Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bhikkhunīvibhaṅga (Phân Tích Giới Tỷ-Kheo Ni)

18/04/201318:09(Xem: 9694)
Bhikkhunīvibhaṅga (Phân Tích Giới Tỷ-Kheo Ni)

Tạng Luật
Vinayapitaka

Phân Tích Giới Tỷ-Kheo Ni
(Bhikkhunivibhanga)

Tỳ kheo Indacanda Nguyệt Thiêndịch
---o0o---

* * *

Phần Giới Thiệu

Bộ Phân Tích Giới Tỷ-Kheo Ni (Bhikkhunīvibhaṅga) là bộ thứ hai thuộc về Suttavibhaṅga của Tạng Luật (Vinayapiṭaka), bộ thứ nhất là bộ Phân Tích Giới Tỷ-Kheo (Bhikkhuvibhaṅga hay Mahāvibhaṅga).

Tổng cộng điều học của các tỷ-kheo ni gồm có 311 điều được phân chia như sau:

1/- 8 Pārājika (Bất cộng trụ)
2/- 17 Saṅghādisesa (Tăng tàng)
3/- 30 Nissaggiya Pācittiya (Ưng xả đối trị)
4/- 166 Pācittiya (Ưng đối trị)
5/- 8 Pāṭidesanīya (Ưng phát lộ)
6/- 75 Sekhiya (Ưng học pháp)
7/- 7 Adhikaraṇasamathā Dhammā (Pháp dàn xếp tranh tụng).

Tuy nhiên chỉ có những điều học được quy định riêng (asādhāraṇapaññatti) được trình bày trong bộ này, còn những điều quy định chung cho tỷ-kheo và tỷ-kheo ni (sādhāraṇapaññatti) cần phải xem ở bộ Phân Tích Giới Tỷ-Kheo (Bhikkhuvibhaṅga). Ngài Buddhaghosa đã giúp chúng ta xác định những điều học cần phải thêm vào, tuy nhiên thứ tự các điều học được trình bày như thế nào không được ngài đề cập đến.

Sau khi hoàn tất phần nghiên cứu tài liệu này, chúng tôi có lưu ý một số vấn đề như sau:

1/- Tỷ-kheo ni không có phần giới Bất định (Aniyata). Tỷ-kheo và tỷ-kheo ni đều có 30 điều Ưng xả đối trị nhưng có một số điều khác nhau, 75 điều Ưng học pháp và 7 Pháp dàn xếp tranh tụng hoàn toàn giống nhau.

2/- Đức Phật quy định các điều học cho các tỷ-kheo ni thông qua các tỷ-kheo. Mỗi khi có sự việc sanh khởi, các tỷ-kheo ni đã kể lại sự việc cho các tỷ-kheo rồi các tỷ-kheo mới trình lên đức Phật. Khi đức Phật quy định điều học, ngài cũng quy định gián tiếp qua các tỷ-kheo: "... Và này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni hãy phổ biến điều học này ..." Trong các câu chuyện ở Tạng Luật, dường như chỉ có bà Mahāpajāpati Gotamī là chủ động thưa chuyện cùng đức Phật, còn các tỷ-kheo ni chỉ lắng nghe và trả lời mỗi khi đức Phật hỏi đến.

3/- Các tỷ-kheo ni khi đến với đức Phật đều đứng cho dù nghe Pháp. Điều này được ghi nhận ở các đoạn văn "... rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên ..." Và khi từ giã đức Phật, chỉ có phần mô tả việc các tỷ-kheo ni đảnh lễ đức Phật, hướng vai phải nhiễu quanh và ra đi, không có đoạn "... từ chỗ ngồi đứng dậy ..." Đối với các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni cần phải xin phép trước khi ngồi xuống ở phía trước (Ưng đối trị điều 94).

4/- Tội quy định cho tỷ-kheo thường được giảm nhẹ so với các tỷ-kheo ni trong khi cả hai đều thực hiện hành động phạm tội giống nhau. Ví dụ như việc che giấu tội pārājika của vị khác, tỷ-kheo phạm pācittiya (Ưng đối trị điều 64) tỷ-kheo ni lại phạm pārājika (Bất cộng trụ điều 2), hoặc vị xu hướng theo tà kiến và vẫn không dứt bỏ sau khi được nhắc nhở, tỷ-kheo phạm pācittiya (Ưng đối trị điều 68) còn tỷ-kheo ni phạm pārājika (Bất cộng trụ điều 3), v.v...

5/- Vấn đề xuất gia cho người nữ có phần phức tạp hơn, ví dụ như ni sư tế độ phải 12 năm thâm niên (so với tỷ-kheo chỉ 10 năm), mỗi năm chỉ có thể cho tu lên bậc trên 1 nữ đệ tử (không thấy quy định cho tỷ-kheo). Sau khi cho tu lên bậc trên xong, cần phải di chuyển vị tân tỷ-kheo ni đi xa để tránh trường hợp người chồng bắt lại (Ưng đối trị điều 70).

6/- Về phần giới tử ni muốn tu lên bậc trên phải có sự cho phép của cha mẹ và người chồng (đã xuất giá vẫn còn lệ thuộc vào cha mẹ), phải tròn đủ hai mươi tuổi, đã thực hành sáu pháp trong hai năm, và sự truyền pháp tu lên bậc trên cần được tiến hành lần lượt ở cả hai hội chúng. Giới tử ni được chia làm hai hạng: Kumārībhūtā có thể hiểu là hạng người nữ chưa có sự tiếp xúc thể xác với người nam và hạng thứ nhì là Gihigatā (nghĩa là người nữ đã đi đến nhà) được dịch là người nữ đã kết hôn; ở phần giải nghĩa từ ngữ ghi là người nữ đã đi đến ở giữa (những) người nam (lối nói bóng bẩy của sự tiếp xúc thể xác với người nam). Đối với người nữ gihigatā chưa đủ 12 năm (ūnadvādasavassā), nếu cho tu lên bậc trên thì phạm tội pācittiya (Ưng đối trị điều 65). Nên hiểu như th��� nào về việc chưa đủ 12 năm? Học giả I.B. Horner lý luận lòng vòng về vấn đề này: Là kém 12 tuổi? Hay kết hôn chưa đủ 12 năm? Lời giải thích của ngài Buddhaghosa cũng không soi sáng được vấn đề. Chúng tôi đã suy nghĩ về lời giải thích của đức Phật về lý do không thể cho tu lên bậc trên hạng người nữ này khi chưa đủ 12 năm "không có khả năng chịu đựng sự lạnh, sự nóng, ..." và hiểu theo nghĩa đơn giản của lời giải nghĩa từ ngữ ở trên: người nữ "có sự tiếp xúc thể xác với người nam" khi bản thân chưa đủ 12 tuổi. Do thể chất và tâm lý của người nữ vào lứa tuổi ấy chưa được chuẩn bị đầy đủ nên việc người nam xâm phạm tiết hạnh sẽ gây ra những tác hại về tâm sinh lý khiến khả năng chịu đựng của hạng người nữ ấy bị kém đi (Dịch giả I.B. Horner còn cho biết ở Ấn Độ có những vùng có tập tục cưới gả các cô gái lúc còn 8 tuổi).

7/- Tỷ-kheo ni cũng được 2 điều giảm nhẹ là chỉ hầu cận ni sư tế độ 2 năm trong khi tỷ-kheo tối thiểu phải 5 năm hoặc hơn và tỷ-kheo ni không phải hành parivāsa khi phạm tội saṅghādisesa (Tăng tàng), bù lại phải thực hành mānatta 2 tuần ở cả hai hội chúng (tỷ-kheo phải hành parivāsa tùy theo số ngày che giấu và 6 đêm mānatta). Phải chăng điều này chứng tỏ bản chất người nữ không biết giấu diếm tội của bản thân nên hành phạt parivāsa không cần thiết?

8/- Xã hội Ấn Độ thời đó có vẻ rất nguy hiểm đối với nữ giới qua những sự việc bất trắc xảy ra cho các tỷ-kheo ni đi riêng lẻ hay nhóm.

9/- Vấn đề thâu hồi Kaṭhina lại được tìm thấy ở bộ Luật này (điều ưng đối trị 30, [253]) thay vì được kết tập ở chương Kaṭhina (Đại Phẩm – Mahāvaggatập 2, chương VII Kaṭhinakkhandhakaṃ).

Chúng tôi chỉ liệt kê một số vấn đề nổi bật đã được đánh dấu trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, chúng tôi còn có các thắc mắc như sau:

1/- Phải chăng bộ Luật chúng ta đang nghiên cứu ở đây đã được rút gọn lại? Hay nói cách khác, phải chăng có một bộ Luật được kết tập đầy đủ cho tỷ-kheo ni để tiện việc học tập? Theo Đại Phẩm - Mahāvaṃsatập 1, chương II, [201], vào ngày lễ Uposatha các tỷ-kheo không được đọc tụng giới bổn Pātimokkha khi có sự hiện diện của vị tỷ-kheo ni. Như thế, các tỷ-kheo ni đã đọc tụng riêng theo như ở lời mở đầu và kết thúc của mỗi phần giới, hoặc lời kết thúc giới bổn đã xác định. Ngoài ra, cần phải có sự chuyển đổi về văn tự ở các điều học đã được quy định chung, ví dụ ở điều pārājika thứ nhất phải đọc "yā pana bhikkhunī" thay vì đọc "yo pana bhikkhu," "antamaso tiracchānagatena" thay vì "antamaso tiracchānagatāya" v.v... cho thấy việc lưu truyền một bộ giới bổn đầy đủ của các tỷ-kheo ni là hợp lý. Nếu chấp nhận giả thiết như vậy, phải chăng bộ Luật của tỷ-kheo ni đã được rút gọn lại sau khi sự tồn tại của các tỷ-kheo ni không còn nữa? Vào thời gian nào?

2/- Ngoại trừ một số sinh hoạt của các tỷ-kheo ni qua các câu chuyện, chúng tôi vẫn không nghiệm ra được các hành sự của các tỷ-kheo ni đã được tiến hành như thế nào? Ví dụ như các tỷ-kheo ni tụng đọc giới bổn vào lúc nào trong ngày lễ Uposatha? Trước hay sau khi đi nghe giáo giới? Ni viện có xác định ranh giới (sīmā) riêng hay không? Nếu có, tự các tỷ-kheo ni sẽ thực hiện lấy hay cần phải có sự giúp đỡ của các tỷ-kheo? Trong lúc tìm hiểu cách giải quyết cho một số vấn đề, chúng tôi đã không tìm được lời giải thích của ngài Buddhaghosa hoặc lời giải thích không rõ ràng. Chúng tôi tự hỏi rằng: Phải chăng ngài đã không có sự tham khảo với các tỷ-kheo ni thời đó? Hay nói theo sự suy diễn là không còn sự sinh hoạt của tỷ-kheo ni vào thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên ở đảo Laṅkā?

Nếu xem xét kỷ lưỡng hai bộ Luật của tỷ-kheo và tỷ-kheo ni, chúng ta có thể tìm ra những sự khác biệt về tâm lý giữa hai giới tính đã được đức Phật nghiệm ra bằng sự tu chứng và giác ngộ của bản thân, trong khi hiện nay môn Tâm Lý Học phải tốn nhiều công sức với các sự nghiên cứu để tìm ra nguyên lý và áp dụng vào thực tế. Chúng tôi nghĩ rằng còn nhiều vấn đề lý thú khác mà bản thân chúng tôi đã bỏ sót hay không đủ khả năng để phát hiện.

* * *

Bản dịch Suttavibhaṅga của chúng tôi được thực hiện và trình bày theo văn bản Pali La tinh từ Compact Disk BUDSIR IV của trường đại học Mahidol ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Phần mục lục chúng tôi thực hiện theo các chữ số đánh dấu ở đầu mỗi vấn đề; trình bày theo cách này sẽ giúp quý vị tiết kiệm được thời gian trong việc xác định vấn đề cần tham khảo. Tuy đã nỗ lực tối đa nhưng chúng tôi biết rằng bản dịch này vẫn còn nhiều sai sót, rất mong nhận được những sự chỉ dạy và ý kiến đóng góp của quý vị. Xin email về: [email protected].

Xin chân thành ghi nhận công đức của Thượng Tọa Tiến Sĩ Bửu Chánh về đĩa CD Tam Tạng BUDSIR IV. Chúng tôi cũng xin tán dương công đức của Đại Đức Giác Hạnh về đĩa CD Tam Tạng Chaṭṭha Saṅgāyana, đồng thời đã cho mượn dài hạn các bản dịch tiếng Anh của Cô I. B. Horner. Đĩa CD Buddhasāsanā, quà biếu của Dr. Bình Anson, đã đóng góp phần công đức không nhỏ với hai bản dịch từ Hán tạng: Luật Tỳ-kheo ni, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang, và Luật Ma-ha Tăng-kỳ của Pháp sư Phật-đà Bạt-đà-la (Thích Phước Sơn dịch).

Chúng tôi cũng xin ghi nhận sự ủng hộ nhiệt tình của Đại Đức Hộ Phạm đã hy sinh nhiều thời gian cùng chúng tôi suy nghĩ để tìm ra phương thức giải quyết cho những điểm khó về văn phạm cũng như từ ngữ. Cũng cần nhắc đến các sự ủng hộ và lời động viên thăm hỏi của các vị: Ven. Chánh Minh, Ven. Cittānanda, Ven. Khánh Hỷ, Ven. Chánh Kiến, Dr. Bình Anson, bà Diệu Đài, anh Phạm Trọng Độ, đạo hữu Lương Xuân Lộc, chú Nguyễn Hữu Danh, gia đình Nguyễn Ngọc Vivian, gia đình Lê Thị Tích, cô Trần Liêng. Không có sự khích lệ của quý vị, bản dịch này không thể hoàn thành. Mong sao các ước nguyện của quý vị sẽ được thành tựu như ý và nhanh chóng y như việc chúng tôi đã hoàn tất bản dịch này.

Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì và chư Tỷ-kheo chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan đã bảo bọc và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc học tập và nghiên cứu Phật Pháp trong thời gian qua.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tiến hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.

Colombo, ngày 31 tháng 03 năm 2004
Bhikkhu Indacanda
(Trương đình Dũng)

---o0o---

Nguồn: www.budsas.org

Trình bày: Linh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]