Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2- Phật giáo với gia đình

09/05/201312:23(Xem: 4163)
Chương 2- Phật giáo với gia đình


Phật Học Tinh Yếu

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Trọn bộ 3 thiên

---o0o---

Phật Giáo Với Gia Ðình


Tiết mục:

I. Lược thuyết về năm thừa
II. Bổn phận cha con
III. Bổn phận vợ chồng
IV. Bổn phận chủ tớ


Kinh sách trích dẫn:Các Kinh: Biện-Ý-Trưởng-Giả-Tử, Thiện-Sanh, Trường-A-Hàm, Ðại-Tập, Tâm-Ðịa-Quán, Tạp-Bảo-Tạng, Tịnh-Phạn-Niết-Bàn, Bản-Sự, Vu-Lan-Bồn, Ngọc-Gia-Nữ, Trưởng-Giả-Pháp-Chí-Thê.


Ðề yếu
: Nhiều người hiểu lầm rằng: Tu phải là kẻ lớn tuổi, phải lìa bỏ tất cả việc đời, vui phận thanh đạm nâu sồng, sớm kệ chiều kinh, dưa muối chay lòng, gió trăng mát mặt. Tắt một lời: họ cho Tu-sĩ phải là con người thế ngoại. Những vị ấy chưa quan niệm được nghĩa tu là sửa đổi, sửa xấu thành tốt, dở ra hay, ác hóa lành, vọng thành chơn, phàm thành thánh. Và tu đã là sửa đổi, thì bất luận nam, nữ, già, trẻ, sang, hèn, tùy phần mình ai cũng có thể tu được.
Ðức Phật ra đời không phải vì lợi ích riêng cho một hạng người, nên Ngài đã tùy cơ diễn giảng năm thừa: Về Nhơn-thừa, một trong năm nấc thang giáo pháp, Ðức Thế-Tôn đã dạy bổn phận đối xử giữa cha và con, chồng vợ, chủ tớ... như sự trích dẫn nơi các tiết của bản chương. Ðã biết Phật-pháp bao hàm thế pháp, nếu nhận thức sâu hơn, các bạn có thể xóa tan quan niệm ranh giới giữa hai khu vực ấy.

Tiết I: Lược Thuật Về Năm Thừa

Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Ba nẻo trước gọi là ác thú hay ác đạo, hai nẻo sau là thiện thú hoặc thiện đạo. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo.

Nhân duyên ấy như thế nào? Trong kinh Biện-Ý-Trưởng-Giả-Tử, Đức Phật nói: “Có năm việc được sanh lên cõi trời:

1- Giữ hạnh từ bi không giết hại loài hữu-tình; thường phóng sanh, nuôi dưỡng, ái hộ vật mạng, khiến cho chúng được yên ổn.

2- Giữ hạnh hiền lương không tham lam, không trộm cướp tài vật của kẻ khác; bố thí giúp đỡ người nghèo nàn khốn khổ.

3- Giữ hạnh trinh tiết không ngoại tình; tinh tiến phụng trì trai giới.

4- Giữ hạnh thành tín không khi dối người; tránh bốn điều vọng ngữ; thực hành bốn điều chân ngữ.

5- Không say mê rượu hoặc bài bạc, khéo giữ tâm trí sáng suốt xa lìa nhiễm duyên

Có năm việc được sanh cõi người:

1-Bố thí, thi ân trạch đối với kẻ bần cùng.

2-Giữ giới, không phạm mười điều ác.

3- Nhẫn nhục, không làm não người.

4- Tinh tiến, khuyến hóa kẻ giải đãi.

5- Nhất tâm, trọn hiếu, tận trung. Giữ trong năm điều nầy, sẽ làm người giàu sang, sống lâu, khỏe đẹp, có oai đức; hoặc làm vua chúa được mọi người kính mến thừa sự.

Có năm việc bị đọa vào loài Bàng-sanh:

1- Phạm giới, ngoại tình, trộm cướp.

2- Mắc nợ mà lừa lọc, ngang ngạnh, không chịu trả.

3- Ưa sát sanh, rượu thịt.

4- Không chịu nghe học kinh pháp.

5- Say mê theo tục duyên, không thích trì trai, giữ giới, bố thí.

Có năm việc bị đọa vào loài Ngạ-quỷ:

1- Bỏn sẻn không thích bố thí.

2- Trộm cắp, bất hiếu với cha mẹ.

3- Ngu tối hẹp hòi, không có lòng rộng rãi, xót thương.

4- Chứa cất nhiều tiền của mà không dám ăn mặc, chi dùng.

5- Có tiền của, song không cấp dưỡng cha mẹ, anh em, vợ con, tôi tớ.

Có năm việc bị đọa Địa-ngục:

1- Không tin, Phật, Pháp, Tăng, khinh báng thánh-đạo.

2- Phá hoại chùa miếu.

3- Hủy báng bốn chúng của Phật, lung lăng không tin việc nhân-quả-tội-phước.

4- Ngỗ nghịch, không biết thượng hạ tôn ty, chẳng kể quân thần phụ tử, không chịu thuận tùng phục thiện theo lẽ phải.

5- Không nghe lời dạy chân chánh của thầy, tự cao, khinh mạn, hủy báng sư trưởng.

- Nầy Biện Ý! Ðó là những nhân duyên sanh về thiện hay ác đạo”. (Kinh Biện-Ý-Trưởng-Giả-Tử)

Bởi chúng-sanh đều có tánh Phật và đều có thể thành Phật, nên Như-Lai vận đức từ vô duyên, lòng bi đồng thể, nói ra năm thừa. Trong năm thừa nầy, Nhơn và Thiên-thừa được thi thiết với mục đích khiến cho chúng-sanh khỏi bị đọa vào ba đường ác khổ não, giữ thân trời, người, để lần lần gặp nhân duyên nghe pháp đắc ngộ. Nhưng phước nhơn thiên vẫn là hữu lậu, vô thường, còn trong nẻo luân-hồi, khó bảo đảm khỏi bị sa đọa, nên Đức Phật nói ra Thanh-Văn và Duyên-Giác-thừa, để loài hữu-tình thoát ly ba cõi, được vĩnh viễn an vui. Tuy nhiên, hai thừa nầy còn chưa đi đến chỗ giải thoát cứu cánh; vì thế Ðức Như-Lai lại nói ra Bồ-Tát-thừa để hàng tiểu quả tiến tu chứng lên cảnh an vui tự tại cực điểm là ngôi viên giác của Phật.

Tóm lại, Nhơn-Thiên-thừa chỉ là thế gian pháp trong Phật-pháp. Thanh-Văn, Duyên-Giác-thừa lấy cảnh Vô-dư-niết-bàn làm chỗ quy túc, tuy cũng xót thương cứu độ loài hữu-tình, nhưng lại chủ trương theo đường lối xuất thế. Còn Bồ-Tát-thừa thì quy túc nơi cảnh Vô-trụ-niết-bàn; vì Niết-bàn nên không đắm nhiễm thế gian, vì Vô-trụ nên không lìa bỏ thế gian, hằng gần gũi với đời, vận lòng bi trí tiến tu phước huệ cho đến khi thành Phật. Ðây tức là xuất thế mà nhập thế, nhập thế mà xuất thế vậy.

Nếu ngộ tất cả pháp là Phật-pháp, thì dù nhập thế hay xuất thế, đối với thế gian, hành giả phải nhìn bằng con mắt bình đẳng, không nên khinh thường.

Tiết II: Bổn Phận Cha Con

Như trên đã nói, Phật-pháp có năm thừa bao hàm cả pháp thế gian và xuất thế gian. Ðiều nầy chứng tỏ Phật-giáo nhiếp hóa tất cả các hạng người, không luận nam nữ, già trẻ, tăng tục, giàu nghèo, sang hèn. Có người đã nghĩ: tu hành là phải lìa nhà vào nơi thanh vắng cạo tóc, mặc nâu sồng, ăn chay lạt, sớm mõ chiều chuông. Có vị lại bảo: tôi mắc gia đình, còn làm ăn, hoặc còn trẻ tuổi, chưa thể tu được. Ðó là những quan niệm sai lầm về tu hành đối với Phật-pháp. Những đoạn kinh sau đây sẽ đính chánh quan niệm ấy.

Phận làm cha mẹ đối với con cái phải thế nào?

Cha mẹ nên dùng năm việc để tỏ lòng thương lo săn sóc cho con:

1- Khuyên răn dạy bảo, cho học kinh sách đời và đạo.

2- Con lớn lên, lo phần đôi bạn, trai cưới vợ, gái gả chồng.

3- Mưu tính sự lợi ích cho con.

4- Giúp con gầy dựng cơ nghiệp.

5- Ðem tiền của phân cấp cho con cái. (Kinh Phật-Thuyết-Thiện-Sanh-Tử)

Bổn phận con đối với cha mẹ như thế nào? Con cái có năm điều phải thuận thảo với cha mẹ:

1- Chăm lo học tập hoặc siêng năng làm việc để giúp đỡ song thân.

2- Săn sóc thức ăn uống cho cha mẹ khi hôm sớm.

3- Ðừng có hành động gì để cha mẹ phải lo buồn.

4- Thường nghĩ ơn cúc dục, luôn luôn lo báo bổ.

5- Khi song thân đau yếu, già nua, phải lo phần thuốc thang và phụng sự cho chu đáo. (Kinh Thiện-Sanh)

Lại, đạo làm con phải kính dưỡng cha mẹ theo năm điều:

1- Tùy phần, làm hết sức mình trong việc cung phụng song thân.

2- Có hành động gì phải thưa trước cho cha mẹ biết.

3- Khéo uyển chuyển, đừng tỏ ra ngỗ nghịch đối với bề trên.

4- Cha mẹ bảo điều phải, chớ nên trái ý.

5- Ðừng gàn trở, nên nối chí cha mẹ trong công việc chánh đáng. (Kinh Trường-A-Hàm)

Cha mẹ có ân lớn đối với con. Nếu đời không Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật. (Kinh Ðại-Tập)

Và, với con, người từ mẫu có mười đức:

1- Như đất chở: vì khi con chưa sanh, con nương nơi thai làm cho mẹ phải chịu nhiều điều nặng nhọc.

2- Hay sanh nở: ngày lâm bồn, mẹ phải trải qua nhiều đau khổ, thừa sống thiếu chết.

3- Khéo nâng sửa: thường dùng tay nâng sửa năm vóc cho con.

4- Chăm dưỡng dục: mẹ nằm chỗ ướt, để con nằm chỗ khô, bú sữa mớm cơm cho hài nhi, tùy nghi các mùa nuôi cho khôn lớn.

5- Cho trí huệ: thường dùng phương tiện khiến cho con phát sanh sự hiểu biết.

6- Hằng trang nghiêm: tùy phần lực, may y phục đẹp, hoặc sắm đồ trang sức cho con.

7- Năng an ổn: thường bồng ẵm, ôm con vào lòng cho nó được yên nghỉ.

8- Lo dạy dỗ: dắt dìu, dùng nhiều cách dạy dỗ con từ chút.

9- Hay khuyên răn: dùng lời từ hòa nhắc nhở, răn dạy con tránh chỗ hiểm nguy, xa nơi xấu ác.

10- Cho sự nghiệp: lo cho con có gia đình, sự nghiệp, tùy sở hữu thường cung cấp, thậm chí con đi xa, mẹ tựa cửa ngóng trông.

Nầy Thiện-nam-tử! Vì thế các ông phải siêng năng tu tập để báo ân đức mẹ cha. (Kinh Tâm-Ðịa-Quán)

Không những Đức Phật đem đạo hiếu dưỡng dạy người, mà trong tiền thân cho đến khi thành chánh-giác, Ngài cũng đã thực hành theo hạnh thảo thuận ấy. Như đoạn kinh sau đây:

Ðời quá khứ lâu xa về trước, trong núi Tuyết có con chim Anh-Võ, vì cha mẹ già mắt lại mù, nên thường bay đi các nơi hái trái ngon đem về phụng dưỡng song thân. Bấy giờ có người điền chủ, trong khi gieo giống phát nguyện rằng: “Xin chư thần giúp đỡ cho hoa màu của tôi được tốt. Những lúa nầy khi kết hạt, xin cấp cho tất cả chúng-sanh cùng hưởng”. Chim Anh-Võ nghe biết người điền chủ có tâm bố thí, nên vừa lúc lúa chín, thường lấy về cung phụng cha mẹ. Một hôm, điền chủ đi thăm ruộng thấy lúa mình bị loài phi cầm ăn hao hớt khá nhiều, bỗng sanh lòng ác não, liền làm một cái bẫy lưới và kết quả bắt được chim Anh-Võ. Khi bị sanh cầm, Anh-Võ nói với điền chủ: “Trước kia ông đã có tâm bố thí, nên tôi mới dám đến đây lấy lúa, sao nay ông lại bắt tôi? Ðiền chủ hỏi: “Ngươi lấy lúa cho ai ăn?” - Ðáp: “Tôi có cha mẹ già lại mù lòa, nên lấy đem về cấp dưỡng”. Ðiền chủ bỗng ngậm ngùi bảo: “Loài chim chóc còn biết hiếu thuận như thế, huống nữa là người? Từ đây về sau, ta cho phép ngươi tự tiện đến lấy lúa. Chớ nghi ngờ sợ hãi chi cả!”

Ðức Phật bảo các Tỷ-khưu: “Chim Anh-Võ con thuở xưa, chính là tiền thân của ta ngày nay. Vị điền chủ lúc ấy là Xá-Lợi-Phất đây. Và hai con chim Anh-Võ già lại mù lòa, là Tịnh-Phạn-Vương cùng Ma-Gia phu-nhân, cha mẹ đời hiện tại của ta vậy”. (Kinh Tạp-Bảo-Tạng)

Bấy giờ, Tịnh-Phạn-Vương đau nặng sắp mất, trông nhớ Đức Phật, cùng con thứ là Nan-Ðà, điệt tử A-Nan và tôn tử La-Vân.

Ðức Phật biết được, liền cùng các vị ấy dùng sức thần túc đi đến vương cung. Khi đến nơi Ðức Thế-Tôn phóng ánh sáng rực rỡ báo tin cho hay trước, rồi vào cung an ủi rằng: “Xin Phụ-vương chớ lo buồn suy nghĩ, vì tất cả pháp hữu vi đều vô thường và đạo đức của Phụ-vương cũng đã thuần bị”. Nói xong, từ trong áo cà-sa, Ðức Thế-Tôn đưa ra cánh tay sắc vàng, bàn tay như hoa sen, rờ nơi trán vua cha, ân cần thuyết pháp.

Sau khi nghe Phật an ủi và nói pháp yếu, Tịnh-Phạn-Vương trong lòng vui vẻ, nắm tay Phật để lên ngực mình, rồi thưa rằng: “Ðức Như-Lai là bậc chí nhân, chúng-sanh nào thấy từ dung, nghe thuyết pháp, đều được lợi ích. Nay tôi được chiêm ngưỡng Như-Lai và thấy các vị Tôn-giả, tâm nguyện đã mãn. Xin từ đây giã biệt!” Nói xong, vua chắp hai tay nơi ngực, tỏ dấu tâm lễ Ðức Thế-Tôn, rồi yên ổn mà qua đời. Lúc ấy bàn tay của Phật còn để trên ngực vua cha.

Khi đó, các hàng Thích-tử theo nghi thức tắm rửa tẩm liệm, rồi để kim quan Tịnh-Vương ra nơi bảo tòa. Ðức Phật nghiêm túc đứng trước, Nan-Ðà và La-Vân đứng sau linh quan. Ngài A-Nan quỳ bạch Phật rằng: “Xin Thế-Tôn cho con đỡ linh quan của bá phụ”. La-Vân lại thưa: “Con cũng xin đỡ quan quách của tổ vương”.

Bấy giờ Ðức Thế-Tôn nghĩ người đời sau phần nhiều ngỗ nghịch với cha mẹ, không tưởng đến ân dưỡng dục; Ngài muốn làm gương khuyến hóa kẻ bất hiếu hậu thế, nên đưa tay ra sắp đỡ linh quan để lên vai. Lúc ấy cõi Ðại-thiên hốt nhiên chấn động sáu cách, các núi lớn nhỏ đều rung chuyển mạnh. Tất cả chư thiên ở Dục-giới đồng bay xuống phó tang. Phương bắc, Tỳ-Sa-Môn thiên-vương đem các thần Dạ-xoa, phương đông Ðề-Ðầu-Lại-Tra thiên-vương đem các thần Kỹ-nhạc, phương nam Tỳ-Lâu-Lặc-Xoa thiên-vương đem các thần Cưu-bàn-trà, phương tây Tỳ-Lưu-Bác-Xoa thiên-vương cũng đem các Long-thần bay xuống. Bốn vị Thiên-vương thành khẩn quỳ bạch Phật, xin cho mình thay thế đỡ linh quan vua Tịnh-Phạn. Ðức Thế-Tôn nhận lời, rồi tự bưng lư hương chậm rãi dẫn tang đi trước, đến chỗ trà tỳ. (Kinh Tịnh-Phạn-Vương-Bát-Niết-Bàn)

Như trước đã nói, công ơn của cha mẹ đối với con rất sâu dày. Vậy bổn phận làm con phải làm thế nào để báo đáp? Ðức Phật đã dạy:

- Chúng-sanh có mối thâm ân khó đền đáp, đó là ơn cha mẹ. Giả sử có người suốt đời thường để cha mẹ trên hai vai, cung cấp cho áo mặc thức ăn và mọi thứ cần dùng, khi bịnh lại thuốc thang săn sóc, cũng chưa thể báo được ân sâu ấy. Tại sao thế? Vì ơn cha mẹ đối với con rất cao dày. Ðại khái như những việc: chịu khổ lúc mang thai; sanh sản; chăm nom phần bú sữa sú cơm; thường tắm rửa cho sạch sẽ không kể sự hôi nhơ; dùng lòng từ ái săn sóc nuôi con cho đến khi khôn lớn; cung cấp cho trẻ y phục, thức ăn ngon, đồ chơi hoặc vật trang điểm; dạy dỗ con cách nói năng, những nghi thức, cho học hành; lo lắng khi con đau yếu; tâm thường muốn cho trẻ khỏi khổ được vui; chăm non tưởng nghĩ đến con như bóng theo hình.

- Ân cha mẹ đã sâu như thế, con phải đền đáp thế nào cho xứng!

- Nếu cha mẹ đối với Phật, Pháp, Tăng, không có lòng tin tưởng, con phải dùng phương tiện giảng giải, khuyến khích, tán dương về sự lợi ích phụng sự Tam-bảo, cho song thân sanh lòng tin. Như cha mẹ không giữ tịnh giới, con phải khuyên lơn cho thọ trì cấm giới. Nếu song thân chưa hiểu rộng về Phật-pháp, con phải dùng phương tiện khiến cho nghe hiểu chánh-pháp. Hoặc cha mẹ có tánh tham lam bỏn sẻn, không ưa bố thí, con phải giải rõ sự lợi hại trong việc ấy, và khuyên cho sanh tâm rộng rãi, thích làm việc bố thí. Nếu song thân bẩm tánh ngu tối, con phải thường dẫn giải, khuyến khích về đạo pháp, chỉ phương châm tu hành, cho cha mẹ phần thắng huệ.

Làm con đối với song thân như thế, mới gọi là chân thật báo đáp thâm ân. (Kinh Bản-Sự)

- Ðức Phật bảo: “Các thiện nam, thiện nữ! Nếu hàng Phật-tử muốn tu hiếu thuận, nên thường tưởng niệm công ơn dưỡng dục, ân cần phụng sự cha mẹ hiện tại và nghĩ cách cứu độ song thân trong bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng bảy, người con phải sắm lễ Vu-Lan-Bồn cúng Phật và Tăng, để báo đáp ân đức trưởng dưỡng từ ái ấy.

Tất cả đệ-tử của Phật đều nên phụng trì pháp nầy. (Kinh Phật-Thuyết-Vu-Lan-Bồn)

Tiết III: Bổn Phận Vợ Chồng

Trong gia đình người chồng nên khéo giữ năm việc đối với vợ:

1- Phải kính trọng, biết chiều thuận vợ theo lời khuyên hợp lý, đừng nên có thái độ rẻ rúng, tự chuyên.

2-Ðể ý săn sóc vợ trong việc ăn mặc.

3- Tùy phần sắm sửa đồ tư trang cho vợ.

4- Tín cẩn và giao phó cho vợ hiền nhà cửa, tiền bạc cùng của cải.

5- Không nên ngoại tình, tư riêng, để cho vợ sanh lòng lo buồn.

Ðối lại, vợ cũng có năm việc phụng sự chồng:

1- Chồng ở ngoài về, phải vui vẻ đón chào.

2- Chồng đi làm, vợ ở nhà phải quét dọn sửa sang trong ngoài cho ngăn nắp sạch sẽ, và lo sẵn cơm nước chờ về để cùng ăn.

3- Không được ngoại tình; đôi khi bị chồng rầy la, phải nhẫn nại và nhẹ nhàng giải thích, chẳng nên cau có cãi mắng lại.

4- Biết nghe lời phải của chồng, không được cất giấu để của tư riêng.

5- Ban đêm, đợi chồng vào nằm rồi, tự mình kiểm soát cửa nẻo, đậy cất đồ vật, rồi mới đi nghỉ sau.

Nói rộng ra, bổn phận người vợ phải gắng giữ trọn vẹn mười bốn điều:

1- Khéo léo trong việc làm.

2- Vâng lời và làm cho xong việc chồng dặn dò, giao phó.

3- Cẩn thận trong việc xuất nhập, chi thu.

4- Sáng dậy sớm.

5- Tối ngủ muộn.

6- Rành rẽ việc nội trợ, nên tập cho biết các việc cần thiết để giúp chồng.

7- Trọn bổn phận khi chồng đi vắng.

8- Săn sóc hỏi han chồng.

9- Dáng điệu từ hòa.

10- Nói năng nhu thuận.

11- Sửa sang dọn dẹp bàn ghế đồ đạc cho có ngăn nắp.

12- Khéo léo, sạch sẽ trong việc nấu ăn.

3- Rộng rãi, bố thí.

14- Sắm các thức cần dùng cho chồng.

Ðiểm cần yếu là vợ chồng phải trung thật với nhau, không nên có ngoại tâm. Bởi sự tà dâm có sáu điều nguy hại:

1- Khó giữ vẹn thân mình.

2- Gây sự xáo trộn buồn rầu cho gia đình con cái.

3- Công việc sanh nhai có thể do đó thất bại, sự sản tiêu hao.

4- Thân thuộc khinh chê, trong gia đình thường có sự hiềm nghi, chống trái.

5- Kẻ thù được cơ hội thuận tiện.

6- Các sự khổ càng ngày thêm buộc ràng, chồng chất. (Kinh Thiện-Sanh)

Trưởng-giả Cấp-Cô-Ðộc ở nước Xá-Vệ cưới vợ cho con. Cô dâu là nàng Ngọc-Gia, con gái một vị đại-thần của vua Ba-Tư-Nặc. Ngọc-Gia nữ ỷ mình xinh đẹp, cậy thế phụ thân, xem thường chàng rể, thậm chí không cung kính cha mẹ chồng, cũng chẳng quy thuận Tam-bảo.

Trưởng-giả lo buồn, thỉnh Phật quang lâm giáo hóa. Ðức Thế-Tôn đến nơi, gọi Ngọc-Gia nữ dùng nhiều lời phủ dụ và bảo rằng: “Trong đời, kẻ làm vợ có bảy hạng: vợ như mẹ, vợ như em gái, vợ như thiện tri thức, vợ đúng tư cách người vợ, vợ như tôi tớ, vợ như oan gia, vợ như cừu địch. Nay ta vì ngươi giải thích, hãy chú tâm lắng nghe:

- Thế nào là vợ như mẹ? Ðó là người vợ nghĩ tưởng đến chồng như mẹ thương lo cho con. Mỗi ngày, từ sớm đến tối phụng dưỡng chồng không thiếu xót, thương mến và lo lắng cho chồng từ chút, chẳng khi nào nhàm chán trễ nãi.

- Thế nào là vợ như em gái? Ðó là người vợ biết phục tùng vâng lời, luôn luôn nhỏ nhẹ kính thuận chồng như em gái đối với anh. Khi có hoạn nạn, vui khổ, đồng cùng chung nhau, tợ tình cốt nhục.

- Thế nào là vợ như thiện tri thức? Ðó là người vợ hiểu biết rộng nhiều, thường khuyên chồng điều hay lẽ phải. Khi chồng có việc nan giải thì giúp ý kiến gỡ rối. Những duyên sự trong ngoài, công tư, đời hay đạo, thường cùng nhau mưu tính luận bàn.

- Thế nào là vợ đúng tư cách người vợ? Ðó là người vợ rành rẽ việc nội trợ để cung phụng và giúp đỡ chồng. Khi hôm sớm, lúc chồng đi vắng hay có ở nhà, vẫn giữ tròn bổn phận, không phạm đạo nghĩa, không trái lễ độ.

- Thế nào là vợ như tôi tớ? Ðây là người vợ trung thuận hiền lành, đối với chồng như tôi thờ chúa. Khi chồng nặng lời vẫn nhẫn chịu, chồng hiếp đáp không oán hờn chống trả, miệng chẳng khi nào có lời thô, thân siêng năng làm lụng không biếng trễ, và tâm hằng từ ái. Người vợ nầy trong việc ăn mặc không buồn hiềm vì ngon dở hay xấu đẹp, dù vui khổ vẫn cam chịu, không hai lòng.

- Thế nào là vợ như oan gia? Ðó là người vợ thường hay ganh hờn, không có thái độ vui vẻ với chồng. Kẻ nầy tuy cùng chồng sống chung, nhưng xem như ăn nhờ ở tạm, đối với chồng xuồng xã, không trọn việc nội trợ, chẳng siêng kế sanh nhai, cũng không để ý đến chuyện săn sóc và nuôi nấng dạy dỗ con cái. Có khi lại gây việc phạm pháp, làm cho liên lụy khổ nhục đến chồng.

- Thế nào là vợ như cừu địch? Ðó là người vợ sâu độc, hung dữ, ngoại tình. Kẻ nầy hằng có thái độ vô lễ, thù hận, mắng chửi chồng, mưu chiếm đoạt tiền bạc của cải, khi đã được rồi thì tìm cách ly thân. Ðôi khi lại đồng lõa với người ngoài, âm mưu hại chồng, chồng chết liền trao thân cho kẻ khác.

- Nầy Ngọc Gia! Người vợ hiền lành trọn đạo đối với chồng, khi mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời hưởng phước lạc tự nhiên. Lúc thọ số hết lại được sanh xuống nhân gian làm con cháu bậc vương hầu sang giàu quyền thế, tư dung xinh đẹp, mọi người đều kính mến. Còn kẻ ác phụ sẽ bị tiếng xấu, hiện đời thân không yên ổn, thường bị ác mộng, oan quỷ theo bên mình, hoặc gặp bịnh khổ cùng tai nạn. Kẻ ấy sau khi chết sẽ đọa xuống Tam-đồ.

Ngọc-Gia nữ nghe Phật thuyết pháp xong, hổ thẹn rơi lệ và thưa rằng: “Bạch Ðức Thế-Tôn! Con vì ngu si nên có lỗi với cha mẹ chồng và không trọn đạo người hiền phụ. Từ đây về sau, đối với chồng con nguyện làm người vợ như tôi tớ, không còn dám khinh mạn nữa!”

Bạch xong, liền quỳ trước Phật, xin thọ quy giới. (Kinh Ngọc-Gia-Nữ)

Tiết IV: Bổn Phận Chủ Tớ

Chủ và tớ tuy không phải là người thân quyến, nhưng cũng ở trong phạm vi gia đình, thường gần gũi nhau, nên về nghĩa cũng đồng như quyến thuộc. Vậy chủ không nên ỷ lại mình là người bề trên mà mặc tình sai sử, đánh mắng, xem tôi tớ như đất bụi. Và tớ cũng phải trung thành hết lòng giúp chủ, xem như công việc nhà của mình, chớ nên lười biếng gian ngoa. Như lời Đức Phật đã dạy:

Người gia chủ phải y theo năm điều để đối xử với tôi tớ:

1- Sai làm những công việc vừa với khả năng, sức lực.

2- Sự ăn mặc phải cung cấp đầy đủ.

3- Cho tôi tớ có giờ nghỉ ngơi. Ðừng bắt làm việc quá thời.

4- Thỉnh thoảng có thức ngon nên chia cho tôi tớ cùng ăn.

5- Tôi tớ đau yếu, phải cho an dưỡng và săn sóc giúp đỡ về thuốc men tiền bạc.

Ðối lại, kẻ giúp việc cũng có mười điều cung phụng chủ:

1- Làm lụng vén khéo.

2- Hoàn thành công việc của chủ giao phó.

3- Chi dụng phải cẩn thận vừa chừng.

4- Ngủ muộn.

5- Thức sớm.

6- Tập rành các công việc.

7- Siêng năng làm việc hết sức mình.

8- Ðối với chủ nghèo không khinh mạn

9- Chủ thất thế hay suy sụp, không phụ rãy bỏ đi.

10- Ra ngoài nên ngợi khen, đừng nói xấu gia chủ. (Kinh Thiện-Sanh)

Vợ trưởng-giả Pháp-Chí là một phụ nữ xa hoa mà khắc nghiệt. Bà mặc đồ trân phục quý lạ, trang sức bằng chuỗi anh lạc, ăn đủ các thức ngon, song đối với tôi tớ người nào có chút lỗi lầm, thì đánh mắng khổ nhục, không cho phân trần phải trái.

Biết bà có gieo nhân lành từ kiếp trước, một hôm Phật đến nhà để hóa độ. Khi tới nơi, Ðức Thế-Tôn phóng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp mười phương. Vợ Pháp-Chí trưởng-giả được quang minh soi đến thân, liền tự nghĩ rằng: “Ánh sáng nầy rực rỡ êm dịu lạ thường, làm cho thân tâm ta mát mẻ an ổn, tan hết cả sự lo lắng nhọc mệt, trong người tươi nhuận không còn biết đói khát. Nhưng tại sao ta thích an vui, mà lại đánh mắng kẻ tôi đòi, làm cho họ đau buồn khổ sở! Và ánh sáng nầy từ đâu phát ra?”

Nghĩ xong, bà bước ra phía trước trông thấy Phật, liền vội vã rước vào nhà. Nhìn Ðức Thế-Tôn từ dung lặng lẽ, tướng tốt rực rỡ trang nghiêm, bà bỗng sanh những mối cảm niệm: thương, mừng, hổ thẹn; liền phủ phục đảnh lễ nơi chân Phật, tận tình phát lộ những tội lỗi của mình và cầu xin sám hối. Ðức Phật bảo: “Lành thay! Nay ngươi đã biết ăn năn cải thiện, tất sẽ được những điều lợi ích an lành. Sở dĩ chúng-sanh nhiều kiếp bị làm thân nữ, là do vì tình nhiễm nặng nề, ganh ghét, nhiều lời, kiêu căng tự thị, hay trau sửa dung sắc, và tâm ý buông lung. Phải biết cảnh đời đều vô thường, sự giàu sang quyền thế như gương trăng tròn rồi khuyết, mặt trời mọc rồi lặn, sóng, gió, lửa nổi dạy rồi tan. Vậy đối với kẻ thuộc hạ, ngươi nên ân cần hòa dịu, thương xót xem như con em, đừng đem lòng khắc nghiệt. Các cảnh khổ vui của Trời, Người, Tu-la, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Ðịa-ngục, đều do chính mình tạo ra. Tất cả quả pháp đời và đạo, cho đến Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát, Phật cũng như thế. Như thân ta ngày nay có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thần thông trí huệ thấu suốt mười phương, đều do nhân lành thể hiện”.

Vợ trưởng-giả Pháp-Chí nghe xong, tự trách mình trước đã tối tăm, không được phước duyên sớm nghe lời từ hóa, liền đảnh lễ Phật và xin quy-y Tam-bảo. Ðức Thế-Tôn lại nói thêm về Pháp Thập-thiện, Lục-độ, Tứ-vô-lượng-tâm, và khuyên bà đối với tôi tớ nên giảng giải cho chúng nghe về sự khổ vui, tội, phước, nhân-quả, luân-hồi. Chúng sẽ lần lần hiểu đạo và tự đi theo con đường lành. Công việc nầy còn có hiệu năng hơn đánh mắng.

Khi ấy, tất cả người giúp việc của Pháp-Chí trưởng-giả đồng quỳ xuống thưa rằng: “Bạch Ðức Thế-Tôn! Thân phận tôn, ty, giàu, nghèo, sang, hèn, từ kiếp nầy đến kiếp khác cũng vẫn thế, hay là có thể thay đổi?” Ðức Phật bảo: “Cảnh duyên vẫn không, và đều tùy tâm mà biến hiện. Kẻ sang quí nếu tạo ác, tất sẽ hết phước, bị sa đọa; dù là hạng nô tỳ, như cố gắng tu thiện cũng có thể thành Phật. Các ngươi nên biết, tất cả pháp đều vô thường, duy có chân tâm sáng suốt là bất diệt. Chân tâm ấy ví như hư không, không tăng giảm và chẳng ai có thể phá hoại”.

Chúng thuộc hạ của Pháp-Chí trưởng-giả nghe xong, đều vui mừng hớn hở, phát lòng bồ-đề. (Kinh Phật-Thuyết-Trưởng-Giả-Pháp-Chí-Thê)

---o0o---

Source:Di Đà Nguyện Hải
Vi tính:
Huệ Toàn, Huệ Trang, Từ Hỷ và Tuệ Cường
Trình bày :Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/11/2016(Xem: 9758)
Khi bàn về Phật giáo, học giả Lương Khải Siêu đã nói: “Phật giáo là trí tín, không phải mê tín, là kiêm thiện chứ không phải độc thiện, là nhập thế chứ không phải yếm thế”. Lương Khải Siêu tiên sinh bác cổ thông kim, học thông cả cổ Trung và Tây phương, giữ một địa vị khả kính trong giới học giả. Lời nói của ông phải có căn cứ trên phương diện học lý. Thế thì căn cứ ấy là gì? Lẽ dĩ nhiên là ở trong Tam tạng giáo điển của đạo Phật. Vì mục đích của Phật Pháp là mong con người chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, và chuyển phàm thành Thánh chứ không gì khác.
09/04/2016(Xem: 16454)
Đôi lời về Xá Lợi Phật_Lạt Ma Zopa Rinpoche_Hồng Như dịch, Bảo Tháp thờ Xá Phật còn sót lại ở Thành Tỳ Xá Ly, Ấn Độ (hình phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ của Tu Viện Quảng Đức tháng 11-2006)
05/01/2015(Xem: 21348)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
31/10/2013(Xem: 18432)
Trên bình diện tổng quát thì tất cả các tôn giáo - kể cả Phật Giáo dưới một vài hình thức biến dạng mang tính cách đại chúng - đều hướng vào chủ đích tạo ra một đối tượng nào đó cho con người bám víu. Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình. Sự biến cải đó gọi là thiền định.
30/10/2013(Xem: 39042)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
27/05/2013(Xem: 6868)
Một thời Đức Phật ngự tại vườn Hoàng Lộ,Bệ Lan Nhã, bấy giờ Vua Thần (Vua A Tu La) có tên là Bà La La và Thái Tử Thần tên Mâu Lê Già có tướng sắc uy nghi, ánh sáng chói lọi, vào lúc quá nửa đêm đến chỗ đức Phật đảnh lễ rồi đứng một bên. Khi ấy, đức Phật hỏi: -Này Bà La La, có phải mọi Thần đều không bị suy thoái về tuổi thọ, hình sắc,vui vẻ, sức mạnh, cho nên các Thần thích sống trong biển lớn chăng?
23/04/2013(Xem: 8423)
Ðây là một quyển sách căn bản dành cho người muốn tìm hạnh phúc và sự bình an trong cuộc đời qua con đường tâm linh. Con đường đạo của Ðức Phật rất đơn giản, thích hợp với mọi người. Bất cứ ai với lòng quyết tâm và thiện ý đều có thể đi trên con đường này để đạt được tự do, giải thoát cho thân tâm.
19/04/2013(Xem: 8613)
Đức Phật Dược Sư là Tôn chủ của thế giới Tịnh Độ Lưu Ly ở phương Đông, có danh xưng là Kim Cương Phật. Cúng dàng Đức Phật Dược Sư có thể tiêu trừ được hàng trăm bệnh, tiêu trừ nguyên nhân của căn bản phiền não.
19/04/2013(Xem: 7050)
Từ Bi Hỷ Xả là những đức tính của một bậc Giác Ngộ: “Đại từ đại bi đại hỷ đại xả chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai” (phẩm Bồ-tát Sư Tử Rống, kinh Đại Bát Niết Bàn). Trong bài này chúng ta tìm hiểu tâm từ và Phật tánh, y cứ vào kinh Đại Bát Niết Bàn, chủ yếu lấy từ phẩm Phạm Hạnh. Kinh này gắn liền với tâm từ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]