Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Ngôi Cổ Tự Đã Mất Ở Gia Định Xưa

23/04/201317:52(Xem: 13185)
Những Ngôi Cổ Tự Đã Mất Ở Gia Định Xưa
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Những Ngôi Cổ Tự Đã Mất Ở Gia Định Xưa

Huỳnh Ngọc Trảng
Nguồn: Huỳnh Ngọc Trảng


Lật lại các bản đồ chiến sự 1860-1861, chúng ta thấy thực dân Pháp đã chiếm các chùa cổ ở Gia Định để thiết lập cái gọi là "phòng tuyến chùa chiền" để phòng ngự các cuộc tiến công của quân ta, nhất là hướng từ đại đồn Chí Hòa. Bắt đầu từ phía Tây thành Gia Định vào Chợ Lớn, phòng tuyến ấy có các "đồn - chùa": 1/ Pagode Avancée (hay P.Barbé); 2/ Pagode des Mares; 3/ Pagode des Clochetons; 4/ Pagode Chinoise (hay P.de Cây Mai). Như vậy, các ngôi chùa cổ của đất Gia Định xưa đều bị quân giặc chiếm đóng và rồi phá hủy, vì đó là "tàn tích ngoại đạo", giống như chúng đã phá hủy thành Gia Định và các thiết chế văn hóa truyền thống đàn, miếu, đền, từ vì chúng là "tàn tích của cựu trào".

1. Ngôi chùa mà thực dân Pháp gọi là "chùa Trước" (Pagode Avancée) chính là chùa Khải Tường ở địa điểm mà nay là nơi trưng bày tội ác chiến tranh (góc Võ Văn Tần - Lê Quý Đôn). Được gọi là "chùa Trước" vì từ thuở khai sơn cho đến lúc bị triệt hạ, ở khu vực thôn làng Hoạt Lộc (có tư liệu viết là Tân Lộc) hay xóm Chợ Đũi nói chung, có hai ngôi chùa: Khải Tường do Tổ Phật Ý khai sơn khoảng 1744, và chùa sau là chùa Từ Ân do một Thiền sư kết nghĩa huynh đệ với Phật Ý tạo lập vào khoảng 1752 mà vị trí nằm trong Công viên Văn hóa Tao Đàn ngày nay (1).


I. Chùa Khải Tường là nơi thứ phi của Gia Long, trong giai đoạn tẩu quốc, có đến trú ngụ và hạ sinh Hoàng tử Đởm - sau này là vua Minh Mạng. Do đó, sau khi lên ngôi, năm Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ 13 (1832), vua ra lệnh cho Bộ Lễ: "... Nhân đó nghĩ đến chỗ ta ở chỗ nhà cũ của Tổng quốc công phu nhân tại ngoại thành Gia Định, vậy sai quan địa phương tìm hỏi xem.

"Đến đây, quan thành Gia Định tìm hỏi được di chỉ ở làng Tân Lộc, vẽ địa đồ dâng lên.

"Vua dụ rằng: "Làng Tân Lộc ở phía hữu thành Gia Định, khi trước Hoàng thái hậu ta theo Hoàng khảo Thế Tổ Cao Hoàng đế ta vào Nam, từng đóng lại ở nơi ấy. Thực là hợp với điềm tốt: "Cầu vồng trôi ở bến hoa"(*) nghĩ đến đất quý phát phúc càng nên giữ mãi dấu tích để khuyến khích sau này. Vậy nên dựng ngôi chùa ở ngay chỗ đất ấy, gọi là chùa Khải Tường, để ghi sự tốt lành to tát chứng tỏ nơi phát phúc lâu dài.

"Vua bèn lấy của kho 300 lạng bạc, giao cho quan địa phương, theo cách thức đã định của Bộ Công, gọi thợ xây dựng. Lại mộ các sư đến ở, hạn là 20 người. Các lễ tiết hàng năm, có ruộng tự điền được đặt để sung cấp. Phàm gặp tiết Thánh thọ, tiết Vạn thọ và các lễ: ngày trừ tịch trồng cây nêu, Tết Nguyên đán, Tết Đoan dương, tiết Tam nguyên, ngày sóc, ngày vọng đều dâng đồ cúng chay và hương nến" (2).

Theo tư liệu trong bài viết của Thiền Hòa tử Huệ Chí đã dẫn thì chùa Khải Tường được sắc tứ là "Quốc ân Khải Tường tự" và chùa Từ Ân cũng được sắc tứ. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, chùa Từ Ân dời về Tân Hóa (quận 11) và ở đây còn lưu giữ biển hiệu của chùa Khải Tường và một số tượng cổ của chùa Từ Ân. Chùa Khải Tường bị chiếm làm đồn do Trung úy Barbé làm đồn trưởng. Đêm 7-12-1860, tên Trung úy này bị nghĩa quân Trương Định phục kích giết chết khi hắn đang đi từ đồn chùa Trước đến đồn chùa Ô Ma (Pagode des Mares). Chính vì tên của viên Trung úy, thuộc Trung đoàn đệ tam Thủy quân lục chiến, chiếm chùa Khải Tường làm đồn này mà thực dân Pháp gọi là "chùa Barbé" (3).

Chùa Barbé đi vào lịch sử không chỉ là nơi trú đóng của Gia Long, nơi sinh Hoàng tử Đởm, mà sự kiện viên Trung úy Barbé đền tội cũng được tiểu thuyết hóa và trở thành truyền thuyết dân gian.

Hai tác giả người Pháp là Le Vardier và De Maubryan đã kể lại mối tình éo le của cô gái Bến Nghé là Thị Ba và viên Trung úy này trong tác phẩm Scènes de la vie Anamite - Khi Hoa (Nxb. P. Ollendorff, Paris 1884) và câu chuyện này, trong dân gian đã trở thành câu chuyện kể về người con gái biết gạt bỏ những riêng tư để giúp nghĩa quân kết liễu tên sĩ quan xâm lược, mà sau này được tái hiện trong vở cải lương Nàng Hai Bến Nghé.

Đến nay, chùa Khải Tường chỉ còn lại ít di vật ở chùa Từ Ân, chùa Thiền Lâm (Hóc Môn), và pho tượng Di Đà (tạc bằng gỗ mít thếp vàng, cao 1,60m) hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử (trong Thảo cầm viên). Theo lời tục truyền, đây là pho tượng được vua Minh Mạng dâng cúng nhân lễ lạc thành chùa Khải Tường vào khoảng năm 1832. Đây là di vật đã tồn tại qua năm tháng để làm chứng cho ngôi cổ tự đã biến mất.


II. Theo P. Daudin và các sử liệu viết về cuộc đánh chiếm Gia Định hồi những năm 60 của thế kỷ trước, thì sau khi đánh hạ thành Gia Định, Arièr ở lại Sài Gòn với khoảng 800 lính chia nhau chiếm các chùa Khải Tường, đền Hiển Trung và chùa Cây Mai để làm đồn.

Cơ sở thờ tự mà thực dân Pháp gọi là chùa Hiển Trung hay gọi chung là "chùa ở chỗ nhiều ao vũng" (Pagode des Mares). Đền Hiển Trung xây dựng vào năm Ất Mão (1795) và trùng tu vào năm 1804, để thờ các công thần đã từng theo giúp Nguyễn Ánh mà đứng đầu là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Thực ra, ở khu vực mà về sau gọi là "thành Ô Ma" này, ngoài đền Hiển Trung còn có một ngôi chùa được xưng tụng là "đại bửu sát" của cả xứ Gia Định là Kim Chương tự. Theo Gia Định thành thông chí, chùa được Hòa thượng (HT) Đạt Bổn từ Qui Nhơn vào khai sơn năm 1755, được vua ban cho tấm biển đề là Kim Chương tự. Khi HT Đạt Bổn mất, truyền lại cho đồ đệ là Quang Triệt. Ở đây, năm 1775, Lý Tài, người cầm đầu đạo quân Hòa Nghĩa - đã mượn chùa tôn Nguyễn Phước Dương làm vua Mục Vương, nên chùa lại được sắc tứ một lần nữa. Quang Triệt tịch, Quang Trạm kế tục; Quang Trạm mất, Quang Tuệ nối. Năm 1813, Thần võ quân Trần Nhơn Phụng vâng theo di chỉ của Cao hoàng hậu, ban một vạn quan tiền để trùng tu chùa và chỉnh lý kinh tạng, trống chuông cho thêm vẻ trang nghiêm: giữa là Phật điện, trước sau có Đông Tây đường, sơn môn, phương trượng, kinh thất, hương viện và phạn đường chạm trổ, tô son tốt đẹp, rộng cao (4).

Năm 1859, khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, chùa Kim Chương vốn là ngôi quốc tự nên Tăng chúng đã cấp tốc dỡ chùa và chở Phật tượng rút về Mỹ Thiện (nay thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang). Ở đây, chùa đổi tên là chùa Hội Thọ. Trải qua bao cuộc chiến tranh, đến nay, chùa Hội Thọ còn bảo lưu được số bài vị các Tổ và tượng cổ của Kim Chương tự. Đây là những di tích mỹ thuật được tạo tác cách nay chí ít là 185 năm của đất Gia Định xưa. Ngoài tượng Di Đà được tạo tác bằng đất sét in khuôn, còn các tượng gỗ đều mang phong cách nghệ thuật của điêu khắc gỗ Phú Xuân.

Cũng như tượng Phật Di Đà của chùa Khải Tường, các Phật tượng gỗ của chùa Kim Chương là cứ liệu chỉ định cho sự giao lưu văn hóa Phú Xuân - Gia Định, mà ở đó không chỉ là tác phẩm mà có thể là cả nghệ nhân chạm khắc gỗ.


III. Ngôi chùa được gọi là "chùa Chuông" (Pagode des Clochetons) có tên gọi là chùa Kiểng Phước. Chùa bị thực dân Pháp chiếm làm đồn, gọi là đồn Kiến Khương. Ngôi chùa này không được chép trong tài liệu thư tịch Hán Nôm. Ngày nay, chúng ta có thể hình dung hình dáng kiến trúc của chùa qua bức tranh khắc được in trong sách của tác giả Pháp.


IV. Chùa Cây Mai là ngôi chùa quá danh tiếng ở xứ Gia Định xưa, vì nơi đây là một danh lam và là một danh thắng với một gò đất nổi cao có nhiều cây Nam mai "nhành cỗi rườm rà, nhưng khi hoa nở không có tuyết, chỉ có lá hộ vệ mùi thơm mà thôi. Thứ hoa này thụ bẩm linh khí mà sinh ra, không đem trồng nơi trước được. Trên có chùa Ân Tôn đêm đêm đọc bối kinh, chuông mai trống chiều vang rền trong mây khói... Lại có suối chảy quanh chân gò, các du nữ chiều mát chống thuyền hái sen; gặp lúc giai tiết, văn nhân thi sĩ mang bầu rượu theo từng bực cấp leo lên ngâm vịnh tại nơi đầu gò, dưới gốc mai, hoa cùng văn tự nồng nực mùi hương..." (5).

Chùa Cây Mai như vậy là tục danh của chùa Ân Tôn; Cây Mai là một gò đất và là một địa danh chỉ chung cho vùng Phú Lâm. Theo Đại Nam nhất thống chí thì chùa này là một thắng cảnh của Nam Trung và tục truyền hoa mai trắng (Nam mai, họ mù u) năm ra hoa, năm không ra hoa, biến đổi theo sự vãng phục của chùa. Đây là nơi thành lập thi xã đầu tiên của Gia Định. Trịnh Hoài Đức có hai bài thơ vịnh danh thắng này: Mai khâu vãn thiếu và Mai khâu túc hạc. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng có ghi lại một bài tứ tuyệt của một thi sĩ vô danh:

Thiền môn hà xứ phỏng mai hoa
Tạm gác chinh tiên luận Thích già
Hương nhập trà bình yên chính noãn
Nhất sinh trần lự bán tiêu ma

Dịch:
Cửa thiền ta đến viếng mai hoa
Tạm gác chinh tiên luận Thích già
Hương nhập trà bình đương ngút khói
Một đời trần lụy nửa tiêu ma (6)

Chùa Cây Mai danh tiếng là thế, nhưng sau khi Pháp chiếm làm đồn đã tiêu hủy sạch, không còn một di tích gì, ngoài một cội Nam mai cố gắng gượng sống để làm dấu nơi ngôi danh lam cổ tự đã từng tọa lạc, hầu an ủi những ai hoài cổ đã cất công đi tìm dấu xưa tích cũ.

Thời gian tưởng như hững hờ là thế, nhưng lại mạnh mẽ vô cùng, cuốn trôi theo nó mọi thứ. Chiến tranh và tà kiến của kẻ xâm lược lại phá hoại dữ dội hơn... Những thành tựu từ buổi đầu của 300 năm lịch sử mà cha ông ta gầy dựng, mười phần nay không còn được một. Bởi vậy, cái gì xưa cũ còn lại là quý giá biết dường nào.«




CHÚ THÍCH
(1) Theo Thiền Hòa tử Huệ Chí: Lịch sử chùa Tổ đình Giác Lâm. Bản đánh máy của chùa Giác Lâm, 1983.
(2) Theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ. Bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, H, 1962, tập XI, tr 173-174.
* Cầu vồng trôi ở bến hoa: do điển tích mẹ Thiếu Hiệu là Nữ Ngung ở đời Hoàng Đế, có sao lớn như cầu vồng sa xuống, trôi ở bến Hoa Chử. Nữ Ngung thấy mộng giao tiếp với sao ấy mà sinh ra Thiếu Hiệu (theo Bội văn vận phủ).
(3) P.Daudin: Le stèle funéraire du captaine Barbé au cimetière de Saigon -B.S.E.I 1943, T.XVIII, No 1-2, p.9-16: Barbé bị giết ngày 7-12-1860. Chùa Khải Tường đổi thành chùa Barbé và "biến mất" vào năm 1880. Bọn Pháp cướp lấy bia đá của vua Thiệu Trị gởi vào đặt ở mộ Phạm Đăng Hưng (ở Gò Công) để làm bia mộ cho Barbé chôn ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi...
(4) Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí - Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa xb, S, 1972, tập Hạ, tr 88-89.
(5) Trịnh Hoài Đức, Sđd, tập Thượng, tr 37-38.
(6) Đại Nam nhất thống chí - Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa tb, S, 1973, tập Thượng, tr 97.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]