Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một Số Nét Đặc Thù Của Phật Giáo Nam Bộ

23/04/201317:50(Xem: 13760)
Một Số Nét Đặc Thù Của Phật Giáo Nam Bộ

Pagoda_1
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Một Số Nét Đặc Thù Của Phật Giáo Nam Bộ


Thích Tâm Thiện


Như chúng ta đã biết, lấy mốc thời gian từ mùa Xuân năm Mậu Dần 1698, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn mở cuộc Nam tiến để mở rộng đất đai, đồng thời thiết lập một nền hành chính mới trên vùng đất phía Nam, đặc biệt tại Gia Định-Sài Gòn; và tính cho đến nay, cũng mùa Xuân Mậu Dần 1998, là vừa tròn 300 năm. Tuy nhiên, nếu nói rộng ra cho toàn vùng Nam Bộ, thì phải kể đến sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài trong cuộc "Trịnh-Nguyễn phân tranh" lấy sông Gianh làm ranh giới, vào thế kỷ thứ XIII. Đây là cột mốc quan trọng ảnh hưởng đến tính chất lịch sử của Phật giáo (PG) Đàng Trong nói chung và Nam Bộ nói riêng. Và cũng từ đó, có thể tìm lại những nét đặc thù của PG Nam Bộ trên phạm vi rộng và PG Gia Định-Sài Gòn trên phạm vi hẹp. Vì thế ở đây, chúng tôi xin trình bày sự phát triển của PG Nam Bộ qua một số nét cơ bản như sau:

1. Địa lý

Về mặt địa lý, Nam Bộ là một vùng đất lớn, bao gồm các vùng: Đông Nam Bộ, Gia Định-Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất vừa hoang vu, nhiều thú dữ, nhiều thiên tai, nhiều kênh rạch, vùng nhiệt đới gió mùa nhưng lại vừa là vùng đất có những cánh đồng bát ngát, màu mỡ, phì nhiêu, sông nước bao la, cảnh vật hữu tình, thơ mộng. Vì lẽ đó, trong gần bốn thế kỷ: XVII, XVIII, XIX và XX, Nam Bộ - một vùng đất đầy hứa hẹn, đã đón tiếp nhiều thành phần dân cư khác nhau, từ nhiều hướng khác nhau và thời gian khác nhau. Như một sự tất yếu, khi con người đi đến đâu, cố nhiên họ cũng mang theo những tập quán, phong tục, tín ngưỡng và tôn giáo của mình đi đến đó. Đây là một trong những điểm chung nhất về sự du nhập và tiếp biến văn hóa và tôn giáo của toàn thể nhân loại. Từ chi tiết này, cho thấy rằng yếu tố văn hóa tôn giáo của vùng đất Nam Bộ luôn luôn mang tính cách tổng hợp và dung hòa. Điều này là một điểm nổi bật trong suốt quá trình du nhập và phát triển của PG đối với tất cả các nước khác trên thế giới; nó mang tính cách "y tha khởi" ở mọi lúc, mọi nơi mà phần sau chúng ta sẽ bàn đến.

2. Sự du nhập của Phật giáo

Vốn là một nguồn văn hóa vừa vật thể và vừa phi vật thể, PG đã lặng lẽ cùng với niềm tôn kính của con người, đi vào vùng đất mới - Nam Bộ. Ở đây, có thể khái quát hóa một số hướng du nhập của PG như sau:

Trước hết phải đề cập đến hướng du nhập từ Thuận-Quảng, từ khoảng thế kỷ thứ XVII về sau, PG đã được các nhà sư người Việt và người Hoa cùng với những đoàn di dân khai phá vùng đất mới truyền vào phía Nam. Một số các ngôi chùa được sử liệu ghi lại, hoặc trên văn bản hoặc bằng di tích, như các chùa Đại Giác, Long Thiền (Đồng Nai), Kim Chương, Từ Ân, Khải Tường (Gia Định). Các ngôi chùa này đều do các Thiền sư từ miền Trung vào khai sơn, dựng lập. Kế đó, là một số các Thiền sư và tướng lĩnh (như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch...) người Trung Hoa, theo đường thủy trực tiếp truyền bá PG vào các vùng phía Nam như Gia Định, Đồng Nai và Tây Nam Bộ như Mỹ Tho, Cai Lậy, Hà Tiên... (1), và sau cùng là hướng du nhập từ Campuchia - tức PG Nam truyền, do ngài Hộ Tông (2) truyền vào.

Từ những hướng dẫn trên, có thể nói rằng PG Nam Bộ ngay từ buổi đầu đã mang nhiều màu sắc và hình ảnh phong phú, đa dạng trong cùng một chủ thể mang tên là PG. Đây là điểm vừa tương đồng nếu so sánh với quá trình du nhập của PG vào Việt Nam, và vừa dị biệt nếu so với quá trình du nhập PG vào các miền của đất nước như miền Bắc và miền Trung. Tất nhiên, bên cạnh đó, có những điểm đặc thù cá biệt về sự phát triển của Phật giáo Nam Bộ mà PG miền Bắc và miền Trung không hề có. Điều này sẽ được bàn đến ở phần kế tiếp.

3. Phật giáo Nam Bộ - một tổng thể thống nhất và đa thù

Như đã đề cập ngay từ đầu, PG Nam Bộ vốn mang trong nó một sự dung hòa và tiếp biến lẫn nhau từ những "thực thể văn hóa" khác biệt do các nhóm dân cư khác biệt ngay từ khi du nhập vào buổi đầu. Vì lẽ đó, nói đến PG Nam Bộ là nói đến một tổng thể thống nhất và đa thù. Thống nhất là sự chung cùng một tín ngưỡng, cùng một niềm tin tôn thờ Phật pháp. Đa thù là sự biểu hiện khác nhau về hình thức trên các lĩnh vực phong tục, tập quán và văn hóa cộng đồng. Nói một cách cụ thể, vùng đất Nam Bộ có nhiều dân tộc cư trú, trong đó nổi bật nhất là người Việt, người Hoa, người Khơmer, người Chăm v.v.. Từ đó, mỗi dân tộc đều tôn thờ Phật pháp theo truyền thống của họ. Chẳng hạn, người Hoa, người Việt và Chăm thì ảnh hưởng sâu đậm PG Đại thừa; trái lại, người Khmer thì ảnh hưởng thuần túy PG Nam truyền. Điều này không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà nó còn liên hệ chặt chẽ đến cấu trúc địa lý và ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Do đó, từ thế kỷ XVII đến XIX, PG Nam Bộ đã hình thành nên một ngôi nhà PG với đầy đủ cả hai hệ thống Nam truyền và Bắc truyền. Đến những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số hệ phái PG mới được ra đời như hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng năm 1943 tại Vĩnh Long, và giáo phái PG Hòa Hảo do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập năm 1939 tại làng Hòa Hỏa (Châu Đốc)... Tuy nhiên, trên thực tế, PG Hòa Hảo mang nhiều màu sắc "tín ngưỡng dân gian" hoặc là "phong trào tín ngưỡng" hơn là một tôn giáo chính thống, mặc dù cũng thực hành các hình thức tín ngưỡng tương tự như một bộ phận tín đồ PG. Trong hai hệ phái và giáo phái mới này, như chúng ta biết, cho đến ngày nay chỉ có hệ phái Khất sĩ là phát triển hơn hết, đồng thời cũng là một bộ phận của Giáo hội PG Việt Nam hiện nay. Vì thế, ngày nay PG Nam Bộ là một tổng thể bao gồm 3 thành phần chính là PG Nam truyền (Nam tông), PG Bắc truyền (Bắc tông) và hệ phái Khất sĩ. Đây là điểm đặc thù trong quá trình hình thành của PG Nam Bộ.

4. Các dòng thiền du nhập và lưu hành trên đất Nam Bộ

Nói đến các dòng Thiền là nói đến sự truyền bá chánh pháp theo một thứ bậc tôn tin trật tự: thầy truyền pháp cho đệ tử, rồi đệ tử lại tiếp tục truyền lại cho đệ tử nữa v.v.. Cứ như thế, chánh pháp được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà điểm khởi đầu là đức Phật phú pháp cho vị Tổ thứ nhất - Ma Ha Ca Diếp. Từ đó, trải qua 28 vị Tổ người Ấn Độ cho đến 6 vị Tổ người Trung Hoa, vị Tổ cuối cùng là ngài Huệ Năng. Từ đời của Tổ Huệ Năng, do chấm dứt sự "truyền thừa tâm ấn" nên đã phát sinh thành 5 tông phái gọi là "Nhất chi khai ngũ diệp" (một cành sinh năm lá) bao gồm 5 tông là Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn và Qui Ngưỡng. Do đó, nếu xét về sự du nhập các dòng Thiền Trung Hoa vào Việt Nam (xin nhắc lại là sự du nhập các dòng thiền, chứ không phải là sự du nhập PG nói chung) thì chỉ có hai dòng Thiền Trung Hoa được truyền bá sâu rộng tại Việt Nam, đó là dòng Lâm Tế và dòng Tào Động. Cũng tương tự như thế, đối với PG Đàng Trong nói chung và Nam Bộ nói riêng, dòng Lâm Tế và dòng Tào Động được truyền bá sâu rộng. Nhất là dòng Lâm Tế đã có sự phát triển mạnh, có thể nói là một lần nữa "nhất chi khai ngũ diệp" ở Đàng Trong. Vì từ dòng Lâm Tế Trung Hoa, sau khi truyền vào Việt Nam và về sau lại phát sinh thành 5 chi phái.

* Thứ nhất: Dòng LÂM TẾ TỔ ĐẠO

Kệ truyền thừa là:

Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứáng Viên Thông
Hành Siêu Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chân Không

Đây là dòng thiền kệ chính được truyền vào Nam Bộ, do ngài Tổ Định, hiệu Phổ Trì, dòng Lâm Tế thứ 2, ở tại Phước Kiến, núi Tuyết Phong, truyền thừa.

* Thứ hai: Dòng ĐẠO BỔN NGUYÊN

Kệ truyền thừa là:

Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Ư Cảo (Hồng) Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguỵên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền.

Dòng kệ này do ngài Đạo Mẫn-Mộc Trần (pháp danh Thông Thiên-Hoằng Giác), chi phái Lâm Tế đời thứ 31, truyền thừa.

* Thứ ba: Dòng LIỄU QUÁN

Kệ truyền thừa là:

"Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ phong
Giới Định Phước Huệ, Thể Dụng Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả, Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý, Diễn Xướng Chánh Tông
Hạnh Giải Tương Ưng, Đạt Ngộ Chơn Không"

Đây là dòng thiền kệ chính truyền ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, do Tổ Liễu Quán (1670-1742), người Phú Yên, truyền thừa.

* Thứ tư: Dòng CHÚC THÁNH

Kệ truyền thừa là:

"Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tự Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tiên
Tổ Đạo Hạnh Giải Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung"

Dòng kệ này được lưu xuất từ chùa Chúc Thánh (Quảng Nam-Đà Nẵng) do Thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo, người Phúc Kiến, qua Việt Nam hành và truyền đạo.

* Thứ năm: Đối với cộng đồng Tăng sĩ người Hoa, đa số cũng thuộc dòng Lâm Tế, nhưng theo thiền kệ của ngài

Trí Thắng-Bích Dung:
Kệ truyền thừa là:

"Trí Huệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh
Chơn Như Tánh Hải, Tịch Chiếu Phổ Thông
Tâm Nguyên Quảng Lục, Bổn Giác Xương Long
Năng Nhơn Thánh Quả, Thường Diễn Khoan Hoằng
Duy Truyền Pháp Âën, Chánh Ngộ Hội Dung
Kiên Trì Giới Hạnh, Vĩnh Kế Tổ Tông"

Trên đây là năm dòng thiền kệ chính của tông Lâm Tế được truyền thừa tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tây Nam Bộ. Ba dòng thiền kệ đầu là do các Thiền sư Trung Hoa truyền thừa; riêng dòng kệ Thiệt Diệu Liễu Quán là do Thiền sư Việt Nam truyền thừa.

Riêng về tông Tào Động, chỉ thấy lưu bố một bài thiền kệ của ngài Thiền sư Tuệ Kinh, đời thứ 31, ở huyện Thọ Xương, tỉnh Giang Tây (Trung Hoa), còn gọi là "Thọ Xương pháp phái":

"Tuệ Nguyên Đạo Đại Hưng, Pháp Giới Nhất Đĩnh Tân
Thông Thiên Kiêm Triệt Địa, Diệu Cổ Phục Đằng Kim
Kim Nhật Thiền Tông Chấn, Hoằng Khai Động Thượng truyền
Chánh Trung Diệu Hiệp Chỉ, Hư Dung Độc Chiếu Viên"

Dòng thiền kệ này được phổ biến trong hàng Tăng sĩ và chùa chiền của người Hoa. Tuy nhiên, nó cũng là một trong những dòng thiền kệ chính được truyền thừa ở Nam Bộ. Ngày nay, các chùa Phụng Sơn (quận 11), Thảo Đường (quận 6)... và một số các chùa người Hoa đều thuộc dòng thiền phái này.

5. Một số các Thiền sư đầu tiên ở Đàng Trong và Nam Bộ

Theo các nguồn sử liệu, chúng ta có thể biết một số vị Thiền sư đầu tiên truyền bá Phật pháp vào các tỉnh Đàng Trong và Nam Bộ, đại khái như sau:

* Thiền sư NGUYÊN THIỀU, ngài họ Tạ, pháp tự Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, đồ đệ của HT Khoáng Viên, chùa Báo Tư. Ngài sang Đại Việt vào 1665, đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ngài là người lập chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định), Hà Trung (Thuận Hóa), Quốc Ân (Huế) và tháp Phổ Đồng (Huế). Các Hòa thượng (HT) đệ tử của Ngài là Thành Đẳng, Thành Nhạc; và đệ tử của Thành Đẳng là Phật Ý, người từ Biên Hòa vào Gia Định để truyền đạo.

* Quốc sư HƯNG LIÊN, thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), người xây dựng chùa Tam Thai (Quảng Nam). Chùa bị hủy diệt bởi chiến tranh vào thế kỷ thứ XVIII, và được trùng tu vào năm 1825, đời vua Minh Mạng.

* Thiền sư THẠCH LIÊM (tông Tào Động), là một trong những người đầu tiên truyền đạo ở Đàng Trong (Thuận Hóa) theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu (1725-1738). Ngài đã tổ chức Đại giới đàn Thiền Lâm từ mùng 1 đến 12 tháng 4 năm Ất Hợi 1695. Thiền sư Liễu Quán từ Phú Yên ra thọ Sa di tại giới đàn này. Chúa Nguyễn Phúc Chu, pháp danh Hưng Long, nối dòng Tào Động đời thứ 30, đã hết lòng hộ trì chánh pháp và Thiền sư Thạch Liêm.

* Thiền sư LIỄU THÔNG, pháp danh Chân Giác, thế danh Huỳnh Đậu, sinh năm 1753 tại Thanh Hóa, đã vào Gia Định, vùng đất Cây Mai, lập Phụng Sơn am (nay là chùa Phụng Sơn) để hành đạo.

* Thiền sư VIÊN QUANG, đệ tử của Tổ Linh Nhạc (Bình Định), pháp danh Nguyên Thiều, trụ trì chùa Tập Phước được xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông là bạn thân và hướng đạo sư của Tổng trấn Gia Định Trịnh Hoài Đức.

* Thiền sư ĐẠO THÔNG, pháp danh Nguyên Quán, sinh ở Long Thành, Gò Công, đệ tử của Thiền sư Vô Tri. Ông là người trùng tu chùa Long Hoa, được sắc tứ dưới thời vua Gia Long.

Các Thiền sư nổi tiếng người Trung Hoa sang truyền đạo ở Đàng Trong thường được nhắc đến là ngài Bổn Kiểu và Nguyên Thiều (dòng Lâm Tế), và các Thiền sư người Việt như: Thành Đẳng, Thành Chí, Thành Nhạc, Phật Ý, Tổ Tông-Viên Quang... đây là các Thiền sư đầu tiên truyền giáo ở Đàng Trong và Nam Bộ.

6. Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, một trung tâm phát triển của các phong trào chấn hưng PG và là một trung tâm văn hóa PG thịnh hành nhất của cả nước ở thế kỷ XX

Như chúng ta đã biết, từ nửa sau thế kỷ thứ XVII về sau, sau khi Gia Định được thành lập, một số các chùa đã được xây dựng với kiến trúc hoàn chỉnh như: chùa Kim Chương (1755), chùa Giác Lâm (1746), và tiếp theo sau, dưới các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, các chùa được xây dựng và được sắc tứ như Long Huê, Tập Phước, Từ Ân, Khải Tường, Pháp Vũ, Huệ Lâm (triều Khải Định) v.v.. Điều đó cho thấy rằng PG đang trên đà phát triển mạnh dưới sự hoằng truyền của các vị Tổ như: Phật Ý, Phật Chiếu, Viên Quang, Trí Tâm, Hải Tịnh, Mnh Khiêm, Đạt Bổn v.v... Rồi đến những năm Pháp xâm lược Nam Kỳ, thì cũng chính tại đây - tức Gia Định-Sài Gòn - lại là trung tâm phát triển các phong trào kháng chiến. Lúc bấy giờ, một số các ngôi già lam cổ tự là căn cứ hoạt động cách mạng và cũng là nơi bắt nguồn quan hệ của các phong trào cách mạng với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là lý do tại sao một số các chùa cổ bị Pháp hủy diệt.

Tiếp đến những năm đầu thế kỷ XX, cũng tại Gia Định là trung tâm dấy lên các phong trào chấn hưng PG theo xu thế mới của các nước Phật giáo láng giềng, mà những vị danh tăng thời đó là các HT như Khánh Hòa, Thiện Chiếu, Khánh Anh, Huệ Quang... là những vị tiên phong trong việc chấn hưng PG Việt Nam. Đến năm 1931, lần đầu tiên trong cả nước, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đã ra đời như một chất xúc tác cực mạnh để từ đó nở rộ các hội đoàn Phật học tại các tỉnh miền Trung, miền Tây và miền Bắc. Cũng trong phong trào này, các tờ báo PG tại Gia Định đua nhau ra đời, như tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên, Pháp Âm, Từ Bi Âm, Từ Quang Phật học, Tự Giác... rồi sau đó là các tạp chí như Tịnh Độ, Phật giáo Việt Nam, Hải Triều Âm, Thiện Mỹ, Vạn Hạnh... (và cho đến ngày nay có các tờ Giác Ngộ, nguyệt san Giác Ngộ, Tập văn của Ban Văn hóa Trung ương).

Đến năm 1963, Sài Gòn còn là trung tâm của các phong trào chống chế độ Ngô Đình Diệm độc tài, đàn áp Phật giáo, và đỉnh cao của nó là ngọn lửa "vị pháp thiêu thân" của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã bừng cháy giữa lòng thành phố. Mãi cho đến năm 1975, Ban Liên lạc PG Yêu nước ra đời, và sau đó là Ban Vận động Thống nhất PG Việt Nam được thành lập năm 1980. Cho đến ngày 4 - 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Hội nghị đại biểu Thống nhất PG Việt Nam ra đời và đã khai sinh Giáo hội PG Việt Nam bao gồm 9 hội đoàn PG.

Từ những trưng dẫn trên cho thấy rằng, Gia Định-Sài Gòn quả là một chấm son sáng chói trên bản đồ Việt Nam và là một trang sử hào hùng của PG Việt Nam gắn liền với lịch sử quê hương, đất nước và dân tộc Việt Nam.

7. Kết luận và kiến nghị

Qua một số nét đặc thù như vừa đề cập ở trên, chúng ta thấy rằng PG tại Nam Bộ nói chung và Gia Định-Sài Gòn nói riêng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền bá chánh pháp của Đức Như Lai. Đặc biệt là trong các phong trào như: chấn hưng PG ở những thập niên 30, phong trào đấu tranh chống chế độ Diệm độc tài, đàn áp PG ở những năm của thập niên 60, và các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ dai dẳng, PG Nam Bộ đã tích cực tham gia cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, mưu cầu độc lập, tự do, thanh bình, hạnh phúc cho đất nước và dân tộc.

Bên cạnh đó, phải nói đến PG Nam Bộ ở những năm cuối cùng của thế kỷ XX, nhất là PG TP Hồ Chí Minh, đây là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, chi phối và ảnh hưởng trực tiếp đến tận các vùng miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Kể từ khi Giáo hội PG Việt Nam ra đời (1981), trải qua hơn 3 nhiệm kỳ, cùng với tình hình phát triển chung của đất nước, PG đã phát triển lên đến đỉnh cao qua các mặt giáo dục, hoằng pháp, đào tạo Tăng Ni, văn hóa, tu sửa và xây dựng các tự viện, đặc biệt là Đại tạng kinh Việt Nam đã từng bước xuất hiện. Tất cả những hoạt động Phật sự trên, có thể nói TP Hồ Chí Minh là trung tâm phát triển nhất trong cả nước. Điều đó khẳng định một niềm tự hào cho chúng ta, mà trước đây gần 300 năm, các vị Tổ sư đầu tiên truyền bá PG vào Nam Bộ đã "trạch đắc long xà địa khả cư".

Với một vài nét đặc thù của PG Nam Bộ nói chung và Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh nói riêng, để từ đó chúng ta ôn lại các giá trị truyền thống và giá trị lịch sử mà nó luôn luôn gắn liền với đạo pháp, quê hương và dân tộc, đó là giá trị của lịch sử-văn hóa và văn minh tôn giáo, những giá trị mang tính cách bất biến và vĩnh hằng. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế, một số danh lam cổ tự đang bị xuống cấp, một số di vật lịch sử như tượng hình chư Phật, Bồ Tát, La Hán... đang bị biến thái bởi sự bảo quản "một cách dân gian quá đáng", hoặc bị mất mát... và một số vấn đề tiêu cực khác nữa v.v.. Từ đó, chúng tôi xin kiến nghị lên Ban Trị sự Thành hội PG TP Hồ Chí Minh nên sớm có kế hoạch xây dựng một "Viện Bảo tàng Văn hóa PG Gia Định-Sài Gòn" với một tầm vóc quy mô, hiện đại. Điều đó, một mặt vừa bảo tồn các di vật khảo cổ, các hiện vật lịch sử của PG, lại vừa là trung tâm văn hóa PG của thành phố, để đưa vào tổ chức các hoạt động thuần túy văn hóa của PG.

300 năm quả là một thời gian ngắn ngủi nếu so vớái chiều dài lịch sử của dân tộc, nhưng 300 năm lịch sử của một vùng đất, của một thành phố đã đem lại cho bao thế hệ những giá trị tinh thần, những giá trị văn hóa, và nhất là những giá trị của tinh thần PG đã góp phần đem lại cho con người một đời sống an lạc, hạnh phúc thực thụ.«




Sách tham khảo:

1. Trần Văn Giàu (chủ biên), Địa chí văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1987 (tập 1).
2. Nguyễn Lang, Việt Nam PG sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984 (tập II và III).
3. Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường, Sài Gòn-Gia Định xưa, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1997.
4. Trần Hồng Liên, Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến 1975), Nxb Khoa học Xã hội, TP HCM, 1995.
(1) Như chùa Tam Bảo (Hà Tiên) và một số các chùa cổ ở Mỹ Tho, Cai Lậy, Đồng Nai... đều do các vị sư Trung Hoa xây dựng.
(2) Ngài Hộ Tông, thế danh Lê Văn Giảng, người trực tiếp đưa PG Nam tông từ Campuchia vào Nam Bộ và xây dựng chùa Bửu Quang tại Gò Dưa (Thủ Đức) năm 1939. Đây là ngôi chùa Nam tông Việt Nam đầu tiên ở Nam Bộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]