Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

23/04/201319:03(Xem: 13531)
Phần 6

BÍCH NHAM LỤC

(MỘT TRĂM CÔNG ÁN THIỀN TÔNG)

Thích Mãn Giác dịch

.................

Phần 6

TẮC THỨ NĂM MƯƠI MỐT

“CÁI GÌ ĐÂY?” CỦA TUYẾT PHONG

THÙY:Vừa khởi thị phi, mất tâm bối rối. Không lạc thứ lớp, lại chẳng rờ rẫm.

Thử nói xem, buông bỏ có phải là nắm giữ? Đến chỗ này rồi mà vẫn còn chút tơ hòa giải thích, thì vẫn còn vướng vào ngôn ngữ. Nếu như vẫn còn mắc vào cơ cảnh, thì chỉ đều là dựa cỏ nương cây.Dù cho có đạt đến chỗ giải thoát đơn độc đi nữa, vẫn chưa khỏi vạn dặm ngóng cổng làng. Các ông đã nắm được chưa? Nếu chưa thì chỉ phải hiểu cái công án rõ ràng này. Thử nêu lên xem.

CỬ:Lúc Tuyết Phong ở trong am, có hai ông tăng đến đảnh lễ. Tuyết Phong thấy họ đến lấy tay đẩy cửa, có người ra nói, “ Cái gì đây?” Ông tăng cũng nói, “ Cái gì đây?” Tuyết Phong cúi đầu đi vào am.

Sau đó ông tăng đến nơi của Nham Đầu. Nham Đầu hỏi, “ Từ đâu đến vậy?” Ông tăng nói, “ Từ Lĩnh Nam đến.” Nham Đầu hỏi, “Đã từng đến gặp Tuyết Phong chưa?” Ông tăng nói, “ Rồi.” Nham Đầu hỏi, “ Thầy ta có lời dạy gì?” Ông tăng kể lại câu chuyện trên. Nham Đầu nói, “ Thầy ta nói gì?” Ông tăng nói, “ Thầy ta chẳng nói gì cả mà chỉ cúi đầu đi vào am.” Nham Đầu nói, “Ôi , đáng tiếc lúc đầu ta lại không nói câu cuối cho thầy ta. Nếu như ta nói, người trong thiên hạ làm gì được lão Tuyết đây?

Đến cuối hạ ông tăng kia lại đế cập đến câu chuyện nọ để xin chỉ thị. Nham Đầu nói, “ Tại sao không hỏi từ trước?” Ông tăng nói, “ Không dám xem nhẹ.” Nham Đầu nói, “ Mặc dù Tuyết Phong cùng sinh trong một dòng với ta , song không cùng chết trong một dòng với ta. Nếu như ông muốn biết câu cuối cùng thì là cái này đây.”

BÌNH:Phàm kẻ muốn chống đỡ tông môn, cần phải biện được cơ duyên mà mình đang đương đầu. Phải biết tiến thoái thị phi, phải rõ sát hoạt nắm buông. Nếu như mắt hốt nhiên mờ đi, đến đâu gặp câu hỏi bèn hỏi, gặp đáp bèn đáp, đâu có hay rằng lỗ mũi mình nằm trong tay người khác.Còn như Tuyết Phong và Nham Đầu là cùng học với Đức Sơn. Hai ông tăng kia đến tham kiến Tuyết Phong, chỗ hiểu biết chỉ đến mức đó mà thôi. Cho đến lúc gặp Nham Đầu, vẫn chưa thành tựu được một việc kia. Làm phiền hai vị tôn túc này một cách vô ích. Một hỏi một đáp một cầm một buông, mãi cho đến giờ thiên hạ vẫn lúng túng lầm lạc không phân biện được. Song thử nói xem lúng túng lầm lạc ở chỗ nào?

Tuyết Phong tuy đi khắp các nơi, song phải mãi đến khi ở khách điếm trên Ngao Sơn, nhờ Nham Đầu khích cho mới đạt đượcchỗ thấu triệt. Sau đó vì vụ đàn áp Phật Giáo, Nham Đầu phải làm người đưa đò bên hồ. Ở mỗi bên bờ có treo một tấm bảng, mỗi khi có ai muốn qua sông thì cứ gõ lên bảng. Tuyết Phong lại nói, “ Muốn qua bờ bên nào?” Rồi thì vừa khua mái chèo từ trong đám lau lách xuất hiện.

Tuyết Phong thì trở về Lĩnh Nam trú trì một ngôi am. Ông tăng kia cũng là người tham Thiền từ lâu, Tuyết Phong thấy họ đến dơ tay đẩy cửa rồi ló người ra hỏi,” Cái gì đây?” Tuyết Phong cúi đầu đi vào trong am. Đây thường được gọi là sự hiểu biết ngoài ngôn ngữ, cho nên ông tăng kia không biết đâu mà rờ. Có người bảo rằng Tuyết Phong bị ông tăng kia hỏi như thế, không trả lời được cho nên cúi đầu quay vào am. Đâu có biết rằng có chỗ độc hại trong ý của Tuyết Phong. Tuy rằng Tuyết Phong chiếm được thượng phong, song giấu người lại lộ bóng, biết làm thế nào bây giờ.

Sau đó ông tăng từ biệt Tuyết Phong, đem công án này đến chỗ Nham Đầu phán đoán. Vừa đến đó, Nham Đầu hỏi, “ Từ đâu đến?” Ông tăng nói, “ Từ Lĩnh Nam đến.” Nham Đầu hỏi, “Đã từng đến gặp Tuyết Phong chưa?” Nếu như các ông muốn thấy được câu hỏi này thì hãy mau ghé mắt nhìn. Ông tăng nói, “Đến rồi.” Nham Đầu nói, “ Thầy ta có lời dạy gì?” Câu hỏi này không phải chỉ là câu hỏi suông. Song ông tăng không hiểu, chỉ lo đuổi theo ngữ mạch của Nham Đầu rồi xoay chuyển theo đó, Nham Đầu nói, “ Thầy ta nói gì?” Ông tăng nói, “ Thầy ta chẳng nói gì cả mà chỉ cúi đầu đi vào am.” Ông tăng này chẳng hề biết rằng Nham Đầu đã đi dép cỏ trong bụng ông ta đến mấy vòng rồi.

Nham Đầu nói, “Ôi, đáng tiếc lúc đầu ta lại không nói câu cuối cùng cho thầy ta. Nếu như ta nói, người trong thiên hạ làm gì được lão Tuyết đây?” Nham Đầu cũng xu phụ kẻ mạnh mà không nâng đỡ kẻ yếu. Ông tăng này vẫn cứ tối ám chẳng phân biệt được kẻ rành với tay mơ. Ôm một bụng hoài nghi ông ta cứ tưởng rằng Tuyết Phong không hiểu. Đến cuối hạ ông tăng lại đề cập đến câu chuyện nọ để xin chỉ thị. Nham Đầu nói,” Tại sao không hỏi từ trước?” Lão hán này khéo so đo thật. Ông tăng nói, “ Không dám xem nhẹ.” Nham Đầu nói, “ Mặc dù Tuyết Phong cùng sinh trong một dòng với ta, song lại không chết trong cùng một dòng với ta. Nếu như ông muốn biết câu cuối cùng thì là cái này đây.” Nham Đầu quả thật không tiếc mày mắt. Rốt cuộc các ông phải hiểu như thế nào?

Tuyết Phong từng làm đầu bếp trong chúng hội của Đức sơn. Một hôm sắp đến bữa chiều, Đức Sơn ôm bát đi đến Pháp đường. Tuyết Phong nói, “ Chuông chưa điểm trống chưa đánh, lão hán này vác bát đi đâu vậy kìa?” Đức Sơn không nói gì cả, chỉ cúi đầu quay về phương trượng. Tuyết Phong thuật chuyện này lại cho Nham Đầu. Nham Đầu nói, “ Ngay cả Đức Sơn mà cũng chưa hiểu câu cuối.” Đức Sơn nghe thế bèn sai thị giả gọi Nham Đầu vào phương trượng hỏi rằng, “Ông không chấp nhận lão tăng à?” Nham Đầu bí mật bày tỏ. Hôm sau Đức Sơn thượng đường giảng dạy khác hẳn những lúc bình thường. Nham Đầu đứng trước tăng đường vỗ tay cười lớn, nói, “ May mà lão hán hiểu câu cuối! Sau này thiên hạ làm gì được lão. Tuy như thế, song lại chỉ được ba năm.”

Trong công án này thì lúc Tuyết Phong thấy Đức Sơn không nói gì cứ tưởng là thầy ta chiếm thượng phong, đâu dè mình gặp phải giặc rồi. Song bởi vì thấy ta từng gặp giặc cho nên sau này cũng biết làm giặc. Cổ nhân nói, “ Câu cuối cùng mới mở được nhà lao.” Có người bảo là Nham Đầu hơn Tuyết Phong. Họ hiểu lầm rồi. Nham Đầu hơn Tuyết Phong. Họ hiểu lầm rồi. Nham Đầu thường dùng tâm cơ này mà dạy chúng rằng, “ Kẻ mắt sáng chẳng có khuôn khổ gì, cướp vật là cao, theo vật là thấp. Câu cuối này, cho dù các ông có chính mắt thấy Tổ Sư đến đi nữa cũng chẳng hiểu được.”

Gần bữa cơm chiều, lão Đức Sơn tự ôm bát đi xuống Pháp đường. Nham Đầu nói, “ Ngay cả Đức Sơn mà cũng chưa hiểu câu cuối.” Tuyết Đậu niệm rằng, “ Từng nghe nói độc nhãn long, té ra chỉ có mỗi một mắt. Đâu có dè rằng Đức Sơn chỉ là con cọp không răng. Nếu như không nhờ Nham Đầu hiểu thấu, làm sao mà chúng ta biết được rằng hôm qua và hôm nay khác nhau? Các ông có muốn hiểu câu cuối cùng chăng? Chỉ cho lão Hồ biết, không cho các lão Hồ hiểu?”

Từ xưa đến nay công án thiên sai vạn biệt, giống như một rừng gai góc. Nếu như các ông hiểu thấu được, người trong thiên hạ chẳng làm gì được các ông cả, tam thế chư Phật cũng phải đứng ở thế hạ phong. Nếu như các ông không hiểu thấu được, thì hãy ngẫm lời Nham Đầu nói, “ Tuyết Phong tuy sinh trong cùng một dòng với ta song lại không cùng chết trong một dòng với ta.” Chỉ trong một câu này thôi tự nhiên có chỗ xuất thân. Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Câu cuối cùng,

Nói cho ông,

Thời tiết của sáng tối song song:

Cùng sinh một dòng cùng biết nhau,

Không chết cùng dòng khác hẳn nhau.

Khác hẳn nhau,

Đầu vàng [1]mắt xanh [2]phải phân biệt.

Nam bắc đông tây quay về đi

Đêm sau cùng ngắm tuyết ngàn đỉnh.

BÌNH:“ Câu cuối cùng , nói cho ông.” Tuyết Đậu tụng câu cuối cùng này, có ý ngật lực vì người khác. Tụng thật thiết tha, song chỉ tụng một chi tiết nhỏ mà thôi. Nếu như muốn nhìn thấu thì chưa được. Song thầy ta còn dám mở miệng lớn nói rằng, “ Thời tiết của sáng tối song song” để mở ra một con đường cho các ông và cũng để giải quyết một lần cho xong. Cuối cùng lại chú giải thêm cho các ông nữa. Như Chiêu Khánh một hôm hỏi La Sơn rằng, “ Nham Đầu nói, “ Như vầy như vầy, không như vầy không như vầy’ ý chỉ là như thế nào?” La Sơn gọi, “Đại Sư!” Chiêu Khánh đáp “ Vâng”.La Sơn nói, “ Vừa sáng vừa tối.” Chiêu Khánh cúi đầu lạy tạ rồi đi. Ba hôm sau lại hỏi La Sơn, “ Mấy hôm trước đây được hòa thượng từ bi chỉ dạy, song đệ tử vẫn chưa nhìn thấu được.” La Sơn nói, “ Tôi đã tận tình nói cả cho ông rồi mà.” Chiêu Khánh nói, “ Xin hòa thượng cầm đuốc soi đường cho.” La Sơn nói, “ Nếu vậy thì đại sư cứ đem chỗ nghi ra hỏi đi.” Chiêu Khánh nói, “ ‘Vừa sáng vừa tối’ có nghĩa là gì?” La Sơn nói, “Đồng sinh cũng đồng tử.” Chiêu Khánh bèn cúi lạy cảm tạ rồi đi.

Sau đó có ông tăng hỏi Chiêu Khánh,” Đồng sinh với đồng tử thì như thế nào?” Chiêu Khánh nói, “ Ngậm cái miệng chó kia lại.” Ông tăng kia nói, “Đại sư ngậm miệng mà ăn cơm.” Sao đó ông tăng kia đến hỏi La Sơn, “ Lúc đồng sinh đồng tử thì như thế nào?” La Sơn nói, “ Giống như con bò không có sừng.” Ông tăng lại hỏi, “ Lúc đồng sinh mà không đồng tử thì như thế nào?” La Sơn nói, “ Như hổ mang sừng.” Câu cuối cùng chính là đạo lý này đây.

Trong chúng hội của La Sơn có ông tăng dùng ý này để hỏi Chiêu Khánh, Chiêu Khánh nói, “Ai nấy đều biết. tại sao vậy? Nếu như ta nói một câu ở Đông Thắng Thần Châu thì ở Tây Ngưu Hóa Châu cũng biết. Trên trời nói một câu, nhân gian cũng biết. Tâm tâm biết nhau, mắt mắt chiếu nhau.”

Sinh cùng một dòng thì kể còn dễ thấy. Không đồng tử trong một dòng thì hoàn toàn khác nhau, ngay cả Thích Ca với Bồ Đầ Đạt Ma cũng rờ rẫm không ra . “ Nam bắc đông tây quay về đi.” Có một cảnh giới khá tốt.” Đêm sâu cùng ngắm tuyết ngàn đỉnh.” Thử nói xem, đây là “ vừa sáng vừa tối.” đồng sinh trong một dòng,” hay “đồng tử trong một dòng”? Nạp tăng có mắt sáng thử phân biện xem sao.

TẮC THỨ NĂM MƯƠI HAI

CẦU ĐÁ CỦA TRIỆU CHÂU

CỬ:Có ông tăng hỏi Triệu Châu, “ Lâu nay nghe tiếng cầu đá của Triệu Châu, đến nơi lại chỉ thấy chiếc cầu khỉ.” Triệu Châu nói, “Ông chỉ thấy cầu khỉ, không thấy cầu đá.” Ông tăng nói, “ Thế nào là cầu đá?” Triệu Châu nói, “Để lừa qua để ngựa qua.”

BÌNH;Nơi của Triệu Châu có chiếc cầu đá do Lý Ưng ( thời Hậu Hán) xây. Cho đến nay vẫn nổi danh trong thiên hạ. Cầu khỉ là một chiếc cầu nhỏ chỉ gồm một khúc cây bắc qua dòng nước. Ông tăng kia cố tình giảm uy phong của Triệu Châu cho nên mới hỏi, “ Lâu nay nghe tiếng cầu đá của Triệu Châu, đến nơi lại chỉ thấy chiếc cầu khỉ.” Triệu Châu bèn nói, “Ông chỉ thấy cầu khỉ mà không thấy cầu đá.” Là dựa vào câu hỏi của ông tăng kia. Thoạt nghe có vẻ như đàm thoại bình thường, song Triệu Châu lại dùng để câu ông tăng. Ông tăng này quả nhiên mắc câu, cho nên bèn hỏi tiếp, “ Thế nào là cầu đá?” Triệu Châu nói, “Để lừa qua, để ngựa qua.” Quả thật là có chỗ xuất thân trong lời nói ấy. Triệu Châu không giống như Lâm Tế với Đức Sơn sữ dụng gậy và hét, mà chỉ dùng ngôn cú để sát hoạt mà thôi.

Công án này nhìn kỹ chỉ tương tự như một thứ đấu cơ phong, song tuy vậy cũng hết sức là khó hiểu thấu.

Một hôm cùng vị thủ tòa nhìn cầu đá kia, Triệu Châu hỏi, “ Ai xây cầu này vậy?” Thủ tòa nói, Lý Ưng xây. Triệu Châu nói, “ Lúc xây bắt đầu ở chỗ nào?” Thủ tòa không trả lời được. Triệu Châu nói, “Ông luôn luôn nói về cầu đá, đến khi hỏi ông cầu xây bắt đầu từ chỗ nào ông lại không biết.” Một hôm Triệu Châu đang quét sân, có ông tăng hỏi, “ Hòa thượng là bậc thiện tri thức thì tại sao lại có bụi?” Triệu Châu nói, “ Bụi là từ bên ngoài tới.” Ông tăng lại hỏi, “ Thanh tịnh già lam, tại sao lại có bụi?” Triệu Châu nói, “ Chỉ có một chút thôi.”

Có ông tăng hỏi,” Đạo là gì?” Triệu Châu nói, “Ở bên ngoài tường kia kìa.” Ông tăng hỏi, “ Không hỏi đạo đó, mà hỏi đại Đạo kia.” Triệu Châu nói, “Đại đạo dẫn tới tận Trường An.”

Triệu Châu ưa dùng căn cơ này, thầy ta thường vì người ở những chỗ an ổn bình thường. Lại chẳng bao giờ phạm tay vào mũi nhọn, tự nhiên lừng lững vời vợi, sử dụng cơ duyên này một cách hết sức vi diệu. Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Không lập xa vời đạo mới cao,

Xuống biển còn phải câu rùa lớn.

Nực cười lão Quán Khê cùng thời,

Biết nói”phóng tên” nhọc công thôi.

BÌNH:“ Không lập xa vời đạo mới cao.” Tuyết Đậu chỗ bình thường vì người của Triệu Châu. Triệu Châu chẳng lập huyền diệu, chẳng nói xa vời. Thầy ta không giống với đa số người ở các nơi thường bảo rằng phải đả phá hư không, đập nát Tu Di,làm bay bụi dưới đáy biển, gây sóng trên đỉnh Tu Di, mới xứng đáng được gọi là Đạo của Tổ Sư. Cho nên Tuyết Đậu mới nói, “Không lập xa vời đạo mới cao.” Những người khác có thể đứng cao như vách đá vạn trượng để mà hiển dương Phật Pháp một cách đặc biệt linh nghiệm. Song tuy rằng những người ấy cao vời lừng lững, cũng không bằng được( Triệu Châu) chẳng lập xa vời, mà cứ bình thường tự nhiên xoay chuyển sự vật một cách êm suốt. Triệu Châu đúng là không lập mà tự lập, không đứng trên cao mà tự cao. Chỉ khi nào cơ duyên vượt ra ngoài những cái cao vời kia chúng ta mới có thể thấy cái huyền diệu được.

Cho nên Tuyết Đậu nói,” Xuống biển còn phải câu rùa lớn.” Hãy nhìn bậc tông sư có mắt kia ( Triệu Châu) chỉ cần nhàn nhã dạy một lời, dùng một cơ biến. Thầy ta không câu tôm , sò, ốc hến mà câu ngay rùa lớn. Quả thật là một tay chuyên gia. Câu này là để giải minh công án.

“Nực cười lão Quán Khê cùng thời.” Có ông tăng hỏi Quán Khê, “ Từ lâu nghe nói Quán Khê, nay đến nơi thì lại chỉ thấy có cái rãnh nước.” Quán Khê nói, “Ông chỉ thấy rãnh nước mà không thấy Quán Khê.” Ông tăng hỏi, “ Thế nào là Quán Khê?” Quán Khê nói, “ Nhanh như mũi tên phóng ra.”

Có ông tăng hỏi Hoàng Long, “ Lâu nay nghe danh Hoàng Long, đến nơi thì chỉ thấy có con rắn chiếu hoa.” Hoàng Long nói, “Ông chỉ thấy con rắn chiếu hoa mà không thấy Hoàng Long.” Ông tăng hỏi, “ Thê nào là Hoàng Long?” Hoàng Long nói, “ Lướt đi.” Ông tăng nói, “ Thế lỡ hốt nhiên gặp Kim Xí Điểu đến thì như thế nào?” Hoàng Long nói, “ Tính mệnh khó mà bảo toàn.” Ông tăng nói, “ Như thế tức là bị chim ăn mất.” Hoàng Long nói, “Cám ơn thầy cúng dường.”

Đây đều là những trường hợp lập ( những lời dạy) cao vời. Đúng thì có đúng, song không khỏi phí sức. Rốt cuộc chẳng bằng được cái dụng bình thường của Triệu Châu. Cho nên Tuyết Đậu nói, “ biết nói ‘phóng tên’ nhọc công thôi”. Tạm gác Quán Khê và Hoàng Long sang một bên, các ông phải hiểu như thế nào khi Triệu Châu nói, “Để lừa qua, để ngựa qua?” Thử phân biện xem.

TẮC THỨ NĂM MƯƠI BA

VỊT TRỜI CỦA MÃ ĐẠI SƯ

THÙY:Khắp nơi không ẩn, toàn cơ độc lộ.gặp chuyện không vướng, luôn luôn có cơ duyên xuất thân. Trong câu vô tư, chỗ nào cũng có ý giết người. Song thử nói xem, rốt cuộc cổ nhân an nghỉ ở chỗ nào? Thử nêu lên xem.

CỬ:Một lần kia Mã Đại Sư tản bộ với Bách Trượng, thấy có bầy vịt trời bay qua. Mã Đại Sư hỏi, “ Cái gì vậy?” Bách Trượng nói, “ Vịt trời.” Mã Đại Sư nói, “ Bay đi đâu vậy?” Bách Trượng nói, “Bây đi mất rồi.” Mã Đại Sư bèn bẹo mũi Bách Trượng. Bách Trượng đau quá kêu lên. Mã Đại Sư nói, “Đã từng bay đi đâu?”

BÌNH:Nếu dùng đôi mắt chính đáng mà nhìn thì Bách Trượng là người có chính nhãn, trong khi Mã Đại Sư không có gió lại gây sóng. Nếu như các ông muốn làm thầy của Phật và Tổ thì phải tham thủ Bách Trượng. Còn nếu như muốn tự cứu mình cũng chẳng được, thì tham thủ Mã Đại Sư. Nhìn xem các cổ nhân chưa từng bao giờ mà không có mặt ở Chỗ Này.

Bách Trượng rời bỏ chốn bụi trần lúc nãy còn rất trẻ, thông thạo cả tâm học. Lúc ấy nghe Đại Tích ( Mã Tổ) xiển hóa ở Nam Xương, mới dốc lòng theo học . Suốt hai mươi năm làm thị giả cho Mã Tổ, cho đến khi đến tham kiến thêm lần nữa, nghe tiếng hét mà đại ngộ. Hiện nay có kẻ nói, “Ở nơi vốn không có ngõ, kiến lập một cửa vào ngõ.” Nếu các ông hiểu như thế , các ông giống như con bọ trên thân sư tử sống bằng thịt sư tử. Há không nghe cổ nhân nói, “ Nguồn không sâu thì dòng nước không dài, trí không lớn thì thấy không xa.” Nếu đừng kiến lập mà hiểu Phật pháp làm sao mà có được như ngày nay.

Nhìn xem lúc Mã Đại Sư và Bách Trượng đi dạo thấy có bầy vịt trời bay qua. Mã Đại Sư há không biết đó là vịt trời sao? Tại sao lại còn hỏi như thế? Thử nói xem ý của Đại Sư nằm ở chỗ nào? Bách Trượng chỉ còn biết lẽo đẽo theo sau, Mã Tổ mới béo mũi cho. Bách Trượng đau quá kêu lên, Mã Tổ nói, “Đã từng bay đi đâu?” Bách Trượng bèn tĩnh ngộ. Ngày nay có nhiều kẻ hiểu lầm, vừa mới bị hỏi đã làm như đau kêu lên, song cũng đâu có nhảy ra khỏi được.

Các bậc tông sư một khi đã vì người khác, bao giờ cũng đến nơi đến chốn. Thấy Bách Trượng không hiểu, không khỏi bị đứt tay vì mũi nhọn. Mã Tổ chỉ muốn cho Bách Trượng hiểu sự việc này. Cho nên mới có câu nói, “ Hiểu thì có thể thu đúng trên đường, không hiểu thì thế tục đế lan tràn.” Nếu như lúc ấy Mã Tổ mà không béo mũi Bách Trượng , thì thế tục để hẳn đã lan tràn rồi. Cần phải gặp cảnh gặp duyên uyển chuyển dạy cho người ta quay về nơi chính mình. Suốt ngày không có chỗ sơ hở nào, đó gọi là tính địa minh bạch.” Nếu chỉ dựa cỏ nương cây, nửa lừa nửa ngựa thì có ích gì đâu?

Nhìn xem Mã Tổ và Bách Trượng thụ dụng như thế, tuy họ có vẻ chiêu chiêu linh linh song lại không trụ nơi chiêu chiêu linh linh. Bách Trượng đau quá kêu lên. Nếu cứ như thế mà thấy, thì khắp giới không ẩn, nơi hiện thành. Cho nên mới có câu nói rằng, “ Nếu như thấu được một nơi thì ngàn nơi vạn nơi cùng thấu.”

Hôm sau Mã Tổ thăng đường, chúng hội mới tụ tập, Bách Trượng đã bước ra cuốn chiếu lễ lên. Mã Tổ bèn hạ tòa. Lúc trở về phương trượng bèn hỏi Bách Trượng, “ Vừa rồi tôi thăng đường, chưa kịp thuyết pháp, cớ sao ông lại đi cuốn chiếu lễ lại như thế?” Bách Trượng nói, “ Hôm qua bị hòa thượng béo mũi đau quá.” Mã Tổ nói, “ Hôm qua ông lưu tâm ở đâu vậy?” Bách Trượng nói, “ Hôm qua ông lưu tâm ở đâu vậy?” Bách Trượng nói, “ Hôm nay mũi không còn đau nữa.” Mã Tổ nói, “Ông hiểu biết việc hôm nay rất rõ.” Bách Trượng bèn cúi lạy rồi quay về phòng thị giả, vừa khóc. Có ông thị giả đồng sự hỏi, “ Tại sao thầy lại khóc?” Bách Trượng nói, “Ông cứ lên hỏi hòa thượng đó.” Ông thị giả kia bèn lên hỏi Mã Tổ.Mã Tổ nói, “Ông cứ đi hỏi thầy ta đó.” Ông thị giả kia lại quay về phòng hỏi Bách Trượng, Bách Trượng lại cười ha hả. Ông thị giả kia nói, “ Vừa mới đây ông khóc, bây giờ tại sao lại cười đây?” Bách Trượng nói, “ Vừa rồi tôi khóc, bây giờ tôi cười.” Nhìn xem, sau khi ngộ rồi Bách Trượng mới nhẹ nhõm làm sao, chẳng cách chi mà mắc bẫy, tự nhiên lung linh. Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Bầy vịt trời,

Biết về đâu.

Mã Tổ thấy chúng nói với nhau,

Nói về mây núi cùng trăng biển.

Như xưa không hiểu bảo bay đi,

Muốn bay đi,

Lại giữ lại,

Nói, nói!

BÌNH:Tuyết Đậu tụng ngay rằng, “ Bầy vịt trời, biết về đâu?” Song thử nói xem có bao nhiêu? Mã Tổ thấy chúng nói với nhau.” Đâu là để tụng Mã Tổ hỏi Bách Trượng “ cái gì vậy” Và Bách Trượng nói, “Vịt trời.” “ Nói về mây núi cùng trăng biển.” Đây là để tụng việc Mã Tổ lại hỏi “bay đi đâu vậy?” Ý chỉ của Mã Đại Sư cho Bách Trượng quá là tự nhiên thoát thể. Bách Trượng vẫn như xưa không hiểu lại nói rằng, “ Bay đi rồi.” Sai gấp đôi.

Muốn bay đi, lại giữ lại.” Tuyết Đậu dựa vào dữ kiện mà kết thúc công án. Lại nói, “ Nói, nói!” Đây chính là chỗ Tuyết Đậu chuyển thân. Thử nói xem, các ông phải nói như thế nào? Nếu như kêu lên vì đau là sai. Nếu như không kêu lên vì đau thì phải hiểu như thế nào? Tuy rằng Tuyết Đậu tụng hết sức là kỳ diệu, song cũng không nhảy ra khỏi được.

TẮC THỨ NĂM MƯƠI BỐN

“MỚI Ở ĐÂU TỚI” CỦA VÂN MÔN

THÙY:Thấu khỏi sinh tử, xoay chuyển cơ quan. Nhàn nhã cắt sắt chặt đinh, nơi nơi che trời che đất. Song thử nói xem, đây là cách hành xử của ai vậy? Thử nêu lên xem.

CỬ:Vân Môn hỏi ông tăng kia, “ Mới từ đâu tới?” Ông tăng đáp, “ Tây Thiên.” Đây là lời nói mặt đối mặt, giống như thể điện chớp. Vân Môn nói, “ Gần đây Tây Thiên có lời dạy gì?” Đây cũng chỉ là những lời đàm thoại bình thường. Ông tăng này quả thật cũng là một tay chuyên gia, cho nên lại đi thử thách Vân Môn, ông ta lập tức dang hai tay ra. Nếu như là người bình thường mà bị thử thách như vậy, nhất định là sẽ lúng túng tay chân. Song Vân Môn lại có tâm cơ như đá lửa điện chớp, bèn đánh ông tăng một bạt tai.

Ông tăng nói, “Đánh thì cứ việc đánh có điều tôi vẫn còn đang nói cơ mà.” Ông tăng này có chỗ chuyển thân, cho nên Vân Môn dang hai tay ra. Ông tăng không nói gì được, cho nên Vân Môn lại đánh ông ta.

Vân Môn là bậc chuyên gia, cho nên đi mỗi bước đếu biết rõ bước chân của mình dẫm lên chỗ nào. Biết nhìn trước ngó sau, không bị lạc đường. Ông tăng này chỉ biết dòm trước mà không biết ngó sau.

TỤNG

Đầu cọp đuôi cọp nắm một lượt,

Oai phong lẫm liệt khắp mọi nơi,

Lại hỏi không biết quá nguy sao?

Tuyết Đậu nói, “ Bỏ qua một lần.”

BÌNH:Bài tụng này của Tuyết Đậu hết sức dễ hiểu, đại ý chỉ tụng cơ phong của Vân Môn.Cho nên thầy ta mới nói, “Đầu cọp đuôi cọp nắm một lượt.” Cổ nhân nói, “ Nắm đầu cọp, nắm đuôi cọp, một câu lập tức hiểu tông chỉ.” Tuyết Đậu chỉ dựa vào các dữ kiện mà kết thúc công án. Thầy ta thích Vân Môn biết cách nắm đầu nắm đuôi cọp. Lúc ông tăng dang hai tay ra, Vân Môn liền đánh. Đó là nắm đầu cọp. Vân Môn dang hai tay ra, ông tăng không nói gì được, Vân Môn lại đánh. Đó là nắm đuôi cọp. Lúc đầu với đuôi cùng nắm, thì mắt như sao xẹt.

Vân Môn tự nhiên như đá lửa điện chớp, đến nỗi “oai phong lẫm liệt khắp mọi nơi.” Đến nỗi gió thổi xào xạc khắp trời đất. “ Lại hỏi không biết quá nguy sao?” Quả thật là có chỗ nguy hiểm. Tuyết Đậu nói, “ Bỏ qua một lần, song thử nói xem, nếu bây giờ tôi không bỏ qua thì các ông làm thế nào? Tất cả mọi người trong thiên hạ đều đáng ăn đòn.

Những người học Thiền bây giờ đều nói rằng, lúc Vân Môn dang hai tay ra, ông tăng kia phải dùng gậy ông đập lưng ông mà trả miếng Vân Môn mới phải. Nói như thế nghe có vẻ đúng, song thật ra lại chẳng đúng. Vân Môn không thể cứ như thế mà bảo các ông thôi. Hẳn là vẫn còn có một cái gì đó.

TẮC THỨ NĂM MƯƠI LĂM

ĐẠO NGÔ VÀ TIỆM NGUYÊN ĐI ĐIẾU TANG

THÙY:Ẩn mật toàn chân, lập tức thủ chứng. Lững thững chuyển vật, trực tiếp đảm đương. Còn việc như đá lửa điện chớp, cắt đứt lầm lạc, nắm đầu cọp đuôi cọp, đứng lừng lững như vách đá vạn trượng, những thứ ấy tạm gác qua một bên. Một con đường còn có chỗ vì người khác không? Thử nêu lên xem.

CỬ:Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến một nhà kia để điếu tang. Tiệm Nguyên vỗ vào quan tài hỏi, “ Sống sao chết sao?” Đạo Ngô nói, “ Không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết.” Tiệm Nguyên nói, “ Tại sao lại không?” Đạo Ngô nói, “ Không nói là không nói.” Lúc trở về đến nữa đường, Tiệm Nguyên nói, “Hòa thượng mau nói cho tôi, nếu không tôi đánh hòa thượng đó.” Đạo Ngô nói, “Đánh thì cứ việc đánh, nhưng mà nói vẫn không nói.” Tiệm Nguyên bèn đánh.

Sau đó Đạo Ngô thiên hóa. Tiệm Nguyên đến gặp Thạch Sương [3]kể lại câu chuyện kia. Thạch Sương nói, “ Không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết.” Tiệm Nguyên nói, “ Tại sao lại không?” Thạch Sương nói, “ Nhất định không.” Tiệm Nguyên nghe thế bèn tĩnh ngộ.

Một hôm Tiệm Nguyên cầm cái xuổng vào Pháp đường đi từ đông qua tây rồi từ tây qua đông. Thạch Sương nói, “Ông làm gì vậy?” Tiệm Nguyên nói, “ Tìm linh cốt của bậc tiên sư.” Thạch Sương nói, “Sóng cả chập chùng , ba đào tận trời. Ông kiếm linh cốt gì của các bậc tiên sư?”

Tuyết Đậu phê bình rằng, “ Trời ơi, trời ơi!” Tiệm Nguyên nói, “ Chính vì thế mà phải nỗ lực.”

Thái Nguyên Phù nói, “ Linh cốt của các bậc tiên sư vẫn còn đó.”

BÌNH:Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đến một nhà kia để điếu tang. Tiệm Nguyên vỗ quan tài nói, “ Sống sao chết sao?” Đạo Ngô nói, “ Không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết.” Nếu như nghe lời này mà hiểu ngay được cẩn ý, thì đó chính là khóa chốt để thoát sinh tử. Nếu chưa như thế được thì thường thường dễ bị lỡ mất.

Nhìn xem các bậc cổ nhân, đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng coi việc này là tâm niệm. Ngay khi vừa đến nhà kia để điếu tang, Tiệm Nguyên đã vỗ quan tài hỏi, “Sống sao chết sao?” Đạo Ngô chẳng hề di dịch một tơ hào, nói với Tiệm Nguyên rằng, “Không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết.” Tiệm Nguyên để lỡ ngay trước mặt, lo đuổi theo ngôn cú của Đạo Ngô. Bèn nói , “ Tại sao lại không?” Đạo Ngô nói, “ Không nói là không nói.” Có thể nói là Đạo Ngô hết lòng hết dạ, lấy sai lầm ra đương đầu với sai lầm.

Tiệm Nguyên vẫn chưa giác ngộ, về đến giữa đường vẫn còn hỏi, “ Hòa thượng mau nói cho tôi, nếu không tôi đánh hòa thượng đó.” Lão này biết gì về tốt với xấu? Đây đúng là có hảo tâm mà không được đền trả tốt đẹp. Đạo Ngô vẫn cứ một lòng thiết tha như trước, mới nói với Tiệm Nguyên rằng, “Đánh thì cứ việc đánh, nhưng mà nói vẫn không nói.” Tiệm Nguyên bèn đánh. Tuy là thế song Đạo Ngô vẫn cứ hơn một bậc. Đạo Ngô thiết tha như thế vì Tiệm Nguyên, thế mà Tiệm Nguyên lại vẫn cứ mờ mịt.

Sau khi bị đánh Đạo Ngô lại nói với Tiệm Nguyên, “Ông tạm lánh mặt đi. Tôi e rằng vị tri sự trong viện mà khám phá ra việc này thế nào cũng làm khó làm dễ ông.” Rồi bí mật đưa Tiệm Nguyên đi. Đạo Ngô có lòng từ bi như thế đấy. Tiệm Nguyên đến một tự viện nhỏ kia, nghe thấy một hành giả tụng Quan Âm Kinhrằng, “Đới với những người mà phải dùng thân tì khưu để độ thì ngài hóa thân làm tì khưu mà thuyết pháp.” Tiệm Nguyên hốt nhiên đại ngộ nói, “ Lúc ấy mình trách lầm tiên sư,mới hay rằng việc này chẳng ở nơi ngôn cú.” Cổ nhân nói, “ Những kẻ vĩ đại khôn lưòng vẫn cứ có thể bị xoay chuyển trong ngôn ngữ như thường.”

Có kẻ giải thích theo thiên kiến bảo rằng lúc Đạo Ngô nói, “ Không nói là không nói,” tức là đã nói rồi. Đó gọi là “quay lưng lộn nhào, khiến thiên hạ không biết đường nào mà rờ.” Nếu như các ông hiểu như thế làm sao các ông có thể đạt được bình an? Nếu như gót chân chấm đất thì chẳng cách xa tơ hào. Há không nghe chuyện bảy hiền nữ đi qua Thi Da Lâm. Một người chỉ một thi thể hỏi, “ Thi thể ở đây, thế còn người thì ở đâu?” Người lớn nhất nói, “ Cái gì, cái gì?” Lập tức tất cả đều chứng được vô sinh pháp nhẫn. Song trong ngàn người vạn người mới có được một người như thế.

Sau đó Tiệm Nguyên đến gặp Thạch Sương , kể lại câu chuyện kia. Thạch Sương nói, “Không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết.” Tiệm Nguyên nói, “ Tại sao lại không?” Thạch Sương nói, “ Nhất định không”. Tiệm Nguyên nghe thế bèn tĩnh ngộ. Một hôm Tiệm Nguyên nghe thế bèn tĩnh ngộ. Một hôm Tiệm Nguyên cầm cái xuổng vào Pháp đường đi từ đông qua tây rồi từ tây qua đông, ý muốn trình chỗ kiến giải của mình. Thạch Sương quả nhiên hỏi, “Ông làm gì vậy?” Tiệm Nguyên nói, “ Tìm linh cốt của các bậc tiên sư.” Thạch Sương bèn cắt đứt gót chân của Tiệm Nguyên, nói rằng “ Sóng cả chập chùng, ba đào tận trời. Ông kiếm linh cốt gì của các bậc tiên sư đây?” Tiệm Nguyên đang tìm linh cốt của các bậc tiên sư, Thạch Sương tại sao lại nói như thế với thầy ta? Đến chỗ này, nếu như các ông hiểu được câu” không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết,”mới biết rằng từ đầu đến cuối toàn thụ dụng tất cả cơ duyên. Nêu như các ông lo lập nguyên tắc, so đo, trầm tư thì rất khó mà thấy được.

Tiệm Nguyên nói, “ Chính vì thế mà phải nổ lực.” Nhìn xem sau khi ngộ rồi thầy ta mới nói được một cách tự nhiên làm sao. Một miếng xương gãy của Đạo Ngô như thể mầu vàng, lúc đánh vào kêu lên như tiếng đồng. Tuyết Đậu phê bình, “ Trời ơi, trời ơi!” Ý của thầy ta rơi cả hai phía. Thái Nguyên Phù nói, “ Linh cốt của các bậc tiên sư vẫn còn đó.” Tự nhiên nói được một cách ổn thỏa. Song thử nói xem, đâu là chỗ cốt yếu? Phải nỗ lực như thế nào? Há không nghe nói rằng nếu như thấu được một chỗ thì lập tức thấu được ngàn vạn chỗ. Nếu như các ông hiểu thấu được câu “ không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết” các ông làm líu lưỡi tất cả người trong thiên hạ. Nếu chưa hiểu thấu được thì cũng cần phải tự tham (Thiền) tự giác ngộ. Không thể sống nhàn nhã qua ngày, phải biết tiếc thời gian. Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Thỏ ngựa có sừng,

Bò dê không sừng.

Đứt lông đứt đuôi,

Giống núi giống đỉnh.

Hoàng kim linh cốt hiện vẫn còn,

Ba đào tận trời biết để đâu?

Không cho để,

Chiếc dép về Tây [4]cũng mất rồi.

BÌNH:Tuyết Đậu rất khéo biết cách bỏ cước chú.Thầy ta là con cháu trong dòng của Vân Môn, có đủ cả búa kềm trong một câu đủ cả ba câu. Đối với những gì nói không được thầy ta nói rõ cả ra, những gì khai mở không được, thầy ta mở toang ra. Tụng ngay chỗ khẩn yếu ra rằng, “ Thỏ ngựa có sừng, bò dê không sừng.” Thử nói xem tại sao thỏ ngựa có sừng, tại sao bò dê lại không có sừng? Chỉ khi nào hiểu thấu được câu chuyện trên các ông mới thấy được chỗ vì người của Tuyết Đậu.

Có người hiểu lầm nói rằng, “ Không nói tức là nói, không câu là có câu. Thỏ ngựa không có sừng lại bảo là có sừng, bò dê có sừng lại bảo là không có sừng.” Song chẳng có gì là nhằm nhò cả. Đâu có biết rằng cổ nhân thiên biến vạn hóa, hiện thần thông như vậy, chẳng qua chỉ để đã phá cái hồn tinh hang quỉ của các ông mà thôi. Nếu như các ông hiểu được như thế, chẳng cần phải dùng đến chữ “Hiểu” nữa.” Thỏ ngựa có sừng, bò dê không sừng. Đứt lông đứt đuôi, giống núi giống đỉnh.” Bốn câu này giống như thể một viên ngọc ma-ni [5]. Tuyết Đậu đề ra ngay trước mặt cho các ông.

Đoạn cuối cùng của bài tụng là dựa vào sự kiện mà kết thúc công án. “Hoàng kim linh cốt hiện vẫn còn, ba đào tận trời biết để đâu?” Câu này là để tụng lời của Thạch sương và Thái Nguyên Phù. Tại sao lại không có chỗ để? “ Chiếc dép về Tây cũng mất rồi.” Con rùa thần lê lết cái đuôi. Đây chính là chỗ Tuyết Đậu xoay trở vì người khác. Cổ nhân nói, “ Chỉ tham câu sống , chứ không tham câu chết.” Đã mất rồi thì tại sao mấy tay này lại cứ tranh cãi với nhau vậy kìa?

TẮC THỨ NĂM MƯƠI SÁU

MỘT MŨI TÊN PHÁ BA ẢI CỦA KHÂM SƠN

THÙY:Chư Phật chưa từng xuất thế, cũng chẳng có Pháp trao người. Tổ Sư chưa từ Tây [6]đến, chẳng từng lấy tâm truyền thụ. Chỉ vì người đời không hiểu, cho nên mới tìm kiếm ở bên ngoài. Đâu có hay rằng một việc đại sự nhân duyên dưới chân mình, ngày bậc thánh cũng chẳng rờ rẫm ra được. Như giờ đây thấy với không thấy, nghe với không nghe, nói với không nói, biết với không biết, từ ở đâu đến vậy kìa? Nếu như các ông chưa hiểu thấu được, thì xin cố tìm hiểu trong dòng dâu dưa. Thử nêu lên xem.

CỬ: Lãng Thiền Khách hỏi Khâm Sơn, “Lúc một mũi tên phá ba ải thì như thế nào?” Khâm Sơn nói, “đem vị chỉ huy trong ải ra đây xem!”Lãng Thiền Khách noí, “ Như vậy có nghĩa là biết lỗi lầm phải sửa đổi.” Khâm Sơn nói, “ Vậy thì còn đợi đến bao giờ nữa?” Lãng Thiền Khách nói, “ Mũi tên bắn hay chẳng đúng đâu cả.” Rồi bỏ đi ra. Khâm Sơn nói,” Thầy đến đây một chút coi.” Lãng Thiền Khách quay đầu lại, Khâm Sơn nắm lấy thầy ta nói, “ Một mũi tên phá ba ải, tạm gác qua một bên. Ông thử bắn một mũi tên ra cho Khâm Sơn xem coi!” Lãng Thiền Khách định cãi, Khâm Sơn đã đánh cho bảy gậy rồi nói, “ Ta sẵn sang nghe gã này nghi ngờ trong ba mươi năm nữa.”

BÌNH:Lãng Thiền Khách quả thật là một tay chiến tướng. Xoay trở trái phải trong tay Khâm Sơn, tránh rồi né vọt. Cuối cùng , đáng tiếc thay, cũng gẫy tên hết. Tuy thế đi nữa, “ Lý tướng quân tuy có tiếng thơm song lại chẳng được phong hầu, cũng vô ích mà thôi.” Công án này có một lối ra một lối vào, một nắm giữ một buông tha. “đối cơ giáp mặt mà nêu lên, đối cơ giáp mặt thật nhanh.” Đều chẳng bị rơi vào hữu vô đắc thất. Đây gọi là “huyền cơ.” Nếu như thiếu chút sức mạnh thế nào cũng bị vấp ngã.

Ông tăng này cũng là một tay nạp tử [7]thông minh, câu hỏi đặt ra quả thật khiến thiên hạ kinh hồn. Khâm Sơn là tay chuyên gia trong tông môn của chúng ta, cho nên biết ngay cốt yếu câu hỏi của ông ta. “ Khi một mũi tên phá ba ải thì như thế nào?” Câu trả lời của Khâm Sơn ngụ ý, “ Việc ông bắn thấu, hãy tạm gác qua một bên. Đem vị chỉ huy trong ải ra đây coi.” Lãng Thiền Khách nói, “ Như vậy có nghĩa là biết lỗi lầm phải sửa điổ.” Quả thật là kỳ đặc. Khâm Sơn nói, “ Vậy thì còn đợi đến bao giờ nữa?” Nhìn xem cách thầy ta trả lời. Câu hỏi của Khâm Sơn lại chẳng có chỗ sơ hở nào cả.

Cuối cùng Lãng Thiền Khách lại nói, “Mũi tên bắn hay chẳng trúng đâu cả, rồi rũ tay áo toan bỏ đi. Khâm Sơn lập tức gọi theo, “Thầy đến đây một chút coi!” Lãng Thiền Khách quả nhiên chưa nắm vững được, bèn quay đầu lại. Khâm Sơn nắm lấy thầy ta nói, “ Một mũi tên phá ba ải, tạm gác qua một bên. Ông thử bắn ra một mũi tên cho Khâm Sơn xem coi!” Lãng Thiền Khách vừa toan lý luận, Khâm Sơn đã đánh cho bảy gậy. Tiếp theo đó lại mắng rằng, “ Ta sẵn sàng nghe gã này nghi ngờ trong ba mươi năm nữa.”

Người học Thiền ngày nay đều hỏi, “ Tại sao không đánh Lãng Thiền Khách tám gậy hay sáu gậy mà lại dùng bảy gậy thôi? Hoặc sao không đánh ngay sau khi hỏi thầy ta sao không thử bắn tên ra?” Nói như thế tuy có vẻ đúng song thật ra lại chẳng đúng. Muốn hiểu công án này thì phải không được giữ trong lòng bất cứ sự suy tình so đó nào, phải vượt ra ngoài ngôn ngữ. Lúc đó các ông mới có thể một câu mà phá được ba ải và có chỗ để mà bắn tên. Nếu như vẫn còn muôi lòng thị phi, chẳng bao giờ rờ rẫm ra được.

Lúc ấy nếu như ông tăng kia là một tay cừ thật thì hẳn Khâm Sơn cũng lâm nguy rồi.Bởi vì Lãng Thiền Khách không hành lệnh được, không khỏi bị bệnh hành. Song thử nói xem, vị chỉ huy trong ải rốt cuộc là ai? Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Đem vị giữ ải ra cho ông,

Những kẻ bắn tên đừng sơ hốt.

Lấy một mắt hề tai tất điếc,

Buông một tai hề đôi mắt mù.

Thương thay một tên phá ba ải,

Rõ rõ ràng ràng lối tên đi.

Há không nghe,

Huyền Sa có lời hề,

“Đại trượng phu tiên thiên làm tâm tổ.”

BÌNH:Mấy câu trong bài tụng này là rút từ một bài tụng của Qui Tông . Qui Tông ngày xưa vì làm bài tụng ấy mà có tên là Qui Tông. Trong tông môn của chúng ta, đây gọi là “nơi tông chỉ”. Sau này Đồng An nghe nói tới công án này, nói rằng, “Ông Lãng quả thật là khéo bắn tên,song không biết cách bắn cho trúng đích.” Có ông tăng hỏi, “ Như thế nào thì mới trúng đích được?” Đồng An nói, “ Vị chỉ huy ải là ai?” Sau này có ông tăng thuật lại cho Khâm Sơn, Khâm Sơn nói, “Ông Lãng dù là như thế cũng chưa tránh được miệng của Khâm Sơn. Tuy vậy, Đồng An cũng chẳng có ý tốt.”

Tuyết Đậu nói, “Đem vị giữ ải ra cho ông.” Mở mắt cũng thấy mà nhắm mắt cũng thấy. Hữu hình hay vô hình, cũng đều bị chặt ra thành ba khúc, “ Những kẻ bắn tên đừng sơ hốt.” Nếu khéo biết bắn tên thì không sơ hốt, nếu không biết khéo bắn tên thì thế nào cũng sơ hốt. Nên biết rằng,” Lấy một mắt hề tai tất điếc, buông một tai hề đôi mắt mù.” Thử nói xem, lấy một mắt thì tại sao tai lại điếc? Buông một tai tại sao đôi mắt lại mù? Phải không có cái tâm thủ xả thì mới hiểu thấu những lời này được. Nếu như có tâm thủ xả, ắt khó thấy vô cùng.

“Thương thay một tên phá ba ải, rõ rõ ràng ràng lối tên đi.” Lãng Thiền Khách hỏi, “ Lúc một mũi tên phá ba ải thì như thế nào?” Khâm Sơn nói,” Đem vị chỉ huy trong ải ra đây xem.” Những lời này mãi cho đến cuối công án của Đồng An chỉ là “đường tên bay” mà thôi. Rốt cuộc là gì? “ Há không nghe, Huyền Sa có lời hề, “Đại trượng phu tiên hiên làm tâm tổ.’” Người ta thường coi tâm là tông của các tổ sư;Tại sao ở đây bậc chuyên gia lại là tân tổ ngay cả trước khi trời đất sinh ra? Nếu hiểu thấu được thời tiết này thì mới biết được vị chỉ huy trong ải.

“Rõ rõ ràng ràng đường tên bay.” Nếu như các ông muốn bắn trúng đích, thì rõ ràng có đường sau mũi tên. Song thử nói xem, thế nào là đường sau mũi tên? Cần phải có sức dùi mài mới được. “Đại trượng phu tiên thiên làm tâm tổ.” Huyền Sa thường dạy chúng bằng lời này. Đây là một câu tụng của Qui Tông, Tuyết Đậu lầm mà bảo là lời của Huyền Sa. Những người học Thiền bây giờ nếu lấy tâm này làm tổ tông, thì có tham Thiền cho đến lúc Phật Di Lặc hạ sinh cũng chưa hiểu được. Nếu như là bậc đại trượng phu, thì tâm vẫn cứ còn là con cháu. Thiên địa chưa phân, đã là phụ thứ rồi. Thử nói xem, đang lúc ấy thì thế nào là trước trời đất?

TẮC THỨ NĂM MƯƠI BẢY

CHÍ ĐẠO VÔ NAN CỦA TRIỆU CHÂU

THÙY:Trước khi thấu được, (công án) giống như thể núi bạc tường sắt. Cho đến khi thấu được rồi thì chính mình là núi bạc vách sắt. Nếu như có người hỏi, “ Như thế nào?” Chỉ cần nói với người ấy rằng, “ Nếu như có thể ở nơi (công án này) mà lộ được một cơ, thấy được một cảnh, cắt đứt được câu nói, chẳng thông phàm thánh, chưa hẳn đã là ngoài khả năng của mình.” Còn nếu như chưa được như thế, hãy xem gương người xưa.

CỬ:Có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Đạo lớn không khó, chỉ đừng so đo. Thế nào là đừng so đo?” Triệu Châu nói, “ Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.” Ông tăng nói, “Đó vẫn còn là so đo.” Triệu Châu nói, “Đồ nhà quê! So đo ở chỗ nào đâu?” Ông tăng kia không nói gì được.

BÌNH:Ông tăng hỏi Triệu Châu về câu “Đạo lớn không khó, chỉ đừng so đo.” trong Tín Tâm Minhcủa Tam Tổ (Tăng Sán). Ông ta nói thẳng ngay câu ấy ra. Có biết bao nhiêu là người hiểu lầm. Tại sao vậy? Theo họ thì đạo lớn không khó mà cũng không không khó, chỉ có điều đừng nên so đo mà thôi. Nếu như các ông hiểu như vậy, thì dù có một vạn năm nữa các ông cũng chẳng thấy được dù là trong mộng.

Triệu Châu thường dùng lời này ra hỏi thiên hạ. Ông tăng này lại đi đem câu hỏi này ra hỏi Triệu Châu. Nếu như dựa vào ngôn ngữ mà tìm, thì ông tăng này kinh thiên động địa thật. Nếu như không ở nơi ngôn ngữ thì như thế nào? Phải tham (Thiền) thêm ba mươi năm nữa thì mới có thể xoay chuyển được cái quan kiện này. Lúc ấy các ông mới hiểu được. Muốn vuốt râu cọp thì cũng phải cậy vào chính khả năng của mình thì mới được. Ông tăng này quên cả nguy vong, dám vuốt râu cọp cho nên mới nói: “Đó vẫn còn là so đo.” Triệu Châu lập tức bịt miệng ông ta, nói ngay rằng, “Đồ nhà quê! So đo ở chỗ nào đâu?” Nếu như ông tăng này hỏi một người nào khác, hẳn người ấy đạ một phen bối rối tay chân. Song làm sao được khi lão hán này là bậc chuyên gia? Triệu Châu động ở chỗ không động được, xoay chuyển ở chỗ không thể xiay chuyển được.

Nếu như các ông hiểu thấu được tất cả những câu ác độc, cho đến thiên sai vạn trạng thì thế gian hí luận đều là đề hồ cả. Nếu như các ông có thể đạt đến chỗ chân thực, thì các ông sẽ thấy được tấm lòng của Triệu Châu rơ rỡ ra đó. “Đồ nhà quê!” là chữ của người ở Phúc Đường dùng để mắng người khác là đồ ngu ngơ không biết gì cả. Ông tăng kia nói, “Đó vẫn cứ là so đo.” Triệu Châu nói, “Đồ nhà quê! So đo ở chỗ nào đâu?” Mắt của các bậc tông sư là phải như thế, giống như Kim Xí Điểu rẽ nước bắt rồng mà nuốt. Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Sâu tựa như biển,

Kiên cố như núi.

Muỗi mòng bay lượn trong gió táp,

Kiến càng đòi lay cột trụ sắt.

So hề đo hề.

Trống vải dưới hiên.

BÌNH:Tuyết Đậu chú giải hai câu của Triệu Châu nói rằng, “ Sâu tựa biển, kiên cố như núi.” Ông tăng nói, “Đó vẫn còn là so đo.” Cho nên Tuyết Đậu mới nói là ông ta giống như con muỗi bay lượn trong gió táp, con kiến đòi lay cột trụ sắt. Tuyết Đậu khen ngợi cái đại đảm của ông ta. Tại sao vậy? Đây là chỗ thụ dụng tột cùng của thiên hạ mà ông ta lại dám nói ra như thế. Triệu Châu cũng không buông tha ông ta; bèn nói, “Đồ nhà quê! So đo ở chỗ nào đâu?” Đây há không phải là gió táp với cột trụ sắt sao?

“So hề đo hề, trống vải dưới hiên.” Cuối cùng Tuyết Đậu đề lên, khiến nó sống đ5ông lại. Nếu như hiểu rõ được, thì tất cả đều do chính các ông đem ại. Tại sao vậy? Há không nghe nói muốn đạt đến chỗ thân thiết, thì đừng đem câu hỏi lại hỏi. Cho nên mới là cái trống vải dưới hiên.

TẮC THỨ NĂM MƯƠI TÁM

TRIỆU CHÂU VÀ KHUÔN SÁO THỜI THƯỢNG

CỬ:Có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Đạo lớn không khó, chỉ đừng so đo, phải chăng là khuôn sáo của thiên hạ bây giờ?” Triệu Châu nói, “ Có người từng hỏi ta như thế, suốt năm năm nay ta vẫn chưa biết phải giải thích như thế nào?”

BÌNH:Triệu Châu bình sinh không dựa vào phương pháp dùng gậy và tiếng hét, song chỗ thụ dụng của thầy ta còn hơn cả phương pháp ấy. Câu hỏi của ông tăng này cũng hết sức là kỳ đặc, nếu như là ai khác ngoài Triệu Châu hẳn cũng hết sức mà khó trả lời cho ông ta. Bởi vì Triệu Châu là bậc chuyên gia cho nên chỉ nói với ông tăng kia rằng,” Có người từng hỏi ta như thế , suốt năm năm nay ta vẫn chưa biết phải giải thích như thế nào?” Câu hỏi cao lừng lững vạn trượng, câu đáp cũng chẳng từng coi nhẹ câu hỏi. Chỉ cần hiểu như thế, thì có thể nói ( công án) là ở ngay đây đây. Nếu không hiểu, cũng dừng nên so đo.

Há không biết chuyện có ông tăng trong dòng của Đầu Tử làm thư ký trong chúng hội của Tuyết Đậu, Tuyết Đậu dạy thầy ta tham câu “Đạo lớn không khó, chỉ đừng so đo.” Nhờ đó mà ông tăng kia tỉnh ngộ. Một hôm Tuyết Đậu hỏi ông ta, “Đạo lớn không khó, chỉ đừng so đo có nghĩa là gì?” Ông tăng đáp, “ Súc sinh, súc sinh.” Sau đó ông ta lên ẩn cư ở núi Đầu Tử. Phàm mỗi lần đi trụ trì thường lấy cà sa bọc giây cỏ và kinh văn. Có ông tăng hỏi Tông Đạo, “ Thế nào là gia phong của kẻ tu đạo?” Tông Đạo nói, “ Giầy cỏ trong áo cà sa.” Ông tăng lại hỏi, “ Chưa hiểu ý thầy như thế nào?” Tông Đạo nói, “Đông Thánh ở dưới chân không.”

Cho nên mới có câu nói rằng, “ Cúng Phật không chỉ ở chỗ nhiều hương.”Nếu như các ông hiểu thấu được, thì túng hay đoạt nằm trong tay mình. Công án này là một hỏi một đáp, rõ ràng rành mạch ra đó, tại sao Triệu Châu lại bảo là không giải thích được? Song thử nói xem có đúng là khuôn sáo của người đương thời chăng? Triệu Châu trả lời trong khuôn sáo hay ngoài khuôn sáo? Nên biết rằng việc này không ở nơi ngôn ngữ. Nếu như có người hiểu thấu được tận cốt tủy vấn đề, lại có đủ đức tin, thì người ấy cũng như rồng gặp nước, cọp dựa núi.Tụng rằng;

TỤNG

Tượng vương rên rỉ,

Sư tử gầm rống.

Câu chuyện vô vị,

Làm nghẹn miệng người.

Nam bắc đông tây,

Quạ bay thỏ chạy.

BÌNH:Triệu Châu nói, “ Có người từng hỏi tôi như thế, suốt năm năm nay ta vẫn chưa biết phải giải thích như thế nào?” Câu chuyện vô vị, làm nghẹn miệng người. Nam bắc đông tây, quạ bay thỏ chạy.” Tuyết Đậu nếu như không có câu cuối cùng, thì biết ở chỗ noà để Tuyết Đậu đến đây? Đã như “ quạ bay thỏ chạy,” thì thử nói xem rốt cuộc Triệu Châu, Tuyết Đậu và sư núi tôi thành ra như thế nào đây?

TẮC THỨ NĂM MƯƠI CHÍN

TRIỆU CHÂU VÀ “ĐỪNG SO ĐO”

THÙY:Bao trời chum đất, vượt thánh siêu phàm. Trên đầu trăm ngọn cỏ, chỉ ra niết bàn diệu tâm. Trong rừng can qua, điểm định mạng sống của nạp tăng. Song thử nói xem, có được sức lực như thế, thì đạt được gì? Thử nêu lên xem.

CỬ:Có ông tăng hỏi Triệu Châu, “Đạo lớn không khó, miễn đừng so đo. Vừa có ngôn ngữ là có so đo rồi, hòa thượng giúp người như thế nào?” Triệu Châu nói, “ Tại sao không dẫn hết cả câu ra?” Ông tăng nói, “Đệ tử chỉ nhớ được đến đó thôi.” Triệu Châu nói, “ Chỉ có ‘đạo lớn không khó, miễn đừng so đo’ mà thôi.”

BÌNH:Triệu Châu nói, “ Chỉ có ‘đạo lớn không khó, miễn đừng so đo,’” giống như đá lửa điện chớp. Nắm buông sát hoạt, mới tự tại làm sao. Các nơi đều nói rằng Triệu Châu có tài hung biện siêu quần. Triệu Châu bình thường hay dậy đồ chúng bằng câu, “đạo lớn không khó, miễn đừng so đo. Vừa có ngôn ngữ là có so đo rồi. Điều ấy hiển nhiên. Lão tăng không ở nơi minh bạch , các ông có còn ôm giữ nữa không?” Lúc ấy có ông tăng hỏi, “Đã không còn ở nơi minh bạch, các ông có còn ôm giữ nữa không?” Lúc ấy có ông tăng hỏi, “Đã không còn ở nơi minh bạch, thì còn ôm giữ gì nữa?” Triệu Châu nói, “ Ta cũng chẳng biết.” Ông tăng nói, “ Hòa thượng đã không biết, tại sao còn nói là không ở nơi minh bạch?” Triệu Châu nói, “ Hỏi như thế là cũng đủ rồi, mau cúi lậy rồi lui đi.”

Sau đó ông tăng lại nhắm chỗ sơ hở của Triệu Châu mà hỏi, hỏi cũng một cách hết sức kỳ đặc, song cũng vẫn chỉ là tâm hành. Nếu như là người nào khác hẳn là đã chẳng làm gì được ông tăng này. Rủi thay Triệu Châu vốn là bậc chuyên gia, cho nên bèn nói ngay, “ Tại sao không dẫn hết cả câu ra?” Ông tăng này cũng biết xoay chuyển để lộ khí phách cho nên mới nói, “Đệ tử chỉ nhớ được đến đó thôi.” Giống như thể đã được an bài. Triệu Châu biết phân biệt rồng rắn, đúng sai, quả là có khả năng của bậc chuyên gia. Triệu Châu móc mắt ông tăng kia mà tay không phạm phải mũi nhọn. Chẳng cần so đo mà tự nhiên khế hợp vô cùng.

Bảo là Triệu Châu có nói cũng mà bảo là Triệu Châu không có nói cũng sai; mà bảo là vừa có vừa không có cũng đều sai. Triệu Châu ly tứ cú tuyệt bách phi. Tại sao vậy? Nếu như muốn bàn luận về vấn đề này, quả thất như đá lửa điện chớp. Phải để mắt mà nhìn thật nhanh thì mới thấy được. Nếu như toan bàn cãi hay trù trừ thì khó mà đừng táng thân thất mạng. Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Nước tưới không được,

Gió thổi không vào.

Cọp bước rồng đi,

Quĩ kêu thần khóc.

Đâu dài ba tấc biết là ai?

Đối đáp không lời đứng một chân.

BÌNH:“ Nước tưới không được , gió thổi không vào. Cọp bước rồng đi, quỉ kêu thần khóc.” Không có chỗ để các ông gậm cắn. Bốn câu này tụng câu trả lời của Triệu Châu, giống như thể rồng bay cọp nhảy. Ông tăng này chỉ một phen bối rối. Không những chỉ ông tăng này mà ngay cả quỉ cũng kêu thần cũng khóc. Giống như thể gió thổi qua cỏ rạp xuống.

Hai câu cuối cùng, có thể nói là “ hiểu được chính xác.” “Đầu dài ba tấc biết là ai, đối đáp không lời đứng một chân.” Há không nghe có ông tăng hỏi một bậc cổ đức, “ Phật là gì?” Cổ đức nói, “Đầu dài ba tấc cổ dài hai phân.” Tuyết Đậu dẫn dụng câu này. Không hiểu các ông có biết không, chứ sư núi tôi thì vẫn chưa biết. Tuyết Đậu trong một lúc mô tả ngay được Triệu Châu. Cái thật bao giờ cũng ở bên trong: các ông phải cẩn thận để mắt nhìn.

TẮC THỨ SÁU MƯƠI

CÂY GẬY CỦA VÂN MÔN

THÙY:Chư Phật chúng sinh vốn chẳng dị biệt, núi sông và mình há có sai khác? Tại sao lại có sự phân chia thành hai như thế? Dù cho các ông có thể xoay chuyển thoại đầu, cắt đứt câu nói, chỉ buông tha thôi cũng không đủ. Nếu như các ông không buông bỏ, cả trời đất này cũng chẳng đáng để nắm giữ. Song thế nào là chỗ để xoay chuyển thoại đầu? Thử nêu lên xem.

CỬ:Vân Môn đưa gậy ra dạy chúng rằng, “ Cây gậy đã hóa thành rồng, nuốt trọn cả trời đất rồi. Sơn hà đại địa., còn đâu mà có nữa?”

BÌNH:Như câu nói của Vân Môn rằng “ cây gậy đã hóa thành rồng, nuốt trọn cả trời đất rồi. Sơn hà đại địa còn đâu mà có nữa?” Nếu như các ông bảo là có thì các ông mù, nếu như các ông bảo là không thì các ông chết. Các ông có thấy chỗ vì người của Vân Môn chăng? Trả lại cây gậy cho tôi đi. Người bây giờ không hiểu được chỗ độc lộ của Vân Môn. Lại đi bảo rằng Vân Môn dựa vào sắc mà minh giải tâm, nương vào vật mà xiển minh lý. Thích Ca Mâu Ni thuyết Pháp bốn mươi chín năm, không thể không biết lối nghị luận này. Tại sao lại còn cần phải niêm hoa để Ca Diếp mỉm cười? Lão hán này lại gây lúng túng đi nói rằng, “ Ta có chính pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, nay trao lại cho Ma Ha Ca Diếp.” Tại sao lại phải đơn truyền tâm ấn? Các ông đã là khách trong môn hạ của Tổ sư, song có hiểu được việc đơn truyền tâm ấn này không?

Nếu như trong lòng các ông mà có một vật, lập tức sơn hà đại địa hiển hiện, còn nếu trong lòng không chấp một vật gì thì bên ngoài chẳng có tơ hào gì cả. Còn gì mà phải nói đến nào lý với trí đối tượng rõ ràng cùng sự hiểu biết thần diệu. Tại sao vậy? Bởi vì hiểu một là hiểu tất cả, rõ một là rõ tất cả. Trường Sa nói, “ Những người học đạo không biết cái Thật, chỉ cứ lo đi nhận cái thần thức, cái gốc sinh tử vô lượng kiếp, kẻ mê gọi là bổn lai nhân.” Nếu như các ông hốt nhiên đả phá được ấm giới, thân tâm nhất như, ngoài thân không có gì cả, các ông vẫn chưa đạt được nữa kia. Nói gì đến việc dựa vào sắc để minh giải tâm, nương vào vật để xiển minh lý?

Cổ nhân nói, “ Một hạt bụi vừa khởi lên, cả vũ trụ đã được bao gồm trong đó.”Song thử nói xem, một hạt bụi nào vậy? Nếu như các ông biết được hạt bụi này thì các ông biết được cây gậy của Vân Môn. Ngay khi Vân Môn vừa dơ gậy lên, chúng ta đã thấy ngay được các diệu dụng của thầy ta. Nói như vậy cũng đã là dây dưa rồi, hà huống đến chuyện hóa thành rồng. Khánh Tàng Chủ nói, “ Năm ngàn bốn mươi tám quyển, há từng có nói gì sao?” Vân Môn mỗi lần dơ gậy ra là niêm lên được cả toàn cơ đại dụng, vì người một cách sống động thay.

Ba Tiêu dạy chúng rằng, “Lỗ mũi của nạp tăng ở cả trên cây gậy này.” Vĩnh Gia nói, “ Không phải chỉ là hình thức bề ngoài, mà đúng thật là dấu vết của Như Lai bảo trượng.” Xưa dưới thời Phật Nhiên Đăng, Phật Thích Ca xõa tóc ra để che bùn cho Phật Nhiên Đăng. Phật Nhiên Đăng nói, “Nên xây một tự viện ở chỗ này.” Có một thiên tử bèn cắm một cọng cỏ xuống nói rằng, “ Tự viện đã được xây xong.” Các ông thử cho tôi biết xem, chuyện này ở đâu mà có vậy?

Tổ sư nói, “Đầu gậy chứng đắc, dưới hét đảm đương.” Song thử nói xem. Đảm đương cái gì cơ? Hốt nhiên có người hỏi, “ Thế nào là gậy?” Các ông sẽ lộn nhào sao? Sẽ vỗ tay sao? Tất cả những thứ này chỉ là trò ma quỉ, may mà chẳng có gì là nhằm nhò cả. Tuyết Đậu tụng rằng:

TỤNG

Cây gậy nuốt trọn trời đất,

Nói mãi hoa đào trên sóng.

Kẻ cháy đuôi không nói nắm mây bắt sương,

Kẻ hụt hơi sao phải thất kinh hồn vía?

Nêu lên rồi,

Có nghe không?

Cân phải tiêu sái tự tại

Chớ nên bối rối phân vân.

Bảy mươi hai gậy vẫn tha thứ,

Một trăm năm mươi khó tha ông.

Sư bỗng dơ gậy rồi hạ tòa,

Đại chúng lập tức tẩu tán.

BÌNH:Vân Môn vì người một cách vòng vo, Tuyết Đậu vì người một cách trực tiếp. Cho nên Tuyết Đậu mới gạt bỏ cái chuyên hóa thành rồng , cho là chẳng đáng nói, chỉ có việc “ cây gậy nuốt trọn trời đất mà thôi.” Ý của Tuyết Đậu chỉ là sao để thiên hạ đừng chấp voà thiên kiến. Thầy ta tiếp tục nói, “ Nói mãi hoa đào trên sóng.” Không còn cần phải hóa thành rồng nữa. Ở Ngu Môn có ba đợt sóng, cứ mỗi độ đến tháng ba khi hoa đào nở và sóng dâng, những con cá nào có thể bơi ngược dòng nước rồi vượt qua các lớp sóng thì sẽ hóa thành rồng. Tuyết Đậu nói dù có hóa thành rồng đi nữa cũng chỉ là những lời nói vô ích mà thôi.

“Kẻ cháy đuôi không nói nắm mây bắt sương.” Khi cá vượt qua Vũ Môn tự nhiên có lửa trời đốt chày đuôi chúng; cá nắm mây bắt sương mà đi. Tuyết Đậu ý muốn nói rằng dù cho là hóa thành rồng đi nữa cũng không phải là việc nắm mây bắt sương. “ Kẻ hụt hơi sao phải thất kinh hồn vía?”Thanh Lương Sớ nói trong lời tựa rằng, “ Dù cho là bậc Bồ Tát tích hạnh đi nữa cũng cứ hụt hơi ở Vũ Môn.” Ý của Thanh Lương muốn nói rằng Hoa Nghiêm cảnh giới không phải là chỗ mà tiểu đức tiểu trí có thể đạt đến được. Giống như những con cá muốn vượt qua Long Môn, những con vượt không được bị điểm lên đỉnh đầu mà quay về, rồi bị mắc cạn nơi vũng nước trên bãi cát, nằm đó mà thở dốc. Tuyết Đậu ý muốn nói rằng những con cá bị điểm lên đầu đuổi về ắt là đều thất kinh hồn vía.

“Nêu lên rồi, có nghe không?” Tuyết Đậu lại bỏ thêm cước chú, trong một lúc quét sạch cả cho các ông. Cho nên các ông cần phải “ tiêu sái tự tại, cho nên bối rối phân vân.” Nếu như các ông vẫn tiếp tục bối rối phân vân, thì các ông mất đi cây gậy. “ Bảy mươi hai gậy vẫn tha thứ, một trăm năm mươi khó tha ông.” Tuyết Đậu đã vì các ông mà bỏ nặng theo nhẹ. Cổ nhân nói, “ Bảy mươi hai gậy biến thành một trăm năm mươi.” Người thời nay hiểu lầm chỉ lo đi tính toán con số, nói rằng, “ Lẽ ra phải là bảy mươi lăm gậy chứ tại sao lại chỉ có bảy mươi hai?” Đâu có biết rằng ý của cổ nhân nằm ở ngoài ngôn ngữ. Cho nên mới có câu nói rằng, “ Việc này không nằm trong ngôn ngữ.” Tuyết Đậu sở dĩ dẫn dụng việc này là cốt để cho người đời sau đừng xuyên tạc. Dù cho các ông có tiêu sái tự tại thực đi nữa, các ông vẫn cứ đáng ăn bảy mươi hai gậy như thường. Đây vẫn là tha thứ cho các ông một cách dễ dàng. Cho dù là các ông không được như vậy, cũng khó tha cho các ông một trăm năm mươi gậy.

Tuyết Đậu kể như đã tụng xong rồi, lại vẫn dơ gậy lên mà làm lại một lần nữa. Tuy là thế, song thầy ta vẫn không phải là một kẻ có máu dưới da.



[1]“Đầu vàng” ngụ ý chỉ đức Phật.

[2]“Mắt xanh” (bích nhan) ngụ ý chỉ ngài Bồ Đề Đạt Ma.

[3]Về tiểu sử xin xem thêm trong Cảnh Đức Truyền Đăng lục,cùng một dịch giả, sẽ xuất bản.

[4]Ngụ ý nói ngài Bồ Đề Đạt Ma.

[5]Tức là viên ngọc quí có thể thực hiện tất cả các ước nguyện của người tín đồ.

[6]Ý nói Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Tây Trúc qua.

[7]Nạp tử có nghĩa là tăng.

Vi tính: Kim Chi - Kim Thư

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]