Chùa ở ngay trung tâm Thị Trấn Thành -Diên Khánh.
Quốc Lộ 1A- Án ngữ mặt tiền mang số 226 đường Lạc Long Quân.
Xưa kia, khoảng năm 1938-1940, thời kỳ chấn hưng Phật Giáo, nơi đây chỉ là một trụ sở "Chi Hội Phật Học Quận Diên Khánh", trực thuộc "An Nam Phật Học Hội", vắng vẻ đìu hiu.
Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, Đại Lão Hòa thượng Thuyền Tôn (Thích Giác Nhiên, Đệ Nhị Tăng Thống), cùng Đại lão HT. Tây Thiên (Thích Giác Nguyên) di tản vô Khánh Hòa, và về tạm trú chốn thanh tịnh này.
Chư tăng cùng Phật tử địa phương nhân đó phát tâm đúc Đại Hồng Chung cúng dường Tam bảo, được nhị vị Trưởng lão chứng minh, và Ngài Thuyền Tôn đã đặt tên cho chùa là "Miên Trường Tự". Một phương danh mang nghĩa lâu dài thường trụ.
Sau khi hội ý bàn bạc, các vị bô lão trong hàng cư sĩ tại gia đã đại diện Phật tử xin Hòa thượng ban lại cho tên khác, sao cho có liên quan đến vùng đất Diên Khánh, vì vậy HT. Giác Nhiên mới đổi lại thành "Diên Thọ Tự". Do lúc đó Hòa thượng không biết là huyện Diên Khánh có một xã trực thuộc tên là Diên Thọ, nên đặt vậy, tên cũng mang ý nghĩ "trường tồn".
Bấy giờ, thầy Thích Hải Tuệ (Trừng San), Giám sự Phật Học Viện Trung Phần, trụ trì chùa Hải Đức ở Nha Trang, đảm nhận trụ trì chùa Diên Thọ, xây dựng, tu bổ cho chốn già lam này khang trang hơn, trong đó có cả việc xây dựng một trường Bồ Đề (nay chỉ còn đống gạch vụn sau khi chính quyền địa phương cắt đất giao cho một Ngân Hàng quản lý). Để tránh nhầm lẫn tên gọi, người dân Diên Khánh xưa nay quen gọi là "chùa Phật Học" cho gần gúi và dễ biết dễ tìm.
Từ nhiều năm qua, Ban Trị Sự Huyện Hội Phật Giáo Diên Khánh đặt trụ sở trong khuôn viển chùa.
Những năm 1980 của thế kỷ trước, Hòa thượng Trừng San đã giao cho đệ tử Thích Chơn Thành trông coi ngôi Diên Thọ. Thượng tọa Chơn Thành, một vị chân tu và thẳng thắn, đã góp công rất lớn vào việc gìn giữ, phát triển tôn tạo ngôi Tam Bảo, cũng như trùng tu ngôi đại hùng bảo điện uy nghiêm hoành tráng cho đến nay.
Những năm 1980 của thế kỷ trước, Hòa thượng Trừng San đã giao cho đệ tử Thích Chơn Thành trông coi ngôi Diên Thọ. Thượng tọa Chơn Thành, một vị chân tu và thẳng thắn, đã góp công rất lớn vào việc gìn giữ, phát triển tôn tạo ngôi Tam Bảo, cũng như trùng tu ngôi đại hùng bảo điện uy nghiêm hoành tráng cho đến nay.
Chùa ngày nay đã có thêm đài Quán Thế Âm lộ thiên, cưỡi trên lưng một thiên long uốn lượn rất mỹ thuật; có nhà chuông riêng biệt ngoài sân, điện Di Đà Tam Tôn, điện Địa Tạng Bồ Tát, trụ sở cho Gia Đình Phật Tử, thêm gian ký gửi linh cốt cho Phật tử trên địa bàn Diên Khánh, và vài ki-ốt để trưng bày sách báo, tranh tượng, pháp khí pháp cụ đang được xây gần hoàn tất.
Gửi ý kiến của bạn