Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự Phát Triển Của Phật Giáo Tại Miền Nam Từ Năm 1951 Trở Đi

23/04/201318:12(Xem: 12216)
Sự Phát Triển Của Phật Giáo Tại Miền Nam Từ Năm 1951 Trở Đi
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Sự Phát Triển Của Phật Giáo Tại Miền Nam Từ Năm 1951 Trở Đi

Sa Môn Thích Minh Thành
Nguồn: Sa Môn Thích Minh Thành


GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NAM VIỆT

Giáo hội Tăng già được thành lập năm 1951 (ngày 5 tháng 6). Buổi lễ ra mắt diễn ra tại chùa Hưng Long, số 298 đường Pierre Pasquier, gần Ngã sáu Chợ Lớn (nay là đường Ngô Gia Tự), từ đó Giáo hội Tăng già Nam Việt (GHTGNV) đã trở thành tổ chức quy tụ Tăng già toàn miền Nam, lãnh đạo PG tại Nam phần này, trụ sở đặt ở chùa Ấn Quang. Sở dĩ buổi lễ ra mắt diễn ra ở chùa Hưng Long là vì hồi ấy, Ấn Quang chỉ mới là ngôi nhà lá nhỏ, chật hẹp khuôn viên, không đủ sức chứa đại biểu. Hưng Long là chùa xưa to, có bề thế, rộng. Trong lễ này có 3 vị trưởng lão Hòa thượng (HT) chứng minh và mười mấy đại biểu các tỉnh cùng quan khách Phật tử cũng như Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt (Hội Phật học Nam Việt chính thức có giấy phép hoạt động trước đó mấy tháng) tham dự. Thành phần GHTGNV ở cương vị Trung ương gồm có: HT Đạt Thanh, Lâm thời Pháp chủ; ngài Đạt Từ (1895-1977), Trị sự trưởng; ngài Huyền Dung, Trị sự phó; ngài Nhựt Liên, Tổng Thư ký ; ngài Phước Cần, Trưởng ban Giám luật ; ngài Quảng Liên, Trưởng ban Hoằng pháp; ngài Thiện Hòa, Trưởng ban Giáo dục; ngài Quảng Đức, Trưởng ban Nghi lễ; ngài Tắc Chi, Chưởng quỹ; ngài Quảng Minh (Hội trưởng Phật học Nam Việt), Kiểm soát viên.

Từ Trung ương, Giáo hội vận động thành lập giáo hội ở các tỉnh, một năm sau thì khắp các tỉnh Nam phần đều có giáo hội tỉnh. Hai năm họp đại hội một lần, bầu lại Ban Quản trị. Trong kỳ Đại hội 2, năm 1953, ngài Huyền Dung được bầu làm Trị sự trưởng, nhưng cuối năm ấy, ngài đi du học bên Anh nên ngài Thiện Hoa thay chức ấy, và cũng đại hội này, ngài Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp thay cho ngài Quảng Liên đi du học bên Sri Lanka; ngoài ra vẫn như cũ. Đến năm 1954 thì ngài Tổng Thư ký Nhựt Liên sang Lào trụ trì chùa Bàng Long nên Thầy Thiền Định thay Ngài làm Tổng Thư ký. Cũng trong năm 1953, HT Huệ Quang được suy tôn lên ngôi Pháp chủ thay thế HT Đạt Thanh vì tuổi cao xin nghỉ. Đến năm 1956, HT Huệ Quang (1888-1956) đi dự Hội nghị PG Thế giới ở Népal, Ấn Độ, rồi Ngài viên tịch bên ấy. Năm 1957, suy tôn HT Khánh Anh (1895-1961) lên ngôi Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc, sau khi HT Tuệ Tạng ở ngôi vị ấy viên tịch ở Hà Nội. Trong Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc năm 1959 này, ngài Thiện Hòa được bầu làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già toàn quốc. Ngài Trí Thủ, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng già toàn quốc và nhiều vị khác ở các chức vụ trọng yếu khác. Về Giáo hội Tăng già Nam Việt thì từ 1955 trở đi, lãnh đạo cốt cán là hai ngài Thiện Hòa và Thiện Hoa, cùng sự giúp sức của một số vị Tăng già trong các chức vụ quan trọng khác. Ngài Quảng Liên về nước năm 1957, làm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt thay ngài Thiện Hoa, khi này ngài Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp, soạn sách, dịch kinh, đi giảng Phật pháp ở các giảng đường Xá Lợi, Ấn Quang hay những nơi có lễ lớn, chăm lo việc phát triển công việc hoằng pháp có chiều sâu và rộng.

* Phật sự 13 năm của GHTGNV (1951-1963):

1- Công việc nội bộ:

Lập Tỉnh Giáo hội, sách tấn Tăng già, làm lễ bố tát ngày 15 và 30 và nghiêm trì giới luật. Tổ chức an cư kiết hạ hàng năm, khai Đại giới đàn, lập Tăng tịch. Năm 1956 thành lập Ni bộ Nam Việt tại chùa Từ Nghiêm, Chợ Lớn, coi sóc hết cả Ni bộ Nam phần, lập chi nhánh GHTGNVở Cao Miên (Campuchia), tổ chức Đại hội hai năm một kỳ bầu Ban Trị sự Trung ương, vạch chương trình Phật sự, phúc trình mọi Phật sự trong hoạt động kết quả hai năm. Mỗi lần Đại hội đều có những yếu tố mới, công việc nội bộ hoàn chỉnh, tổ chức có quy củ.

2- Công việc hoằng pháp, đào tạo cán bộ cung ứng cho ngành này:

Năm 1953, ngài Thiện Hoa, vốn là đồng học với ngài Thiện Hòa ở trường Phật học Báo Quốc từ năm 1938 đến năm 1945, từ Trà Ôn lên tham dự hẳn vào công việc trùng hưng PG ở trung tâm Sài Gòn. Ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp của GHTGNV, ban đầu là tiếp dạy hàng tuần các môn Phật pháp, kinh điển cho học tăng tại Phật học đường Nam Việt, Ngài là Đốc giáo (Giám học). Với hai chức vụ Đốc giáo và Trưởng ban Hoằng pháp, ngài chăm lo công việc thật siêng năng hiếm có, suốt tháng ngày dạy học, đi giảng, dịch kinh luận, viết sách, tối lại mở lớp dạy Việt ngữ cho đồng bào quanh đây, phương pháp của ngài là dạy vần chữ O, chỉ một tháng là học viên đọc, viết được chữ. Khi ấy, Hội Truyền bá Quốc ngữ đến dự, họ thấy phương pháp của ngài rất hay, khen chí tình. Những năm kế tiếp là 54, 55, 56, 57, công việc hoằng pháp trở nên dày đặc, ngày nối ngày với việc nối tiếp mà môn nào cũng phải gia tâm làm tận lực. Năm 1955, ngài bắt đầu soạn Phật học phổ thông làm sao cho dễ hiểu, giúp người mới học Phật lãnh hội nhẹ nhàng. Mỗi bài có dàn bài chi tiết kỹ lưỡng. Ban đầu đem dạy cho học tăng, từ lớp sơ đẳng tới trung đẳng với từng cahier bài chưa đóng tập, mỗi khóa 10 bài. Khi dạy ấy, ngài Thiện Hoa nhằm huấn luyện người có khả năng để những năm sau sẽ đi giảng các tỉnh. Rốt cuộc đi tới nguyện ước, thì chỉ có quý Thầy Thanh Từ, Huyền Vi, Từ Thông, Thiền Định, Quảng Long, Chính Tiến đi giảng có kết quả khả quan vì quý Thầy này đã tốt nghiệp Trung đẳng Phật học, tuổi lớn, tiếp nhận bài học, diễn nói vững chãi. Thế là từ năm 1956, ngài Thiện Hoa lập Giảng sư đoàn cử đi giảng Phật học phổ thông ở các tỉnh Nam phần. Đây là việc phổ biến giáo lý khắp các tỉnh cho đồng bào Phật tử có tính chất quy mô sâu rộng. Các kỳ giảng Phật học phổ thông được lên lịch kỹ càng với vị trí địa điểm, giảng sư lưu động mỗi nơi giảng hai tuần rồi sang tỉnh khác. Người hăng hái chuẩn bị phép tắc cũng như lo liên hệ hiệu trưởng các trường trung học hoặc tiểu học từng trú xứ trong các tháng nghỉ hè, là ngài Thiện Bình, trụ trì chùa Thiên Phước, Cai Lậy. Ngài là cán bộ đặc biệt thừa lịnh hai thầy Thiện Hòa và Thiện Hoa trong mọi công việc Giáo hội. Ngài Thiện Bình (1903-1993) vào học Ấn Quang năm 1951, vì tuổi lớn nên ngài Thiện Hoa giao chức Tri khố. Sau thời gian học, ngài được điều đi làm Phật sự như vừa nói. Hai thầy Huyền Vi và Thanh Từ thường đi song song từng nơi mà giảng, còn thầy Từ Thông và Thiền Định thì đi riêng. Hai thầy Quảng Long và Chính Tiến thì đi một hai nơi rồi nghỉ vì hai thầy nói giọng Bắc, đồng bào Nam Kỳ nghe không được. Các buổi giảng còn có chiếu phim thời sự Phật giáo nên tạo được không khí rộn ràng, sôi nổi. Đây là lần đầu tiên, lâu đời tới nay mới có cuộc diễn giảng Phật pháp rộng lớn và đem đến cho mọi người nguồn giáo lý mới lạ, đầy hấp dẫn, dễ nghe, nên các buổi giảng dù ít cũng không dưới 200 người, còn thì từ 3, 400 trở lên. Do vậy, mượn các trường học có sân rộng, giảng ban đêm mát mẻ, đèn sáng, âm thanh tốt. Có nơi Tỉnh trưởng cũng đi nghe, sẵn sàng cho mượn hệ thống âm thanh, loa phát rất tốt. Sự đón rước giảng sư rất long trọng. Cuộc giảng Phật học phổ thông thành phong trào có thế mạnh dần từ đầu và về sau còn kéo dài suốt mấy năm. Thành công trong việc giảng Phật học phổ thông này coi như thành quả đầy khích lệ cho công việc hoằng pháp của GHTGNV. Quần chúng nghe hiểu giáo lý Phật càng nhiều, ở khắp nơi họ trở thành tín đồ có hiểu biết lịch sử, giáo lý rành, từ đó quy y theo Phật càng đông. Các Tỉnh hội Phật học Nam Việt, số hội viên cũng tăng lên. Các chùa hội quán lần lượt được xây cất. Bấy giờ có những nơi rất nhu cầu về trụ trì.

3- Khóa huấn luyện trụ trì đầu tiên đặt tại chùa Pháp Hội, Dược Sư:

Từ kỳ nhập hạ 1957, ngài Thiện Hoa mở khóa huấn luyện trụ trì ở hai trú xứ chùa Pháp Hội và chùa Dược Sư. Từ đó trở đi, hàng năm đều mở hai khóa trụ trì vào mùa kiết hạ và kiết đông. Khóa Tăng thu nhận 30 vị, khóa Ni 50 vị. Mục đích khóa này là cung cấp toàn diện kiến thức về diễn giảng, về nghi lễ của Giáo hội cho đông đảo Tăng Ni từng xuất thân lớp sơ đẳng Phật học đường, hay những vị Tăng Ni từ khi đi tu xuất gia, nhưng chưa có cơ hội học qua trường lớp giáo lý. Những vị tốt nghiệp khóa trụ trì này được Giáo hội bổ nhiệm đi trụ trì các chùa do Hội Phật học mới xây cất ở các nơi, hay các chùa do chủ chùa cúng lại cho Giáo hội, như chùa Giác Sanh ở Phú Thọ, Ni sư già yếu mà chùa thì cất và lưu truyền trên 100 năm, nay Ni sư cúng lại cho Giáo hội quản cố. Giáo hội đã cử Thầy Thiện Thành, tốt nghiệp khóa trụ trì đầu tiên đến trụ trì, và Ngài trụ nơi ấy đến khi viên tịch. Cũng có nhiều vị xuất thân từ khóa huấn luyện trụ trì, về sau thành giảng sư nổi tiếng. Chương trình học bao gồm phương pháp diễn giảng, tổ chức hành chánh, nghi thức truyền Tam quy Ngũ giới, Bát quan trai, nghi lễ theo Giáo hội tức đơn giản không như xưa, tán tụng trống đẩu quá nhiều, giáo lý, lịch sử Phật Tổ đều được giảng, cả đến bộ Lăng Nghiêm, Duy Ma Cật cũng được giảng tóm tắt. Giáo sư gồm ngài Thiện Hoa là chủ giảng, còn có quý ngài Thiện Hòa, Huệ Hưng, Thiền Định. Học viên mãn khóa trở về trú xứ, rồi khóa hai lại trở lên dự học, hai năm là 4 khóa tốt nghiệp.

Năm 1959, khóa huấn luyện trụ trì được dời về chùa Tuyền Lâm, đường Lục Tỉnh, đổi tên là khóa Như Lai sứ giả. Mấy khóa huấn luyện ấy đã cung cấp đủ nhu cầu, sau đó không còn mở tiếp. Khóa Như Lai sứ giả khi mới nghe tên này, nhiều người thấy nó lớn quá, nhưng ngài Thiện Hoa nói, tại sao lại ngần ngại. Chúng ta là Tăng sĩ, người hành Như Lai sự, tác Như Lai sứ là đúng rồi. Chí hướng chúng ta là hoằng truyền giáo pháp Phật Tổ, làm cho ánh sáng trí huệ Phật pháp rực sáng giữa cuộc đời đầy đau khổ, như thế chúng ta là trưởng tử Như Lai, phải hành Như Lai sự, tác Như Lai sứ thì đó là hạnh nguyện sung mãn rồi. Từ đó, ngài viết câu châm ngôn cho học viên ghi lòng rằng: "Con nguyện hiến thân cho đạo pháp, nơi đâu đạo pháp cần, chúng sanh cần thì con đến. Chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc".

4- Thiết lập kinh tế tự túc nhà chùa:

Ngài Thiện Hòa thấy việc in kinh, luật, luận, sách cần xuất bản ngày càng nhiều, thì chỉ có việc lập nhà in thì mới tiện lợi. Do đó, Ngài quyết định lập nhà in ngay phía sau nhà Tổ Ấn Quang. Công việc in theo lối xưa thật là bề bộn, nào sắp chữ, đổ bản chì, vỗ phông v.v..., thợ thì chọn Minh Đức, Thiện Thắng và mấy huynh đệ nữa đi lên Nhà in Thạnh Mậu học sắp chữ. Thế là tháng 5 năm 1954, máy in được lắp vào vị trí và bắt đầu hoạt động hết sức náo nhiệt, máy chạy ồn ột suốt nghe kích thích lạ, làm như ai nấy nghe máy nhắc mình siêng năng hơn. Giàn máy này cổ lỗ, hiệu MARINONIE của Pháp, đâu cũng mấy chục năm, nhưng còn xài được khá, do Nhà in Thạnh Mậu bán lại giá rẻ vì nhà in này sắp trang bị giàn máy tối tân của Nhật (nhà in này lập năm 1927 ở miệt cầu Băng Ky, Gia Định, chủ nhân là bà Thạnh Thị Mậu, hồi ấy chuyên in sách Phật, mãi đến sau này đổi thành Nhà in Hạnh Phúc, khi này in ra mới đẹp, sáng tỏ; trước kia thì in lem nhem).

Ngài Thiện Hòa đặt tên là Nhà in Sen Vàng, từ đó kinh, luận do ngài Thiện Hoa dịch đều in nơi đây và còn lãnh in nhiều sách khắp nơi cho khách hàng. Giàn máy Marinonie chạy một lần 16 trang khổ vừa, 6 năm sau thì giàn máy này cho hưu. Khi này năm 1959, ngài Thiện Hòa bổ nhiệm thầy Tắc Phước làm quản đốc nhà in, nên suy tính công việc, thầy cho mua máy Yoda của Nhật, hai ba máy chạy lẹ, in mau đẹp, lời hơn in kiểu cũ. Bấy giờ sắp chữ xong là đặt lên in luôn, rồi trả chữ vào ngăn, không còn lối vỗ phông, đổ chì như xưa nữa. Bấy giờ công nhân tay nghề giỏi đều thuê các anh chị người đời làm cả, nào in, nào sắp giấy, đóng cắt may họ đều làm tất. Tăng sĩ chỉ mình thầy Tắc Phước quản lý mọi thứ. Sau cử thầy Minh Thành quản lý xưởng Bồ Đề Hương, Thầy Phước Định quản lý xưởng Vị trai Lá Bồ Đề.

Từ năm 1957, ngài Thiện Hoa đặt Nhà Xuất bản Hương Đạo rồi mở phòng phát hành kinh sách Ấn Quang, phòng này do chư Tăng Ấn Quang trực tiếp điều hành, gởi sách đi phát hành khắp nơi. Thầy Thanh Viên là chính, coi ngó mọi công việc bên ấy. Hồi đầu khi nhà in mới lập, giấy in ra phát cho mỗi học tăng một xấp vài trăm tờ, ngồi xếp theo cahier, các học tăng ngoại trú Chủ nhật đi làm công việc ở Phật học đường Ấn Quang, nơi mình học, như quét lau phòng, bàn, xếp giấy, lau sàn nhà v.v... Năm 1957, thầy Thiền Định, Trưởng ban in kinh sách chữ Hán như Lăng Nghiêm, Thập Thiện, cung cấp kinh cho học chúng học, thầy đem bộ kinh vô Chợ Lớn mướn nhà in Tàu in, thầy đặt tên là Ban ấn hành Phật điển giáo khoa. Việc này được nhiều anh em hưởng ứng vì tốn tiền không mấy mà có kinh để học, khỏi chép quá mất thì giờ, và cũng in nhiều bản để phát hành như Sa di luật giải, Nhị khóa hiệp giải, Lịch sử Phật, Trung đẳng, Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư v.v... nhưng cũng không dễ mua, nên phần đông học kinh chữ Hán là phải chép trước, hoặc có những bộ kinh in bằng bột, tức viết chữ Hán trên giấy pelure bằng mực policopie tím đậm rồi nhồi bột nếp với dầu hôi, vừa đặc đặc thì in giấy pelure vào cho thấm, gỡ ra, khi ấy có một trang kinh, đặt tờ pelure fort vào vuốt nhẹ, gỡ là được một trang kinh. Cứ thế, in chừng 20 bản là mờ, nhồi bột lại in trang khác.

5- Công việc mở mang giáo dục Tăng già - lập các Phật học đường:

Chi nhánh của Phật học đường (PHĐ) Nam Việt là PHĐ Phước Hòa (Trà Vinh), Giác Sanh, Pháp Hội, Bình An (Long Xuyên), Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), Từ Nghiêm (Ni), Giác Nguyên... Một trong những công việc hệ trọng của GHTGNV là tạo dựng các PHĐ đào tạo Tăng tài, gồm cả PHĐ cho Ni chúng. PHĐ Nam Việt được thành lập năm 1950 tại chùa Sùng Đức, cuối tháng 7 âm lịch năm Canh Dần 1950, dời lớp sơ đẳng xuống Ứng Quang, tháng 10 dời toàn bộ hai lớp trung và cao đẳng xuống đây. Ngài Thiện Hòa được Hội đồng Giáo thọ bầu cử lên chức Giám đốc PHĐ Nam Việt từ năm 1951, vì ngài là người có tinh thần kiên nhẫn, hòa được với hết thảy mọi người cộng tác dù Bắc hay Trung, Nam. Vả lại, khi ấy ngài lớn tuổi hơn hết trong các vị giáo thọ, lại là người sinh trưởng tại Nam phần. Trong sự thiết lập thành PHĐ Nam Việt này thì thầy Trí Hữu đã đem chùa Ứng Quang của mình hiến cho 7 vị (và ngài giữ một chân) là các Pháp sư: Thiện Hòa, Quảng Minh, Huyền Dung, Nhật Liên, Quảng Liên, Trí Minh và Trí Hữu. Khi ấy, Pháp sư Nhật Liên đề nghị hai việc là cử ngài Thiện Hòa làm Giám đốc, và đổi Ứng Quang ra Ấn Quang, có nghĩa là Tổ ấn trùng quang. Đề nghị ấy được Ban Giáo thọ chấp nhận thông suốt. Từ 1950, PHĐ Nam Việt đã mở 3 cấp: sơ, trung và cao đẳng. Những năm đầu 1950, 1951, 1952, 1953, giáo thọ dạy đầy đủ, Phật sự chưa nhiều lắm nên có thì giờ dạy đều, nhất là ngài Thiện Hòa hàng tuần dạy gần như bữa nào cũng có giờ dạy từ lớp sơ đẳng đến trung đẳng. 1952-1953, lớp sơ đẳng Ni giới tại chùa Từ Nghiêm, Dược Sư cũng được mở, ngài Thiện Hòa cũng đến đó dạy. Năm 1953, có thêm ngài Thiện Hoa đến dạy. Coi như hai nơi ấy là chi nhánh đầu tiên của PHĐ Nam Việt. Năm 1953, mở chi nhánh PHĐ Nam Việt lớp sơ đẳng tại chùa Bình An (Long Xuyên), nhưng được vài tháng thì giải tán vì gặp khó khăn ở vùng Hòa Hảo ; cũng năm 1953 mở chi nhánh PHĐ Nam Việt tại chùa Pháp Hội dạy tiếp lớp của chùa Bình An. Lớp sơ cấp này có 40 người tốt nghiệp cuối năm 1954. Năm 1956, mở chi nhánh PHĐ tại chùa Phước Hòa tỉnh Trà Vinh dạy 6 năm. Ban Giám đốc điều khiển chi nhánh này lần lượt có: thầy Tịnh Đức, thầy Trường Lạc, kế có thầy Thanh Từ, thầy Hồng Tịnh, kế có thầy Hoàn Quan, thầy Bửu Lai. Cũng năm 1956, mở lớp trung đẳng cho chư Ni tại chùa Dược Sư. Năm 1958, mở lớp sơ đẳng cho Ni chúng tại chùa Tăng Già (chùa Kim Liên - Q4) ở Vĩnh Hội và mở lớp sơ đẳng cho chúng Tăng tại chùa Phật Ân (Mỹ Tho) và chùa Phật học Biên Hòa. Năm 1959, khi đi giảng Phật học phổ thông ở Trà Vinh, thầy Từ Thông thấy cơ ngơi của trường Lưỡng Xuyên còn sử dụng được nên Thầy phát nguyện mở lớp sơ đẳng 3 năm tại đây và được thầy Thiện Hòa chấp thuận; năm 1960, mở chi nhánh PHĐ tại chùa Giác Sanh (Phú Thọ). Điều khiển trường này do các thầy Thiện Nghị, Liễu Minh, Minh Thành và một số các vị khác. Vì nơi đây lên xuống Ấn Quang khá gần nên có nhiều thầy đến dạy, trông coi học chúng.

6- Những cải tổ tại PHĐ Nam Việt:

Từ năm 1954, 1955, 1956 có nhiều biến chuyển bên ngoài, như Hiệp định Genève, đình chiến, tạm chia hai miền. Tăng chúng cũng có nhiều suy nghĩ, khuynh hướng học văn hóa trở thành một nhu cầu. Dịp may khi ấy, năm 1954, ngài Nhất Hạnh đến trụ nơi PHĐ Nam Việt để theo học chương trình cử nhân văn khoa, Đại học Văn khoa Sài Gòn, nên ngài đã đề nghị ngài Thiện Hòa, Thiện Hoa sửa đổi toàn diện chương trình học nơi đây. Do được hai thầy chấp nhận cho nên thầy Nhất Hạnh đã mạnh dạn lập ra chương trình đào tạo mới, tức cho học văn hóa lớp 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 ban đêm hoặc ngày học xen giáo lý, dạy toàn chữ Việt. Chương trình này rất thiết thực vì trình độ văn hóa khá thì học tăng mới có khí cụ sắc bén để đi vào chính lý Phật pháp dễ dàng. Hai lớp trung và cao đẳng đã tốt nghiệp 53, 54. Như vậy, lớp sơ đẳng hồi này chia làm hai lớp bổ túc A và bổ túc B. Đến cuối năm 1957 thì số học tăng bổ túc A, tức học hai chương trình lớp 7 và 8 xong, Ấn Quang mới gởi một số vị ra học ở Phật học viện Hải Đức (Nha Trang), vì ngoài ấy có trường Trung học Bồ Đề gần Phật học viện, học tăng đi học và ở Phật học viện ban đêm học kinh rất tiện. Các học tăng được gởi ra đó, mỗi người được trường đài thọ tiền cơm là 200 đồng, như thầy Thắng Hoan, Đức Niệm, Từ Mãn, Minh Hiện, Thiện Phú, Hồng Huệ v.v... Trí Không, Trí Hòa không ra Nha Trang được, thì ở lại học trường tư đô thành hoặc nơi nào có duyên với trường công mà theo học chương trình ngoại điển. Từ năm 1958 trở đi, PHĐ Nam Việt không còn lớp chuyên dạy nội điển như cũ. Các học tăng tốt nghiệp sơ đẳng các Phật học viện chi nhánh khi lên Ấn Quang thì được tiếp tục đi học chương trình ngoại điển ở các trường BĐ hoặc trường trung học công lập hay tư thục. Nhiều vị đã đậu tú tài, lên đại học hay xuất dương du học về sau như thầyTrí Sanh, thầy Đức Niệm, thầy Trí Quảng, thầy Tịnh Hạnh...

* Từ năm 1949 ở Huế đã thiết lập trường BĐ tức trường do Giáo hội quản lý làm chủ, dạy theo chương trình nhà nước, hàng tuần có dạy giáo lý, giáo sử PG cho học sinh, phần đông là con em Phật tử, có những em nghèo khó được miễn phí. Vị hiệu trưởng là vị Tăng già có văn bằng đã tốt nghiệp chương trình học của quốc gia. Từ ấy, một số tỉnh miền Trung lần lượt mở trường Bồ Đề cho Tỉnh hội cai quản. Tại Nam phần, đô thành Sài Gòn, ngài Thiện Hòa mở trường Bồ Đề đầu tiên đặt tại chùa Giác Ngộ, đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay, dạy từ lớp Một trở lên. Hàng tuần có quý thầy được cử đến dạy giáo lý. Trường này mở năm 1959, do ngài Quảng Liên làm Hiệu trưởng (ngài về nước năm 1957 và năm 1960 ngài lại đi Mỹ du học nên thầy Quảng Chánh được thay vào làm Hiệu trưởng). Lần lượt các tỉnh Nam phần đều có mở trường trung tiểu học Bồ Đề gần trụ sở Giáo hội hay trụ sở Hội Phật học tỉnh, theo mô thức trường Bồ Đề Trung ương Sài Gòn. Sau năm 1963 thì nhiều trường BĐ tỉnh được mở ra như Trung học Bồ Đề Long Xuyên, Long Khánh, Vĩnh Long, Long An, Bồ Đề Nguyễn Văn Khuê Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Chợ Mới (An Giang) v.v..., sách giáo khoa cho chương trình Phật pháp áp dụng ở các trường Bồ Đề cũng được ngài Thiện Hoa cộng tác với cư sĩ Võ Đình Cường biên soạn kỹ lưỡng, từ đệ thất, đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ của chương trình trung học. Trường Bồ Đề cũng là một hình thức hoằng pháp nhưng chuyên ngành về giáo dục, nuôi dưỡng tâm Bồ đề cho thanh thiếu niên gốc Phật tử hay không Phật tử cũng tốt cả, có nhiều em là học sinh Bồ Đề, rồi trở thành đoàn viên Gia đình Phật tử, ở đô thành hay ở các tỉnh.

Gia đình Phật tử (GĐPT) là một tổ chức giáo dục con em Phật tử bằng hình thức sinh hoạt hàng tuần, giống hình thức Hướng đạo sinh. Tổ chức này ra đời ở Huế vào những năm 1940, lần lượt phát triển ở khắp nơi. Tại Nam phần, GĐPT Chánh Giác là đầu tiên được thành lập năm 1951 tại chùa Phật Quang (Chợ Lớn) của thầy Huyền Dung. Kế tiếp có các GĐPT Chánh Đạo, trụ sở (đoàn quán) đặt tại chùa Xá Lợi. Lần lượt các tỉnh đa phần đều có GĐPT sinh hoạt như Trung ương. Bên trên Ban điều hành sinh hoạt có Gia trưởng thường là vị Hội trưởng Hội Phật học hay thành viên Hội Phật học, và có vị Tăng làm Cố vấn giáo lý, hàng tuần dạy giáo lý, sau khi các em ca hát sinh hoạt. Cách năm thường mở khóa huấn luyện huynh trưởng, Giáo hội cử một vị Tăng già đến phụ trách phần giáo lý cho họ. Các GĐPT đông đảo đoàn viên thường đồng phục màu lam trông rất đẹp mắt, thuần hậu, khả ái ; họ sống theo khẩu hiệu Hòa thuận, tin yêu, vui vẻ, đạo tình phát triển sâu đậm, giữa chị trưởng đoàn viên và huynh trưởng đoàn viên. Các lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, các GĐPT góp phần quan trọng làm cho lễ thêm trang nghiêm, lôi cuốn với tràng hoa, hàng ngũ, tụng niệm, trang hoàng trật tự, trình diễn văn nghệ mừng lễ, mọi việc ấy làm cho sắc diện Phật giáo khắp nơi có những cái mới, lôi cuốn được quần chúng, cũng là một cách hoằng pháp chuyên ngành, dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhiều em thuở bé đi GĐPT mà lớn lên thành bậc xuất gia hoặc người cư sĩ rất có tư cách dạn dĩ, trật tự, siêng năng, giỏi giắn. Khởi thỉ tổ chức này có tên là Gia đình Phật hóa phổ, xuất phát ở Huế.

7- Công việc kiến thiết tự viện của GHTGNV:

Khởi đầu là kiến thiết chùa Ấn Quang, là trụ sở của GHTGNV, khởi thỉ chỉ là một ngôi nhà lá vách cà tàng, cửa nẻo đơn sơ, và chu vi chật hẹp. Từ khi xuống đây, với chức vụ Giám đốc, ngài Thiện Hòa đã vận động kết quả khả quan nên trước là nới rộng khuôn viên chùa, trường, điều đình chi tiền cho một số nhà lá ở sát cạnh dời đi nơi khác. Cứ thế mà nới rộng, một căn nhà thuở ấy chỉ vài chục ngàn là có thể dọn đi nơi khác, cất chỗ khác dễ dàng. Đầu tiên là xây dãy nhà phía trái (từ ngoài ngó vào) 8 x 14m làm lớp học, phòng ở, lợp ngói tự chế là từng miếng hình vuông 4 tấc bằng xi-măng mỏng, vách sườn nhà bằng gỗ, nền tráng xi-măng, ngăn thành lớp học và phòng Giáo thọ. Ngôi nhà này hoàn thành chỉ hơn một tháng xây cất, người góp tịnh tài nhiều nhất qua cuộc vận động là bác sĩ tại gia đệ tử đầu tiên của HT Thiện Hòa, bác sĩ Cầm, làm Giám đốc Sở Vệ sinh Chợ Lớn. Từ khi cảm mến đức độ ngài Thiện Hòa, hai vợ chồng phát tâm quy y, hàng tuần chiều thứ Bảy là hai ông bà lại đến giảng đường Ấn Quang nghe ngài Thiện Hòa giảng Phật pháp. Ông bà hết sức chăm chỉ, siêng lo Phật sự, không hề vắng một buổi nghe pháp nào. Do ảnh hưởng uy tín của ông bà mà một số gia đình quen thân với hai người đã quy y với ngài Thiện Hòa, tạo nên quy củ thiện tín ngoại hộ hết sức đắc lực cho PHĐ Nam Việt buổi sơ khai này, công đức thật cao thượng.

Qua năm 1952, ngài Thiện Hòa vận động tài chánh xây dãy nhà bên phải. Ngôi nhà này lợp ngói vuông, tường gạch khang trang, xong ngôi nhà này thì ngài Thiện Hòa lo xây chánh điện có mẫu giống chùa Từ Đàm (Huế). Chánh điện khánh thành năm 1953 (Rằm tháng 7 âm lịch). Ngày 8-3-1953, lễ suy tôn Pháp chủ Huệ Quang được tổ chức cực kỳ long trọng, lễ diễn ra nơi ngôi nhà Tăng vừa xây nên trở thành trang nghiêm. Phía hậu phông, ngài Nhựt Liên cho vẽ cảnh núi rừng với mai vàng, ý để nhắc tới núi Huỳnh Mai Ngũ Tổ là nơi truyền y bát mà ngài Huệ Năng thành Lục Tổ, mở mạnh nguồn thiền đầy chất hiện thực sinh khí Trung Quốc. Khi lễ diễn ra, Thầy Bửu Huệ (1914-1992) tốt nghiệp lớp cao đẳng Ấn Quang, đã long trọng dâng lên HT Huệ Quang y, hậu và ấn, giúp HT mặc y, hậu, tọa trên lễ đài. Bên ngoài cờ năm sắc treo hai dãy từ chùa Ấn Quang ra tới ngã ba Vườn Lài, gối đầu vào đường Pasquier là cổng quyền môn với đỉnh nhọn cao ngất. Từ đó, cờ năm sắc giăng tủa xuống, chính giữa đề hàng chữ thật hùng vĩ: LỄ SUY TÔN PHÁP CHỦ. Vùng này hãy còn toàn nhà lá, và đường Lorgeril thuở đó lồi lõm, không có điện nước. Thế nên khung cảnh buổi lễ với trang trí sáng ngời cờ xí chập chùng, banderol giăng ngang nhiều bức, làm cho toàn khung cảnh nổi lên kỳ lạ hấp dẫn, vì từ xưa giờ chưa hề có cuộc lễ vĩ đại tôn nghiêm như thế. Sau ba cơ ngơi đã hoàn tất thì cất nhà Tổ vào năm 1955. Khi ấy, với cơ ngơi vừa hoàn thành, PHĐ Nam Việt và trụ sở GHTGNV đã như tự gánh lấy nhiệm vụ vinh quang là chùa bản doanh, chùa gốc vì có các chi nhánh PHĐ, hình thế PHĐ Nam Việt như cánh tay vươn tới các tỉnh, như quả tim cung cấp máu, hồng huyết cầu cho sinh hoạt khắp các tỉnh. Hội Phật học hoạt động từ năm 1957 trở đi có tính chất riêng cho cư sĩ, vì từ năm ấy, ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Hội trưởng suốt cho đến khi ông viên tịch năm 1973, nhưng mọi việc làm bên Hội Phật học đều có sự phối hợp với GHTGNV. Bên trên Hội vẫn có vị Chứng minh Đạo sư Tăng già lãnh đạo tinh thần. Từ 5-10-1953 đã triệu tập phiên họp quan trọng tại trụ sở Giáo hội dưới quyền chủ tọa của HT Pháp chủ Huệ Quang, giữa Giáo hội và Hội Phật học để thống nhứt các sự việc quan trọng gồm trong bốn mục là: 1- Góp ý thảo luận và quyết định Phật sự quan trọng; 2- Giải quyết mọi thắc mắc giữa hai bên khi có sự việc xảy ra ở Trung ương cũng như tỉnh; 3- Khi tập đoàn này phối hợp ra quyết định thì cấp dưới phải triệt để thi hành; 4- Tập đoàn này có tư cách lãnh đạo tối cao cho hết thảy Phật sự. Tập đoàn cử bốn đại biểu phối hợp: hai Tăng già, hai cư sĩ bên Hội Phật học. Ban này họp bất thường khi có sự việc. Ngài Tổng Thư ký đệ trình công việc Giáo hội hàng tháng cho đức Pháp chủ Huệ Quang, cũng như thỉnh ý họp phiên bất thường này. Thế nên khi Hội Phật học đưa ý kiến xây cất chùa Xá Lợi, làm trụ sở cho Hội, cũng là nơi tôn trí xá lợi Phật thì GHTGNV và Hội Phật học đã cổ động khắp nơi, từ các tỉnh đến đô thành. Chùa Xá Lợi bắt đầu xây cất từ năm 1956, năm sau thì hoàn tất. Đây trở thành ngôi chùa khang trang, nằm giữa đô thành hoa lệ. Hết thảy là do ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền trực tiếp thu xếp sơ đồ kiến trúc bố trí toàn khu vực, trực tiếp trông coi việc xây cất. Như thế, chùa Xá Lợi của Hội Phật học nhưng trong đó, Giáo hội Tăng già đã lãnh đạo, đã biến thành đạo tràng cho tất cả Phật tử. Hàng tuần, Giáo hội đều có cử giảng sư đến giảng Phật pháp.

Nghi thức trang trí, tôn thờ trong chánh điện Ấn Quang hay ở các Hội Phật học mới xây cất đều có mẫu giống nhau là thờ một vị Phật, tức Giáo chủ Gautama ngồi cội bồ đề. Sát bàn thờ là tòa cao hơn sàn gạch phía dưới, đấy là nơi vị chủ lễ hành lễ với chuông mõ hai bên. Việc đề xướng thờ một vị Phật này xuất phát từ Huế với An Nam Hội Phật học năm 1933. Đây là lối thờ phụng có tính cải cách, khác với chùa xưa là chùa thờ Tam thế Phật, và nhiều vị Bồ Tát hàng lớp cấp bực từ trên xuống. Hai bên là thờ Thập thiện, ngoài là Hộ pháp, có thể nói chùa xưa thờ tổng cộng cả 5, 6 chục tượng Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng. Bây giờ chỉ độc tôn một vị Giáo Tổ thôi, do vậy chánh điện toát lên vẻ trang nghiêm hùng vĩ, đáp ứng được nhu cầu tâm linh thời đại về tín ngưỡng, dễ thu hút lòng tin khi chiêm bái, hành lễ, tạo được sự chú mục tập trung. Các pho tượng Phật này đều được chăm sóc nghệ thuật tuyệt diệu. Pho tượng Bổn Sư thờ nơi chánh điện chùa Ấn Quang do ông Trương Đình Ý đắp, ông là một kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương và là một Phật tử trung kiên, thọ Bồ tát giới, trường chay. Đắp tượng là phát xuất từ cảm xúc sâu đậm, xuất phát tự đáy sâu cõi lòng. Có như thế, pho tượng mới bốc tỏa một vẻ tươi mát tôn nghiêm khó diễn tả.

Trong chiều hướng phát triển nơi đào tạo Tăng tài ấy, ngài Thiện Hòa có nhiều suy nghĩ kiến tạo cơ ngơi có đủ bề thế cho lĩnh vực tu học của Tăng Ni nên ngài nghĩ đến những đại tòng lâm của thuở xưa và quyết định nhanh trong ý nghĩ đó, ngài đã đi Bà Rịa kiếm đất và ngài đã khẩn 100ha đất nay là Đại Tòng Lâm này, hồi ấy nơi đây hoàn toàn hoang vu, đó là vào năm 1956. Từ đó bắt đầu khai phá, công việc tiến triển chậm vì chiến tranh, vì thiếu tài chánh, chỉ làm sáng bộ mặt bên ngoài gần lộ, làm lễ phòng ranh, tức đặt cổng đi vào chính thức ngày nay. Còn các cơ ngơi khác đều kiến thiết kế tiếp như cô nhi viện Diệu Quang, ở xã Bình Chánh; lò thiêu, tháp Phổ Đồng, chùa Huệ Nghiêm (năm 1964 trở đi, lớp trung đẳng chuyên khoa mở tại đây là lớp chuyên về nội điển, năm 1969 biến thành Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm và chánh điện ngày nay là do thầy Minh Phát, đệ tử cố HT Thiện Hòa xây cất). Trong thời gian xây cất các chùa trước năm 1963, ngài Thiện Hòa còn tái thiết chùa Giác Ngộ, chùa Tuyền Lâm, đó là các chùa được cúng vào GHTGNV. Sau năm 1963, trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), HT Thiện Hòa giữ chức Trưởng ban Kiến thiết. Năm 1969, ngài trùng tu lại ngôi chánh điện Ấn Quang hiện nay. Kiến trúc này do ngài phác họa tỉ mỉ từ ý thức dung hòa Á-Âu, Nam phương Bắc phương PG, hai cổng vào trên nóc có hình Đại tháp Bồ Đề. Mỗi hình tượng chạm trổ tinh vi đều biểu lộ các sự việc ý nghĩa từ nguyên thỉ gốc Ấn Độ. Năm 1957, HT đi dự lễ Phật Đản ở Đông Hồi, qua Thái Lan và nhiều nước, mỗi nơi ngài quan sát sự kiến trúc của mỗi xứ, nên khi trở về, lúc tái thiết ngôi chánh điện này, Ngài đã vẽ ra và thực hiện những gì mình suy nghĩ chọn lọc tinh túy mỗi nơi kia. Do vậy, ngôi chánh điện ngày nay, trong chừng mực nào đó, ta có thể nói nó đã bộc lộ trọn được tinh thần dung hợp Nam-Bắc tông PG hết sức uyển chuyển. Ngôi chùa Ấn Quang ngày nay tự nhiên có dáng dấp độc đáo, không hề có ngôi chùa nào tương tợ như vậy trước nó. Như vậy, qua hai lần kiến thiết, từ ngôi nhà lá thuở ban sơ mà ngày nay Ấn Quang trở thành
vẻ tráng lệ đặc biệt của tinh thần dung hợp Bắc-Nam thật quý báu.

8- Các Phật sự khác từ 1951 đến 1963:

Năm 1952, trên đường đi dự Hội nghị PG Liên hữu Thế giới, phái đoàn Sri Lanka đi bằng tàu thủy, có đem theo xá lợi Phật và cho hay sẽ ghé cảng Sài Gòn trong 24 giờ, các Phật tử Việt Nam có thể cung nghinh xá lợi Phật lên bờ để chiêm bái. Được tin ấy, GHTGNV và Hội Phật học Nam Việt gấp rút tổ chức lễ cung nghinh thật rầm rộ, vĩ đại chưa từng có, đúng là nghìn năm một thuở, như lời kêu gọi tham dự lễ cung nghinh do Ban Trị sự Tăng già phát đi khắp nơi. Vai trò chính lo điều hành, mượn địa điểm là ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Ông là người thông thạo việc tổ chức và quen biết các quan lớn trong bộ máy Nhà nước. Ông đã xin mượn Câu lạc bộ Đông Dương (mà dân quen gọi là Nhà Kiếng) làm nơi tôn trí xá lợi. Đây là một hội trường vĩ đại so với bấy giờ, tọa lạc tại vườn Tao Đàn ngày nay, vô cùng thuận lợi cho lễ cung nghinh. Nhanh chóng, ông chỉ huy sắp xếp một chánh điện tạm nhưng đầy vẻ uy nghi, hùng vĩ, ấy là do tham khảo ý kiến Thượng tọa (TT) Tổng Thư ký GHTGNV, ngài Nhựt Liên. Bao lam tạm từ dưới trông lên là hàng chữ hùng vĩ KIM CANG ĐẠI ĐỊNH. Bốn chữ ấy lần đầu xuất hiện làm bao lam tạm mà lại vô cùng có ý nghĩa, gieo vào lòng thiện tín, Tăng đồ biết bao cảm xúc. Đám cung nghinh này có mười mấy đoàn thể Phật tử, không phân biệt hệ phái, chủng tộc, cả đô thành và các tỉnh, ước chừng 5.000 người tham dự, trang nghiêm linh đình. Xá lợi được tôn trí trên con bạch tượng, xe này do ngài Đạt Từ y hậu chỉnh tề phụng tống đi đầu rồi phía sau là Tăng già Ni chúng và Phật tử với banderol, cờ năm sắc trùng điệp nối theo như bất tận, thật là lễ cung nghinh xứng đáng, làm hoan hỷ hết thảy tình cảm thiêng liêng mà hết thảy Phật tử dành cho đức Gautama. Suốt đêm ngày, người người lũ lượt tới chiêm bái. Sau cùng đến giờ chia tay, xá lợi lại được đưa xuống tàu trực chỉ Tokyo.

Cũng trong năm 1952 này, một trận hỏa hoạn thiêu rụi 3.000 căn nhà lá bên Khánh Hội. GHTGNV và chư vị khắp các hội đoàn Phật tử, GĐPT đã lao vào cứu trợ. Lần đầu tiên, chư Tăng PHĐ Nam Việt túa ra đi phát gạo cứu trợ, giúp đồng bào gom góp dọn lại nền nhà v.v..., công việc thật hào hứng làm không biết mệt, không kể giờ giấc. Cũng là lần đầu tiên ở đô thành này, người ta thấy Tăng sĩ ở đâu mà đông dữ vậy. Rồi sang năm Thìn 1953, trận bão lụt, nước lũ tràn ngập thật sự dữ dội mênh mông như biển, từ núi Châu Thới đứng nhìn về phía Bắc chỉ thấy mênh mông biển trời, GHTGNV kêu gọi khẩn cấp cuộc lạc quyên cứu trợ, rồi mang phẩm vật đi tận nơi an ủi, ban phát cho đồng bào. Ngài Nhựt Liên đáp máy bay ra Phan Thiết tặng đồng bào bị bão 100.000 đồng.

Năm 1957, lễ Phật Đản này, Ngô Đình Diệm phế bỏ ngày Phật Đản, tức trong các ngày lễ quốc gia, không có kể đến ngày lễ Phật Đản. Bấy giờ Tổng hội PG gởi thơ yêu cầu tái lập vị trí ngày lễ Phật Đản trong danh mục quốc lễ hàng năm. Thấy không chèn ép được vội nên Ngô Đình Diệm đã ký quyết định cho ngày lễ Phật Đản được cử hành với tư cách là ngày lễ quốc gia.

9- Phật sự từ năm 1963 đến năm 1975 và đến nay 1998:

Lễ Phật Đản 1963 bị Ngô Đình Diệm cấm treo cờ năm sắc của PG. Từ đó, Tổng hội PG Việt Nam phát động cuộc đấu tranh bất bạo động, đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Ngày 11-6-1963, HT Quảng Đức tự thiêu. Biến cố này làm cuộc tranh đấu ngày càng dữ dội hơn lên. Bề ngoài họ Ngô hứa giải quyết nhưng bên trong là âm mưu trá ngụy nhằm thủ tiêu PG. Cuộc tranh đấu lan khắp, tình trạng không thể yên lúc nào được vì dư luận khắp thế giới lên án nhà Ngô bởi bao nhiêu hành động kỳ thị tôn giáo của họ, thế nên cuối cùng ngày 1-11-1963, quân đội đã lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, hai anh em chết thảm. Từ đó, PG kết hợp hết thảy mọi đoàn thể lớn lập thành GHPGVNTN. Danh xưng Giáo hội Tăng già không còn được dùng, mà chỉ có một Giáo hội là Phật giáo Thống nhất, khắp nơi tỉnh thành đều có Ban Đại diện.

Riêng công việc của GHPGVNTN thì ngài Thiện Hòa về lĩnh vực kiến thiết vẫn tiến triển, ngài là Trưởng ban Kiến thiết trong Giáo hội Thống nhất, PHĐ được mở ra nhiều nơi. Công việc hoằng pháp cũng tiến triển. Nói chung là mọi Phật sự đều tiến mạnh theo chiều hướng đã phát đi từ trước đó.

Năm 1981, Giáo hội PG Việt Nam ra đời đã tạo điều kiện cho PG Việt Nam phát triển.


KẾT LUẬN

Lịch sử là con mắt nhìn thấu suốt tương lai băng qua hiện tại. Do đó, vị trí hoạt động Phật sự của GHTGNV cũng tồn tại trong dòng lịch sử truyền thừa Phật pháp. Như trình bày trên, ai cũng có khái niệm sáng tỏ về vai trò duy nhất của GHTGNV trong 13 năm hoạt động. Nhân kỷ niệm thành phố Sài Gòn 300 tuổi, từ năm 1698 đến năm 1998, trong phạm vi PG góp phần làm cho bản sắc dân tộc thêm tươi sáng mọi mặt trong thời lượng 300 năm qua, để cho chúng ta thấy quá khứ hiển linh và mở đường đi tới tương lai với nhiều kinh nghiệm quý báu. Bài tham luận này cho chúng ta biết công việc Phật sự trong thời gian gần đây, 50 năm trở lại, dù thời lượng ngắn nhưng rất có ý nghĩa lớn lao. Và qua đó, ta cũng biết thêm về bao nỗi gian khổ, quyết tâm cho tiền đồ PG mà tiền bối đã dũng mãnh phụng sự chánh pháp và dân tộc. Ngày nay, chúng ta thừa hưởng di sản, là tự thấy trách nhiệm mình trên ý nghĩa truyền thừa thiệu long thánh chủng, truyền đăng tục diệm, phụng sự đạo đời và chúng sinh không mệt mỏi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]