Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hệ Thống Giáo Dục Ni Giới Tại Sài Gòn

23/04/201318:56(Xem: 12268)
Hệ Thống Giáo Dục Ni Giới Tại Sài Gòn
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Hệ Thống Giáo Dục Ni Giới Tại Sài Gòn

Thích nữ Như Hoa
Nguồn: Thích nữ Như Hoa

Giáo dục là vấn đề trọng yếu của người xuất gia, vì mục đích của tu sĩ là phát triển trí tuệ và kiện toàn nhân cách. Vào thời Đức Phật, hàng đệ tử căn cơ bén nhạy chỉ cần nghe một câu kệ hay một bài pháp ngắn là đủ lãnh hội yếu chỉ, còn hàng căn cơ yếu kém, phải học, đọc, tụng nhiều lần mới thông suốt. Giáo dục phát xuất từ đó. Về phần Ni chúng, khi thành lập giáo đoàn Ni, Đức Phật đã trao quyền lãnh đạo và giáo dục cho Ngài Kiều Đàm Di mẫu - vị thầy đầu tiên của Ni giới, vị đệ nhất kinh nghiệm trong hàng đệ tử Phật. Đồng thời Đức Phật cử thêm các vị trưởng lão Tăng mỗi nửa tháng sang bên Ni giáo giới. Như vậy, một Ni chúng chịu ảnh hưởng hai nguồn giáo huấn, một từ Tăng bộ và một từ bổn bộ Ni. Truyền thống này được giữ từ thời Đức Phật cho đến ngày nay.

Phật giáo Sài Gòn 300 năm trong dòng lịch sử phát triển của nó đã trở thành trung tâm văn hóa giáo dục của khu vực đồng bằng phía Nam. Tất cả những hoạt động trên vùng đất này đều có ảnh hưởng tương quan tương duyên với nhau, để cùng tiến đến ngày càng tốt đẹp. Vào các thập niên 1940-1950, tại Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn có các Ni trường Tăng Già, Từ Nghiêm, Dược Sư, Huê Lâm, là những nơi tiêu biểu cho hệ thống giáo dục Ni chúng, mỗi nơi đều có nét đặc thù riêng.

1- Ni trường Tăng Già

Tên trường Tăng Già được sử dụång năm 1946 đến năm 1962. Trường đầu tiên là một lớp học Phật pháp cho Tăng và Ni, do quý Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Thới An, Hòa thượng Thiện Tường tổ chức. Năm sau, lớp học tách riêng, trường Tăng đặt tại Giác Nguyên, trường Ni đặt tại Tăng Già, cả hai trường chung một Ban Giám đốc do quý Hòa thượng lãnh đạo. Có thể nói, trường Tăng Già là trường Ni sớm nhất tại Sài Gòn. Trường xây dựng đơn sơ, nhưng tầm vóc hoạt động rộng rãi, nhờ uy đức của quý Hòa thượng, chư Ni các nơi đến tham học đều nhớ kỷ niệm một thời ở Tăng Già. Những vị xuất thân từ đó đều là các bậc tôn trưởng trụ trì lãnh đạo các ni trường, ni viện, là bậc thầy của chư Ni thành phố.

Khi chư Ni đã trưởng thành đủ sức quản lý, Hòa thượng Hành Trụ thành lập Ban trụ trì Ni để trông nom chùa. Năm 1962, sau một trận hỏa hoạn, chùa bị cháy, quý Ni trưởng trong Ban trụ trì ra công tái thiết, đổi hiệu Tăng Già thành Kim Liên ni tự. Ni trưởng Tịnh Khiết đảm nhiệm việc xây cất và trở thành vị trụ trì chính thức. Ngoài việc chăm lo đời sống tu học của Ni chúng, chùa Kim Liên còn mở lớp tiểu học phổ thông, với mục đích giúp đỡ con em gia đình lao động nghèo có nơi để trau giồi kiến thức văn hóa. Đó là một việc làm thể hiện tinh thần nhập thế của đạo Phật, đóng góp xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Y theo chí nguyện các bậc khai sơn tiền bối, ngày nay Kim Liên đã nằm trong hệ thống sinh hoạt của Giáo hội. Mở trường hạ cho chư Ni các nơi tập trung tu học, lớp sơ cấp Phật học, Tuệ Tĩnh đường miễn phí, đầu tư công sức và trí tuệ làm tốt đẹp thành phố.

2- Ni trường Từ Nghiêm

Bản thân Ni trường Từ Nghiêm ngay từ buổi đầu đã nằm trong tổ chức giáo dục của Giáo hội. Năm 1950, Phật học đường Nam Việt ra đời, trường Tăng đặt tại Ấn Quang, trường Ni đặt tại Từ Nghiêm, quận 10, Chợ Lớn. Lúc đó, ni trường chỉ có 3 gian nhà lá, Ni chúng dự học 40 vị. Cả hai trường cùng chung một Ban Giám đốc và Ban Giảng huấn. Đến năm 1952, khu vực đường Bà Hạt bị hỏa hoạn, ni trường Từ Nghiêm bị cháy vì vật liệu đơn sơ tre lá. Quý Hòa thượng dời Ni chúng về chùa Dược Sư, Gia Định. Dù thiếu phương tiện vật chất cũng như trở ngại về đường sá, nhưng quý Hòa thượng trong Ban Giám đốc vẫn chăm lo bảo bọc để Ni chúng có nơi tu học. Với hạnh nguyện hoằng thâm như thế, nên quý Ni trưởng ngày nay kính nể quý Ngài như bậc thầy tôn kính.

Năm 1959, sau khi Ban Quản trị Ni bộ thành lập, quý Ni trưởng quyết định tái thiết ni trường Từ Nghiêm thành trụ sở Ni bộ. Trong việc xây dựng này, Ni trưởng Như Huệ là người có nhiều công lao đáng tưởng nhớ. Ni trưởng Như Huệ xuất thân từ ni học đường Vĩnh Bửu, ngay từ thời còn học ni, Ni trưởng đã được cụ Tổ Khánh Hòa nhận thấy bản chất hy sinh hết lòng phục vụ đại chúng, nên giao nhiệm vụ trụ trì Vĩnh Bửu. Nằm trong Ban Quản trị Ni bộ và phụ trách phần tài chánh trong thời buổi kinh tế khó khăn, Ni trưởng vận động với từng Phật tử để lo xây dựng kiến tạo cơ sở Ni bộ. Năm 1962, công tác kiến thiết hoàn thành, chùa Từ Nghiêm trở thành ngôi già lam đĩnh đạc, uy nghi, Ni trưởng vẫn đơn giản trong chức vụ quản lý của mình, tiếp tục công hạnh xây dựng đoàn thể Ni giới. Tuy Ni trưởng không giữ nhiệm vụ giáo dục Ni chúng, nhưng cuộc đời và hạnh nguyện của Người là một bài học sống động mà Ni chúng cần noi theo.

Năm 1964, từ trụ sở Ni bộ Nam Việt thành trụ sở Ni bộ Bắc tông. Năm 1972, quý Ni trưởng trong Ban Quản trị Ni bộ khai giảng lớp trung đẳng chuyên khoa, dạy song song chương trình Phật học và thế học. Từ đó, ni trường Từ Nghiêm vừa là trụ sở Ni bộ, vừa là Phật học ni viện đào tạo Ni chúng. Với hai chức năng, Từ Nghiêm chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt Ni giới tại Sài Gòn-Chợ Lớn.

3- Ni trường Dược Sư

Ni trường Dược Sư là trường Ni lớn nhất ở miền Nam, phần đông Ni chúng từ các nơi quy tụ. Với hệ thống giáo dục đều đặn, tổ chức nếp sống theo tinh thần giới luật và kỷ cương của Ni bộ, cùng với Ban Giảng huấn uy tín của các trường Ấn Quang, Huệ Nghiêm, Vạn Hạnh. Từng lớp Ni được thừa hưởng sự giáo dục đầy đủ cả phẩm và lượng, để hiện tại thành những người có khả năng gánh vác Phật sự.

Ban Giám đốc đầu tiên của trường Dược Sư là quý Hòa thượng trong Giáo hội Tăng già Nam Việt. Khi Ni bộ thành lập, quý Hòa thượng chuyển giao cho quý Ni trưởng quản lý, kể từ đó ni trường do chư Ni điều hành. Quý Ngài chỉ cố vấn và giảng dạy. Quý Ni trưởng bắt đầu lãnh nhiệm vụ nặng nề lãnh đạo Ni chúng toàn miền Nam, điều khiển các ni trường lớn. Tại ni trường Dược Sư, số lượng Ni sinh khoảng 100 vị. Chương trình học song song vừa Phật pháp vừa thế pháp. Hàng ngày, ngoài việc ôn tập kinh điển, trau giồi học hạnh, Ni chúng còn tham gia các mặt công tác từ thiện xã hội như : mở lớp dạy ban đêm cho người thất học, mở Tuệ Tĩnh đường hốt thuốc và châm cứu miễn phí, mở ký nhi viện để dạy các em mồ côi, tùy theo khả năng của từng vị đảm nhiệm công tác khác nhau. Đời sống tu học của chư Ni rất hài hòa sinh động, kết hợp giữa đạo và đời, luôn thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ ban vui của đạo Phật đến với những gia đình bất hạnh, nghèo khổ, neo đơn.

Năm 1968, Ni trường Dược Sư trực thuộc Tổng vụ Giáo dục do Hòa thượng Minh Châu làm Tổng vụ trưởng, đề cử Ni trưởng Huyền Học làm Giám viện cùng với quý Ni trưởng Như Châu, Ni trưởng Huyền Huệ, Ni trưởng Như Hòa... tiếp tục khai giảng lớp trung đẳng chuyên khoa I và II. Qua từng giai đoạn giáo dục, ni trường Dược Sư đã đào tạo thành công Ni chúng từ sơ trung đến đại học. Ni trưởng Huyền Học là vị Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông đầu tiên nhiệm kỳ 1964-1967, cũng là vị thầy đạo phong khả kính, uy nghiêm, mẫu mực nhưng vô cùng đơn giản, khi ở chức vụ điều hành, khi đứng cương vị giáo dục, khi theo dõi học hạnh. Ni trưởng là hiện thân của giới luật, của Phật pháp vi diệu. Ni chúng ở trường vô cùng phấn khích khi ngước lên nhìn thấy các bậc thầy Ni làm tấm gương kính vọng. Bởi vì một Ban Giám đốc đạo hạnh là điều kiện tiên quyết trong sự nghiệp giáo dục. Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ III tại thủ đô Hà Nội, Ni trưởng được đề cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, Ni trưởng là người tiêu biểu cho nền giáo dục Ni giới cận đại.

4- Ni trường Huê Lâm

Ngày xưa những ngôi chùa nổi tiếng, hoặc ở vào địa thế sơn thủy kỳ tú, hoặc có liên quan đến di tích lịch sử, hoặc là nơi cư trú của các bậc long tượng thiền gia. Riêng trường Huê Lâm nổi tiếng vì Ni trưởng Như Thanh, vị đệ nhất trưởng lão Ni của miền Nam, người đứng đầu Ban Quản trị Ni bộ cùng với quý Ni trưởng thời bấy giờ hướng dẫn Ni chúng đi vào đường lối sinh hoạt tốt đẹp, vững vàng. Nhờ sự đoàn kết đúng thời kịp lúc, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa chùa ni này với chùa ni khác, sách tấn và khuyến khích cho nhau trên bước đường tu học. Nhờ đó, Ni chúng bước kịp theo đà tiến hóa của lịch sử. Có thể nói, Ni trưởng Như Thanh là người nắm giữ cương lĩnh, người đề xuất phương án hoạt động, là bậc thầy giáo dục không bao giờ mỏi mệt.

Huê Lâm cũng là ngôi chùa Ni đầu tiên mở trường phổ thông trung tiểu học Kiều Đàm miễn phí, để tạo điều kiện thuận tiện nâng cao kiến thức cho các em gia đình nghèo, đóng góp phần xây dựng đạo đức văn hóa cho xã hội. Ngoài chương trình giáo dục, Ni trưởng Như Thanh còn chỉ đạo cho Ni chúng tham gia các mặt công tác từ thiện xã hội như mở lớp dạy may, lớp hướng nghiệp, làm kinh tế tự túc, phòng thuốc Nam châm cứu miễn phí. Với hạnh nguyện tự lợi, lợi tha, Ni trưởng đã thành tựu các mặt công tác Phật sự làm tốt đạo đẹp đời.


* GIÁO DỤC XƯA VÀ NAY

Nhìn lại hệ thống giáo dục Ni chúng ngày trước, chỉ có một vài Ni trường với số lượng đông nhất khoảng 100 người. Đời sống nội trú khép kín theo tinh thần kỷ cương giới luật, chương trình học đặt nặng về Phật pháp, không khí học viện trầm lặng, nhưng số lượng thành tài đáng kể.

Hiện nay, với đường lối giáo dục mở rộng, Ni chúng tự do theo học các trường lớp từ sơ cấp đến đại học. Giáo dục bình đẳng cho Tăng và Ni, số lượng Ni sinh bao giờ cũng vượt trội. Thành phố Hồ Chí Minh có sức hút đối với Ni sinh trẻ vì điều kiện sinh hoạt dễ dàng, giáo dục đa dạng, có nhiều cơ hội tiến thân. Tại các phân khoa đại học bên ngoài cũng có hình ảnh chư Ni tham dự, chứng tỏ khả năng học hiểu và hoạt động của Ni giới vượt xa. Không khí học tập phát triển như vậy là điều đáng mừng, nhưng bên cạnh còn có nỗi ưu tư của các bậc Ni trưởng khi thấy giới Ni trẻ vượt khỏi tầm tay của mình, số lượng nhiều mà thực chất thì chưa được bao nhiêu.


* KẾT LUẬN

Trong mốc lịch sử Phật giáo tại Sài Gòn 300 năm, chúng ta có dịp nhìn suốt những chặng đường giáo dục của Ni giới từ buổi đầu khi thành lập giáo đoàn Ni, cho đến trải qua các thời cận đại. Suốt chiều dài lịch sử, các bậc tiền nhân đã vượt qua biết bao cam go thử thách để đạt mục đích xây dựng đào tạo thế hệ Ni lưu vừa có học, vừa có hạnh, kiện toàn nhân cách của một tu sĩ. Nhất là trong giai đoạn Phật giáo thời cận đại, các bậc tôn trưởng Ni đã thành tựu sở học, sở tu của mình, vì được đào tạo trong vòng kỷ cương giới luật, được học hỏi kinh nghiệm của thầy bạn truyền trao, được nung đúc rèn luyện trong ngôi nhà tập thể. Một nền giáo dục hữu hiệu qua hình ảnh lãnh đạo sáng suốt của các bậc tôn đức Tăng già tại Sài Gòn, đã đưa Phật giáo ngày càng vững mạnh trên đà phát triển của xã hội, phần lớn đều xuất thân từ Phật học viện.

Xuyên qua cách tổ chức các Phật học ni viện cho chúng ta nhiều kinh nghiệm về việc học và tu, cũng như cách ứng xử của các bậc tiền nhân, luôn luôn bắt kịp và phát huy mọi tính chất nội tại của mình. Ni chúng hiện nay cũng được dự phần giáo dục đầy đủ, luôn có mặt trong mọi lãnh vực học đạo, học đời. Một thế hệ Ni trẻ tiếp theo thừa hưởng truyền thống tinh thần của các bậc tiền bối, phải càng nỗ lực hơn nữa trong việc tu học cũng như phụng sự đạo đời, mới mong xứng đáng là những người con Phật sống trong thành phố đang phát triển.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]