Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Kết luận

25/04/201311:58(Xem: 8943)
Chương 4: Kết luận
A-Hàm - Mưa Pháp Chuyển Hóa Phiền Não


Chương 4: Kết Luận

Ni sư Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Ni sư Thích Nữ Giới Hương


Vì lòng từ bi thương chúng sanh đau khổ ở cõi ta bà, Đức Phật Thích Ca đã thuyết minh bốn bộ A-hàm như Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng Nhất A-hàm và Tạp A-hàm gồm có 2.086 bài pháp thoại với một mục đích duy nhất là chỉ đường đi để cho chúng sanh chấm dứt đau khổ. Những giáo lý căn bản và những pháp số thường được đề cập trong bốn bộ A-hàm như Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác phần, Bát chánh đạo, Tam học, Bốn pháp ấn, Sáu cõi luân hồi, Mười hai nhân duyên, Nghiệp cảm luân hồi, Sanh tử, Niết bàn,Tứ thiền, Chín định, Tam minh, Ngũ ấm, Năm độn sử, Năm lợi sử vv… để chúng ta hiểu được đường lối của tội phước, chân ngụy, chánh tà để chúng ta tỉnh ra, biết tránh đường mê mà đi đường lành, thoát khổ luân hồi.

Trong A-hàm, Đức Phật nhấn mạnh về lý Tứ đế và Tứ niệm xứ. Đây là Khổ đế chúng ta phải biết, là Tập đế chúng ta phải diệt, là Diệt đế chúng ta sẽ đạt, là Đạo đế chúng ta phải thực hành. Chúng ta phải quan sát những nỗi khổ của sáu đạo chúng sanh như nỗi khổ của kiếp người, nỗi khổ của loài súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ, A-tu-la và cõi trời, để đừng tạo nghiệp sanh tử nữa và phát sanh trí tuệ về Tứ đế tức là trí tuệ của các bậc thánh biết nhân quả chắc chắc không sai chạy của thế gian và xuất thế gian.

Tứ niệm xứ đứng đầu trong 37 Phẩm trợ đạo, chúng ta học A-hàm và thật ra A-hàm không có ra ngoài Tứ niệm xứ. Đức Phật giảng 2.086 bài pháp thoại và bao nhiêu pháp số phong phú chung quy chỉ là giảng Tứ niệm xứ cho chúng ta thôi. Tu Tứ niệm xứ tức hàng ngày chúng ta phải chuyên chú đem hết tinh thần vào các pháp quán thân, thọ, tâm, pháp là khổ, vô thường, vô ngã để chúng ta an định tinh thần lại, không rông rỡ bên ngoài nữa. Tinh thần A-hàm là tinh thần Tứ niệm xứ, nếu chúng ta không thật quán Tứ niệm xứ thì dù tu tập có lâu, chúng ta vẫn sâu kết phiền não, gồng gánh trọn đời, rồi lại lễ bái, cầu khẩn chư Phật, Thánh hiền tăng thương xót nhưng các ngài không thể cứu giúp cho nghiệp lực của chúng ta được. Tự chúng ta quán Tứ niệm xứ khai mở trí tuệ, có cái nhìn chân chánh, suy nghĩ tương ứng với chân lý thì mới có thể giải thoát vô minh. Ngoài ánh sáng trí tuệ này, không một thần lực nào khác có thể phá được bóng tối.

Đức Phật trình bày 2086 bài pháp thoại trong nhiều cách này cách kia nhưng thật ra cả bốn bộ A-hàm không ra ngoài Tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ là con đường thanh tịnh để diệt tham ưu trong đời cho nên chúng ta phải quán tỉ mỉ thân, thọ, tâm, pháp để nhận chân nghĩa thâm thúy này. Đức Phật khuyên không nên học nhiều sách mà điều chủ yếu là chúng ta nên để tâm đi sâu nhận nghĩa thực sự của A-hàm, thực hành nơi mình thì chúng ta mới có bản kinh nơi tâm chúng ta, mới hưởng được tất cả các ý vị chân thật an vui từ kinh A-hàm.

Y theo căn bản mưa pháp A-hàm này thì mê nhiều kiếp liền tỉnh, tà chánh khó phân cũng được tỏ ngộ hiển nhiên như đêm ngày. Việc báo ứng tuy khó nhận nhưng chắc chắn sẽ xảy ra như vang theo tiếng, như bóng theo hình. Số kiếp tựa xa vời mà gần kề với chúng ta như tối liền đến sáng, sáng liền đến tối. Sáu cõi bao la hiện ra trước mắt mà A-hàm này là ánh sáng vĩ đại cho đêm dài sanh tử. Kinh này ban mắt tuệ cho chúng ta, những người lạc lối không biết đường đi.

Hễ chúng ta đượm nhuần được mưa pháp A-hàm thì chúng ta sẽ giác tỉnh và phân minh được thiện hạnh, tà hạnh, điều phải, điều trái, người hiền kẻ ngu, sáu đạo luân hồi và quả vị giải thoát rõ ràng như ban ngày là thấy sáng, ban đêm thì thấy tối. Cho nên, việc thiết yếu là chúng ta phải quay về soi mình, phải biết, phải thấy chúng ta có những chỗ sai chỗ phải, chỗ hay chỗ dở, rồi sữa trị mình, làm chủ được mình, ấy là gốc của sự bình an và gốc của các bậc hiền thánh quân tử. Các bậc hiền nhân quân tử đã làm những việc lành, giữ tâm mình trong sáng, không theo đường mê, sống nương tựa vào mình, không bận lòng đến cảnh bên ngoài, cho nên thành công trong sự nghiệp tu hành tốt đẹp của mình.

Vui khổ là động cơ sinh hoạt của loài người, chẳng những loài người mà tất cả muôn loài. Tất cả sáu đạo chúng sanh đều lấy khổ vui làm động cơ. Ai cũng lo tránh khổ, ai cũng mong cầu sự an vui. Vì vậy, trong A-hàm Đức Phật dạy chúng ta phải quán tỉ mĩ để làm chủ hai sự khổ vui này. Chúng ta đừng để cho khổ vui chi phối, làm chủ được tức là làm chủ được đời sống của mình; còn nếu chúng ta để cho hai sự khổ vui này chi phối thì chúng ta mất quyền tự chủ, chúng ta sẽ như người sống vật vờ để cho ngoại cảnh kiểm soát. Rất nhiều phương pháp tu trong A-hàm như Tứ niệm xứ, Thất giác chi, Bát chánh đạo, Tứ Chánh cần, Ba mươi bảy Phẩm trợ đạo, Tứ pháp ấn, Tam lậu học, vv… đều dạy chúng ta phải quay về mình, học ngay mình để làm thế nào cho chúng ta đỡ khổ và được an vui. Không những khổ, vui trong hiện tại mà còn tránh những nguy kịch trong tương lai và hưởng sự an vui vĩnh viễn. Người giác tỉnh thì đêm ngày thận trọng trọn vẹn hướng tâm về đạo pháp không để khổ vui chi phối, cho nên A-hàm chính là liều thuốc, là mưa pháp bớt khổ đem vui. Thế gian ai cũng đều mong cầu thoát khổ được vui, tất cả tôn giáo cũng hướng về việc ấy và Đức Phật cũng chỉ có một mục đích duy nhất là chỉ cho chúng ta cơn mưa pháp A-hàm thanh lương để rửa sạch những bụi trần đau khổ này đi. Kinh dạy:

Thân người khó được
Phật pháp khó nghe
Một phen mất thân người
Muôn đời khó trở lại.
Như rùa mù tìm bộng cây trong bể cả
Làm thân người sáu căn đầy đủ là khó
Được gặp Tam bảo lại càng khó hơn.

Chúng ta có phước được theo học Phật nên chúng ta đỡ khổ vô cùng. Còn nếu không được học Phật thì chúng ta sẽ khổ mà khổ vô ích, vô lý và uổng phí thời gian một kiếp người. Đức Phật khuyên chúng ta để ý, đừng sống một cách bừa bãi, xô bồ hư vọng. Bây giờ chỉ cần dừng tâm lại, tỉnh ra một chút là nhận ngay, thấy những sự khổ, không, vô ngã, vô thường này để đỡ khổ một cách vô ích mà đỡ phí thời gian, luống sống một trăm năm đi qua mà rốt cuộc chẳng được giác tỉnh tí nào.

Đức Phật từ bi nhắc chúng ta cách đây đã 2.600 năm rồi và bây giờ vẫn còn nhắc nhỡ nữa tức chứng tỏ chúng ta vẫn còn mê. Chúng ta khổ vì chúng ta không biết sự thật, không chịu để ý nhận ra sự thật vô ngã, vô thường, khổ, không ở cuộc đời này. Nếu không được gặp Phật, không được học kinh sách, mê muội tối tăm thì về sau đi về làm loài súc sanh như chó, mèo, gà, vịt rồi đời sống cứ thế ngàn vạn năm ở trong sự tối tăm, ở trong sự xấu xa độc ác, như thế đáng sợ biết ngần nào. Thế cho nên chúng ta được ở chỗ Phật pháp tăng là chỗ rất tốt, rất lợi, không có lợi nào khác tốt hơn nữa.

Nhờ nhiều kiếp sâu trồng căn lành, nên đời nay chúng ta được dự trong hàng đệ tử Phật, được sống trong ngôi nhà chánh pháp, lại được thọ học kinh A-hàm và phương pháp thiền quán Tứ niệm xứ, soi hơi thở, giác tỉnh trở về mình để thoát sáu nẽo luân hồi mênh mông. Đây là những thắng duyên diễm phúc khó gặp mà dễ qua; hãy nắm lấy những cơ hội hiếm có này để giải thoát. Những lời Phật dạy trong bốn bộ A-hàm như những thánh ngôn, những kim chỉ nam giữa thế gian, như kho tàng pháp bảo vô giá khó tìm, còn chúng ta như những người đứng ngoài cổng bị những đau khổ nghèo đói của cuộc đời làm điêu đứng, bị tám khổ (sanh, già, bịnh, chết, ghét phải gặp, yêu phải xa, cầu không được như ý và ngũ ấm xí thịnh) chi phối.

Chúng ta vẫn khổ vì sanh già bịnh chết và vì nghèo nàn phước báo, trí tuệ. Nghiệp thức mơ màng, ngoại cảnh khổ vui chi phối, vọng tình chưa hết, làm sao ra khỏi luân hồi. Những tập khí tham sân si mạn nghi tà kiến, những thói quen buông lung phóng túng của tám vạn bốn ngàn phiền não từ vô thủy đến bây giờ đang chi phối chúng ta rất mạnh. Đó là những đường luân hồi mà Đức Phật muốn chúng ta phải ra khỏi. Chúng sanh trong sáu đạo chỉ có cõi trời và cõi người là tạm đỡ khổ, có khả năng tu đạo xuất thế, cho nên Phật dạy giữ năm giới để bảo vệ, trở lại thân người thuộc nhân thừa; dạy thập thiện, bốn định, bốn vô lượng tâm để được lên cõi trời thuộc thiên thừa mà cũng là nấc thang xuất thế.

Bây giờ chúng ta phải quay về, sáng suốt tu tập thì ngày mai mới ra khỏi được luân hồi sanh tử. Khi chúng ta dứt khoát lìa thì sợi dây si mê này phải đứt, các thứ tham sân si mạn phải chìm xuống, cho nên gọi là mưa pháp A-hàm để rửa sạch những trói buộc, gở những nút kết thì chúng ta sẽ được thoát, được bình yên, trong sáng, sạch sẽ. Phải thực hành những gì đã học ở A-hàm, phải chí nguyện tha thiết, công hạnh chuyên cần thì sẽ đạt được kết quả như vậy.

Mục đích của 8 chương trong 2 tập sách ‘A-hàm: Mưa pháp chuyển hóa phiền não’ là tóm gọn lại hành trình đường đi từ phàm phu lên ngôi vị hiền thánh. Chúng ta niệm tâm từ để diệt trừ sự ác độc, niệm tâm bi để diệt trừ sự tàn nhẫn, niệm tâm hỷ để diệt trừ sự phiền hận và niệm tâm xả để diệt trừ sự thù oán. Chúng ta quán bất tịnh để tiêu ba độc tham sân si, quán vô thường để giải thoát ngã mạn tự ái, quán hơi thở để điều hòa cả thân và tâm. Chúng ta chuyển hóa những tham sân si mạn nghi mà tu tập tâm từ bi hỉ xả, vô lượng vị tha thì hiện đời ai cũng kính nễ, quý mến chúng ta và chúng ta sẽ đổi ngay cảnh đọa lạc hiện tại thành cõi trời sắc giới rực rỡ tưng bừng, sung sướng an vui, sống lâu cả ngàn vạn kiếp.

Chúng ta chỉ cần chuyển hóa những ngũ ấm, ngũ uẩn, mười kiết sử vi tế, triền cái trói buộc thành tứ thiền, chín định, tam minh thì chúng ta nhẹ nhàng ra khỏi sáu cõi trầm luân và ra khỏi cả cõi trời sắc giới và vô sắc giới, từ nay tự tại giải thoát du hóa muôn phương. Như vậy chỉ đổi tâm niệm mà có thể đổi hẳn cả một cuộc đời, một cảnh giới mà không phải một cuộc đời mà mãi mãi nhiều cuộc đời về sau. Chỉ cần chuyển hóa tâm niệm của chúng ta một chút mà đổi hẳn cảnh giới cả ngàn vạn kiếp vị lai, như vậy, mưa pháp A-hàm thật là thanh lương vi diệu, thật là tịnh tất cả lậu. Học A-hàm, thực hành chuyên cần, chuyển hóa phiền não như thế thì chúng ta sẽ có con đường giải thoát đi ra thì chúng ta sẽ liễu đạt được đại sự. Có sáng được việc lớn này thì chúng ta mới đáp ứng được bản hoài độ sanh của Phật tổ, mới xứng đáng là người con Phật. Có sáng được chân ý nghĩa của A-hàm thì đạo Phật sẽ trở thành vô vàn ý nghĩa giữa thế gian này.

Đức Phật Thích Ca là bậc thế gian giải, nghĩa là có trí tuệ biết tất cả các pháp của thế gian và ngài đã ra khỏi cảnh thế gian. Thế cho nên bây giờ ngài dạy chúng ta về việc thế gian thì nhất nhất ngài phải nói những lời chân thật, vậy chúng ta nên một lòng tin bất động với ngôi Tam bảo, Phật pháp tăng. Chúng ta theo gót Đức vô thượng sư tức là đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta cố gắng sống viễn ly tịch tĩnh, trong tự mình tỉnh ra và mượn ánh sáng giác tỉnh của ngài, của A-hàm mà tự soi sáng, tự tỉnh dậy, cùng nhau lên bờ kia giải thoát. Cứ như thế, chúng ta tinh tấn gạt cho sạch những vô minh thì lúc bấy giờ minh hiện lên. Khi minh hiện thì có trí tuệ và công năng thật của tâm chúng ta mới hiển lộ.

Đạo là con đường, Phật là sáng suốt. Nhờ Đức Phật nói những con đường tâm linh sáng suốt mà ngài đã chứng nghiệm, rồi trong nhiều thế kỷ qua chư Tổ thực hành thấy hiệu nghiệm nên tiếp nối truyền lại, cho đến ngày nay chúng ta mới được tiếp nhận tu học theo. Thế là Đức Phật vạch một con đường cho chúng ta đi, con đường sáng suốt, con đường đi vào trí tuệ cho nên gọi là Đạo Phật. Chúng ta khổ vì không biết sự thật, chúng ta không chịu để ý nhận ra sự thật. Sự si mê của chúng ta che lấp trí tuệ khiến cho chúng ta không thấy được sự thật. Nhờ học A-hàm, chúng ta mới biết mình còn mê và mê ở chỗ nào để mà gỡ. Cho nên, A-hàm đã chỉ ra một con đường, con đường từ mê đến tỉnh, từ khổ đến an vui, từ phàm phu lên hiền thánh, rồi chúng ta mới một lòng đi con đường này để hiển lộ đạo. Vì thế, chúng ta phải phát tâm học và hành theo A-hàm. Đây là những gì Đức Phật thuyết giảng sau khi ngài giác ngộ dưới cội cây Bồ-đề, bên dòng sông Ni-liên, Ấn độ.

Mưa pháp A-hàm là những gì như Tổ Thiên Thai nói là Đức Phật thuyết giảng trong 12 năm đầu trong sự nghiệp thuyết pháp lợi sanh của ngài. Chính mưa pháp A-hàm tưới mát bình đẳng cho muôn loài vạn vật, không phân biệt chủng loại, tôn giáo, giới tính, hay già trẻ này mới đáp ứng được tất cả những nhu cầu tâm linh và những hướng dẫn tu tập căn bản để chúng ta rửa sạch để không còn một vết gì trong đường sanh già bịnh chết, ra khỏi luân hồi, xa lìa phàm phu và cất bước đi lên nấc thang thánh vị. Phải khai thác trí tuệ của mình thì mới gọi là người theo đạo Phật. Còn cứ nhắm mắt ai nói sao chúng ta làm vậy thì không phải là đạo Phật. Lối học kiểu ấy không phải là học Phật. Phải theo những phương pháp trong A-hàm để chúng ta làm hiền làm thánh. Chúng ta sống với vọng tưởng nên khổ nạn triền miên, nghiệp báo trói buộc chúng ta trong vạn nẻo luân hồi, tưởng như không có cách nào thoát khỏi. Nào ngờ mưa pháp A-hàm vừa ban xuống thì bụi mê muội vụt tan biến, không còn dấu vết.

Xưa kia chúng ta mỗi người, mỗi con đường lang thang trong sáu đạo như cây thiếu nước khiến khô héo và đang chết dần chết mòn. Nay nhờ mưa pháp A-hàm tưới nhuần thấm đẫm đến tận gốc rễ khiến các cây cối không cằn cỗi nữa mà sum suê, tươi tốt vươn thẳng lên trời cao cùng mây xanh gió mát, đứng hùng dũng reo vui cùng với núi sông. Những chiếc lá vui sướng reo mừng chào đón pháp vũ A-hàm. Mưa càng nhiều thì càng tốt bởi lẽ nếu không có mưa pháp đan dệt tưới mát thì làm sao có cây xanh trái tốt đơm hoa kết nụ tỏa hương trang nghiêm lợi ích thế gian. Chúng ta từ mười phương, mười hướng nhưng chung một tấm lòng cùng nhau năm vóc sát đất quỳ mọp đãnh lễ tri ân Đức Phật đã thương tưởng ban bố mưa pháp A hàm - cái phao giải thoát này - cho chúng ta. Lời không thể nói ra hết, chữ không thể viết xuống hết nổi lòng biết ân và tri ân của chúng ta đối với Tam bảo.

Cỗi cành tươi tốt vì đã thấm nhuần mưa pháp
Thể chất thanh cao nhờ cậy mây từ che phủ
Hương này lấy ở rừng thiền
Trồng trong tuệ uyển thiên nhiên ngọt ngào.

Giáo giới góp thành núi cao
Đốt lò tâm nguyện kính dâng cúng dường
Hoa xanh nở màu tốt tươi
Mùi thơm sực nức hoa trời kém xa.

Kính Phật con dâng đoá hoa
Muôn thu gió nghiệp chẳng hề động lay.


Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]