Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6B-Trì Giới Ba La Mật

23/04/201317:06(Xem: 16024)
6B-Trì Giới Ba La Mật


Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa


Khóa Thứ Tư

Duyên Giác và Bồ Tát Thừa Phật Giáo

Bài Thứ 6 (tt)

Ðộ thứ hai: Trì Giới Ba La Mật

A. Mở Ðề

Bất luận một đoàn thể, một tổ chức nào trong xã hội, muốn có qui củ, có đường lối để tiến triển, đều phải có ky ủluật hay giới điều. Kỷ luật càng chặt chẽ thì đời sống chung của tổ chức, cũng như của mỗi cá nhân trong tổ chức ấy lại càng mau tiến phát. Trái lại, một đoàn thể không kỷ luật là một toán người ô hợp, dù ban đầu có đông đảo, hùng mạnh bao nhiêu, rồi chẳng bao lâu cũng sẽ tan.

Kỷ luật bao giờ cũng do những người lãnh đạo đặt ra. Một người lãnh đạo càng sáng suốt bao nhiêu, có kinh nghiệm bao nhiêu, thì qui luật, giới điều mà họ chế ra, lại càng có giá trị thực tiễn, có công dụng quí báu bấy nhiêu.

Ðạo Phật là một cái đạo có mục đích đưa người đến chỗ giác ngộ, và sáng lập là đức Thích Ca, một đấng giác ngộ hàon toàn. Vậy những giới luật, những giáo điều của đạo Phật tất nhiên là phải có một giá trị, một công dụng quí báu, bổ ích vô cùng cho những ai muốn theo dấu chân của đức Phật.

Chính vì sự quan trọng và lợi ích lớn lao của giới luật như thế, nên đức Phật đã nhiều lần nhắn nhủ với các hàng Ðệ tử của Ngài ,phải nghiêm trì giới luật. Ngài thường dạy: "Gặp thời không có Phật ,hãy lấy giới luật làm thầy". Kinh Phạm võng cũng có chép: "Giới sáng như mặt nhật, quí báu như ngọc châu anh lạc, các vị Bồ Tát đều do trì giới thanh tịnh mà thành Chánh giác".

B. Chánh Ðề

I. Ðịnh Nghĩa

"Trì" là giữ giới chặt chẽ; "Giới" là những điều răn dạy, ngăn cấm, những qui luật mà đức Phật đã chế ra để hướng dẫn các Ðệ tử của Ngài đi vào con đường chánh, và tránh cho họ những hầm sâu hố hiểm mà họ có thể rơi vào, trên con đường đi đến quả vị Phật.

Vật trì giới ba la mật là một môn tu để đi đến bờ giác ngộ bằng cách giữ gìn nghiêm chỉnh, trọn vẹn giới luật mà đức Phật đã răn dạy.

II. Thành Phần Của Giới Luật

Căn cơ của chúng sanh không đồng nhau, và sự tu hành của Ðệ tử Phật cũng có nhiều cách; vì thế, đức Phật phải chế ra rất nhiều giới luật và phân ra nhiều loại để áp dụng cho sát vào căn cơ và lối tu của mỗi hạng người. Tuy thế, chúng ta có thể phân chia giới luật của Phật ra làm ba phần và hai cấp bậc:

Giới tại gia cho hàng Tiểu Thừa.

Giới xuất gia

Giới Ðạo và Tục thông hành (Bồ Tát giới) cho hàng Ðại Thừa.

1. Giới tại gia. Giới tại gia là những giới dành cho những người chưa xuất gia trong hàng Tiểu Thừa, tức là những cận sự nam và cận sựĩ nữ (cư sĩ tại gia). Những người này có thể thọ trì từ một đến năm giới (Ngũ Giới) hay tám trai giới (bát quan trai).

2. Giới xuất gia. Xuất gia gồm có năm chúng: Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Các chũng này tùy theo sự tu hành thấp hay cao, nam hay nữ mà giữ giới nhiều hay ít:

Sa di và Sa di ni phải giữ 10 giới.

Thức xoa ma na ni phải giữ 6 điều giới và tập 296 hạnh giới.

Tỳ kheo phải giữ 250 giới

Tỳ kheo ni phải giữ 348 giới.

3. Giới đạo tục thông hành. Giới đạo tục thông hành chính là giới Bồ Tát. Ấy là giới mà Phật tử tại gia và xuất gia trong hàng Ðại Thừa phải thọ trì, sau khi đã phát tâm Bồ đề tu Bồ Tát hạnh để mở rộng bề làm Phật sự và hóa độ thế chúng sinh.

Phạm vi bài này chỉ nói về Ðại Thừa Bồ Tát giới và đây những giới mà người tu hạnh trì giới ba la mật cần phải biết và giữ cho đúng.

Bồ Tát giới gồm có:

Nhiếp luật nghi giới. Người thọ trì "Nhiếp luật nghi giới" là người quyết giữ đúng mười hai giới trọng và bốn mươi tám giới khinh, nghìa là quyết không làm một việc ác nào cả.

Nhiếp thiện pháp giới. Người thọ trì "nhiếp thiện pháp giới" là người quyết tâm làm tất cả các việc lành.

Nhiêu ích hữu tình giới. Người thọ trì giới này là người quyết tâm tu hạnh từ bi ,hỷ xả, làm tất cả những điều lợi ích cho tất cả chúng sinh, không một loài nào mà chẳng hóa độ.

III. Phải Trì Giới Như Thế Nào Mới Ðúng Chánh Pháp

Cũng như pháp tu bố thí nói ở bài trước; trì giới ba la mật cũng có hai cách: Trì giới sai chánh pháp và trì giới đúng chánh pháp, hay nói theo danh từ nhà Phật là: Trì giới chấp tướng và trì giới không chấp tướng.

1. Trì giới chấp tướng. Trì giới chấp tướng là trì giới mà chỉ có hình thức bên ngoài, chứ bên trong thì rất nhiễm ô. Chẳng hạn trì giới vì háo thắng để được người đời khen ngợi; trì giới với một tâm lý tự cao tự đại, cho mình hơn người, và khinh dễ người phàm giới; trì giới vì bị ép buộc, nên thiếu hoan hỷ mà sanh tâm buồn phiền, miễn cưỡng...Trì giới như thế là thiếu thành tâm, là giả dối, đánh lừa mình và người. Trì giới như thế chẳng ích lợi gì, chỉ thêm mất thời giờ và không phải là trì giới Ba la mật.

2. Trì giới không chấp tướng. Trì giới không chấp tướng là làm theo đúng vẹn toàn các điều răn cấm mà đức Phật đã chỉ dạy, không vì danh lợi, không vì háo thắng, không vì bị hoàn cảnh ép buộc mà làm.

Trong khi trì giới, hành giả không hề nghĩ mình giỏi hơn người, cũng không chấp nê theo giới luật, khinh dễ người phạm giới. Hành giả chỉ vì thuận theo đức tánh vốn không nhiễm trước mà làm điều lợi ích cho tất cả chúng sinh và nhìn nhận "trì giới" là bổn phận của mình không thể bỏ qua được. Trì giới như thế mới đúng là trì giới Ba la mật, công đức sẽ vô lượng vô biên.

IV. Công Ðức Trì Giới Ba La Mật

Như trên đã nói, trì giới Ba la mật có một hiệu lực rất lớn lao cho việc tu hành của người Phật tử. Phật tử thọ trì giới luật nghiêm trang thanh tịnh thì lúc hiện tiền tâm được thơ thới an vui, không có gì phải ân hận. Ðối với làng nước, hành giả được niềm nở kính nhường, nhất là đối với các tín đồ, lúc nào cũng được hoan hỷ, quý trọng. Trong kiếp vị lai, hành giat chắc chắn được chứng quả Bồ đề, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Nếu chúng ta đem so sánh pháp môn bố thí với trì giới Ba la mật, thì sẽ thấy phép trì giới hơn hẳn bố thí một bậc.

Người Phật tử có tài thí, pháp thí mà không có trì giới, thì không thể thành Phật được, vì người ấy vừa tạo phước và cũng vừa gây tội, do chỗ không trì giới, thành thử gây nghiệp thiện ác xen tạp, đâu được trọn lành mà mong chứng đến quả Thánh?

Trái lại, người Phật tử, nếu chỉ chăm chú nghiêm trì giới luật, thì chắc chắn sẽ thành Phật. Vì sao vậy? Vì trong lúc chuyên tâm trì giới là đã có tài thí và pháp thí hàm súc rồi:

Khi hành giả trì giới được thanh tịnh, thì tâm từ bi ,hỷ xả bủa khắp. Hễ họ thấy kẻ nào làm hạnh tài thí, pháp thí cho ai, thì liền sanh tâm hoan hỷ tán thành công đức, như thế tức là người ấy được một phần công đức "tùy hỷ bố thí".

Hơn nữa, khi hành giả thành thật chuyên trì giới luật, thực hành theo đúng lời Phật dạy, làm gương mẫu cho quần sinh bắt chước, tức là đã thí pháp bằng thân gáio. Cònd khi hành giả trì tụng giới luật cho nhập tâm thuần thục, cũng tức là thí pháp bằng khẩu giáo.

Xem như thế thì trì giới Ba la mật là một pháp môn rát thần diệu, có thể bao gồm cả bố thí lẫn trì giứoi, chắc chắn sẽ đưa hành giả đến bờ giải thoát.

C. Kết Luận

Giá trị và công năng của trì giới Ba la mật đã được chứng minh một cách rõ ràng, chúng ta không còn nghi ngờ điều gì nữa. Giờ đây chúng ta còn một quyết định dứt khoát là phát tâm dõng mãnh trì giới Ba la mật.

Sự tu chỉ cốt ở thực hành. Dù thông minh tài trí đén đâu, du thâm hiểu giáo lý đến đau, mà không thực hành, thì cũng vô ích. Chúng ta đừng nên quên rằng chữ "hành" thường đi theo chữ "học" và chữ "tu" (học hành, tu hành). Ðạo Nho cũng có câu: "học nhi thời tập chi". Ðạo Phật lại dạy một cách mạnh mẽ hơn: "tu mà không học là tu mù; học mà không tu là cái đảy sách". Nhất là khi đã mang danh Phật tử, đã thọ giới mà không giữ giới, thì chẳng khác gì đem giới luật của Phật ra mà phỉ báng và làm trò cười cho thế nhân.

Vậy chúng tôi xin khuyên quí Phật tử, sau khi đã nhận chân giá trị cao quí và lợi ích lớn lao của pháp môn trì giới Ba la mật, hãy mau mau phát tâm rộng lớn tu hành trì giới này, để chóng thoát vòng sinh tử khổ đau.

---*^*---

--- o0o ---

Trình bày :Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Tâm Diệu đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này
( Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)

--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/11/2020(Xem: 14783)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
13/03/2020(Xem: 20017)
Quyển "The Buddha and His Teachings" (Đức Phật và Phật Pháp) được ấn hành tại Sài gòn năm 1964 nhờ sự phát tâm bố thí của liệt vị Phật tử Việt Nam. Đạo hữu Phạm Kim Khánh, pháp danh Sunanda, đã dày công phiên dịch thiên khái luận nhỏ bé này ra tiếng mẹ đẻ với mục đích đáp lại phần nào lòng mong ước của những ai muốn hiểu Đức Phật và giáo lý của Ngài. Công đức này được hàng Phật tử Việt Nam ghi nhận. Trong hiện tình, nước Việt Nam không mấy được yên ổn. Bao nhiêu người đang đau khổ, về vật chất cũng như tinh thần. Không khí căng thẳng này quả không thích hợp với việc làm có tánh cách tinh thần và đạo đức
11/10/2018(Xem: 8113)
Khi chúng ta đã muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn trút bỏ tội lỗi cho lòng được nhẹ nhàng, thư thái, thì tất nhiên chúng ta phải tìm phương pháp để trừ cho hết buị bặm, tẩy trừ cho hết tội lỗi. Trong Đạo Phật, phương pháp tẩy trừ ấy gọi là sám hối.
29/09/2018(Xem: 9643)
Thái tử Siddhãrtha Gautama (Pãli) hay Siddhattha Gotama (Sanskrist) hoặc Sĩ-Đạt-Ta (Tất-Đạt-Đa) Cồ-Đàm, sau khi thành đạo được các Phật tử tôn kính xem Ngài là một bậc đạo sư vĩ đại, vì Ngài là người đã giác ngộ viên mãn, là người tự biết mình thực sự thoát khỏi vòng quay luân hồi sinh tử, là người hiểu rõ được nguyên tắc vận hành khách quan của hiện tượng thế gian. Sau đó truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người hữu duyên không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dạy họ phương pháp tu tập chấm dứt khổ đau phiền não trong cuộc sống thế gian, hầu kinh nghiệm được hạnh phúc tối thượng.
15/12/2017(Xem: 87730)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 138019)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
22/12/2016(Xem: 28669)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
20/12/2016(Xem: 15635)
Đức Phật xuất hiện ở đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người. Sau 49 năm thuyết pháp, độ sinh, ngài đã để lại cho chúng ta vô số pháp môn tu tập tùy theo căn cơ của mỗi người nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau, mang lại hạnh phúc an vui, giải thoát, niết bàn. Chỉ xét riêng thánh quả Dự Lưu (Tu Đà Hườn), trong kinh điển Nikaya (Pali) Thế Tôn và ngài Xá Lợi Phất chỉ ra hơn năm cách[i] khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở trường của hành giả xuất gia cũng như tại gia để chứng đắc thánh quả đầu tiên này trong bốn thánh quả. Trong những cách này, cách dễ nhất, căn bản nhất, phổ quát nhất và hợp với đại đa số chúng đệ tử nhất
13/11/2016(Xem: 9920)
Khi bàn về Phật giáo, học giả Lương Khải Siêu đã nói: “Phật giáo là trí tín, không phải mê tín, là kiêm thiện chứ không phải độc thiện, là nhập thế chứ không phải yếm thế”. Lương Khải Siêu tiên sinh bác cổ thông kim, học thông cả cổ Trung và Tây phương, giữ một địa vị khả kính trong giới học giả. Lời nói của ông phải có căn cứ trên phương diện học lý. Thế thì căn cứ ấy là gì? Lẽ dĩ nhiên là ở trong Tam tạng giáo điển của đạo Phật. Vì mục đích của Phật Pháp là mong con người chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, và chuyển phàm thành Thánh chứ không gì khác.
09/04/2016(Xem: 16541)
Đôi lời về Xá Lợi Phật_Lạt Ma Zopa Rinpoche_Hồng Như dịch, Bảo Tháp thờ Xá Phật còn sót lại ở Thành Tỳ Xá Ly, Ấn Độ (hình phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ của Tu Viện Quảng Đức tháng 11-2006)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]