Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo

23/04/201318:01(Xem: 12137)
Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phần IV - Các Phong Trào Phật Giáo Từ Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo - Một Số Suy Nghĩ Về Phật Giáo Việt Nam Với Tiến Trình Thống Nhất Dân Tộc

Hòa thượng Thích Thanh Tứ
Nguồn: Hòa thượng Thích Thanh Tứ


Trong buổi tiếp xúc với đại biểu Hội nghị Thống nhất Phật giáo (PG) Việt Nam ngày 8-11-1981, tại Phủ Chủ tịch, ngài Phạm Văn Đồng (khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã nói: “Trong quá khứ, PG Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận PG Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc” (1). Thật xác đáng và ý nghĩa sâu sắc lời nhận định của một vị nguyên thủ về PG Việt Nam, trong bối cảnh lần đầu tiên trong 2000 năm lịch sử PG Việt Nam, 6 năm sau khi nước nhà thống nhất, đại biểu của đủ các tổ chức, giáo hội, hệ phái PG từ khắp ba miền vân tập về thủ đô Hà Nội với một quyết tâm chung xây dựng hoàn thành ngôi nhà chung Giáo hội PG Việt Nam.

Nhân ý đó, trong khuôn khổ của cuộc Hội thảo “300 năm PG Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh”, tôi có đôi dòng suy nghĩ về phong trào vận động chấn hưng PG ở Nam Kỳ trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, đặt nó trong cảm thức chung về PG Việt Nam với tiến trình thống nhất dân tộc trong lịch sử.

Như chúng ta đã biết, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ II sau Tây lịch, theo chân các Tăng sĩ và thương nhân người Ấn, những hạt giống Bồ đề đầu tiên đã được gieo trồng và kết quả trên đất Giao Châu. Luy Lâu đã nhanh chóng trở thành trung tâm PG sầm uất của cả khu vực.

Năm 43 sau Tây lịch, đất nước ta rơi vào tay nhà Hán, bước vào thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong bối cảnh nước mất nhà tan, tư tưởng - văn hóa - lối sống PG đã hòa quyện với văn hóa - đạo lý truyền thống của người Việt cổ, trở thành vũ khí tinh thần chống lại sự xâm lược, nô dịch tinh thần bằng Hán Nho của các triều đại phong kiến phương Bắc. Sự tích Tứ pháp (ở Dâu - Keo) là một hình ảnh đẹp về sự hội nhập một cách tự nhiên, hài hòa mà sâu sắc giữa PG và dân tộc ngay từ buổi đầu gặp gỡ.

Cùng với quá trình trưởng thành của dân tộc, sự truyền bá của các dòng Thiền (như Tỳ Ni Đa Lưu Chi năm 580, Vô Ngôn Thông năm 820), PG đã trở thành lực lượng vật chất và tinh thần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Lý Nam Đế (544-548) - vị “đế” đầu tiên của nước ta - ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên là cho dựng chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước) ở giữa kinh đô. Vị vua tiếp theo lại lấy hiệu là Lý Phật Tử (người con Phật họ Lý). Thần tích, thần phả cung cấp cho ta một danh sách dài những vị tướng ở thời kỳ này có liên quan đến PG. Cho dựng chùa “Mở Nước” ở giữa kinh đô, từ thuở đó, phải chăng Lý Nam Đế đã nhận thức rõ vai trò của PG trong việc xây dựng và củng cố khối đoàn kết thống nhất dân tộc, mà ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn đánh giá cao “chức năng liên kết của tôn giáo”.

Trong buổi đầu xây dựng quốc gia phong kiến độc lập dân tộc Ngô - Đinh - Lê, các Thiền sư cao tăng đồng thời cũng là những nhà chính trị - quân sự - ngoại giao xuất sắc của thời đại. Thiền sư Vạn Hạnh thực sự là “người cha tinh thần”, “người kiến trúc sư” của vương triều Lý, là người “trụ tích trấn vương kỳ” (chống gậy thiền bảo vệ quốc gia - thơ truy tán của Lý Nhân Tông). Chính văn hóa PG là nguồn sức mạnh tinh thần quan trọng tạo nên những chiến công hiển hách “phạt Tống, bình Chiêm, sát Thát” của thời đại Lý-Trần, tạo nên thần thái, bản sắc văn hóa Thăng Long - văn minh Đại Việt huy hoàng. Các Thiền sư - hoàng đế thời Trần đã lập nên Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái - hệ tư tưởng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam.

Thế kỷ XVII, lịch sử dân tộc và lịch sử PG Việt Nam bước sang một trang mới. Do điều kiện địa - chính trị (Géo - Politique) cụ thể, cùng với “giữ nước”, “mở nước” là yêu cầu bức thiết đặt ra lúc bấy giờ. Cùng với những đợt di dân có tổ chức và tự do, PG cũng từ Đàng Ngoài lan truyền vào Đàng Trong, tới tận cùng miền đất mới Nam Kỳ, xen cư và phát triển bên các tín ngưỡng - tôn giáo bản địa. Tuy nhiên, biên giới chính trị sông Gianh nghiêm ngặt đã chia cắt hai miền (xem hành trạng Thiền sư Hương Hải).

Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất ba miền đất nước. Tuy nhà Nguyễn coi Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, nhưng các vua, vương phi, công chúa và đại thần cũng không kém phần sùng Phật. Vùng đất Gia Định-Sài Gòn xưa - từng là hậu phương tin cậy của Nguyễn Ánh - có nhiều chùa được “sắc tứ”. Bằng hệ thống các chính sách về kinh tế và chính trị, các vua đầu triều Nguyễn đã tích cực và có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa thống nhất, trong đó có Phật giáo. Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta, sự nghiệp đó bị dang dở.

Hòa ước Pa-tơ-nốt ký ngày 6-6-1884, thực chất là một hàng ước, đã chính thức thừa nhận nền thống trị của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Thực dân Pháp chia nước ta làm 3 kỳ, với 3 hình thức cai trị, 3 thể chế chính trị khác nhau. Hậu quả của chính sách khai thác thuộc địa cùng với sự du nhập xô bồ lối sống thực dụng theo kiểu tư sản phương Tây xa lạ với truyền thống văn hóa phương Đông, thái độ bảo thủ và bất lực của nhà Nguyễn đã gây nên một làn sóng đấu tranh để “phản đế, bài phong”, đòi hỏi duy tân đất nước ở khắp ba miền Trung-Nam-Bắc. Hệ tư tưởng Nho giáo đã tỏ ra bất lực trước yêu cầu mới của lịch sử, của nhu cầu duy tân đất nước. Câu hỏi cần thiết đặt ra là : Vậy đâu là nền tảng đạo lý của công cuộc duy tân ? Ngoài những câu hô hào chung chung như “đồng bào, đồng tâm, ái quốc”..., bằng cách nào tập hợp được quần chúng, cố kết được đồng bào? Trước tình hình đó, những sĩ phu Nho học có đầu óc tân tiến, những Thiền sư - học giả giàu lòng yêu nước đã quay lại lục tìm những di sản của truyền thống, những triều đại huy hoàng thuở trước, hy vọng tìm được câu trả lời, và họ đã tìm đến PG, như là một lực lượng tinh thần chống lại sự nô dịch tinh thần, bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc, như là một phương thức hữu hiệu để cổ động, tập hợp lực lượng dân tộc.

Cùng với ảnh hưởng của phong trào chấn hưng PG ở Trung Quốc, xuất phát từ yêu cầu của bản thân các tổ chức PG trong nước, theo tôi, đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bùng nổ và quy định mục tiêu của phong trào chấn hưng PG ở Việt Nam - một phong trào tuy diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng có sức lan tỏa rất rộng, có ảnh hưởng to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội và tinh thần của lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử PG Việt Nam nói riêng thời cận đại (2).

Phong trào chấn hưng PG xuất phát từ Nam Kỳ nhanh chóng nở rộ khắp cả ba miền. Hội “Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học” chính thức ra đời ngày 26-8-1931 tại Sài Gòn, Hội “Phật học Kiêm tế”, Hội “Lưỡng Xuyên Phật học” của vùng sông Tiền, sông Hậu. Trung Kỳ có Hội “An Nam Phật học” ở Huế được thành lập năm 1932. Bắc Kỳ có Hội “Bắc Kỳ PG” thành lập ngày 18-11-1934 tại chùa Quán Sứ, và Hội “Cổ sơn môn” của tổ đình Hồng Phúc.

Dù nội dung của phong trào rất rộng lớn, trên hầu hết các lĩnh vực của giáo lý - giáo luật - giáo hội đều có rất nhiều vấn đề được nêu lên để thảo luận nhằm cải cách hoặc chấn hưng, nhưng có một nội dung cực kỳ quan trọng có tính nhất quán ở cả ba miền là : nhằm xây dựng một tổ chức PG Việt Nam thống nhất chung trong toàn quốc và phổ cập hoằng pháp bằng chữ quốc ngữ. Từ những cuộc thăm viếng cá nhân hoặc giữa các tổ đình hệ phái cho đến những tranh luận nhiều khi khá gay gắt trên các cơ quan ngôn luận của các Hội, dù hữu thức hay vô thức, kết quả khách quan đưa lại đã góp phần tìm ra tiếng nói chung, xóa đi những bất đồng, tạo ra bầu không khí hiểu biết nhau hơn giữa các sơn môn hệ phái trong từng miền và trên phạm vi toàn quốc. Tiếp bước của phong trào “Đông Kinh Nghĩa Thục” trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ, một khối lượng Tam tạng Thánh điển bằng chữ Hán và các tài liệu nghiên cứu Phật học được biên dịch viết bằng chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Nếu khẳng định chữ quốc ngữ là yếu tố quan trọng trong công cuộc xây dựng và củng cố nền thống nhất quốc gia dân tộc, thì trên lĩnh vực này, đóng góp của phong trào chấn hưng PG vượt trội phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Có thể coi cuộc vận động của Thiền sư Khánh Hòa dẫn tới sự ra đời của một “Thích học đường” và một “Phật học thư xã” đầu năm 1928, với sự tham gia của Thiền sư Huệ Quang và nhiều vị tôn túc khác, là khúc nhạc dạo đầu của phong trào chấn hưng PG ở Việt Nam, với mục tiêu tiến tới xây dựng một Tổng hội PG toàn quốc, chùa Linh Sơn ở Sài Gòn - “một giao điểm động... luôn nhạy bén với phong trào cách tân...” (trích báo cáo đề dẫn của Ban Tổ chức Hội thảo), là nơi châm ngòi nổ cho phong trào.

Từ trước đó, năm 1927, đọc tin trên báo Thực Nghiệm xuất bản ở Hà Nội, được biết Thiền sư Tâm Lai có ý nguyện chấn hưng PG, Thiền sư Khánh Hòa lập tức cử người đồng chí nhiệt tình là Thiền sư Thiện Chiếu ra Bắc, gặp Tăng cang Thiền sư Đỗ Văn Hỷ ở chùa Bà Đá để đến Tổ đình Tiên Lữ bàn với Thiền sư Tâm Lai về việc xây dựng một Hội PG toàn quốc và chấn hưng PG. Trên đường về Nam, Thiền sư Thiện Chiếu ghé qua Huế trao đổi vấn đề này với các Thiền sư tôn túc ở miền Trung. Bởi nhiều lý do, tuy mục đích chuyến đi của Thiền sư Thiện Chiếu không thành, nhưng nó đã có tác dụng lớn trong việc cổ xúy cho phong trào chấn hưng PG ở cả ba miền, chuẩn bị một Hội PG toàn quốc. Từ đây, việc trao đổi Tăng sinh - giảng sư giữa các tổ đình, giữa các thiền đường, thiền viện của các miền diễn ra thường xuyên là chuyện bình thường.

Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày càng lên cao. Sẵn tinh thần Lục hòa vô ngã, là Phật tử trên đất Việt, hơn ai hết, hiểu rõ về nghĩa “Tứ ân” không phân biệt sơn môn, hệ phái các miền, những người con Phật trong phong trào chấn hưng nhanh chóng hòa chung vào dòng chảy cách mạng. Chùa Tam Bảo, trụ sở Hội Phật học Kiêm tế của Thiền sư Thiện Chiếu trở thành cơ sở cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Bản thân Thiền sư bị bắt đày ra Côn Đảo tra tấn dã man. Nhiều Thiền sư, cư sĩ là yếu nhân của phong trào chấn hưng PG đã trở thành những cốt cán của các tổ chức kháng chiến kiến quốc trên khắp mọi miền đất nước. Đạo hạnh và tấm gương dấn thân cùng dân tộc của những vị như Thiền sư Thiện Chiếu, Thiền sư Thích Trí Độ, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám... đã có ảnh hưởng lớn tới các thế hệ Thiền sư kế tiếp, mà tiêu biểu là các cố Hòa thượng (HT) Thích Mật Thể, Thích Thiện Hoa, Thích Trí Thủ, Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào...

Giới tuyến 17 tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền ; một lần nữa, ý nguyện của các Thiền sư thời chấn hưng về một Giáo hội chung của PG Việt Nam tạm thời chưa được thực hiện. Tuy hai miền phân cách, nhưng những người con Phật trên đất Bắc vẫn luôn dõi về miền Nam thân yêu, chia sẻ và cổ vũ phong trào đấu tranh chống Mỹ-ngụy của đồng bào miền Nam nói chung và những người anh em đồng đạo nói riêng, làm hết sức mình để có ngày đất nước thống nhất, Giáo hội một nhà. Được tin HT Thích Quảng Đức noi gương hạnh nguyện đại hùng đại lực, tự nguyện thiêu thân cúng dàng Tam bảo, phản đối chế độ độc tài phát-xít Ngô Đình Diệm, ngày 20-7-1963, Thành hội PG Hà Nội đã kịp thời dựng “Bảo tháp Ấn Quang” tại Tổ đình Hồng Phúc - Hòe Nhai, có bài minh tán thán công đức xả thân hộ pháp của Ngài.

Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc, một vận hội mới cho PG Việt Nam. Theo lời bậc cổ đức đã chỉ bày: “Tùy thời, tùy quốc độ”, ngay từ đầu PG đã gắn bó chặt chẽ, đã là người bạn đồng hành đáng tin cậy của dân tộc. Thực thú vị và sâu sắc, lại chính tại thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh ngày 12-2-1980 đã diễn ra cuộc gặp mặt lịch sử giữa chư tôn giáo phẩm tiêu biểu Bắc-Trung-Nam và các hàng nhân sĩ Phật tử để tiến tới sự nghiệp thống nhất PG Việt Nam, dưới sự chủ tọa của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ. Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 4-11-1981, lần đầu tiên trong lịch sử PG Việt Nam, 165 đại biểu của 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái PG vân tập về thủ đô Hà Nội với một ý hướng chung hoàn thành ngôi nhà Giáo hội PG Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ, ý nguyện của các nhà chấn hưng Phật giáo đã được thực hiện trọn vẹn.

Lịch sử là một tấm gương trung thực và hàm chứa trong nó bao bài học sâu sắc. Với PG Việt Nam, lịch sử đã chứng minh rõ ràng: thực hành chính pháp và gắn bó cùng dân tộc là lẽ sống còn. Lịch sử đã cho phép tôi xác tín rằng: Dưới ngôi nhà chung Giáo hội PG Việt Nam, tinh thần “Lục hòa vô ngã” và phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, mọi người con Phật trên đất Việt thân yêu sẽ cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung đó ngày thêm tố hảo.

Chân thành cảm ơn quý vị để tâm theo dõi.



CHÚ THÍCH
(1) Kỷ yếu Hội nghị Thống nhất PG Việt Nam - 1981
(2) Trong thời gian vận động bắt đầu từ những năm 20 ở Nam Kỳ và dư âm còn kéo dài tới giữa những năm 40, nhưng chính thức các Hội PG ở các miền trong phong trào chấn hưng PG chỉ tồn tại từ năm 1931 đến năm 1941.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]