Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Bốn loại hỷ lạc

26/04/201311:53(Xem: 4566)
Chương 8: Bốn loại hỷ lạc

Vô ngã, Vô ưu

Being Nobody, Going Nowhere

Ni sư Ayya Khema
Diệu Đạodịch Việt

Wisdom Publications, 1987

---o0o---

Chương 8

Bốn loại Hỷ Lạc

---o0o---

Tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc, nhưng rất ít người bắt được. Hai điều trong Tứ Diệu Ðế của đức Phật đã nói rằng hạnh phúc thế gian là ảo tưởng, vậy mà ta chẳng bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy nó. Tuy nhiên điều đó cũng không hoàn toàn xấu, vì nếu không có lòng mưu cầu hạnh phúc, ta sẽ trở nên thối chí, nản lòng khi không thể tìm được hạnh phúc hoàn toàn.

1. Hỷ lạc qua các Cảm thọ

Ðức Phật nói về bốn loại, bốn cấp bực của hạnh phúc. Thứ nhất là dục giới, do sự xúc chạm của các giác quan mang đến. Ðức Phật ví đó giống như một con bò chỉ có da, trong khi bọn ruồi đậu thì cố tìm thịt sống, nên luôn tạo ra sự đau khổ. Ðó là một cái nhìn sâu sắc về ngũ dục. Ðức Phật cũng nói về ngũ dục là phương tiện đầu tiên đem lại cho ta hạnh phúc. Và phần đông chúng sanh trụ ở cấp bậc này. Nhưng không phải lúc nào ta cũng nắm bắt được dục lạc ta tìm kiếm, ngay như ta có tìm được, thì nó cũng đến rồi đi, do đó không thể có hạnh phúc trường cửu qua sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần. Khi sự xúc chạm đem lại cảm giác dễ chịu ta thấy hạnh phúc. Nhưng cũng có những sự xúc chạm, đem lại khó chịu, khi cơ thể ta không được thoải mái hay khi ta không được nghe những lời mát lòng mà ta muốn được nghe, không được nếm những mùi vị ta ưa thích, hay ngửi phải mùi hôi thối, hay nhìn thấy những cảnh ta không thích. Không ai thoát khỏi những cảnh này. Không ai có thể sống mà không kinh qua những xúc chạm gây khó chịu.

Nhưng cũng không có ai đi qua cuộc đời mà không kinh qua những cảm xúc dễ chịu. Nếu có nghiệp thiện ta có 50-50 cơ hội. Phân nửa thời gian ta được những xúc chạm dễ chịu, phân nửa không. Phần đông chúng ta tìm cách để tăng thời gian của xúc chạm dễ chịu lên, và muốn chúng xảy ra 100% lần, là điều không thể có. Không thể nào có chuyện đó, nhưng người ta vẫn theo đuổi chúng. Và lại trách cho hoàn cảnh bên ngoài khi cảm xúc khó chịu hay cảm giác đau đớn dấy khởi làm cho ta đau khổ. Lý do thật sự, dĩ nhiên nằm bên trong chúng ta, vì chúng ta phản ứng lại với các cảm xúc.

Người càng trong sạch càng có nhiều lạc thọ. Một tâm hồn trong sáng sẽ tìm thấy niềm vui ở nhiều điều nhỏ nhặt nhất. Một ngày đẹp trời, thảm cỏ xanh, một cuộc đàm thoại thú vị.

Người không trong sạch có lẽ chẳng để ý đến thứ này. Có thể họ chẳng bao giờ biết ngắm bầu trời đẹp hay một thảm cỏ xanh. Có lẽ họ đi tìm cảm xúc ở những thứ tầm thường hơn. Rượu, thuốc phiện, đồ ăn ngon, gái đẹp, có lẽ là những thứ mang đến cho lạc thú hơn.

Nếu các cảm xúc thanh tao, vô hại thì đâu có gì là xấu. Tuy nhiên Ðức Phật cho rằng chúng nguy hiểm vì ta dễ biến chúng thành mục đích của đời sống, con đường ta phải theo đuổi, ta cố gắng tìm thêm, tìm thêm, và chúng lại bên ta mãi mãi. Ðó chính là sai lầm của ta, vì điều đó không thể thực hiện được. Không có cảm thọ nào vĩnh viễn cả. Thật ra nếu chúng vĩnh viễn thì chưa chắc chúng còn cho ta những cảm giác thích thú. Hơn nữa cũng không thể chắc là ta có thể tìm được các khoái cảm. Việc tìm kiếm làm chúng ta mất thì giờ, sức lực, ta sẽ không còn thì giờ để làm những việc có ý nghĩa hơn.

Thân có các giác quan. Ðiều đó hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu có chánh niệm, ta có thể thấy rằng các cảm giác dễ chịu do sáu căn mang lại đều là của báu của người ngu. Chúng lấp lánh, nhưng chẳng có giá. Ta có thể nhìn ngắm vẻ hào nhoáng đó, nhưng chớ bám víu vào chúng. Vậy mà chúng sinh vẫn cứ luôn đau khổ vì không thể có được những gì do sáu căn đem lại.

2. Hỷ lạc của chư Thiên

Hạnh phúc thứ hai là hạnh phúc như cõi Trời. Nói thế không có nghĩa ta phải là thành thánh, hay phải chết trước đã, mới được vào cõi Trời Dục Giới. Ðiều đó xa vời, không liên quan gì đến đời sống hiện tại của ta. Nhưng thật ra, người đã vun trồng được bốn đặc tính cao quý (tứ vô lượng tâm ): Từ, Bi, Hỉ và Xả sẽ được hưởng niềm vui của cõi Trời Dục Giới. Thứ hạnh phúc đó được so sánh sống trong thiên đàng ở cõi giới. Thứ hạnh phúc đó không tùy thuộc vào ngũ dục mà chỉ tuỳ thuộc vào tâm ta. Ðiều kiện duy nhất là phải thanh tịnh hoá tâm ta để có thể chứa đựng được từ, bi. Cả từ và bi là hai đặc tính của trái tim, cũng như thông minh là đặc tính của trí tuệ, chúng có thể được vun trồng, nuôi dưỡng. Khi ta đạt được những điều đó, thì hạnh phúc, an lạc sẽ ở tại tâm. Tha nhân cũng sẽ được nhờ, nhưng ta là người được hưởng quả an lạc trước tiên, vì lúc đó tâm ta hoàn toàn không phụ thuộc vào những gì xảy ra quanh ta. Người khác nói gì, làm gì, chuyện gì xảy ra hay không xảy ra trên thế giới này, đều không ảnh hưởng đến ta. Khi tim ta được ươm trồng thanh tịnh với từ, bi thì không có gì có thể đụng chạm đến nó. Có một sự an lạc, hài hòa, dễ chịu, một cảm giác an toàn luôn ngự trị trong tâm trí ta.

Niềm vui này thanh cao hơn so với niềm vui do ngũ dục mang đến. Tự nó không dẫn đến sự giải thoát, nhưng chắc chắn nó là hành trang cần thiết trên đường đến giải thoát.

Từ và Bi, tự chúng không sinh ra cái thấy bên trong. Chúng chỉ làm lắng dịu những ngọn sóng tình cảm. Khi những làn sóng của đau khổ, buồn phiền, lo âu, sợ hãi, ganh ghét, t?hiềm, hối hận, cuối cùng lắng xuống thì mặt nước sẽ trong xanh, không gợn sóng giống như một tấm gương, tấm gương của tâm. Tấm gương đó giúp ta thấy mọi việc rõ ràng. Không có sự vun trồng những tình cảm tốt đẹp đó, ta không thể phát triển hơn. Ta có thể hiểu Pháp, nói Pháp nhưng ta không thể đoạn trừ đau khổ. Những ngọn sóng tình cảm là vực chắn. Chúng không chỉ ngăn trở cái nhìn của ta được dễ dàng, mà còn che khuất chính con đường ta phải đi. Khi còn u mê, mờ mịt ta sẽ không biết mình đang đi đâu. Thậm chí có thể quên rằng mình đang dự vào cuộc hành trình nào đó.

An lạc ở cõi Trời Dục Giới không tùy thuộc vào luân hồi, sinh tử. Nó có thể xảy ra ngay ở đời sống hiện tại. Ðó là sự tu tâm và ai cũng có thể tu được. Không cần phải khóa thiền nào, hay phải là người đặc biệt gì, ai cũng có thể làm được. Ðây là một niềm vui có thể tìm thấy do chính sự tu tập không cầụn phải tìm kiếm đâu xa.

3. Hỷ lạc trong Ðịnh Tâm

Niềm vui thứ ba đến từ sự nhiếp tâm trong thiền định. Niềm vui này cũng chỉ có được khi ta thanh tịnh há hành động của mình, đã có được sự độ lượng, lòng từ ái trong tâm hồn. Nó cũng không đòi hỏi ta phải là người hoàn toàn, chỉ có bậc A la hán mới được như thế. Nó chỉ đòi hỏi chút khoáng đạt trong tâm.

Ngừơi tu thiền thường tìm được niềm vui như thế. Nhưng ta cần phải huân tập sự chú tâm, thường xuyên thực hành tọa thiền để đạt được sự lắng sâu trong thiền định. Có rất nhiều mức độ của niềm vui, thanh thoát, dễ chịu khi thiền định. Chúng giúp cho tâm được an lạc ngay cả sau khi đã xả thiền.

Người mà có thể lắng tâm trong thiền định và tìm được hỷ lạc trong đó là người có thể tìm thấy niềm vui ngay cả trong những hoàn cảnh bất như ý. Người đó biết rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể được sự an lạc của trong thiền định. Biết được như thế, tạo cho họ cảm giác dễ chịu trong tâm vì không có gì còn là quan trọng với họ nữa. Khi một người có thể nhập định lúc nào họ muốn, trong bao lâu tùy họ, thì đó là thực tại của họ, không phải những tranh giành, cãi cọ, chiến tranh, tương lai, quá khứ làm họ bận tâm như bao nhiêu người khác. Những thứ đó không còn quan trọng đối với họ. Thực tại trụ ở trong niềm vui của thiền định.

Nhiếp tâm hay chánh niệm cũng sửa soạn cho tâm. Nó mang đến cho tâm không những chỉ khả năng hạnh phúc, mà cả khả năng duy trì niềm vui đó. Tâm có thể ổn định theo ý mình, là tâm kiên cố. Tâm chúng sinh khó ổn định. Nó luôn dao động mà không cần một động lực nào tác khởi, vì đó là bản thể của nó. Nó không đủ sức mạnh để xuyên qua bức tường ảo tưởng. Trước bất cứ trở ngại nhỏ bé, hoặc một lời chê bai nhẹ nhàng, hay hơi khó chịu của cơ thể, tâm yếu đuối như bún lập tức tan thành mảnh vụn. Nó còn làm đựơc gì khác hơn chứ?

Tâm kiên cố cứng như đá tảng, không thể lay chuyển. Một tảng đá kiên cố chắc chắn là một dụng cụ tốt hơn cọng bún để đập bể bức tường. Tâm kiên cố sẽ không lay chuyển trước những khó khăn nào. nó có đủ sức mạnh để xuyên qua thực tại của cuộc sống, tiến đến một thực tại tuyệt đối hơn.

Có tám mức độ của sự nhiếp tâm trong thiền định, giống như tám căn phòng trong một ngôi nhà. Nếu cuối cùng ta có thể tìm được đúng chìa khóa để mở căn phòng thứ nhất ở cửa ngoài, thì không có lý do gì ta cũng không thể đi vào những căn phòng khác. Không có gì khó để tìm ra chìa khoá và căn phòng đầu tiên. Chìa khóa là sự chủ tâm và hơi thở, và cánh cửa phòng ngoài được mở khi ta tiếp tục hành thiền với lòng kiên trì và quyết tâm. Ta sẽ không bỏ nửa chừng "Ồ, đủ rồi chân ta đã đau rồi", hay "Có ích gì?" hay "Cho kiếp sau à?" hay "Khó quá cho tôi", hay bất cứ lý do nào khác.

Ðức Phật dạy: - Kẻ ngu thường nói: "Sớm quá, trễ quá. Nóng quá, lạnh quá. No quá, đói quá". Cánh cửa đằng trước mặt chỉ chờ ta mở ra. Ta lại có chìa khoá. Và ta chỉ cần tra chìa khoá vào ổ khoá. Khi cửa mở ta sẽ thấy các phòng đều hoành tráng. Sự hoành tráng ở ngay trong tâm trí ta nhưng hiện giờ nó còn bị khóa. Ta sẽ không thể mở khoá nếu như ta không biết tu thiền. Nhiều người không bao giờ có thể mở được khóa vì họ không biết chìa khoá là gì hoặc không biết có một cửa vào như thế. Chúng ta rất may mắn được biết lối vào, và có thể cửa đã hé mở cho ánh sáng tràn vào.

Khi sự nhiếp tâm đã được kiên định một thời gian, tâm sẽ trở nên trong sáng, và thân thanh tịnh. Mỗi giây phút nhiếp tâm là mỗi giây phút thanh tịnh. Những ô trược mà ta thường đắm chìm, mang lại cho ta bao đau khổ, phiền não được gạt sang một bên trong thiền định. Càng có cơ hội để gạt chúng sang một bên, chúng càng khó thể trở thành thói quen của ta. Ta càng thường có thể nhiếp tâm, ta càng dễ lãng quên chúng. Lúc đó việc đạt được một tâm trong sạch, xán lạn chỉ là việc dễ dàng thôi.

Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng những cảm giác dễ chịu. Những cảm giác này dấy khởi vì tâm ở trong trạng thái đó không bị quấy nhiễu. Ðiều này chứng tỏ cho chúng ta thấy là nếu ta không phiền não, và giữ được tâm luôn trong sáng, thanh tịnh thì ta luôn có những cảm giác thoải mái dễ chịu.

Ở đây ta biết về những thành quả ta có thể đạt được, điều đó làm ta muốn được ở trong trạng thái đó lâu dài. Niềm mong ước lành mạnh, lợi ích dần dần đưa ta đến trạng thái không còn mong cầu, do đó không còn đau khổ thất vọng.

Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng cảm giác dễ chịu, rồi dần dần đưa ta đến trạng thái an lạc, hạnh phúc. Ðiều này chứng tỏ một lần nữa là tâm thanh tịnh chỉ biết có an lạc. Khi có phiền não thì có ô trược. Hai thứ này đi với nhau như hình với bóng. Người an lạc không mong đạt được hạnh phúc qua các căn trần vì họ biết chúng rất ngắn ngủi. Người hạnh phúc thật sự là người luôn an lạc mà không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Người như thế sẽ dễ dàng nhiếp tâm thiền định, để tìm cho tâm mình một chỗ an trú thanh tịnh, không còn phiền não dấy khởi. còn phiền não là do tâm ta còn chưa thanh tịnh. Khi có phiền não dấy khởi, nếu ta nghiệm xét sẽ thấy rằng do có sự ô trược ngầm ẩn chứa trong tâm. Nếu không tìm ra được điều đó, thì do ta chưa thật sự soi xét lại mình.

Khi ở trong thiền định, tâm không còn bị năm chướng ngại quấy nhiễu. Khi các cảm giác dễ chịu, an lạc dấy khởi thì tâm hỉ, xả cũng theo sau. Xả bỏ đưa đến cảm giác không còn ham muốn điều gì. Có người còn có cảm giác mình hoàn toàn không còn tham ái dục nữa nhưng đó chỉ là ảo giác. Dầu gì, ít ra trong những giây phút đó, lòng ham muốn bị cũng bị hoại diệt.

Ðó là một kinh nghiệm qúy báu khi đạt đến trạng thái không còn tham dục. Ðó là một niềm hạnh phúc tuyệt đối. Một hạnh phúc đáng kiếm tìm. Khi đã kinh qua kinh nghiệm đó, ta sẽ biết được mình phải theo đuổi điều gì. Không phải là theo đuổi để được việc gì. Mà theo đuổi để cởi bỏ hết mọi thứ. Ðây là điều nhiều người đã lầm tưởng một cách khá buồn cười. Khi mới bắt đầu tọa thiền, ta mong tìm được an bình, vui vẻ, hạnh phúc tuyệt vời, là những điều ta chỉ có thể có được khi ta đã buông bỏ những thứ khác. Như Chấp ngã và Tham dục.

Khi ta đã được nếm - dầu chỉ trong giây phút - niềm hạnh phúc tuyệt vời của lòng không tham dục, ta biết mình phải làm gì. Không phải để đuổi theo sự hỷ lạc, mà cái ta cần ươm trồng chính là sự cởi bỏ, buông xả. Không có sự buông xả, đời sống là một chuỗi dài của ham muốn. Sự buông xả là câu trả lời cho mọi chứng bịnh đạt thành tích; dầu trong thế gian hay trong đời sống tu hành. Cố gắng để đạt được cái gì đó trong đời sống tu hành thì cũng mê muội như cố gắng đạt được điều gì trong đời sống thế gian. Không có gì cần đạt được. Chỉ cần tập buông xả. Càng cởi bỏ nhiều ràng buộc với chấp ngã, lòng ham muốn và những thứ tương tự, thì hạnh phúc tuyệt vời càng dễ đến hơn.

Niềm an lạc do thiền định mang đến dựa vào sự thanh tịnh. Cũng vậy, trong đời thường, nếu ta biết gieo trồng thanh tịnh, thì ta cũng sẽ được an vui. Tuy các cảm giác dễ chịu, an lạc, xả bỏ trong thiền định thâm sâu hơn các lạc thọ thế gian, nhưng trước hết ta phải thanh tịnh trong đời thường, rồi ta mới có thể tìm được sự thanh tịnh trong thiền định. Chúng đi đôi với nhau. Ta càng khó tìm được cảm giác dễ chịu khi tham thiền, thì ta càng phải nỗ lực thực tập thanh tịnh hoá thân tâm hơn.

Niềm vui trong thiền định được coi là thành quả tối ưu mà ta có thể đạt đựơc. Ðó là một sai lầm vì niềm vui đó cũng chỉ tạm thời, mà không hoàn toàn độc lập, hay vô điều kiện. Có nhiều điều kiện kèm theo như là: phải có nơi yên tịnh, thân thế phải khỏe mạnh để có thể ngồi yên, và có khả năng nhiếp tâm. Dầu niềm vui này không phụ thuộc căn trần bên ngoài, nó vẫn còn phải tùy thuộc vào các điều kiện của thân, tâm. Niềm vui đó chưa phải là tuyệt đối.

4. Hỷ lạc qua Tuệ Minh

Niềm hạnh phúc thứ tư ở cấp bậc cao nhất, là niềm vui của nội quán, tuệ minh. Tuệ minh trong ngôn từ Phật học, được dùng khi nói đến sự hiểu biết về Vô thường, Phiền não và Vô ngã. Nếu ta có thể thấy rõ được bản tánh của một trong ba đặc tính này, thì ta biết tất cả, vì chúng liên hệ nhau.

Niềm hạnh phúc tuyệt vời của kiến tánh có nghĩa là ta đã dẹp bỏ được chấp ngã. Khi ta có thể buông bỏ cái tôi, thì ta sẽ nhẹ nhàng giải thoát xiết bao.

Ramana Maharshi, một hiền triết ở miền Nam Ấn Ðộ, so sánh những vọng tưởng về Ngã chấp giống như một người hành khách trên tàu hỏa. Ðã bước vào toa rồi, người ấy cứ ôm chặt các hành lý trong tay, thay vì bỏ các hành lý vào chỗ để hành lý. Cũng thế, dầu không cần thiết, ta luôn mang mớ hành lý nặng nề của Ngã chấp theo bên mình. Những vọng tưởng về Ngã chấp làm ta thấy mọi việc có vẻ đe dọa, tấn công ta, họa hoằn lắm thì bảo vệ ta, nhưng khó đối trị, như ngọn núi ta phải vượt qua. Nó làm cho cuộc đời thêm khó khăn.

Các món phiền não, ô trược là lòng ham muốn, sân hận, yếu đuối, lo âu, càn bướng, bám víu và quan điểm riêng của mình. "Khi ta hoàn toàn buông bỏ các quan điểm, ý kiến của mình, ta có thể nhìn thấy bản vẽ của mọi vật rõ ràng hơn", đó là đức tính của bậc A la hán. Với chúng ta các quan điểm, ý kiến chính là sự thất bại của ta. Khi ta bắt đầu bảo vệ quan điểm, ý kiến của mình, thì thực ra ta đang bảo vệ cho cái tôi của mình. Sự tranh cãi về một quan điểm cho ta thấy rằng quan điểm đó không được thiết lập dựa trên kinh nghiệm. Vì người ta không cần bào chữa cho kinh nghiệm. Giáo lý của Ðức Phật dựa trên kinh nghiệm mà có. Trong khi các quan kiến thì lại dựa vào Ngã chấp. Các quan kiến nầy đều không phải là sự thật tuyệt đối.

Nhìn thấy rõ ràng tất cả những thăng trầm, biến đổi của vạn vật, trong đó có bản thân chúng ta, giúp ta thấy rằng không có gì trong cõi đời này đáng gìn giữ, bám víu. Nhờ có kiến tánh, ta không chống báng quan điểm của ngừơi khác, tránh nẩy sinh ra bao nhiêu phiền phức trong cuộc đời. Mỗi người có quan điểm riêng của mình. Không có gì tốt hơn là chúc phúc cho họ thay vì tranh cãi. Sự bám viú vào quan điểm của mình cho thấy là ta vẫn chưa hiểu rõ tính cách vô thường của sự vật. Nếu hiểu rõ đượĩc sự vô thường, ta sẽ không nói " Tôi thế này, tôi thế nọ" để có thể xem xét sự việc cẩn trọng hơn. Tôi là ai? Tôi có phải là ngừơi sáng hôm qua được thiền định? Hay là người sáng nay tọa thiền mà cứ lo ra? Là kẻ có tâm nghi hoặc hay người hết lòng tin tưởng vào Phật Pháp? Người nào là Tôi? Hay Tôi là tất cả những người ấy? Nếu thế, Tôi thật là hỗn tạp. Tôi phải là thiên hạ, chứ không phải một người. Vậy thì ta phải chọn lựa: Tôi là Tất cả hay là Không? Nếu không nhận là Không thì phải là Tất cả. Thử tưởng tượng cả trăm ngàn con người khác nhau trong một con người. Nói thế không phải là khuếch đại đâu, trong suốt cuộc đời ta đã có hằng triệu tư tưởng, ý nghĩ, cảm giác, quan điểm, phản ứng khác nhau, đó là chỉ một cuộc đời. Nếu ta chọn làm tất cả thì cuộc đời ta sẽ phức tạp, đau khổ hơn nếu ta không là ai trong họ cả. Vậy thì tại sao không chọn cái Không?

Tuệ Minh không dung chứa Ngã chấp. Tại sao? Vì "cái Tôi" muốn hiện hữu. Muốn được là gì đó. Là gì? Là ai? Ở đâu? Ðể làm gì? Tất cả chỉ là các quan điểm, được điều kiện hoá qua quá trình tư duy của ta. Khi ta không chấp vào bất cứ điều gì, an lạc sẽ đến với ta. Ta hạnh phúc trong sự biết chấp nhận. Không có gì cần được hoàn thành, tạo tác hay thay đổi. Tất cả đều như tự thể của chúng.

-oOo-

Bốn mức độ của niềm vui khởi đi từ ngũ dục đến tuệ minh sát là một quá trình thanh tịnh hoá liên tục. Tất cả chỉ có thể chứng nghiệm bằng kinh nghiệm của bản thân. Vì lẽ đó sự tu tập của đời sống nội tâm phải được ưu tiên. Ta không thể lơ là, chễnh mãng dù đang ở đâu, làm gì: ở bãi biển, trong thiền viện, đang lái xe, hay ở trên máy bay. Không được nghỉ ngơi. Ðể thoát ra khỏi ngũ dục, ta cần nghĩ đến việc phục vụ cho người khác trước tiên. Nghĩa là tu tập Từ bi. Phục vụ cho người khác nghĩa là tập quên mình. Phục vụ người khác có thể bằng nhiều hình thức. Giúp người rửa tay chân hay giúp người tu thiền, cũng là phục vụ, không có gì khác nhau. Phục vụ là lòng từ, từ tâm là phục vụ. Tâm định có đựơc là nhờ lòng Từ. Một trong mười một điều lợi ích khi có Từ tâm là tâm ta sẽ vào Ðịnh dễ dàng.

Không nên coi Ðịnh như là một mục đích, cứu cánh của ta. Ðó chỉ là phương tiện. Phương tiện nuôi dưỡng tâm để quán xét thực tại. Có hai loại thực tại: tương đối và tuyệt đối. Ai cũng biết thực tại tương đối. Trong đó có đàn ông, đàn bà, trẻ già, giàu, nghèo, ngu, khôn. Có thú vật, cây cỏ, bông hoa, trăng sao, thiên đàng và tất cả những thứ mà ta nghĩ sẽ ban cho ta hạnh phúc. Trong thực tại tuyệt đối, không có gì giống như thế. Chỉ có các bản thể vật chất của những thứ taọ ra bởi tâm. Tất cả chỉ có thế. Không có cái gọi là "tôi", là "anh". Không có gì chỉ có bản thể sự vật luôn biến đổi. Ngay đến vũ trụ quanh ta cũng thay đổi. Và chúng ta cũng thế.

Tâm định, an lạc, hạnh phúc là tâm có thể chấp nhận được thế giới luôn biến đổi này và sử dụng nó như thế nào để có ích. Tâm không ổn định sẽ không thể chấp nhận những việc bất như ý, họ nói: "Nhưng tôi muốn được hạnh phúc, sung sướng". Ðó là tâm của đa số chúng sanh. Tâm luôn an lạc và không phụ thuộc vào ngoại giới, là tâm có thể nói: "Ðây là sự giải thoát ra khỏi những khổ đau. đây là hạnh phúc thực sự". Tâm đó sẽ nhìn rõ thực tại tuyệt đối của tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, không phải bám víu, nương tựa vào bất cứ điều gì, không phải trở thành gì, hay là gì đó trong đời. Tâm chỉ làm những gì cần thiết phải làm ở một thời điểm nào đó, rồi buông xả.

Niềm vui trong Tuệ Minh không phải là sự lâng lâng, oà vỡ. Ðó là thứ hạnh phúc chứa đựng an bình, không phải có được do tham cầu, mong ước. Khi không còn vọng tưởng, tâm chân thật sẽ nhận biết được điều đó.

---o0o---


Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này. 
( Trang nhà Quảng Đức, 05/2002)

Cập nhật : 01-05-2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/02/2011(Xem: 17416)
Đức Phật giáng sinh ở miền Trung Ấn Độ mà hiện nay được gọi là nước Nepal, một nước ở ven sườn dãy Hy mã lạp sơn, là dãy núi cao nhất thế giới và tiếp giáp với nước Tây tạng.
19/02/2011(Xem: 7835)
Những giáo pháp được đức Đạo sư nói ra không ngòai mục đích ban vui cứu khổ đưa đến an vui Niết-bàn giải thóat, cho dù là thiên kinh vạn quyển được triển khai từ những lời dạy cơ bản của Ngài...
19/02/2011(Xem: 11439)
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ vào hơn hai ngàn năm trăm năm (2500) trước. Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt gần hai trăm năm mươi năm (250) thì trở thành tôn giáo mang tính thế giới...
02/02/2011(Xem: 11116)
Tập sách này gồm có những bài viết đơn giản về Phật Pháp Tại Thế Gian, Cốt Tủy Của Ðạo Phật, Vô Thượng Thậm Thâm Vi Diệu Pháp, những điều cụ thể, thiết thực...
01/02/2011(Xem: 15445)
Phật Giáo là một tôn giáo có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Danh từ Phật Giáo (Buddhism) phát nguồn từ chữ "buddhi", có nghĩa "giác ngộ", "thức tỉnh".
15/01/2011(Xem: 19649)
Điều làm cho một người trở thành một Phật tử chân chính là người ấy tìm nơi nương tựa ở Đức Phật, Giáo pháp, và chư Thánh Tăng - gọi là Quy Y Tam Bảo.
14/01/2011(Xem: 9337)
Đây là một quyển sách căn bản dành cho người muốn tìm hạnh phúc và sự bình an trong cuộc sống qua con đường tâm linh. Con đường Đạo của Đức Phật rất đơn giản, thích hợp với mọi người.
05/01/2011(Xem: 8632)
Giảithoát là một thắng đức trong ba đức của Phật: Pháp Thân,Bát Nhã, Giải thoát. Nếu như ba thắng đức ấy hoàn toànviên mãn thì gọi là Phật. Vậy nên giải thoát hoàn toànvà tuyệt đối là sự chung kết của Phật Đà, cũng là chỗxu hướng chung của mọi loài chúng sanh. Không những nhân loại mà loại nào cũng thế vì đang ở trong mê lầm đau khổ nênđều có quan niệm lánh khổ tìm vui, mong cầu giải thoát.Cũng vì vậy người đời thường gọi Đạo Phật là đạogiải thoát chung cho tất cả chúng sanh, hay gọi là tôn giáocủa chúng sanh đau khổ.
03/01/2011(Xem: 13463)
Thế nào gọi là Phật Lý Căn Bản? – Giáo lý chính yếu của Phật giáo, tóm lược các quan điểm trong ba tạng (Tripitaka).
11/12/2010(Xem: 15754)
Viết ra các bài Phật học thường thức này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu toàn bộ Phật pháp và chỉ cốt giúp cho các bạn sơ cơ hiểu được một cách đúng đắn, đạo lý năm thừa trong Phật giáo mà thôi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]