Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Buổi Đầu Của Phật Giáo Gia Định - Sài Gòn

23/04/201317:51(Xem: 12587)
Buổi Đầu Của Phật Giáo Gia Định - Sài Gòn
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Buổi Đầu Của Phật Giáo Gia Định - Sài Gòn

Thiền Hòa Tử Huệ Chí
Nguồn: Thiền Hòa Tử Huệ Chí


I. THỜI KỲ KHAI HOANG - TRUYỀN ĐẠO

Đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744), Tổ Phật Ý vâng lời bổn sư tháp tùng một số di dân, đi từ miền Trung vào Nam truyền bá đạo Phật. Tổ cùng đi với một nhà sư trang lứa, tình cờ gặp dọc đường.

Khi vào Gia Định, thuộc huyện Tân Bình, Tổ trụ lại tại làng Tân Lộc.

Hoàn cảnh sinh hoạt của di dân được chúa Nguyễn chiêu mộ lúc bấy giờ là phá rừng, cất nhà, gom người lập ấp, lập làng trồng trọt để làm ăn, sinh sống. Tổ Phật Ý cùng sư huynh bạn đạo, cũng theo dân vào rừng đốn cây, chặt lá, bện tranh đem về dựng lên được một ngôi nhà khá khang trang. Ngôi nhà này được hai huynh đệ trang trí thành một cái am, nhờ có chuông mõ, kinh sám của hai huynh đệ mang theo.

Khi có được ngôi am thờ Phật, Tổ Phật Ý phân công mỗi người nửa tháng theo dân vào rừng đốn củi, hái rau trái về ăn, còn người ở nhà sửa cấp nền am cho cao ráo, sạch sẽ và vẽ tượng Phật để thờ, nhất là phải đóng bàn ghế, dầu thô sơ, nhưng có để thờ. Theo tâm trạng của lưu dân, lúc xa quê cách tổ, được những ngày tạm rảnh rang nằm nghỉ, ai ai cũng hồi tưởng đến quê hương, nhớ mồ mả ông cha, bè bạn, xóm làng. Vì vậy, trong khi được biết có hai ông sư cất am thờ Phật thì họ rủ nhau đến giúp; họ cho là ở đây có Phật, thì cũng như thấy mặt tổ tiên.

Lần lượt mọåi người đến quy y với Tổ Phật Ý, và những ngày sóc, vọng thường đến nghe Tổ giảng kinh, nói pháp. Bấy giờ, người bạn đạo lại tách rời ra lập riêng một cái am, cách am cũ vài mươi thước, để việc tu hành được yên tĩnh.

Đến năm Nhâm Thân (1752), Tổ Phật Ý tu bổ ngôi am và cất thêm được một ngôi nhà sau, từ đó Ngài đổi am thành chùa, chia ra làm chánh điện, hậu Tổ. Đặc biệt là Từ Ân tự, Tổ ngụ ý nhờ ân huệ của đức Từ Bi, dựng được cơ sở truyền bá đạo cả.

Ngôi am kế bên cũng đổi thành chùa và lấy tên Khải Tường tự, ngụ ý là mở rộng phước lành cho bá tánh.

Chùa Từ Ân và Khải Tường cách nhau bởi một con đường, thời Pháp thuộc tên là đường Testard, nay là đường Võ Văn Tần; chùa Khải Tường nằm ở khu Chợ Đũi, còn chùa Từ Ân nằm phía bên kia đường.


* * *


Khai sơn chùa Từ Ân được 49 năm, lúc bấy giờ Tổ Phật Ý đã già, Thầy trụ trì chùa Khải Tường đã tịch, mọi việc trong hai chùa đều do Tổ quản lý. Tổ giao cho người đệ tử lớn là ngài Tổ Đạt trụ trì chùa Khải Tường, nhưng sinh hoạt hai chùa đều sắp xếp như nhau. Bấy giờ, hai chùa này đã thành hai ngôi già lam lớn nhất ở vùng Gia Định.

Năm Tân Hợi (1791), Nguyễn Ánh tránh Tây Sơn, chạy vào đồn trú ở Gia Định. Khi đến Gia Định, vua chọn hai chùa dùng làm nơi ký túc cho hoàng gia. Vua thì ở bên chùa Từ Ân, còn hậu phi cung nữ ở bên chùa Khải Tường.

Tháng Tư năm Tân Hợi, bà thứ phi hạ sanh Hoàng tử Đởm (tức Minh Mạng) tại hậu liêu chùa Khải Tường. Duyên do ấy nên sau khi lên ngôi vua, Gia Long liền sắc phong chùa Từ Ân là "Sắc tứ Từ Ân tự" và chùa Khải Tường là "Quốc ân Khải Tường", hàng năm đều chu cấp lương tiền và phu dịch lo việc lao dịch cho hai chùa.

Chuyện trên là việc sau; việc trước là trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) ý muốn khai khẩn đất hoang, nên nhân có đám quan quân bất phục nhà Thanh bên Tàu, đem thuyền bè lính tráng sang làm dân An Nam, chúa bèn cho vào ở đất Đông Phố (Đồng Nai) và ở đất Mỹ Tho (Định Tường). Chúa giúp họ cất nhà, làm ruộng, lập ra phường phố buôn bán.

Chùa Từ Ân ở làng Tân Lộc, tuy trong thời gian khai sơn thì công di dân đóng góp xây dựng, nhưng về sau thì người Minh Hương tới lui lễ bái, quy y, nghe giảng ngày càng đông hơn người bản xứ.

Năm Nhâm Thìn (1744), ở làng Phú Thọ có ông cư sĩ người Minh Hương tên là Lý Thoại Long đến chùa Từ Ân xin Tổ Phật Ý bổ xứ cho một đệ tử có đức hạnh về trụ trì chùa Sơn Can ở làng Phú Thọ Hòa (Sơn Can là tên của chùa Giác Lâm - Sơn là núi, Can là gò nổng; vì chùa được cất trên gò đất cao như núi).

Tổ Phật Ý có năm đệ tử lớn có đức hạnh cao là:
1. Ngài Tổ Đức hiệu Mật Hoằng, đã trụ trì chùa Đại Giác.
2. Ngài Tổ Tông hiệu Viên Quang, chức Diễn tạo, thay Tổ giảng dạy kinh điển tại chùa.
3. Ngài Tổ Thành hiệu Liễu Đạt, chức Thủ tọa, thay Tổ điều khiển chúng Tăng trong chùa.
4. Ngài Tổ Đạt hiệu Trí Tâm, chức Tri khách, thay Tổ ngoại giao mọi việc và tiếp khách.
5. Ngài Tổ Chánh hiệu Bổn Giác, chức Tri sự, thay Tổ quản lý sự ăn uống, thiếu đủ trong chùa.

Bổn nguyện Tổ Phật Ý bao giờ cũng mong Phật pháp được mở rộng, nên đã chấp nhận lời thỉnh cầu của cư sĩ Lý Thoại Long, bổ xứ ngài Viên Quang đến trụ trì chùa Sơn Can và Tổ đề nghị với cư sĩ Lý Thoại Long họp bổn đạo lại, để đổi hiệu Sơn Can ra Giác Lâm tự, rồi sẽ làm nhập tự cho ngài Viên Quang.

Tổ Viên Quang về trụ trì chùa Giác Lâm được 30 năm, thì tại chùa Từ Ân có ông Nguyễn Hầu Cẩm đem con trai là Nguyễn Tâm Đoan vào lạy Tổ xin cho xuất gia.

Tổ Phật Ý không nhận làm đệ tử mà giao cho Tổ Viên Quang nhận Tâm Đoan làm đệ tử, vì vậy Tổ Viên Quang theo chữ pháp danh của mình mà cho pháp danh của Tâm Đoan là Tiên Giác, pháp hiệu Hải Tịnh.

Tổ Hải Tịnh đầu sư tại chùa Từ Ân, rồi về học đạo tại chùa Giác Lâm, nhằm năm Nhâm Tuất (1802), năm ấy Ngài được 15 tuổi.


II. CON ĐƯỜNG VÀ PHƯƠNG TIỆN HOẰNG HÓA ĐẠO PHẬT TẠI MIỀN NAM

Ngài Tổ Tông hiệu Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm được 55 năm thì thị tịch; Ngài tịch mùng 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi, trừ 25 tuổi khi chưa xuất gia, thì 55 hành đạo của Tổ tức là 55 tuổi đạo vậy.

Năm Tổ Viên Quang tịch, thì ngài Hải Tịnh được 40 tuổi. Trong 25 năm theo thầy học đạo, hành đạo, ngài dốc hết tâm tư vào việc đạo, nghiên tầm chân lý, tham cứu Tam tạng giáo điển. Nhờ thế, nên khi kế thừa Tổ Viên Quang để trụ trì chùa Giác Lâm thì ngài đã nghiêm nhiên là một vị cao tăng uyên bác, chẳng những về Phật điển, mà về sách vở địa lý, ngài cũng được lão thông.

Tổ dùng chùa Giác Lâm làm học xá, bố cáo các chư sơn lục tỉnh, ai muốn học kinh thì đến chùa Giác Lâm mà học, chùa bao cả ăn ở và kinh học. Chư sơn các nơi đến học, Tổ đứng ra giảng dạy cả mấy năm, mà Tổ vẫn khang kiện và chi phí trong chùa vẫn đầy đủ.

Mãi đến năm 1798, ngài Hải Tịnh phải cho học tăng tạm thời nghỉ học để trùng tu lại chánh điện Giác Lâm; ai muốn về chùa thăm thầy thì về, ai muốn ở lại làm công quả thì ở lại phụ giúp với Tổ, vì ngôi chánh điện xây dựng ngoài 50 năm, mà cây gỗ lúc ban sơ thiếu hụt, nên nhiều cột kèo dùng bằng gỗ tạp, cho nên hiện thời đã sụp đổ nhiều nơi. Đồng thời, Tổ cũng cho bổn đạo vùng Chợ Lớn - Phú Lâm hay, để cùng phụ trợ với Tổ. Thuở ấy, đường giao thông chưa mở rộng, chỉ ở đường thủy, thường chuyển cây bằng kết bè, vì vậy muốn đổ cây nhiều thì phải chuyển vận theo đường thủy.

Từ chùa Giác Lâm đi sang Chợ Gạo (chợ Phú Lâm) chỉ có một con đường mòn đi xuyên trong đất giồng; cạnh Chợ Gạo có một con rạch gọi là rạch Ông Buông, nó chạy lên đồng ruộng, bằng con rạch Hồ Đất nhỏ hơn. Cây để trùng tu chùa Giác Lâm mua về phải đổ lên bến Hố Đất cách chùa độ 2km. Gỗ súc to đến 20 người khiêng không nổi, thành ra chuyển gỗ về phải chuyển bằng xe trâu. Mỗi chuyến xe có súc to, cả hai con trâu kéo không muốn nổi. Chuyển hết gỗ phải lâu ngày, mà gỗ gần bến sợ kẻ trộm ban đêm xeo gỗ xuống rạch, rồi lôi đi xa giấu mất. Tổ Hải Tịnh bèn chọn ông hương đăng già xuống bến, đốn cây nhỏ xung quanh, cất lên một cái nhà nhỏ rất vén khéo. Cất xong, ông về thỉnh Phật Quan Âm, kinh tụng, chuông mõ, bàn ghế. Ông trang trí cái nhà thành cái am nhỏ rất đẹp. Sáng chiều ông Đăng già cũng công phu, tối lại cũng trì kinh Tịnh Độ y như ở trên chùa.

Bổn đạo bá tánh mỗi khi đi chùa Giác Lâm, thường ghé am gởi xuồng cho ông, khi về lấy xuồng, rồi vào xá Phật, có khi để cúng 5 xu hoặc một cắc. Ông đăng già ở giữ cây gần hai năm; khi chuyển hết cây, ông sắp dỡ chòi về Giác Lâm. Ông kiểm số tiền mà bá tánh ghé am cúng nhang khói thì được hơn 80 đồng. Ông liền nảy ra ý kiến muốn tạo nơi đây một cảnh chùa, nên về lạy Tổ Hải Tịnh, xin Tổ mướn cho miếng đất ở bến Hố Đất cho ông ở nơi đó mà tu.

Tổ Hải Tịnh nghe ông hương đăng già xin, ngài liền xuống bến gỗ; Ngài quan sát thấy cuộc đất tốt, phía Đông có con đường qua lại, phía Tây có con rạch nước lưu chuyển quanh năm, phía Nam có cây cối rừng chồi u tịch, phía Bắc gò nổng nối liền. Tổ nghĩ: "Đây là cuộc đất sanh vượng, tiền châu tước hậu huyền võ. Nếu dựng đượåc ngôi chùa tại đây, có thể ngày sau chùa này sẽ có huê lợi thừa nuôi sống luôn Tăng chúng chùa Giác Lâm". Vì vậy, Tổ đồng ý với ông hương đăng già, đến nhà chủ đất hỏi mướn. Chủ đất thấy miếng đất ấy bấy lâu bỏ hoang và từ lâu không ai mướn khai thác, nên hoan hỷ cúng cho Tổ Hải Tịnh cất chùa. Tổ bèn huy động Tăng chúng chùa Giác Lâm mua cây, mua lá kéo về bến gỗ, đắp nền lớn ở trước am của ông hương đăng già, lấy am làm nhà hậu, dựng lên một ngôi chánh điện thờ độc một vị Quan Thế Âm Bồ Tát, lấy hiệu là Quan Âm viện. Ông hương đăng già bèn trao hết số tiền mà tín đồ cúng am bấy lâu cho ngài Hải Tịnh để làm lễ lạc thành. Tổ Hải Tịnh bèn cho vài ông đạo nhỏ xuống ở với ông hương đăng già cho có bầu bạn, và hàng ngày cho người xuống đốn cây, làm cỏ dọn đất quanh am, trồng rau cải, đào mương lên liếp, đặt dừa, dự trù hậu bị kinh tế cho hai chùa.


* * *


Trùng tu chùa Giác Lâm ngót 5 năm mới hoàn thành. Trong ngày lễ lạc thành chùa Giác Lâm, có những đôi liễn đối bằng ván thao lao của đệ tử chùa đi chúc mừng, đến nay vẫn còn treo cột chánh điện.

Đôi liễn:
1. Vạn pháp tài trung tuyên Tứ đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận.
2. Đại hùng điện diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương thánh thọ, nguyện quốc thới dân an.

Tạm dịch:
[1. Truyền Tứ đế trên đài vạn pháp, đáp hồng ân Phật Tổ, cầu mưa thuận gió hòa].
[2. Diễn Tam thừa trên điện Đại hùng, chúc thánh thọ Hoàng vương, nguyện nước thạnh dân an].

Dọc theo bìa chiếc liễn bên mặt có hàng chữ nhỏ: ["Gia Long tam niên Giáp Tý thái tuế, trọng Đông kiết đán".]

Dọc theo bìa chiếc liễn bên trái có hàng chữ nhỏ: "[Lộc ân đệ tứ, thiện tín chúng đẳng khấn bái phụng cúng]".

Như vậy là lễ lạc thành Giác Lâm kỳ trùng tu, nhằm giữa mùa Đông năm Giáp Tý (1804). Xét lại khi ngày khai sơn chùa Giác Viên không rõ năm nào, nhưng nay căn cứ lễ lạc thành trên thì khoảng độ trên dưới năm 1802, tức là đến nay (1983), chùa Giác Viên có được 182 năm. Ngày lạc thành cuộc trùng tu chùa Giác Lâm qua, Tổ Hải Tịnh lại khai giảng kinh luận trở lại. Chư sơn lục tỉnh lần lượt đến học khá đông. Tổ rất mừng, vì học đạo mà chỉ thuộc nguyên âm hai thời kinh công phu sáng chiều mà không hiểu nghĩa lý kinh, thì dẫu học kinh rộn rã, mãn đời rồi u tối hoàn u tối.


* * *


Đến năm Giáp Thìn (1844), nhằm năm Thiệu Trị thứ 4, Tổ Hải Tịnh thảo ra chương trình nhóm họp chư Tăng tu học ba tháng mùa Hạ, gọi là mùa "kiết hạ an cư", tục gọi là trường hương. Tổ thỉnh Hòa thượng Phổ Nguyệt ở chùa Huê Lâm làm Pháp sư kiêm Thiền chủ, Thầy Yết ma Từ Tạng ở chùa Trúc Lâm làm Thượng tọa (tức Duy na). Lịch sử khai trường hương do Tổ Hải Tịnh khai thi.

Đến năm Kỷ Dậu (1849), nhằm năm Tự Đức thứ 3, chư Tăng ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đồng tâm thiết lập giớái đàn (đàn truyền giới luật cho đệ tử, tín đồ) tại chùa Giác Lâm, suy tôn Tổ Hải Tịnh làm Đường đầu truyền giới Hòa thượng, năm này Tổ 62 tuổi.


* * *


Kinh qua hai lược tập họp chư Tăng tu học và tuần khai kỳ truyền giới, Tổ Hải Tịnh nhận chân được tâm lý chư Tăng và tín đồ hiện tại là ưa ứng phú hơn đến pháp hội nghe kinh.

Ứng phú là một môn hành sự trong nhà chùa, tức là một môn âm nhạc riêng trong đạo, hiện tại đem dùng vào các lễ cúng trong chùa và nơi có đám tang, đám làm tuần thất ở nhà tín đồ mời các sư đến hành lễ (ứng là chỉ lời mời, phú là đi đến, sau này lại có từ là đi đám).

Tổ nhận xét: mời chư Tăng đến tại nhà để kỳ nguyện rất tiện lợi cho những tín đồ trong nhà ít người. Thứ hai là chỉ độc một ông Tăng tụng kinh, tiếng kinh nghe khan khan, nghĩa kinh không hiểu biết, thì dễ làm cho tín đồ nghiêng về khoa ứng phú, vì ứng phú là khi hành lễ tuy cũng tụng kinh, nhưng tiếng kinh lại có trầm, có bổng, có tiếng đẩu tang nhịp nhàng, nghe thâm u trầm lắng, gợi nhớ, gợi thương, như thiết tha cầu nguyện. Ông sư nào sáng chế ra môn này, thật rất thâm hiểu tâm lý của con người! Nếu khéo sắp xếp lòng đạo đức từ bi vào đạo tràng ứng phú, nhân đó truyền bá đạo lý vị tha thì công đức rất có ích cho đạo, cho đời, không trường lớp nào hơn được. Nhưng cũng có thể nhà sư thường đến nhà thế gian, lần lần lê la giao thiệp rồi tiêm nhiễm tục đời, làm mất phẩm cách của nhà tu giải thoát.

Vì nhận thấy có hai đường lợi hại, nhất là hại về giới hạnh của nhà tu, nên Tổ muốn nhúng tay sắp xếp khoa ứng phú mà chần chờ mãi mấy năm chưa quyết định. Sau, Tổ thấy phong thái ứng phú càng lan tràn không thể chặn được, thì mới lèo lái phong trào đi vào đúng hướng. Đã có ý định, Tổ liền triệu tập cuộc họp gồm các thầy ứng phú lại; Tổ bày tỏ ý kiến muốn đề cao ứng phú, gây uy tín cho khoa ứng phú, đưa khoa ứng phú vào môn âm nhạc của đạo Phật v.v.. Các thầy ứng phú và chư Tăng tham dự cuộc họp đều tán đồng ý kiến của Tổ cho mượn Quan Âm viện làm cơ sở học tập khoa ứng phú.

Năm Canh Tuất (1850) nhằm năm Tự Đức thứ tư, Tổ Hải Tịnh đổi hiệu Quan Âm viện là Giác Viên tự; và đặt cơ sở chánh học tập khoa ứng phú vùng Chợ Lớn tại đó, còn chùa Giác Lâm là cơ sở học tập và nghiên cứu tam tạng giáo điển.

Việc khoa ứng phú được cải tiến và mở rộng xuất phát từ chùa Giác Viên, tiếng đồn lần lần đưa đến lục tỉnh, các ứng phú lục tỉnh thường lai vãng nghiên cứu để biết thêm nhiều. Hơn nữa, chùa Giác Viên lại nằm trong châu thành Chợ Lớn, kế cận với đường phố Sài Gòn là thành phố đông dân cư nhất ở miền Nam. Vì vậy, bổn đạo, tín đồ nghe nói Giác Viên là nơi quy tụ thầy ứng phú giỏi, nên mỗi khi trong gia đình muốn thiết một cuộc lễ gì về đạo như cầu an, cầu siêu, trai tăng, bố thí v.v.. thường đều đem đến chùa Giác Viên cầu làm lễ "đại nạp". Họ cho rằng chỉ có làm lễ ở chùa Giác Viên, họ mới cảm thấy mùi đạo thấm thía, trâm trầm, siêu thoát! Do đó mà chùa Giác Viên lúc này, ngày nào cũng có người "đại nạp" các sư chuyên khoa ứng phú đến làm đám tại chùa, mỗi ngày có khi đến 5 hay 7 thầy.

Một điều thiếu sót đáng tiếc của chùa Giác Viên là tháng ông hương đăng qui tịch, không còn một dấu tích nào để biết! Nghe nói là ngày "thầy" chết, thầy rất tỉnh táo. Thầy hương đăng tịch, Tổ Hải Tịnh cho người đệ tử lớn là Minh Vi, hiệu Mật Hạnh, xuống trụ trì chùa Giác Viên, Thầy Minh Vi năm này được 23 tuổi.

Chùa Giác Viên càng ngày càng sung túc, đông đảo bổn đạo, bá tánh tới lui lễ bái, cúng kiến rất thường. Những người tha thiết mộ đạo, hoặc cho con vào chùa quy y, cạo đầu ở chùa hoặc tự mình cầu nguyện bình nguyện, cạo đầu vào chùa công quả. Sự sinh hoạt về Phật đạo ở chùa Giác Viên về khoa ứng phú phát triển mạnh, về kinh điển thi yếu, nhưng phần kinh tế thì lấn hơn chùa Giác Lâm. Tổ Hải Tịnh cảm thấy "thế đạo nhơn tâm" bây giờ ưa chuộng sắc thinh hình thức bên ngoài hơn tinh thần đạo lý bên trong. Bất giác Tổ trầm tư, ngậm ngùi một lúc... nhưng Tổ lại liên hệ riêng giữa Giác Viên và Giác Lâm. Nếu tiền của Giác Viên dư giả, mà Giác Lâm thiếu hụt thì Giác Viên bù giúp, cũng như Giác Lâm đào tạo được Tăng đức bổ sung cho Giác Viên. Tuy biết vậy là hành đạo trong phạm vi nhỏ hẹp, nhưng trong thế đạo nhơn tâm đã thế, thì người bổn đạo phải uyển chuyển tùy mình. Nghĩ như thế, Tổ mỉm cười, rồi năm tháng vẫn ung dung hành đạo.

Sau đó Tổ lại nghĩ đến sự bảo vệ đạo hạnh của hai chùa cho được lâu dài và kết chặt tình hệ của hai chùa thành một, Tổ bèn đặt cách là người có sư bá hay sư huynh bất luận là của chùa nào, đều có đặc quyền quản lý đạo hạnh của hai chùa. Nhưng nếu chùa trên hoặc chùa dưới, chỉ còn sư thúc tuổi lớn, thì sư thúc ấy có đặc quyền quản lý đạo hạnh của hai chùa. Làm như vậy, Tổ muốn thực hành thuyết "Lục hòa" trong phạm vi nhỏ cho hai chùa.


* * *


Đến năm Kỷ Mùi (1859) nhằm năm thứ 12 đời vua Tự Đức, năm này Tổ Hải Tịnh đã 72 tuổi, Pháp đánh thành Gia Định, san bằng tất cả dinh lũy của Nam triều. Chùa Sắc tứ Từ Ân và chùa Quốc ân Khải Tường đều chịu chung số phận binh đao trong thuở ấy. Lúc này, trụ trì chùa Từ Ân là thầy Tiên Tính, hiệu Chánh Trực, trong lúc vội vàng chạy giặc, thầy chỉ dời giấu một vài món đồ nhẹ, để có thể lúc yên giặc trở về đem lên làm vật kỷ niệm xa xôi của chùa. Nhờ thế mà hiện nay, chùa Từ Ân gần Chợ Gạo (Phú Lâm) còn được mấy món đồ kỷ niệm lúc sơ khai chùa Từ Ân.

Chùa Giác Lâm và Giác Viên tuy ở tuy ở xa làn tên mũi đạn, nhưng với ảnh hưởng chiến tranh tàn khốc, chết chóc mọi nơi, nhất là trong năm Canh Thân (1860), Nam triều sai ông Nguyễn Tri Phương vào Nam hợp với ông Tôn Thất Hiệp, đắp đồn Kỳ Hòa (tức Chí Hòa) để chống lại với quân Pháp, thì tiếng súng đôi bên bắn nhau ì ầm đêm ngày không dứt. Các bậc chư Tăng, mặc dù có luyện tập tinh thần vô úy, nhưng thấy đánh nhau găng quá, nên cuối cùng cũng theo đoàn người chạy giặc mà tản mác về nông thôn. Hai chùa Giác Lâm và Giác Viên lúc này chỉ còn mấy ông sư già gan góc ra vào hủ hỉ với Tổ Hải Tịnh mà thôi.

Cho đến năm Kỷ Tỵ (1869), tức là năm Tự Đức thứ 22, tuy xa xa còn văng vẳng tiếng súng chống Pháp, nhưng quanh vùng Gia Định - Chợ Lớn cũng tạm yên lành. Người Pháp muốn mua lòng dân chúng, nên họ dễ dãi mọi bề; dân chúng thấy dễ lần lượt rải rác hồi cư. Tăng chúng hai chùa Giác Lâm và Giác Viên lần hồi quay về đầy đủ. Năm này, Tổ Hải Tịnh đã 82 tuổi. Tổ nhận thấy tuổi già sức yếu, không còn trụ thế bao lâu, Tổ sắp đặt cho đệ tử lớn là thầy Minh Vi, hiệu Mật Hạnh, trụ trì chùa Giác Lâm, phụ việc thì Tổ tri cử thêm thầy Minh Lý, hiệu Quảng An, làm tri khách; chùa Giác Viên thì Tổ đặt người đệ tử nhỏ là thầy Minh Khiêm, hiệu Hoằng Ân, làm trụ trì.


* * *


Đến năm Ất Hợi (1875), ngày mùng 8 tháng 11, nhằm năm thứ 29 đời vua Tự Đức, Tổ gọi hết đệ tử trong hai chùa tề tựu tại chùa Giác Lâm; Tổ dặn dò tất cả phải cố gắng học thông giáo lý, tìm hiểu con đường giải thoát, đừng đắm đuối hồng trần, nhất là muốn thảnh thơi giải thoát, thì phải nhận rõ sự việc đi ứng phú là bước đường đưa vào sa đọa, làm tiêu hao bổn tánh chơn như.

Đến đúng ngọ ngày mùng 8, Tổ vui tươi mà thị tịch, Tổ trụ thế 88 năm, theo tuổi đạo được 73, vì từ ngày Tổ vào chùa quy y hành đạo trải qua 73 năm, không lúc nào mà Tổ quên đi sự hưng suy của đạo pháp; mỗi niệm của Tổ đều bộc lộ đạo đức vị tha. Vì vậy, trong thời gian Tổ hóa đạo, đức độ Ngài được ca ngợi khắp miền. "Đuốc tình thương được soi sáng nhiều nơi, chuông cảnh tỉnh truy hồn muôn vạn khách". Tổ Hải Tịnh quy tịch, thầy Minh Vi tạo bài vị để thờ cả hai chùa, đến ngày lễ ky thì chùa Giác Lâm cúng trước, Giác Viên cúng sau.

Đến khi lãnh trọng trách kế thừa quản xuất chùa Giác Lâm hoàn toàn, thì bấy giờ thầy Minh Vi đã 40 tuổi. Thầy hành đạo và rất quan tâm đến sự học của Tăng chúng trong chùa, nhưng vì thầy ít học cho nên thầy chia Tăng chúng trong chùa thành hai nhóm, luân phiên xuống chùa Giác Viên học kinh-luật với thầy Minh Khiêm hằng ngày, trừ ngày nào ở chùa có cúng kiếng thì nghỉ. Nhờ thế mà sau ngày Tổ Hải Tịnh quy tịch, thầy giữ vững được giềng mối đạo đức của chùa Giác Lâm và gây được cảm tình với chư Tăng và bổn đạo xa gần. Đến năm thầy Minh Vi 65 tuổi, thầy giao luôn quyền trụ trì chùa Giác Viên cho thầy Minh Khiêm, và thầy cho biết là năm ấy, thầy thấy trong người rất yếu, thầy nguyện nhập thất tu thiền cho đến ngày về Phật.


* * *


Lúc này, Tăng chúng trong chùa Giác Viên đông hơn chùa Giác Lâm, trong đó có sư Như Nhu, hiệu là Chơn Không; sư Như Phòng, hiệu là Hoằng Nghĩa, là có hạnh, có học hơn hết. Thầy Minh Khiêm giao cho Như Nhu trụ trì chùa Giác Viên, Như Phòng làm phó và kiêm luôn chức tri sự, quản lý mọi công việc trong chùa, phần thầy thì thầy lên xuống hai chùa, sách tấn Tăng chúng tinh tấn tu hành học tập.

Thầy Minh Khiêm là một bậc cao tăng học rộng, hiểu nhiều đối với Tăng giới lúc bấy giờ. Thầy nhận thấy trong quá trình học tập Phật pháp dành cho lớp Sa di sơ cơ học đạo, không có một quyển kinh, luật nào bằng tiếng Nôm, tức là đọc bằng tiếng dân tộc Việt Nam, mà toàn bằng chữ Hán đọc theo âm Hán-Việt. Vì vậy mà các ông đạo sáng, chiều đọc tụng làu làu mà không biết trong lời Kinh, Luật ấy nói gì, dạy gì. Thậm chí, có nhiều thầy Tỳ kheo, học đến kinh Pháp Hoa, luật Tứ Phần, luật Qui Ngươn v.v.. mà bảo giải nghĩa mấy chữ "Ma ha Bát nhã ba la mật đa", mấy thầy cũng ấm ớ: ông nói vầy, thầy nói khác!

Với nhận xét tiến bộ ấy, với quy tư đạo vị ấy, nó thúc giục Thầy phải tìm được điều kiện giải quyết. Thầy góp nhặt trong các bộ Tỳ Ni (luật), rút gọn ra làm bộ luật nhỏ viết bằng Hán văn, dịch ra chữ Nôm, viết theo lối văn trường hàng, gọi là "Luật Trường Hàng". Bộ luật này gồm 4 quyển: Tỳ ni, Sa di, Oai nghi và Cảnh sách. Chép chánh văn bằng chữ Hán, giải nghĩa văn bằng chữ Nôm (vì lúc bấy giờ, chữ quốc nghĩa chưa được phổ biến). Thầy tận tụy đêm ngày, giải nghĩa rồi phủ chánh, phủ chánh rồi giải nghĩa tiếp... tích cực như thế mấy năm mới hoàn thành. Thời lúc ấy có thầy Huệ Lưu, trụ trì chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức, phụ giúp phần sao y để đưa thợ khắc bản; thầy Huệ Lưu cũng là người trong chi Lâm Tế; dòng Đạo Bổn Nguyên. Khi khắc bản bộ Luật Trường Hàng, thầy rước thợ đến ăn ở tại chùa Giác Viên. Đến khi khắc bản xong, thì có một người cư sĩ đệ tử của thầy xin cúng tiền công và chi phí ăn uống thợ khắc bản bấy lâu..

Năm khắc bản xong là năm Giáp Ngọ (1894). Thầy Huệ Lưu có đề tựa ở trang đầu; trang chót có ghi phương danh của hai vị cư sĩ đã cúng dường chi phí khắc bản, và có ghi rõ là từng bản bộ Luật Trường Hàng cất ở kho kinh điển chùa Giác Viên. Hiện nay (1983) bản luật đó vẫn còn. Trang đầu bộ luật là lời tựa, và trang kế có hàng lớn: TỲ NI NHẬT DỤNG YẾU LƯỢC (bằng chữ Hán), tiếp ở dưới hai hàng song cước: PHÉP TẮC HẰNG DÙNG RẤT VÓN (bằng chữ Nôm), dài xuống mấy dòng, Thầy đề: "Giác Viên lan nhã Thiền Hòa, Hoằng Ân tỉnh nghĩa" (bằng chữ Hán), và hàng thứ nhì đề: "Hoa Nghiêm thiền viện, Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục" (bằng chữ Hán).

Tóm dịch: - Chùa Giác Viên, Thiền sư Hoằng Ân giải nghĩa; chùa Huê Nghiêm thiền viện, Tỳ kheo Huệ Lưu sao lục.

Khi bộ Luật Trường Hàng in xong lần đầu được phổ biến các chùa ở miền Nam, chư sơn thiền đức các nơi gởi thơ về Giác Viên ca tụng và yêu cầu Tổ (đến đây xin phép chư tôn), độc giả cho tôi thay chữ thầy ra chữ "Tổ", vì với công đức cao cả này, chắc chư tôn, độc giả cũng đồng ý là thầy rất xứng đáng cho chúng ta tôn xưng là Tổ - quyết định một ngày nào mời chư tôn các nơi về họp tại chùa Giác Viên, để cùng bản thảo đưa bộ Luật Trường Hàng vào Pháp điển, để làm quyển giáo khoa sơ cấp trong quá trình dạy đạo ở các chùa.

Rồi nhân trong cuộc họp đó, chư tôn các nơi lại đưa quyết định nữa là từ đây trong mỗi trường kỳ (tức là đàn truyền giới) đều dùng bộ luật này làm giáo tài khảo thí: thứ nhất là khuyến khích các ông đạo nhỏ phải học thuộc lòng bộ luật này, thứ hai là chọn hai vị Thủ, Vĩ Sa di để đưa lên đàn thọ cụ, và nhận làm hai người phát từ của Hòa thượng Đường đầu truyền giới.

Bắt đầu từ năm 1900, bộ Luật Trường Hàng nghiễm nhiên có một địa vị văn hóa cao lẫn văn chương gọn trong giới Phật học miền Nam, nó trở thành một giáo tài phải học của các ông đạo sơ cơ mới vào chùa.

Năm Mậu Tuất (1898), vào giờ Thìn ngày 14 tháng 11, thầy Minh Vi đã an nhiên thị tịch tại chùa Giác Lâm. Thầy trụ thế 71 tuổi, 50 tuổi đạo.

Tổ Minh Khiêm ngậm ngùi tình huynh đệ, tạo bài vị thờ ở bàn Tổ hai chùa, và hàng năm đến ngày ấy, thì chùa Giác Lâm kỵ ngày trước, chùa Giác Viên ngày sau.

Qua năm Kỷ Hợi (1899), Tổ Minh Khiêm sai thầy Như Lợi cùng Tăng chúng hai chùa cùng nhau lo công việc trùng tu ngôi chánh điện chùa Giác Viên, vì lúc khai sơn tài chánh eo hẹp, nên cất rất thấp và dùng cây gỗ tạp mau hư. Lần này tuy trùng tu, nhưng sửa đổi hẳn mặt kiến trúc, nền móng rộng hơn.

Khi tòa chánh điện làm gần xong, thì có bà thường trú trong chùa tên là Lương Thị Viết, pháp danh Từ Tâm, vốn con nhà giàu, mộ đạo xuất gia. Bà xin Tổ cho bà cúng tiền để sửa luôn nhà hậu Tổ cho được cân xứng với tòa chánh điện mới; Tổ chấp nhận. Công việc xây cất gần 3 năm mới hoàn tất. Cho Tăng chúng hai chùa nghỉ xả hơi một năm; năm sau Tổ thấy thầy Như Nhu đã tịch, Tổ bèn tri cử thầy Như Phòng, hiệu Hoằng Nghĩa, làm trụ trì và thủ tọa; Như Lợi làm trụ trì chùa Giác Lâm, còn phần vì ngài cất một cái am ở giữa đường lên xuống hai chùa (tức là bây giờ gần bót Nguyễn Văn Cự), Ngài đặt là am Giác Đế; hàng đêm, giờ thiền định Tổ đều tịnh tọa tại am này. Ban ngày, có khi Tổ xuống Giác Viên hoặc về chùa Giác Lâm.

Những việc giao dịch với bá tánh bổn đạo thì chùa nào phần ông trụ trì nấy lo, chỉ khi nào có những việc quan trọng và cần thiết, thầy mới tham dự để giải quyết.

Đến năm Ất Tỵ (1905), Tổ thấy hai vị trụ trì hai chùa đều có đủ đạo đức và khả năng hành đạo đủ gánh vác việc chùa, Tổ rất an tâm và cho hai thầy trụ trì hay là Ngài sẽ đi vân du ít năm, thời gian không nhất định, để thêm tầm tri thức, đồng thời cũng tìm hiểu căn cơ hành đạo của Phật tử bốn phương, thỉnh thoảng sẽ về thăm chùa. Vậy hai thầy phải tự lập, chớ đừng trông chờ, ỷ lại vào Tổ nữa.

Tổ một mình mang khăn gói, nhằm hướng lục tỉnh vân du, tới đâu Ngài cũng hỏi thăm chùa Phật vào nghỉ. Có nơi, thầy trụ trì nào biết Tổ thì vui mừng cầm Ngài ở lại và cho bổn đạo hay đến viếng Tổ, và thỉnh Ngài thuyết pháp cho bổn đạo nghe; có chùa, thầy trụ trì không biết Ngài thì tiếp đãi lơ là, bỏ Ngài nằm ở chùa, họ chỉ bàn thảo lo đi đám; nghe nói lo đi đám, Ngài cũng xin theo phụ tụng kinh không lấy tiền công đức; có chỗ gặp đám ma, đám cầu an, Ngài cũng đi theo.

Từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho chỉ cách 60 - 70 cây số, nhưng thuở ấy xe cộ giao thông rất ít, nên chư sơn và tín đồ nghe đạo hạnh của Tổ thì nhiều, mà biết mặt thì ít. Vì vậy, Tổ dừng chân ở lại Mỹ Tho mấy tháng, với thái độ giao tiếp bình dị, khoan hòa của Ngài làm cho mấy người nông nổi, lúc đầu cho Tổ là một ông sư thường, chừng biết được Tổ và gần gũi Tổ thì họ lại gia tăng kính trọng quá mức, như có câu chuyện xảy ra như sau: Có lần, Tổ đi theo một sư ứng phú, đi đám tang của một bà Phật tử, vợ ông Hương chủ. Đám ma nhà giàu quàn 4 - 5 ngày mới chôn. Khi ăn cơm, ông sư ứng phú ăn mặn, Tổ ăn chay. Người dọn ăn muốn dọn riêng, nhưng ngại sắp xếp dọn riêng mất công; vì vậy, khi ăn cơm, Tổ ngồi chung với người ăn mặn. Ngài mỉm cười rồi ngồi vào bàn ăn; tuy đồ chay đã nấu riêng sẵn, nhưng Ngài ăn thế nào mà ở nhà bếp quýnh lên, vì bị rầy chỉ có một người ăn mà nấu không đủ... Ngài nghe xầm xì như vậy mới nói: "Bao nhiêu cũng đủ, bao nhiêu cũng thiếu!". Ngài cười và xuống uống nước. Có bà Hội đồng đi đám về thuật chuyện có ông thầy ăn hết đồ chay cho chồng nghe. Ông Hội đồng nghe nói, bảo vợ tỏ rõ dáng ông thầy; khi nghe kỹ rồi, ông Hội đồng nói: "Chắc chắn là bổn sư của tôi, mấy năm nay lo việc làm ăn, không lên thăm thầy được, bữa nay thầy đi đâu đây, mà lại đám ma ăn cơm?". Ông vội vàng bảo vợ cùng đi lại đám, nếu phải thầy thì thỉnh thầy về nhà mình cho thầy nghỉ khỏe.

Ông chủ đám thấy có Hội đồng đến, lật đật ra sân đón rước. Ông Hội đồng nói: - Tôi muốn gặp mặt ông thầy ăn chay. Vừa gặp Tổ, ông Hội đồng vội vàng bảo vợ quỳ xuống làm lễ ra mắt ngài, và thỉnh Tổ về nhà nghỉ. Cả đám ma nhốn nháo lên, đến khi ngã lẽ, mọi người cũng mừng cho bà chủ có phước: lúc qua đời được Tổ đến tụng kinh.

Mọi người khi được biết Tổ Hoằng Ân, hầu hết ra sắp hàng làm lễ Tổ. Có ông Cai tổng, em của chủ đám, tuy không phải tín đồ đạo Phật, nhưng khi thấy đức độ và học vấn của Tổ, cũng trân trọng làm lễ ngài và quấn quýt một bên, để nghe ngài trả lời giáo lý cho những người hỏi đạo.

Đêm lại, ông Cai tổng mời Tổ ngồi ghế giữa, rồi ông cung kính dâng lễ vật xin quy y với Tổ. Ngài vui vẻ thuyết giới và truyền tam qui ngũ giới cho ông Cai tổng. Còn phần lễ vật ngài nhận xong, rồi đem trao cho ông sư ứng phú và nói phần này tôi tặng cho ông, nhờ ông mà thầy trò tôi gặp gỡ nơi đây...

Ngài chưa nói hết lời thì có đoàn Tịnh độ của chùa bổn sư của bà chủ đến để hộ niệm, chẳng ngờ ông đại diện Hội Tịnh độ gặp được Tổ bèn vân tập cả đoàn làm lễ Tổ trước rồi mới khai kinh cầu siêu. Ông sư ứng phú đụng lấy sự việc bất ngờ dồn dập, nên quýnh lên. Ông tiếp mâm lễ vật của Tổ đưa, mà vẫn quỳ trước Tổ... Đến khi đoàn Tịnh độ làm lễ xong, Tổ quay lại thì ông để mâm lễ vật vào lòng Tổ, rồi cúi lạy mà nói: Con xin trọn đời theo hầu hạ Tổ.


* * *


Xuống đến châu thành Mỹ Tho, Tổ trụ lại tại chùa Bửu Lâm. Người mộ đạo lần lượt đến xin quy y với Tổ rất nhiều. Thấy Phật tử tới lui đông, sợ làm rộn ràng cho nhà chùa, Tổ bèn xin Hòa thượng trụ trì cho ngài cất cái am bên chùa để ở, Tổ đặt tên là am Viên Giác.

Ở Mỹ Tho được vài năm, ngài lại từ giã đạo bạn tiếp bước vân du, đi lần xuống miền Tây Vĩnh Long, Long Xuyên, Sa Đéc. Thật là:

Túy thưởng yên hà thân ngoại cảnh.
Lộng thành sanh diệt vọng trung chơn.

Tạm dịch:
Bạn với khói mây thân ngoại cảnh.
Giỡn chơi còn mất vọng trong chơn.

Một lúc Tổ vân du đến tỉnh Châu Đốc, ngài thấy núi Sam non xinh cảnh đẹp, lại có sẵn ngôi chùa Tây An ở xa châu thành rất yên tịnh, Tổ bèn xin người giữ chùa cho phép Tổ tá túc ở tu hành.

Chùa Tây An do một tu sĩ không phải người tu theo đạo Phật dựng nên, theo quanh vùng quen gọi ông đạo ấy là Phật Thầy Tây An. Phật Thầy Tây An chết đã lâu, trong chùa người lo hương khói đều để tóc, người đến chùa quen gọi là "ông đạo". Các ông đạo này ngày thường làm ruộng, rẫy tự sống, thỉnh thoảng cũng thọ lãnh của tiền của bá tánh đến cúng. Các ông đạo này không biết tụng kinh và giảng kinh theo đạo Phật, các ông chỉ biết làm bùa làm phép gọi là cứu dân độ thế, và đọc những bài gọi là "sấm giảng" của Phật Thầy Tây An truyền lại.

Tổ Hoằng Ân được mấy ông đạo giữ chùa cho ở và giao cho Tổ chuyên lo phần tụng kinh giảng đạo, còn các ông chỉ chuyên lo bề bùa phép để cứu dân độ thế.

Nơi đây cảnh vật u nhàn, khói mây sớm chiều đi về phóng khoáng! Bất giác Tổ nhớ lại hai câu liễn thờ Tổ ở chùa Giác Lâm và Giác Viên, Tổ lấy làm thích thú:

Tự cổ thanh nhàn, thường dẫn yên hà vi bạn tử,
Sơn thâm thể cách, chỉ bằng thảo mộc ký Xuân Thu.

Tạm dịch:
Chùa cổ, sư nhàn thường tiếp khói mây làm bạn thiết,
Non thâm, khách vắng chỉ nhờ cây cỏ nhận Xuân Thu.

Tổ ở chùa Tây An chừng một năm, qua tác phong đạo hạnh của Tổ đã cảm hóa được lòng của các ông đạo ở đây, họ sanh lòng tin phục bèn giao hết tiền bạc của bá tánh cúng dường cho chùa để Tổ quản lý. Bây giờ Tổ đề xướng các ông đạo nên dùng số tiền để xây dựng ngôi chánh điện và hậu tổ bằng ngói cho được sạch sẽ và trang nghiêm.

Cũng vì ở lại núi Sam lâu năm, nên về sau trong giới Phật giáo miền Nam đều gọi Tổ là Tổ núi Sam.

Kể ra mấy tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An, Gia Định và Chợ Lớn đâu đâu cũng có đệ tử thọ phái quy y với Tổ.

Có lần được xem như là lần cuối cùng, Tổ trở về thăm chùa Giác Lâm, Giác Viên, thầy Như Lợi xin Tổ cho từ chức trụ trì chùa Giác Lâm, vì thầy cảm thấy không đủ sức đảm trách nhiệm vụ này nữa. Tổ làm thinh thăm dò gần một tháng mới nhận lời, và ngài trạch cử ông thủ khố chùa Giác Viên là đệ tử thầy Như Phòng, pháp danh Hồng Hưng, pháp hiệu là Thạnh Đạo, làm trụ trì chùa Giác Lâm.

Thầy Hồng Hưng nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Giác Lâm, năm đó thầy mới 24 tuổi, nhằm năm Canh Tý (1900).


III. SỰ NGHIỆP CỦA NGƯỜI KẾ TỤC

Tạm nghỉ ở Giác Lâm hồi lâu, Tổ Hoằng Ân thấy thầy Hồng Hưng cáng đáng được việc đạo. Ngài vân tập Tăng chúng lại tại am Giác Đế mà dặn dò: "Tôi vân du lần này không định lúc nào mới về, thầy Như Phòng nên chín chắn lựa người lập làm trưởâng tử để truyền thừa Phật pháp, nhất là phải giữ mãi sự liên lạc đạo pháp cũng như đời sống của hai chùa. Còn phần thầy Hồng Hưng thì tôi thấy đủ khả năng để đảm đương chùa Giác Lâm, nhưng tánh khí khái cũng nên lắng bớt. Nếu sau này tôi không về kịp sắp xếp thân thế của sư ông giám Giác Lâm, thì hai ông trụ trì nên hội nhau, xét thấy ông nào lâm cảnh nghèo thiếu quá, thì cho ông ấy am này để ở, để không dám quên Phật pháp!". Dặn dò xong hậu sự, sau ít ngày Tổ giã từ đại chúng, tái bước vân du.

Tổ ghé chùa Bửu Lâm nghỉ lại am Viên Giác mấy tháng, rồi lần lên Châu Đốc. Ngài nghỉ ở chùa Tây An hơn một năm, ngài cảm thấy lưu phái của Lâm Tế thuộc dòng "Đạo Bổn Nguyên", ngài đã đặt sâu nền móng ở đây, nhưng ngài còn ngại những lá cành về sau không được xum xuê bằng Chợ Lớn. Vì vậy ngài muốn gom hết sức già để bồi dưỡng thêm cho phát đạt, nhưng ngài hồi cố lại sức khỏe thấy không còn đủ để đảm đương công việc lớn lao ấy nữa!

Đến năm Quý Sửu (1915), Tổ từ Châu Đốc về Mỹ Tho thăm chùa Bửu Lâm, rồi trụ tại am Viên Giác sắp xếp cuộc nhập thất lâu dài để tu thiền. Tăng, tín đồ chung quanh nghe Tổ về Mỹ Tho lâu ngày, ai nấy phân nhau tứ sự cúng dường cho Tổ.

Ngoài giờ tiếp khách ra, trong khi nhập thiền, ngài cảm thấy tinh thần thay đổi khác thường, vì mới niệm tư duy tinh thần chuyển biến từ sát na muốn duy trì thiền trạng, nó vẫn dao động tự do. Bây giờ, ngài cảm nhận công năng hành đạo tại nhơn gian của ngài sắp chung kết.

Ngài tập trung tinh thần kiểm điểm lại năm mươi mấy năm hành đạo với sự nghiệp từ bi của Tổ giao phó, ngài không một phút nào lơ lãng trách nhiệm. Giờ đây, trên không phụ nguyện cùng Phật, Tổ, dưới không tiêu cực với đệ tử, tín đồ; thế là còn gì bận bịu với trần gian! Một kiếp tu hành là một kiếp trui rèn gương trí huệ ngày thêm sắc bén, thế là được rồi!

Từ ngày Tổ nhập thất, gặp giờ Tổ tiếp khách luận đạo, các vị kỳ lão quanh vùng thường đến đàm luận và hỏi han đạo lý. Tuy thấy Tổ thù tiếp chuyện trò tỉnh táo, nhưng ai nấy đều thấy sức khỏe của Tổ yếu lần.

Cái tin sức khỏe của Tổ suy giảm chẳng bao lâu các nơi đều hay biết, vì thế hàng ngày đều có người đến viếng thăm. Chùa Giác Lâm, Giác Viên hay được tin ấy liền rần rộ xuống thăm Tổ, muốn rước Tổ về Giác Lâm; nhưng hàng Tăng, tín đồ ở Mỹ Tho xin để Tổ ở am Viên Giác mới công bằng, vì ở Châu Đốc cũng như Chợ Lớn, đệ tử muốn đi thăm thì kể đường đi cũng không ai xa, ai gần bao nhiêu; chớ rước Tổ về Giác Lâm thì đệ tử ở Châu Đốc phải đi xa. Hơn nữa, đệ tử thì ai cũng đệ tử, thầy nằm ở đâu thì người ở đó phải lo nhiều, nay thầy nằm ở Mỹ Tho, thì đệ tử Mỹ Tho phải cáng đáng hết.

Thấy nói đúng lý, nhóm đệ tử ở Chợ Lớn liền phái người thay phiên thường trực ở hầu Tổ tại am Viên Giác.

Giờ Thìn ngày 26 tháng Giêng năm Giáp Dần (1914), Tổ cho gọi tất cả đệ tử hầu hạ đều đủ mặt, Ngài chậm chậm niệm hai câu: "Phật pháp miên trường - Chúng sanh dị độ" rồi từ từ nhắm mắt an nhiên quy tịch. Tổ trụ thế 65 năm, về tuổi đạo thì đối với công năng truyền thừa của ngài không thể lấy cái gì hư vọng ở thế gian mà đo lường đạo hạnh của Tổ được, bởi vì cả một đời hành đạo của Tổ, không một ngày nào mà ngài không nghĩ đến Phật pháp, không một giây phút nào mà Tổ không suy niệm đến nhân sanh. Hơn nữa, ngài không nói sự mất còn, sanh diệt ở thế gian không có gì là thường, là đoạn cả. Thường hay đoạn chỉ là hiện tượng của cảnh giới nhơn gian mà thôi.

Sau giờ Tổ tịch, nhóm đệ tử của Tổ ở Mỹ Tho cùng nhau bàn tính: nhất định xây tháp an trí linh xu Tổ ở Mỹ Tho, chứ không cho đem về Giác Lâm. Nghe được ý kiến ấy, người đại diện Giác Lâm ở hầu bịnh Tổ vội vàng đáp xe về Chợ Lớn báo tin. Thầy Hoằng Nghĩa chùa Giác Viên và thầy Thạnh Đạo chùa Giác Lâm tập họp chư sơn thiền đức Chợ Lớn cùng bàn tính lựa lý lẽ chính xác để giành phần đem linh cữu Tổ về Giác lâm. Mọi người nhất trí là trong dòng "Đạo Bổn Nguyên" chi Lâm Tế do Tổ Phật Ý truyền thừa ở miền Nam, thì tại chùa Giác Lâm đã có tháp của chữ "Tổ" là Tổ Tông, hiệu Viên Quang và chữ "Tiên" là Tiên Giác hiệu Hải Tịnh, thì nay Tổ chữ "Minh" là Minh Khiêm lại là đệ tử trực tiếp của Tổ Tiên Giác, nay phải đem linh xu của Tổ về chùa kế cận hai ngôi tháp kể trên, mới hợp tình hợp nghĩa.

Xuống Mỹ Tho, thầy Hồng Hưng đem ý kiến trên trình bày, các đệ tử tín đồ có mặt thấy đúng, nên bằng lòng cùng nhau đưa linh cữu Tổ về Giác Lâm an táng. Trong hai ngày quàn linh cữu Tổ ở chùa Giác Lâm, thầy Như Phòng mang khăn tang trưởng tử đứng hàng đầu trong mỗi thời điện tế. Đến ngày đưa linh xu Tổ nhập tháp xong, những đệ tử của Tổ có mặt hôm đó cùng nhau góp tiền giao cho thầy Như Phòng xây tháp cúng dường Tổ. Bia tháp ghi: Từ Lâm Tế Chính Tông, tam thập bát thế thượng Hoằng hạ Ân húy Minh Khiêm Hòa thượng Tôn sư chi bửu tháp.


* * *


Thầy Như Phòng hiệu Hoằng Nghĩa là con trai một của ông Hương chủ làng Bình Thới (địa phương hiện nay chùa Giác Viên), tên tục của thầy là Trần Văn Phòng. Thuở ấy, con trai của vị Hương chủ trong làng lại giàu có, người trong làng coi như một công tử con quan, cho nên tuy cha mẹ cậu ép buộc cậu vào chùa tu dưỡng, nhưng thầy chỉ học kinh luật lấy lệ chứ không nghĩ gì đến tư cách của một nhà tu. Bởi vậy thầy vẫn lén thầy và cha mẹ đi ngao du với bạn cũ ngoài đời. Những cuộc vui chơi nào không nhiều thì ít thầy vẫn tham dự, nhất là những cuộc liên hoan, thì thầy lãnh được bài nhì, và ngày thầy Như Nhu quy tịch thì thầy đã vâng lời cha mẹ sắp đi cưới vợ.

Nhưng khi Tổ Minh Khiêm giao phó trách nhiệm gánh vác chùa Giác Viên, thì thầy nhóm họp bạn bè tại nhà cha mẹ, làm bữa tiệc liên hoan và tuyên bố từ giã bạn bè, và qua ngày sau thầy gởi thư từ hôn.

Bắt đầu từ ngày lãnh trách nhiệm, thầy thay đổi lần sự sinh hoạt trong chùa. Thầy xây tháp và tạo bài vị thờ thầy Như Nhu, bắt buộc Tăng Ni trong chùa phải ăn mặc nâu sồng theo phép của người ở chùa, ai vi phạm thì bị xuất chúng. Trong ba Rằm lớn, Tăng Ni trong chùa mỗi người phải tùy hỷ ít nhiều đóng góp tiền bạc để bố thí cho hành khất, phần thầy bao chót. Mỗi năm, sau ngày đưa chư Thiên, thầy sai làm 300 cái bánh qui thật to, để đem biếu cho bổn đạo (hiện nay khuôn bánh qui khổng lồ ấy đã sứt một chưn, còn cất ở kho tài vật chùa Giác Viên).

Bây giờ chi phái Lâm Tế dòng "Đạo Bổn Nguyên" của chùa Giác Lâm chỉ còn giữ chữ "Như" là thầy Như Phòng. Vì vậy sự tôn kính trong chi phái, thì thầy Như Phòng là sư thúc thầy Hồng Hưng. Thầy Hồng Hưng cảm thấy phải có một hình thể tôn ti, một sự liên hệ chặt chẽ của chi phái Giác Lâm, nên thầy chọn ngày mồng 3 tháng Chạp là ngày kỵ Tổ Viên Quang dùng làm ngày tảo tháp chư Tổ làm thông lệ hàng năm, thầy mời đông đủ chư sơn Chợ Lớn đến dự. Khi cúng ngọ thọ trai xong, thầy mời thầy Như Phòng ngồi thượng tọa, xong thầy quỳ xuống tách bạch giữa chư sơn là từ nay thầy giao quyền điều khiển chùa Giác Lâm cho sư ông Như Phòng, thầy chỉ thừa hành sự chỉ giáo của bổn sư thôi, và xin chọn ngày mồng 3 tháng Chạp làm ngày tảo tháp thường niên của chùa Giác Lâm.

Sư ông Như Phòng chấp nhận đề nghị này và thầy dạy: Đây hai chùa, hễ chùa nào còn người vai vế lớn thì chịu trách nhiệm lãnh đạo chung cho hai chùa, như khi tôi tịch thì Hồng Hưng vai sư huynh phải điều khiển Tăng chúng chùa Giác Viên.

Chư sơn thiền đức có mặt hôm đó tán dương và bằng lòng ghi nhớ ngày mồng 3 tháng Chạp, đến chùa Giác Lâm tảo tháp.

Năm Mậu Thân (1908), thầy Như Phòng đứng ra tu tạo sửa chữa các tòa chánh điện, giảng đường và hậu tổ chùa Giác Lâm. Thầy Như Phòng lo về vật liệu, còn phần kiến trúc và trang trí thì thầy Hồng Hưng chịu trách nhiệm. Sửa chữa Giác Lâm xong, Tổ quay về sửa chữa chùa Giác Viên. Chùa Giác Viên ngày nay được nguy nga đồ sộ phần lớn là do công đức của Tổ Như Phòng.

Đến năm Nhâm Tuất (1922), thầy Thạnh Đạo làm Hóa chủ kiêm Chủ kỳ, lập chúác thọ giới đàn tức trường kỳ tại chùa Giác Lâm, thỉnh Tổ Như Phòng làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Tục truyền, qua năm Quý Hợi (1923), một buổi sáng đầu năm có một bà lão đến chùa Giác Lâm xin gặp thầy Hồng Hưng. Khi được gặp thầy, bà lão chắp tay cung kính hỏi: - Bạch thầy, đây có phải chùa Cẩm Đệm không? Thầy Hồng Hưng đáp: - Phải. Bà lão nói tiếp: - Trong chùa có thầy nào là Hồng Hưng không? Thầy Hồng Hưng cười và nói: - Hồng Hưng là tôi đây, và thầy mời bà lão vào ghế ngồi uống nước. Sau đó bà lão mới nói: - Đêm qua tôi nằm chiêm bao thấy một vị Phật bảo tôi vào chùa Cẩm Đệm ở Phú Thọ hỏi cho gặp mặt thầy Hồng Hưng, cho thầy hay là phải mau mau ra lấy cốt xá lợi của Tổ Phật Ý nằm trong tháp gần Chợ Đũi đem về chùa Cẩm Đệm mà phụng thờ...

Thầy Hồng Hưng nghe bà lão nói như vậy, thầy sực nhớ lại có một năm Tổ Hoằng Ân có dặn thầy ra vườn Bờ-rô (nay là Công viên Tao Đàn) tảo tháp. Thầy vội cảm ơn bà lão và gởi tiền cho bà về xe, nhưng bà không nhận, bà chỉ nhà của bà và bà dặn thầy Hồng Hưng ra Chợ Đũi hỏi nhà bà, bà sẽ dẫn lại ngôi tháp Tổ Phật Ý đã hư hoại. Thầy Hồng Hưng đưa bà lão về rồi, thầy vội xuống Giác Viên cho sư ông Như Phòng biết sự việc, và cho mời các vị Hòa thượng, Yết ma, Giáo thọ ở Chợ Lớn, ngày sau họp ở chùa Giác Lâm, để cùng nhau đến Chợ Đũi tìm tháp Tổ Phật Ý.

Hôm sau khi tề tựu đông đủ, sư ông Như Phòng đến trước bàn Tổ quỳ và cầu nguyện Tổ Phật Ý hộ trì cho các đệ tử tiến hành công việc xin phép lấy cốt dễ dàng đem về chùa Giác Lâm xây tháp cúng dường.

Khi ra Chợ Đũi đến nhà bà lão, bà rất vui mừng và hướng dẫn các thầy đến tận ngôi tháp của Tổ Phật Ý. Các thầy cùng nhau quét dọn quanh tháp sạch sẽ rồi lên nhang đèn làm lễ tháp. Bỗng có chiếc xe hơi chạy ngang qua đó rồi ngừng lại ngang hông tháp. Trên xe bước xuống một người Việt Nam và một người Ấn. Người Ấn hỏi người Việt mấy câu bằng tiếng Ấn và người Việt thông ngôn lại: - Quý thầy làm gì ở đây? - Thầy Hồng Hưng nói rõ lý do tụ họp làm lễ...

Khi người Ấn được thông ngôn cho biết là muốn lấy cốt ở ngôi tháp này, thì người Ấn nói rằng: - Tôi làm ở Xã Tây, để tôi lãnh phần xin phép lấy cốt. Trong ba ngày nữa sẽ có giấy phép mang đến tận chùa Giác Lâm. Quả nhiên ba ngày sau, thầy Hồng Hưng tiếp được giấy phép, thầy bèn cho thầy Như Phòng hay và thầy lãnh trách nhiệm lấy cốt Tổ Phật Ý đem về chùa Giác Lâm.

Hiện nay, bao nhiêu bửu tháp của các vị Tổ sư chi phái Lâm Tế nằm bên trong chùa Giác Lâm, mà ngôi tháp của Tổ Phật Ý nằm gần bìa, là vì Tổ Tông xây trước ở giữa rồi Tổ Viên Giác, Tổ Minh Khiêm, đến khi đem xá lợi Tổ Phật Ý về đành phải nằm vậy.

Tổ Phật Ý là người đem chi phái Lâm Tế dòng Đạo Bổn Nguyên vào miền Nam trước tiên, và Tổ là người khai sơn chùa Sắc tứ Từ Ân. Đáng lẽ sau này gọi là chùa "Tổ đình" thì phải gọi chùa Từ Ân mới phải, nhưng từ ngày chùa Giác Lâm đem xá lợi Tổ Phật Ý về xây tháp cúng dường, thì từ đó chư sơn đều gọi chùa Giác Lâm là chùa Tổ đình, danh từ chùa Tổ đình tại miền Nam trong văn ý nhà chùa mới có từ đây.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]