Thời xưa, khi mới bắt đầu tu tập, tôi rất muốn tụng kinh và đi hỏi xem nên tụng cuốn nào. Được khuyên bảo và tôi mua cuốn “Chư kinh nhật tụng”. Thầy chùa bảo, cứ tụng đi, tụng hàng ngày.
Tôi về nhà, thắp hương, lễ Phật và bắt đầu tụng. Đối với tôi, một cậu thanh niên tuổi còn trẻ, mới học Phật, việc đọc tụng kinh này vô cùng khó. Tuy nhiên nghe lời nhà sư, tôi quyết tâm tụng cho hết quyển kinh. Quyết mỗi ngày quyết đọc tụng 10 trang. Khó, chán đến đâu cũng quyết tụng. Vậy mà có ngày chỉ tụng nổi 3 trang. Quả thật kinh Phật bằng chữ hán rất khó tụng, lại hầu như không hiểu gì cả nên dù là người có quyết tâm cao nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch.
Tôi vào vài chùa khác ở Hà Nội hỏi xin thỉnh hay mua kinh về tụng. Vẫn được giới thiệu cuốn kinh duy nhất này. Để rồi tôi có trong nhà đến mấy cuốn.
Cuối cùng thì tôi cũng tụng xong toàn bộ cuốn kinh một lượt. Nói thật lòng là tụng xong thấy hơi nặng nề. Một phần vì không hiểu được bao nhiêu sau khi tụng, phần khác bởi các kinh trong này có vẻ không hợp lắm với mình. Nào là kinh A Di Đà để cầu vãng sinh tịnh độ sau khi chết, nào là Diệu pháp liên hoa phẩm phổ môn, rồi đại bi sám pháp, sau đó là kinh Dược sư cho người ốm đau bệnh tật, và cuối cùng là kinh Địa tạng cho người hấp hối và đã chết và kinh Kim cương. Các thầy dặn kỹ giá trị mỗi kinh để tôi tụng, dù rằng không hiểu. Tôi xin cam kết rằng, phần lớn người trẻ đọc tụng toàn bộ “Chư kinh nhật tụng” bằng chữ hán này đều rất khó khăn và dễ nản.
Tuy nhiên tôi được các nhà sư Hà Nội nói về công đức tụng kinh, niệm Phật, trì chú, lễ Phật nên tôi vẫn quyết chăm chỉ tụng hết cuốn “Chư kinh nhật tụng” lần thứ 2. Để rồi vẫn không hiểu mấy về kinh Phật, và rằng thấy sao kinh Phật phứ tạp thế.
Tôi cũng mạn phép xin được tha tội khi nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Rằng tại sao mình không có kinh tụng hàng ngày bằng chữ Việt, tiếng Việt. Tôi không hiểu nguyên nhân ở đâu. Hay bởi các sư và các quý thầy học tiến Hán, giỏi tiếng tàu nên nghĩ ai cũng phải tụng bằng tiếng Hán. Có lúc tôi còn nghĩ chắc các tổ ngày xưa là người Trung Quốc nên phải tụng bằng tiếng hán để các tổ hiểu và phù hộ độ trì?
Sau này tôi tìm kinh do hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Tuy nhiên để kiếm được trọn vẹn một bộ kinh đầy đủ là vô cùng khó. Tôi nhận ra rằng, gốc căn bản của người học Phật phải là bộ kinh Nykaya. Phải đọc tụng bộ Nykaya để có căn bản, để tu có gốc. Bởi mình là người tri thức phải hiểu rõ lời Phật dạy để thực hành chứ đâu có phải tụng đọc kinh như đọc chú.
Thế rồi may mắn tôi có trong tay bản “Nhật tụng thiền môn” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây là bản kinh mà chúng ta có thể tụng mỗi ngày. Trong cuốn này, thiền sư hướng dẫn rất rõ cách tụng, thậm chí lại có đầy đủ các bài dâng dương cúng Phật, rồi xưng tán công đức Phật. Tôi thích nhất là 100% các kinh được Việt Hóa và mỗi thời đều có một đến 2 kinh để tụng, ngày 2 thời sáng và tối. Thời lượng tụng kinh cũng chỉ quãng hơn nửa tiếng. Nếu thêm ngồi thiền thì nếu dành ra một tiếng cho buổi sáng và một tiếng cho buổi tối thì rất tuyệt vời.
Điểm tôi muốn nhấn mạnh nữa trong cuốn “Nhật tụng thiền môn” là các bài kinh được thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn khá kỹ và rất hợp với tuổi trẻ, nhất là giới tri thức như chúng tôi. Như chúng ta đã biết, kinh Phật nói ra rất nhiều. Đó là những gì Ngài giảng trong suốt 45 năm nên làm sao mà đọc tụng hết được. Tôi hiểu rằng đức Phật tùy căn cơ của từng người hay nhóm người nghe mà có bài thuyết riêng. Giống như bác sỹ, khám mỗi người hay nhóm bệnh nhân khác nhau thì cho các loại thuốc khác nhau. Chúng ta sơ cơ biết đọc kinh nào, biết tụng kinh gì, biết chọn kinh gì mà ứng dụng.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến câu chuyện của một trong 10 đại đệ tử của đức Phật đã chọn 2 bài kinh hình như là quán xác chết và quán niệm hơi thở cho 2 vị Phật tử là người coi nghĩa trang và người thợ mộc. Sau một thời gian dài tu tập đều không có kết quả, ngài Xá Lợi Phất mới bạch Phật. Phật nói nên đổi 2 bài kinh đó của 2 người cho nhau. Quả nhiên, ngay sau đó có kết quả liền.
Cuốn “Nhật tụng thiền môn” rất có ý nghĩa, rất dễ hiểu, dễ ứng dụng mang tính thực tiễn rất cao và dành cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, kinh này hợp nhất cho người trẻ, doanh nhân, trí thức và những người bận rộn. Tuy nhiên trong cuốn này thiền sư Thích Nhất Hạnh lại thay từ Phật bằng từ Bụt, đôi khi sẽ làm cho những ai quen dùng từ Phật thấy vương vướng, hơi trái thói quen lâu đời.
Tôi cũng được một em học trò tặng cho cuốn “Kinh Phật cho người tại gia” của Thượng tọa Thích Nhật Từ. Theo tôi được biết đây là người thứ 2 đã Việt hóa kinh tụng hàng ngày để thuận tiện cho người Việt. Tôi nhắc lại là để tụng hành ngày chứ không phải để đọc và nghiên cứu, bởi Hòa thượng Thích Minh Châu (người thầy lớn và vô cùng đáng kính mà tôi hay tự gọi là đường tăng của Việt Nam) đã cất công dịch rất tuyệt vời từ tiếng Pali ra tiếng Việt rồi. Tôi đọc cuốn của thầy Nhật Từ cũng thấy rất thích. Tuy nhiên cuốn này dày quá (tận 900 trang) nên hơi ngại cho mang đi xa và việc chọn kinh tụng cho mỗi ngày.
Tôi cũng là người đi nhiều, trong đó có vài chuyến đi Trung Quốc theo các chương trình Phật Pháp. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng chùa Việt Nam copy từ chùa Trung quốc. Phần lớn các nét chính của chùa Việt Nam vẫn giống chùa Trung Quốc và nếu là người nước ngoài (thậm chí cả người Việt Nam ta mà không nghiên cứu kỹ) vẫn khó phân biệt chùa ta với chùa tàu. Tôi lại bạo gan và mạo muội trong si mê nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam giống Phật giáo Trung Quốc quá! Rồi tự nghĩ , nên chăng chúng ta cần xây chùa mới, từ nay trở đi, hoàn toàn Việt Nam. Từ nay ta chỉ xây chùa hoàn tòa Việt Nam, 100% Việt Nam. Ngay cả các chữ trong chùa mới xây cũng nên là tiếng Việt.
Quay lại câu chuyện về kinh tụng hàng ngày, vào mỗi sáng tối, ít nhất là cho Phật tử tại gia, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên thống nhất 1 bản kinh để tất cả cùng biết và cùng tụng. Tôi nhấn mạnh rằng cần Việt hóa hoàn toàn để ai cũng hiểu và thực hành lời dạy của đức Phật, tránh nhiều người biến việc tụng đọc kinh thành tín ngưỡng, và chỉ là tín ngưỡng.
Một tin vui cho những ai muốn nghiên cứu Phật giáo: bộ kinh Nykaya bằng tiếng Việt đầy đủ đang được in bởi một nhóm Phật tử tín tâm. Cuối tháng 6 này in xong. Như vậy những ai thật sự muốn có bộ kinh qý giá này sẽ không phải mất công tìm khắp các nhà sách trên cả nước nữa. Tôi là dân làm xuất bản mà còn chẳng tìm nổi một bộ đầy đủ cho mình nói chi đến mọi người, nhất là các bạn trẻ và những người ở xa.
Nguyện mong sớm có bản kinh tụng hàng ngày hoàn toàn bằng tiếng Việt.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty sách Thái Hà