Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Huế - Xưa và Nay

28/10/201110:46(Xem: 4225)
Chùa Huế - Xưa và Nay



Linh_mu 2


Chùa Huế - Xưa và Nay


Điểm đặc biệt là người dân từ miền Bắc vào Thuận Hóa làm ăn, nhưng ngược lại tất cả các ngài truyền bá Phật pháp, dựng thảo am và lập chùa chiền thì đều Đàng Trong ra. Tất cả các ngài đến truyền bá Phật pháp đều dựng tháo am trong bóng cây rừng rậm rịt đầy cọp, beo, và rắn độc ấy cả. Tìm cho ra được mối liên hệ giữa tinh thần, trí tuệ của các ngài sơ Tổ với môi trường thiên nhiên “đẹp man dại” đó, chúng tôi nghĩ là chúng ta đã tìm được sắc thái đặc trưng của chùa chiền và Phật giáo vùng Huế vậy.



Lại còn một yếu tố nữa mà chúng ta phải nghiên cứu lâu theo quan điểm khoa học địa môi trường (géo-environement) mới có thể giải đáp được, đó là tại sao tất cả các chùa chiền cõi Thuận Hóa đều ở về mạn nam sông Phú Xuân cho đến núi Quy Sơn ở chân đèo Ngãi Lãnh (tức đèo Hải Vân hiện nay). Điều này tạo cho chùa Huế có sắc thái vô cùng đặc sắc, là hàng trăm ngôi chùa đều nằm trên các mõm đồi hoặc sườn đồi đầy cây cao bóng mát, cảnh trí thiên nhiên u nhàn tĩnh lặng, làm cho chùa Huế trở thành những nơi bảo vệ được môi trường thiên nhiên trong lành, mát mẻ; và đường đi lên các chùa trở thành những cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời có sức thu hút người đăng lâm vãn cảnh.

Nói đến chùa tháp Phật giáo Thuận Hóa, người ta không thể không trở lại thời hồng hoang của xứ này. Kể từ đời Đường Nghiêu đến đời Thành Chu, vùng này là đất Việt Thường Thị, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc quận Nhật Nam, đời Tấn là nước Lâm Ấp, đời Tống gọi là nước Chiêm Thành. Sách Đường thư, phần Địa lý chí chép: “Giáp châu Hoành Sơn quận, có năm huyện là đất Thuận Hóa bây giờ. Năm huyện thành ấy là Tây Quyển, Tỵ Ảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm”

Sách Đại Nam nhất thống chí, bản đời Tự Đức cho đất Tỵ Ảnh và Chu Ngô đời Hán là châu Ô và châu Rí của Chiêm Thành. Các sử quan triều Nguyễn lại tham khảo rất nhiều thuyết, đem từng địa điểm hiện nay để so sánh và cho rằng: “Tượng Lâm và Chiêm Thành, tên gọi trước sau tuy có khác, cùng là một nước, cùng là một số năm thành thuộc quận Nhật Nam...”.

Như thế, trước năm 1306 phần đất mang tên Ô, Rí vốn đã thuộc về của ta, nhưng sau mất về tay người Chàm, mà mãi đến đời Trần Anh Tông (1293-1313) vua Chiêm là Chế Mân đã dâng đất ấy để làm lễ cưới công chúa Huyền Trân thì hai châu Ô, châu Rí lại trở về với Đại Việt (1306), đến năm sau (1307) hai châu này được mang tên là Thuận châu (nửa nam tỉnh Quảng Trị hiện nay); và Hóa châu (toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay). Từ đó, tuy đã qua nhiều biến thiên, Thuận Hóa trở thành nơi gặp gỡ và giao lưu hai nền văn hóa, tín ngưỡng rất khác nhau trên dãi đất này.

Dân Đại Việt chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và dân Chămpa chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ gián tiếp qua nước Phù Nam ở phần đất Nam bộ ngày nay, đã tạo thành một nền văn hóa hỗn hợp Việt – Chăm. Chămpa là một nước rất giàu, tín ngưỡng của họ là “đạo Kiền Nê, đúc người vàng, bạc to hàng mười ôm để thờ, nấu đem bán có thể hơn mười vạn cân vàng”. Như vậy, trước lúc Đại Việt tiếp nhận hai châu Ô, Rí thì ở đây đã có đạo Phật chưa ? Theo Nam Hải ký quy truyện của ngài Nghĩa Tịnh thì nước Lâm Ấp tức Chiêm Thành đã có Phật giáo, số đông theo Chính lượng phái, có ít người theo Hữu Bộ phái.

Tại Sở Bảo tồn văn hóa dân gian của Thành phố Huế hiện nay, có một tượng Phật bằng đá đỏ, tượng tuy nhỏ nhưng rất đẹp, tạc hình đức Phật ngồi Thiền định trên ba khoanh của vua loài rắn Naga là Mukalinda, và rắn giương năm đầu che ở bên trên. Tượng Phật này rất có thể là sản phẩm văn hóa Chămpa, không một chút gì tỏ ra ảnh hưởng Trung Hoa. Lại nữa, tuy một địa điểm rất xa hai châu Ô, Rí là vùng đất Nha Tlang mà về sau ta gọi là Nha Trang, trại thôn Phúc Khang, hay Võ Cạnh, các nhà khảo cổ Pháp ở Trường Viễn Đông Bác Cổ xưa đã đào được một tấm bia, họ mệnh danh là “Bia Võ Cạnh”; trên bia khắc chữ Phạn của nước Lâm Ấp, tức Chămpa cổ đại, có nói đến việc vua Sri Mara là người bảo hộ Phật pháp.

Như thế, có lẽ người Chămpa đã có theo đạo Phật Đại thừa trước khi người Đại Việt đặt chân lên đất Ô, Rí. Song hiện nay, ta không hề tìm gặp Kinh sách Phật bằng tiếng Chămpa hoặc có nhiều tượng Phật như ở nhiều nơi khác, mà chỉ gặp vô số tượng thần chạm bằng đá còn sót lại mà các nhà khảo cổ đã đào được và trưng bày ở Viện Bảo tàng cổ vật Huế cũng như Viện Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng. Những tượng này đều được chạm khắc bằng đá cứng rất mỹ thuât, đều thuộc về các tín ngưỡng Sivaisme, Vishnuisme, hoặc Brahmanisme.

Điều này chứng tỏ vào các thế kỷ X, XI và XII tl, người Chămpa đã có thờ Phật, nhưng chưa nhiều lắm và bị Ấn Độ giáo lấn hẳn ảnh hưởng. Trên các mõm đồi cao, không kể ở vùng Nam Trung bộ như tháp Phan Rang, tháp Bà Nha Trang, tháp núi Nhạn Tuy Hòa, chỉ kể ở địa phận hai châu Ô, Rí thì trong sách vở như Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục chỉ còn ghi lại ở trên núi Quy Sơn có tháp cổ của Chămpa, cho đến đời vua Minh Mạng (1820-1840), trụ biểu trước tháp còn dấu tích chữ Chămpa, tại xóm Bàu Tháp, làng Liễu Cốc Thượng, huyện Hương Trà, còn dấu tích một tháp Chămpa đổ nát; ở làng Trung Đơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị (Thuận châu) cũng còn một tháp Chămpa cao; nhưng tất cả đều thờ thần nữ hoặc một vị thần nào đó thuộc các tín ngưỡng Ấn Độ giáo nói trên.

Tuy thế vào thế kỷ thứ X tl. có thể người Chămpa ở vùng Thuận Hóa đã biết đến đạo Phật từ văn hóa Trung Hoa sang. Bởi vì vào niên hiệu Thần Vũ nguyên niên (1069) vua Lý Thánh Tông (1054-1071) đem quân vào chinh phạt Chiêm Thành, vua Chiêm dâng ba châu Địa Lý, Ma linh và Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị hiện nay), quân nhà Lý đã bắt được nhiều tù binh, trong đó có cả một người mà về sau mới khám phá ra là ngài Thảo Đường, người Trung Hoa theo thầy sang trú tại Chiêm Thành để truyền bá đạo Phật, Trận này xảy ra ở thành Phật Thệ, làng Nguyệt Biều hiện nay, tức là đã nằm trong địa vực châu Ô, tức Hóa châu về sau vậy. Tuy nhiên, từ 1069 đến 1036 tl., trong 237 năm ấy không có sách nào nói người Chămpa có theo đạo Phật.

Trái lại, người Đại Việt, tuy theo đạo Phật đã lâu, nhưng khi di dân vào đất Chămpa ở cực nam để lập nghiệp, họ đã mang theo tín ngưỡng dân gian truyền thống của mình vào để giao lưu và hỗn hợp tín ngưỡng Chămpa còn để lại, thành một thứ tín ngưỡng rất đa tạp. Nói chung là tín ngưỡng đa thần giáo theo linh hồn thuyết. Từ hốc cây, hòn đá, dòng sông, quả núi, con chim, con rắn, con hổ, cho đến hiện tượng thiên nhiên như sấm, chớp, mây, mưa, bão, từ “thần cây đa, ma cây gao, cú cáo cây đề” cho đến bất cứ hiện tượng lạ gì đều được dân Đại Việt thờ lạy cả. “Việc cúng bái thì dùng xôi gà, lại mở cuộc chầu văn”.

Tuy nhiên, trong mớ tín ngưỡng đa tạp ấy thì đạo Phật đã nổi bật lên là một tôn giáo đàng hoàng. Người Việt lập làng đến đâu, đào giếng lấy nước uống, trồng cây đa đầu làng, xây đình làng, thì đều có làm chùa làng đến đấy. Vì ca dao đã có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Lại xét trong ngôn ngữ Việt đã có thêm tiếng: “chùa, chuông, mõ, Bụt, ông Sư, bà Vãi, Thứu Lĩnh, Tào Khê,...”. Như vậy, cho đến khoảng trước đời Trần, cõi Thuận Hóa chắc có nhiều chùa thờ Phật. “Chùa đất Phật vàng”, tức là kiểu kiến trúc chùa bằng gỗ, tranh thấp bé theo văn hóa Đại Việt. Bốn xung quanh thì đắp phên, rồi trét đất trộn rơm, rất khác với lối kiến trúc bằng gạch nung của tháp Chămpa



Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An nhuận chính năm Ất Mão, niên hiệu Cảnh Lịch đời Mạc (1555) ở mục “Phong tục tổng luận” có kể rất nhiều chùa, nhưng đa số là ở Tiên Bình (tức Quảng Bình ngày nay). Tại Thuận Hóa, tức là Quảng Trị Và Thừa Thiên - Huế hiện nay thì ông chỉ nói đến “chùa Dã Độ”, có lẽ ở làng Dã Độ, huyện Triệu Phong ngày nay, “chùa Thiên Mỗ” ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, “chùa Sùng Hóa cổ truyền” ở làng Triêm Ân, huyện Tư Vinh là một quốc tự, “chùa Tư Khách” ở cửa Tư Khách, ( tức là cửa Tư Dung, nay là cửa Tư Hiền).

Tất cả đều được ông dùng hai chữ “chùa xưa” hay “chùa cổ”, ông lại dùng chữ “Thiền lâm” chứng tỏ đạo Phật ở Thuận Hóa vào thời nhà Trần (1306) trở đi đã thịnh, có nhiều chùa thuộc về Thiền tông. Hơn nữa, các chùa lớn thời này, ở vùng Tiên Bình, Thuận Hóa, đã có đặt một chức quan coi giữ chùa gọi là “Tự chính’’. Không thấy nói đến các nhà sư, cách tu hành và không có “Tăng” trú trì như về sau... Đến năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn phương Nam thì ông chẳng để ý gì đến Phật giáo, cho nên nhiều chùa cổ sập nát mà sách vở thì cũng không ghi chép.

Mãi đến năm Tân Sửu (1601), gần như là một hành động có mang màu sắc chính trị, ông mới cho sửa chùa Thiên Mụ và tung ra một huyền thoại rất có lợi cho ông. Năm sau (1602), ông cho sửa chùa Sùng Hóa và mở hội Đại pháp ở chùa này. Rất tiếc là sách không ghi chép tên các nhà sư đã có mặt trong các buổi lễ lớn đó...Mãi đến đời Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Cảnh Trị năm thứ tư, nhà Hậu Lê, Bính Ngọ (1666), nhân đi chơi cửa biển Tư Dung, tức là cửa Tư Khách, chúa đã cho sửa chùa Hòa Vinh – có thể là chùa Tư Khách xưa -- rất là rộng đẹp. Đến năm Chính Hòa thứ chín, Mậu Thìn (1688), chúa Phúc Thái (1687-1691) cho sửa chữa chùa Thuận An vốn đã có từ trước. Nay thì chùa này dường như đã mất hẳn dấu tích.

Ngoài ra, vào thời các chúa Nguyễn, xứ Thuận Hóa, ngoài vô số chùa làng, lại còn có nhiều chùa công như chùa Kim Long, chùa Quang Xuân, chùa Hà Trung, chùa nào cũng có đặt chức “Tăng lục” do Ty Tăng lục coi sóc. Từ khoảng này trở về sau, cõi Thuận Hóa bắt đầu có nhiều “thảo am”, hình thức sơ khai của những ngôi chùa, như thảo am của Giác Phong Lão Tổ ở trên núi Hàm Long, về sau trở thành chùa Báo Quốc, đời Gia Long (1802-1819) đổi thành chùa Thiên Thọ, kể từ đời Minh Mạng (1820-1840) đổi lại là chùa Báo Quốc cho đến nay.

Thảo am của ngài Minh Hoằng Tử Dung, về sau thành chùa Ấn Tông, năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) đổi thành chùa Từ Đàm cho đến nay. Thảo am của ngài Khắc Huyền, về sau trở thành chùa Thiền Lâm, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) chùa đã có lúc trở thành Thiền Lâm Thiền Viện, là vùng đất trước chùa Từ Đàm lên tới đàn Nam Giao. Lại có thảo am của ngài Từ Lâm, sau trở thành chùa Từ Lâm cho đến nay. Thảo am của ngài Nguyên Thiều tức chùa Vĩnh Ân ở Phú Xuân Sơn, sau lại được chúa Nguyễn đổi thành “Quốc Ân Tự”, từ khoảng 1689 cho đến nay. Đạo Phật do các ngài truyền đến thì hoặc là thuộc phái Tào Động hoặc là thuộc phái Lâm Tế, mà đa số là thuộc phái Lâm Tế. Nhưng dù Tào Động hay Lâm Tế, cũng đều thuộc Thiền tông.

Tất cả nằm vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII tl. Vào cuối thế kỷ thứ XVII tl., cõi Thuận Hóa đã là nơi mà “chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn”, Nhưng chắc chắn tinh thần Phật giáo có phần lưu tệ, nên mới có tờ bố cáo của ngài Thạch Liêm trình chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm Ất Hợi (1695), lại có cuốn văn lục bát Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh... có lẽ chúng ta không ai chối cãi sự thực, song cả ngài Thạch Liêm lẫn Nguyễn Cư Trinh đều có cái nhìn hơi thiên lệch: hoặc là từ khía cạnh nhà Nho thuần túy đến (Nguyễn Cư Trinh), hoặc là từ khía cạnh Tam giáo đồng qui có pha lẫn chính trị đến (ngài Thạch Liêm).

Có một điều rất đặc biệt là dân Đại Việt từ miền Bắc vào Thuận Hóa làm ăn, nhưng ngược lại tất cả các ngài truyền bá Phật pháp, dựng thảo am và lập chùa chiền thì đều Đàng Trong ra. Không hiểu các ngài Giác Phong, Từ Lâm, Khắc Huyền, Minh Hoằng... đã từ Trung Quốc đáp thuyền buôn sang đổ bộ ngay Thuận Hóa, hay lên Hội an rồi mới ra Thuận Hóa; chứ kể từ ngài Nguyên Thiều vào Quy Ninh (1677), ngài Liễu Quán ở Phú Yên thì đều do Đàng Trong đi theo thuyền buôn đến Thuận Đô bằng cửa Tư Dung lên.

Chính ngài Thạch Liêm cũng định đáp vào Quảng Nam, nhưng sau nhờ thuận gió mới đáp vào đất Thuận Hóa (1695). Lại còn một yếu tố nữa mà chúng ta phải nghiên cứu lâu theo quan điểm khoa học địa môi trường (géo-environement) mới có thể giải đáp được, đó là tại sao tất cả các chùa chiền cõi Thuận Hóa đều ở về mạn nam sông Phú Xuân cho đến núi Quy Sơn ở chân đèo Ngãi Lãnh (tức đèo Hải Vân hiện nay). Điều này tạo cho chùa Huế có sắc thái vô cùng đặc sắc, là hàng trăm ngôi chùa đều nằm trên các mõm đồi hoặc sườn đồi đầy cây cao bóng mát, cảnh trí thiên nhiên u nhàn tĩnh lặng, làm cho chùa Huế trở thành những nơi bảo vệ được môi trường thiên nhiên trong lành, mát mẻ; và đường đi lên các chùa trở thành những cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời có sức thu hút người đăng lâm vãn cảnh.



Hiện nay thì vậy, nhưng trở về các thế kỷ thứ XVII, XVIII tl., chúng ta lại thấy các dãy đồi Hàm Long Sơn, Hoàng Long Sơn, Ngũ Bình Sơn, Phú Xuân Sơn, Ngũ Phong Sơn, Thiên Thai Sơn tuy đã có tên hay, nhưng đều là những nơi “sơn lâm bóng cả cây già, với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi” (thơ Thế Lữ). Lối đi từ nơi này sang nơi khác chỉ là đường mòn lối nhỏ len lỏi trong rừng rậm như ngài Thạch Liêm đã tả : “Lối tiều quanh núi khi mờ tỏ”, chứ chẳng có đường sá gì! Thế nhưng, tất cả các ngài đến truyền bá Phật pháp đều dựng tháo am trong bóng cây rừng rậm rịt đầy cọp, beo, và rắn độc ấy cả. Tìm cho ra được mối liên hệ giữa tinh thần, trí tuệ của các ngài sơ Tổ với môi trường thiên nhiên “đẹp man dại” đó, chúng tôi nghĩ là chúng ta đã tìm được sắc thái đặc trưng của chùa chiền và Phật giáo vùng Huế vậy.

Ngay như ngài Liễu Quán, người Đại Việt, phủ Phú Yên thời các chúa Nguyễn ở Phương Nam, đi theo thuyền buôn ra Thuận Đô cũng đã ở thảo am Viên Thông dưới chân Hòn Mô (tức Ngự Bình), rồi lại vào khai sơn thảo am ở núi Thiên Thai nổi tiếng nhiều cọp dữ, ăn rong khe, uống nước suối độc, quyết chí tu hành đến đắc đạo. Được ngài Minh Hoằng Tử Dung ấn khả Tâm tông, ngài Liễu Quán đã trở thành một vị Tổ của cả một phái Thiền gọi là Thiền Tử Dung-Liễu Quán, rất long thịnh suốt cả một dãi đất Nam Hà từ thế kỷ thứ XVIII, XIX tl. cho đến nay. Thảo am xưa của ngài ở núi Thiên Thai, chính là Tổ đình Thuyền Tôn, tức là Thiên Thai Thiền Tông Tự đã được các chúa Nguyễn “sắc tứ”, và đã tồn tại hơn hai trăm năm nay. Cho đến hiện tại, hàng trăm ngôi chùa Huế ở vùng núi đồi mạn nam sông Hương đều thuộc dòng kệ của ngài.

Chùa chiền ở Thuận Hóa vào đời các chúa Nguyễn đã có rất nhiều, người xuất gia cũng rất đông. Song đến khi Trịnh vào xâm chiếm Phú Xuân và nhất là thời Tây Sơn (1786-1801) thì Phật giáo Thuận Hóa cơ hồ rơi vào tình trạng đồi phế. Mãi đến khi Gia Long lên ngôi (1802) trở về sau, các chùa ở vùng Thuận Hóa mới lần hồi được sửa sang và trùng hưng. Bà Hiếu Khương Hoàng thái hậu, mẫu hoàng của vua Gia Long, cho sửa chùa Báo Quốc và cho đổi thành Hàm Long Thiên Thọ Tự. Long Thành công chúa, chị em cùng mẹ với vua Gia Long, vào năm 1805 đã cúng 300 quan tiền để trùng tu cùa Quốc Ân và lập một Tăng đoàn ở chùa này.

Chùa Thiền Lâm, chùa Kim Tiên lại được Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, mẹ Hoàng tử Cảnh bỏ của riêng ra để trùng tu và sửa sang lại. Một quả chuông đồng cao bốn thước, mình tròn sáu thước, dày bốn tấc, có khắc chữ “Lê Vĩnh Thịnh thập nhị niên chú” do vua Gia Long chở từ Bắc Thành về để trong kho, sau khi trùng tu xong chùa Thuyền Lâm thì đem treo ở đây, nhưng nay cũng không còn.

Trong giới xuất gia thì Hòa thượng Đạo Trung đã sửa chữa chùa Ấn Tông - Từ Đàm, Hòa thượng Đạo Thành trùng hưng chùa Từ Lâm, Hòa thượng Đạo Thiện sửa lại chùa Viên Thông, Hòa thượng Đại Huệ trùng hưng chùa Thuyền Tôn. Năm Gia Long thứ 14, chính nhà vua cho tái thiết chùa Thiên Mụ. Năm Gia Long thứ hai (1803) chùa Long Quang ở xã Xuân Hòa được trùng hưng. Long Quang là một ngôi chùa cổ, thời chúa Duệ Tông đã có trùng tu và cho biển ngạch “Sắc tứ Long Quang Tự”, lại có biển treo ở tầng trên của chùa có bốn chữ lớn “Tuệ Chiếu Nam Thiên”; vào năm Khải Định thứ ba (1918) chùa này bị triệt bỏ, nay còn dấu tích.

Chùa Hà Trung, chùa núi Thúy Vân lần lượt đều được trùng hưng khang trang rộng rải hơn xưa. Nhiều vị công chúa dưới triều Minh Mạng (1820-1840) cũng đã cúng dường tiền bạc của cải để trùng tu hoặc xây dựng nhiều chùa ở Huế. Bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, mẫu hậu của vua Minh Mạng đã bỏ tiền của ra sửa lại chùa Khánh Vân ở sơn phận xã Lựu Bảo, chùa Quang Bảo ở xã Kim Long, chùa Bảo Sơn ở xã An Ninh, chùa Quang Đức ở xã An Vân Hạ, đều thuộc huyện Hương Trà.

Từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), chúa tự hiệu là Từ Tế Đạo Nhân, các chùa này đã được chúa ban cho biển vàng “sắc tứ” và hiệu chùa; qua triều Tây Sơn đổ nát, cũng đến thời Gia Long mới được trùng tu. Ngoài ra lại có Ngọc Ngôn công chúa tức An Mỹ Thái trưởng công chúa sửa chùa Huệ Lâm; Diên Phúc công chúa sửa chùa Viên Giác do Tỳ kheo Liễu Quán dựng trong vùng chùa Vạn Phước hiện nay; Định Hòa công chúa Ngọc Ky (hay Cơ) sửa chùa Đông Thuyền; Ngọc Nguyệt công chúa sửa chùa Phổ Quang; Ngọc Duệ công chúa sửa chùa Thiên Thai Ngoại ở núi Kim Long, phía tây bắc huyện Hương Thủy (nay chùa đang còn ở về phía tay trái mạn gần Cầu Lim, kể từ Huế lên). Năm Minh Mạng thứ mười bảy, chùa Trấn Hải ở núi Quy Sơn, và chùa Thánh Duyên ở Thúy Vân Sơn được xây dựng trên dấu tích chùa cổ.

Người ta phải công nhận một sự thật rất hiển nhiên là dưới thời các vua nhà Nguyễn, kể từ Gia long (1802) cho đến Duy Tân (1916) chùa chiền ở vùng Huế phát triển mạnh. Ngoài việc trùng tu, tái thiết và sửa chữa nhiều chùa đã nói ở trên, còn có việc xây dựng thêm như: chùa Giác Hoàng, dựng năm Minh Mạng thứ hai mươi tại phường Đoan Hà (sau cải là phường Thái Trạch, nay là phường Thuận Thành). Giác Hoàng có nghĩa là ông vua đã giác ngộ, vì vua Minh Mạng cho rằng kiếp trước của mình là thầy tu. Vua Thiệu Trị (1841-1847) có là bài thơ “Giác Hoàng Phạn ngữ” để ca ngợi tiếng tụng Kinh ở chùa Giác Hoàng. Đến ngày 14-6-1885 chùa bị triệt bỏ, hiện còn dấu tích là Tam Tòa. Chùa Diệu Đế dựng đời Thiệu Trị.

Chùa Từ Hiếu dựng năm Tự Đức nguyên niên (1848), và còn vô số chùa khác. Trái lại, cũng có rất nhiều chùa danh tiếng vào thời cổ đã bị bỏ phế, hoang tàn một độ rồi mất luôn dấu tích như chùa Sùng Hóa, chùa Kim Quang, chùa Tây Thiền, chùa Huệ Minh, chùa Trấn Hải ở núi Linh Thái gần núi Quy Sơn, chùa Bạch Vân ở trước am Bạch Vân tại núi Phụ Ổ, phía bắc huyện Hương Trà do chúa Nguyễn Phúc Khoát dựng, có phong cảnh khá đẹp, chúa thường ngự lên chơi ở đấy, hiện còn dấu tích; chùa Diên Thọ ở làng Hải Cát đều thuộc huyện Hương Trà.

Tại Kinh thành có Linh Hựu Quán ở phía bắc sông Ngự Hà, thuộc phường Ân Thịnh (nay là Tây Linh, phường Thuận Lộc), dựng từ năm Minh Mạng thứ mười, phía hữu có gác Tường Quang, phía tả có gác Từ Vân, trước mặt trông ra sông Ngự Hà. Đến đời Thiệu Trị, vua có làm bài thơ “Linh Quán khánh vận” khắc vào bia đá và dựng ở phía tả Quán, Hòa thượng Nhất Định đã được cấp giới đao và độ điệp, và sung chức Tăng cang Linh Hựu Quán này trong một thời gian.

Đời vua Thành Thái (1889-1906) Linh Hựu Quán đi vào đồi phế rồi bị sụp đổ; ông Ngô Đình Khả xin nhà vua cấp cho vùng đất này để làm từ đường, song đến đời vua Duy Tân (1906-19i6) thì ông này đem làm nhà thờ Thiên chúa giáo mà không làm từ đường trên đất ấy như lời ông đã xin với nhà vua. Bị Bộ Lễ và Bộ Công phản đối kịch liệt, ông bị biếm chức và nhà thờ Thiên chúa giáo phải triệt hạ, nhưng việc chưa đi đến đâu thì vua Duy Tân bị buộc phải tốn vị và bị lưu đày sang châu Phi, cùng chỗ với phụ hoàng Thành Thái của ngài. Đến năm Khải Định thứ ba (1918), nhà vua xuống chỉ dụ phế bỏ Linh Hựu Quán. Trong năm Duy Tân thứ hai (1907), có chùa Ngọc Sơn ở gần chùa Thiên Mụ cũng bị bỏ (theo Châu bản triều Nguyễn).

Hiện nay ở Huế có khoảng vài trăm ngôi chùa lớn và nhỏ. Bao mhiêu tượng Phật, tượng Bồ Tát, chuông, khánh đồng, khánh đá và nhiều văn vật khác của Phật giáo các thời Lê, Trịnh, Nguyễn còn lại đang được thờ tự và bảo quản tại các chùa Huế trở thành một kho tàng vô giá về văn hóa của Phật giáo Thuận Hóa. Ngoài ra, chúng ta lại còn có vô số biển hiệu chùa có nhiều mô-tip mỹ thuật các triều đại đó. Hàng trăm câu đối với nét chữ thuộc loại bút thiếp (chữ đẹp). Văn bia của các vua chúa ngự đề, của các nhà đại Nho thâm hiểu Phật pháp ghi chép lại lịch sử chùa khi chùa được trùng tu; lại có nhiều yếu tố liên quan đến tiểu sử các vị danh tướng như Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng của triều Tây Sơn khắc trên chuông chùa làng La Chử, có cả tên tướng quân phu nhân Lê Thị Vy; như tên các vị Đô Đốc đời Tây Sơn khắc trên chuông chùa làng Hạ Lang; lại còn tên của các vị anh hùng yêu nước...

Nhiều tập thơ của các vị Thiền sư đời trước để lại như “Lược Ước tùng sao” của Viên Thành Thượng Nhân chùa Tra Am; tập “Thủy Nguyệt tùng sao” của ngài Bích Phong chùa Quy Thiện, thơ hay, đẫm phong cách Thiền, chữ viết xương kính...những câu đối rất hay của Sào Nam Phan Bội Châu, đều là những của báu trong kho tàng văn học Phật giáo Thuận Hóa. Lại còn nhiều bản gỗ khắc Kinh, Luật, Luận như “Pháp Bảo Đàn Kinh”, “Đại Thừa Vô lượng nghĩa Kinh”... và nhiều bộ khác ở chùa Từ Hiếu; “Tứ Phần Luật” và nhiều bộ khác ở chùa Viên Thông, chùa Quốc Ân; bộ “Hàm Long Sơn Chí” của Điềm Tịnh Cư Sĩ và Như Như Đạo Nhân biên soạn vào cuối thế kỷ thứ XIX tl. v.v...



Nhất là cách kiến trúc chùa viện theo kiểu chữ “khẩu”, chữ “nhất”, chữ “tam”, chữ “liễu”; những tiền đường hay điện thờ làm kiểu nhà “trùng lương” hay còn gọi là “trùng thiềm điệp ốc” là kiểu đặc trưng của Huế, không đâu có. Lại còn cách trình bày nóc với các mô-tip “lưỡng long chầu mặt nguyệt”, “lưỡng long chầu Pháp luân”, các vật linh quy, phụng, lân, các kiểu hoa sen; mái lợp ngói âm dương có màu ảnh hưởng kiểu kiến trúc cung đình của các triều vua chúa để lại. “Hoa sen”, “chữ Vạn”, “hồi văn chữ vạn”, “lá sen”, “trái Phật thủ”, “lá bồ đề”, “Pháp luân”, “hải triều”, “hỏa luân”,”bầu cam lồ” là những đề tài, những mô-tip thuần Phật giáo tạo cho chùa Huế có nhiều sắc thái độc đáo cần được giới nghiên cứu văn hóa quan tâm và nghiên cứu tỉ mỉ với thời gian lâu dài để góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam một nét rất đặc biệt, không thể bỏ qua được.

Mặt khác, tinh thần Phật giáo và tín ngưỡng Phật giáo, tín đồ ở Huế cũng là một đề tài có thể viết thành những tập sách dày, rất cần làm. Nhưng!.. sức một vài người không sao làm nỗi những công việc trên này, cho dù lẻ tẻ đó đây cũng đã có ít nhiều sách báo của nhiều nhà thức giả, nhiều bậc tu hành đã công bố hoặc đang thực hiện âm thầm; nhưng chúng tôi nghĩ không sao gọi là đủ vậy.


Hà Xuân Liêm

Sách tham khảo:

Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, q.II, trg. 78-79, Thừa Thiên Phủ, bản dịch của Viện Sử Học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1969.

Nguyễn Trãi toàn tập, trg.643. Viện Sử Học biên dịch và chú giải, Nxb. KHXH. Hà Nội, 1969.

Đại Nam Nhất Thống Chí, trg 115.

An Nam chí lược, 415, tờ 7.

Dương Văn An, Ô châu cận lục, trg. 43; bản dịch của Bùi Lương, Văn Hóa Á Châu xb, Sài Gòn, 1961.

Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, trg. 113; Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977.

Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, trg. 40. Bản Việt UBSLVN, Viện Đại Học Huế xb, 1963.

Thích Đại sán, Sđd. trg. 46,47,48,48 và 50. Quốc Sử Quán, Đại Nam nhất thống chí, trg. 178,179,180.

Quốc Sử Quán, Sđd. trg. 71

Lý Kim Hoa, Châu bản triều Nguyễn, tư liệu Phật giáo, từ trg. 872 đến trg. 879. Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/03/2013(Xem: 11338)
Không phải ngẫu nhiên, Huế được mệnh danh là một trung tâm Phật Giáo phát triển mạnh và có hệ thống các ngôi “Chùa cổ” rất được nhiều người biết đến, cùng với kiến trúc đền đài, lăng tẩm, danh lam thắng cảnh hữu tình, mộng mơ... của Vua chúa triều Nguyễn.
26/02/2013(Xem: 3986)
Đã từ lâu trong tâm thức người Việt Nam, Chùa là nơi tĩnh lặng, linh thiêng, là nơi mọi người đến nương nhờ Đức Phật để tìm chút bình an trong cuộc sống, cầu xin hạnh phúc cho gia đình.
08/02/2013(Xem: 8917)
Đức Thích Ca Thế tôn thành đạo dưới cội Bồ đề tại Ấn độ cách đây gần ba thiên niên kỷ, Ngài đã đem chánh pháp thậm thâm vi diệu truyền bá khắp lưu vực sông Hằng. Khi Đức Thế tôn còn tại thế, hai trung tâm truyền giáo qui mô thời bấy giờ là Tinh xá Trúc Lâm và Tinh xá Kỳ Hoàn. Tại Trung Quốc, thời Vua Hán Vũ đế có thỉnh hai Ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan lưu trú tại Hồng Lô tự để dịch kinh, bản kinh do hai Ngài dịch đầu tiên tại đây là Kinh 42 chương. Trong triều đại vua A Dục của Ấn độ - vị vua kính tín Tam Bảo - đã cử các đoàn truyền giáo đi khắp nơi để truyền bá đạo mầu. Tại Trung quốc có hai trung tâm Phật giáo ở Lạc Dương và Bình Thành sinh hoạt rất thịnh hành, và riêng tại Việt nam có trung tâm Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo được hình thành do các Tăng sĩ Ấn độ theo các thuyền buôn của Thương nhân Ấn độ đến Việt nam bằng đường biển xây dựng các thảo am để tụng kinh, bái sám.
30/10/2012(Xem: 3929)
Video: Đại Lễ Khánh thành Tổ Đình Tường Vân (Lễ húy nhật Đức Tăng Thống)I
14/06/2012(Xem: 5208)
Thực di nguyện của cố HT Thích Tâm Thanh lúc còn sinh tiền và được sự trợ duyên của đạo hữu Ngô Minh Trí và Phan Thị Thuý Hồng. Ngày 12.02. năm Kỷ Sửu (nhằm ngày 08.03.2009 ) tại Vĩnh Minh Tự Viện Thôn Phú An xã Phú Hội huyện Đức Trọng, ĐĐ Thích Nguyên Hiền cùng chư tôn đức Tăng Ni trong môn đồ pháp quyến đã long trọng tổ chức lễ an thạch khởi công xây dựng Vĩnh Minh Đại Phật và cúng dường “ thiên tăng hội" nhân lễ tưởng niệm lần thứ 5 ngày cố HT Thích Tâm Thanh viên tịch.
09/06/2012(Xem: 2793)
Bởi tự ngày xưa cho đến tận bây giờ, người dân đất Nội quê hương ta nơi đây, với tấm lòng thành kính luôn hướng về cửa phật. Đã tâm nguyện và mong muốn trong luỹ tre làng nơi mình sinh sống có một ngôi chùa hàng ngày vọng tiếng chuông ngân. Để được cùng nhau sớm lửa tối đèn hương đăng thờ cúng Đức Phật từ bi và tụng niệm kinh thư để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu được an sinh cho mình, cho gia đình cùng bàn dân thiên hạ. Đồng thời cũng luôn cầu được quốc thái dân an, nước cường dân thịnh! Ước vọng đó giờ đây đã trở thành hiện thực.
06/01/2012(Xem: 5692)
Những ngày cuối năm thật giá rét. Lá vàng như những cánh bướm chưa kịp đập cánh, đã phải tung bay rào rào theo những cơn gió bụi. Mưa lất phất đến rồi đi, để lại trên mặt đường những làn nước mỏng. Cây bạch đàn cao lớn phía sau nhà rung chuyển mạnh, tất cả nhánh lá cùng xuôi về một hướng, phần phật reo lên tựa hồ một cánh buồm trong gió. Hương bạch đàn phảng phất trong tiết lạnh mùa đông. Chợt nhớ những ngôi chùa ven rừng.
05/09/2011(Xem: 4359)
Dốc lên lưng chừng Thiền viện Từng dòng phồn tạp áo hoa Vô thanh hòa ngàn âm giọng Trực Tâm ngưỡng A Di Đà
21/07/2011(Xem: 4171)
Không có con sông nào chảy ngang chùa. Cũng không phải là ngôi chùa gỗ được thiết kế như một chiếc thuyền trên sông. Nhưng chính nơi tên chùa, và tên của thôn xã địa phương, đã diễn tả một cảnh sông nước thơ mộng, mênh mông trong trí người đọc: Chùa Huệ Hà, thôn Ngân Hà, xã Ninh Thủy (Hà là sông lớn. Thủy là nước, trong một số trường hợp, chữ này cũng được dùng để nói về sông sâu, biển rộng). Thôn Ngân Hà, xã Ninh Thủy này thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
24/06/2011(Xem: 2559)
Cuộc khai quật khu vực chùa Báo Ân (xã Dương Quang, Gia Lâm, HN) kéo dài 3 năm trên tổng diện tích 1000m2, được xem là công trình khảo cổ rộng lớn và tập trung bậc nhất của Hà Nội, chỉ sau cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long. Từ đây đã có thể khẳng định sự tồn tại của chùa Báo Ân thời Trần, một trong những Trung tâm lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]