Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

An Cư Kiết Hạ

11/07/201807:47(Xem: 8125)
An Cư Kiết Hạ

AN CƯ KIẾT HẠ CỦA CHƯ TĂNG NI XƯA VÀ NAY

Tưởng niệm ngày Đại tường Đức Trưởng lão thượng Như hạ Huệ
Đệ nhất Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan

 

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, hằng năm sau ngày Đại lễ Khánh Đản Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca vào Rằm tháng Tư âm lịch, chư Tăng Ni tập trung về một trú xứ để thực hành Yết ma kiết giới, đối thú ‘An cư kiết hạ’ tức kiết túc an cư trong ba tháng Hạ, cho đến hết ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, làm lễ tự tứ và giải hạ kết thúc mùa an cư. (Phật giáo Nam tông từ Rằm tháng Sáu đến Rằm tháng Chín). Điều này thể hiện tính linh hoạt, tùy duyên trong Phật giáo. Tùy theo thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu và điều kiện để tiến hành an cư, thời gian có sự sai khác nhưng nội dung và ý nghĩa an cư thì giống nhau.

Theo lịch sử Đức Phật thuộc hệ thống Nam truyền thì sau khi thành đạo dưới cây Tất bát la, Ngài chỗi dậy và đi lần về vườn Lộc Uyển nơi trước kia Ngài tu khổ hạnh cùng với 5 đệ tử, Đức Phật an cư kiết hạ (dừng chân trong mùa mưa) để giáo hóa chư đệ tử. Danh hiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật có từ thời đó và năm đệ tử đầu tiên của Ngài là: A Nhã Kiều Trần Như, Át Bệ, Bạt Đề, Ma Ha Câu Ly, Thập Lực Ca Diếp cùng an cư với Đức Phật.

Mùa an cư cuối cùng của Đức Thế Tôn là tại ngôi làng Beluva gần kinh thành Vesāli. Trong mùa Hạ này Ngài thị hiện trọng bệnh nhưng vẫn duy trì mạng quyền để tiếp tục công cuộc hoằng pháp độ sinh. Đức Thế Tôn nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại đây rồi tiếp tục du hành về nhiều nơi và cuối cùng là Kusinārā để viên tịch Niết-bàn, vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 544 trước Tây lịch cách đây 2562 năm.

Theo Đại Phẩm Luật Tạng, trong những năm đầu thiết lập Tăng đoàn (Saṅgha) Đức Phật chưa chế pháp an cư, thế rồi khi mùa mưa đến cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vô số côn trùng. Một số đạo sĩ các giáo phái khác họ cũng có quy định an trú trong mùa mưa để tránh giẫm đạp làm tổ̉n hại sinh mạng, thế nhưng chư Tăng đệ tử Phật vẫn tiếp tục du hành trong ba tháng mùa mưa.

Sự việc này đã khiến dân chúng và các giáo phái ngoại đạo kịch liệt chỉ trích: “Làm thế nào có thể những Sa-môn, con trai của dòng họ Thích Ca đi về trong mùa Đông, mùa Hè và cả trong mùa mưa, họ chà đạp xuống thảm cỏ xanh, làm bị thương, giết hại nhiều sinh vật?” Đến mùa mưa, chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa, các đệ tử Sa môn Cồ Đàm cứ đi mãi và giậm phải côn trùng”.(1) Sự kiện này được trình báo lên Đức Phật, thế rồi Ngài dùng huệ nhãn để quán xét và nhận thấy nhân duyên đã đến, nên ban hành pháp An cư Kiết vũ hằng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc. Ngài dạy: “Nay Tôi quy định, các Tỳ kheo phải kiết túc an cư trong ba tháng mùa mưa”. 2) Từ đó về sau truyền thống an cư được thực hiện đều đặn hằng năm trong Tăng đoàn và đã mang lại nhiều lợi lạc không chỉ cho hành giả an cư mà còn cho hàng Phật tử tại gia.

Pháp an cư Đức Phật là người đầu tiên chế định, Ngài đã tùy thuận theo truyền thống vốn có của xã hội Ấn Độ đương thời và áp dụng cho hàng đệ tử xuất gia của mình. Đức Phật đã phát huy tinh hoa của tư tưởng chiêm nghiệm tự tại vốn có từ lâu đời trong nếp sống tâm linh Ấn Độ. Đó là khi hành giả tạm dừng chân để suy niệm và nhìn lại chính mình trong quá trình hành hóa tâm linh. Hành giả trong bất cứ tôn giáo nào đều phải tự độ mình trước mới có đủ năng lực độ tha giúp người. Nề nếp sinh hoạt tâm linh truyền thống của Ấn Độ trong mùa An Cư (từ khoảng giữa tháng 6 đến tháng 9 âm lịch) không hẳn là vì lý do thời tiết hay vì lòng từ bi tế vật, sợ ra ngoài giẫm đạp lên côn trùng nhỏ bé trên đường theo khuynh hướng diễn giải qua Hán Tạng của Phật giáo Bắc truyền. Nguyên ủy sâu xa nhất vẫn là nhu cầu tịnh hóa gạn đục khơi trong dòng chảy của tư tưởng và tâm linh.

Tâm và ý của con người như những dòng sông trôi chảy và biến động không ngừng nên rất dễ bị hoàn cảnh lôi kéo và khuấy đục. Vì vậy mùa An Cư ở Ấn Độ và Á Đông chính là thời điểm sinh hóa phát tiết cao nhất trong năm. Thiên nhiên tạo vật tưng bừng sống dậy. Năng lực tự nhiên của con người và vạn vật cũng theo đó mà nẩy nở vươn lên. Cho nên Thái Hư Đại Sư nói về mùa Kiết Hạ rằng:“An Cư Kiết Hạ là mùa gặt quý như châu báu của hành giả tiến tu. Trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng có cái chung. Tăng Ni tập trung về một nơi an tịnh như am miếu, chùa chiền, tự viện hay một chốn thuận lợi và thích hợp để giúp nhau định tâm, khai ý kiểm nghiệm tiến trình trau giồi giới, định, tuệ; kịp thời cầu sám hối những sai phạm và phát huy năng lực hành trì. Nhưng quan trọng nhất là mỗi thiện giả có một không gian riêng trong tâm để sống đời đạo hạnh cho riêng mình. Hiểu được mình và chiến thắng chính mình là “chiến công” oanh liệt nhất. Phật đã dạy như vậy.”

Vì vậy hàng xuất gia luôn lấy Giới đức và Tuệ học làm tuổi, chứ không tính tuổi theo năm tháng của thế gian. Bất cứ Tỳ kheo nào không An cư, không Tự tứ, hoặc có An cư mà không Tự tứ hoặc có Tự tứ mà không An cư thì cũng xem như là không có tuổi đạo.

8. Ht Nguyên Trưc

Tác giả, HT Thích Nguyên Trực


Theo tinh thần Giới luật, mỗi năm đến mùa An cư Kiết hạ, chư Tăng Ni đều phải tìm đến một nơi thích hợp để nhập hạ, nơi này được gọi là trường hạ. Tuy nhiên, nếu không có trường hạ hay trường hạ ở xa, địa điểm an cư có thể là ngôi chùa, ngôi tịnh xá, tịnh thất, hay bất cứ chỗ nào thích hợp. Ở những chùa chỉ có bốn vị Tỳ kheo, sự thực hiện yết ma để kiết giới và kiết hạ cho ba tháng an cư được xem là hợp pháp Phật, đúng Giới luật.

Đối với quý Tăng Ni Việt Nam đang tu và hành đạo tại hải ngoại, do hoàn cảnh xã hội, chính trị, kinh tế và địa dư quốc độ mỗi nơi, mỗi thời sai khác, nên việc tu hành hằng ngày và việc tổ chức An cư kiết hạ mỗi năm cũng không đơn thuần. Đa số các chùa, tự viện, tịnh xá dù chung một quốc gia nhưng không nằm chung trong một Giáo hội nên rất khó thống nhất tổ chức. Hơn nữa việc chư Tăng Ni một năm đóng cửa chùa ba tháng để đi An cư kiết hạ, có thể nói là một điều khó khăn, vì ở hải ngoại phần lớn nhất Tăng nhất tự và các công tác Phật sự địa phương đều tập trung vào ngôi chùa đó. Tuy thế, khóa An cư Kiết hạ vẫn được một vài Giáo hội Phật giáo hải ngoại tổ chức hằng năm, nhưng thời điểm nhập hạ, thời hạn an cư, địa điểm an cư được quý chư Tôn đức trong giáo hội tự quyết định và gọi là “tùy duyên ứng biến”. Thay vì ba tháng an cư như Phật chế hay như ba tháng ở Việt Nam, tại hải ngoại Tăng Ni Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 10 ngày. Vì thời gian an cư ít hơn thời gian Phật qui định nên chủ yếu việc an cư là “Tâm niệm An cư”, ‘mỗi Tỳ kheo đều duy trì tâm niệm an cư cho đến ngày Tự tứ (80 ngày còn lại). Nguyên do, sau 10 ngày an cư, Tăng đoàn chỉ xả giới tướng (3), nhưng vẫn giữ giới thể (4), để làm mạch sống cho Tăng già trên con đường truyền bá chánh pháp, phục vụ chúng sanh’.

Năm nay 2018, Tăng Ni trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan lại qui tập về Tổ Đình Pháp Hoa Nam Úc tổ chức An cư kiết hạ lần thứ 19, cũng là ngày toàn thể Tăng Ni tín đồ trong Giáo hội đồng tưởng niệm ngày Đại tường đức Trưởng lão Hòa Thượng thượng Như hạ Huệ, Đệ nhất Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan, người đã tận hiến cuộc đời mình gầy dựng Giáo hội và cũng là người xướng lập và tổ chức khóa An cư kiết hạ lần đầu tiên năm 2000 cũng tại ngôi Già lam Tổ Đình Pháp Hoa này.

Tăng Ni trong Giáo hội hôm nay phủ phục dâng nén tâm hương, tưởng nhớ ân – đức – công hạnh của đức Trưởng lão Hòa Thượng thượng Như hạ Huệ. Dù thời gian qua đi không bao giờ trở lại được nhưng những bước chân của Ngài và chư Tăng trên khắp nẻo đường để thuyết pháp độ sanh vẫn lưu lại. Đó là hình ảnh đẹp, tấm gương sáng về một bậcTôn túc một đời xả thân hành đạo. Nối tiếp truyền thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Đức Thế Tôn, chư Tổ sư, Tăng Ni chúng ta nguyện noi gương tiếp bước đem ánh sáng đạo mầu hoằng truyền chánh pháp vì “Lợi tha cho quần sanh nhân loại”. “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh” là hoài bão của người Tăng sĩ, theo phương châm "Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp" là nghĩa vụ thiêng liêng của người Tăng sĩ.

Cho nên có hai việc mà một Tăng sĩ cần phải làm là Tự giác và Giác tha. Người xuất gia cần phải có niềm tự giác mãnh liệt, chí giải thoát dứt khoát, tự ý thức được rằng lửa vô thường đang cháy, vũ trụ là tướng bại hoại, bất an. Con đường tu tập tất yếu của một Tăng sĩ không ngoài con đường tăng tiến và kiện toàn tam vô lậu học: Giới-Định-Tuệ. Vậy nên đời sống tinh thần của một vị xuất gia được viên mãn hay không đều nhờ vào sự thành tựu của Giới.

Thành tựu Giới sẽ thành tựu Định và Tuệ. Thành tựu Giới đức tùy thuộc vào động cơ phát tâm và thái độ tu hành của mỗi người, "Như nhơn ẩm thủy, lãnh noãn tự tri". Động cơ phát tâm ảnh hưởng và chi phối đến thái độ học đạo và hành đạo của một vị Tăng sĩ. Chúng ta được xếp vào "Thiên nhơn mô phạm"  hoặc "Lạm xí tăng luân"  đều tùy thuộc vào mức độ tốt xấu của động cơ tu hành này. Nhiều người cứ tưởng mình cố học cho giỏi, nói cho hay, khuyên người tu cho nhiều là đúng đạo. Nhưng không, học giỏi mà không thoát ra được chướng sở tri, nói hay để hay nói cũng làm loạn động tâm can, khuyên người tu hành nhiều mà không cảm hóa được họ thì đều là việc vô nghĩa. Nghiêm trì Giới tướng tất sẽ thành tựu Giới thể. Giới thể thanh tịnh là điều kiện tiên quyết để dấn thân vào đời, phục vụ cho đời, và làm lợi ích cho người. Giới thể thanh tịnh, Giới đức tự đầy đủ, khả năng cảm hóa lòng người được lâu bền, tạo được niềm tin sâu và giá trị đối với cộng đồng thì việc học giỏi, nói hay mới mang lại giá trị thiết thực cho đạo và cho đời. Hơn thế nữa, thái độ tu hành của người Tăng sĩ đồng với thái độ chấp trì cấm giới.

Nghiêm trì Giới luật mới chế phục được dục vọng phiền não tự thân. Thành tựu Giới thể đồng với ba nghiệp thanh tịnh. Đời sống Tăng sĩ sẽ được thăng hoa không bị kẹt vào ba việc ăn, mặc, ở khi nền tảng Giới luật đã được vững bền. Lại nữa, đời sống của Tăng sĩ trong một trú xứ phải được dựa trên nguyên tắc Lục hòa cộng trụ. Pháp Lục hòa là động lực thúc đẩy Tăng-già phát triển và hoàn thiện trên tinh thần bình đẳng về vật chất, bình đẳng trong Giới luật, hòa hợp cả lời nói và tư tưởng, về hình thức lẫn nội dung. Hòa hợp Tăng-già bằng Lục Hòa Kỉnh Pháp mới tịnh hóa được quần sinh, mới là mảnh đất tốt để gieo trồng thiện pháp, phát triển tâm linh và phát sanh trí tuệ.

Sự thành tựu của một Tăng sĩ ngày nay không nằm ngoài sự thành tựu của Tăng-già. Sự thành tựu của giác tha không nằm ngoài tự giác. Hoằng pháp không có nghĩa là đi rao giảng những giáo lý chúng ta được học, hoằng pháp không có nghĩa là đi độ người mà không tự xét lại mình. Sự nghiệp chúng ta là tự giác rồi mới giác tha. Muốn thành tựu "Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp", Tăng Ni phải bắt đầu bằng Giới luật vậy. Chí ít chúng ta phải trang nghiêm được tứ oai nghi và thanh tịnh được thân khẩu ý.

Vì vậy Tăng Ni phải làm sao trong đời tu hành mình phải giác ngộ được chân lý, giải thoát được sinh tử, không phải làm cho được lòng mọi người. Nếu người tu cứ chiều chuộng để mọi người được vui, được vừa lòng, đó là vô tình chúng ta trở thành một nhà ngoại giao, không phải là một nhà tu. Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả, không phải là người tu.

Lời Phật dạy rất đúng đắn, đó là chân lý, mà có khi người học đạo còn cạn hẹp nên không hiểu. Cho nên, phải được những bậc đi trước, những bậc thầy hướng dẫn chỉ dạy để hiểu, hiểu rồi ứng dụng tu, không chạy theo cấp bằng học vị, lấy làm thỏa mãn. Điều này hết sức quan trọng. Như vậy, một nhà tu phải tu như thế nào, phải làm những gì?

Lại nữa, Chúng ta tu cần nhất và đơn giản nhất là phải đủ hai mặt, từ bi và trí tuệ. Từ bi nên thương tất cả chúng sinh, thương tất cả mọi người, mọi loài. Đem tình thương phân bủa, giúp đỡ, che chở cho chúng sinh. Lòng từ bi chưa đủ mà phải có trí tuệ sáng suốt, thấy rõ chân lý, đạt được lẽ thực, để đem chân lý đó chỉ bảo cho mọi người cùng thấy cùng ngộ như mình. Bởi vậy, trí tuệ và từ bi không tách rời nhau.

Trí tuệ và từ bi là hai điều then chốt của người tu hành. Cho nên, khi nói tới quy y Phật là nói quy y với bậc Lưỡng túc tôn. Lưỡng túc là đủ hai việc, phước túc và tuệ túc. Phước đầy đủ, tuệ đầy đủ, đó là Phật. Chúng ta luôn luôn cung kính, tôn trọng Đức Phật vì Ngài đầy đủ trí tuệ và từ bi. Chúng ta tu theo Phật thì phải làm sao? Cũng phải đầy đủ hai phần này, bởi vậy có câu:“Phước tuệ lưỡng toàn phương tác Phật”. Phước là từ bi, tuệ là trí tuệ, cả hai đều hoàn toàn mới tiến tới Phật quả được. Người tu mà thiếu phước, thiếu tuệ thì không bao giờ thành Phật. Trên đường tu, tuy Phật dạy rất nhiều pháp môn nhưng thực sự căn bản là đủ phước và đủ tuệ. Nếu thiếu hai phần này thì không xứng đáng là người tu. Ở đâu Tăng Ni tụ hội lại mà còn có những chuyện cãi vã, giành giật, đó là thiếu lòng từ bi. Vì thiếu lòng từ bi nên không thương nhau, không tha thứ cho nhau, không hướng dẫn dạy bảo nhau, không lục hoà cho nên mới sanh ra cãi vã, giành giật, không xứng đáng tư cách một người tu. Hiện tượng này phổ biến nhất trong lịch sử Phật giáo từ xưa đến nay, trên mọi xứ sở và xã hội, là khi Tăng Bảo không còn hòa hợp gây cảnh thiền môn mất thanh tịnh, Tăng Bảo hết trang nghiêm thì đạo Phật trong xứ sở và xã hội đó sẽ bị thoái trào. Lịch sử đạo Phật toàn cầu đã trải qua bao lần thăng trầm, hưng vong như thế. Đạo Phật như một biển khơi, dẫu có nổi sóng ba đào trong một thời điểm biến động thì cuối cùng vẫn trở lại thể tánh an tịnh ban đầu. Chỉ có điều đáng tiếc là khi một thế hệ lâm vào cảnh nổi sóng xô bồ thì con người ở trong thời điểm đó bị thiệt thòi vì không có được lợi lạc tìm cầu Phật đạo hợp cảnh, đúng người để được khai thị và hóa độ.

Điều này rất thiết yếu đối với tất cả Tăng Ni. Có thể nói rằng, chúng ta tu được là được tất cả, chúng ta tu không được là mất tất cả. Chư Tăng Ni ở nội viện cũng như ngoại viện, thời nay đã an cư thì cố gắng tu cho đúng ý nghĩa an cư. Đây là trọng tâm, là tạo duyên lành thuận lợi cho tất cả Tăng Ni cùng tu. Nếu duyên thuận mà tu không được, gặp nghịch duyên làm sao chúng ta tu? Cho nên người tu phải luôn luôn nhớ tới tứ trọng ân, vì đền đáp trọng ân nên chúng ta phải nỗ lực, phải cố gắng tu hành xứng đáng. Cho nên trong thời đại mới này luôn có sự thách thức là đem Đạo vào Đời, không đem Đời vào Đạo. Đạo giữa phàm trần: Đạo và Đời sẽ nở hoa. Phàm trần giữa đạo: Đời và Đạo sẽ ủ mặt, phôi pha. 

Trong chúng ta ai cũng biết tích truyện:

Một hôm có 1 vị Tăng tên là Bảo Phước từ phương xa đến hỏi đạo với Hòa Thượng Bố Đại (HT Bố Đại là hóa thân của Bồ Tát Di Lạc). Vị Tăng Bảo Phước mới hỏi:

“Bạch Hòa Thượng xin Ngài chỉ cho con cốt yếu của Phật Pháp?”

Ngài Bố Đại đang quảy túi vải trên vai không nói gì mà buông túi vải xuống đất.

Ngài Bảo Phước mới hỏi tiếp:

“Chỉ như thế hay còn có gì khác nữa”

Ngài Bố Đại cũng im lặng không nói gì mà quảy túi vải lên vai bước đi.

Như vậy chúng ta thấy cốt yếu của Phật Pháp là sự buông bỏ, xả bỏ, một sự tịch lặng thanh tịnh của nội tâm và sự dấn thân mình vào đời tích cực hành thiện, giúp đời giúp người, giáo hóa độ sinh bá tánh.  Đức Phật đã dạy chúng ta rằng:

 “Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa đến
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chắc và thảnh thơi
Phải tinh tấn hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp”

Khi chúng ta áp dụng được lời Đức Phật vào đời tu của mình thì Tâm Niệm của mình sẽ được tiêu dung. Chúng ta sẽ tiêu dung tất cả những vọng tưởng, phiền não, khổ đau khi đã đạt Vô Tâm. Khi Tâm chúng ta đã đến Vô Ngã thì: “Ta Bà biển khổ phong ba lặng, yên ổn thuyền sen đến lạc cung”. Khi Tâm chúng ta đã thanh tịnh, chúng ta sẽ thấy niềm hoan hỷ an lạc hạnh phúc vô biên tràn ngập khắp cả đất trời vũ trụ mà trên thế gian này không có gì sánh nổi. Đó là hạnh phúc chân thật của người tu.

Như vậy dù kiết Hạ hay kiết Đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắt khe này cũng chỉ vì Đức Phật muốn bảo hộ sức sống của Tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân.

Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của Đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho Tăng đoàn. Cũng như người nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì người nông phu sẽ bị nghèo nàn đói thiếu.

Hàng xuất gia nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hòa hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khóa An cư là lễ Tự tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: Thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Pháp chế An Cư tu học, nếu được đại chúng thực hành chí thành, đúng mức, thì đó thật là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng-già; trưởng dưỡng tâm Bồ đề ngày càng lớn mạnh, bền chắc; giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh thành tựu viên mãn. Chư vị thiện nam tín nữ cũng nương nhờ uy đức rộng lớn như biển của Đại Tăng mà tâm linh thăng tiến; nhờ tu học Phật pháp mà trí tuệ phát triển; nhờ thành tâm tu hạnh bố thí cúng dường mà phước đức sâu dầy, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau.

Tóm lại, mùa an cư có hai ý nghĩa: Thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni trẻ. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt. Do đó ngày xưa có những vị Tỳ-kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Nếu tu gần tiến lên một quả vị, nhưng tới mãn ngày an cư, các Ngài xin Phật cho ở lại tu thêm để đạt được đạo quả như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, v.v... Như vậy, mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả Tăng Ni ngày nay phải nhớ.

Mỗi mùa an cư là một tuổi đạo của cuộc đời một Tỳ kheo. Đây là một Phật sự vô cùng quan trọng và thiết thực của Tăng chúng, thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài chúng sanh và làm nền tảng cho sự tu tập của hàng Phật tử tại gia. Đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có dịp thân cận chư Tăng học tập giáo pháp, đồng thời là có cơ hội tạo phúc báo nhân thiên qua việc hộ trì cho chúng Tăng Ni trong suốt mùa an cư.

Mỗi năm Tăng Ni cố gắng tu trong ba tháng an cư thật tinh tấn, luôn luôn tỉnh giác, nhờ công đức đó mà trí tuệ tăng trưởng. Nếu mỗi năm trí tuệ mỗi tăng thì con đường đi đến quả vị Bồ-đề càng gần. Tôi nghĩ rằng qua một mùa an cư, tất cả Tăng Ni vui mừng vì sắp được gần cội Bồ-đề của Đức Phật. Thế thì được một tuổi đạo là điều đáng mừng đáng vui và đáng khích lệ. Được một tuổi đời thì đáng lo, đáng sợ vì sắp chết. Cho nên tuổi đạo rất quý, người đệ tử xuất gia theo Phật, ai ai cũng cố gắng thực hiện cho xứng đáng một tuổi đạo. Đừng để qua một mùa an cư, tính thêm một tuổi đạo mà chỉ có trên con số, trên hình thức, không có trên đức hạnh. Đó là điều đáng buồn. Tăng Ni chúng ta được phước duyên lành mới chung họp một nơi, trên có thầy dưới có bạn, chung quanh có Phật tử ủng hộ cho mình tu được viên mãn, không chướng ngại. Thiện hữu tri thức luôn luôn thúc đẩy chúng ta tiến lên, đó là phúc duyên lớn lao, phải cố gắng thực hiện cho đúng với sở nguyện, với ý nghĩa ba tháng An cư kiết hạ.

 An cư kiết hạ lần thứ 19 tại Tổ đình Pháp Hoa – Nam Úc

Tỳ kheo Thích Nguyên Trực


Ghi chú:

1. G. P. Malalasekera, M. A. Ph. D.  Founder Editor-in Chief, Encyclopaedia Of Buddhism, vol. 8, Sri Lanka: Published by the Department of Buddhist Affairs, Ministry of Buddhasasana, 1962, p. 497.

2. Third khandhaka. (residence during the rainy season, vassa.) http: //www.sacredtexts.com/bud/sbe13/sbe1314.htm, (09.06.2016.)

3.  Giới tướng là những giới do Phật chế để chúng ta tuân theo. Ví dụ như những hành động, những ngôn ngữ chúng ta có khi sai trái, giữ không cho hành động, ngôn ngữ sai trái gọi là giới tướng.

4. Còn Giới thể là cơ sở, bản chất của giới. Ví dụ nói giới thể của giới sát sinh là lòng từ bi với mọi người và loài vật.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/12/2023(Xem: 590)
- Chiếu Hiến Chương, Chương III, Điều 14, Thành Phần Nhân Sự của Hội Đồng Điều Hành - Chiếu biên bản phiên họp của Giáo Hội tại Khóa Tu Học PPUC kỳ 21 tại Y Camp Adair, Papakura, Auckland ngày 26/12/2023, nay: QUYẾT ĐỊNH Điều 1: Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 22 sẽ được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 12 năm 2024 tại đất trại Woodhouse Activity Centre, Piccadilly, South Australia 5151 Điều 2: Thành phần nhân sự Ban Tổ Chức Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ 22: -Trưởng Ban: TT Thích Viên Trí -Phó Ban điều hành tổng quát: ĐĐ Thích Viên Thành -Phó Ban đặc trách Nghi Lễ: TT Thích Nhuận Chơn -Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy: Tổng Vụ Hoằng Pháp-Giáo Dục -Thư Ký: TT Thích Viên Tịnh. Phó Thư ký: Đh. Hải Hạnh -Thủ Quỹ: Đh. Lý Tố Lan. Phó Thủ Quỹ: Đh. Thiện Tâm -Ban Vận Chuyển: Trưởng Ban: Đh. Đồng Khiết -Ban Trần Thiết: Trưởng Ban: ĐĐ Thích Chúc Hân. Phó Ban: Đh. Trúc Lâm -Ban Cư Trú: Trưởng Ban: Đh. Giác Định -Ban Ẩm Thực: Trưởng Ban: SC TN
15/12/2023(Xem: 15545)
An lạc thảnh thơi là chất liệu tâm linh, là dược nguồn năng lượng mà mỗi người con Phật đều mong ước tìm cầu và trải nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu thiết thực đó và tạo thuận duyên cho hàng Phật tử xa gần đến Auckland - NZ tu tập và tận hưởng suối nguồn an lạc, khóa tu học “AN LẠC THẢNH THƠI” sẽ được tổ chức tại trại YMCA Camp Adair nhằm giúp cho mỗi học viên tự trải nghiệm sự tinh thông của trí tuệ, an lạc của thân tâm, và thảnh thơi của tâm hồn thông qua việc thực hành giáo lý Phật Đà.
12/12/2023(Xem: 2357)
Thời tiết đã vào Thu, hoa lá đã chuyển màu, không mấy chốc mùa Đông sẽ trở về trên xứ Âu Châu. Cũng là thời gian của Khoá An Cư Kiết Đông 10 ngày sắp đến. Năm nay Giáo Hội quyết định tổ chức An Cư Kiết Đông tại : - Địa điểm : Tổ Đình Viên Giác - Hannover - Đức Quốc. - Thời gian : từ ngày 10.12.2023 đến 20.12.2023
29/10/2023(Xem: 796)
Đại diện nhà Chùa, Thầy Thích Nhuận Ân chia sẽ: “Về văn hoá và ngôn ngữ giữa hai nước Nhật- Việt, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống của bà con nơi đây. Và những khó khăn nhất định mà mọi người sẽ đối diện thường nhật từ sự rào cản này.” Tiếp lời, Sư cô Thích Nữ Giới Bảo cho biết: “Từ sự ngăn ngại về văn hoá và ngôn ngữ, các bậc phụ huynh và con cái sinh ra, lớn lên được tiếp xúc với môi trường, hoàn cảnh hiện tại. Nên giữa hai thế hệ sẽ gặp khó khăn về mặt truyền thông, giáo dục, văn hoá kể cả tín ngưỡng tâm linh. Thứ đến, vì cuộc sống kinh tế và gia đình nên bà con mình làm việc cũng nhiều hơn, đôi lúc những áp lực từ công việc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Chính vì vậy, mỗi khi bà con về chùa được quý Thầy, quý Sư Cô hướng dẫn thực hành theo sự chỉ dạy của Đức Phật qua nhiều phương pháp như: tụng kinh, ngồi thiền, cầu nguyện…cũng phần nào giúp ích cho bà con về mặt tinh thần an tịnh và tích cực hơn, tháo gỡ những khó khăn về mặt tâm lý và cảm xúc trong cuộc sống”.
29/10/2023(Xem: 2690)
Tu Viện Quảng Đức sẽ tổ chức Khóa Huân Tu Tịnh Độ và xuất gia gieo duyên trong 3 ngày, từ Thứ Sáu, 8-12-2023 đến Chủ Nhật 10-12-2023. Chương trình tu học mỗi ngày gồm có công phu, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, lễ sám, nghe Pháp, ăn cơm trong chánh niệm, chia sẻ pháp đàm . Mọi phương tiện, ăn uống, ngủ nghỉ… đều miễn phí.
28/10/2023(Xem: 2034)
Thấm thoát đã 40 năm kể từ ngày Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan cùng nắm tay nhau gây dựng nền móng Phật sự tại quê hương mới này. 40 năm, một chặng đường dài, một chặng đường lịch sử đánh dấu sự thành hình của Phật giáo Việt Nam tại Hòa Lan nói chung và Chùa Vạn Hạnh nói riêng.
25/10/2023(Xem: 1021)
Chùa An Lạc tọa lạc tại số 5249 E. 30th Street, thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. Vào lúc 6 giờ chiều ngày chủ nhật 22/10/2023, chùa tổ chức chương trình Ca nhạc gây quỹ xây dựng hội trường và Trường Việt ngữ chùa An Lạc tại Adaggios Banquet Hall, số nhà 5999 W. Memory Ln Ste C., Greenfield, Indiana 46140 với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của GĐPT. chùa An Lạc và các ca sĩ: Quách Thành Danh, Minh Hiếu, Hồ Lệ Thu, Tuấn Hiền, Jennifer Ngọc, Châu Nhật Long, Diễm Tuyết, Mỹ Hiền …
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567