Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12 Con Đường Hoằng Pháp

21/11/201018:05(Xem: 7344)
12 Con Đường Hoằng Pháp



ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP
Đại Đức Narada Maha Thera, 1980 - Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998
Nguyên tác: "The Buddha and His Teachings"
Buddhist Publication Society, Sri Lanka

CHƯƠNG 12

Con Đường Hoằng Pháp

"Như Lai đã thoát khỏi mọi trói buộc,
dầu ở cảnh Trời hay cảnh người.

Các con cũng vậy, hỡi các Tỳ Khưu,

Đã vượt qua khỏi mọi thằng thúc".

-- Mahavagga

Con đường Hoằng Pháp vừa lợi ích vừa thành công của Đức Phật kéo dài bốn mươi lăm năm. Từ lúc Thành Đạo, năm ấy ba mươi lăm tuổi, chí đến khi Đại Niết Bàn, tám mươi tuổi, Đức Phật không ngừng phục vụ nhân loại bằng cả hai lối - gương lành và lời dạy. Suốt cả năm trường, đôi khi một mình, lắm lúc cùng với môn đệ, Ngài đi từ nơi này đến nơi khác để truyền bá Giáo Pháp trong dân gian và dẫn dắt nhiều người ra khỏi vòng cương tỏa của luân hồi.

Theo khí hậu ở Ấn Độ, trong mùa Vassàna, trời mưa tầm tã nên Đức Phật ở lại một nơi. Đó cũng là phong tục của các nhà tu sĩ Ấn Độ thời bấy giờ.

Thuở xưa, cũng như hiện nay, ở Ấn Độ có ba mùa rõ rệt là Vassàna (mùa mưa), Hemanta (mùa đông) và Gimhana (mùa nóng). Vassàna, hay mùa mưa bắt đầu từ tháng Asalha và kéo dài đến tháng Assayuga nghĩa là từ khoảng giữa tháng Bảy đến tháng Mười Một, Dương Lịch.

Trong mùa Vassàna (Hạ), vì mưa dầm tầm tã nên mực nước sông rạch thường dâng lên cao, đường sá ngập lụt, giao thông gián đoạn, và dân chúng phải sống quanh quẩn trong nhà hay trong làng với chút ít vật thực gì đã để dành được từ các mùa trước. Trong thời gian ấy, các vị đạo sĩ khó lòng đi được đó đây để giảng đạo, khó lòng di chuyển mà không xúc phạm đến sanh mạng của bao nhiêu loài động vật, tìm sống ở một nơi ít còn khô ráo, hay tổn hại đến cây cỏ mùa màng. Do đó, các tu sĩ, kể cả các đệ tử của Đức Phật, thường tạm ngưng mọi họat động phải di chuyển để rút về những nơi vắng vẻ.

Theo thường, Đức Phật và các đệ tử Ngài được cung thỉnh về an cư kiết hạ ở các tu viện hay những khu vườn ẩn dật. Đôi khi các Ngài cũng rút vào rừng sâu. Vào những lúc ấy, Đức Phật ở đâu thì dân chúng trong vùng kéo đến nghe Pháp và cố tận dụng thời gian ấy để tạo phước.

Hai Mươi Hạ Đầu Tiên.

Hạ Đầu Tiên - tại Benares (Ba La Nại).

Sau khi Vận Chuyển Pháp Luân cho năm vị đệ tử trong ngày trăng tròn tháng Asalha, Đức Phật nhập Hạ đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, Isipatana, gần Benares (Ba La Nại). Lúc ấy ở đây chưa có nhà cửa hay tu viện. Trong Hạ này, Ngài cảm hóa Yasa.

Hạ Thứ Nhì, Thứ Ba Và Thứ Tư - tại Rajagaha.

Rajagaha (Vương Xá Thành) là kinh đô của Vương Quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), dưới triều Vua Bimbisara (Bình Sa Vương). Do lời thỉnh cầu của vua trước ngày Bồ Tát Thành Đạo, Đức Phật trở lại viếng thành Rajagaha, và trong dịp này Vua Bimbisara dâng lên Đức Phật và chư đệ tử Ngài khu Rừng Tre, Veluvana (Trúc Lâm). Nơi đây vắng vẻ, thật là chỗ trú ngụ lý tưởng của hàng tu sĩ vì không quá xa cũng không quá gần đô thị. Đức Phật nhập Hạ ba năm liên tiếp tại nơi này.

Hạ Thứ Năm - tại Vesali.

Mùa Hạ này Đức Phật ngự trong một tịnh thất tại Mahavana (Đại Lâm) gần thành Vesali (Vệ Xá). Ở đây, được tin Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) lâm bệnh trầm trọng, Ngài đi lần về đến tận phòng, thuyết Pháp cho cha nghe. Đức vua tức khắc đắc Quả A La Hán, nhập Diệt Thọ Tưởng Định (đại định) trong bảy ngày và viên tịch luôn.

Cũng trong Hạ này Đức Phật cho phép sáng lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni, theo lời thỉnh nguyện của Bà Maha Pajapati Gotami.

Sau khi cử hành lễ hỏa táng đức vua xong, Bà Maha Pajapati Gotami đến hầu Phật, lúc ấy đang tạm ngự tại Nigrodharama, và xin phép cho hàng phụ nữ được gia nhập vào Giáo Hội. Nhưng Đức Phật từ chối và trở về tịnh thất tại thành Vesali. Bà Pajapati Gotami muốn xuất gia đến đỗi, cùng với các mệnh phụ phu nhân dòng Sakya (Thích Ca) và dòng Koliya, đi bộ từ Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) đến Vesali, và nhờ sự hỗ trợ của Đức Ananda, được phép xuất gia và thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni.

Hạ Thứ Sáu - tại đồi Mankula, trong Kosambi, gần Allahabad.

Cũng như trước kia Ngài dùng "Đôi Phép Lạ" - Yamaka Patihariya [1] (làm cho lửa và nước từ lỗ chân lông phun ra) để chế ngự tính ngã mạn của thân bằng quyến thuộc tại quê nhà, nơi đây Ngài dùng lại phép ấy lần thứ nhì để thâu phục những người khác đạo.

Hạ Thứ Bảy - tại cung Trời Tavatimsa (Đạo Lợi).

Vài ngày sau khi hạ sanh Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) thì Hoàng Hậu Maha Maya (Ma Da) thăng hà và tái sanh vào cung Trời Tusita (Đấu Xuất Đà). Trong Hạ thứ bảy Đức Phật thuyết Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) cho chư Thiên ở cung Trời Đạo Lợi, và vị Trời trước kia là Hoàng Hậu Ma Da, từ Đấu Xuất Đà đến Đạo Lợi nghe Pháp.

Mỗi ngày Đức Phật trở về quả địa cầu, tóm tắt bài Pháp để cho Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) giảng rộng giáo lý ấy cho hàng đệ tử. Tạng Vi Diệu Pháp còn lưu truyền đến nay là bài Pháp đầy đủ chi tiết do Đại Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) truyền dạy. Kinh sách ghi rằng sau khi nghe xong những thời Pháp này, vị Trời trước kia là mẹ của Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) đắc Quả Tu Đà Hườn.

Hạ Thứ Tám - tại rừng Bhesakala, gần tảng đá Sumsumara, trong quận Bhagga.

Hạ Thứ Chín - tại Kosambi. Trong Hạ này có bà Magandiya tự tạo cho mình một mối hận thù sâu sắc đối với Đức Phật và tìm mọi cơ hội để bêu xấu thanh danh của Ngài. Magandiya là một thiếu nữ xinh đẹp sanh trưởng trong một gia đình thuộc giai cấp Bà la môn. Cha mẹ nàng kén rể, muốn chỉ gả nàng cho người thật xứng đáng.

Ngày kia, lúc quan sát thế gian, Đức Phật nhận thấy hai ông bà đã hội đủ duyên lành, tinh thần phát triển đầy đủ. Vì lòng từ bi muốn tế độ hai ông bà nên Đức Phật ngự đến nơi, lúc ông đang cúng tế Thần Lửa. Vị Bà la môn lấy làm say mê trước hình dáng tốt đẹp của Đức Phật và nghĩ thầm rằng đây quả thật xứng đáng là rể đông sàng mà ông hết lòng mong mỏi từ lâu. Ông liền thỉnh Đức Phật ở nán lại chờ ông đi một chút sẽ trở lại và vội vã chạy kêu con gái. Lúc ấy Đức Phật cố ý giậm dấu chân trên mặt đất rồi đi sang một chỗ khác gần đó. Khi người bà la môn dẫn vợ và cô con gái ăn mặc đẹp đẽ đến nơi thì chỉ nhìn thấy dấu chân. Bà vợ giỏi về khoa tướng số, biết rằng dấu chân này không phải của người tầm thường mà phải là của người rất trong sạch, đã tận diệt mọi dục vọng. Ông Bà la môn chế nhạo vợ và nhìn thấy Đức Phật cách đó không xa, ông dẫn con đến, đề nghị gả cho Ngài. Đức Phật mô tả cách Ngài chế ngự dục vọng như sau:

"Đã nhận thấy Ái Dục, Bất Mãn và Tham Vọng [2]
Ta không thích thú trong dục lạc của ái tình.
Cơ thể đầy ô trược này là gì?
Ta không bao giờ muốn sờ chạm đến nó,
Dầu chỉ đụng bằng chân." [3]

Nghe đến đây, hai ông bà Bà la môn chứng ngộ Đạo Quả A Na Hàm, tầng thánh thứ ba. Nhưng cô Magandhiya không hiểu, ngỡ rằng như thế là chửi mắng, làm nhục cô, nên lấy làm tức giận. Bị chạm tự ái, cô nghĩ: "Nếu người này không cần đến ta thì cứ nói thật, và như vậy là hoàn toàn thích đáng. Tại sao ông ta lại tuyên bố rằng cơ thể này đầy ô trược? Hay lắm! Ông ta sẽ thấy, do sự sanh trưởng trong giai cấp Bà la môn, do gia tộc, do địa vị xã hội, tài sản và duyên dáng trẻ son của ta, ta sẽ có một người chồng xứng đáng và chừng đó ta sẽ biết làm những gì phải làm đối với Sa Môn Gotama (Cồ Đàm)."

Về sau bà trở nên thứ hậu của Vua Udena. Dựa trên quyền thế lúc bấy giờ, bà đút lót và xúi giục người mắng chửi và xua đuổi Đức Phật ra khỏi thành phố. Khi Đức Phật vào thành, những người ấy hô to ngay đến Ngài:

"Ông là tên trộm, là tên khờ dại, là người điên cuồng, là con lạc đà, là bò, là lừa, là chúng sanh ở địa ngục, là thú vật. Ông không mong gì được lên nhàn cảnh. Hình phạt và khổ cảnh là tất cả những gì ông có thể mong đợi."

Đại Đức Ananda không thể chịu đựng những lời nguyền rủa tục tằn như vậy, đến hầu Phật và bạch:

"Bạch Đức Thế Tôn, người ta đang chửi rủa và nhục mạ chúng ta thậm tệ. Xin Ngài cho dời đi nơi khác."

- Này Ananda, bây giờ ta nên đi đâu?

- Bạch Đức Thế Tôn, đến một thị trấn khác.

- Nếu ở nơi ấy người ta cũng chửi rủa và nhục mạ ta như vậy rồi ta sẽ đi đâu?

- Bạch Đức Thế Tôn, lại đi đến một nơi khác nữa.

- Này Ananda, không nên nói vậy. Nơi nào gặp chuyện khó khăn, chính nơi ấy ta phải giàn xếp ổn thỏa. Và chỉ khi giàn xếp xong ta mới có quyền đi nơi khác. Nhưng này Ananda, ai chửi rủa nhục mạ ta?

- Bạch Đức Thế Tôn, ai cũng chửi rủa ta. Những người cùng đinh nô lệ và tất cả mọi người.

Đức Phật nhân cơ hội dạy Đại Đức Ananda hành pháp nhẫn nhục như sau:

"1. Như voi chiến ở trận địa, hứng lãnh làn tên mũi đạn từ bốn phía dồn dập bắn tới, dường thế ấy, ta phải chịu đựng những lời nguyền rủa chửi mắng từ mọi nơi. Đúng thật vậy, phần đông sống không giới đức.

2. Nhiều voi ngựa được dẫn đến chỗ vua quan tụ tập. Giữa đám đông voi ngựa ấy, vua chọn con nào thuần thục nhất để cưỡi. Giữa đám đông con người, cao thượng nhất là người có giới đức thuần thục, chịu đựng những lời nguyền rủa.

3. Quý báu thay! Những con lừa thuần thục, những con ngựa rặc giống của xứ Sindh và những thớt tượng sang trọng có ngà. Những con người thuần thục, giới đức trang nghiêm là hơn tất cả." [4]

Và Đức Phật dạy thêm Đức Ananda:

"Không nên lo ngại, những người này chỉ chửi mắng trong bảy ngày. Đến ngày thứ tám họ sẽ lặng yên. Một chuyện khó khăn xảy đến Đức Phật không thể kéo dài quá bảy ngày." [5]

Hạ Thứ Mười - tại rừng Parileyyaka.

Trong lúc Đức Phật ngự tại Kosambi, một vụ tranh luận xảy ra giữa hai nhóm tỳ khưu - một nhóm giỏi về Kinh và một nhóm giỏi về Luật - vì có một vị phạm nhằm một giới nhỏ có liên quan đến cách thức sử dụng phòng vệ sinh. Những người ủng hộ cũng chia làm hai phe. Đức Phật bổn thân đứng ra giàn xếp cũng không xong. Hai bên đều tỏ ra có tánh gây gỗ, và niềm bất hòa ngấm ngầm tiếp diễn. Đức Phật suy nghĩ:

"Trong tình trạng hiện tại, đám đông người này cố tâm muốn lấn áp nhau, khiến cho những ngày an cư kiết hạ của ta trở nên bất ổn. Hơn nữa chúng Tăng ở đây không để ý đến lời dạy của ta. Hay là ta rời khỏi đám đông để ẩn dật trong rừng sâu".

Liền đó, không cho chư Tăng biết, Ngài một mình ra đi, đến khu rừng Parileyyaka, và nhập Hạ dưới gốc một cây sala (long thọ) tươi đẹp.

Theo tích chuyện được kể lại, trong thời gian này có một con voi và một con khỉ theo hầu cận và lo lắng mọi nhu cầu cho Đức Phật. [6]

Hạ Thứ Mười Một - tại Ekanala, một làng theo đạo Bà La Môn.

Bài kinh Kasibharadvaja Sutta [7] thuật lại như sau:

Một thời kia Đức Phật ngự tại Ekanala trong Dakkhinagiri, một làng theo Bà La Môn Giáo của xứ Magadha. Lúc ấy lối năm trăm tay cày làm việc cho ông Bà la môn Kasibharadvaja sắp sửa ra đồng. Đức Phật đắp y mang bát đến nơi người ta đang phân phối vật thực và đứng sang một bên. Vị Bà la môn Kasibharadvaja thấy vậy nói: "Này Tôn Giả, tôi cày và gieo. Sau khi cày và gieo, tôi ăn. Ông cũng vậy, này Tôn giả, ông cũng phải cày và gieo, sau khi đã cày và gieo, ông sẽ ăn."

- Này Ông Bà La Môn, Như Lai cũng cày và gieo vậy. Đã cày và gieo xong, Như Lai ăn.

- Nhưng nào tôi có thấy đâu cái cày, cái ách hay cái lưỡi cày, cũng không thấy bò hay cây roi bò của Tôn Giả Gotama (Cồ Đàm), mặc dầu Tôn Giả nói: "Như Lai cũng cày và gieo. Đã cày và gieo xong, Như Lai ăn".

Tôn Giả tự xưng là nông dân, nhưng chúng tôi có thấy đâu lằn cày của Tôn Giả. Vậy xin Tôn Giả cho chúng tôi biết ông cày ở đâu?

Đức Phật trả lời:

"Đức tin (saddha) là hột giống, giới luật (tapo) là mưa, trí tuệ (panna) là ách cày và cây cày, hạnh khiêm tốn (hiri) là cán cày, tâm (mano) là dây cương, và niệm (sati) là lưỡi cày và roi bò.

"Như Lai sống với lục căn thu thúc, nói năng và ẩm thực tiết độ. Như Lai đã dùng hạnh chân thật để cắt đứt những cọng cỏ dại. Thành đạt Đạo Quả Tối Thượng (A La Hán) là mở dây thả bò.

"Tinh tấn (viriya) là loài thú chở nặng đã đưa Như Lai đến trạng thái không bị trói buộc (Niết Bàn).

"Trực chỉ thẳng tiến, bất thối chuyển và đã đi, không còn sầu muộn.

"Đó, lằn cày của Như Lai được thực hiện như thế đó. Hậu quả của nó là trạng thái Bất Tử.

"Đã kéo xong lằn cày thì không còn phiền muộn âu sầu nữa."

Nghe xong, vị Bà La Môn Kasibharadvaja bới đầy một chén cơm trộn sữa, dâng đến Đức Phật và nói: "Vậy xin Tôn Giả Gotama (Cồ Đàm) độ chén cơm trộn sữa này! Tôn Giả quả thật là một nông dân vì Ngài đã trồng một loại cây trổ trái 'Bất Tử'."

Tuy nhiên, Đức Phật từ chối không nhận chén cơm. Ngài dạy:

"Vật thực nhận lãnh do sự thuyết giảng giáo lý là không thích nghi để Như Lai dùng. Này Ông Bà La Môn, đó là thông lệ của Bậc Đại Giác. Đấng Chánh Biến Tri không thể dùng vật thực ấy. Khi nào truyền thống này còn được giữ gìn thì đó là chánh mạng.

"Chỉ dùng những vật thực và ẩm thực hoàn toàn trong sạch bởi vì bậc thánh nhân tĩnh lặng là thửa ruộng phì nhiêu để cho những ai muốn, có thể gieo trồng hột giống tốt."

Hạ Thứ Mười Hai - tại Veranja.

Một vị Bà la môn ở Veranja nghe Đức Phật ngụ tại quê mình cùng với đông đảo chúng Tăng, gần cây Nimba của Naleru nên đến hầu Ngài và nêu lên nhiều câu hỏi có liên quan đến phẩm hạnh của Đức Phật. Sau khi được nghe lời giải đáp, vị Bà la môn lấy làm hoan hỷ, xin quy y Tam Bảo và cung thỉnh Đức Phật và chư Tăng ở lại nhập Hạ tại Veranja. Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách giữ im lặng.

Bất hạnh thay, ngay lúc ấy tại Veranja có nạn đói. Do đó Đức Phật và chư Tăng phải dùng thức ăn của ngựa. Một người lái ngựa có lòng tốt dâng thức ăn của ngựa còn lại và Đức Phật chia sớt phần vật thực ấy một cách hoàn toàn bình thản.

Trong khoảng thời gian ấy, Ngài Xá Lợi Phất, một hôm, sau khi xuất thiền, đến hầu Phật và cung kính bạch: "Bạch hóa Đức Thế Tôn, Giáo Pháp của vị Phật nào tồn tại lâu dài và Giáo Pháp nào không tồn tại?" Đức Phật trả lời rằng Giáo Pháp của chư Phật Vipassi, Sikhi và Vessabhu không tồn tại lâu dài còn Giáo Pháp của chư Phật Kakusandha, Konagamana và Kassapa tồn tại lâu dài. [8]

Đức Phật dạy rằng sự kiện này do một vài vị Phật không giảng dạy cặn kẽ giáo lý và không ban hành giới luật để giữ hàng môn đệ trong nếp sống kỷ cương và có những vị Phật đã làm đầy đủ các điều ấy.

Nhân đó Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) cung kính xin Đức Phật ban hành những giới căn bản (Patimokkha, giới bổn) để trong tương lai có thể giữ chư Tăng trong nếp sống kỷ cương, và đời sống Thiêng Liêng Phạm Hạnh được tồn tại lâu dài.

- Hãy nhẫn nại, Sariputta(Xá Lợi Phất), hãy nhẫn nại.

Và Đức Phật dạy thêm:

"Chỉ có Như Lai biết chừng nào là đúng lúc. Cho đến khi có một vài trường hợp hoen ố phát sanh trong hàng Tăng chúng Như Lai không ban hành những "Phương Tiện Kỷ Luật" và đặt ra "Giới Luật Căn bản" (Patimokkha) cho hàng môn đệ. Chừng nào có trường hợp hoen ố xảy diễn trong hàng Tăng chúng, chỉ đến chừng ấy Như Lai mới ban hành những "Phương Tiện Kỷ Luật" và đặt ra "Giới luật Căn Bản" để tận diệt các ô nhiễm ấy.

"Này Sariputta (Xá Lợi Phất), chừng nào chúng Tăng đạt đến mức cao thượng lâu dài (rattannu-mahattam), phát triển đầy đủ (vepulla-mahattam), tăng trưởng lợi ích (labhagga-mahattam), và pháp học uyên bác (bahussuta-mahattam) thì trường hợp hoen ố sẽ phát sinh trong Tăng chúng. Đến chừng ấy Như Lai sẽ ban hành những Phương Tiện Kỷ Luật và Giới Luật Căn Bản để ngăn ngừa những điều ô nhiễm ấy.

"Này Sariputta (Xá Lợi Phất), hiện nay Giáo Hội các đệ tử không có điều gì bất ổn, không có những khuynh hướng xấu xa, không ô nhiễm, trong sạch và giới hạnh trang nghiêm. Người cuối cùng trong năm trăm đệ tử cũng đã Nhập Lưu, không còn phải bị rơi lại nữa, đã vững chắc và đang tiến đến giác ngộ." [9]

(Mùa nhập Hạ tại Veranja là đầu đề cho "Lời Giới Thiệu" quyển Parajika trong tạng Luật).

Khi ra Hạ này Đức Phật tiếp tục du phương hoằng đạo đến Soreyya, Samkassa, Kannakujja, Payaga, và qua sông, ghé lại ít lâu tại Bénares và từ đó trở về Vesali ngự tại đồi Tháp trong Mahavana (Đại Lâm).

Hạ Thứ Mười Ba - tại tảng đá Caliya.

Hạ Thứ Mười Bốn - tại Jetavana, kỳ Viên, Savatthi.

Đại Đức Rahula (La Hầu La) thọ Cụ Túc Giới năm này khi Ngài đúng hai mươi tuổi.

Hạ Thứ Mười Lăm - tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ).

Cái chết thê thảm của Vua Suppabuddha (Thiện Giác) xảy ra trong Hạ này. Vua oán giận Đức Phật vì Ngài ra đi, bỏ con gái vua là Công Chúa Yasodhara (Da Du Đà La).

Cũng nên ghi nhận rằng Đức Phật chỉ nhập Hạ một năm nơi chôn nhau cắt rún của Ngài.

Hạ Thứ Mười Sáu - tại thành Avali.

Trong Hạ này Đức Phật thâu phục quỷ Alavaka (Dạ Xoa), có tiếng là thường ăn thịt người.

Alavaka là một con quỷ hung tợn, lấy làm tức giận khi thấy Đức Phật ở trong nhà của nó. Quỷ Alavaka liền đến trước mặt Đức Phật và bảo Ngài ra đi. Đức Phật nói: "Được, tốt lắm", và đi ra. Alavaka lại biểu đi vào. Đức Phật trở vô. Lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, nó lại biểu như vậy. Đức Phật tuân lời. Nhưng đến lần thứ tư, Ngài từ chối và bảo Alavaka muốn làm gì thì cứ làm.

-- Được, này ông Sa Môn, tôi hỏi ông một câu, nếu ông không giải đáp được, tôi sẽ phân tán tâm ông, hoặc cắt xẻ tim ông, hoặc nắm chân ông quăng tuốt qua phía bên kia sông Hằng.

- Không thể được, trên thế gian này Như Lai không thấy ai, dầu là chư Thiên, sa môn, bà la môn hay trong đám đông Trời và người, không ai có thể phân tán tâm Như Lai, hoặc cắt xẻ tim Như Lai, hoặc nắm chân Như Lai cố quăng qua phía bên kia sông Hằng. Tuy nhiên, Đạo Hữu muốn hỏi việc gì cứ hỏi.

Alavaka liền nêu lên câu hỏi sau đây:

"Vật sở hữu quý nhất của con người là gì?
Điều gì, nếu thực hành đúng, sẽ đem lại hạnh phúc?
Hương vị nào ngọt ngào hơn tất cả?
Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?"

Đức Phật trả lời:

"Đức tin là vật sở hữu quý nhất của con người.
Giáo Pháp, nếu thực hành đúng, sẽ đem lại hạnh phúc.
Đức hạnh chân thật quả là hương vị ngọt ngào nhất.
Sống với trí tuệ được xem là cao thượng nhất."

Alavaka lại hỏi tiếp:

"Làm cách nào vượt qua trận thủy tai?
Làm sao vượt trùng dương?
Làm cách nào chế ngự sầu muộn?
Tự thanh lọc bằng cách nào?"

Đức Thế Tôn trả lời:

"Vượt qua trận thủy tai nhờ niềm tin.
Nhờ đức kiên trì, vượt trùng dương.
Chế ngự sầu muộn bằng tinh tấn.
Tự thanh lọc bằng trí tuệ."

Alavaka lại hỏi thêm:

"Thành đạt trí tuệ bằng cách nào?
Làm sao mưu tìm sự nghiệp?
Thành đạt danh vọng bằng cách nào?
Cái gì làm cho tình bằng hữu trở nên khắng khít?
Từ thế gian này sang cõi khác,
Làm thế nào tránh khỏi sầu muộn? [10]

Đức Phật đáp:

"Người kiên trì, sáng suốt có niềm tin, thành đạt trí tuệ bằng cách lắng nghe Giáo Pháp của bậc Đại Giác, có khả năng dẫn đến Niết Bàn.

Người làm công việc thích nghi một cách kiên trì, cần mẫn, sẽ tìm được sự nghiệp.

Nhờ hạnh chân thật, thành đạt danh vọng.

Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khắng khít.

Người cư sĩ thành thật, có được bốn phẩm hạnh: chân thật, giới đức, can đảm và rộng rãi bố thí, sẽ không buồn phiền sầu muộn sau khi qua đời.

Được rồi, Đạo Hữu hãy đi hỏi các vị sa môn và bà la môn khác xem họ có gì quý báu, cao thượng hơn chân thật, tự kiểm soát, quảng đại và nhẫn nại không?"

Alavaka đã am hiểu những lời Phật dạy nên bạch:

"Đã thấu hiểu bí quyết để mưu cầu an lạc trong tương lai, vậy tôi còn phải đi hỏi các vị sa môn và bà la môn khác làm gì? Đức Thế Tôn hôm nay quang lâm đến Alavi chính vì sự an lành của tôi. Tôi đã thấu hiểu rằng của bố thí sẽ đem lại quả lành phong phú. Từ làng này sang làng khác, từ đô thị này đến thị trấn kia, tôi sẽ thênh thang đó đây để tán dương công đức của bậc Chánh Biến Tri và tánh cách toàn thiện của Giáo Pháp Cao Thượng."

Hạ Thứ Mười Bảy - tại Rajagaha.

Hạ Thứ Mười Tám - tại tảng đá Caliya.

Hạ Thứ Mười Chín Và Hai Mươi - tại Rajagaha.

-oOo-

Đức Phật và Angulimala [11]

Đức Phật thâu phục tên sát nhân hung tợn Angulimala trong hạ thứ hai mươi. Lúc nhỏ ông này tên Ahimsaka (người vô tội). Cha ông là quốc sư của vua xứ Kosala. Ông ăn học ở Taxila, một trung tâm giáo dục trứ danh thời xưa, và trở thành vị đệ tử lỗi lạc và thân tín nhất của một ông thầy rất danh tiếng. Bất hạnh thay, vì thế mà bạn bè ông nảy sanh lòng ganh tị, bày điều gièm xiểm và thành công đầu độc tư tưởng của thầy. Ông này tin lời, lấy làm tức giận, và không kịp nghĩ suy hay dò xét, mưu hại Ahimsaka bằng cách truyền lệnh cho ông này phải đem đến một ngàn ngón tay người, ngón út ở bàn tay mặt, dâng lên ông để làm lễ thọ giáo. Mặc dầu không vui, Ahimsaka gượng gạo vâng lời thầy, đi vào rừng Jalini, tại Kosala, và bắt đầu chuỗi dài những cuộc sát nhân ghê tởm, để chặt lấy ngón tay. Ban đầu ông xỏ xâu các ngón tay lại, treo lên cành cây. Nhưng vì kên kên và quạ đến ăn nên ông đeo trên cổ như một tràng hoa làm bằng ngón tay người, giữ cho khỏi bị mất và để dành cho đủ số cần thiết. Do đó có tên "Angulimala", có nghĩa là "tràng hoa kết bằng ngón tay".

Kinh sách [12] ghi rằng khi ông để dành được chín trăm chín mươi chín ngón thì Đức Phật xuất hiện. Nhìn thấy Đức Phật, Angulimala mừng lắm, nghĩ rằng đây là cơ hội để ông hoàn tất sứ mạng.

Ông liền rảo bước thẳng tới Đức Phật, tay rút gươm ra khỏi vỏ.

Đức Phật dùng thần thông tạo những trở ngại làm cho Angulimala chạy theo không kịp, dầu cố hết sức rượt bắt. Mệt mỏi hết sức, mồ hôi nhễ nhại, ông dừng chân lại và cất tiếng gọi: "Hãy dừng lại, ông sa môn".

Đức Thế Tôn từ tốn đáp:

"Mặc dầu Như Lai đi, Như Lai đã dừng bước. Còn con, Angulimala, hãy dừng bước."

Tên sát nhân suy nghĩ: "Các vị sa môn này luôn luôn nói thật. Vị này nói rằng ông ta đã dừng bước, còn ta thì không dừng. Thế là nghĩa làm sao?"

Angulimala liền hỏi thêm: "Này Ông Sa Môn. Ông còn đi, chính tôi đã dừng. Ông lại nói rằng tôi không dừng còn ông thì đã dừng. Xin hỏi, này Ông Sa Môn, lời nói của ông có ý nghĩa gì?"

Đức Phật dịu dàng đáp: "Đúng vậy, Angulimala, Như Lai đã dừng bước, dừng luôn, mãi mãi. Như Lai đã từ khước, dứt bỏ, không còn hành hung hay gây tổn thương cho một sanh vật nào. Còn chính con không giữ lại bàn tay đẫm máu, vẫn sát hại đồng loại. Vậy, Như Lai đã dừng, còn con thì vẫn tiếp tục."

Đến đây nghiệp tốt của Angulimala mau chóng trồi lên mặt. Ông nghĩ rằng vị sa môn này chắc không phải ai khác hơn là Đức Phật Gotama (Cồ Đàm), quang lâm đến đây vì lòng bi mẫn, muốn tế độ mình. Nghĩ vậy, ông liền vứt đi tất cả võ khí, rồi đến gần Đức Phật, đảnh lễ Ngài và xin quy y. Về sau Đức Phật chấp nhận ông vào Giáo Hội Tăng Già Cao Thượng bằng cách thốt ra lời: "Ehi Bhikkhu!" "Hãy đến đây Tỳ Khưu!"

Tin Angulimala xuất gia tỳ khưu với Đức Phật được truyền rộng ra khắp xứ. Riêng Vua Kosala cảm thấy nhẹ nhàng như thoát khỏi nạn, vì Angulimala quả thật là một đại họa cho dân chúng trong xứ.

Nhưng tâm của Tỳ khưu Angulimala vẫn không an tĩnh bởi vì luôn luôn Ngài tưởng nhớ đến dĩ vãng tội lỗi của mình và những tiếng kêu la than khóc của các nạn nhân. Chí đến những lúc một mình hành thiền ở nơi vắng vẻ cũng không quên được. Ngày kia, khi đi trì bình ngoài đường, ngài bị người ta dùng gậy gộc đánh đập và chọi đá vào mình, phải đi về chùa với đầu cổ đầy thương tích, máu chảy dầm dề, mình mẩy chỗ bị bầm dập, nơi bị cắt đứt, một cơ hội để Đức Phật nhắc lại rằng đó là hậu quả bất thiện của những hành vi hung bạo của ngài trong quá khứ.

Ngày nọ, lúc đi bát, Tỳ Khưu Angulimala thấy một người phụ nữ sắp lâm bồn đang gặp khó khăn, rên xiết bên đường. Động lòng bi mẫn, Ngài đem câu chuyện đau thương ấy bạch lại với Đức Phật. Đức Phật khuyên Ngài hãy quày trở lại, đọc những lời xác nhận sau đây - những câu này vẫn còn được lưu truyền đến nay dưới tựa đề Angulimala Paritta:

"Này Đạo Hữu, từ ngày được sanh vào Thánh tộc (nghĩa là từ ngày tôi xuất gia), tôi chưa hề cố ý tiêu diệt đời sống của một sinh vật nào. Do lời chân thật này, ước mong cô được vuông tròn và con của cô bình an vô sự."

Ngài Angulimala học thuộc lòng bài kinh, rồi đi đến nơi, ngồi cách người phụ nữ một bức màn, đọc lại. Người mẹ đau khổ liền sanh được dễ dàng. Đến nay bài kinh Paritta [13] này vẫn còn công hiệu.

Về sau, vào đúng thời kỳ, Đại Đức Angulimala đắc Quả A La Hán. Khi nhắc đến đường lối Đức Phật cảm hóa Ngài, Đại Đức Angulimala nói:

"Có những sanh vật bị khắc phục bằng võ lực,
Bằng cù móc hay roi vọt.
Nhưng ta đây, được thuần hóa do một nhân vật
Không cần đến gậy gộc, cũng không dùng gươm đao [14]

-oOo-

Trong hai mươi lăm năm còn lại, Đức Phật sống phần lớn ở Savatthi, tại Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá) do trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) kiến tạo và phần khác tại Pubbarama do bà Visakha dâng.

ducphatvaphatphap-12-1
ducphatvaphatphap-12-2



Chú thích:

[1] Xem Chương 8.

[2] Tanha (Ái Dục), Arati (Bất Mãn) và Raga (Tham Vọng) là ba người con gái của Ma Vương.

[3] Buddhist Legends, phần i, trang 274.

[4] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 320, 321, 322.

[5] Xem Buddhist Legends, tập i, tr. 176.

[6] Dhammapadatthakatha, bản Chú giải Kinh Pháp Cú, Kosambaka Vatthu.

[7] Sutta Nipata, trang 12.

[8] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, bài kinh Suttavibhanga (Parajika) tr. 1-11, Miss I. B. Horner, Book of The Discipline, phần 1, trang 1-23.

[9] Đức Phật muốn ám chỉ Đại Đức Ananda.

[10] Xem Kindred Sayings, phần I, trang 276-277.

[11] Psalms of the Brethren, trang 318-325. Xem Angulimala Sutta, Majjhima Nikaya, kinh 86, tập 2, trang 97.

[12] Psalms of the Brethren, trang 320-321.

[13] Kinh Bảo vệ.

[14] Psalms of the Brethren, trang 328.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/12/2023(Xem: 16752)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 14809)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
12/12/2023(Xem: 9108)
Chánh Pháp và Hạnh Phúc (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
20/08/2023(Xem: 3920)
CHÙA PHẬT LINH 248A Quốc lộ 51, Xã Tân Hòa Thị xã Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Điện thoại: 0254 – 3891583 Email: [email protected] Website: WWW.chuaphatlinh.com Facebook: facebook.com/Chùa Phật Linh Youtube: Thích Hạnh Định Đường nối kết trang youtube https://www.youtube.com/channel/UCXkVoGAVPcN6tvFJyH2LnKg/videos Biên soạn Tỳ kheo Thích Hạnh Định
19/05/2023(Xem: 6630)
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng đã kêu gọi đạo Phật ở thế kỷ 21, với sự nhấn mạnh không phải vào nghi lễ, cầu nguyện và lòng sùng mộ, đúng nghĩa hơn là nghiên cứu, tu học đặc biệt là các tác phẩm của 17 vị Luận sư vĩ đại thuộc Nalanda trường Đại học đầu tiên của Phật giáo. Để phù hợp với phương tiện thiện xảo của Đức Phật, nghiên cứu cần phải thích nghi với hoàn cảnh của thế kỷ 21, và phù hợp với các phương pháp truyền thống của Thời đại kỹ thuật số. Nhằm duy trì hiệu quả trong giáo dục Phật giáo, thì phải thích ứng với những nhu cầu thời đại, như nó đã luôn thực hành trong quá khứ. Đặc biệt là để tiếp tục truyền thống vĩ đại của giáo dục Phật giáo Nalanda, cần phải đáp ứng với các phương pháp giáo dục hiện đại, để cung cấp cho các thế hệ trẻ khả năng tiếp cận. Tôi xin dẫn chứng một số bối cảnh lịch sử để chứng minh rằng việc thích nghi với thời đại là phù hợp với truyền thống đạo Phật.
17/05/2023(Xem: 6506)
Hiện nay có một hiện tượng đáng ngại là một số tu sĩ thuyết pháp có một số tín đồ nghe theo, hoặc là trụ trì, trở nên vô cùng ngã mạn có những hành động, cử chỉ, lời nói khinh mạn tín đồ và tự cho mình đã chứng đắc có khi còn hơn cả Phật. Câu hỏi đặt ra là: Là trụ trì, hoặc thuyết pháp có cả triệu tín đồ đi theo, phát hành cả trăm băng đĩa, như thế đã là Phật chưa?
20/04/2023(Xem: 13876)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
18/03/2023(Xem: 9190)
Tây phương Kinh tế học có thể bị chỉ trích bởi dựa trên sự hợp lý hóa hành vi cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận vì lợi ích của một nhóm nhỏ, phụ thuộc vào sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và sự suy thoái môi trường chung của chúng ta. Trong khi đó, Kinh tế học Phật giáo được hình thành dựa trên sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường, do đó mang lại sự an lạc hạnh phúc dựa trên từ bi tâm đối với tất cả chúng sinh. Mục tiêu của nó là duy sự phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời khẳng định sự thịnh vượng chung và mang đến sự an lạc thịnh đạt cho người lao động, khách hàng, cổ đông và xã hội.
18/03/2023(Xem: 5413)
Công nghệ phát triển thay đổi cuộc sống con người, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi tin rằng công nghệ chỉ mang lại lợi ích mà không phải trả giá. Một chủ đề lặp đi lặp lại trong lịch sử là sự ra đời của các công cụ và cơ bản công nghệ đổi mới, sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới, cũng như trong đó có vai trò của chúng ta. Từ sự phát triển động cơ hơi nước, hàng không, xử lý máy tính và gần đây hơn là trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ và công nghệ đã cải thiện phúc lợi đáng kể và năng suất của con người nhưng không nhất thiết là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái của thế giới.
15/03/2023(Xem: 5181)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]