tu Di, chẳng xả (bỏ), chẳng tác giống như cao sữa, đều chẳng tranh tụng, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc thiện, hoặc chẳng thiện, lao vào dao bén không bị tổn thương. Vì sao vậy ? Vì trong bảy thành phần rỗng không không có phương hại nên mạng cũng không hại. Vì sao vậy ? Vì không có hại và chết nên không tác, không thọ, không nói, không nghe, không có niệm và giáo (dạy bảo) thì thường nói pháp này có thể khiến cho chúng sinh diệt trừ tất cả vô lượng tội nặng. Vị thầy này nay ở tại đại thành Vương Xá, nguyện xin đại vương đi đến nơi ấy ! Nhà vua nếu thấy ông ấy thì mọi tội tiêu trừ". Nhà vua đáp rằng : "Xét có thể quả đúng như vậy, trừ diệt được tội của ta thì ta sẽ qui y".

Lại có một đại thần tên là Thật Đắc, lại đến chỗ vua, liền nói kệ rằng :

Vì sao Đại vương
Thân cởi chuỗi ngọc
Đầu tóc rối tung
Đến nỗi như vậy ?
Vì sao vương thân (thân vua)
Chẳng yên, run rẩy
Giống như mãnh phong(gió mạnh)
Thổi cây hoa động ?

Đức vua hôm nay vì sao dung sắc ưu sầu tiều tụy giống như nông phu sau khi xuống giống mà trời chẳng tuông mưa. Ngài sầu khổ như vậy là chính lòng đau hay là thân đau vậy ?" Nhà vua liền đáp rằng : "Ta hôm nay, thân tâm há được chẳng đau sao ? Cha ta, đấng tiên vương, từ ái nhân đức, những thấy nghĩ mà thương, không có lỗi lầm. Vua cha có lần đến hỏi thầy tướng, thầy tướng đáp rằng, sinh đứa con này rồi, nhất định về sau sẽ hại cha. Tuy nghe lời nói này nhưng vua còn nâng niu nuôi dưỡng. Ta từng nghe kẻ trí nói rằng, nếu người thông dâm với mẹ và Tỳ kheo ni, ăn trộm đồ vật của tăng kỳ, giết người phát tâm Bồ Đề và hại cha của mình... người như vậy nhất định sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Ta nay thân tâm há được chẳng đau sao ?" Vị đại thần lại nói rằng : "Nguyện xin đại vương hãy chớ sầu khổ ! Như tu giải thoát mà hại vua cha ấy thì có tội. Nếu theo pháp trị nước mà giết thì không tội. Thưa đại vương ! Chẳng phải pháp thì gọi là vô pháp mà vô pháp thì gọi là vô pháp. Ví như không con thì gọi là vô tử, cũng như ác tử (con xấu) cũng gọi là vô tử. Tuy nói rằng, không con nhưng thật chẳng phải là không con. Như ăn không muối gọi là không muối, nếu ăn ít muối cũng gọi là không muối. Như dòng sông không nước gọi là không nước, nếu có ít nước cũng gọi là không nước. Như từng niệm từng niệm diệt gọi là vô thường, tuy trụ một kiếp cũng gọi là vô thường. Như người chịu khổ gọi là không vui, tuy hưởng ít vui cũng gọi là không vui. Như chẳng tự tại gọi là vô ngã, tuy ít tự tại cũng gọi là vô ngã. Như khi đêm tối gọi là không mặt trời, khi mây mù cũng nói rằng không mặt trời. Thưa đại vương! Tuy nói rằng ít pháp gọi là vô pháp nhưng thật chẳng phải không có pháp ! Nguyện xin đức vua để lòng nghe lời nói của thần, tất cả chúng sinh đều có dư nghiệp. Do nghiệp duyên nên đôi khi thọ sinh tử. Nếu giả sử đấng tiên vương có dư nghiệp mà hôm đức vua hại ngài xong thì có tội gì ? Nguyện xin đại vương rộng thoáng tâm ý, chớ ưu sầu ! Vì sao vậy ? Vì :

Nếu thường sầu khổ
Sầu liền lớn lên
Như người ưa ngủ
Thì ngủ nhiều thêm
Tham dâm, thèm rượu
Cũng lại như trên.

Như lời vua nói, đời không có lương y trị liệu thân tâm thì hôm nay có đại sư tên là San Xà Gia Tỳ La Đê tử, tất cả thấy, biết, trí thầy ấy uyên thâm giống như biển cả, có uy đức lớn, đủ đại thần thông, có thể khiến cho chúng sanh lìa khỏi các lưới nghi, tất cả chúng sinh chẳng biết, thấy, giác, chỉ độc một người này là biết, thấy, giác. Hôm nay vị đại sư này trụ ở gần thành Vương Xá, vì các đệ tử nói pháp như vầy : Trong tất cả chúng, nếu là vương giả thì tự tại tùy ý tạo tác thiện ác. Tuy làm mọi ác nhưng đều không có tội. Như lửa thiêu đốt vật không phân biệt tịnh hay chẳng tịnh, vua cũng như vậy, cùng với lửa đồng tính. Vì như đại địa, sạch, dơ đều chở hết. Tuy làm việc đó mà đất không giận hay mừng, vua cũng như vậy, cùng với đất đồng tính. Ví như tính của nước, sạch dơ đều tẩy rửa. Tuy làm việc đó mà nước cũng không lo hay mừng, vua cũng như vậy, cùng với nước đồng tính. Ví như tính của gió, sạch hay dơ đều thổi. Tuy làm việc đó mà gió cũng không lo hay mừng, vua cũng như vậy, cùng với gió đồng tính. Như mùa thu cây trụi cành lá, mùa xuân thì trở lại sinh ra. Tuy trọc trụi cành lá nhưng thật không có tội. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, mạng chung chỗ này trở lại sinh ra chỗ kia. Do sinh ra trở lại mà phải có tội sao? Quả báo khổ vui của tất cả chúng sinh đều chẳng do nghiệp của đời hiện tại. Nhân tại quá khứ thì hiện tại thọ quả. Hiện tại mà không nhân thì vị lai không quả. Do quả báo hiện tại nên chúng sinh trì giới, siêng tu tinh tấn, ngăn chận quả ác hiện tại. Do trì giới nên được vô lậu. Được vô lậu nên hết nghiệp hữu lậu. Do hết nghiệp nên mọi khổ được hết mà mọi khổ hết nên được giải thoát. Nguyện xin đại vương hãy mau đến chỗ vị đại sư ấy, để cho ông ấy trị liệu sự thống khổ của thân tâm ngài. Đức vua nếu thấy vị đại sư ấy thì mọi tội tiêu trừ". Nhà vua liền đáp rằng : "Xét đúng có vị đại sư này, có thể trừ được tội của ta thì ta sẽ qui y".

Lại nữa, có một đại thần tên là Tất Tri Nghĩa, lại đến chỗ nhà vua mà nói rằng : "Đức vua hôm nay vì sao hình dung chẳng đoan nghiêm như người mất nước, như suối khô, ao cạn, không hoa sen, cây không hoa lá, như Tỳ kheo phá giới, thân không uy đức, vì thân đâu ? Hay vì lòng đau ư?" Nhà vua đáp rằng : "Ta nay thân tâm há được chẳng đau sao ? Cha ta, đấng tiên vương từ ái lưu niệm, nhưng ta bất hiếu, chẳng biết báo ơn. Ngài thường dùng an lạc để an lạc cho ta mà ta bội ân, phản nghịch cắt đứt niềm an lạc ấy. Đấng tiên vương không tội mà ta ngang ngược dấy khởi nghịch hại. Ta cũng từng nghe kẻ trí nói rằng, nếu có người hại cha thì sẽ ở trong vô lượng atăngkỳ kiếp, thọ đại khổ não. Ta nay chẳng bao lâu nữa nhất định rơi vào địa ngục mà lại không có lương y cứu tế, trị liệu tội của ta". Vị đại thần liền nói rằng : "Nguyện xin đại vương buông bỏ sầu khổ ! Đức vua chẳng nghe sao ? Thuở xưa có một vị vua tên là La Ma hại cha mình, rồi được nối ngôi vua. Đại vương Bạt Đề, vua Tỳ Lâu Chân, vua Na Hầu Sa, vua Ca Đế Ca, vua Tỳ Xá Khư, vua Nguyệt Quang Minh, vua Nhật Quang Minh, vua Ái, vua Trì Đa Nhân.v.v... những vua như vậy đều hại cha của mình để được nối ngôi vua, nhưng không có một vị vua nào vào địa ngục cả. Ở hiện tại hôm nay, vua Tỳ Lưu Ly, vua Ưu Đà Na, vua Ác Tính, vua Thử (chuột), vua Liên Hoa.v.v.. Những vua như vậy đều hại cha mình mà đều không một vị vua nào sinh ra sầu não cả. Tuy nói rằng, trong địa ngục, ngã quỉ, trời nhưng nào có ai thấy đâu ? Thưa đại vương ! Chúng ta chỉ thấy có hai con đường, một là đường làm người, hai là đường súc sinh thôi ! Tuy có hai lối đó nhưng chẳng phải là nhân duyên sinh, chẳng phải là nhân duyên chết. Nếu chẳng phải do nhân duyên thì làm gì có thiện ác ! Nguyện xin đại vương chớ ôm lòng buồn sợ. Vì sao vậy ? Vì :

Nếu thường sầu khổ
Sầu liền lớn lên
Như người ưa ngủ
Thì ngủ nhiều thêm
Tham dâm, thèm rượu
Cũng lại như trên.

Như lời đại vương nói, đời không lương y trị liệu thân tâm, thì nay có đại sư tên là A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La, tất cả đều thấy biết, quan sát vàng cùng đất bình đẳng không hai, kẻ cầm dao chặt vào hông phải, người trát chiên đàn hông trái, đại sư ấy đối với hai người này, lòng không sai khác, bình đẳng nhìn kẻ oán người thân, lòng không dị tướng. Vị thầy này chân thật là lương y của đời, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm luôn ở tại tam muội, lòng không phân tán. Ngài bảo các đệ tử rằng, hoặc tự làm hoặc dạy người khác làm, hoặc tự chặt hoặc dạy người khác chặt, hoặc tự nướng hoặc dạy người khác nướng, hoặc tự hại hoặc dạy người khác hại, hoặc tự ăn trộm hoặc dạy người khác ăn trộm, hoặc tự dâm dục hoặc dạy người khác dâm dục, hoặc tự nói dối hoặc dạy người khác nói dối, hoặc tự uống rượu hoặc dạy người khác uống rượu, hoặc giết chết một làng, một thành, một nước hoặc dùng bánh xe dao (đao luân) giết chết tất cả chúng sinh, hoặc ở phía Nam sông Hằng bố thí chúng sinh mà ở phía Bắc sông Hằng thì sát hại chúng sinh... Tất cả đều không có tội phước, không có thí, giới, định. Hiện nay vị đại sư ấy trụ ở gần thành Vương Xá, nguyện xin đại vương đến đó mau ! Đại vương nếu thấy vị ấy thì mọi tội trừ diệt hết". Nhà vua nói rằng : "Này đại thần ! Xét nếu có thể đúng như vậy, trừ diệt được tội của ta thì ta sẽ qui y".

Lại có vị đại thần tên là Cát Đức, lại đến chỗ nhà vua mà nói lên rằng : "Đức vua hôm nay vì sao mặt ngài không ngời sáng ? Sao như ánh đèn trong ánh sáng mặt trời ? Như mặt trăng lúc ban ngày ? Như đất hoang hóa ? Thưa đại vương ! Hôm nay, bốn phương thanh bình, không có những oán địch mà vì sao đức vua sầu khổ như vậy ? Vì thân khổ sao ? Vì tâm khổ ư ? Có các vương tử thường sinh ý niệm này, ta nay khi nào được tự tại ? Thưa đại vương ! Hôm nay ngài đã thỏa nguyện tự tại ! Đức vua thống lĩnh nước Ma Dà Đà, bảo tàng của tiên vương đã được đầy đủ thì chỉ phải khoái ý mặc tình hưởng thụ lạc thú ! Ngài ôm mãi sầu não như vậy để làm gì ?" Nhà vua liền đáp rằng : "Ta nay làm sao được phép chẳng sầu não ? Này đại thần ! Ví như người ngu chỉ tham vị ngon ấy mà chẳng thấy lưỡi dao bén, như ăn tạp độc mà chẳng thấy cái hại của độc ấy, ta cũng như vậy. Như con hươu thấy cỏ mà chẳng thấy hố sâu, như con chuột tham ăn mà chẳng thấy mèo chồn, ta cũng như vậy. Ta thấy niềm vui hiện tại mà chẳng thấy quả khổ chẳng lành đời sau. Ta từng theo bậc trí giả nghe lời nói như vầy : "Thà trọn ngày chịu đựng ba trăm lần giáo đâm, chớ chẳng đối với cha mẹ sinh ra một ý niệm ác ! Ta nay đã gần với lửa rực địa ngục thì làm sao được phép chẳng sầu não vậy ?" Vị đại thần lại tâu rằng : "Ai đến dối gạt đức vua rằng có địa ngục ? Như cây nhọn đâm vào đầu là sự tạo ra của ai ? Chim bay khác màu lại ai làm ra ? Tính nước thấm nhuần, tính đá cứng chắc, như gió tính động, như lửa tính nóng... tất cả muôn vật tự chết tự sinh, những sự tạo tác này của ai ? Nói rằng, địa ngục chỉ những là sự tạo tác văn từ của bậc trí giả. Nói địa ngục là có nghĩa gì ? Bề tôi sẽ giải nói, địa là gọi đất, ngục là gọi phá. Phá đối với địa ngục không có tội báo. Đó gọi là địa ngục. Lại nữa, địa là gọi người, ngục là gọi trời. Do hại cha mình nên đến với người, trời. Do nghĩa này nên tiên nhân Bà Tẩu xướng lên rằng : Giết dê được niềm vui người trời. Đó gọi là địa ngục. Lại nữa, địa là gọi mạng, ngục là gọi dài. Do giết sự sống nên được thọ mạng lâu dài nên gọi là địa ngục. Thưa đại vương ! Vậy nên ngài phải biết thật không có địa ngục. Thưa đại vương ! Như gieo lúa mì được lúa mì, gieo lúa nước được lúa nước, giết địa ngục thì trở lại được địa ngục, giết hại người nên trở lại được làm người. Thưa đại vương ! Hôm nay, ngài phải nghe lời nói của thần là thật không có sự giết hại. Nếu có ngã thì thật cũng không hại. Nếu vô ngã thì lại không có cái bị hại. Vì sao vậy ? Vì nếu có ngã thì thường trụ, chẳng biến dị. Do thường trụ nên chẳng thể giết hại. Chẳng phá, chẳng hoại, chẳng ràng, chẳng buộc, chẳng giận, chẳng mừng giống như hư không thì sao gọi rằng phải có tội giết hại ? Nếu vô ngã thì các pháp vô thường. Do vô thường nên từng niệm từng niệm hoại diệt mà nếu từng niệm từng niệm diệt thì cái giết cái chết đến từng niệm từng niệm diệt. Nếu từng niệm từng niệm diệt thì ai phải có tội ? Thưa đại vương ! Như lửa đốt cây, lửa thì không tội, như búa chặt cây, búa cũng không tội, như liềm cắt cỏ, liềm thật không tội, như dao giết người, dao thật chẳng phải là người mà dao đã không tội thì người làm sao gọi là tội ? Như độc giết người, độc thật chẳng phải là người. Thuốc độc không tội thì người sao gọi là tội ? Tất cả muôn vật đều cũng như vậy, thật không giết hại thì sao gọi là có tội ? Nguyện xin đại vương chớ sinh sầu khổ ! Vì sao vậy ? Vì :

Nếu thường sầu khổ
Sầu liền lớn lên
Như người ưa ngủ
Thì ngủ nhiều thêm
Tham dâm, thèm rượu
Cũng lại như trên.

Như lời vua nói, đời không có lương y trị liệu nghiệp ác thì hôm nay có vị đại sư tên là Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên, tất cả đều tri kiến, sáng tỏ ba đời, ở trong khoảnh khắc một niệm có thể thấy vô lượng vô biên thế giới và nghe tiếng cũng vậy, có thể khiến cho chúng sinh xa lìa tội lỗi ác. Ví như sông Hằng, hoặc trong, hoặc ngoài những tội sở hữu đều thanh tịnh hết, vị đại lương y này cũng lại như vậy, có thể trừ diệt mọi tội trong ngoài của chúng sinh. Vị đại sư ấy vì các đệ tử nói pháp như vầy : Nếu người giết hại tất cả chúng sinh mà lòng không tàm quí thì nhất định chẳng đọa vào ác đạo, giống như hư không chẳng thọ bụi, nước. Người có tàm quí thì liền vào địa ngục, giống như nước lớn thấm tháp ở đất. Tất cả chúng sinh đều là sự tạo tác của trời Tự Tại. Trời Tự Tại vui thì chúng sinh an lạc, trời Tự Tại giận thì chúng sinh khổ não. Tất cả chúng sinh hoặc tội, hoặc phước mới chính là việc làm của trời Tự Tại thì sao phải nói rằng người có tội, phước ? Vì như người thợ mộc làm người gỗ máy, đi, đứng, ngồi, nằm chỉ chẳng thể nói được, chúng sinh cũng vậy. Trời Tự Tại là dụ cho người thợ mộc, người gỗ là dụ cho thân chúng sinh. Tạo hóa như vậy thì ai sẽ có tội ? Bậc đại sư như vậy hiện nay trụ ở gần thành Vương Xá, nguyện xin đại vương hãy mau đến đó ! Như ngài diện kiến vị ấy thì mọi tội đều tiêu diệt". Nhà vua liền đáp rằng : "Xét quả đúng có người này, có thể diệt tội của ta thì ta sẽ qui y". Lại có một vị đại thần tên là Vô Sở Úy, đi đến chỗ nhà vua mà nói như vầy : "Thưa đại vương ! Đời có người ngu, trong một ngày, trăm điều mừng, trăm điều buồn, trăm lần ngủ, trăm lần thức, trăm lần kinh hãi, trăm lần khóc lóc. Người có trí thì không có những việc này. Đại vương vì sao lo buồn như vậy ? Như mất bạn bè khách khứa ? Như rơi vào bùn sâu không người cứu vớt ? Như người khát chẳng được nước uống ? Giống như người đi lạc không có kẻ dẫn đường ? Như người bệnh khốn không thầy thuốc chửa trị ? Như thuyền trên biển bị vỡ không người tiếp cứu ? Thưa đại vương! Hôm nay ngài thân đau chăng ? Hay vì lòng đau ư ?" Nhà vua liền đáp rằng : "Ta nay thân tâm há được phép chẳng đau sao ? Ta gần bạn xấu, chẳng quan sát tội lỗi của miệng, đấng tiên vương không tội mà ta ngang ngược dấy khởi nghịch hại. Ta nay nhất định biết sẽ vào địa ngục, lại không có lương y mà diện kiến xin cứu tế". Vị đại thần liền bạch rằng : "Nguyện xin đại vương chớ sinh sầu độc ! Phàm Sát Lợi thì gọi là dòng vua. Nếu ngài vì đất nước, hoặc vì Samôn hay Bà la môn, vì yên nhân dân, tuy ngài lại giết hại nhưng không có tội vậy. Đấng tiên vương tuy lại cung kính Samôn nhưng chẳng thể vưng thờ các Bàlamôn, lòng không bình đẳng mà không bình đẳng nên chẳng phải là Sát lợi. Thưa đại vương ! Nay ngài vì muốn cúng dường các Bà la môn mà giết hại tiên vương thì sẽ có tội gì ? Thưa đại vương ! Quả thật ngài không giết hại. Phàm giết hại thì giết hại thọ mạng. Mạng gọi là hơi gió mà tính của hơi gió chẳng thể giết hại thì sao gọi là hại mạng mà phải có tội ? Nguyện xin đại vương chớ sầu khổ nữa ! Vì sao vậy ? Vì :

Nếu thường sầu khổ
Sầu liền lớn lên
Như người ưa ngủ
Thì ngủ nhiều thêm
Tham dâm, thèm rượu
Cũng lại như trên.

Như lời đức vua nói, đời không có lương y có thể trị liệu thì nay có vị đại sư tên là Ni Càn Đà Nhã Đề Tử, tất cả đều thấy biết, thương xót chúng sinh, giỏi biết các căn lợi hay độn của chúng sinh, giải đạt tất cả tùy nghi phương tiện, tám pháp thế gian đã chẳng thể nhiễm ô, tịch tịnh, tu tập phạm hạnh thanh tịnh, vì các đệ tử nói pháp như vầy : không thí, không thiện, không cha, không mẹ, không đời nay, đời sau, không A la hán, không tu, không đạo. Tất cả chúng sinh trải qua tám vạn kiếp ở trong vòng sinh tử, rồi tự nhiên được giải thoát dù có tội hay không tội đều cũng như vậy. Như bốn dòng sông lớn là Tân Đầu, Hằng Hà, Bác Xoa, Tư Đà đều chảy vào biển cả không có sai biệt, tất cả chúng sinh cũng lại như vậy. Khi được giải thoát họ đều không sai biệt. Vị thầy này, nay ở tại thành Vương Xá, nguyện xin đại vương mau chóng đi đến chỗ vị ấy. Nếu được diện kiến ngài thì mọi tội của vua đều tiêu trừ". Nhà vua nói rằng : "Xét đúng có thầy này, có thể trừ tội của ta thì ta sẽ qui y".

Lúc bấy giờ, vị đại y tên là Kỳ Bà đi đến chỗ nhà vua mà tâu rằng: "Thưa đại vương ! Ngài được ngủ yên không ?" Nhà vua dùng kệ đáp rằng :


Nếu có thể đoạn mãi
Tất cả các não phiền
Chẳng tham nhiễm ba cõi
Thì mới được ngủ yên
Đại Niết Bàn nếu được
Diễn nói nghĩa thậm thâm
Gọi Bà la môn thật
Thì mới được ngủ yên.
Thân không các nghiệp ác
Miệng lìa bốn lỗi lầm
Lòng không có nghi hoặc
Thì mới được ngủ yên.
Thân tâm không nhiệt não
Chỗ tịch tịnh trụ an
Thu hoạch Vô thượng lạc
Thì mới được ngủ yên.
Lòng không có thủ trước
Các oán thù lìa tan
Thường hòa không tranh cãi
Thì mới được ngủ yên.
Nếu chẳng tạo nghiệp ác
Tàm quí lòng thường mang
Tin ác có quả báo
Thì mới được ngủ yên.
Kính dưỡng với cha mẹ
Chẳng hại một chúng sinh
Chẳng trộm của người khác
Thì mới được ngủ yên.
Với các căn điều phục
Thân cận với bạn lành
Phá hoại bốn ma chúng
Thì mới được ngủ yên.
Chẳng thấy tốt, chẳng tốt(cát) Và khổ, vui vân vân...
Vì tất cả sinh chúng
Nên sinh tử xoay vần
Nếu có thể như vậy
Thì mới được ngủ yên.
Ai được ngủ yên ổn
Đó là Phật Thế Tôn
Thâm quán không tam muội
Chẳng động, yên tâm thân.
Ai được ngủ yên ổn
Là đấng Từ Bi Tôn
Thường tu chẳng phóng dật
Xem mọi người như con.
Chúng sinh vô minh tối
Chẳng thấy quả não phiền
Thường tạo các nghiệp ác
Chẳng được giấc ngủ yên.
Nếu vì tự thân mạng
Và thân của tha nhân
Tạo tác mười ác nghiệp
Thì chẳng được ngủ yên.
Nếu nói rằng vì lạc
Hại cha không lỗi lầm
Thuận theo ác tri thức
Thì chẳng được ngủ yên.
Nếu ăn quá tiết độ
Uống lạnh mà quá chừng
Như vậy thì bịnh khổ
Thì chẳng được ngủ yên.
Nếu với vua có lỗi
Tà niệm vợ tha nhân
Và đi đường trống vắng
Thì chẳng được ngủ yên.
Trì giới chưa thành thục
Thái tử, ngôi chưa lên
Kẻ trộm chưa được của
Thì chẳng được ngủ yên.

Này Kỳ Bà ! Ta nay bệnh nặng, đối với vua Chánh pháp dấy lên ác nghịch hại. Tất cả lương y, diệu dược, chú thuật khéo léo xem bệnh đều đã chẳng thể trị liệu được. Vì sao vậy ? Vì cha ta, vị pháp vương, đúng như pháp trị nước, thật không có tội lỗi mà ta ngang ngược gia thêm nghịch hại, như cá ở trên đất sẽ có vui sao ? Như loài hươu ở tại vùng hoang lương không có lòng vui, như người tự biết mạng sống chẳng còn trọn ngày, như vị vua mất nước chạy trốn sang đất khác, như người nghe bệnh chẳng thể trị liệu, như người phá giới nghe nói tội lỗi... Ta thuở trước từng nghe bậc trí giả nói rằng, nghiệp thân, miệng, ý nếu chẳng thanh tịnh thì phải biết người này nhất định đọa vào địa ngục. Ta cũng như vậy thì làm sao sẽ được ngủ yên ổn vậy ? Nay ta lại không có bậc đại y Vô thượng diễn nói pháp dược diệt trừ bệnh khổ của ta". Ông Kỳ Bà đáp rằng : "Hay thay ! Hay thay! Đức vua tuy làm nên tội nhưng lòng sinh ra hối hận vô cùng mà mang lòng tàm quí. Thưa đại vương ! Các đức Phật Thế Tôn thường nói lời này, có hai bạch pháp có thể cứu chúng sinh, một là tàm, hai là quí. Tàm là tự chẳng làm nên tội. Quí là chẳng dạy người khác làm. Tàm là bên trong tự hổ thẹn. Quí là phát lộ hướng về người. Tàm là hổ thẹn người. Quí là hổ thẹn trời. Đó gọi là tàm quí. Không tàm quí thì chẳng gọi là người mà gọi là súc sinh. Có tàm quí thì có thể cung kính cha mẹ, sư trưởng. Có tàm quí nên nói có cha mẹ, anh em, chị em. Hay thay ! Thưa đại vương! Ngài có đủ tàm quí ! Thưa đại vương ! Ngãi hãy lắng nghe ! Thần có nghe đức Phật nói rằng, kẻ trí có hai, một là chẳng tạo các ác, hai là đã làm rồi thì sám hối. Người ngu cũng có hai, một là làm nên tội, hai là che giấu. Tuy trước làm ác nhưng sau có thể phát lộ, hối lỗi rồi tàm quí, lại chẳng dám làm nữa. Giống như nước đục, đặt vào đó viên minh châu. Do uy lực của viên ngọc nên nước liền lắng trong, như khói mây tiêu trừ thì trăng trong sáng... làm ác mà có thể hối hận thì cũng lại như vậy. Đức vua nếu sám hối, mang lòng tàm quí thì tội liền trừ diệt, thanh tịnh như cũ. Thưa đại vương ! Giàu có hai thứ, một là voi, ngựa đủ thứ súc sinh, hai là vàng, bạc đủ thứ trân bảo. Voi, ngựa tuy nhiều nhưng chẳng địch lại một viên ngọc. Thưa đại vương ! Chúng sinh cũng vậy, một là giàu ác, hai là giàu thiện. Làm nhiều những ác chẳng bằng một điều thiện. Thần nghe đức Phật nói rằng, tu một điều thiện, lòng phá trăm thứ ác. Thưa đại vương ! Như một chút Kim Cương có thể phá hoại núi Tu Di, cũng như chút xíu lửa có thể đốt cháy tất cả, như ít thuốc độc có thể hại chúng sinh... chút ít thiện cũng vậy, có thể phá tan đại ác. Tuy gọi là chút thiện nhưng thật ra thiện ấy là lớn. Vì sao vậy ? Vì nó phá được đại ác. Thưa đại vương ! Như lời đức Phật nói, che giấu thì có lậu, chẳng che giấu thì không có lậu. Phát lộ hối lỗi vậy nên chẳng lậu. Nếu làm mọi tội mà chẳng che chẳng giấu thì do chẳng che nên tội rất nhỏ, nếu còn mang lòng tàm quí thì tội tiêu diệt. Thưa đại vương ! Như giọt nước tuy nhỏ nhưng dần dần tràn đầy đồ đựng lớn. Lòng thiện cũng vậy, mỗi một lòng thiện có thể phá tan đại ác. Nếu che giấu tội thì tội lớn thêm, còn phát lộ, tàm quí thì tội tiêu diệt. Vậy nên các đức Phật nói người có trí thì chẳng che giấu tội. Hay thay! Thưa đại vương ! Ngài có thể tin nhân quả, tin nghiệp, tin báo ! Nguyện xin đại vương chớ ôm lòng sầu sợ ! Nếu có chúng sinh tạo tác các tội mà che giấu, chẳng sám hối, lòng không tàm quí, chẳng thấy nhân quả và cả nghiệp báo, chẳng thể hỏi han người có trí, chẳng gần bạn lành thì người như vậy, tất cả lương y dù cho đến xem bệnh cũng chẳng thể trị liệu được. Như bệnh Ca ma la thì thầy thuốc của đời đành bó tay, người che giấu tội cũng lại như vậy. Sao gọi là tội nhân ? Là gọi Nhất xiển đề. Nhất xiển đề là người chẳng tin nhân quả, không có tàm quí, chẳng tin nghiệp báo, chẳng thấy hiện tại và đời vị lai, chẳng thân cận bạn lành, chẳng theo lời nói dạy răn của chư Phật. Người như vậy gọi là Nhất xiển đề mà các đức Phật Thế Tôn chẳng thể trị liệu. Vì sao vậy? Vì như thây chết của thế gian thầy thuốc chẳng thể trị liệu. Người Nhất xiển đề cũng lại như vậy, các đức Phật Thế Tôn chẳng thể trị liệu được. Thưa đại vương ! Ngài nay chẳng phải là Nhất xiển đề thì sao nói rằng chẳng thể cứu giúp, trị liệu ?

Như lời đức vua nói, không người có thể trị liệu thì đại vương phải biết là tại thành Ca Tỳ La có vương tử của vua Tịnh Phạn, dòng họ Cù Đàm tên là Tất Đạt Đa, vô sư tự nhiên giác ngộ mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm bản thân, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, tất cả thấy biết, đại từ, đại bi, thương xót tât cả như La Hầu La, theo chúng sinh thiện như nghé con theo trâu mẹ, biết lúc mà nói pháp, phi thời thì chẳng nói lời thật, lời tịnh, lời diệu, lời nghĩa, lời pháp. Một lời nói có thể khiến cho chúng sinh lìa khỏi vĩnh viễn phiền não, giỏi biết căn tâm tính của chúng sinh, tùy nghi phương tiện, không gì chẳng thông đạt. Trí của vị ấy cao như núi Tu Di, sâu thẳm mênh mông giống như biển cả. Chính là Phật Thế Tôn có trí Kim Cương có thể phá tất cả tội ác của chúng sinh. Nếu nói rằng, ngài chẳng thể thì không có điều này. Hôm nay ngài ở cách đây mươi hai do tuần, tại vùng Ta La Song Thọ của thành Câu Thi Na, rộng vì vô lượng atăngkỳ những chúng Tăng Bồ tát.v.v... mà diễn nói đủ thứ pháp : hoặc có hay không, hoặc hữu vi hay vô vi, hoặc hữu lậu hay vô lậu, hoặc quả phiền não hay quả thiện pháp, hoặc sắc pháp hay phi sắc pháp hay phi sắc phi phi sắc pháp, hoặc ngã hay phi ngã hay phi ngã phi phi ngã, hoặc thường hay phi thường hay phi thường phi phi thường, hoặc lạc hay phi lạc hay phi lạc phi phi lạc, hoặc tướng hay phi tướng hay phi tướng phi phi tướng, hoặc đoạn hay phi đoạn hay phi đoạn phi phi đoạn, hoặc thế hay xuất thế hay phi thế phi xuất thế, hoặc thừa hay phi thừa hay phi thừa phi phi thừa, hoặc tự tác tự thọ, hoặc tự tác người khác thọ, hoặc không tác không thọ. Thưa đại vương ! Nếu ngài đang ở chỗ đức Phật nghe vấn đề không tác không thọ thì những trọng tội sở hữu của đức vua liền sẽ tiêu diệt. Đức vua hôm nay hãy lắng nghe ! Có ông Thích Đề Hoàn Nhân nhân mạng mình sắp muốn hết nên có năm tướng xuất hiện, một là quần áo bẩn thỉu, hai là hoa trên đầu héo úa, ba là thân thể hôi thối, bốn là dưới nách ra mồ hôi, năm là chẳng ưa bản tòa. Thiên Đế Thích hoặc ở chỗ yên lặng nếu thấy Samôn hay Bà la môn thì liền đi đến chỗ những vị ấy mà sinh ra Phật tưởng. Lúc bấy giờ, Samôn và Bà la môn thấy Đế thích đến thì tự cho là may mắn, mừng vui vô hạn. Họ liền nói lời này : "Thưa Thiên chúa ! Tôi nay xin qui y với ngài !" Đế Thích nghe rồi mới biết chẳng phải Phật, lại tự nghĩ rằng : "Những vị đó, nếu chẳng phải Phật thì chẳng thể trị liệu năm tướng thoái mất của ta !" Lúc đó có vị ngự thần (bề tôi theo hầu xe) tên là Bát Già Thi nói với Đế Thích rằng : "Thưa Kiều Thi Ca ! Vua Càn Thát Bà tên là Đôn Phù Lâu, vua ấy có người con gái tên là Tu Bạt Đà. Nhà vua nếu có thể đem người con gái này cùng tương kiến thì hạ thần sẽ bày đức vua diệt trừ chỗ tướng suy". Đế Thích liền đáp rằng : "Này thiện nam tử ! Vua A tu la Tỳ Ma Chất Đa có người con gái Xá Chỉ là chỗ kính yêu của ta. Khanh nếu nhất định có thể bày ta tiêu diệt chỗ tướng ác thì đâu còn phải tương kiến cùng Tu Bạt Đà ?" Vị ngự thần thưa : "Thưa Kiều Thi Ca ! Có đức Phật Thế Tôn tự là Thích Ca Mâu Ni, nay đang ở tại đại thành Vương Xá, nếu ngài có thể đến đó bẩm hỏi điều chưa nghe thì tướng suy mất nhất định được tiêu trừ". Đế Thích bảo : "Này thiện nam tử ! Nếu đức Phật Thế Tôn, xét quả có thể diệt được thì hãy quay xa giá đi đến chỗ ấy ngay !" Vị ngự thần vâng lệnh, liền quay xa giá trở lại, đi đến chỗ đức Phật trong núi Kỳ Xà Quật ở thành Vương Xá, Đế Thích, đầu mặt lễ dưới chân đức Phật, lui về ngồi một bên, mà bạch đức Phật rằng : "Thưa đức Thế Tôn ! Trong cõi trời người, cái gì là ràng buộc ?" Đức Phật đáp : "Này Kiều Thi Ca ! San tham, tật đố !" Lại hỏi : "San tham, tật đốt nhân đâu mà sinh ra ?" Đáp rằng : "Nhân vô minh sinh ra !" Lại hỏi : "Vô minh lại nhân đâu sinh ra ?" Đáp rằng : "Nhân phóng dật sinh ra". Lại hỏi : "Phóng dật nhân đâu sinh ra ?" Đáp rằng : "Nhân điên đão sinh ra !" Lại hỏi : "Điên đảo lại nhân đâu sinh ra ?" Đáp rằng : "Nhân lòng nghi hoặc sinh ra !" Đế Thích bạch rằng : "Thưa đức Thế Tôn ! Pháp điên đảo nhân nghi hoặc sinh ra ! Thật đúng như lời dạy của đức Thánh ! Vì sao vậy ? Vì con có nghi tâm mà do nghi tâm nên sinh ra điên đảo, đối với chẳng phải Thế Tôn mà sinh ra Thế Tôn tưởng. Con nay thấy đức Phật, thì lưới nghi hoặc liền trừ diệt. Lưới nghi trừ diệt nên điên đảo cũng hết. Điên đảo đã hết nên không có lòng san tham cho đến lòng tật đố". Đức Phật dạy rằng : "Ông nói không có lòng san tham, tật đố thì ông hôm nay đã được A na hàm rồi sao vậy ? A na hàm là không có lòng tham. Nếu ông không lòng tham thì tại sao vì mạng sống mà đi đến chỗ ta ? Như Anahàm thì quả thật chẳng cầu mạng sống !" Đế Thích bạch : "Thưa đức Thế Tôn ! Có điên đảo thì có cầu mạng sống, không điên đảo thì chẳng cầu mạng sống. Nhưng con hôm nay quả thật chẳng cầu mạng sống. Điều con muốn cầu là chỉ cầu thân Phật pháp và trí tuệ của Phật !" Đức Phật dạy : "Này Kiều Thi Ca ! Cầu thân Phật pháp và trí tuệ của Phật thì đời tương lai nhất định sẽ được đó !". Bấy giờ, Đế Thích nghe lời đức Phật nói rồi thì năm tướng suy mất tức thời tiêu diệt, liền đứng dậy làm lễ, nhiễu quanh đức Phật ba vòng, chắp tay cung kính mà bạch đức Phật rằng : "Thưa đức Thế Tôn ! Con nay dù tử, dù sinh, mất mạng hay được mạng mà lại nghe đức Phật thọ ký sẽ được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì chính là lại sinh, là lại được mạng ! Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả người, trời làm sao được tăng ích ? Lại do nhân duyên gì đi đến tổn giảm ?" Đức Phật dạy : "Này Kiều Thi Ca ! Do nhân duyên đấu tranh mà người, trời tổn giảm ! Khéo tu hòa kính thì được tăng ích !" Đế Thích bạch : "Thưa đức Thế Tôn ! Nếu do đấu tranh mà tổn giảm thì con từ hôm nay lại chẳng cùng với Atula đánh nhau nữa". Đức Phật dạy rằng : "Hay thay ! Hay thay ! Này Kiều Thi Ca ! Các đức Phật Thế Tôn nói pháp Nhẫn nhục, chính là nhân của Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác".

Lúc bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân liền lễ trước đức Phật. Đến đây thì Đế Thích đi trở về. Thưa đại vương (nói với vua A Xà Thế) Như Lai do có thể trừ các ác tướng nên xưng Phật chẳng thể nghĩ bàn. Đức vua nếu đến đó thì trọng tội sở hữu của ngài nhất định sẽ được tiêu trừ. Đại vương hãy nghe đây : Có đứa con của vị Bà la môn tên là Bất Hại, do giết chết vô lượng những chúng sinh nên mang danh là Ương Quật Ma. Ông ấy lại muốn hại mẹ, khi ác tâm dấy lên thì thân cũng động theo. Thân tâm động thì tức là nhân của ngũ nghịch mà nhân ngũ nghịch nên nhất định đọa địa ngục. Sau khi thấy đức Phật thì thân tâm đều động lại muốn sinh hại. Thân tâm động thì tức là nhân của ngũ nghịch mà nhân ngũ nghịch nên sẽ vào địa ngục. Người này được gặp đấng đại sư Như Lai tức thời được diệt nhân duyên địa ngục, phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy nên xưng đức Phật là đấng thầy thuốc Vô thượng, chẳng phải là hàng lục sư vậy. Thưa đại vương ! Lại có vương tử Tu Tỳ La. Cha ông ấy giận, chặt chân tay ông ấy rồi xô xuống giếng sâu. Mẹ ông ấy thương xót sai người kéo lên đem đến chỗ đức Phật, vừa thấy đức Phật thì tay chân đủ trở lại. Ông liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thưa đại vương ! Do thấy Phật nên được quả báo hiện tiền. Vậy nên xưng Phật là thầy thuốc Vô thượng, chẳng phải là Lục sư vậy. Thưa đại vương ! Như bên bờ sông Hằng có những quỉ đói, số quỉ ấy có đến năm trăm. Chúng ở đây dã vô lượng năm mà chẳng hề thấy nước, tuy có đến trên dòng sông nhưng thuần thấy lửa cháy. Sự bức bách của đói khát khiến chúng lên tiếng gào khóc. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây ở tại rừng Uất Đàm Bát bên dòng sông ấy thì các quỉ đói đi đến chỗ đức Phật mà bạch rằng : "Thưa đức Thế Tôn ! Chúng con đói khát, mạng sắp chẳng còn lâu !" Đức Phật dạy rằng : "Sông Hằng nước chảy sao các ngươi chẳng uống ?" Quỉ liền đáp rằng : "Đức Như Lai thấy nước còn chúng con thì thấy lửa !" Đức Phật dạy rằng : "Dòng nước sông Hằng trong sạch, thật không có lửa vậy. Do nghiệp ác nên lòng tự điên đảo mà gọi đó là lửa. Ta sẽ vì các ngươi trừ diệt điên đảo khiến cho các ngươi thấy nước". Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn rộng vì các quỉ nói về tội lỗi của san tham. Các quỉ liền nói rằng : "Chúng con nay đói khát, tuy nghe lời nói pháp nhưng đều chẳng vào lòng !" Đức Phật dạy rằng : "Các ngươi nếu khát quá thì trước hãy vào dòng sông mà mặc lòng uống nước đi !" Những quỉ đó nhờ thần lực của đức Phật nên liền được uống nước. Đã uống nước rồi, đức Như Lai lại vì chúng mà nói pháp đủ thứ. Đã nghe pháp rồi, chúng đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, bỏ hình thể quỉ đói mà được thân trời. Thưa đại vương ! Vậy nên xưng Phật là thầy thuốc Vô thượng, chẳng phải là Lục sư vậy. Thưa đại vương ! Bọn giặc ở nước Xá Bà Đề có năm trăm tên bị vua Ba Tư Nặc móc hết mắt của chúng. Bọn chúng mù mà không người dẫn đường đi trước nên chẳng thể được đi đến chỗ đức Phật. Đức Phật thương xót chúng nên liền đến chỗ bọn giặc an ủi dỗ dành chúng rằng : "Này thiện nam tử ! Hãy khéo hộ trì thân miệng ! Chớ lại tạo ác !" Bọn giặc, bấy giờ nghe âm thanh của đức Như Lai vi diệu trong suốt, liền được mắt trở lại. Chúng liền ở trước đức Phật chắp tay lễ Phật mà bạch rằng : "Thưa đức Thế Tôn ! Con nay biết từ tâm của đức Phật che khắp tất cả chúng sinh, chẳng phải chỉ độc có người, trời". Lúc bấy giờ, đức Như Lai liền vì chúng mà nói pháp, đã nghe pháp rồi thì đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy nên đức Như Lai chân thật là đấng lương y Vô thượng của thế gian, chẳng phải là Lục sư vậy. Thưa đại vương ! Nước Xá Bà Đề có chiên đà la tên là Khí Hư, giết vô lượng người, thấy vị đại đệ tử của đức Phật là ngài Đại Mục Kiền Liên thì tức thời được phá nhân duyên địa ngục mà được sinh lên trời thứ Ba mươi ba. Do có đệ tử Thánh như vậy nên xưng Phật Như Lai là thầy thuốc Vô thượng, chẳng phải là hạng Lục sư vậy. Thưa đại vương ! Thành Ba La Nại có đứa con ông trưởng giả tên là A Dật Đa dâm lén với mẹ, do nhân duyên đó nên giết chết cha mình. Rồi mẹ hắn lại cùng với người ngoài thông giao mà hắn biết được liền lại giết chết luôn. Có vị A la hán là bạn của hắn biết được việc này nên hắn lại sinh hổ thẹn liền giết luôn người đó. Giết rồi, hắn liền đến tinh xá Kỳ Hoàn cầu xin xuất gia. Các vị Tỳ kheo đều biết người này có ba nghịch tội, không dám cho xuất gia. Do không cho xuất gia nên phát sinh sân nhuế bội phần ngay trong đêm ấy, hắn phóng hỏa đốt cháy tăng phường, giết chết nhiều người vô tội. Rồi nhiên hậu hắn lại đến trong thành Vương Xá, đi tới chỗ đức Như Lai cầu xin xuất gia. Đức Như Lai liền cho phép và vì người đó nói pháp yếu khiến cho trọng tội ấy dần dần nhẹ bớt đi, rồi phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vậy nên xưng đức Phật là lương y của thế gian, chẳng phải là hàng Lục sư vậy. Thưa đại vương ! Ngài vốn tính bạo ác, tin theo người ác Đề Bà Đạt Đa, thả voi lớn say, muốn khiến cho nó dầy xéo đức Phật. Voi thấy đức Phật rồi tức thời tỉnh ngộ, đức Phật liền duỗi tay ra xoa trên đầu nó lại vì nó nói pháp, khiến cho nó được phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thưa đại vương ! Súc sinh thấy Phật còn được phá hoại nghiệp quả súc sinh, huống lại là người vậy ? Đại vương phải biết, nếu thấy đức Phật thì trọng tội sở hữu nhất định sẽ được diệt trừ. Thưa đại vương ! Khi đức Thế Tôn chưa được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì ma cùng vô lượng vô biên quyến thuộc đến chỗ đức Bồ tát, bấy giờ đức Bồ tát dùng sức nhẫn nhục phá hoại lòng ác của ma, khiến cho ma thọ pháp và liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật có lực đại công đức như vậy đó. Thưa đại vương ! Có loài quỉ Khoáng Dã hại nhiều chúng sinh. Đức Như Lai bấy giờ vì ông Thiện Hiền trưởng giả nên đi đến thôn Khoáng Dã vì quỉ ấy nói pháp. Quỉ Khoáng Dã nghe nói pháp thì vui mừng, liền đem ông trưởng giả trao cho đức Như Lai, rồi nhiên hậu mới phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thưa đại vương ! Thành Ba La Nại có người đồ tể tên là Quảng Ngạch, ở trong ngày ngày, giết vô lượng dê, thấy ngài Xá Lợi Phất liền thọ tám giới, trải qua một ngày đêm. Do nhân duyên này nên khi mạng chung được làm con vua trời Tỳ Sa Môn ở phương Bắc. Đệ tử của đức Như Lai còn có quả đại công đức như vậy, huống lại là đức Phật vậy. Thưa đại vương ! Ở bắc Thiên Trúc có thành tên là Tế Thạch. Thành ấy có vị vua tên là Long Ấn, vì tham đất nước, trọng ngôi vị nên giết hại cha mình. Giết cha mình rồi, nhà vua lòng sinh ra hối hận liền bỏ quốc chính, đi đến chỗ đức Phật, khẩn cầu xin xuất gia. Đức Phật dạy rằng : "Thiện lai !" Ông liền thành Tỳ kheo trọng tội tiêu diệt, rồi phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đại vương phải biết, đức Phật có vô lượng vô biên quả đại công đức như vậy đó. Thưa đại vương ! Đức Như Lai có em là Đề bà Đạt Đa, phá hoại chúng tăng, làm chảy máu thân Phật, hại Tỳ kheo ni Liên Hoa... làm ba nghịch tội. Đức Như Lai vì ông ấy nói đủ thứ pháp yếu khiến cho trọng tội ấy liền được giảm nhẹ. Vậy nên đức Như Lai là vị Đại lương y, chẳng phải là hàng Lục sư vậy. Thưa đại vương ! Nếu ngài có thể tin lời nói của thần thì nguyện xin ngài hãy mau chóng đi đến chỗ đức Như Lai ! Nếu chẳng thấy tin thì nguyện xin ngài suy nghĩ kỹ những điều thần nói đó ! Thưa đại vương ! Các đức Phật Thế Tôn, đại bi che khắp, chẳng giới hạn ở một người, chánh pháp rộng lớn không chỗ nào chẳng bao phủ, kẻ oán người thân bình đẳng lòng không yêu ghét nhất định chẳng thiên vị một người khiến cho được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, còn người khác thì chẳng được. Đức Như Lai chẳng phải chỉ độc là thầy của bốn bộ chúng mà là thầy của khắp tất cả trời, người, rồng, thần, quỉ, địa ngục, súc sinh, ngã quỉ.v.v.... Tất cả chúng sinh cũng sẽ nhìn đức Phật như tưởng cha mẹ. Thưa đại vương ! Ngài phải biết, đức Như Lai chẳng chỉ độc vì người giàu sang như vua Bạt Đề Ca mà diễn nói pháp. Ngài cũng vì hàng hạ tiện như Ưu Ba Ly.v.v... Ngài chẳng độc thiên lệch nhận sự dâng cúng bữa ăn của ông Tu Đạt Đa A Na Bân Để mà cũng nhận bữa ăn của người nghèo Tu Đạt Đa. Ngài chẳng chỉ độc vì người lợi căn như ngài Xá Lợi Phất.v.v... nói pháp mà cũng vì kẻ độn căn như ông Châu Lợi Bàn Đặc. Ngài chẳng chỉ độc cho phép người tính không tham như ngài Đại Ca Diếp xuất gia cầu đạo mà cũng cho phép kẻ đại tham như Nan Đà xuất gia. Ngài chẳng chỉ độc cho phép người ít phiền não như ngài Ưu Lâu tần Loa Ca Diếp.v.v... xuất gia cầu đạo mà cũng cho phép kẻ phiền não sâu dày, tạo tội nặng như em vua Ba Tư Nặc là Tu Đà Gia xuất gia cầu đạo. Ngài chẳng vì Ta Thảo cung kính cúng dường mà cứu vớt sân căn ông ấy, còn Ương Quật Ma La, lòng ác muốn hại nên bỏ mà chẳng cứu. Ngài chẳng chỉ độc vì nam tử có trí mà diễn nói pháp, còn cũng vì người cực ngu Phán Hợp Hôn là nữ nhân nói pháp. Ngài chẳng chỉ độc khiến cho người xuất gia được bốn đạo quả mà cũng khiến cho kẻ tại gia được ba đạo quả (?).Ngài chẳng chỉ độc vì Phú Đa La.v.v... bỏ những việc thông suốt, nhàn tịch suy nghĩ mà nói pháp yếu, ngài cũng vì vua Tần Bà Ta La.v.v.. thống lĩnh việc nước, xử lý việc vua mà nói pháp yếu. Ngài chẳng chỉ độc vì người bỏ dứt rượu mà cũng vì kẻ đam mê rượu như ông trưởng giả Úc Dà say mèm nói pháp. Ngài chẳng chỉ độc vì người vào Thiền định như Ly Bà Đa.v.v... mà cũng vì người chôn con loạn tâm như Bà la môn nữ Bà Tư Tra nói pháp. Ngài chẳng chỉ độc vì đệ tử của mình mà cũng vì ngoại đạo Ni Kiền Tử nói pháp. Ngài chẳng chỉ độc vì người tuổi trai tráng hai mươi lăm mà cũng vì người lão suy tám mươi nói pháp. Ngài chẳng chỉ độc vì người căn thuần thục mà cũng vì người thiện căn chưa thuần thục nói pháp. Ngài chẳng chỉ độc vì Mạt Lợi phu nhân mà cũng vì dâm nữ Liên Hoa nữ nói pháp. Ngài chẳng chỉ độc thọ bữa ăn thịnh soạn ngon lành của vua Ba Tư Nặc mà cũng thọ bữa ăn tạp độc của ông Thi Lợi Cúc Đa. Thưa đại vương ! Ngài phải biết, ông Thi Lợi Cúc Đa thuở trước cũng tạo tác nhân duyên nghịch tội. Rồi do gặp đức Phật, nghe pháp nên ông liền phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thưa đại vương ! Giả sử một tháng thường dùng y thực để cúng dường cung kính tất cả chúng sinh chẳng bằng một phần mười sáu công đức sở đắc của người niệm Phật trong một niệm. Thưa đại vương ! Giả sử có người rèn kim loại làm xe ngựa chở báu vật mà số ấy đều hàng trăm thứ đem dùng bố thí thì chẳng bằng có người phát tâm hướng về Phật trong thời gian nhấc một bước chân. Thưa đại vương ! Giả sử, người ấy lại dùng xe voi trăm chiếc chở đủ thứ trân bảo của nước Đại Tần (?) và những nữ nhân thân đeo chuỗi ngọc của nước ấy mà số cũng cả trăm người đem dùng bố thí cũng còn chẳng bằng người phát tâm hướng về đức Phật trong thời gian nhấc một bước chân. Lại giả sử có việc này, nếu có người dùng tứ sự cúng dường cung cấp cho chúng sinh sẵn có trong ba ngàn đại thiên thế giới còn cũng chẳng bằng người phát tâm hướng về đức Phật trong thời gian nhấc một bước chân. Lại giả sử có việc này, nếu khiến cho vị đại vương cúng dường cung kính vô lượng chúng sinh nhiều như cát sông Hằng thì cũng chẳng bằng một lần đi đến chỗ đức Như Lai tại Ta La Song Thọ mà thành tâm nghe pháp". Lúc bấy giờ, đại vương đáp rằng : "Này Kỳ Bà ! Đức Như Lai Thế Tôn, tính đã điều nhu nên được người điều nhu làm quyến thuộc, như rừng cây Chiên đàn thì thuần dùng cây chiên đàn mà vây quanh. Đức Như Lai thanh tịnh nên quyến thuộc sở hữu cũng lại thanh tịnh, giống như con rồng lớn thì thuần lấy các rồng mà làm quyến thuộc. Đức Như Lai tịch tịnh nên quyến thuộc sở hữu của ngài cũng lại tịch tịnh. Đức Như Lai không tham nên quyến thuộc sở hữu của ngài cũng lại không tham. Đức Phật không phiền não nên quyến thuộc sở hữu của ngài cũng không phiền não. Ta nay đã là người cực ác bị ác nghiệp trói buộc, thân mình hôi thối, thuộc về địa ngục thì sao đáng được đến chỗ đức Như Lai. Ta giả sử đi đến thì sợ ngài chẳng đoái hoài tiếp nhận nói năng ! Ông tuy khuyên ta, bảo đến chỗ đức Phật, nhưng ta hôm nay tự thấy thấp hèn đáng thương sâu sắc nên không có lòng nào để đi đến đó !" Lúc bấy giờ, trong hư không liền phát ra tiếng nói rằng : "Phật pháp vô thượng sắp muốn suy tàn ! Dòng sông pháp thậm thâm đến đây muốn cạn ! Đèn sáng Đại pháp sắp tắt ! Chẳng còn lâu núi pháp sắp sụp lở ! Thuyền pháp sắp chìm ! Cây cầu pháp sắp hoại ! Ngôi điện pháp sắp tan ! Pháp tràng sắp ngã ! Cây pháp sắp gãy ! Bạn lành sắp ra đi ! Đại khủng bố sắp đến ! Chúng sinh đói khát sắp đến ! Chẳng bao lâu phiền não dịch bệnh sắp sửa lưu hành ! Thời đại ám đến ! Thời khát pháp lại ! Ma vương mừng vui cởi bỏ giáp trụ ! Vầng mặt trời Phật sẽ lặn xuống núi Đại Niết Bàn ! Này đại vương ! Nếu đức Phật ra đi thì trọng ác của vua đời lại không có người trị liệu. Này đại vương ! Nay ngài đã tạo nghiệp A Tỳ địa ngục rất nặng ! Do nghiệp duyên này nhất định ngài phải chịu, chẳng nghi ngờ gì nữa ! Này đại vương ! Chữ A là nói rằng, Không ! Chữ Tỳ là gọi rằng Gián (xen vào). Gián là không tạm vui nên gọi là Vô gián. Này đại vương ! Giả sử một người, một mình rơi vào địa ngục này thì thân người ấy to lớn đến tám vạn do tuần, tràn đầy khắp trong địa ngục ấy, xen không có chỗ trống. Thân người ấy chịu đủ thứ khổ giáp vòng. Giả sử có nhiều người thì thân họ cũng đầy khắp nhưng chẳng phương (hại) ngại (ngăn ngại) lẫn nhau. Này đại vương ! Trong địa ngục lạnh còn tạm gặp gió nóng nên lấy đó làm vui. Trong địa ngục nóng còn tạm gặp gió lạnh cũng gọi là vui. Có địa ngục, người trong đó mạng chung rồi, nếu nghe tiếng "sống" thì liền sống trở lại. Địa ngục A Tỳ đều không có những việc này. Này đại vương ! Địa ngục A Tỳ, bốn mặt đều có cửa. Bên ngoài mỗi một cửa đều có lửa mạnh, Đông Tây Nam Bắc giao qua thông suốt, tám vạn do tuần tường sắt giáp vòng, lưới sắt che khắp bên trên, đất địa ngục ấy cũng bằng sắt, lửa bên trên cháy suốt xuống dưới, lửa bên dưới cháy suốt lên trên. Thưa đại vương ! Như cá trong lò sấy bị mở đốt cháy, tội nhân trong ngục này cũng lại như vậy. Này đại vương ! Kẻ tạo tác một nghịch tội thì liền thọ đủ một tội như vậy, nếu tạo hai nghịch tội thì liền chịu gấp đôi, người đủ năm nghịch tội cũng chịu gấp năm lần. Này đại vương ! Ta nay đã biết ác nghiệp của vua nhất định chẳng được miễn. Nguyện xin đại vương mau chóng đi đến chỗ đức Phật ! Ngoại trừ đức Phật Thế Tôn thì không còn ai khác có thể cứu ngài ! Ta nay thương xót ngài nên khuyên nhau và dẫn đường !" Lúc bấy giờ, nhà vua nghe lời nói đó rồi, lòng mang nỗi kinh sợ, toàn thân run rẩy, năm vóc lắc động như cây chuối, ngước lên mà đáp rằng : "Ngài là ai đó ? Chẳng hiện ra sắc tượng mà chỉ có âm thanh !" Trên không đáp : "Ta là cha ngươi, Tần Bà Ta La đây ! Ngươi nay phải nghe theo lời nói của ông Kỳ Bà ! Chớ theo lời nói của sáu người bề tôi tà kiến !" Nhà vua nghe xong, ngất đi ngã lăn ra đất, ghẻ trên thân tăng nhiều lắm, hôi thối gấp bội hơn trước đó. Tuy dùng thuốc lạnh bôi lên để điều trị nhưng ghẻ bốc nhiệt độc, chỉ tăng thêm, không tổn giảm.

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

- Quyển thứ mười bảy hết -

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]